Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2024

Chúa nhật Lễ Lá

 



SUY NIỆM TUẦN THÁNH

(Có thể dùng để gợi ý tĩnh tâm)


Thái độ và tâm tình khi bước vào Tuần Thánh.

- Đem hết lòng thành tâm tìm kiếm Chúa vì Chúa đã phán : “Ai khát hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống !” . Hãy khao khát Chúa, khao khát thật sự chứ không phải theo ý thích của mình.

- Thinh lặng: giúp tâm sự với Chúa, vì Thiên Chúa không ở nơi ồn ào. Cần có sự thinh lặng bên ngoài mới có thinh lặng bên trong. Hãy tìm Chúa trong cõi thinh lặng.


CHÚA NHẬT LỄ LÁ


Người tôi tớ của Thiên Chúa

“Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ, tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng”.(Is 50, 4-7)

Thời nay có nhiều hạng tôi tớ, nhưng không có hạng tôi tớ nào tự nguyện chịu bị đánh đập, bị khinh miệt, bị sỉ nhục, và không một ai tình nguyện làm tôi tớ, nếu không vì quyền lợi riêng tư của mình.

Đức Chúa Giê-su đã trở nên người tôi tớ của Thiên Chúa, đã tự nguyện trở nên người tôi tớ trong thân phận con người như chúng ta. Tiên tri I-sai-a đã cho chúng ta thấy hình tượng của một tôi tớ trong con người của Đức Chúa Giê-su: “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu...”

Chúng ta là những người tôi tớ của Thiên Chúa, và qua cái chết của Đức Chúa Giê-su Ki-tô, chúng ta đã được trở nên con cái của Ngài.

Có nhiều hạng tôi tớ, nhưng chỉ có một tôi tớ tự nguyện đáng để cho mỗi người trong chúng ta suy tư và chiêm ngắm, đó chính là vị tôi tớ tự nguyện của Thiên Chúa: Đức Chúa Giê-su.

Chúng ta có ba đề mục nhỏ để suy tư :

1. Người tôi tớ của Thiên Chúa: Đức Chúa Giê-su.

2. Người tôi tớ của anh em: Đức Chúa Giê-su.

3. Đầy tớ vô dụng.


A. Suy niệm.

1.  Người tôi tớ của Thiên Chúa: Đức Chúa Giê-su

Tuần Thánh, tự nó đã trở nên một gợi ý thánh thiện.

Tuần Thánh, tự nó cũng nói lên tất cả tính chất thánh thiện của một tôn giáo, không phải do loài người sáng lập, nhưng do Thiên Chúa sáng lập cho con người và vì con người.


Hôm nay là ngày bắt đầu của Tuần Thánh, ngày mà Đức Chúa Giê-su Ki-tô khải hoàn vào thành thánh Giê-ru-sa-lem cách long trọng, không ai thấy nơi Ngài là một người tôi tớ chịu sỉ nhục, bị đánh đòn, bị khạc nhổ...

Hôm nay là ngày mà mọi nhà thờ trên thế giới đều cử hành cách long trọng Đức Chúa Giê-su tiến vào đền thánh Giê-ru-sa-lem, một biến cố lịch sử có một không hai trên thế giới: Đấng Thiên Sai bởi Thiên Chúa mà đến với nhân loại.

Hôm nay, mọi người Ki-tô hữu đều hân hoan đón nhận vị vua khiêm tốn đến ngự trong nhà mình, vị vua nhân ái và uy nghiêm không cỡi trên ngựa chiến, nhưng cỡi trên con lừa mẹ giữa tiếng hoan hô chúc tụng của mọi người...

Chúng ta được trở nên con cái của hoàng tộc –dân thánh- không phải bởi tổ tiên chúng ta là hoàng tộc, nhưng là bởi Đức Chúa Giê-su đã trở nên người tôi tớ của Thiên Chúa, chịu tất cả mọi sự sỉ nhục vì chúng ta, và cuối cùng, người tôi tớ ấy đã chết để cho chúng ta –những tội nhân- được sống trong tình yêu của Thiên Chúa.

Người tôi tớ ấy, hôm qua như một vị vua uy nghiêm tiến vào thành thánh Giê-ru-sa-lem giữa tiếng hoan hô của đám đông quần chúng; hôm nay cũng đám đông dân chúng ấy đã nhất loạt đồng lòng với các thượng tế, biệt phái hô hào lên án đóng đinh Ngài vào thập giá, Ngài thật sự đã trở nên người tôi tớ của Thiên Chúa, để chúng ta được làm con của Cha trên trời.

“Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ, tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng”.

Không một tôi tớ nào của loài người tự nguyện chịu sỉ nhục, có chăng cũng là vì miếng cơm manh áo, đồng tiền; có chăng cũng chỉ là chịu đựng với một tấm lòng oán hờn thù hận, và chắc chắn là không có tình yêu.

Nhưng người tôi tớ của Thiên Chúa là Đức Chúa Giê-su đã làm được điều ấy, Ngài vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ trở nên giống phàm nhân... ...Qua đoạn văn này của thánh Phao-lô tông đồ, chúng ta có thể hình dung ra một người tôi tớ đau khổ mà tiên tri I-sai-a đã loan báo trước. Quả thật, Ngài đã gánh chịu tất cả những đau khổ mà nhân loại phải chịu, hi sinh tất cả vì chúng ta, những tội nhân của tội nhân là ma quỷ và sự dữ. Vì yêu Cha và vì yêu nhân loại tội lỗi, Đức Chúa Giê-su đã vâng phục Cha và đã tự nguyện làm một tôi tớ thấp hèn để cứu chuộc nhân loại, một sự hi sinh cao độ để nhân loại được hưởng hơng cứu chuộc, đó là trở nên con cái của Thiên Chúa.

2. Người tôi tớ của anh em : Đức Chúa Giê-su.

Khi mang thân phận con người, Đức Chúa Giê-su đã thật sự là con người như mọi người, ngoại trừ tội lỗi, với tất cả tình cảm, buồn vui của Ngài trong cuộc sống đều chứng tỏ Ngài là một con người, và vì thế, Ngài đã trở nên người anh em của chúng ta và ở giữa chúng ta.

Người tôi tớ của Thiên Chúa đã trở thành tôi tớ của anh em khi ngài cúi xuống rữa chân cho các môn đệ của mình là các tông đồ: “...nên trong bữa ăn tối, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rữa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau”.

Một Đấng Thiên Sai, một vị vua uy nghiêm nhưng rất khiêm nhường ấy, giờ đây đã trở nên tôi tớ của người anh em mình, và khi cúi xuống rữa chân cho các môn đệ, chính Ngài đã dạy cho chúng ta một bài học yêu thương và phục vụ, đó là trở nên người tôi tớ phục vụ anh em chị em trong cuộc sống.

Không ai tưởng tượng ra được câu chuyện lạ lùng này: vị Thiên Chúa đã trở nên tôi tớ phục vụ con người, Đấng là vua lại trở nên người tôi tớ của anh chị em mình. Nhưng với tình yêu thì mọi chuyện sẽ trở nên tốt đẹp, tình yêu làm cho khoảng cách chia rẻ và thù hận ngắn lại, tình yêu làm cho Thiên Chúa trở nên người tôi tớ của loài thụ tạo do chính Ngài tạo dựng.

3. Đầy tớ vô dụng.

Đức Chúa Giê-su, Đấng Thiên Chúa đã huỷ mình ra không để trở nên một tôi tớ của Thiên Chúa, Ngài hiểu rất rõ ràng và cụ thể bổn phận của một tôi tớ đó chính là phục vụ tha nhân.

Ngài vâng phục thánh ý của Chúa Cha để phục vụ nhân loại, phục vụ cho đến chết và chết trần truồng trên thập giá, tức là Ngài đã hạ xuống đến mức không còn ra hình tượng người nữa, có nghĩa là Ngài đã trở thành một đầy tớ vô dụng trước mặt loài người : “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu”.

Ngài đã trở nên đầy tớ vô dụng làm việc chỉ vì vinh danh Cha mà thôi: “Phần tôi, tôi không tìm vinh quang cho mình”. Vì không tìm vinh quang cho mình, nên Đức Chúa Giê-su đã không lên tiếng chửi mắng, xỉ vả những người lên án tử và đóng đinh mình vào thập giá, trái lại, Ngài hiền lành như con chiên bị đem đi sát tế và sẵn lòng tha thứ cho họ. Nơi Ngài ánh sáng tình yêu và khiêm tốn của một đầy tớ vô dụng được nổi bật cao chót vót khi bị dựng đứng trên núi Sọ giữa bầu trời âm u, giữa những tiếng nguyền rủa của quân lính và tiếng hò hét la lối của đám đông dân chúng, mà chính họ, đã lãnh nhận từ ơn này đến ơn khác của Ngài ban cho...

Chúng ta là những tội nhân, nhưng trong cuộc sống chúng ta chưa nhận ra mình là một tội nhân bởi vì chúng ta luôn muốn trở thành quan toà phán xét anh em, phán xét người không cùng sở thích, không cùng chính kiến với chúng ta. Đức Chúa Giê-su không xét xử người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, Ngài cũng không hầm hè lên án Gia-Kêu là quân thu thuế tội lỗi, nhưng Ngài trở nên thân thiết với họ và vừa là Chúa là Thầy và là bạn hữu với họ. Cuối cùng, Ngài bị treo chết trên thập giá, hoàn tất mọi sự và an bình phó thác linh hồn trong tay Cha từ đây dưới con mắt của nhân loại, Ngài trở thành đầy tớ vô dụng của Thiên Chúa.

“Đầy tớ vô dụng” không phải là không biết làm gì cả, nhưng tất cả việc làm của họ đều là làm cho và làm vì Thiên Chúa –Đấng sáng tạo- cho nên sau khi hoàn tất công việc được giao phó, thì họ nói như lời Đức Chúa Giê-su dạy: “Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói : chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” .

Biết mình là tôi tớ của Thiên Chúa, nên Đức Chúa Giê-su đã chu toàn bổn phận của mình, cũng vậy, mỗi người trong chúng ta không là gì cả trước mặt Chúa. Tất cả đều bởi Thiên Chúa mà đến, cho nên khi làm được việc gì đó cho ai, thì không nên khoe khoang tự mãn tự đắc nói lên mặt dạy đời anh em chị em, nhưng tự trong thâm tâm nên cám ơn Chúa đã dùng mình như một khí cụ để thay Ngài giúp đỡ tha nhân. 

Mỗi ngày chúng ta sẽ nhìn thấy rất rõ ràng mình là khí cụ của Thiên Chúa, là đầy tớ vô dụng của Ngài, nếu chúng ta thành tâm khiêm tốn suy gẫm về cuộc đời trong quá khứ và trong hiện tại của mình rồi đối chiếu, so sánh, thì sẽ thấy tất cà đều là hồng ân của Thiên Chúa ban cho, lúc đó chúng ta mới hân hoan vui vẻ, nhiệt tình mà nói với Chúa rằng: Lạy Chúa, con chỉ là đầy tớ vô dụng.


B.  Cầu nguyện.

Lạy Đức Chúa Giê-su, hôm nay là ngày mở đầu cho Tuần Thánh, Giáo Hội với việc long trọng cử hành nghi thức việc Chúa tiến vào thành thánh Giê-ru-sa-lem, để cho chúng con xác tín rằng Chúa là vua, vị vua hiền từ và khiêm tốn của những tâm hồn hiền từ khiêm tốn, để rồi ngày mai ngày mốt, chúng con sẽ chia sẻ sâu xa mầu nhiệm khổ nạn của Chúa trong Tuần Thánh này.

Chúng con đang suy tư về việc Chúa là Thiên Chúa và là người tôi tớ đau khổ của Thiên Chúa, là Con Chiên hiền lành bị đem đi sát tế không phải để cứu mình, nhưng là để cứu nhân loại tội lỗi, trong đó có chúng con.

Hôm nay chúng con mặc áo quần và trang điểm như ngày hội, cũng đúng thôi, vì chúng con đang đi rước vị Vua của các vua, chúng con đang hân hoan chúc tụng Chúa là Thiên Chúa của toàn thể nhân loại, của toàn thể vũ trụ. Chúng con đang hiệp cùng dân Do Thái xưa kia tung hô vạn tuế Con Vua Đa- vít đã đến. Thật hạnh phúc cho chúng con.


Nhưng Chúa muốn chúng con đừng như những người Do Thái ngày xưa ấy, hôm nay tung hô Chúa là vua, ngày mai cũng chính họ miệng hét tay vung đòi đóng đinh Chúa vào thập giá. Chúa muốn chúng con học hỏi nơi Chúa tinh thần của một đầy tớ vô dụng, biết khiêm tốn chu toàn bổn phận của mình trong yêu thương, trong vui vẻ và tích cực. Chúa cũng muốn chúng con nhìn thấy Chúa nơi những người anh em bất hạnh để phục vụ Chúa qua con người của họ.

Lạy Chúa, xin nhậm lời chúng con, và làm cho chúng con trở thành đầy tớ vô dụng của Chúa, không những trong Tuần Thánh này, mà còn trong suốt cả cuộc đời của chúng con. Amen


C.  Gợi ý.

a. Tôi có giống như người Do Thái, hôm nay hoan hô Chúa, ngày mai đóng đinh Chúa vào thập giá vì những tội lỗi của mình.

b. Tôi có tâm tình và quyết tâm gì trong Tuần Thánh năm nay ?


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

----------

http://www.vietcatholic.net 

https://www.facebook.com/jmtaiby 

http://nhantai.info 

Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


38.      MỘT CON BỒ CÂU PHÂN LÀM BA[1]

Đại tướng nam Đường là Vương Kiến Phong không thông văn tự lễ nghĩa, bắt Tỷ Sử sao lục trong “Đông trực sớ” có một câu giải thích về chim “bồ câu”, lúc Tỷ sử sao chép thì không chuyên tâm nên đem chữ “bồ câu” phân ra, viết thành ba chữ “nhân, nhật, điểu.

Vương Kiến Phong vừa nhìn thì cho rằng đó là “nhân, nhật, điểu”, và cũng không suy xét tỉ mỉ, bèn ra lệnh cho thuộc hạ:

-      “Sau này mỗi lần gặp ngày “nhân nhật人日[2] có mở tiệc, thì trước tiên phải đem lên món “điểu”.

                                                                (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 38 :

        Đi ăn tiệc cưới mà thấy miếng thịt thái thật mỏng thì nói là gia chủ keo kiệt, huống hồ con chim bồ câu nhỏ xíu mà cũng phân làm ba, thì có nước mà bị cười cho rát mặt, nhưng con bồ câu mà phân ra làm ba thì là chuyện chữ nghĩa của người Trung Hoa ngày xưa, không ăn nhằm gì đến chuyện ăn uống của mọi người.

        Nghe nói có người làm quan đến chức ông này bà nọ nhưng không biết một chữ, cho nên bị những thành phần mánh mung dùng chữ nghĩa để lường gạt; có người chữ nghĩa đầy mình nhưng coi thường chữ “đạo” nên trở thành kẻ hại nước hại dân...

        Người Ki-tô hữu được gọi là giỏi chữ nghĩa khi họ biết thực hành những gì mà lời Đức Chúa Giê-su đã nói đã dạy trong Phúc Âm, bởi vì nếu chỉ thuộc lòng thôi mà không thực hành Lời Chúa thì sẽ trở thành cái phèng la nói đạo lý rất hay, biện minh cho hành vi sai lỗi của mình rất giỏi, nhưng không làm cho họ trở thành “chói sáng” trước mặt người đời cũng như trước mặt Thiên Chúa.

        “Bồ câu” phân làm ba là chữ viết của người Trung Hoa khi họ làm biếng viết, nhưng đọc Phúc Âm mà phân ra làm hai ngôn hành bất nhất là của người Ki-tô hữu đạo đức giả để phỉnh gạt người khác mà thôi...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1]Chữ 鴿 là bồ câu, viết rời ra 3 chữ, đó là chữ nhânchữnhậtchữđiểu (chim)

[2] Ngày 7 tháng Giêng âm lịch, người Trung Quốc xưa gọi là ngày “nhân nhật人日”.

Thứ Năm, 21 tháng 3, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


37.      KHÔNG MUỐN CÚ MÈO NGỒI

Vào thời Đường Huyền Tôn, đại thần Trương Cửu Lịnh biếu mấy củ khoai sọ cho Tiêu Quýnh, khoai sọ còn có một tên gọi khác là “cú mèo ngồi”, cho nên khi viết thư thì ông ta dùng tên “cú mèo ngồi”.

Sau khi họ Tiêu nhận lễ vật và thư, thì viết thư phúc đáp:

-      “Bái tạ ngài đã biếu khoai sọ, chỉ có điều là chưa thấy cú mèo ngồi. Nhưng gia đình tôi rất sợ yêu quái, không muốn nhìn mấy con ác điểu ấy[1], cho nên, ngài không cần phải đem đến”.

Lúc Cửu Lịnh nhận thư phúc đáp thì đúng lúc đang mời khách ăn tiệc, và lấy lá thư ra cho quý khách coi, cả phòng tiệc cười ha ha.

                                                                (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 37 :

        Thời xưa củ khoai sọ còn gọi là củ “cú mèo ngồi” nhưng có người không biết, không biết là vì chưa bao giờ nghe nói cũng như chưa thấy bao giờ, cho nên đã làm trò cười cho mọi người...

        Người Ki-tô hữu thời xưa cũng như người Ki-tô hữu thời nay còn có một tên gọi khác là người có đạo, nhưng vẫn có nhiều người không biết, họ không biết là vì người Ki-tô hữu không nói cho họ biết, tức là chúng ta chưa sống đúng với tinh thần của người có đạo, tức là tinh thần Phúc Âm của người Ki-tô hữu trong cuộc sống của mình.

        Người có đạo là người có chân lý của Thiên Chúa trong mình, chân lý của Thiên Chúa là những gì mà Đức Chúa Giê-su đã dạy họ trong Phúc Âm tức là kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân như chính mình...

        Tôi là người Ki-tô hữu và cũng là người có đạo, nhưng tôi giữ đạo như những trẻ con sợ ba mẹ đánh mới học bài, cho nên có nhiểu người chung quanh tôi vẫn chưa hiểu được người Ki-tô hữu có phải là người có đạo hay không, cho nên có lúc tôi đã làm trò cười cho thiên hạ vì cách sống của mình...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Người xưa coi chim cú là loài ác điểu.

Thứ Tư, 20 tháng 3, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


36.      THÔNG VĂN ĐẾN THẾ

Ở trong thành nọ có một tên huyện thừa, không cố gắng học hành nhưng lại thích trang điểm cho giống như người có học vấn, bắt chước lời nói của các văn nhân, làm rất nhiều trò cười cho thiên hạ.

Một lần nọ, huyện lịnh của thành ấy bệnh nặng mới lành, cảm thấy hình dung mình ốm gầy gò, huyện thừa nịnh hót nói :

-      “Ngài tình thâm đôn hậu, sao lại gầy gò chứ ?”

Lại lần khác, đi dự tiệc với huyện lịnh, lúc sắp uống, huyện lịnh đi qua bàn khác để chúc mừng, huyện thừa lại làm rối mù lên dùng “Trang tử” nói:

-      “Xin ăn chưa đủ, lại nhìn qua chỗ khác”.

Một ngày nọ, huyện lịnh bắt được mấy tên trộm, ra lệnh xử nghiêm khắc, mấy tên trộm nuốt không nổi trận đòn, khóc than thảm thiết, huyện thừa đứng bên vỗ tay cười nói:

-      “Ác nhân tự có ác nhân quấy !”

Sắc mặt của huyện lịnh biến màu tím...

                                                                (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 36 :

        Sự học thì vô cùng mà đời người thì có hạn, cho nên khi được học thì cố mà học cho đến nơi đến chốn, bằng không thì tốn tiền tốn của của gia đình, của cộng đoàn và bản thân thì cũng chẳng nên tích sự gì cho xã hội...

        Học cái gì cũng cần phải lấy sự khiêm tốn làm nền tảng và sự chuyên cần làm đèn soi, bằng không thì sau khi học thành tài sẽ trở thành người nguy hiểm cho xã hội.

        Có một vài linh mục học chưa xong chương trình của Giáo Hội đưa ra, nhưng vì hoàn cảnh mà được chịu chức linh mục và cứ tưởng mình là người tài giỏi, nên ăn nói khoa trương với giáo dân mà không chịu đào sâu bổ sung kiến thức thêm cho mình; lại có những vị được đi nước ngoài học, khi về lại nơi làm việc thì khoe khoang và tưởng rằng mình đang làm...giám mục đến nơi nên coi thường các anh em khác...

        Tên huyện thừa học không đến nơi đến chốn nên ăn nói làm cấp trên tím mặt, người linh mục của Đức Chúa Giê-su nếu không đào sâu tinh thần khiêm tốn và học hỏi, thì không những cấp trên tím mặt, mà ngay cả mặt của Thiên Chúa cũng “tím ngắt” nữa là khác.

Đáng sợ thật.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Ba, 19 tháng 3, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


35.      GIẾT CHA LÀ CÓ THỂ

Tư Mã Triệu tấn phong Nguyễn Tịch làm thừa tướng nước Đông Bình.

Nguyễn Tịch cỡi lừa đến Đông Bình, đem các bức bình phong trong phủ xá quăng hết, làm cho người trong nhà hay ngoài nhà đều có thể thấy nhau. Khi nghe bàn ý kiến về chính trị thì không làm theo tình cảm riêng, không giả dối, không lâu sau đó thì phong tục tập quán của nước Đông Bình rất tốt.

Tư Mã Triệu lại tấn phong Nguyễn Tịch làm trung lang đại tướng quân. Có quan tư thượng báo cáo:

-      “Có người giết mẹ.”

Nguyễn Tịch nói:

-      “Ái dà, giết cha thì còn có thể, sao lại giết mẹ chứ !”

Người bên cạnh nghe được liền trách Nguyễn Tịch nói tầm bậy, Nguyễn Tịch nói:

-      “Loài cầm thú chỉ biết mẹ chứ không biết cha. Giết cha thì giống như loài cầm thú, giết mẹ thì cầm thú cũng không thể như thế !”

Nghe đến đây mọi người mới gật đầu khen phải.

 

                                                                        (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 35 :

        Chỉ có loài cầm thú mới không biết cha cho nên có thể giết cha, nhưng giết mẹ thì loài cầm thú nào cũng không làm, như thế người giết mẹ thì tệ hơn cả loài cầm thú, mà hơn loài cầm thú thì chỉ có...ma quỷ mà thôi.

        Thời nay cũng có người không những giết cha mà còn chém mẹ, đó là những đứa con hư từ nhỏ đã không biết nghe lời cha mẹ dạy bảo, con cái giết cha mẹ là vì cha mẹ không đáp ứng nhu cầu nhậu nhẹt, hút sách và cờ bạc của chúng nó; con cái giết cha mẹ là vì con cái đã trở thành con cái của ma quỷ, tức là con cái của sự tối, vì bóng tối cũng có nghĩa là nơi ở của ma quỷ và loài thú dữ.

        Cha và mẹ tuy hai nhưng là một, cho nên con cái không thể giết cha và cũng không thể giết mẹ, bởi vì cả cha lẫn mẹ đều là những người thay mặt Thiên Chúa nuôi nấng và dạy dỗ chúng ta, cho nên –có thể nói- khi con cái giết cha mẹ là chúng nó giết luôn cả Thiên Chúa ngay trong tâm hồn của chúng nó...

        Loài cầm thú thì không giết mẹ nhưng có thể giết cha vì chúng nó không có trí óc để suy nghĩ như con người, hơn nữa nó cũng không biết cha là ai khi lớn lên, còn người Ki-tô hữu thì luôn luôn đặt nền tảng đạo đức gia đình lên trên tất cả mọi tổ chức, cho nên con cái cần phải chăm sóc cha mẹ khi các ngài còn sống cũng như đã qua đời.

        Đó chính là đạo hiếu của người Ki-tô hữu vậy !


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Hai, 18 tháng 3, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


34.      SAY RƯỢU HỎI HỌ PHẠM

Thắng Nguyên Phát đã làm quan trong mạc phủ của Phạm Trọng Yêm và thường tự mình đi vào kỹ viện uống rượu, Phạm Trọng Yêm không bằng lòng hành vi ấy nên nghĩ cách giáo huấn anh ta.

Một đêm nọ, đợi Thắng Nguyên Phát vừa ra khỏi nhà, ông ta liền ngồi trong phòng đọc sách của Thắng Nguyên Phát, bật đèn sáng đọc sách đợi Thắng Nguyên Phát trở về. Tối khuya, Thắng Nguyên Phát say xỉn trở về, thấy Phạm Trọng ngồi trong phòng bèn chấp tay mà vái rồi hỏi Phạm Trọng Yêm đọc sách gì ?

Phạm trả lời:

-      “Hán thư”

Thắng Nguyên Phát cố ý nói:

-      “Hán Cao đế là người nào ?” (hàm ý nói Lưu Bang cũng là người “tham của cải vật chất, thích đàn bà đẹp”, nhưng vẫn lập thành đại nghiệp, ông hà cớ gì đem mấy chuyện nhỏ ấy để yêu cầu quá đáng với tôi sao ?)

Phạm Trọng Yêm vừa nghe chợt hiểu ý của nó nên cũng không trả lời, có chút hoang mang mà bỏ đi.

                                                                (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 34 :

        Đến k viện để uống rượu thì cũng như hôm nay có nhiều người đến các nhà hàng máy lạnh uống cà phê hoặc uống một vài ly bia ấy mà, có gì phải trách, nhưng cái đáng trách là ngày nào cũng uống rượu và “gác tay” với mấy em kỹ nữ nơi nhà hàng máy lạnh mà quên mất trời đất vợ con bạn bè...

        Giáo huấn dạy dỗ người khác, nhất là những người đang sống trong tội hay đang trên đà sa đoạ thì khó hơn là vào rừng bắt cọp, cho nên đừng lấy ai ra mà làm ví dụ điển hình, bởi vì đã là con người thì không ai là không có tội, ngoại trừ Đức Chúa Giê-su và Đức Mẹ Ma-ri-a, hãy lấy Đức Chúa Giê-su và Đức Mẹ Ma-ri-a ra và gương các thánh ra kể cho họ nghe để họ noi gương của các ngài.

        Mình sống tốt trước rồi người ta mới bắt chước làm theo, bởi vì “lời nói lung lay, gương bày lôi kéo”, mà cái lôi kéo người ta mạnh mẽ nhất chính là ngôn hành hợp nhất của chúng ta vậy.

Người Ki-tô hữu có nhiều mẫu gương sáng chói để noi theo, đó là gương của Đức Chúa Giê-su, Đức Mẹ Maria và các thánh nam nữ trên trời, nhất là gương thánh bổn mạng của mình.

Sung sướng thật.   


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


33.      MỘT TRẬN NÁO NHIỆT

Lý Trọng Nguyên ở thành Khuê Lý, bởi vì nhờ người giới thiệu nên được gọi ra và làm đến chức huyện lệnh.

Người trong làng bèn làm tiệc tiễn đưa, nhà này nhà nọ thay nhau mời đã hơn tháng, cấp trên thúc giục lên đường nhậm chức, Lý Trọng Nguyên cười nói:

-      “Tôi vốn không thích ra làm quan, chỉ là mượn cơ hội này để mọi người náo nhiệt một trận ấy mà.”

                                                                (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 33 :

        Lên chức thăng tước là dịp để cho bà con bạn bè đãi tiệc chung vui, bởi vì đó là việc chính đáng của tình cảm giữa người với nhau.

        Có người lâu quá không có dịp để nhậu nên bày cớ này đến cớ nọ để được uống rượu; có người anh em lâu ngày không gặp nhau (vì không có lý do) nên lợi dụng sinh nhật của vợ mình hay dịp thôi nôi của con cái mà làm tiệc mời anh em đến nhậu cho vui; lại có người muốn làm ngày lễ kỷ niệm sinh nhật của mình...trước mấy ngày để có dịp anh em bạn bè tập họp ăn uống cho vui... tất cả những cái “mượn cớ” này đều không phải là tội, cho nên không nên oán trách, bởi vì ý tốt là để mọi người gặp nhau cho vui. Nhưng sẽ là đáng trách nếu lợi dụng những dịp “mượn cớ” này để nhậu nhẹt đến say xỉn, rồi chửi rủa nói xấu và đánh nhau thì dứt khoát là không chấp nhận được...

        Thiên Chúa là tình yêu, mỗi ngày Ngài đều mời gọi chúng ta đến để ăn và uống Máu Thịt của Đức Chúa Giê-su trong thánh lễ, Ngài muốn quy tụ chúng ta và những bạn bè lại chung quanh bàn tiệc thánh để chúng ta bày tỏ sự đoàn kết yêu thương nhau, và để chúng ta cùng nhau lãnh nhận nguồn ân sủng của Ngài để chúng ta đủ sức làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa trong cuộc sống của mình.

        Cứ mời bạn bè đến ăn uống dịp sinh nhật, bổn mạng hay những ngày trọng đại của mình, nhưng trước hết xin mời họ cùng nhau tham dự tiệc thánh là thánh lễ với chúng ta, sau đó chia sẻ ly bia miếng bánh thật chân thành vui vẻ...

        Thật hạnh phúc cho người mời và người được mời khi chúng ta làm được như thế.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)