Thứ Bảy, 12 tháng 4, 2014

Chúa Nhật Lễ Lá


CHÚA NHẬT LỄ LÁ

Tin mừng : Mt 26, 14- 27, 66.
 “Cuộc thương khó của Đức Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta”.

Anh chị em thân mến,
Hôm nay là chủ nhật Lễ Lá, và cũng là ngày mở đầu tuần Thương Khó của Đức Chúa Giê-su đã chịu vì tội lỗi của nhân loại và của chúng ta. Trong tuần này Giáo Hội mời gọi chúng ta cùng nhau chia sẻ những đau khổ của Đức Chúa Giê-su từ khi vào thành Giê-ru-sa-lem cho đến khi Ngài trút hơi thở cuối cùng trên thập giá.

Có câu chuyện nhỏ này:
Một hôm mùa xuân hỏi:
-         “Có cái gì so với sự chết càng đau khổ hơn không ?”
Đấng tạo hóa trả lời :
-      “Có, giữa chết và không chết”.
-      “Nghĩa là sao ?”
-      “Thể xác thì sống nhưng tâm hồn thì đã chết rồi” [1].
Ai đã từng bị hiểu lầm, ai đã từng bị kết án cách bất công, ai đã từng nếm mùi nhục nhã trước những người đã chịu ơn mình bây giờ lại đấu tố mình, thì mới thấy những đau khổ trong tâm hồn của Đức Chúa Giê-su là chừng nào.

Ngồi trên mình lừa và được tung hô “vạn tuế, vạn tuế”, được dân chúng cởi áo lót đường đi, được tuyên xưng “Đấng nhân danh Thiên Chúa mà đến...” thì còn gì hãnh diện và oai cho bằng! Nhưng Đức Chúa Giê-su thì lại khác, tâm hồn của Ngài đang đau khổ, đau khổ vì biết rằng chính những con người cầm lá tung hô vạn tuế Ngài ngày hôm nay, thì ngày mai cũng chính họ vung nắm tay la hét đấu tố và khống cáo Ngài trước tòa án Phi-la-tô: đóng đinh nó vào thập giá.

Quan tổng trấn Phi-la-tô đang sống nhưng tâm hồn đã chết trước những quyền lợi cá nhân; đám đông dân chúng đang hò hét la mắng Đức Chúa Giê-su, thế là họ đang sống nhưng tâm hồn đã chết trước những vô ơn bội nghĩa.

Những hình ảnh đó vẫn còn đậm nét trong tâm hồn chúng ta, khi chúng ta, ngày hôm nay, cũng cầm lá trong tay để tung hô Đức Chúa Giê-su là vua, là Đấng nhân danh Chúa mà đến, nhưng rồi cũng chính chúng ta, ngày mai, sẽ đóng đinh Ngài vào thập giá vì những tội lỗi của chính mình, Đức Chúa Giê-su thật sự đang đau khổ khi tiến vào thành Giê-ru-sa-lem, bởi vì Ngài biết chúng ta đang sống nhưng tâm hồn đã chết trước những cám dỗ của ma quỷ và thế gian.

Trong cuộc sống hằng ngày với biết bao là công việc phải lo toan, tiếp xúc nhiều hạng người, có những lúc chúng ta ôm một mối hận trong lòng vì những phản bội, những “ăn cháo đái bát” của người anh em chị em, chúng ta đau khổ, chúng ta oán trời, chúng ta than vãn vì lòng người đen bạc thay trắng đổi đen. Nhưng còn Đức Chúa Giê-su, Ngài không một lời  oán trách, không một thái độ thù nghịch, Ngài hiền lành như con chiên bị đem đi làm thịt, dù rằng tâm hồn Ngài đau khổ có thể chết được, như lời của tiên tri I-sai-a đã nói về người Tôi Tớ của Thiên Chúa :
“Phần tôi, tôi đã nói :
Tôi vất vả luống công, phí sức mà chẳng được gì”.[2]

Vâng, Đức Chúa Giê-su chẳng được gì cả khi thi ân giáng phúc cho những người Do Thái, Ngài đã phí công vô ích, vì những người mà Ngài đã hết lòng yêu thương, ban ơn, giờ đây đang kết án tử cho Ngài. Nhưng Chúa Giê-su tin chắc rằng với máu Ngài đổ ra, với những cực hình mà Ngài phải chịu, và với cái chết nhục nhã trên thập giá, Ngài sẽ cứu chúng ta là những người đang sống nhưng tâm hồn thì đã chết, cũng được sống lại với Ngài.

Anh chị em thân mến,
Bài Thương Khó của Đức Chúa Giê-su mà chúng ta vừa nghe, đã khiến cho nhiều tâm hồn tội lỗi trở lại con đường ngay nẻo chính, nó cũng đã đánh động nhiều tâm hồn kiêu ngạo chỉ biết kết án tha nhân chứ không biết kết án mình. Đây không những là bài tường thuật lịch sử về cuộc khổ nạn của Đức Chúa Giê-su vì yêu thương mà chịu khổ hình và chịu chết, nhưng còn là một bán án kết tội nhân loại và chúng ta, bởi vì nhân loại và bản thân mỗi người trong chúng ta, đang từng giây từng phút đóng đinh Ngài vào thập giá vì tội của mình.

Chia sẻ với những đau khổ trong tâm hồn của Đức Chúa Giê-su chính là việc mà ba thánh tông đồ Phê-rô, Gia-cô-bê và Gioan đã làm khi ở trong vườn Cây Dầu, nhưng hơn thế nữa, chúng ta chia sẻ những đau khổ trong tâm hồn của Đức Chúa Giê-su, bằng những đau khổ trong tâm hồn của mình: khi chúng ta âm thầm chịu đau khổ vì sự phản bội của anh em, vì sự lừa lọc trắng trợn của người khác, vì sự vô ơn bội nghĩa của người mà mình đã hết lòng thương yêu giúp đỡ...

Không oán trách người hiểu lầm mình, không trả thù người vô ơn, không giận ghét người bạc nghĩa, không nói xấu người chỉ trích mình.v.v... đó là việc làm tích cực nhất của chúng ta, để chia sẻ nổi đau với Đức Chúa Giê-su trong cuộc sống của mình, đó chính là cuộc thương khó nối dài của Ngài trên con người chúng ta, và đó cũng chính là tâm tình của một người bạn trung tín vậy !

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 



[1] Trích trong “Truyện ngụ ngôn cho thời hiện nay”, bản dịch và viết suy tư của Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
[2] Is 49, 4a.

Thứ Sáu, 11 tháng 4, 2014

Trâu chọi vẫy đuôi


TRÂU CHỌI VẪY ĐUÔI
Có một mục đồng (người chăn trâu) đi trên đường, nhìn thấy Xã Xử Sĩ đang phơi những bức tranh đã cất giữ lâu năm dưới ánh mặt trời, thế là tò mò đứng lại coi.
Lúc đang coi bức tranh “trâu chọi” của nhà danh họa Đới Tùng, thì bất chợt cười to lên, Xã Xử Sĩ bèn hỏi anh ta tại sao mà cười ? Mục đồng trả lời:
-         “Hai con trâu chọi nhau mà lắc đuôi à, thấy ở đâu vậy ? Trâu lúc chọi nhau, cái đuôi của nó phải bám thật chặt giữa hai bắp đùi mới đúng chứ !”
                                     (Tô Đông Pha tập)
Suy tư:
     Có một giáo dân hỏi cha sở của mình: “Thưa cha, tại sao Đức Chúa Giê-su sống lại ở trên cây thánh giá, không phải Chúa chết trên thánh giá sao ?” - ông ta hỏi như vậy là vì ở giữa trên gian cung thánh có treo tượng thánh giá thật lớn và thay vì Đức Chúa Giê-su chịu chết trần truồng, khổ đau, thì lại thay vào đó hình Đức Chúa Giê-su sống lại mặc áo trắng sáng ngời... Cha sở giải thích: “Có qua thánh giá mới đến vinh quang...”
     Giải thích thì rất đúng và xác đáng, nhưng cách trình bày thì hơi “lệch lạc” với giáo dân dù hiểu hay không hiểu giáo lý, thì vẫn cứ tin tưởng rằng Đức Chúa Giê-su chịu chết trên cây thánh giá, chứ không phải sống lại trên cây thánh giá. Dù không treo hình Đức Chúa Giê-su phục sinh trên thánh giá, thì tất cả mọi tín hữu đều biết là Ngài đã chết trên thánh giá và từ trong mồ Ngài đã sống lại; dù không treo hình Đức Chúa Giê-su sống lại trên thánh giá, thì giáo dân vẫn hiễu và tin rằng, Đức Chúa Giê-su đã chịu đau khổ, chịu chết và sống lại vinh quang...
     Đem hình ảnh Chúa Phục sinh từ trong mồ đá (không phải trên thập giá) mà treo lên, thì người ta vẫn dễ hiểu hơn, hoặc treo hình thánh giá có Đức Chúa Giê-su khổ nạn thì người ta vẫn thích hơn, hơn là treo hình thánh giá mà có hình Đức Chúa Giê-su phục sinh, bởi vì –đơn sơ mà nói- không ai bị treo trên thánh giá mà...vui vẻ cả, nó mất đi ý nghĩa của “mầu nhiệm cứu chuộc” và “mầu nhiệm khổ đau” của đạo Công Giáo chúng ta, và hình như trong các sách Phúc Âm không có đoạn nào câu nào nói Đức Chúa Giê-su sống lại trên thánh giá cả, chẳng qua chỉ là ý tưởng của các nhà nghệ thuật mà thôi.

     Không ai nhìn cây thánh giá có hình Đức Chúa Giê-su sống lại mà nói là tượng khổ nạn, cũng vậy không ai nhìn cây thánh giá mà nói tượng phục sinh, nhưng nói tượng Thánh Giá, nghĩa là trên thánh giá có Đức Chúa Giê-su chịu đóng đinh và chết vì yêu nhân loại tội lỗi.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư 

Người mù hỏi về mặt trời


NGƯỜI MÙ HỎI VỀ MẶT TRỜI
Có một người mù, từ trước đến nay chưa nhìn thấy mặt trời bao giờ, nên đi hỏi những người sáng mắt.
Có người nói với anh ta: “Hình dạng trạng thái của mặt trời giống như cái dĩa bằng đồng”, về nhà, người mù gõ gõ cái dĩa đồng, có tiếng kêu tinh tang. Một ngày nọ, ngẫu nhiên anh ta nghe tiếng chuông đồng vọng lại, bèn cho rằng đó là mặt trời.
Có một người khác nói với anh ta: “Mặt trời có thể phát sáng, giống như cây đèn cầy vậy”, người mù lại trở về nhà rờ rờ cây đèn cầy, nhớ kỷ hình dáng của nó.
Lại có một ngày, anh ta rờ đến cái ống sáo (tiêu), thì rất đắc ý nói: “Đây là mặt trời”.
                                          (Tô Đông Pha tập)

Suy tư:
     Không một người Ki-tô hữu nào thấy Thiên Chúa cả, nhưng ai cũng có thể cảm nghiệm được Thiên Chúa qua cuộc sống của họ.
     Có người thấy Thiên Chúa nơi những người nghèo, và thế là họ tận tâm phục vụ người nghèo: họ đã chạm đến Thiên Chúa trong cuộc sống...
Có người thấy Thiên Chúa nơi sách vỡ, và thế là họ nghiên cứu, suy tư, học hỏi: họ đã cảm nghiệm được Thiên Chúa trong cuộc sống...
Có người nhìn thấy Thiên Chúa nơi những người bị áp bức, bị đối xử bất công, và thế là họ đấu tranh cho công bằng xã hội, cho người bị ngược đãi: họ đã sờ tới Thiên Chúa trong cuộc sống...
Có người nhìn thấy Chúa nơi hành vi phục vụ của anh chị em, và thế là họ cũng bắt chước người anh em chị em ấy đi phục vụ người khác: họ đã “nắm” được Thiên Chúa trong cuộc sống...

Thiên Chúa luôn tỏ mình ra cho chúng ta trong cuộc sống, có điều là chúng ta có nhận ra Ngài hay không mà thôi ! Bí quyết để nhận ra Ngài đó chính là chúng ta phải có một tâm hồn quãng đại, một tinh thần khiêm tốn và một sự cầu nguyện liên lỉ không ngừng.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư 

Thứ Ba, 8 tháng 4, 2014

Giấc mộng đẹp của người chăn cừu


GIẤC MỘNG ĐẸP CỦA NGƯỜI CHĂN CỪU
Có một người chăn cừu, trên đường trở về nhà, trong đầu suy nghĩ từ cừu qua ngựa, từ ngựa lại nghĩ đến xe, từ xe lại nghĩ đến xe có mui...
Sau khi về đến nhà, liền nằm mơ thấy mình đang ngồi trên một chiếc xe ngựa có mui bày biện các loại nhạc khí, hai bên thổi kèn tấu nhạc vui vẻ, thì ngỡ là đã trở thành vương công quý tộc rồi vậy !
                                          (Tô Đông Pha tập)

Suy tư:
     Con người, ai cũng có những giấc mộng đẹp.
     Con người, ai cũng có những ước mơ.
Có người ước mơ mình sẽ làm bác sĩ, có người ước mơ mình sẽ làm giáo sư, cũng có người ước mơ làm tổng thống, làm linh mục, làm dì phước...
     Tất cả những ước mơ đó đều đẹp và đáng trân trọng, nhưng có một ước mơ mà rất ít người mơ đến, đó là ước mơ mình được nên thánh.
     “Nên thánh” đó là mục đích của người Kitô hữu; “nên thánh” đó là lời mời gọi của Đức Chúa Giê-su : “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”. “Hoàn thiện” tức là nên thánh, là chu toàn bổn phận cách hoàn hảo, là sống đời Ki-tô hữu cách tốt đẹp, là đem tình yêu của Thiên Chúa trãi dài trong cuộc sống của mình, bởi vì một tình yêu hoàn thiện là phản ảnh lại trung thực tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta.
     Anh ước mơ làm linh mục, anh sẽ hoàn thiện mình trong chức linh mục; chị ước mơ làm nữ tu, chị sẽ hoàn thiện mình trong vai trò của nữ tu; anh muốn làm bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo.v.v...anh cũng sẽ hoàn thiện mình trong bổn phận và chức vụ của mình.

     Và trở nên người hoàn thiện thì tất nhiên phải cần đến ân sủng của Thiên Chúa và sự nổ lực của chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư 

Học bơi trên bờ


HỌC BƠI TRÊN BỜ
Có một người ở phương bắc rất là dũng cảm, bộ tấn giống như người giỏi võ, làm việc gì cũng không sợ, chỉ có điều là không biết bơi lội, mỗi lần nhìn thấy người ta lặn sâu dưới nước bơi như cá, linh hoạt như ý, thì rất là ngưỡng mộ, thế là bèn đi thỉnh giáo người ta.
Người ta đem cách bơi dưới nước, phải lấy hơi như thế nào để nói cho anh ta biết, sau khi nghe xong anh ta cảm thấy rất là đơn giản, bèn chạy đến bên sông và tung người nhảy xuống sông. Ai mà biết được người ấy bơi như thế nào nên đợi thử xem mà chẳng kéo lên, bởi vì nguyên tắc chủ yếu để biết bơi thì anh ta chưa nhớ đã vội quên, cho nên vừa nhào xuống nước là chân tay đập tứ tung loạn xà ngầu.
Và tiếp theo thì “ùm ùm, ùm ùm” rồi uống mấy ngụm nước, không bao lâu thì hết hơi.
                                     (Tô Đông Pha tập)

Suy tư:
     Nói thì dễ, mà làm thì khó.
     Nói lý thuyết về cách bơi, cách nín thở khi bơi thì dễ, nhưng khi nhảy xuống sông thì bị chìm mất tiêu, nói và hành phải đi đôi với nhau.
     Nói kính mến Thiên Chúa thì rất là dễ, nhưng h mỗi lần đi dâng thánh lễ thì giống như đi lên đoạn đầu đài không bằng, vì thánh lễ đối với họ là một sự lãng phí thời gian vô ích !
     Nói yêu người như chính mình thì dễ, nhưng hể thấy ai đụng chạm đến mình thì phùng má trợn mắt lên mà chửi.
     Nói ra những khuyết điểm của anh em, của chị em, của tha nhân thì dễ, nhưng sửa chữa những khuyết điểm của mình thì rất khó.

     Thiên Chúa không muốn chúng ta tố cáo anh em chị em vì những khuyết điểm của họ, bởi vì chỉ có ma quỷ mới tố cáo vì ghen ghét, nhưng Thiên Chúa muốn chúng ta nhìn thấy khuyết điểm của người khác mà răn đe mình, sửa đổi mình và cầu nguyện cho họ.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư 

Cá mực thất sách


CÁ MỰC THẤT SÁCH
Con cá mực được thả trong giòng nước đen ngòm, và lấy đó làm vật che chở mình cho khỏi bị các loại cá khác tấn công, dần dần nó cảm thấy đắc ý, thường cố ý bơi ra ngoài biển và hải đảo chơi đùa.
Một hôm, có một con chim hải âu đang bay thấp trên mặt biển để tìm mồi, đột nhiên nhìn thấy ven biển không xa có một đám nước đen, nó phát hiện nước đen chốc chốc lại thay đổi vị trí, bèn đoán rằng đó là một con cá đang bơi.
Còn con cá mực thì cảm thấy rất đắc ý khi đùa giỡn không đề phòng gì cả, thế là con chim hải âu bổ nhào xuống rất nhanh đớp ngay con cá mực.
                                          (Tô Đông Pha tập)

Suy tư:
     Con cá mực đã làm mồi cho con chim hải âu vì nó tự đắc khi đi quá giới hạn của mình là bơi ra ngoài biển và các hải đảo.
Đi quá giới hạn của mình thì thường gặp nguy hiểm, như chiếc xe chạy trên cao tốc vượt qúa tốc độ cho phép thì tai nạn dễ dàng xảy ra, mà những người vượt quá giới hạn của mình thì thường là những người háo thắng, luôn tự tin vào mình và thường là có tính nóng nảy, tính nóng nảy này thường là do kiêu ngạo tự đắc mà ra.
Tất cả mọi người đều có giới hạn của mình.
Linh mục có giới hạn của linh mục, tu sĩ có giới hạn của tu sĩ, sống bậc gia đình cũng có giới hạn của bậc gia đình, vượt qua giới hạn ấy thì nguy hiểm đang chờ trước mặt.
Đức Chúa Giê-su trong thân phận làm người cũng có giới hạn của mình: trong vườn Cây Dầu giới hạn con người nơi Ngài quá rõ khi Ngài cầu nguyện: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con...”   nhưng Ngài không vượt qua giới hạn ấy và đã trở nên nguồn ơn cứu độ cho nhân loại.
Con cá mực đã vượt qua giới hạn của mình và đã làm mồi cho chim hải âu, cũng vậy, khi con người vượt qua giới hạn của mình thì hậu quả khó mà lường được.

Đức khiêm tốn và sự cầu nguyện sẽ là khí cụ ngăn chặn chúng ta vượt qua giới hạn của mình, cũng có nghĩa là, nó đưa chúng ta đến sự bình an và hạnh phúc trong bổn phận mà Thiên Chúa đã trao phó cho mỗi người.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư 

Cá nóc phát uy


CÁ NÓC PHÁT UY
Cá nóc rất nổi giận.
Một hôm, một con cá nóc ở dưới cầu chơi đùa vui vẻ, vì không cẩn thận nên đầu tông vào trụ cầu, suýt nữa cái đầu bi dẹp lép. Thế là, nó trợn mắt phùng mang chửi cái trụ cầu không nhìn xa, lại tông vào cái đầu của ta.
Có một con cá khác vội vàng khuyên giải, con cá nóc không những không nghe, trái lại còn trêu chọc, oai ra phết, nó đem cái da bụng phình lên, vây nhọn dựng đứng, cái châm nhọn thẳng tắp không động đậy nằm trên mặt nước giả vờ như chết, không ngờ đúng lúc ấy một con chim ó cá bơi nhanh qua, đớp một miếng nuốt nó xuống bụng !
                                          (Tô Đông Pha tập)

Suy tư:
     Số phận của những người nóng nảy, kiêu ngạo là như thế đó, rốt cuộc mình lại hại mình.
     Nóng nảy thì như ngọn lửa của cỏ tranh, bừng cháy thật mạnh rồi tắt ngúm, nhưng thật tai hại cho giây phút bùng cháy ấy; hiền lành thì như dòng nước mát có thể làm cho người ta giải quyết được nhiều việc mà không cần phải dao to búa lớn.
Người hiểu biết nói mười câu cũng có một câu sai, người ngu đần nói mười câu cũng có một câu đúng. Biết nghe lời người khác góp ý là đã có một tâm hồn hướng thiện, những người như thế nhất định sẽ trở nên người có ích cho mọi người; còn những người kiêu ngạo lại kèm thêm tính nóng nảy, thì không những hại mình mà còn làm chia rẽ giữa anh chị em với nhau, những người như thế chẳng khác chi những bình sành được tô vẽ thật đẹp, rồi tưởng mình mạnh mẽ “oai ra phết” như những bình bằng đồng, rồi chê bai người này, rồi huých vai người khác, rốt cuộc nó bị vỡ toang vì rớt xuống nền bê tông...

Trong cuộc sống, khi nghe người khác góp ý, tôi thường cảm thấy khó chịu, nhưng với tinh thần khiêm tốn tôi sẽ mĩm cười và tự nhủ: “Thiên Chúa đang dạy tôi qua người này”.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư