Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

Bầy kiến đi coi cá thu

BẦY KIẾN ĐI COI CÁ THU
 
 

     Một bầy kiến đỏ đi đến bên bờ biển để coi con cá thu lớn. Đứng đợi bên bờ biển đã hơn một tháng mà không thấy cá thu lớn nổi lên, có một vài con kiến không chịu nỗi, chuẩn bị trở về.

     Lúc ấy đột nhiên một trận sóng to gió lớn, khắp nơi đều run lên, lũ kiến nói:

-“Chút xíu nữa cá thu lớn sẽ xuất hiện”.

     Lại qua mấy ngày, gió lặng sóng im, cá thu lớn quả nhiên từ trong biển thấp thoáng nổi lên, trên đầu nó mang một đỉnh núi cao, cao tới trong mây trời, từ từ bơi về hướng tây. Bầy kiến nhìn thấy cảnh này, đều năm mồm bảy miệng bắt đầu bàn bạc, có con nói:“Đỉnh núi cao trên đầu cá thu lớn và hột cát trên đầu chúng ta có gì khác nhau ?”-

Có con lại nói:“Chúng ta ở trên một gò đất trong cửa động, tự do tự tại vui chơi, trời tối thì vào trong động ngủ, chúng ta và cá thu mỗi dáng mỗi vẻ, mắc mớ gì mà phải đi xa như thế này, thân thể mệt nhọc để đến nhìn nó chứ ?”
(Phù tử)

Suy tư:

     Người xưa nói: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Nhưng có những người thời nay “đi hai mươi năm” ngày đàng, một chữ khôn học cũng không xong.

Tôi có người quen định cư ở nước ngoài, khi về thăm lại quê hương thì mất đi phép lịch sự căn bản là chào hỏi. “Chào hỏi” theo đại từ điển tiếng Việt có nghĩa là chào hỏi bằng lời nói, hỏi han nói chung. Người quen của tôi khi về lại quê hương thì không biết chào hỏi ai cả, ngay cả bà dì ruột duy nhất còn “sót lại” ở trần gian sát ngay bên cạnh nhà, cũng không hề thấy đứa cháu đi qua hỏi thăm “mày tao” một tiếng, khác với hồi trước khi còn ở nhà luôn đi qua thăm hỏi.

     Chào hỏi là một hành vi, không những biểu lộ phép lịch sự, mà còn bày tỏ thái độ thân tình giữa người với người. Người Mỹ, người Pháp hay bất cứ người nào chăng nữa, cũng đều rất coi trọng lời chào hỏi, ở một nước văn minh  gần hai mươi năm trời mà không học được sự văn minh của người ta, thì chỉ “đi một ngày đàng” làm sao mà học được chứ ?

     Đức Chúa Giê-su là người rất thân tình và rất lịch sự, sau khi sống lại hiện ra với các tông đồ, lời nói đầu tiên của Ngài là: “Bình an cho anh em”[1], một lời chào hỏi đem lại niềm an vui cho các tông đồ và củng cố lòng tin cho các ông.

     Đi mà không học, thì giống như bầy kiến đi coi cá thu lớn, chỉ biết đem cái dở của mình đi so sánh với cái hay của người khác, đem cái nhỏ của mình đi so sánh với cái to lớn của người khác, thì làm sao mà có “một sàng khôn” được..

     Một lời chào hỏi là một sàng khôn của tôi, bởi vì nó có thể xoá tan ngờ vực, xoá bỏ hận thù và thâu ngắn khoảng cách xa lạ giữa người với nhau.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư



[1] Lời Chúa 24, 36.