Thứ Bảy, 26 tháng 7, 2014

Chúa nhật 17 thường niên


CHÚA NHẬT 17 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Mt 13, 44-46.
“Người ấy bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy”.

Anh chị em thân mến,
“Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng”. Kho báu chôn trong ruộng có nhiều người đi qua đi lại và giẫm lên nó nhưng không biết; cũng như Lời Chúa được rao giảng hơn hai ngàn năm giữa trần gian này, nhưng vẫn có rất nhiều người không biết, họ nghe mà không hiểu, thấy mà không tin, vì họ chưa thực tâm tìm kiếm, và khi gặp được thì họ bằng lòng bán tất cả gia tài hiện có để mua cho bằng được thửa ruộng ấy.

Thửa ruộng có chôn giấu kho tàng là hình ảnh sống động của Giáo Hội Công Giáo, một Giáo Hội đem lại sự sống đời đời cho những kẻ tin vào Đức Chúa Giê-su, và cũng là một Giáo Hội bị nhiều thế lực trần gian chống đối, nhưng trong Giáo Hội này chứa đựng hai kho tàng quý báu vô giá là Mình Máu Thánh Đức Chúa Giê-su và Lời hằng sống của Ngài. Tin vào Giáo Hội cũng có nghĩa là thông phần những vinh quang của Nước Trời và đồng thời chia sẻ những khổ đau mà Giáo Hội phải chịu, đó là giá trị cao quý của kho tàng chôn giấu mà những người tìm được họ sẵn sàng hy sinh tất cả, từ bỏ tất cả những gì mình có hiện nay như vật chất, danh vọng, quyền uy của trần gian để mua cho được thửa ruộng ấy, tức là được trở nên thành phần trong Hội Thánh của Đức Chúa Giê-su.

“Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp”. Không ai hiểu hết giá trị của viên ngọc đẹp cho bằng những người buôn bán vàng bạc, họ sẵn sàng bán tất cả những gì mình đang có vì giá trị thấp kém, để mua cho bằng được viên ngọc đẹp mới tìm được.

Trước tiên là các thánh nam nữ, các ngài đã hiểu rất rõ giá trị của viên ngọc quý là Nước Trời, các ngài đã bán đi tất cả những gì là của thế gian nơi các ngài, để mua cho bằng được viên ngọc quý vô giá là Nước Trời, dù cho tù đày, bắt bớ, chịu nhục, hy sinh và ngay cả mạng sống của mình thì họ cũng không tiếc vì Nước Trời mà các ngài đã tậu được khi còn ở thế gian này, tóm lại là các ngài làm một cuộc buôn bán mà -theo thế gian- phần lỗ vốn chính là các ngài, nhưng các ngài đã được lợi thật lớn trên Nước Trời.

Anh chị em thân mến,
Ai trong chúng ta cũng hiểu rõ hai dụ ngôn mà Đức Chúa Giê-su đã nói trong bài Tin Mừng hôm nay, tự trong tâm mình, chúng ta cũng rất ao ước được làm chủ viên ngọc quý và kho báu là Nước Trời, mà sự thật là chúng ta đã có viên ngọc quý và kho báu trong tay mình rồi, nhưng chúng ta đã không trân trọng giữ gìn nó, không mấy thiết tha với nó, tại sao vậy ? Thưa là vì chúng ta chưa đào sâu Lời Chúa, bởi vì chỉ có Lời Chúa mới làm cho chúng ta hiểu rõ giá trị của kho báu và viên ngọc quý là Nước Trời mà thôi.

Gợi ý :
1.   Có lúc nào anh chị em suy nghĩ đến dụ ngôn của bài Tin Mừng hôm nay trong đời sống tâm linh của mình ?
2.   Anh chị em có thích thú và có cảm hứng với dụ ngôn này (Mt 13, 44-46) không ?
3.   Dụ ngôn của bài Tin Mừng hôm nay có đánh động đến cuộc sống của anh chị em không ?


Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014

Sau Phạm Tăng


SAU PHẠM TĂNG
Chỗ ở của Phạm Trí gần bên thành đô, cuộc sống phú túc, nhưng rất cộ độc, chỉ biết nhờ vào rượu chè làm vui.
Một hôm, sau khi uống rượu say khướt thì vi phạm lệnh cấm đi đêm của thành đô, Bao tri phủ thăng đường hỏi tội:
-      “Tổ tiên của ngươi có làm quan lớn không ?”
Trí trả lời:
-      “Có ạ ! Tôi là hậu duệ của thừa tướng ạ !”
Bao công hỏi:
-      “Tổ tiên của ngươi ai làm thừa tướng ?”
Phạm Trí nói:
-      “Là Phạm Tăng ạ !”
Bao công chút xíu nữa là cười lớn, nói:
-         “Phạm Tăng và nhà ngươi cách xa mười mấy đời không thể gần, làm sao có thể kéo xuống làm tổ tiên chứ ?”
Thế là ra lệnh đánh hai mươi hèo, mọi người đều cười lớn.
                                (Sự Lâm Quảng ký)

Suy tư:
     Ở đời có người “thấy người sang bắt quàng làm họ” nên đã bị người ta chê cười, thường đó là hạng nịnh bợ; có người tuy không quen biết với ai, nhưng đã dùng tiền của, vật chất và uy quyền của mình (hoặc của người khác) để ép buộc người khác có họ hàng với mình để mà lợi dụng họ, cả hai hạng người này đều đầy tràn cả trên mặt đất, nhất là những nơi mà tiền bạc là chủ nhân ông.
     Có người lại ngược đời hơn, không nhận người thân là có họ hàng với mình, vì người ấy quá nghèo khổ, vì người ấy quá đơn côi, hạng người này trong xã hội tuy ít nhưng vẫn có, mà cụ thể là có những đứa con tuy không chối bỏ cha mẹ mình, nhưng cung cách sống với cha mẹ thì người ta ai cũng biết là họ rất bực mình vì cha mẹ quá quê mùa, cha mẹ quá nghèo nàn, xuất thân từ cái lý lịch bần nông, cho nên họ sợ mà che giấu đi cả lý lịch của cha mẹ mình.
     Có nhiều tín hữu, vì quá coi trọng của cải vật chất, cho nên đã từ chối không nhận Thiên Chúa có “họ hàng” với mình, họ thờ ơ trước lời mời gọi hối cải của Thiên Chúa, họ dửng dưng trước nổi đau khổ của Đức Chúa Giê-su nơi người anh em đồng loại; cũng có nhiều tín hữu chỉ nhận Thiên Chúa làm “họ hàng” trong hai ngày lễ giáng sinh và lễ phục sinh mà thôi, vì họ sợ mắc cở với mọi người.

     Đừng ngại nhận Thiên Chúa có “họ hàng” với mình, nhưng hãy vui mừng hân hoan vì được Thiên Chúa yêu thương đón nhận chúng ta làm con cái của Ngài.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư 

Dò hỏi người tham ăn


DÒ HỎI NGƯỜI THAM ĂN
An Tiêu Quân làm thông phán và vừa mới tới nhiệm sở, cùng đi với ông có một môn khách.
Ba ngày sau, tri châu cùng hội kiến với thông phán và mời môn khách tú tài cùng đi, một lúc sau người làm bếp lên hỏi yến tiệc ngày mai nấu món gì.
Tri châu nói:
-      “Giống như thường ngày”.
Người nấu bếp lại hỏi thông phán:
-         “Ăn món ngọt hay món mặn ? Có cần thêm gia vị không ?”
Thông phán nói:
-      “Tốt nhất là một chút ngọt, một chút mặn”.
Người nấu bếp gật đầu, rồi lại hỏi môn khách, tú tài nói với người nấu bếp:
-         “Ngọt mặn đối với tôi không thành vấn đề, chỉ cần cho nhiều thêm món ăn là được”.
Người nấu bếp nhịn không được cười to lên.
                                           (Sự Lâm Quảng ký)

Suy tư:
     Có người thích ăn đồ ngọt, có người thích ăn đồ mặn hoặc là có người thích ăn cay, ăn chua.v.v... nhưng cho dù thích ăn gì đi nữa, thì cũng là để nuôi sống thân xác mà thôi.
     Có người “sống để mà ăn”, nên họ coi việc ăn uống là số một, trên tất cả mọi hoạt động của con người, cho nên họ đã càm ràm khi đồ ăn không ngon, họ đã hết chê món này dở, món kia quá dở ăn không hợp khẩu vị, nên họ đã mắng như tát nước vào mặt người nhà vì nấu cơm không ngon.
     Có người “ăn để mà sống”, nên họ coi việc ăn uống chỉ là thứ yếu, ăn cốt để thêm sức khoẻ, để có sức mà làm việc, cho nên họ ăn món nào cũng được, ngon dở đối với họ chỉ là chuyện nhỏ không nhằm nhò gì cho bằng việc nhớ đến những vất vả của người làm bếp.
     Có một vài linh mục có thói quen “sống để mà ăn”, cho nên các ngài không bao giờ ăn lại món đã ăn, dù món đó đã dọn ra nhưng chưa ăn, đem bỏ tủ lạnh hay cất lại vào trong chạn bếp. Tôi đã thấy có linh mục nọ đã to tiếng với bà nấu bếp vì bà dọn thức ăn hồi trưa lại cho ngài ăn tối, dù món ăn đó chưa ai dùng đến.

     Có rất nhiều người nghèo khó không cơm ăn áo mặc đang đứng bên vệ đường ngữa tay xin bố thí từng đồng để mua cơm ăn; có rất nhiều em bé sữa mẹ không đủ để bú, vì mẹ nó không có gì để ăn; có rất nhiều người rất muốn ăn một bữa cơm đạm bạc dưa muối mà cũng không có mà ăn, đang đợi lòng nhân ái của chúng ta, những người có cơm ăn áo mặc hàng ngày.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư 

Chim ngu không bay


CHIM NGU KHÔNG BAY
Có một người khách ở rất lâu trong nhà người ta mà không chịu đi, chủ nhân rất ghét hắn ta.
Một ngày nọ, dẫn người khách đến trước cổng thưởng ngoạn, đột nhiên thấy trên cây có một con chim lớn như con gà, chủ nhân nói:
-         “Tôi đi lấy búa chặt ngã cây này, túm con chim ấy nấu cơm cho ngài ăn”.
Khách nói:
-      “Chỉ sợ khi cây ngã thì chim bay mất”.
Chủ nhân trả lời:
-         “Ngài không biết con chim này rất ngu, dù cây ngã cũng không biết bay !”
                                          (Sự Lâm Quảng ký)

Suy tư:
     Người ta thường nói “quân tử ư hử thì đau”, để nói lên tính cách thẳng thắn và cương nghị của những người luôn coi trọng danh dự của mình, đã hứa thì phải làm, dù cho lời hứa đó có khi thiệt hại cho mình.
     Người Ki-tô hữu là những người quân tử, họ quân tử không phải như Nhạc Bất Quần trong truyện chưởng của Kim Dung, chỉ là nguỵ quân tử; họ cũng không phải quân tử theo kiểu anh hùng của những người chỉ coi trọng hình thức bên ngoài, trước mặt đám đông làm bộ tịch quân tử. Nhưng cái quân tử của họ chính là tuân giữ và thực hành những điều mà họ đã hứa với Đấng rất yêu thương và đã chết cho họ, đó chính là Đức Chúa Giê-su Ki-tô.
     Người Ki-tô hữu là những người quân tử, bởi vì trong ngày lãnh nhận bí tích Rửa Tội, họ đã thề hứa từ bỏ ma quỷ và những thói hư tật xấu của ma quỷ, cho nên, trong cuộc sống của họ, có lắm lúc tưởng như là mất đức tin và buông xuôi cho ma quỷ, họ đã cố gắng vươn lên với sức mạnh của Thánh Thần, để trở thành người quân tử của Chúa thà chết, thà chịu đau khổ, thà bị hành hạ chứ không đánh mất đức tin và lời hứa Rửa Tội của mình.

     Có những lúc trong cuộc sống, tôi đã trở thành kẻ tiểu nhân khi cố tình quên đi lời hứa ngày lãnh bí tích Rửa Tội, để sống an nhàn hưởng thụ với những thú vui không phù hợp với đức tin công giáo, không phù hợp với Lời Chúa dạy...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư