Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2022

Chúa nhật thứ 4 mùa vọng

 


CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG


Tin mừng: Mt 1, 18-24.
“Đức Giê-su sinh làm con bà Maria. Bà đã thành hôn với ông Giu-se, con cháu Đa-vít.”

Bạn thân mến,
Thời nay có nhiều người không tin Đức Chúa Giê-su là một con người thật sự, họ nói rằng Ngài chỉ là sản phẩm tưởng tượng của những người công giáo cuồng tín bịp bợm. Thế nhưng, thánh Mát-thêu trong bài Phúc Âm hôm nay kể rất rõ ràng gia phả của Đức Chúa Giê-su cho chúng ta nghe: bà Ma-ri-a là người đã cưu mang Ngài là do quyền năng của Chúa Thánh Thần, và ông Giu-se là cha nuôi của Ngài.
Người ta không hiểu hay cố tình bóp méo lịch sử thì mặc kệ họ, nhưng bạn và tôi và những người Ki-tô hữu khác trên khắp thế giới đều tin rằng: Đức Chúa Giê-su là con người thật và là Thiên Chúa thật, Ngài đã xuống thế làm người để cứu chuộc chúng ta, trả lại cho chúng ta ơn làm con của Thiên Chúa, và nhờ đức tin vào Ngài mà chúng ta trở nên những sứ giả hòa bình cho tha nhân.
Nhờ tin vào Đức Chúa Giê-su mà cuộc sống của bạn thay đổi hoàn toàn, nhờ biết Đức Chúa Giê-su mà bạn và tôi thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn, và vì tin vào Đức Chúa Giê-su mà những người chung quanh chúng ta sống vui vẻ hơn, vì chính họ nhìn thấy Đức Chúa Giê-su đang sống trong những người Ki-tô hữu.
Chỉ còn vài ngày nữa là cả thế giới hân hoan mừng lễ Ngôi Hai Thiên Chúa -Đức Chúa Giê-su- giáng sinh làm người, bạn có quà tặng cho Hài Nhi Giê-su chưa, Ngài cũng là một con người thích quà tặng có ý nghĩa lắm đó, riêng quà tặng của tôi tặng Ngài là quyết tâm làm tròn bổn phận một mục tử của mình trong vui vẻ, để trở nên một đầy tớ vô dụng của Ngài trong cuộc sống của mình.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
---------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info

Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


80.   TÔI THEO Ý CỦA QUẦN CHÚNG

        Lúc Tô Đông Pha ở Hoài Dương, một hôm mời khách, khách đến những mười vị sĩ phu nổi tiếng, Mễ Nguyên Chương cũng tham dự, tiệc rượu nửa chừng, đột nhiên Mễ Nguyên Chương đứng lên nói:

-      “Người ta đều cho rằng, tôi Mễ Nguyên Chương là người thoải mái, bây giờ tôi xin mời Đông Pha đến bình luận bình luận, nói cho cùng tôi là người như thế nào?”

        Đông Pha không chút mảy may biến sắc trước câu hỏi khó ấy, nên cười cười nói nói rất thoải mái:

-      “Tôi thuận theo ý kiến của mọi người”.

                                                (Tô Trừơng Công Ngoại kí)

 

Suy tư 80:

        Người ta hay nói : ý dân là ý trời.

        Câu nói ấy chỉ là nghĩa bóng mà thôi, chứ thật ra ý của trời ai mà biết được.

        Người vô thần không tin có trời có Chúa, thì sao biết được ý trời ; người hữu thần thì tin có trời có Chúa, nhưng khi ý ông trời bày tỏ ra thì oán trời trách người : sao ông trời độc ác thế để tôi phải đau khổ phải tai nạn ; người công giáo tin có Chúa là Đấng tạo dựng vũ trụ muôn loài, ý Chúa thường được họ cảm nghiệm qua cuộc sống, nhưng mấy ai chấp nhận thánh ý của Thiên Chúa, do đó nói ý dân là ý trời thì thật không ổn chút nào cả...

        “Ý dân là ý trời” thì cũng giống như trong cạnh tranh mua bán, người ta thường nói “khách hàng là thượng đế”, để nói lên tất cả ưu tiên dành cho người tiêu dùng, chứ làm gì mà khách hàng là “thượng đế” với lại ý dân là “ý trời”.

        Người Kitô hữu không lấy ý dân là ý trời, cũng không cho khách hàng là thượng đế để mị dân, nhưng bất cứ nơi đâu họ cũng đều nhìn thấy Thiên Chúa (thượng đế) nơi người anh em chị em của mình để phục vụ họ cách vô vị lợi, họ phục vụ không phải để “câu” khách, cũng không phải là để mị dân, nhưng đơn giản là họ yêu tha nhân, vì tha nhân chính là hình ảnh của Thiên Chúa giống như họ vậy.

        Đó mới chính là sống theo ý của trời vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Năm, 15 tháng 12, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


79.   THƠ ĐƯỢC MƯỜI ĐIỂM

Quách Công Phủ đi qua Hàng Châu cầm theo bài thơ viết nháp đưa cho Tô Đông Pha coi, khi gặp Đông Pha thì cất tiếng ngâm thơ, tiếng ngâm sang sảng rõ ràng, ngâm thơ xong thì hỏi Đông Pha:

-      “Bài thơ này của tôi có thể được mấy điểm ?”

        Đông Pha nói:

-      “Mười điểm”.

Quách Công Phủ rất vui vẻ bèn hỏi lại Tô Đông Pha lý do tại sao cho mười điểm, Đông Pha trả lời :

-         “Ngâm thơ hay cho bảy điểm, còn ba điểm thì cho bài thơ, cả hai cộng lại không phải là mười điểm sao ?”

                                                (Tô Trường Công Ngoại kí)

 

Suy tư 79:

        Giọng ngâm thơ thì cho bảy điểm, còn nội dung bài thơ thì chỉ có ba điểm, đương nhiên là bài thơ chưa đạt chất lượng.

        Có những người thích săn sóc dáng vẻ bên ngoài của mình mà không quan tâm đến “nội dung” tức là đời sống nội tâm của mình; có những người thích đi lễ mỗi ngày chúa nhật để “triển lãm” áo quần mới may, đầu tóc mới uốn cong, đôi giày thật láng cóng của mình, mà không chú ý đến nội tâm của mình cần phải có khi diện kiến Thiên Chúa...

        Cuộc sống mà cứ luôn suy nghĩ ngày mai mặc mốt gì, mang giày gì khi đi làm, ngày kia ăn thứ gì, đi chơi đâu cho vui.v.v... thì quả là chán thật, chán vì tâm hồn trống rỗng mà không bồi bổ bằng những tư tưởng nhân ái phục vụ, chán vì chỉ biết có mình mà không biết đến tha nhân.

        Người mà dáng vẻ bên ngoài như “giọng ngâm sang sảng” thì cho bảy điểm, còn “nội dung bài thơ” là cuộc sống nội tâm chỉ được ba điểm, thì cuộc sống của họ chưa đạt “tiêu chuẩn” trở thành người tích cực, và nếu họ là người Ki-tô hữu thì chưa thật đúng là môn đệ của Đức Chúa Giê-su, bởi vì họ chỉ chú trọng cái nay còn mai mất, nay được khen mai bị chê, mà không chú trọng đến cái có thể giữ được cái nay còn mai mất ấy là đời sống nội tâm.

Người Ki-tô hữu biết sống nội tâm là người luôn kết hợp với Thiên Chúa trong cuộc sống của mình.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Ba, 13 tháng 12, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện



78。 TAM QUẢ NHẤT DƯỢC 

Liễu Cống Phu mời khách uống rượu, Tô Đông Pha vì có công việc nên muốn về trước, Liễu Cống Phu bèn ngăn lại khiêu khích Tô Đông Pha:

- “May đi sớm, lại khoan thai.  

Tô Đông Pha ứng lại rất khách sáo:

- “Phụ (thuộc) chuyện này, phải (làm) đàn bà.” 

Bên ngoài hai người vì khách mà ứng phó đủ vế, thực ra họ đã dùng “tam quả nhất dược” để làm khó dễ nhau.

(Tô Trường Công Ngoại kí)


Suy tư 78:

“Tri kỉ tri bỉ” nghĩa là biết mình biết người. 

Hai người bạn thử tài nhau mà người chung quanh không biết, thì quả là tài cao học rộng.

Ở đời có những người muốn làm cho người bạn của mình mất mặt trước bá quan văn võ, cho nên đã nhắm vào khuyết điểm của bạn mình mà thử tài ; lại có người lấy bạn mình làm đề tài châm chọc để tâng bốc mình trước mặt thiên hạ, tất cả hai hạng người trên đều “tri kỉ” mà không “tri bỉ”, tức là họ chỉ biết mình mà không biết người.

Người chỉ biết mình thì dù cho có làm ông này bà nọ, cấp này cấp nọ trong xã hội thì cũng chỉ là để mình vinh thân phì da mà hạch sách người khác mà thôi.

Trái lại, người Kitô hữu thì “tri kỉ” trước và “tri bỉ” sau, cho nên ở đâu có họ là ở đó những người bất hạnh được quan tâm trước tất cả mọi người, vì đối với họ, những người bất hạnh chính là Chúa Kitô đau khổ cần phải ưu tiên được quan tâm và phục vụ...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.  
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Hai, 12 tháng 12, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


77.   KHÔNG HỢP THỜI

        Một ngày nọ sau khi Tô Đông Pha bãi triều, về nhà ăn uống xong thì vừa đi chậm chậm vừa xoa xoa cái bụng, nhìn thấy bọn phục dịch bèn nói:

-         “Tụi bây có biết trong bụng ta có những gì không ?”

        Một đứa tớ gái trả lời:

-      “Đó là một bụng văn chương.”

        Tô Đông Pha lắc đầu, lại có người nói:

-      “Bụng đầy những lời nói hay giỏi”.

        Tô Đông Pha vẫn lắc đầu, có tên phục dịch là Triều Vân nói:

-         “Con nhìn trong bụng của ngài là cái bụng không hợp thời ạ.”

        Tô Đông Pha nghe xong vỗ bụng cười mãi không thôi.

                                                (Tô Trường Công Ngoại kí)

 

Suy tư 77:

        Cái khó chịu nhất của người có tâm hồn hiểu biết là “thấy chuyện làm sai trái của người có quyền thế mà mình không được phép có ý kiến”, bởi vì “cái bụng không hợp thời” của họ sẽ làm cho người có quyền thế hoặc người ỷ vào quyền thế mất ăn mất ngủ...

        Cái khó chịu tiếp theo là của những người có tâm hồn kiêu ngạo, họ có “cái bụng không hợp thời”, cho nên họ rất khó chịu khi có người tài giỏi hơn mình làm việc được mọi người khen, và họ thường cảm thấy tâm hồn không được bình an vì sự ghen ghét tràn ngập trong tâm hồn của họ.

        Người hiểu biết và người kiêu ngạo đều có “cái bụng không hợp thời” nhưng lại khác nhau.

Người hiểu biết vì công lý và vì ích lợi của mọi người mà có “cái bụng không hợp thời”, còn người kiêu ngạo vì ích kỷ và vì quyền lợi cá nhân mà có “cái bụng không hợp thời”.

        Ki-tô hữu là những người có một cái bụng rất hợp thời vì họ biết ứng dụng Lời Chúa trong mọi hoàn cảnh của mọi thời đại, họ uốn nắn cuộc sống của họ cho phù hợp với hoàn cảnh mà không đánh mất đức tin, cũng như không gây cớ vấp phạm cho người khác, bởi vì cái bụng của họ chứa đầy tinh thần phục vụ và yêu thương của Phúc Âm ...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)