Thứ Bảy, 17 tháng 5, 2014

Chúa nhật 5 phục sinh


CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH

Tin mừng : Ga 14, 1-12.
“Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống”.

Anh chị em thân mến,
Có câu chuyện ngụ ngôn như sau:
[Có con cáo bị mù lạc đường, đang lúc sốt ruột lo âu thì đột nhiên nghe tiếng bước xa xa đến gần, trong lòng vui sướng vội vàng hỏi:
-         “Chào anh bạn, xin hỏi đi đến đường XY...ấy, thì làm sao mà đi?”
-      “Anh không thấy sao?”
-      “Thấy thì còn hỏi anh làm gì”.
Người ấy lần chần một chút rồi trả lời:
-      “Được, đi với tôi”.
Con cáo đi sau lưng người ấy, bảo sao nghe vậy.
Đi không bao lâu, hai người tập tễnh tiến vào ngõ cụt, loay hoay hết ngày hết buổi mới ra khỏi đó; tiếp tục đi thì lại lọt vào cái chuồng lợn, khắp nguời đầy mùi hôi thối; lại đi tiếp, cả hai lại rơi vào trong hồ nước, thật lúng túng và không dễ bám vào bờ, cuối cùng con cáo chịu không nỗi kêu thét lên:
-         “Anh dẫn đường, nhưng rốt cuộc dẫn như thế nào đây?”
Thinh lặng rất lâu, mới nghe người dẫn đường ấy nói: “Tôi cũng là kẻ mù ạ!”[1]]

Có nhiều người tuyên bố mình là người lãnh đạo giỏi, nhưng đường đi của tâm hồn thì bị lệch hướng, thế là họ đi trên con đường đầy tối tăm với nhiều âm mưu, để đạt cho được con đường danh vọng là đường đưa đến sự chết. Phi-la-tô đã hỏi Đức Chúa Giê-su chân lý là gì, sự thật là gì, rồi sau đó ông ta đã đem Đấng là sự thật, là chân lý ấy trao cho kẻ ác và những kẻ gian xảo dử tợn hành hình đóng đinh vào thập giá.

Ngày hôm nay cũng có những người mắt rất sáng, nhìn rất rõ những vết nứt của những viên gạch hình con sâu nứt nẻ lót trên đường đi, để chỉ trích người này làm việc cẩu thả, người nọ làm ăn không có lương tâm, nhưng họ lại mù mắt trước những sai sót nguy hiểm đến lạc đường của mình, và đang dẫn người khác cùng đi trên sự lầm lạc ấy.

Chúa Giê-su đã tuyên bố Ngài là đường, là sự thật và là sự sống.

Đức Chúa Giê-su là đường để đi đến sự thật, có sự thật thì mới có hòa bình, có hòa bình thì yêu thương mới triễn nở trong tâm hồn của mọi người; Đức Chúa Giê-su là con đường dẫn chúng ta đến với Chúa Cha, và chỉ có Ngài mới đủ tư cách để kiến tạo trong tâm hồn của chúng ta một con đường sự thật, yêu thương, để chúng ta đi đến với tha nhân cũng bằng chính con đường ấy, tức là con đường phục vụ như Đức Chúa Giê-su đã phục vụ.

Anh chị em thân mến,
Có nhiều người trong chúng ta cũng yêu thích sự thật nhưng có lúc lại là người nói dối không gượng miệng; cũng có nhiều người trong chúng ta cũng mến chuộng chân lý, nhưng có những lúc coi lời nói chân thật của bạn bè, của tha nhân là những lời chói tai, vì họ nói ra những việc làm không đúng của mình.

Trên đường đời nếu mù dắt mù thì cả hai sẽ rơi xuống hố như thế nào, thì trên con đường thiêng liêng cũng như thế mà thôi, bởi vì một khi không nhìn thấy những khuyết điểm của mình, thì cũng có nghĩa là con mắt tâm hồn của mình đã bị mù rồi, thì đừng nên nghĩ đến chuyện sẽ dẫn dắt người khác đi theo mình, vì như thế cả hai cũng sẽ rơi xuống vực thẳm của địa ngục.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

[1] Trích trong “Truyện ngụ ngôn cho thời hiện nay”, bản dịch và viết suy tư cua Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Thứ Năm, 15 tháng 5, 2014

Vợ của Bành Tổ


VỢ CỦA BÀNH TỔ
Một hôm, Ngải Tử ra khỏi nhà, nhìn thấy một bà lão tóc bạc phơ đang khóc bên đường.
Ngải Tử hỏi:
-      “Tại sao bà lại khóc thương tâm như thế ?”
Bà lão trả lời:
-      “Chồng của tôi đã chết rồi”.
Ngải tử lại hỏi:
-    “Chồng bà là ai ?”
-    “Bành tổ”.
-”Bành tổ thọ tám trăm tuổi mới chết, không phải là ngắn ngủi, bà không cần phải thương tâm như thế”.
Bà lão trả lời:
-         “Chết khi tám trăm tuổi, đương nhiên là không phải đoản thọ, nhưng trên thế gian này còn có người sống đến chín trăm tuổi, thì tôi làm sao có thế an tâm được chứ ?”
                                     (Ngải Tử tạp thuyết)

Suy tư:
     Con người ta ai thọ được trên một trăm tuổi là báo chí, truyền thanh truyền hình, internet sẽ đăng tải rùm beng lên và được gọi là sống thọ, là mô phạm cho người thời nay trong cách ăn uống cũng như trong cách lao động... Nhưng cho dù ăn kiêng cử uống đến đâu chăng nữa, hoặc là học tập phương pháp để được trường thọ, thì “mạnh khỏe chăng cũng chỉ ngoài bảy mươi”, có nghĩa là cuộc sống rất ngắn ngủi và cuối cùng là phải chết.
     Sự sống đời đời mà mỗi người Ki-tô hữu đều biết, đó chính là sống hạnh phúc vĩnh viễn với Thiên Chúa trên thiên đàng, một cuộc sống thọ gấp triệu triệu lần ông Bành tổ (tức là trường sinh bất tử) nhưng rất ít người quảng bá và học theo.
Thánh Phao-lô tông đồ trong thư gởi cho giáo đoàn Ê-phê-sô đã mời gọi chúng ta hãy sống “đời sống mới trong Đức Ki-tô”, nghĩa là đừng có ham muốn cái “sống thọ” của người thế gian, bởi vì cái thọ của con người chỉ là như “bóng câu qua cửa sổ”, như hoa sớm nở chiều tàn mà thôi, hơn nữa, thời nay có một vài người con thấy cha mẹ ông bà mà sống quá thọ trên trăm tuổi thì đôi lúc cũng là một điều phiền hà cho họ, bởi vì phải thuê người chăm sóc.v.v...

Sống đời sống mới trong Đức Chúa Ki-tô chính là “phải để cho Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh của Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện”.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư  

Thứ Tư, 14 tháng 5, 2014

Cầu nguyện


CẦU NGUYỆN
Giáo dân kể với cha sở về những khuyết điểm của cha phó, nào là quan liêu, khó gần gũi, kiêu ngạo, vui vẻ với người giàu nhăn nó với người nghèo.v.v...và .v.v...
Cha sở nghe xong bèn nói:

-         “Cám ơn mọi người, đó cũng là lỗi và khuyết điểm của tôi, các ông các bà có lúc nào cầu nguyện cho cha phó và cho tôi không, chúng tôi rất cần lời cầu nguyện của quý ông bà.”

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Loại bỏ


LOẠI BỎ
Hội trưởng hội Vinh Sơn của giáo xứ phàn nàn với cha sở:
-         “Thưa cha, có mấy người trong hội mỗi năm chỉ thấy mặt một hai lần khi đi họp mà thôi, con nghĩ nên loại họ ra khỏi hội cho rồi để khỏi làm gương mù cho các hội viên khác.”
Cha sở nghiêm nghị nói:

-    “Đức Chúa Giê-su không loại bỏ chúng ta, tại sao chúng ta loại bỏ họ chứ ?”

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Chỉ trích


CHỈ TRÍCH
Một giáo dân rất nhiệt tình và hay giúp đỡ nhà thờ, nói với cha sở:
-         “Thưa cha, tại sao cái ông trưởng ban lễ nghi ấy, cái bà trưởng hội mẹ gia đình ấy làm gì cũng quên trước quên sau, làm việc không có kế hoạch gì cả, con chán lắm không muốn làm việc giáo xứ nữa...”
Cha sở cười cười ôn tồn nói:

-         “Chúa cho bà năm nén bạc nhưng chỉ cho mấy người kia một nén thôi, họ làm hết sức của họ trong một nén bạc là tốt rồi. Bà có năm nén bạc nên tài giỏi hơn họ, có khả năng hơn họ, bà phải nên chung tay giúp cho họ sửa những thiếu sót ấy mới phải...”

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Thứ Ba, 13 tháng 5, 2014

Long vương chọn rễ

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch và viết suy tư




MỖI NGÀY
MỘT CÂU CHUYỆN
(Tập 4)



Lời ngõ,

“Mỗi ngày một câu chuyện” là những câu chuyện được chọn lọc và dịch nguyên văn trong tổng tập truyện “Chuyện hài châm biếm của các thời đại Trung Quốc”, cùng với những bài suy tư ngắn thực tế trong cuộc sống đời thường của người dịch…
“Mỗi ngày một câu chuyện” có thể giúp gợi ý cho quý linh mục soạn bài giảng, quý anh chị giáo lý viên làm minh hoạ cho bài giáo lý, ngoài ra nó cũng là những câu chuyện có ích khi giải trí sau moat ngày lao động mệt nhọc…
“Mỗi ngày một câu chuyện” đã được mọi người đón nhận như là người bạn vui tính trong cuộc sống.
Xin hân hạnh gởi đến các bạn “Mỗi ngày một câu chuyện."

                                                     Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
 ------------------

 LONG VƯƠNG CHỌN RỂ
Một đêm, Đông hải long vương báo mộng cho Ngải Tử, kiếm cho ông ta một chàng rể tính tình ôn hòa.
Ngải tử nói:
-      “Phải chọn trong loài thủy tộc mới tốt”.
Long vương nói được.
Ngải tử nói:
-         “Tìm loài cá ư –cá vừa tham ăn vừa tham uống- rất để bị người ta câu mất tiêu, lại là loài không có chân tay; tìm một con rùa ư -tuy rằng nó có tay chân, nhưng tướng mạo không đẹp; tìm con cua được chứ, nó tướng mạo đường đường, tay chân đầy đủ, ngang ngược đáng yêu, theo tôi thấy thì không có ai thích hợp cho bằng con cua.”
Long vương cau mày nói:
-      “Địa vị của loài cua lẽ nào không thấp kém sao ?”
Ngải tử nói:
-         “Không thể nói như thế được, loài cua tối thiểu cũng có tam đức: một là không có ruột, hai là cắt không chảy máu, ba là trên đầu có thể đựng đồ vật dơ bẩn”.
                                     (Ngải Tử tạp thuyết)

Suy tư:
     Tôi có một anh bạn chọn vợ rất là khác người, mặc dù anh ta là người ngoại đạo, nhưng mỗi ngày chúa nhật lại đến trước cổng nhà thờ để...chọn vợ, vì như anh ta nói: “Chỉ có mấy cô gái theo đạo Thiên Chúa mới có đạo đức và biết hi sinh cho chồng con”, và thế là anh ta đã cưới một người vợ Công Giáo và chính anh cũng trở thành một Ki-tô hữu tốt.
     Trai khôn thời nay không thèm tìm vợ chợ đông, bởi vì thời buổi ngày nay giữa chợ đông người toàn là vàng thau lẫn lộn, ai là thiên thần và ai là yêu tinh, không thể phân biệt được, do đó khôn ngoan nhất là đến trước cổng nhà thờ để chọn vợ, âu đây cũng là một phương pháp hay và rất mới. Tuy nhiên, không phải chàng trai nào cũng thích đến nhà thờ để tìm vợ, bởi vì không phải chàng trai nào cũng thích “cái nết đánh chết cái đẹp”, nhưng cái dễ “đập” vào mắt các chàng trai nhất chính là sắc đẹp, cho nên rất nhiều người tìm vợ ở nơi các câu lạc bộ vui chơi, các khu vực giải trí, các nhà văn hóa thanh niên đầy cả ở Saigon, vì ở đó có nhiều cô gái đẹp và rất mô-đen.
     Chọn vợ tức là tìm lại cái “xương sườn” của mình, do đó mà nhiều khi các chàng trai con cháu A-dong phải than lên: “Thời buổi ngày nay tìm vợ khó thiệt”. Khó là vì chúng ta đặt tiêu chuẩn quá cao cho một người vợ tương lai, nào là phải dịu hiền, nào là phải đẹp, khôn ngoan, biết thêu thùa may vá, biết nấu ăn, biết chiều chuộng chồng con.v.v...mà chúng ta quên mất cái tiêu chuẩn của mọi tiêu chuẩn, đó là đạo đức.
     Có đạo đức thì có hy sinh, có nhẫn nại, có yêu thương, có nhịn nhục, có thông cảm và có thứ tha.

     Có một người vợ như thế thì hơn có cả một kho tàng châu báu, hỏi ai mà không thích chứ ?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư 

Giá thuyền chỉ một nửa


GIÁ THUYỀN CHỈ MỘT NỬA
Ngày xưa có một người bộ hành đi đến Chương Môn, mới đi đến Lữ Lương mà sức lực đã kiệt quệ. may mắn là trong túi còn có năm mươi xu, bèn đi đến bến đò muốn thuê một chiếc thuyền.
Chủ thuyền rất tham lam, nghe nói chỉ có năm mươi xu, bèn nói với khách:
-         “Từ đây mà tới Chương Môn, nếu là khách tay không, thì tiền thuyền chỉ có một trăm xu, nhìn anh còn trẻ, lại còn có sức lực thế thì chúng ta kết thành bạn bè. Như thế này nhé, anh ở trên bờ kéo thuyền cho tôi, đợi khi đến Chương Môn, tôi sẽ chỉ lấy tiền thuê thuyền một nửa mà thôi”.
                                     (Ngải Tử tạp thuyết)

Suy tư 101:
     Cái nổi bật nhất nơi người Ki-tô hữu chính là lòng trắc ẩn trước những hoàn cảnh khó khăn của tha nhân, lòng trắc ẩn này được thể hiện qua hành động “đưa tay ra và cúi xuống” thật gần bên họ.
     Năm mươi xu còn lại của người bất hạnh chính là tia hi vọng cuối cùng trong tâm họ, chúng ta làm cho năm mươi xu này trở thành năm trăm quan tiền bằng sự cúi xuống và nâng họ lên với chúng ta, đó chính là lòng trắc ẩn của Đức Chúa Giê-su đã làm với người mù bên vệ đường, với người phụ nữ ngoại tình, với ông Gia-kêu lùn, với người trộm lành bị treo trên thập giá bên hữu Ngài.v.v...
     Người không có lòng trắc ẩn thì không thể nào “đưa tay ra và cúi xuống” với người anh em bất hạnh, họ không xứng đáng là môn đệ của Đức Chúa Giê-su, càng không xứng đáng để hưởng được lòng thương xót của Thiên Chúa.
     Một linh mục không có lòng trắc ẩn thì không thể nào giảng dạy về bác ái và yêu thương.
     Một tu sĩ không có lòng trắc ẩn thì không thể nào phục vụ tha nhân.

     Một Ki-tô hữu không có lòng trắc ẩn thì thế gian này sẽ không có mùa xuân của hy vọng.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư 

Loài dê biết phân biệt tốt xấu


LOÀI DÊ BIẾT PHÂN BIỆT TỐT XẤU
Tề Tuyên vương hỏi Ngải Tử:
-         “Nghe nói thời cổ có một động vật gọi là dê một sừng (tên con vật trong thần thoại), ông biết rành không ?”
Ngải tử trả lời:
-         “Thời vua Nghiêu làm hoàng đế có một loại mãnh thú gọi là dê một sừng, được nuôi trong cung đình, nó có thể phân biệt được tốt xấu, phát hiện viên quan nào gian tà thì dùng sừng mà húc ngã, sau đó ăn từ bụng trở xuống”.
Ngải tử ngừng nói, lại tiếp tục thở dài nói:
-         “Nếu hôm nay trong triều đình còn có loại mãnh thú ấy, thì tôi nghĩ rằng, nó không cần tìm thức ăn nào khác nữa”.
                                     (Ngải Tử tạp thuyết)

Suy tư:
     Nếu hôm nay trên thế gian có loại mãnh thú luôn “xơi tái” người xấu ấy -nếu tính số người tốt xấu ngang nhau- thì số người còn sống sót là 50%, bởi vì những người xấu đã bị nó ăn sạch, nhưng may mắn nó chỉ là con vật của thần thoại. Nhưng chớ vội mừng, vì thế giới hôm nay có những con mãnh thú ghê gớm hơn nhiều, ghê gớm là vì nó không biết phân biệt người tốt người xấu, gặp ai nó cũng “xơi”, ghê gớm là vì không những nó ăn người mà còn phá hoại môi trường sinh thái của thế giới, nó chính là vũ khí hạt nhân, vũ khí nguyên tử, vũ khí sinh vật, chỉ cần ấn nhẹ nút, thì thế gian ra tro bụi, chỉ cần hạ một lệnh thì hậu quả tai hại không thể lường được. Những “mãnh thú” này là kết quả của tiến bộ khoa học hiện đại, chúng nó là những khí cụ hủy diệt của sa tan, đại diện cho sự dữ.
     Thiên Chúa là tình yêu, mà tình yêu thì không muốn ai phải sống trong thù hận, tình yêu thì luôn muốn mọi người được hạnh phúc, dù đó là người xấu, bởi vì, tình yêu chính là Thiên Chúa, hay nói cách khác: Thiên Chúa là tình yêu.
     Khi bị treo trên thập giá để làm giá chuộc nhân loại, Đức Chúa Ki-tô đã không nói với Chúa Cha: “Lạy Cha, xin Cha phạt chúng nó để trả thù cho con”. Nhưng Ngài đã van xin Chúa Cha: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”.
Chỉ có tình yêu mới chiến thắng được hận thù nơi những con người ỷ vào những “mãnh thú” vũ khí hạt nhân, vũ khí nguyên tử và vũ khí sinh vật.

Con dê thì không biết phân biệt được tốt xấu, nhưng những người có lương tâm ngay thẳng thì luôn biết phân biệt tốt và xấu.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư 

Chủ Nhật, 11 tháng 5, 2014

Tể tướng dời chuông


TỂ TƯỚNG DỜI CHUÔNG
Nước Tề có một lão thần, mấy triều vua đều làm quan, học thức quảng bác, làm quan đến tể tướng, phàm việc quốc gia đại sự đều do ông ta định đoạt.
Một hôm, Tề vương hạ lệnh dời đô, có một cái chuông đồng quý giá nặng năm ngàn cân, ước tính cần phải có năm trăm người mới có thể dời nó được, hồi ấy nước Tề nhân lực rất ít, người phụ trách không nghĩ ra cách gì để dời chuông.
Tể tướng nói:
-         “Xì, chỉ là việc nhỏ, có gì mà khó chứ ? Mặc dù cái chuông này cần đến năm trăm người mới dời được, vậy thì đem nó đục ra năm trăm miếng nhỏ, sai một người dời trong năm trăm ngày là xong.”
Người chủ quản mới vỡ lẽ, phấn phấn khởi khởi theo phương pháp đó mà dời chuông.
                                     (Ngải tử tạp thuyết)

Suy tư:
     Kế sách của tể tướng nước Tề quả thật là “vĩ đại”, kế sách này bây giờ có tên gọi là “làm nghèo đất nước”. Cái chuông là gia bảo của quốc gia, bây giờ nghe theo kế sách ấy mà đục thành năm trăm miếng, cho một người khiên trong năm trăm ngày, dù cho khiên xong năm trăm ngày thì cái chuông chỉ là một đống sắt đồng vụn, chỉ có nước đem đi bán như đồ phế thải, còn làm ăn gì được nữa !
     Như thế mới biết thông minh và khôn ngoan thì không giống nhau, anh có thể là người thông minh học đâu nhớ đó, đọc vanh vách xuất xứ từng quyển sách đã xem qua, nhưng chưa chắc anh là người khôn ngoan. Còn người khôn ngoan thì không nhất thiết phải là người thông minh, họ là những người suy nghĩ trước khi nói, và lời nói của họ được người ta trân trọng nghe theo.
    Có rất nhiều người thông minh nhưng cái thông minh ấy không giúp ích gì được cho tổ quốc, cho Giáo Hội và cho cộng đoàn của họ, bởi vì sự thông minh của họ được đặt trên chủ nghĩa ích kỷ của cá nhân, họ dùng óc thông minh của mình để đục khoét của công, để thủ lợi cho mình, để phản đối Giáo Hội, để gây chia rẽ trong cộng đoàn, nói theo kiểu tu đức, thì họ là những người phung phí ân sủng của Thiên Chúa ban cho mình.

     Ai biết sử dụng ân sủng của Chúa ban cho, ấy là người khôn ngoan, chắc chắn họ sẽ được Nước Trời làm gia nghiệp đời đời.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư 

Sang năm cùng tuổi


SANG NĂM CÙNG TUỔI
Ngải Tử xuất hành từ thành Hàm Đan, trên đường đi nhìn thấy hai bà cụ già cùng nhau nhường đường.
Một bà hỏi: “Năm nay cụ bao nhiêu tuổi ?”
Bà kia trả lời: “Bảy mươi tuổi trọn”.
Bà lão kia lại hỏi: “Tôi năm nay sáu mươi chín tuổi, đến sang năm, thì cùng tuổi với cụ”.
                                     (Ngải tử tạp thuyết)

Suy tư:
     Tôi còn nhớ lời của một linh mục còn trẻ -mới chịu chức- nói : “Mình cũng là linh mục như họ (các linh mục lớn tuổi) tội gì mà phải nhường họ chứ !”
     Nếu tất cả các linh mục đều nói như thế, thì có phải là Đức Chúa Giê-su lập bí tích Truyền chức thánh là để làm cớ cho các linh mục vấp phạm chăng ? Nếu tất cả các linh mục đều nghĩ rằng mình cũng là linh mục như ai không thua một linh mục nào cả dù họ lớn tuổi đáng bậc cha ông mình, thì Giáo Hội sẽ như thế nào ?
     Bí tích truyền chức thánh mà Đức Chúa Giê-su lập ra không phải vì các linh mục, nhưng là vì sự cứu rỗi của nhân loại, do đó, người được tuyển chọn phải khiêm tốn thẳm sâu để nhận thấy mình bất xứng. Chức thánh thì giống nhau, nhưng đừng quên rằng, chúng ta đang sống trong xã hội loài người, tôn ti trật tự, nhân bản Ki-tô giáo, các linh mục phải chú ý cách đặc biệt khi đối xử với các linh mục đàn anh, nơi các ngài, chúng ta học được nhiều kinh nghiệm, nới các ngài chúng ta nhìn thấy hình ảnh một mục tử suốt đời tận tụy vì đàn chiên, bây giờ đến lượt mình trở thành mục tử của dân Chúa, thì càng phải có sự khiêm tốn và kính trọng đặc biệt đối với các ngài –các linh mục lớn tuổi- để đức hạnh của chúng ta được trổi vượt hơn trước mặt Thiên Chúa và mọi người.
     Các linh mục trẻ hãy luôn nhớ rằng, rồi mình cũng sẽ già, và cũng có các linh mục trẻ khác nối tiếp chúng ta...

     Linh mục là người phục vụ cộng đoàn chứ không phải phục vụ cho một cá nhân nào, là đầy tớ vô dụng của Chúa nên cần phải khiêm tốn hơn nữa trước các linh mục đàn anh của mình.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư 

Có đuôi sợ bị giết


CÓ ĐUÔI SỢ BỊ GIẾT
Ngải Tử trôi nổi trên biển, tối lại tấp vào một hòn đảo, nghe thấy phía dưới nước có tiếng khóc, thế là chú ý để nghe.
Âm thanh ấy nói:
-         “Hôm qua long vương hạ lệnh, tất cả các loài thủy tộc hể ai có đuôi là bị chém đầu, tôi là cá sấu (ở vùng Dương Tử), cho nên sợ chém đầu mà khóc, còn cóc nhái các anh lại không có đuôi, sao lại khóc theo ?”
Một giọng khác trả lời:
-         “Hôm nay tôi may mắn là không có đuôi, chỉ sợ họ điều tra ra sự việc khi tôi còn là nòng nọc thì cũng có đuôi ấy mà !”
                                     (Ngải Tử tạp thuyết)

Suy tư:
     Điều tra đến ba, bốn đời của một lý lịch là chuyện thường tình của người đời, của các quốc gia, vì sự an nguy của tổ chức và tổ quốc, không có chi là lạ.
     Cái lạ và nguy hiểm chính là cứ nhìn cái sai lầm hôm qua của người anh em chị em để rồi cứ thế mà phán: nó xấu- mặc dù người anh em nổ lực cải thiện cuộc sống của họ.
     Khi một con người đã quyết tâm hối cải, đã làm hòa với Thiên Chúa, thì Ngài không nhìn cái hôm qua của người ấy –dù cho đó là một trọng tội- mà chỉ nhìn cái hiện tại của họ làm mà thôi, bởi vì cái hôm qua đã trở thành quá khứ, không ai đào mả của người đã chết để tìm lại nét thanh xuân của họ.
Cũng vậy, Thiên Chúa đã không “điều tra” ba bốn đời của chúng ta để phạt, vậy thì tại sao chúng ta cứ nhớ mãi cái khuyết điểm hôm qua hôm kia của anh chị em chúng ta chứ ?

Có phải là chúng ta bất công với Thiên Chúa, hay chúng ta muốn làm quan tòa xét xử tha nhân khi chúng ta có một cái đuôi (tội lỗi) dài và lớn hơn cả đuôi cá sấu ?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư