Thứ Bảy, 18 tháng 11, 2023

Chúa nhật 33 thường niên

 


CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN


Tin mừng : Mt 25, 14-30.
“Được giao ít mà anh đã trung thành, hãy vào mà hưởng niềm vui của mình”.

Bạn thân mến,
Ân sủng của Thiên Chúa được Đức Chúa Giê-su ví như những nén bạc trao cho con người: người nhận năm nén, người nhận hai nén và người nhận một nén, tùy theo khả năng mà Thiên Chúa trao cho, chứ Ngài không tùy tiện trao năm nén cho người chỉ có khả năng làm lợi hai nén. Nhưng dù mỗi người trong chúng ta dù có nhận bao nhiêu nén đi chăng nữa, thì cũng là đã nhận nén bạc mà Thiên Chúa đã trao cho để với mục đích làm lợi cho chính bản thân mình và mưu ích cho tha nhân.
Đức Chúa Giê-su tùy khả năng của mỗi người mà trao cho họ nén bạc, để họ tùy theo khả năng và nén bạc được trao mà làm sinh lợi cho Ngài thêm những nén bạc khác :
- Có những người được ơn tình nguyện đi phục vụ các bệnh nhân bị nhiễm HIV hoặc phục vụ các bệnh nhân phong cùi ở trại phong, họ đã làm lợi thêm những nén bạc khác bằng hành động phục vụ của mình.
- Có những người tình nguyện vào vùng sâu vùng xa, để đem ánh sáng văn hóa đến cho những trẻ em và những người không có điều kiện đến trường, họ đang làm lợi thêm những nén bạc khác bằng hành động tự nguyện hy sinh của mình.
- Có những người dù đang thiếu thốn, nhưng vẫn cứ vui vẻ chia sẻ những gì mình có cho người không có, họ đang làm lợi thêm những nén bạc khác cho Thiên Chúa...
Có những người lại đem nén bạc mà Thiên Chúa trao cho chôn giấu trong đất, họ là những người không thấy được sự tín nhiệm của Thiên Chúa dành cho mình, họ đem ân sủng chôn vùi trong trong những tham lam hưởng thụ và dục vọng của họ, khi mà chung quanh họ có rất nhiều người đang cần đến “đồng tiền ân sủng” của họ để có chút an vui và hy vọng.
Bạn thân mến,
Nhận năm nén, hai nén hoặc chỉ có nhận một nén đều không quan trọng, cái quan trọng là trong cuộc sống hằng ngày chúng ta cần phải nỗ lực, chớp thời cơ để làm lợi thêm nén bạc nữa, đó chính là điểm chính yếu mà Đức Chúa Giê-su muốn dạy dỗ chúng ta qua dụ ngôn nén bạc này.

Câu hỏi gợi ý :
1. Có lúc nào bạn nghĩ rằng Thiên Chúa đã trao cho mình năm nén bạc không ?
2. Trong những lúc gặp hoàn cảnh khó khăn, bạn có nghĩ rằng mình là người may mắn nhất vì đang giữ nén bạc của Thiên Chúa trong mình ?
3. Theo bạn hiểu, thế nào là phung phí ân sủng của Thiên Chúa ?

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
----------

http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info

Thứ Sáu, 17 tháng 11, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


32.      RUỒI BAY VÔ NHÀ

Có một gia đình nọ trong nhà có rất nhiều ruồi, vu vu vo vo, đâm vào xô ra, quấy rầy, bám đầy người làm cho người trong nhà không thoải mái.

       Chủ nhân rất giận dữ đem người giữ nhà đánh cho một trận và chất vấn nó:

-          “Tại sao mày tự tung tự tác đem ruồi bỏ vào trong nhà hử ?”

                                                (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 32 :

       Người ta nói “tức quá hóa cuồng” “giận mất khôn” là vậy.

       Ruồi bay vào nhà thì có nhiều lý do, nhưng lý do “thuyết phục” nhất là trong nhà không sạch sẽ vệ sinh cho lắm, nên có nhiều ruồi bay vào kiếm ăn…

       Ruồi nhặng làm cho con người ta mất đi niềm vui khi ăn cơm, nó cũng làm con người ta bực mình khi nghỉ ngơi giải trí…

       Tâm hồn sạch tội trọng thì ruồi nhặng cám dỗ khó mà bu đến được, nhưng một tâm hồn tội lỗi thì ruồi nhặng bu đến nhiều hơn: ruồi nhặng cám dỗ xác thịt, ruồi nhặng kiêu căng, ruồi nhặng ghét ghen, ruồi nhặng nói xấu người khác, ruồi nhặng dâm ô.v.v… tất cả những thứ ruồi nhặng này chỉ thích bu đến nơi những tâm hồn sống trong tội lỗi, bởi vì một tâm hồn tội lỗi thì giống như một hầm rác dơ bẩn mà ma quỷ rất thích đến cư ngụ…

       Đừng giận dữ chửi mắng ma quỷ đã dùng ruồi nhặng đam mê, ruồi nhặng tham lam, ruồi nhặng xác thịt để cám dỗ mình, nhưng hãy buồn phiền trách mình là không quyết tâm dọn dẹp tâm hồn mình cho sạch sẽ để trở nên cung điện cho Thiên Chúa Ba Ngôi đến ngự trị…


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Năm, 16 tháng 11, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


31.      TRẦN CẢO CAI RƯỢU

Trần Cảo yêu rượu như yêu mạng sống, hơn nữa tửu lượng của ông ta rất lớn, lúc còn làm đốc học ở Sơn Đông, ông cha sợ con mình tham uống rượu mà hư việc nên viết thư dặn dò ông ta nên cai rượu.

       Trần Cảo sau khi nhận được thư khuyên bảo của cha mình bèn đi đặt làm một cái bát (chén) lớn đặc biệt chứa được hai lít rượu, lại còn khắc trên chén tám chữ để bó buộc mình:

-          “Cha biểu cai rượu, chỉ uống ba bát”.

                                                (Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 31:

       Con cái có phúc không phải là cha mẹ có nhiều của cải, nhưng có phúc là vì chúng nó có cha mẹ biết ngăn ngừa những tật hư tính xấu của mình.

       Bất hạnh của con cái không phải vì cha mẹ nghèo khó, nhưng là vì cha mẹ nuông chiều con cái quá mức đến nỗi con làm sai cũng cho là đúng, con muốn gì thì được nấy nên dần dần nó trở nên người xấu mà không hay…

       “Con có cha như nhà có nóc” nghĩa là con cái sẽ được núp dưới sự che chở của cha mình cách an toàn không sợ mưa sợ nắng, đó chính là hạnh phúc của con cái, nhưng “có nóc” mà nóc bị dột, tức là có cha mà cha không dạy dỗ bảo ban con cái khi chúng nó lầm lỗi thì chắng khác chí khuyến khích con…vào nhà tù ở cho xong chuyện.

       Trách nhiệm của cha mẹ trước mặt Thiên Chúa rất là lớn lao, chúng ta có hiểu điều đó để chu toàn bổn phận của mình trong gia đình với con cái ?


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 15 tháng 11, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


30.      TÌM PHẦN MỘ TỔ TIÊN

Lúc Hùng An Sanh còn ở Sơn Đông, có người nói dối ông ta:

-          “Nơi thôn nọ có phần mộ tổ tiên, là phần mộ của Thái Quang người Hà nam thời nhà Tấn đến hôm nay là bảy mươi hai đời, nguyên trước đây có một tấm bia nhưng bây giờ không biết người trong thôn đem chôn ở đâu nữa ?”

       Hùng An Sanh tin cho là thật bèn đến đào phần mộ kế bên, đào rất lâu mà cũng không thấy tấm bia, thế là liên tiếp mấy năm làm đơn tố với quan phủ.

       Trưởng sứ Kỳ châu là Trịnh Đại Quán phán rằng:

-          “Bảy mươi hai đời là người của hoàng đế Phục Hi[1] trước đây, ta làm sao có thể thay ông đi tìm được chứ, triều đình nhà Tấn cũng không có vị tướng quân nào có tên như thế đã vượt qua Hà Nam cả”.

       An Sanh thất vọng quá lớn, bèn dắt cả gia đình lớn nhỏ đến đầu phần mộ tổ tiên mà khóc lớn…

                                                (Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 30:

       Ở đời có người đi tìm cái có nơi cái không có, và cũng có người đi tìm cái không có nơi cái có.

       Cái có của người Ki-tô hữu là Thiên Chúa nhưng họ lại đi tìm Thiên Chúa nơi tội lỗi, cái có của người Ki-tô hữu là thiên đàng nhưng họ lại đi tìm thiên đàng nơi những chỗ ăn chơi đàng điếm, thế là họ đi tìm cái có nơi cái không; cái không nên có nơi người Ki-tô hữu là kiêu căng, ích kỷ, ghét ghen, nhưng họ lại đi tìm cái kiêu ngạo nơi ghét ghen, họ tìm cái ghét ghen nơi ích kỷ và họ tìm cái ích kỷ nơi kiêu ngạo, thế là họ đi tìm cái không nên có nơi cái có thể làm cho họ mất sự sống đời đời…

       Lời nói dối của người thế gian thì có rất nhiều người tin, nhưng lời nói thật của Thiên Chúa thì ít người tin, bởi vì chính những người Ki-tô hữu –là con cái của Thiên Chúa - đã không bày tỏ niềm tin vào Thiên Chúa trong cuộc sống của mình, thì đố có ai mà tin có Thiên Chúa hiện hữu chứ ?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Theo truyền thuyết của Trung Quốc hoàng đế Phục Hi là một trong tam đại đế vương.

Thứ Ba, 14 tháng 11, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


29.      QUẬN THỦ KIÊNG KỴ

Có một quận thủ nọ kiêng kỵ rất nhiều điều, vừa mới đến nơi nhiệm sở thì có người tên là Đinh Trường Nhụ đến chúc mừng, bởi vì quận thủ kiêng kỵ chữ “đinh” nên nhiều lần trốn không tiếp khách.

       Các gia nhân biết ý của ông ta bèn kêu người ấy đổi họ “Đinh” thành họ “Thiên”, quả nhiên quận thủ vui vẻ tiếp kiến.

       Lại một ngày nọ có vụ án lớn đến báo, trong văn tự có viết hai chữ “chết bệnh”, quan sứ biết là ông ta rất sợ thấy chữ đó, bèn dùng ngón tay che lấp hai chữ ấy lại, quận thú vừa coi thì thấy bị che mất nên không hiểu nghĩa, bèn dùng cây viết gõ vào ngón tay của quan sứ để ông ta dời tay đi.

       Khi ngón tay dời đi thì mặt quận thủ biến sắc vì thấy hai chữ ấy, bèn vội vàng cầm lấy văn thư đến bàn án và xoay tròn cái bàn nhiều lần, miệng thì lẩm bẩm niệm bùa chú trừ hung.

       Mọi người trong công đường nín không được nên cười ha ha.

                                                (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 29 :

       Tín ngưỡng nhân gian thì có nhiều điều kiêng kỵ vì họ tin nhiều điều dị đoan.

       Có những người Ki-tô hữu nổi giận đùng đùng khi có ai đó kêu tên cha mẹ mình vì họ rất kiêng kỵ điều ấy, nhưng lại thờ ơ dửng dưng khi nghe người khác kêu tên Đức Chúa Giê-su ra mà nhạo báng, và có lúc cũng chính họ trong lúc kể chuyện tiếu lâm cho người khác nghe cũng đem tên Đức Chúa Giê-su ra mà cười…

       Kiêng kỵ kêu tên cha mẹ ra vì chúng ta trọng kính cha mẹ mình đó là việc làm tốt, nhưng càng tốt hơn khi chúng ta bảo vệ và cung kính trước danh thánh Giê-su, bởi vì điều đó đã được Đức Chúa Giê-su hứa và làm cho chúng ta được vinh danh trước mặt Cha trên trời trong ngày phán xét.

       Người Ki-tô hữu không ai đem tên Đức Chúa Giê-su ra để nhạo cười, nhưng rất “kỵ rơ” với những ai đem tên Đức Chúa Giê-su ra mà nhạo cười, trái lại, người Ki-tô hữu sẽ nhân danh danh thánh Giê-su để cầu nguyện với Chúa Cha trong cuộc sống hằng ngày của họ…


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Hai, 13 tháng 11, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


28.      KHÔNG CẤM CƯỚP MỘ

Mưu Triều Sĩ tính hủ lậu, nhậm chức ở phủ Hà Trung huyện Vưu Môn.

       Có một người tên là Tiết Thiếu Khanh trú ngụ rất lâu ở địa phương ấy. Ngày nọ, đột nhiên thấy cây thông và cây tu trên mộ của tổ tiên bị ai chặt mất tiêu, bèn đi đến huyện cáo trạng.

       Triều Sĩ cầm tờ cáo trạng vừa mới coi không biết rõ đâu đuôi như thế nào, bèn phán:

-          “Vườn ngự uyển của Châu Văn vương thì bá tánh đều có thể đến đó đốn củi, thả trâu bò. Còn phần mộ của mày, Tiết Thiếu Khanh, có gì là không ổn mà cấm người ta đốn củi chứ !”

                                                (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 28 :

       Người dân thường mà hủ lậu thì người ta vẫn còn thứ tha thông cảm, chứ người làm quan mà hủ lậu thì khó mà được người khác thông cảm, bởi vì cái hủ lậu của người dân ít làm hại ai, còn cái hủ lậu của người làm quan thì không những làm hại nước hại dân, mà còn làm cho người khác không tiến bộ được vì cái hủ lậu của họ.

       Người hủ lậu là người có đầu óc lạc hậu và lỗi thời.

       Có những người Ki-tô hữu ít đi lễ nhà thờ để nghe giảng, hoặc ít đến các lớp giáo lý để tìm hiểu thêm giáo lý của Giáo Hội, nên họ sống đạo cách lạc hậu bằng cách giữ đạo hơn là sống đạo, nên họ chưa trưởng thành trong đời sống tín ngưỡng của mình.

       Thời nay vẫn còn có một vài ông trùm ông biện trong giáo xứ lạc hậu và lỗi thời, các vị này đến nhà thờ vẫn còn cầm cây roi mây (tre) thu giấu sau lưng để quất đám trẻ con chơi giỡn nơi nhà thờ, họ vẫn còn bạt tai trẻ con khi chúng nó nói chuyện hoặc ngủ gục trong nhà thờ, mà không nhẹ nhàng nhắc nhở cho chúng nó biết nhà thờ là nơi mọi người cùng cầu nguyện đừng làm ồn người khác…

       Giáo Hội luôn canh tân và đổi mới theo sự hướng dẫn của Đức Chúa Thánh Thần, thì chúng ta cũng cần phải đi theo Giáo Hội để canh tân mình trước rồi canh tân người khác sau…

       Đốn củi nơi nghĩa địa và chặt cây trồng trên mộ thì khác nhau xa, một bên thì đốn những cây không có chủ một bên thì chặt và phá hoại cây người ta trồng trên mộ.

       Giữ đạo là đem đạo của mình “cất” trong ngăn tủ không cho ai biết và cũng chẳng cho ai, nhưng sống đạo là đem đạo mà mình tin mình yêu ra thực hành trong cuộc sống, làm cho đạo của mình trở thành ngọn đèn trước là soi sáng mình sau là soi sáng tha nhân để họ nhận ra Đức Chúa Giê-su Ki-tô đang sống trong chúng ta vậy.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Chủ Nhật, 12 tháng 11, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


27.      CHU BÁC TRỊ “BỆNH”

Năm cuối đời nhà Tây Hán, Chu Bác đổi làm thái thú Lang Da.

       Lang Da là đất của Tề[1], tập quán của người ở đây là lúc làm việc thì chậm rề rề nhưng thích làm bộ làm tịch.

       Chu Bác mới đến nhiệm sở thì đi thị sát nơi làm việc, thủ hạ thuộc quan đều dâng thư cáo bệnh từ chức, Chu Bác không giải quyết, bèn hỏi một người trong bọn tại sao lại như thế, người ấy trả lời:

-          “Đó là theo quy cũ trước nay như vậy, mỗi khi có thái thú mới đến nhậm chức đều phải như thế, đợi sau khi thái thú đến quan sát hỏi han quỵ lụy và bày tỏ sự thành khẩn, thì mới bằng lòng ra tựu chức”.

       Chu Bác tức khí râu dựng đứng nói:

-          “Người Tề muốn đem thói xấu này biến thành phong tục tập quán truyền cho đời sau sao ?”

Thế là bãi miễn tất cả chức vụ của các hạ quan muốn làm bộ làm tịch này. Tất cả các hạ quan này hối hận mãi không thôi.

                                                (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 27 :

       Có những cô gái thích làm bộ làm tịch nên…ở giá, có những chàng trai mất đi dáng hiên ngang vì làm bộ làm tịch, có những người bỏ mất nhiều cơ hội tiến thân vì cái thói làm bộ làm tịch của mình…

       Con người ta ai cũng không thích người làm bộ làm tịch, vì những người như thế thì luôn có một tâm hồn phức tạp, đôi lúc sống không thành thật với bản thân cũng như với người khác.

       Loại người thứ nhất không nên làm bộ làm tịch là các linh mục, nghĩa là các ngài đừng chấp hai tay sau lưng và lên giọng kẻ cả khi nói chuyện với giáo dân lớn tuổi hơn mình trong giáo xứ của mình; loại người thứ hai không nên làm bộ làm tịch là các tu sĩ nam nữ, nghĩa là họ luôn sống với nét đơn sơ khiêm tốn của mình trước mặt mọi người, chứ không kiểu cách gượng ép cho ra vẽ mình là một tu sĩ; loại người thứ ba không nên làm bộ làm tịch là những người Ki-tô hữu, nghĩa là họ nên sống chan hòa thật lòng với nhau, đừng làm bộ làm tịch nói nói cười cười nhưng trong lòng thì cả một bồ dao găm hại anh chị em mình…

       Các quan thuộc hạ ở Lang Da đã bị bãi chức vì làm bộ làm tịch với thái thú của mình, chúng ta cũng sẽ bị “bãi miễn” làm con Thiên Chúa trong ngày phán xét vì chúng ta cứ làm bộ làm tịch với Ngài khi còn sống ở trần gian này, mà làm bộ làm tịch với Thiên Chúa tức là sống không chân thành với tha nhân vậy.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 



[1] Thời Tây Hán toàn quốc (Trung Hoa) chia làm 13 bộ.