Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2022

Chúa nhật 19 thường niên



CHÚA NHẬT 19 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Lc 12, 35-40.

“Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng”.

 

Bạn thân mến,

“Hãy sẵn sàng” như là một mệnh lệnh của Đức Chúa Giê-su truyền cho chúng ta, “sẵn sàng” tức là đã chuẩn bị xong rồi và đang đợi giờ lên đường, giờ hành động… Tôi xin chia sẻ với bạn những cái sẵn sàng sau đây trong đời sống tâm linh cũng như trong cuộc sống đời thường của chúng ta:

“Sẵn sàng” là câu châm ngôn của các hướng đạo sinh. Mệnh lệnh “hãy sẵn sàng” của Đức Chúa Giê-su cũng là một châm ngôn của người Ki-tô hữu, nhưng với ý nghĩa khác hơn, đó là sẵn sàng để chờ đợi Thiên Chúa đến như người đầy tớ đợi chủ đi xa về, bất chợt vào ban đêm hay ban ngày.

Ngày mai đi du lịch thì hôm nay phải chuẩn bị sẵn sàng; ngày mai đón khách phương xa đến nhà thì hôm nay tất cả đã sẵn sàng để khách đến; ngày mai giờ xổ số độc đắc sắp đến thì hôm nay đợi chờ trong hy vọng…

Con người ta ai cũng sống trong đợi chờ, đợi chờ kỳ tích đến để đổi mới cuộc đời, đợi chờ tin vui đến để đời thêm vui…

Mọi người ai cũng chờ đợi, nhưng rất ít người chờ đợi tin vui trọng đại: Thiên Chúa đến kêu gọi chúng ta đi về nhà Ngài.

Hôm nay, trong bài Tin Mừng này Đức Chúa Giê-su lại nhắc nhở bạn và tôi hãy sẵn sàng để chờ đợi Ngài đến. Ngài đến bất chợt như kẻ trộm, nhưng không tàn khốc cho những người đã chuẩn bị sẵn sàng, bởi vì Ngài đã vì yêu thương mà báo trước cho bạn và tôi hãy tỉnh thức và sẵn sàng. Nhưng nó sẽ tàn khốc cho những ai nghe mà không tuân giữ lời Ngài nói, bởi vì “thật vô phúc cho đầy tớ nào khi chủ về mà vẫn còn mê ngủ”, mê ngủ tức là chưa chuẩn bị và không sẵn sàng…

Bạn thân mến,

Người biết chờ đợi là người có tâm hồn an vui tự tại bởi vì họ đã sẵn sàng.

Bạn và tôi thường cảm thấy hụt hẫng khi nghe tin người này mới hôm qua đây cùng uống cà phê với mình, người kia mới hôm nào đây đang bắt tay chào hỏi mình, giờ thì đã chết; và cũng có lúc chúng ta cảm thấy bồn chồn trong lòng khi tiễn đưa người bạn thân đến nơi an nghỉ cuối cùng. Bồn chồn hụt hẫng là vì tâm hồn chúng ta chưa chuẩn bị sẵn sàng, và cảm thấy bi ai trước sự ra đi của người anh em chị em.

Đức Chúa Giê-su ra lệnh cho chúng ta “hãy sẵn sàng” như vị tướng quân ra lệnh cho quân đội sẵn sàng lâm trận, trận chiến mà bạn và tôi phải đối đầu là trận địa cám dỗ của ma quỷ và của tội lỗi, trận chiến này tàn khốc hơn bất cứ trận chiến nào ở trần gian, bởi vì chỉ cần mê ngủ không tỉnh thức sẵn sàng thì chúng ta vĩnh viễn chết trầm luân trong hoả ngục, đó là cái giá phải trả nếu chúng ta không nghe lời Đức Chúa Giê-su dạy: hãy sẵn sàng…

Ân sủng và quyền năng của Đức Chúa Giê-su vẫn ở cùng bạn và tôi luôn mãi, chỉ cần chúng ta “sẵn sàng” trong tư thế của người Ki-tô hữu đó là tỉnh thức và cầu nguyện.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


89.   SƯ KHOÁNG PHỐI ĐÀN

Tấn Bình công nhờ người làm một cây đàn, dây to dây nhỏ giống nhau, giao cho Sư Khoáng là bậc thầy về âm nhạc thời cổ của Trung Hoa điều chỉnh âm giai, nhưng điều chỉnh cả ngày mà cuối cùng đàn cũng không phù hợp với âm điệu.

Tấn Bình công trách Sư Khoáng, Sư Khoáng nói:

-        “Đàn, dây lớn của nó có thể so với vua, dây nhỏ có thể so với thần tử, tác dụng của dây to dây nhỏ thì không giống nhau, phải phối hợp với nhau mới phát ra âm thanh nghe được, không bỏ mất chức năng của mỗi dây, âm dương mới điều hoà, bây giờ ngài đem tất cả các giây làm thành một dạng, thì làm cho chúng nó mất đi chức năng phải có của nó, nếu không vậy thì lẽ nào bậc thầy âm nhạc như tooi6 không phối đàn được hay sao ?”

                                                                                (Úc Ly tử)

 

Suy tư 89:

        Dù cho là bậc thầy âm nhạc đi chăng nữa, cũng sẽ không làm được gì nếu dây đàn chỉ có một loại dây lớn mà thôi, bởi vì như thế sẽ không tạo nên âm thanh trung thực của cây đàn.

        Chúng ta là những “cây đàn” trong tay Thiên Chúa, nếu “cây đàn chúng ta” chỉ là những sợi dây lớn cố chấp, kiêu căng mà không có một sợi dây nhỏ khiêm tốn hoặc hối cải nào, thì bậc thầy vĩ đại nhất là Thiên Chúa cũng đành chịu, không thể làm gì được với cây đàn là chúng ta, đến nước này thì chỉ là đồ bỏ, quăng vào trong lửa là xong.

        Mỗi cây đàn đều có cái hay cái dịu kỳ riêng của nó, mỗi con người đều có kế hoạch riêng của Thiên Chúa nơi họ.

Nếu người Ki-tô hữu vẫn cứ phát ra âm thanh cộc cằn nóng nảy, la lối thoá mạ, mà không phát ra âm thanh êm dịu khiêm tốn thì không ai nghe được Lời sống động của Thiên Chúa đang “nói” khắp nơi trong vũ trụ.

        Mỗi người Ki-tô hữu là một cây đàn kỳ diệu được kết hợp với nhau bằng đức ái, thì sẽ trở thành một bản hoà tấu tuyệt vời ca ngợi tình yêu của Đấng tạo hoá -Thiên Chúa- ngay trong chính cuộc sống bác ái và phục vụ của họ vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Năm, 4 tháng 8, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


88.   NHƯỢC THẠCH PHÒNG HỔ

Nhược Thạch ẩn cư ở phía bắc ngọn núi Mặc San, có một con hổ thường ngồi xổm ở ngoài hàng rào ông ta ngấm ngầm đợi dịp.

Nhược Thạch chỉ huy người nhà ngày đêm cảnh giới, mặt trời ló ra là đánh kẻng, mặt trời lặn thì thắp lửa, nửa đêm tuần phòng và trồng cây gai chung quanh chỗ ở, xây dựng tường cao, ở bên khe núi thì đào một cái hố để bắt hổ. Một năm trôi qua, con hổ không làm ăn gì được.

Một hôm, con hổ lăn đùng ra chết, Nhược Thạch rất phấn khởi, thế là thu lại tất cả những cạm bẩy đã làm, phá bỏ những thiết bị phòng vệ, tường bốn phía bị hư cũng không thèm sửa chữa.

Không bao lâu sau, có một con thú hình giống chó nhưng lông thì giống cáo đuổi một con nai, dừng ngay bên góc nhà của ông ta, nghe có tiếng heo, trâu, dê kêu trong nhà, thì xông vào ăn chúng nó. Nhược Thạch không biết là con vật gì nên quát to lên, nhưng nó vẫn không chạy, lấy đất ném nó, nó quay lại đứng lên như người, dùng móng nhọn vồ ngay Nhược Thạch, và cắn ông ta chết tươi.

                                                                                (Úc Ly tử)

 

Suy tư 88:

        Nhược Thạch chỉ biết đề phòng con hổ mà không đề phòng các con thú khác cũng nguy hiểm như hổ, cho nên bị cắn chết.

Có những cô gái sống đời rất đạo hạnh, đoan trang, nhưng chỉ một phút nhẹ dạ mà ôm hận suốt đời, vì coi thường những chuyện nhỏ tưởng như hợp tình hợp lý.

        Có những người ở chỗ này bị cám dỗ gắt gao về dục vọng, khi được đổi đi chỗ khác thì hí hửng vui mừng vì “thoát nạn”, nhưng ở chỗ mới lại nảy sinh ra cám dỗ cũng như thế, nhưng tinh vi hơn và nặng nề hơn, chỉ là khác hoàn cảnh và cách cám dỗ mà thôi, cho nên bị ngã nặng nề hơn, khi thức tỉnh thì ôm hận cả đời.

Con hổ ăn thịt người thì con báo cũng ăn thịt người, chỉ khác nhau ở chỗ là con hổ thì ngồi rình trước cổng nên ai cũng thấy, còn con báo thì rình trên cây nên không ai thấy, nhưng tai hại thì giống nhau.

Người Ki-tô hữu luôn được Lời Chúa và Giáo Hội hướng dẫn, cho nên biết rất rõ chỗ nào là cạm bẩy của ma quỷ để tránh và chỗ nào là an toàn để ẩn núp. Mà an toàn nhất không phải là luôn tỉnh thức cầu nguyện và cậy trông vào Chúa hay sao ?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 3 tháng 8, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


87.   CÁO ĂN TRỘM GÀ

Úc Ly Tử nhà ở trong núi, ban đêm có một con cáo đến ăn trộm gà của ông ta, ông ta đuổi theo nhưng đuổi không kịp.

Ngày hôm sau, các đầy tớ giăng một cái bẫy nơi chỗ con cáo chui vào nhà và treo một con gà lên làm mồi, quả nhiên con cáo đến và bị dây thừng quấn lại, mặc dù nó bị trói nhưng mõm và móng vuốt của nó vẫn cứ gừ gừ giữ chặt không thả con gà ra, các đầy tớ vừa đánh vừa chụp, con cáo vẫn không thả con gà, Úc Ly Tử thở dài nói:

-         “Con người vì tiền tài lợi lộc mà chết, thì cũng giống như con cáo này vậy”.

                                                                                (Úc Ly tử)

 

Suy tư 87:

        Đức Chúa Giê-su nói “Kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em cũng ở đó.” (Lc 12, 34)

        Có người nằm trên giường bệnh, sắp gần đất xa trời rồi mà vẫn cứ hỏi con cái về tiền bạc của mình như thế nào; có người nằm trên giường bệnh bà con bạn bè ai cũng lo lắng cho, nhưng họ thì vẫn luôn cứ nhắc đến chuyện làm ăn thua lỗ thế nào, mà không nghe nhắc đến việc đọc kinh cầu nguyện; lại có người ngay trong giấc ngủ cũng nhắc đến tiền bạc...

        Con cáo bị đánh gần chết mà vẫn cứ không thả con gà ra, vì nó là con cáo thích ăn gà, thà chết chứ không bỏ mồi.

        Người Ki-tô hữu là con cái Thiên Chúa nên thích ăn lương thực là Bánh Hằng Sống, cho nên tiền bạc danh vọng xác thịt của thế gian đối với họ là không quan trọng cho bằng linh hồn, và vì để có lợi cho linh hồn thì họ sẵn sàng “nhả” ngay ra những thứ không cần thiết cho cuộc sống đời đời của họ, đó chính là cái khác lạ giữa người có đức tin vào Chúa và người không có đức tin vậy.

        Ma quỷ cũng sẽ dùng mồi tiền tài, xác thịt và danh vọng để chúng ta mắc bẫy của nó và mất linh hồn đời đời.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Ba, 2 tháng 8, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 



86.   CON HỔ ĐUỔI CON NAI

Con hổ nhìn thấy một con nai, trong lòng nghĩ rằng có một bữa nhậu ngon nắm chắc trong tay rồi, thế là nhảy qua vồ mạnh, con nai nhìn thấy con hổ vồ tới và có lẽ vì số mệnh chưa tới nên nhảy hoảng lên trên vách đá, rồi cũng không kịp suy nghĩ liền động thân nhảy thêm một cái nữa, con hổ đuổi theo và cũng nhảy theo một cái, rốt cuộc cả hai đều bị rớt xuống mà chết.

                                                                                (Úc Ly tử)

 

Suy tư 86:

        Tiền tài, danh vọng, xác thịt là con mồi của tính tham lam nơi mỗi người, nó như “phù thủy” biến hóa làm mờ mắt lương tâm của con người ta, nó đưa con người lên cao và đột ngột thả con người xuống tận cùng của vực sâu.

        Con nai là mồi ngon của con hổ.

Tiền tài, danh vọng và xác thịt là miếng mồi ngon của những người thích cuộc sống hưởng thụ, và chúng nó cũng là kẻ thù nguy hiểm nhất của người Ki-tô hữu, bởi vì không một ai tham lam của cải mê đắm xác thịt và danh vọng quyền thế mà được lên thiên đàng bao giờ, nếu họ không có một tâm hồn hối cải.

Người Ki-tô hữu là người khôn ngoan hiểu nhiều điều mà những người khác không hiểu không biết, họ biết chết không phải là chấm hết nhưng là bắt đầu cuộc sống mới; họ hiểu chính Thiên Chúa là Đấng tạo thành vũ trụ và là Đấng nhân từ yêu thương mọi loài; họ biết chỉ có Đức Chúa Giê-su mới là Đấng cứu độ trần gian, ngoài Ngài ra thì không còn một sự cứu độ nào khác; họ biết có thiên đàng để thưởng người lành và có hỏa ngục để trừng phạt ma quỷ và kẻ dữ.v.v...

Nhưng biết và thực hành thì không giống nhau, biết mà không thực hành thì chẳng khác gì chạy xe tốc độ cao mà không có cái thắng (cái phanh) xe, sẽ bị đâm xuống vực sâu mà chết.

Con hổ vì tham mồi nên bị rơi xuống hố sâu mà chết vì nó chỉ biết con mồi mà không đoán trước có vực thẳm, cũng vậy, người Ki-tô hữu nếu tham lam mọi sự của thế gian này thì cũng sẽ có ngày đâm nhào xuống vực thẳm, vô phương cứu chữa.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Hai, 1 tháng 8, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


85.   NGƯỜI NƯỚC TRỊNH NÓNG VỘI

Ngày xưa ở nước Trịnh có người tính tình rất là nóng vội, bắn cung không trúng hồng tâm thì đem cung bẻ gảy, đánh cờ không thắng liền cắn con cờ, có người thấy vậy thì khuyên anh ta:

-        “Đó không phải là do cung tên hoặc con cờ sai, tại sao không suy nghĩ một chút, tìm nguyên nhân nơi bản thân mình xem sao ?”

Anh ta chẳng thèm nghe, cuối cùng phải chết vì cái thói nóng vội của mình.

                                                                                (Úc Ly tử)

 

Suy tư 85:

        Con người ta ai cũng có tính nóng nảy, có điều là biết kiềm chế cơn nóng nảy của mình hay không mà thôi.

Có người nóng nhanh, có người nóng chậm.

Có người khi nóng thì thoá mạ chửi bới, có người khi nóng thì miệng hét tay thoi chân đá.

Có người khi nóng giận thì mặt đỏ kè như con tắc kè, có người khi nóng giận thì mặt vàng như nghệ, có người khi nóng giận thì môi rung mắt giựt giựt, có người khi nóng giận thì mím môi nắm tay...

Tất cả các trạng thái nóng nảy đó đều nói lên được trình độ sự tu dưỡng tinh thần của họ đến đâu, nhưng nguy hiểm nhất chính là tính nóng vội.

Người nóng vội thì có một tâm hồn bất an, cố chấp vì sự tu dưỡng tinh thần nông cạn, nên thường xảy ra những việc đáng tiếc cho tha nhân và cho chính bản thân mình.

Linh mục mà có tính nóng vội là một linh mục tội nghiệp và rất ít người thích cộng tác với các ngài, ngay cả giáo dân cũng không dám tiếp xúc và bàn chuyện với các ngài vì sợ tính nóng vội của các đấng, và có lúc giáo dân ngao ngán với tính nóng vội của linh mục mà không thèm đến nhà thờ.

Ma quỷ rất thích kết bạn với người có tính nóng vội, bởi vì sự nóng vội làm cho người ta thường lỡ lời nói, làm cho người ta chia rẽ nhau, làm cho người ta ghen ghét nhau và thù hằn nhau, làm cho người ta có những hành vi không đúng với thân phận của mình, và cuối cùng thì có thể chết phần xác đời này và phần hồn đời sau.

“Lạy Đức Chúa Giêsu, Chúa dạy chúng con học nơi Chúa sự hiền lành và khiêm nhường trong lòng, để xứng đáng là một mục tử tốt lành của đàn chiên, nhưng có những lúc trong cuộc sống chúng con đối xử với tha nhân không có tình bác ái vì tính nóng vội của chúng con: chúng con lập tức nổi nóng khi giáo dân chỉ ra cái sai của mình, chúng con lập tức nóng nảy khi có ai đó làm không vừa ý mình, chúng con lập tức thoá mạ khi có người khác “sửa lưng” cho mình...

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con sự khiêm tốn của Chúa, để con tự nhận ra mình còn quá nhiều khuyết điểm hơn cả giáo dân, hơn cả bạn bè, để chúng con biết thông cảm và nâng đỡ tha nhân trong cách sống khiêm tốn của mình. Amen”

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)