Thứ Bảy, 23 tháng 8, 2014

Chúa nhật 21 thường niên


CHÚA NHẬT 21 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Mt 16, 13-20.
“Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời”.

Anh chị em thân mến,
Nếu có người hỏi chúng ta: “Đức Chúa Giê-su mà anh chị đang tin đó là ai ?” thì chúng ta sẽ trả lời như thế nào đây ? Có lẽ sẽ có người trả lời: “Đức Chúa Giê-su là Thiên Chúa hoặc là “Đức Chúa Giê-su là Đấng cứu độ trần gian”.v.v...đó là những câu trả lời rất đúng, nhưng đúng với những người Ki-tô hữu mà thôi, còn những người không phải là Ki-tô hữu chắc chắn là rất ngạc nhiên vì họ không hiểu chúng ta nói gì !

1. Tuyên xưng Đức Chúa Giê-su là Thiên Chúa mà thôi cũng chưa đủ, bởi vì trên thế gian có rất nhiều người Ki-tô hữu tuyên xưng Ngài là Cứu Chúa của mình, nhưng lại không hề tuân giữ lời của Ngài dạy; bởi vì có rất nhiều người vỗ ngực xưng mình là người tin vào Đức Chúa Giê-su, nhưng cuộc sống của họ thật trái với lời dạy của Ngài và giáo huấn Hội Thánh của Ngài dạy, đó là vấn nạn lớn nhất mà những người không cùng niềm tin với chúng ta, đã không nhìn thấy được Đức Chúa Giê-su trong cuộc sống của chúng ta- người Ki-tô hữu .

Lời tuyên xưng vào Đức Chúa Giê-su cần phải có hành động cụ thể vào niềm tin của mình, mà hành động cụ thể nhất chính là thực hành lời của Ngài dạy trong cuộc sống. Nói cho người khác nghe về Đức Chúa Giê-su (tuyên xưng) thì cũng phải làm cho họ thấy rằng, Ngài đang hiện diện thật sự trong cuộc sống (hành động) của chúng ta bất cứ nơi đâu.

2. “Dưới đất anh ràng buộc điều gì, trên trời cũng ràng buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy”[1](Mt 16, 19). Như thế là đã rõ ràng quyền tha tội và trói buộc đã được Đức Chúa Giê-su trao cho Hội Thánh qua các tông đồ, và những người kế vị các ngài trong thiên chức giám mục và linh mục. Nhưng trước hết, điều này dạy mỗi người chúng ta rằng, bất kỳ ai cũng đều có thể và có bổn phận tha thứ cho người khác chứ không trói buộc họ, bởi vì khi chúng ta không tha thứ cho người khác, thì Cha trên trời cũng sẽ không tha thứ cho chúng ta, và khi chúng ta bỏ qua những lỗi lầm của tha nhân thì Cha trên trời sẽ tha thứ cho chúng ta.

Tha thứ là điều kiện phải có để tuyên xưng Đức Chúa Giê-su là Thiên Chúa và là Đấng Ki-tô, nó (tha thứ) cũng là động cơ kéo ân sủng của Thiên Chúa xuống trên chúng ta, đồng thời cũng là nguyên nhân làm cho người khác tin tưởng và thấy Chúa đang hiện diện trong con người và trong cuộc sống của chúng ta vậy.

Anh chị em thân mến,
Mỗi ngày chúng ta đều có tham dự thánh lễ hoặc ít là ngày chúa nhật, đó là lúc mà chúng ta tuyên xưng Đức Chúa Giê-su là Thiên Chúa và là Đấng cứu chuộc nhân loại, và nếu mỗi ngày chúng ta thực hiện một hành vi bác ái, thì lời và việc làm tuyên xưng ấy của chúng ta sẽ rất có hiệu quả, mà hiệu quả lớn nhất chính là chúng ta đã thực sự trở nên con cái của Chúa vậy...

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

[1] Mt 16, 19.

Thứ Sáu, 22 tháng 8, 2014

Đề của viện học sĩ


ĐỀ CỦA VIỆN HỌC SĨ
Có người viết trên bức tường của viện học sĩ như sau:
-         “Lý Bá Dương lấy Lý Mộc làm họ, sinh nhi trí chi”..
Di Đại Niên nhìn thấy liền viết thêm vào bên cạnh:
-         “Mã Văn Uyên lấy da ngựa bọc thây, tử nhi hậu dĩ”.
                                  (Thuẩn Trai Nhàn Hiền)

Suy tư:
     Người thời xưa thường hay thử tài nhau bằng cách ra những câu đối lắc léo, làm cho các tử sĩ hay các văn nhân nhức đầu, như thế cũng đủ biết, trong thời đại nào, người ta cũng đều coi trọng người có học thức.
     Học không phải một sáng một chiều mà thàng đạt, nhưng học cả đời, học ở nhà trường và học ở ngoài xã hội, học nơi người khác và học nơi học trò của mình, bởi vì nhân vô thập toàn.
     Có nhiều người, sau khi cố công đạt cho được mục tiêu của mình rồi, thì không thèm học nữa, họ tự thoả mãn với những gì đã đạt được mà không cần nghiên cứu sau khi tốt nghiệp.
     Có nhiều linh mục trẻ không thích nói đến computer hoặc điện thư (email), vì không biết cách sử dụng nó; có nhiều linh mục không bao giờ cầm đến một tờ báo để đọc, vì cho là phí thời gian (!) nhưng lại đánh cờ tướng, đánh cờ domino sa đà đến nỗi quên cả giờ dâng lễ.
     Người thời nay không thử tài nhau bằng câu đối như người ngày xưa, nhưng người ta chỉ coi cung cách sống của anh là người ta cũng đủ biết anh là người như thế nào; cũng vậy, giáo dân ngày nay không như giáo dân ngày xưa chỉ thấy “chúa” nơi các linh mục, các ngài “phán” điều gì thì nghe điều ấy, giáo dân ngày nay cũng rất kính trọng các linh mục của mình, nhưng không phải vì thế mà họ không dám đối thoại với các linh mục, bởi vì họ có một bức xúc rất chính đáng: họ muốn các mục tử của họ cần phải trở nên gương mẫu hơn trong con đường trọn lành mà các ngài đã chọn.

     Có một nan đề cho các linh mục của Giáo Hội Công Giáo qua mọi thời đại, đó là: làm thế nào để trở nên một Đức Ki-tô thứ hai (Alter Christus) ?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư 

Mười tre một lá


MƯỜI TRE MỘT LÁ
Có một văn nhân quê ở Tiền Đường viết một bài “thơ trúc” và đọc cho Tô Đông Pha nghe:
-         “Góp tre ngàn lưỡi kiếm, thẳng đứng vạn cây thương”.
Đông Pha nói:
-      “Cây trúc này hình như rất ít lá !”
Người ấy không hiểu, Đông Pha giải thích, nói:
-         “Mười cây trúc trong thơ của ngài, ngài chỉ bỏ có một lá, không phải là quá ít sao ?”
                                     (Thuẩn Trai Nhàn Hiền)

Suy tư:
     Người ta nói “đừng múa rìu qua mắt thợ”, có nghĩa là đừng đem cái chưa hay của mình đi khoe với những người giỏi về chuyên môn, bởi vì “rìu và thợ” thì luôn đi chung với nhau, bởi vì thợ sống là nhờ vào cái rìu, cũng có nghĩa là thợ sống về chuyên môn chặt cây đốn củi của mình.
     Ở đời có nhiều người thích “múa rìu qua mắt thợ” mà không biết xấu hổ, không biết mắc cở: có người chỉ mới học vỏ vẽ vài miếng võ căn bản thì đã coi mình như “thiên hạ đệ nhất võ lâm” đi đâu cũng vỗ ngực xưng tên; có người mới “đậu” chức linh mục thì đã tự phong cho mình là “chúa”, coi người khác như không có kí-lô-gam nào.
Tôi đã thấy một thầy nọ, mỗi tuần đều đi đến Toà Giám mục để bồi dưỡng thánh kinh với các cha các thầy khác, rất vui vẻ cởi mở với mọi người, ăn to nói lớn xuề xoà thân tình, nhưng khi có danh sách chịu chức linh mục thì đã coi các thầy đồng trang lứa không ra gì, cứ “mày mày tớ tớ” và giờ giải lao thì không cần “ngó ngàng” đến các thầy bạn, mà cứ xum xoe với các linh mục để trò chuyện mà thôi, và đối với các thầy cùng trang lứa thì xa cách như chưa hề quen biết...
Cũng có người mới chịu chức linh mục, dầu thánh nơi tay chưa ráo khô mà đã muốn làm giám mục, có nghĩa là không thèm vâng lời giám mục, coi các linh mục già như bạn bè đồng trang lứa, và có lúc tỏ thái độ “ta đây”...
Có những giáo dân, được cha sở đưa đi học bồi dưỡng khoá giáo lý chỗ này, khoá tu đức chỗ kia, nhưng khi về lại nhà thờ thì coi mình như là...cha phó, thích cãi lại cha sở, tranh luận “sửa lưng” cha sở, vì coi những kiến thức của mình là cao siêu hơn ngài...

“Múa rìu qua mắt thợ” là bày tỏ một tâm hồn kiêu căng và háo thắng, người ta không ai thích kẻ múa rìu qua mắt thợ, nhưng ai cũng thích người khiêm tốn luôn biết giới hạn của mình mà học hỏi với người khác.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư