Thứ Bảy, 16 tháng 12, 2023

Chúa nhật 3 mùa vọng

 


CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG


Tin Mừng: Ga 1, 6-8; 19-28
“Có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết”.

Anh chị em thân mến,
Sự thật vẫn luôn là sự thật, dù cho chúng ta chối bỏ nó, tẩy chay nó, thì nó vẫn là sự thật. Thánh Gioan Tiền Hô đến để làm chứng cho sự thật, sự thật mà thánh Gioan Tiền Hô làm chứng, không phải là một sự thật như nhiều người hiểu là sự thật của việc phải hay việc trái. Chứng của thánh Gioan Tiền Hô là sự thật, khi ông nói: "Tôi không phải là Đấng mà anh chị em trông đợi, tôi không phải là Đấng mà các tiên tri đã loan báo là sẽ đến, nhưng là người khác, người này đến sau tôi, nhưng có trước tôi, tôi, ngay cả cởi dây giày cho Ngài cũng không xứng". Đó là sự thật, sự thật đã được loan báo từ ngàn xưa, sự thật một trăm phần trăm, Đấng ấy là Mê-si-a, là Đấng Cứu Thế, là Thiên Chúa làm người, Ngài chính là Đức Chúa Giê-su Ki-tô.
Làm chứng, đó là trách nhiệm của người chứng kiến từ đầu đến cuối một sự việc; làm chứng là nói sự thật mình đã thấy, đã tin và đã sống. Trách nhiệm của thánh Gioan Tiền hô là làm chứng cho Đức Chúa Giê-su, trách nhiệm của ông đã hoàn tất khi Đức Chúa Giê-su xuất hiện công khai, và ông đi vào bóng tối của ngục tù, và cuối cùng chết cho sự thật.
Làm chứng, đó cũng là trách nhiệm của chúng ta –người Ki-tô hữu- hay nói cách khác, trách nhiệm của thánh Gioan Tiền hô ngày hôm nay được trao lại cho chúng ta, những người đã tin và đã sống cho niềm tin của mình vào Đức Chúa Ki-tô, chúng ta làm chứng rằng: có một Thiên Chúa, vì yêu thương nhân loại mà giáng sinh làm con người như chúng ta, đang ở giữa chúng ta, đã sống đã chết và đã sống lại hiển vinh, tất cả vì yêu thương chúng ta, đó là sự thật mà chúng ta đã, đang rao giảng và làm chứng giữa một xã hội vật chất và hoài nghi này.
Lời chứng này không những chúng ta vui mừng loan báo cho mọi người biết, chia sẻ cho mọi người biết bằng miệng lưỡi của mình, nhưng tuyệt vời hơn và hiệu quả hơn đó là làm chứng bằng chính cuộc sống của chúng ta là hy sinh, khiêm tốn và phục vụ trong yêu thương của Đức Chúa Giê-su.
Không một lời chứng nào mạnh mẽ và hữu hiệu cho bằng lấy chính đời sống của mình để làm chứng. Thánh Gioan Tiền Hô đã rơi đầu vì làm chứng cho sự thật; các thánh tông đồ đã tan xương nát thịt vì làm chứng cho niềm tin của mình, các thánh tử đạo cũng như thế, thà chết chứ không phản bội sự thật để làm chứng cho niềm tin của mình vào Đức Chúa Ki-tô, Đấng mà ông Gioan Tiền Hô đã không mắc cỡ khi ông tự hạ mình xuống trước công chúng và tuyên bố: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian.”
Ngày hôm nay, lời chứng cần phải được thể hiện mạnh mẽ hơn nữa, bởi vì nhân loại đang sống trong “văn hóa sự chết” của sự hưởng thụ, họ không biết và không nhìn thấy một sự thật sẽ đến, đó là Đấng Mê-si-a sẽ đến lại lần thứ hai trong vinh quang. Người Ki-tô hữu hiểu điều đó hơn ai hết, cho nên chính chúng ta cần phải lấy chính đời sống của mình để làm chứng cho mọi người biết rằng: Đấng sẽ đến và đang đến không ai xa lạ chính là Đức Chúa Giê-su trong hang lừa máng cỏ năm xưa ở Bê-lem, và cũng là Đấng đã chết trên đồi Can-vê thảm sầu năm nọ.
Nhưng hôm nay, Ngài không đến trong hang lừa máng cỏ ở Bê-lem và Ngài cũng không còn chết ở đồi Can-vê nữa, nhưng Ngài đang đến nơi em bé không nhà cửa, Ngài đang đến nơi người già neo đơn tay chân run rẩy đang chờ chúng ta giúp đỡ, Ngài đang chết dần chết mòn trong những trại tập trung, trong những nơi u tối của xã hội, Ngài đang chết dần mòn trong những trại cai ma tuý cô đơn không đủ phương tiện chăm sóc...
Làm chứng là mạnh dạn nói lên sự thật mà không mắc cỡ rằng: tôi vẫn còn những khuyết điểm cần phải sửa chữa, tôi cần phải học hỏi nơi anh chị em nhiều điều, tôi cần phải trở nên người tốt hơn, đó chính là làm chứng cho niềm tin của mình vậy.
Anh chị em thân mến,
Chúa nhật III mùa vọng là Chúa Nhật của hy vọng, hy vọng vào Đấng sẽ đến sẽ mang lại hạnh phúc cho chúng ta, nhưng muốn được như vậy, chúng ta cần phải đem hy vọng của niềm tin của chúng ta cho người anh em chúng ta trước, hy vọng và ước mơ của họ rất đơn sơ, chúng ta rất dễ đáp ứng: họ hy vọng đêm nay có chén cơm ăn cho khỏi đói, họ hy vọng ngày mai có một cái áo mới cho con cái họ mừng lễ Giáng Sinh, họ hy vọng ai đó cho họ một nụ cười thông cảm sau những giây phút lỡ lầm.v.v... đó cũng là hy vọng của chính thánh cả Giu-se và Đức Mẹ Ma-ri-a ngày xưa khi hai ngài đi tìm nhà trọ để sinh hạ Đấng Cứu Thế là Đức Chúa Giê-su, nhưng không có một ai giúp đỡ để cho các ngài trú tạm qua đêm trong nhà mình...
Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
-----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info

Thứ Sáu, 15 tháng 12, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


56.      TÓC BẠC RÂU BẠC

Cố thái bộc đang thọ tang tại gia, bi thương khác thường đến nỗi tóc râu đều bạc trắng, quy định để tang chưa đến kỳ hết thì vội vàng lên kinh để nhậm chức.

Trước khi lên đường ông ta nhuộm đen râu tóc, có người nhìn thấy thì cười nói:

-      “Râu tóc cũng giống như ngài mới đi nhậm chức ấy !”

                                           (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 56 :

Người có trách nhiệm là người biết phân biệt chuyện tư và chuyện công là hai chuyện riêng rẻ không ăn nhằm gì với nhau…

Nhà có tang chế buồn bã đau thương nên tóc râu bạc trắng là chuyện riêng, đi lên kinh thành nhậm chức là chuyện công, cho  nên phải ăn mặc chỉnh tề râu tóc nhuộm đen nghiêm chỉnh, để không ai biết mình là người trong nhà đang có tang chế.

Thời nay có những người đem chuyện riêng quàn vào chuyện công để rút bòn, ăn chặn tiền bạc của cơ quan hay của tập thể cũng như trong cộng đoàn giáo xứ, dòng tu, những người này đều có đầu óc tham lam nên coi chuyện riêng của mình là chuyện của cơ quan đoàn thể; thời nay cũng có những người coi chuyện công là chuyện “của chùa” nên làm ăn bê bối vô trách nhiệm, họ là những người không có tinh thần nhiệt tình trong công tác và trễ nãi trong nhiệm vụ…

Tang chế là việc của riêng mình và nhậm chức là việc công, cho nên đừng đem bộ mặt ủ rủ đến công sở làm việc, cũng đừng đem bộ mặt đám ma đến nhà thờ, bởi vì như thế là đánh mất tám giờ làm việc vui vẻ của người bên cạnh, đó là người có ý thức cao về việc mình làm vậy.

Việc riêng của người Ki-tô hữu là hy sinh đấm ngực ăn năn tội mình, việc công của người Ki-tô hữu là đem bác ái của Đức Chúa Giê-su cho mọi người bằng chính cuộc sống vui vẻ và phục vụ của họ.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Năm, 14 tháng 12, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


55.      CÂU TRẢ LỜI HAY CỦA LÝ HÀI

Bắc phương sứ giả là Lý Hài đi đến nước Lương, Lương Võ đế cùng với ông ta đi du ngoạn các nơi, ngẫu nhiên đi đến chỗ phóng sinh, Võ đế hỏi Lý Hài:

-      “Nước nhà của ông cũng có phóng sinh chứ ?”

Lý Hải trả lời:

-      “Không bắt và cũng không thả”.

Võ đế mặt lộ nét hổ thẹn.

                                           (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 55 :

Phóng sinh là một hành động nhân đạo, người ta có thể phóng sinh những con chim bồ câu, hay những con chim khác trong những ngày đại lễ để bày tỏ tấm lòng hiếu sinh, nhưng không ai muốn phóng sinh những con người bị mình bắt làm nô lệ: nô lệ lao động, nô lệ tình dục, nô lệ khổ sai…

Có người thích phóng sinh những con vật và tỏ lòng tiếc thương chúng nó, nhưng không thích tha nợ cho người nghèo; có người không thích sát sinh, nhưng lại thích mạt sát và hành hạ người giúp việc thậm tệ; có người thích khuyên bảo người khác làm việc thiện bằng cánh phóng sinh vài con chim én, nhưng đồng thời cũng xúi giục người khác đâm chém chửi bới nhau…

Phóng sinh là một cử chỉ hiếu sinh, nhưng bày tỏ cử chỉ hiếu sinh bên ngoài thì chỉ là hình nộm mặc áo mà thôi, người tốt kẻ xấu ai cũng có thể làm được.

Có bắt vào thì mới có thả ra, không bắt thì lấy đâu mà thả, cho nên cái triết lý nhân sinh là ở đó: không bắt thì không thả, đó là cách sống an vui tự tại của người Ki-tô hữu vậy.

Không bắt không thả cũng giống như không làm điều xấu thì không hối hận vậy…


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 13 tháng 12, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 54. LƯU SINH LỘ TẨY

Lưu Sinh bình thường thích ăn to nói lớn để khoe khoang mình.

Có một lần đi đến Vô Tích để viếng mộ bạn hữu là họ Châu, môn khách nhà họ Châu cúi đầu chào và hỏi:

-       “Tại sao ngài đến chậm quá vậy ?”

Lưu Sinh nói:

-       “Hôm qua cùng với trạng nguyên Cố làm câu đối liễn đến nửa đêm, cho nên hôm nay mới đến trể”.

Qua một lúc sau, trạng nguyên họ Cố cũng đến, họ Lưu bèn đi nghe ngóng nơi môn khách và hỏi:

-       “Ông đó là ai vậy ?”

Môn khách nói với ông ta:

-       “Đó là người mà tối hôm qua cùng làm câu đối liễn với ngài đó.”

Họ Lưu không dám hỏi tiếp.

Lại có một hôm Lưu Sinh cùng với đệ tử của Hoa Quang Lục đi dạo chơi ở Huệ San, và vì để bày tỏ mình có tình thâm giao nghị với Hoa Quang Lục, nên ông ta cố ý cầm theo cái quạt có đề thơ của Hoa Quang Lục.

Lúc ấy, Hoa Quang Lục đang dưỡng bệnh ở tăng xá, các đệ tử bèn dẫn Lưu Sinh đến đó, sau khi thấy thì làm lễ ngồi xuống, Lưu Sinh không biết đó là Hoa Quang Lục nên đem cái quạt cho Hoa Quang Lục coi, Hoa Quang Lục nói:

-       “Bài thơ này là do Hoa Quang Lục đề, ông làm sao mà xin được vậy ?”

Lưu Sinh nói:

-       “Tôi và Hoa Quang Lục kết bạn đã hai năm nay rồi, cần gì phải xin xỏ chứ ?”

Quang Lục hỏi:

-       “Không nói mò chứ ?”

Lưu Sinh nói:

-       “Nói mò thì cắt lưỡi tôi đi”.

Các đệ tử nín không được nên cười ầm lên nói:

-       “Đây chính là ngài Hoa Quang Lục đấy”.

                                           (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 54 :

Người thích khoe khoang thì không những làm hại mình mà còn làm mất tiếng tốt của mình trước mặt mọi người.

Ngày xưa người già thường khoe khoang về của cải ruộng nương cò bay thẳng cánh, cho nên trong việc dựng vợ gả chồng cho con cái cũng phải bày ra cái “môn đăng hộ đối” để làm khổ con cái.

Ngày nay người trẻ thì thích khoe khoang về những thành tích “siêu hạng” của mình : 

-       Có những bạn trẻ khoe mình tiêu tiền xanh (đôla) như xé giấy trong các nhà hàng hạng sang.

-       Có những bạn trẻ khoe khoang thành tích đánh bạc và bao gái của mình.

-       Có những bạn trẻ khoe khoang thành tích nhậu nhẹt uống bia hạng cao cấp nơi các nhà hàng cao cấp.

-       Có các bạn trẻ khoe khoang mình thấy gái thì như mèo thấy mỡ.

-       Có các bạn trẻ khoe khoang mình không cần làm việc vẫn có tiền ăn xài…

Tất cả những khoe khoang đó không ích lợi cho bản thân cũng như cho mọi người, bởi vì đó là những cái khoe khoang làm cho mình trở thành người xa lạ giữa những bạn bè đầu tắt mặt tối vừa học vừa làm việc để phụ giúp cho gai đình, những khoe khoang đó không làm cho mình trở thành thần tượng của người khác nhưng trở thành đối tượng của ma quỷ lợi dụng để trở thành công cụ tội ác của nó.

Các bạn trẻ cố gắng nhớ câu này: “Mất đi hiện tại thì ngày sau sẽ hối hận”.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 


Thứ Ba, 12 tháng 12, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 

 


53.     DIỆU PHÁP TẠ KHÁCH

Hoành thánh của nhà Kiều Trọng Sơn nấu ăn rất ngon, đã có nhiều quan khách bạn bè đến xin ăn nên ông ta rất khổ não.

Một hôm, ông ta bỏ trước các bàn của thực khách một tờ giấy và nói với khách:

-       “Sau khi ăn xong mới có thể mở tờ giấy ra”.

Các khách ăn xong thì mở tờ giấy ra coi, té ra trong giấy viết cách nấu hoành thánh, khách cười lớn và đi về. từ đó không còn người khách nào đến xin ăn hoành thánh nữa.

                                           (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 53 :

Có người khi đi xin thì rất dễ thương, có người khi đi xin thì làm cái mặt hách hách khó coi và mất cảm tình.

Con người ta ai cũng rất dễ động lòng trước cảnh ăn xin của người túng thiếu, bởi vì họ khổ cực và nghèo nàn, bởi vì ai cũng có một quả tim biết nhạy cảm trước vấn đề khổ đau.

Đi xin mà không được gì vì thái độ xin của họ không mấy khiêm tốn…

Có những người Ki-tô hữu khi cầu xin với Đức Chúa Giê-su hay với Đức Mẹ thì kể công kể lễ khoe khoang mình làm nhiều việc lành phúc đức và đòi Đức Chúa Giê-su ban cho những gì mình đã giúp cho tha nhân; có người khi cầu xin thì hết nói chuyện của người bên đông lại tố khổ người bên tây để chứng tỏ mình là người yêu mến Thiên Chúa hết lòng hết sức hơn những người ấy…

Thiên Chúa không phải là người keo kiết nhưng là Đấng không thích người kiêu ngạo và luôn yêu thích người khiêm tốn, sở thích này của Thiên Chúa chỉ có những người Ki-tô hữu mới biết được mà thôi, do đó mà trong cuộc sống dù làm bất cứ việc gì, thì họ -người Ki-tô hữu- cũng luôn có sự khiêm tốn để sống đẹp lòng Thiên Chúa hơn.

Đi xin mà cứ vỗ ngực ta đây thì ai mà giúp đỡ, cũng vậy, khi cầu xin với Thiên Chúa mà hết phán đoán người này đến chê trách người nọ thì Chúa Mẹ nào mà nhậm lời chứ !


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Hai, 11 tháng 12, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


52.      THẾ GIỚI CỰC LẠC

Có một lần, hai anh em Lục Tính cùng đến chùa Long Đàm du ngoạn, nhìn thấy một phòng tối, đứa em nói:

-          “Đây nhất định là địa ngục mà người ta thường nói”.

Người anh trả lời:

-          “Không đúng, đó là thế giới cực lạc”.

                                           (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 52 :

Địa ngục thì nhất định là phải tối tăm và thế giới cực lạc thì nhất định là phải sáng sủa, đó là quan niệm của nhiều người, và chính Đức Chúa Giê-su cũng đã nói như thế khi Ngài đưa ra viễn ảnh ngày phán xét…

Người quang minh chính đại thì coi tối tăm là nơi của thần dữ và tất cả những tội lỗi đều từ đó mà phát sinh; người tội lỗi hoặc những người có cuộc sống không tốt lành thì coi tối tăm là nơi cực lạc, vì nơi tối tăm họ dễ dàng làm những điều mờ ám tội lỗi, họ dễ dàng ném đá giấu tay và đồng lõa với tội phạm…

Người Ki-tô hữu là con cái của sự sáng nên cuộc sống của họ quang minh chính đại và phản ánh lại sự sáng của Phúc Âm, cho nên dù sống giữa một xã hội tràn ngập ánh sáng văn minh, nhưng họ vẫn cứ tỏa sáng như ánh đèn sáng chiếu soi mọi người bằng chính cuộc sống yêu thương và phục vụ tha nhân.

Có những ngục tù tối tăm nhưng vẫn rực sáng lên niềm tin vào Đức Chúa Giê-su nơi những con người như bị người đời xóa sổ; có những nơi sáng rực hoa đèn như phố thị nhưng tâm hồn con người thì vẫn cứ sống trong tối tăm đau thương và tội lỗi.

Nơi tối tăm nhưng chưa chắc đã khổ và nơi cực lạc thì chưa chắc là sung sướng, bởi vì tối tăm hay đau khổ đều do nơi tâm của chúng ta mà ra.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Chủ Nhật, 10 tháng 12, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


51.      NĂM ĐỨC CỦA CON MÈO LƯỜI

Ở Vạn Thọ có một hòa thượng tên là Bân Sư, nhìn thấy một con mèo lười thì nói với khách:

-          “Người ta thường nói gà có năm đức, con mèo này cũng có năm đức:

  1. Thấy chuột không bắt là nhân;
  2. Chuột chôm đồ nó nhường chỗ là nghĩa;
  3. Khi làm tiệc đãi khách có thức ngon nó xuất hiện là lễ;
  4. Thịt cá thơm ngon để trong chạn (tủ thức ăn) nó có thể lén lấy ăn là trí;
  5. Khi mùa đông đến nó vùi trong đống tro là tín”.

                                           (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 51 :

Năm tính lười của con mèo lười thì đúng là có thật, nhưng là để dạy cho chúng ta –con người- một bài học là nếu không trở nên người có nhân, có lễ, có nghĩa, có trí, có tín thì không thể được gọi là người quân tử, và chắc chắn cũng không thể được gọi là con người tốt được.

Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín là năm đức tính do con người (Khổng tử) tìm ra và dạy dỗ nhau để được làm người quân tử chứ không thể trở nên thánh, bởi vì nếu có nhân lễ nghĩa trí tín mà không có kính mến Thiên Chúa và yêu thương người thân cận như chính mình, thì cũng chỉnh là phèng la rỗng tuếch mà thôi.

Có những người Ki-tô hữu không biết về nhân lễ nghĩa trí tín, nhưng cuộc sống của họ rất đẹp mắt vì họ sống theo Tin Mừng của Đức Chúa Giê-su, bởi vì khi họ biết tha thứ cho anh em là họ đã có lòng nhân, khi họ biết đối xử hòa thuận với tha nhân là họ đã có lễ, khi họ biết báo đáp ơn người là họ đã có nghĩa, khi họ biết tôn trọng và tín nhiệm người khác là họ đã có tín….

Thời nay có nhiều…quân tử giấy và cũng có nhiều phản ki-tô xuất hiện, dấu hiệu để nhận ra họ là họ giả nhân giả nghĩa với tha nhân và chống đối Giáo hội Đức Chúa Giê-su dưới chiêu bài đổi mới theo Đức Chúa Thánh Thần…


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)