Thứ Ba, 31 tháng 3, 2015

Thứ Tư Tuần Thánh



THỨ TƯ TUẦN THÁNH

Giu-đa Is-ca-ri-ot đã phản bội thầy mình là Đức Chúa Giê-su, và đồng thời cũng đã phản bội bạn bè của mình là các tông đồ khi ông vì ham tiền mà đã bán Chúa. Một kinh nghiệm đau thương cho những người bị phản bội, một đau buồn cho những người -vì yêu thương vô vị lợi- mà không lên án xét xử kẻ phản bội.

Hôm nay, Đức Chúa Giê-su mời gọi chúng ta hãy trở nên người bạn trung thành của Ngài, để bù đắp những đau khổ do Giu-đa Is-ca-ri-ot gây ra trong tâm hồn của Ngài.

1-  Đức Chúa Giê-su mời gọi tôi làm bạn của Ngài.
“Nếu hôm nay anh em nghe tiếng Chúa thì chớ cứng lòng”.

Đức Chúa Giê-su đang nói với chúng ta, cách kêu gọi của Chúa khác hẳn với cách kêu gọi của loài người, mỗi người được Chúa kêu gọi cách khác nhau. Khi kêu gọi chúng ta Ngài không hứa sẽ đưa chúng ta đến cuộc sống an nhàn hay sung túc ở đời này, nhưng là hứa đưa chúng ta đến đời sống vĩnh cữu với Cha trên trời. Đức Chúa Giê-su đã để mắt đến chúng ta, khi thánh Luca đã cho chúng ta thấy có một chàng thanh niên đến hỏi Ngài về sự sống đời đời (Lc 18, 18-23)

Đức Chúa Giê-su mời gọi chúng ta trở nên bạn của Ngài: “Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền cho”. Ngài không gọi chúng ta là những tôi tớ, nhưng là bạn hữu, mà đã là bạn hữu thì được thông phần với bạn của mình. Ngài gọi chúng ta là bạn, vì :
-    Ngài yêu thương chúng ta, Ngài muốn chúng ta kiên vững tin vào Ngài, Ngài yêu thưong chúng ta, tìm kiếm chúng ta như tìm con chiên lạc.
-    Ngài đã làm người, đã hạ mình hết mức, đã giang rộng cánh tay để đón nhận chúng ta.

Ngài đã muốn hiện diện bên chúng ta, sát chúng ta, chúng ta không thấy Ngài nhưng Ngài vẫn có đó, đợi chờ và yêu thương tôi, như lời Ngài đã nói với thánh Tô-ma: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin, nhưng phúc thay những người không thấy mà tin. ”Đức Chúa Giê-su vẫn ở mãi với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế trong bí tích Thánh Thể.

2. Câu trả lời của tôi.
Nếu Đức Chúa Giê-su ở trong tôi thì tôi phải làm gì ?
a.  Đó là sự kết hợp với tinh thần của Chúa.
Bằng cách : không phạm tội trọng, không quay lưng với Ngài, luôn luôn lịch sự với Ngài, và năng chuyện trò với Ngài.
- Tôi phải cố gắng tìm hiểu Ngài thích gì, cần gì nơi tôi: đó là sự nguyện ngắm và yêu thương kết hợp với Ngài.
b.  Kết hợp với hy sinh.
Bằng cách : từ bỏ ý riêng của mình, tức là đánh (cái) tôi, đánh ngã (cái) tôi và đánh chết (cái) tôi, đó là ba bứơc để trở nên người bạn thân thiết của Đức Chúa Giê-su.
3. Suy niệm.

A.   Kết hợp với tinh thần của Chúa.
Tinh thần của Đức Chúa Giê-su mà chúng ta thấy rõ nhất khi Ngài cầu nguyện trong vườn Cây Dầu, đó chính là tinh thần phó thác khi Ngài đang bị cơn đau khổ hành hạ, không phải nơi thân xác, nhưng là trong tâm hồn. Ngài đã phó thác trọn vẹn trong thánh ý của Cha: “Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha”, phó thác là một hành vi, một sự tin tưởng tuyệt đối vào Đấng toàn năng, là Đấng có quyền cho và có quyền lấy lại...

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta rất dễ dàng kết hợp với Chúa khi chúng ta đau khổ, khi chúng ta gặp bất hạnh và chán chường, bởi vì -xét cho cùng- đau khổ chính là phương tiện mà Thiên Chúa đã dùng để tôi luyện tinh thần phó thác của chúng ta, Đức Chúa Giê-su trong thân phận con người cũng không thoát khỏi sự thử thách ấy...

Để trở nên người bạn trung thành với Đức Chúa Giê-su, chúng ta phải có tinh thần của Ngài là tinh thần phó thác. Trong cơn hoạn nạn mới biết ai là bạn thân thiết, phó thác không có nghĩa là khoán trắng, nhưng phó thác với tình yêu và tin tưởng, đó chính là tinh thần phó thác đích thực của Đức Chúa Giê-su trong vườn Cây Dầu.

B.   Kết hợp với hy sinh
Hy sinh tức là chịu mình thua thiệt, hy sinh tức là quên mình đi mà chỉ có tha nhân. Đức Chúa Giê-su đã làm như thế khi tự huỷ mình ra không để trở nên con người như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi, nơi Ngài chỉ có việc hy sinh vì con người là chính, và vì thế Ngài đã chết đi.

Có ba bước để đánh (cái) tôi, tức là hy sinh:
1.   Đánh tôi.
2.   Đánh ngã tôi.
3.   Đánh chết tôi.

Hy sinh cũng là từ bỏ ý riêng của mình, ý riêng chính là cái tôi.
“Đánh tôi” tức là đánh cho cái tôi của mình không còn chiều theo tính xác thịt nữa, tính xác thịt tức là lòng tham sân si mà mỗi ngày ma quỷ luôn dùng như một khí cụ để cám dỗ chúng ta. Cái tôi, chúng ta đánh nó nhưng nếu không quyết tâm đánh thì nó lại ngóc đầu lên và càng kiêu ngạo thêm, do đó bước thứ hai phải là đánh ngã tôi.

“Đánh ngã tôi” tức là đánh phủ đầu bằng những việc hãm mình dẹp xác, bằng lời cầu nguyện liên lĩ, bằng sự chay tịnh và lãnh nhận các bí tích, lúc đó cái tôi sẽ không còn có hội đứng lên nữa mà phải đánh cho nó ngã. Nhưng ngã mà thôi thì cũng chưa đủ, bởi vì khi chúng ta té ngã thì chúng ta có thể lồm cồm đứng dậy, dù đứng dậy nghiêng ngã, cái tôi cũng vậy, nếu đánh nó ngã rồi thì nó cũng sẽ còn chỗi dậy, do đó, bước thứ ba phải là “đánh chết tôi.”

“Đánh chết tôi” rồi thì sẽ trở nên gần giống Đức Chúa Giê-su hơn, chết thì không thể đứng dậy, chết thì không thể còn ham muốn, nhưng bất động, thiêu huỷ và mất đi. Cái tôi của chúng ta cũng vậy cần phải đánh chết nó, nó mới không còn bò dậy để làm cho chúng ta sống trong cái tôi dục vọng của mình nữa. Đức Chúa Giê-su chỉ một bứơc mà Ngài đã đánh chết cái tôi của mình, một bước đó chính là yêu thương và vâng phục thánh ý của Cha, Ngài vì yêu thương Cha và yêu thương nhân loại tội lỗi nên đã quyết tâm đánh chết cái tôi của mình khi Ngài thưa với Chúa Cha: “...nhưng đừng xin theo ý con, mà xin theo ý Cha” .

“Đánh chết tôi” để trở nên người bạn đồng hình đồng dạng với Đức Chúa Giê-su đau khổ, chết và phục sinh; đánh chết tôi để mỗi người trong chúng ta trở nên tạo vật mới trong ân sủng của Thiên Chúa nhờ Đức Chúa Giê-su, Đấng mời gọi chúng ta, hết thảy, trở nên bạn thiết nghĩa của Ngài...

3.   Cầu nguyện

Lạy Đức Chúa Giê-su,
Chúa đã mời gọi chúng con trở nên những người bạn thân thiết với Chúa, Chúa đã trở nên quá gần gủi với con người của chúng con khi giáng sinh nơi hang đá Bê-lem, và Chúa đã bày tỏ cho chúng con thấy tình yêu của Chúa đã dành cho chúng con quá đổi, khi Chúa đã chấp nhận chịu chết, thí mạng sống cho người mình yêu -là nhân loại tội lỗi- trên thập giá giữa đồi Cal-vê.


Xin Chúa ban cho chúng con, không chỉ trở nên bạn của Chúa trong những ngày của Tuần Thánh này, mà là mỗi giây phút trong cuộc đời của chúng con. Amen

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.