Thứ Ba, 18 tháng 2, 2014

Chết cũng không bỏ tiền


CHẾT CŨNG KHÔNG BỎ TIỀN
Người Vĩnh Châu rất giỏi về bơi lội.
Ngày nọ nước trong sông dâng cao, có năm mươi sáu người ngồi trên chiếc thuyền nhỏ vựơt qua sông Tương rất rộng, khi thuyền vừa đến giữa lòng sông liền bị lật, ai ai cũng nhôn nhao bơi để giữ lấy mạng sống.
Có một người bơi thục mạng nhưng cũng không bơi được là bao nhiêu, bạn hữu rất lấy làm kỳ cục liền hỏi:
-         “Anh bơi lội của anh rất khá, tại sao hôm nay bơi sau chót vậy ?”
Anh ta thở hổn hển nói:
-         “Tôi mang trong người một ngàn đồng tiền, số lượng rất nặng, cho nên bơi không nổi”.
Bạn bè khuyên anh ta mau vứt bỏ nó, anh ta lắc lắc đầu không chịu. Một lúc sau, sức lực anh ta càng kiệt quệ, những ngừơi lên bờ trước nói như thét với anh ta:
-         “Anh thật là quá hồ đồ, anh thật là quá cứng đầu cứng cổ, nhân mã sắp chết chìm đến nơi, còn cần tiền làm gì nữa chứ ?”
Anh ta lại lắc đầu, nhanh như chớp, một ngọn sóng lớn ập tới nuốt chửng anh ta.
                                   (Liễu Hà Đông tập)

Suy tư:
     Người ta thường nói “sinh nghề tử nghiệp” nghĩa là sống nghề nào thì chết về nghề ấy.
     Người giỏi về nghề điện thì bị điện giựt chết, người giỏi về nhào lộn thì chết vì nhào lộn, người giỏi bơi lội thì chết nước.v.v... trong những cái chết này, xác suất cao nhất chính là sự rủi ro, hay nói cách khác là không ai học được chữ ngờ.
“Nghề” của linh mục và các tu sĩ nam nữ là cầu nguyện, cái nghề rất ư là đặc biệt so với các nghề khác ở trần gian, cho nên cái “chết” của nó cũng rất là khác với mọi người.
Nó không phải rủi ro mà chết, cũng không phải không cẩn thận mà chết, nhưng là vì đời sống vật chất xa hoa đã làm ngộp thở đi sự cầu nguyện của các linh mục và tu sĩ, nó đã làm cho đời sống tâm linh của các ngài ra nặng nề, và lúc đó thì các ngài  cảm thấy “đã thỏa mãn và hưởng thụ với những gì mình có” mà chết, khi một linh mục , tu sĩ nam nữ đã thỏa mãn hưởng thụ là dấu hiệu “tử nghiệp” đã đến, bởi vì lúc ấy lời cầu nguyện của họ sẽ không còn sức sống như trước, lời cầu nguyện của họ như “tiếng phèng la rổng tuếch” xa lạ vang lên bên tai giáo dân, thay vì làm họ cảm động vì Lời Chúa, thì lại khiến cho họ xa rời Chúa hơn. Các ngài đã “chết”, vì giáo dân không còn thấy nơi họ một sự sốt sắng vì Chúa và vì Giáo Hội, các ngài đã “chết” cho nên giáo dân không còn thấy sinh khí sống động, không thấy lửa yêu mến Chúa cách nhiệt thành nơi con người của các ngài nữa.
“Lạy Đức Chúa Giê-su,
Là một linh mục của Chúa, có những lúc con cảm thấy cầu nguyện như là một gánh nặng, bởi vì còn rất nhiều việc mà con phải làm đã chiếm mất nhiều thời giờ của con, chẳng hạn như con còn phải giải trí đôi chút, con còn phải tán ngẩu với bạn bè, con còn phải lướt trên mạng, con còn phải coi một cuốn phim hay mới xuất xưởng, con còn phải lái thử chiếc xe mới mua cáo cạnh.v.v... và như thế cũng đồng nghĩa là con sẽ “tử nghiệp” trong thiên chức linh mục của mình.

Xin Chúa nhắc nhở con biết tỉnh thức và cầu nguyện trước những cám dỗ vật chất...”

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư