Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2014

Chúa nhật VII thường niên



CHÚA NHẬT VII THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Mt 5, 38-48
“Hãy yêu kẻ thù.”

Anh chị em thân mến,
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Chúa Giê-su đã dạy với chúng ta là hãy yêu thương kẻ thù, yêu thương người ghét mình, yêu thương người bách hại mình, yêu thương người thường hay nói hành nói xấu mình.v.v.v…thật khó lắm thay !

1.   Yêu thương kẻ thù khó lắm, nên phải nhìn lên thánh giá Chúa.
Người ta sẽ cho chúng ta là những người ngu khi đi yêu thương người đã từng vu khống nói xấu mình; người ta cũng sẽ cho chúng ta là đạo đức giả khi chúng ta đi tha thứ cho người giết hại ba mẹ mình; người ta cũng sẽ cho chúng ta là những người dở hơi khi chúng ta ôm hôn người đã hại mình tan gia bại sản, họ nói đúng, bởi vì người đời không hiểu được lời dạy của Đức Chúa Giê-su: hãy yêu thương kẻ thù và hãy cầu nguyện cho những kẻ ghét mình.

Yêu thương kẻ thù không phải một sớm một chiều mà làm được, nhưng cần phải có thời gian suy ngắm đến tình yêu của Đức Chúa Giê-su dành cho nhân loại khi Ngài bị đóng đinh trên thập giá, chính trong giờ phút hấp hối này Ngài đã xin Chúa Cha tha tội cho những kẻ giết mình. Đức Chúa Giê-su đã để lại cho chúng ta một gương mẫu, mà chính Ngài đã thực hành trước, đó là yêu thương và tha thứ cho những kẻ giết mình.

Không ai có thể yêu thương kẻ thù được nếu họ không ngắm nhìn Đức Chúa Giê-su trên thập giá; không ai có thể yêu thương kẻ thù được nếu họ không suy niệm đến tình yêu mà Thiên Chúa đã dành cho họ, bởi vì khi chúng ta đang còn thù nghịch với Ngài, thì Ngài đã tha thứ và yêu thương chúng ta trước.

2.   Muốn yêu thương kẻ thù thì phải nhớ mình là người tội lỗi.
Một người tội lỗi khi được ơn Chúa cảm hóa thì họ sẽ trở nên người công chính, do đó mà họ dễ dàng thông cảm bỏ qua những khuyết điểm của người khác, dễ dàng yêu thương và bao dung những người đắc tội với họ, bởi vì chính họ đã là người tội lỗi được thứ tha bởi lòng nhân từ và yêu thương của Thiên Chúa.

“Hãy yêu kẻ thù” là một mệnh lệnh của Đức Chúa Giê-su trong giới luật yêu thương của Ngài, khi mà con người chỉ biết tỏ tình cảm yêu thương với những người mà họ quen biết, nhưng lại lạnh lùng và vô cảm với những người không thích mình, thì lời dạy của Đức Chúa Giê-su như là một “quả bom” làm chấn động tâm hồn những người nghe, trong đó có các tông đồ của Ngài. Mọi người nghe mà không tưởng tượng nổi phải yêu thương kẻ thù như thế nào, thì chính Ngài đã thực hiện trước là  tha thứ cho những kẻ giết mình.

Khi chúng ta được Chúa thứ tha tội lỗi, nếu chúng ta cảm nghiệm được việc sống trong tội lỗi là gớm ghiếc như thế nào, thì chúng ta rất sẵn lòng tha thứ và yêu thương những kẻ ghét mình, bởi vì yêu thương không phải chỉ là nói lời xin lỗi, nhưng còn là bày tỏ ra nơi hành động khi có thể được.

Anh chị em thân mến,
Hãy yêu thương kẻ thù là lời của Đức Chúa Giê-su dạy chúng ta thực hiện trong cuộc sống, theo sức con người thì không thể làm được, bởi vì trái ngược với quan niệm yêu thương thông thường của con người “oán báo oán”, “mắt đền mắt”, “răng đền răng”. Nhưng với ơn của Chúa giúp và với sự cầu nguyện của mỗi người, mà chúng ta quyết tâm làm cho được điều ấy là hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho họ. Đó chính là cốt lõi của luật mới, luật yêu thương mới vậy.


Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2014

Nhân sinh - 8 điều không hiểu



NHÂN SINH - 8 ĐIỀU KHÔNG HIỂU

1.   Không hiểu sự tiếc nuối, dù cho giữ cả núi vàng thì cũng sẽ không vui.

2.   Không hiểu sự khoan dung, dù cho có nhiều bạn bè thì cuối cùng (họ) cũng sẽ bỏ đi.

3.   Không hiểu sự cám ơn, dù là người ưu tú thì cũng khó thành công.

4.   Không hiểu sự hành động, dù là thông minh thì mộng ước cũng khó mà thành.

5.   Không hiểu sự hợp tác, dù có hợp lại thì cũng khó thành đại sự.

6.   Không hiểu sự tích lũy, dù kiếm được nhiều tiền thì cũng khó mà làm giàu.

7.   Không hiểu sự thỏa mãn, dù là giàu có thì cũng khó mà hạnh phúc.

8.   Không hiểu sự dưỡng sinh, dù có trị liệu thì cũng khó mà mạnh khỏe.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Dịch từ tiếng Hoa

Thứ Năm, 20 tháng 2, 2014

Một mình mở đường


MỘT MÌNH MỞ ĐƯỜNG
Đầu đời nhà Đường có một chính trị gia rất nổi tiếng là Ngụy Trưng, ngày thường rất ít cười.
Một ngày nọ sau khi bãi triều, Thái Tôn cười nói với quan thị thần:
-         “Ngụy Trưng là Dương Tị Công không biết dùng cái gì để ông ta bộc lộ chân tình ?”
Quan thị thần nói:
-         “Ngụy Trưng thích ăn rau cần giấm, mỗi khi ăn rau cần giấm, thì có thể nhìn thấy trạng thái thật của ông ta”.
Sáng hôm sau, Thái Tôn lập tức mời Ngụy Trưng ăn cơm và có ba bát rau cần giấm lớn. Ngụy Trưng vui vẻ khác thường, rau cần giấm chớp mắt là hết.
Thái Tôn cười nói:
-         “Thường ngày khanh nói không có gì là vui thú, rốt cuộc hôm nay bị ta nhìn thấy”.
Ngụy Trưng bái tạ nói:
-         “Bệ hạ không chấp xét, cho nên thần không gì là không tốt, thần cố chấp theo việc, một mình ăn rau cần giấm mà mở đường ạ !”
                         (Liễu Hà Đông tập)

Suy tư:
     Thợ săn hổ dùng lợn con để làm mồi, vì biết hổ rất thích ăn lợn con, người bẩy chim cu thì dùng chim cu gáy để nhử mồi, người ham tiền bạc thì lấy tiền mà câu, người thích danh vọng chức quyền thì lấy chức quyền mà mua chuộc, người mê gái thì dùng gái đẹp để câu.v.v...
     Thích gì chiều nấy, đó là chiêu bài của ma quỷ để cám dỗ nhân loại sa ngã.
Linh mục là người mà ma quỷ dùng hết binh đoàn trong địa ngục và tâm trí sức lực để cám dỗ, để triệt hạ các ngài, nó điều nghiên rất kỷ càng sở thích và khuyết điểm của các ngài để tấn công. Nhưng chung quy vẫn là tiền, sắc và danh vọng là ba khí cụ mà ma quỷ dùng để tấn công các ngài. Có linh mục thì nó dùng tiền đề cám dỗ, có vị thì nó dùng sắc đẹp để mê hoặc, có vị thì nó dùng khát vọng quyền lực để nhử mồi, bởi vì linh mục cũng là con người, cũng có hỷ nộ sân si như mọi người, nên cũng có những sở thích và đam mê như những người khác.
Vì thiên chức linh mục có tầm quan trọng như thế, nên Đức Chúa Giê-su đã nói với thánh Phê-rô tông đồ: “Si-mon, Si-mon ơi, kìa sa-tan xin được sàng anh em như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh” . Ngài biết rằng dù ở trong chức vụ nào đi chăng nữa thì con người vẫn cứ bị cám dỗ, có điều càng cao danh vọng thì càng nhiều gian nan, cũng có nghĩa là chức quyền càng cao, cám dỗ càng nhiều càng mạnh, do đó mà người linh mục của Đức Chúa Ki-tô cần phải tỉnh táo trước mọi cám dỗ, luôn khiêm tốn trông cậy vào ơn Chúa, tuyệt đối không ỷ lại vào sự thánh thiện của mình, không ỷ lại vào khôn ngoan của mình, vì thánh thiện và khôn ngoan của bản thân không thấm vào đâu so với quyền lực của sa-tan.
Khuyết điểm lớn nhất của linh mục là luôn đặt nặng chức vụ linh mục lên trên sứ mạng của linh mục, cho nên các ngài bất mãn khi “bị” cho ngồi ngang hàng với giáo dân trong bữa tiệc, các ngài cảm thấy nhục khi được giáo dân góp ý, các ngài sừng sộ khi “bị” người ta gọi là anh là chú, là em, mà không gọi là cha...

Vì các ngài coi chức vụ linh mục nặng hơn sứ mạng linh mục như thế, nên các ngài rất dễ dàng mắc bẫy của ma quỷ...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư 

Cây phục linh là thế sao ?


CÂY PHỤC LINH LÀ THẾ SAO ?

Có một lần, lá lách của Liễu Tôn Nguyên phát sinh mãn tính sưng to, bác sĩ đã kê cho ông ta một thang thuốc bằng cây phục linh.
Liễu Tôn Nguyên đến tiệm thuốc lấy thuốc sắc uống, qua mấy ngày bệnh càng nặng thêm, ông ta cho rằng bác sĩ cho không đúng thuốc, bèn đi trách mắng bác sĩ. Bác sĩ đi kiểm nghiệm mẩu thuốc, vừa nhìn thấy thì biết ngay là thuốc đã bị gọt nên trở thành màu sậm như củ khoai lang khô.
                                          (Liễu Hà Đông tập)

Suy tư:
Có rất nhiều trường hợp vì không uống thuốc theo toa của bác sĩ mà chết, và cũng có nhiều trường hợp bệnh nặng mà không đến bác sĩ để chữa trị kịp thời thì cũng toi mạng !
Trong đời sống tâm linh của ngưới Ki-tô hữu cũng thế, có rất nhiều giáo hữu thường “than thở” với bạn bè rằng “mình không thích đi xưng tội, bởi vì lần nào cha giải tội cũng nói câu ấy, cũng việc đền tội ấy, mà không giúp mình cách để sửa đổi cuộc sống”, và thế là họ không đi xưng tội mùa phục sinh hoặc là mùa giáng sinh do cha sở tổ chức, và người ta cũng không lạ gì khi người ấy có đời sống tâm linh “không nóng không lạnh”.
Bệnh bên trong thân thể khi đã phát thì rất khó chữa trị, bệnh trong tâm hồn càng khó chữa trị hơn, bởi vì nó khó chữa trị, cho nên cần đến bác sĩ chuyên khoa, mà bác sĩ khoa tâm hồn không phải là các linh mục thì là ai nữa ?
Một bác sĩ giỏi thì luôn tìm tòi nghiên cứu để chuyên môn của mình ngày càng tinh thông hơn, một linh mục có lực hấp dẫn được nhiều giáo hữu, không phải là ngài có tài ăn nói hoặc giảng hay, nhưng chính là vì ngài chú tâm vào đời sống nội tâm, cầu nguyện, và niềm hứng thú của các ngài chính là Kinh Thánh, vì nơi nguồn phong phú vô tận ấy, các ngài đã tìm ra được những phương thuốc nhiệm mầu để chữa trị cho các bệnh nhân tâm linh cần đến ngài.

Nếu mỗi một “bác sĩ tâm linh” biết nhu cầu của con bệnh mà kê toa thuốc đặc trị, thì sẽ không còn giáo hữu “không nóng không lạnh” trong đời sống thiêng liêng của họ nữa; nếu mỗi một linh mục mỗi ngày để dành cho việc cầu nguyện nhiều hơn nữa, thì nhất định sẽ bắt được rất nhiều “cá lớn” về cho Thiên Chúa, thánh Gioan Maria Vianney là một điển hình cho chúng ta –linh mục- những bác sĩ tâm linh của mọi người.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư 

Nghèo


NGHÈO
      Giáo dân thấy cha sở khi làm lễ thì cứ mặc áo lễ đã bạc màu nhàu nát, áo trắng dài thì vàng ố, đi đôi dép da mòn đế, bèn hỏi cha sở:
-         “Cha không có áo lễ và đôi giày mới để làm lễ sao ?”
Cha sở trả lời:
-         “Các ông bà thấy đó, linh mục nghèo như tôi thì tiền đâu mà mua áo lễ và giày dép mới chứ !”

Giáo dân to nhỏ với nhau: cha sở giàu thấy mồ, đi xe đời mới, dùng iphone đời mới, đi chơi thì diện đồ láng cóng.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Thứ Ba, 18 tháng 2, 2014

Nhật ký 3 ngày tết Giáp Ngọ - 2014




NHẬT KÝ BA NGÀY TẾT GIÁP NGỌ 2014

Ngày mồng Một tết.
Theo truyền thống của giáo xứ, bởi vì ngày 30 tết, người Hoa gọi là “tết nhỏ” nhà nhà đều lo việc nhà, nhất là gia đình ăn cơm tối ngày 30 tết rất là quan trọng, gọi là bữa ăn sum họp gia đình (團圓), và đón giao thừa, cho nên không có thánh lễ tất niên, mà chỉ có thánh lễ Tân Niên sáng mồng một tết bắt đầu lúc 10.00h sáng.

Vì là giáo xứ ở thủ đô Taipei, nên giáo dân đa phần phải trở về quê nhà ăn tết, người về miền trung, kẻ về miền nam, có người thì về tận miền đông xa xôi để sum họp với gia đình trong những ngày tết, lại có những gia đình đã chuẩn bị đi nghỉ trong dịp tết, cho nên mình nghĩ thánh lễ Tân Niên chắc sẽ rất ít giáo dân tham dự. Nhưng không ngờ, giáo dân đi lễ đông như ngày chúa nhật, ai ai cũng mặc áo mới, phần nhiều là màu đỏ là màu may mắn và là truyền thống của họ, nét vui vẻ trên khuôn mặt của mỗi người, vào cửa nhà thờ là ai ai cũng chào nhau bằng câu: “chúc mừng năm mới”, hoặc “vạn sự như ý” hoặc “ân sủng tràn đầy”.v.v...mọi người đều chúc mình “năm mới chúc cha vui vẻ”, hoặc là “năm mơi chúc cha mạnh khỏe”, lại có những giáo dân lớn tuổi lì xì cho cha sở gọi là lộc đầu năm.

Trong thánh lễ ngoài việc chia sẻ nội dung của bài Tin Mừng “đừng lo âu về ngay mai, vì ngày mai có việc của ngày mai, nhưng trước hết phải tìm Nước Thiên Chúa và đức công chính của nó...” của thánh lễ tân niên, mình nhắc nhở cộng đoàn trong những ngày vui tết đừng uống rượu đến say không biết đường lái xe về nhà (giáo dân cười vui vẻ), đừng đánh bạc ăn thua đủ và cố gắng đi chúc tết bà con bạn bè. Trước khi ban phép lành trọng thể đầu năm mới, mình đề nghị giáo dân ba điểm:
-      Một là khi vui tết thì đừng quên Thiên Chúa .
-      Hai là khi vui tết thì đừng quên những người nghèo khó.
-      Ba là khi vui tết thì đừng quên giữ gìn sức khỏe.

Ở Taiwan có truyền thống là sau thánh lễ tân niên thì có nghi thức kính nhớ tổ tiên, tức là kính nhớ ông bà cha mẹ và những người đã qua đời, giáo dân rất coi trọng việc kính nhớ này, bàn thờ tổ tiên được thiết kế bên đài thánh Giu-se, trước khi đọc bài sách Huấn Ca thì đốt pháo, tiếng pháo nổ vang rền làm mình càng nhớ nhà thêm, tiếng pháo vừa dứt thì nghi thức kính tổ tiên bắt đầu, với một bài đọc sách Huấn ca, đọc ba kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng và kinh Sáng danh, sau đó là phần lời nguyện cầu cho ông bà tổ tiên, kết thúc bằng việc niệm hương, dâng hoa, dâng rượu và dâng quả.

Nghi thức kính bái tổ tiên xong thì mọi người sắp hai hàng lên hái lộc xuân, lộc xuân là các bao màu đỏ bên trong là một câu Lời Chúa với đồng bạc bằng kẹo sô cô la bọc giấy vàng rất đẹp, mọi người ai cũng vui vẻ lên hái lộc của Chúa và họ rất trang trọng với câu Lời Chúa mà họ hái được.

Thánh lễ kết thúc, mọi người ai nấy ra về vui tết với gia đình, có giáo dân hỏi tết này cha có đi chơi đâu không, mình cười cười nói không đi đâu cả, bởi vì là linh mục truyền giáo, giáo xứ là nhà của mình, thấy giáo dân vui tết với gia đình là mình vui rồi.

Một này tết qua đi trong tiếng pháo đì đùng, ngoài đường xe cộ vắng tanh, bởi vì những người ở Taipei đều về quê ăn tết với gia đình hoặc đi chơi xa. Nhưng đến chiều thì quảng đường từ nhà thờ qua sở thú thì kẹt xe, xe đâu mà nhiều thế, chắc là những người ở quê lên đi chơi sở thú, rồi đi dạo ở hai phố cổ cách nhà thờ khoảng vài phút lái xe hơi, đúng là “dập dìu tài tử giai nhân, ngựa xe như nước, áo quần như nêm.”...

Mồng Hai Tết
Sáng mồng hai tết thì thánh lễ như ngày thường, nghĩa là cử hành vào lúc 7 giờ sáng, giáo dân khoảng ba bốn chục người, đây là những người thích tham dự thánh lễ ngày thường buổi sáng. Ở Việt Nam, ngày mồng hai tết là ngày lễ cầu cho ông bà tổ tiên, một truyền thống tốt đẹp của Giáo Hội Việt Nam để nói lên tình yêu của con cháu đối với những bậc sinh thành là ông bà tổ tiên cha mẹ.

Ngày mồng hai tết mình cũng không đi đâu, lễ xong là ngồi trước máy vi tính viết bài, đọc sách, đó là việc “thường ngày” của mình và cũng là niềm vui của đời linh mục.

Đến 10.30 giờ sáng thì tự nhiên mình nổi hứng muốn vào sở thú chụp hình chơi, vì trong sở thú có rất nhiều hoa đẹp. Thế là mang ba lô với hai cái máy chụp hình, sở thú gần nhà thờ, đi bộ thì khoảng nửa giờ, nhưng mang ba lô với hai cái máy thì hơi nặng, hơn nữa trời qua nóng, nắng chang chang, thế là mình quyết định lái xe jeep đi sở thú, đến nơi bảng điện tử bãi đậu xe báo là chỉ còn 12 chỗ trống, nhưng tìm được chỗ trống đó cũng mệt phờ người vì bãi đậu xe quá rộng có thể đậu gần cả ngàn chiếc xe hơi (chính xác là 978 chiếc), trước cổng sở thú là cả một sân rất rộng, nhưng toàn người là người, người đi sở thú, người sắp hàng rồng rắn dài hơn cả cây số chờ mua vé ngồi “xe treo” lên Maokong đi dạo và thưởng thức hoa đào hoặc nhâm nhi trà ô long nổi tiếng của xứ Đài.

Vì trời nắng chang chang, người đông như kiến nên khi vào trong sở thú rồi mà không chụp được tấm hình nào là hoa cả, ở đây người ta cũng xếp hàng dài để đợi vào coi gấu trúc, chỉ thấy người với người, do đó mà mình lại trở về nhà, dù chỉ mới vào được năm mười phút.

Về nhà định bụng là viết những bài viết đang dở dang, dịch những câu chuyện hay từ tiếng Hoa qua tiếng Việt, và đọc báo. Ngày tết mà làm như thế thì hơi phí cuộc đời, tết mà không đi đâu cả thì tết làm gì, nhưng cái mình thích nhất là trong mấy ngày tết là nhà thờ vắng người, yên tĩnh và một mình ta với ta.

Đang viết bài thì điện thoại reo, có nhóm các thầy và các anh chị em công nhân ở Fuda (gọi là Fuda, vì những anh chị em này thường đến viện thần học trường đại học Phụ Nhân để dự lễ bằng tiếng Việt vào chiều chúa nhật, do các cha Việt nam của dòng Tên phụ trách, và có các thầy dòng Tên, dòng Đa Minh và dòng Phan-xi-cô người Việt Nam giúp phụ trách giáo lý, tập hát...) đến chúc tết mình. Đúng 1.30h chiều thì các thầy và các công nhân và các cô dâu đến, như năm ngoái các thầy và các anh chị em vào thẳng nhà thờ hái lộc, chụp hình kỷ niệm và cầu nguyện, sau đó mới lên phòng khách của mình.

Rút kinh nghiệm năm ngoái đến giáo xứ mình thì chỉ có ăn mì gói (vì không ai nhóm chợ, các tiệm ăn cũng không mở, bởi vì mình ăn tết một mình nên không chuẩn bị gì cả, (dù giáo dân nói sẽ đem thức ăn đến để mình ăn trong mấy ngày tết nhưng mình không bằng lòng, bởi vì ăn uống ít và không điều độ, đói mới ăn, nên có khí cả hai ngày mà không ăn gì cả, chỉ ăn trái cây và uống nước, đó là “phép” dưỡng sinh của mình), nên các thầy và anh chị em công nhân và cô dâu (17 người) đem theo đồ ăn đến để nấu ăn, bởi vì mọi người đều biết mình không biết nấu ăn, chỉ ăn mì gói, trái cây và uống cà phê...

Vì có nhóm Fuda đến nên phòng khách và nhà bếp của mình náo nhiệt hẳn lên, vui vẻ và ấm cúng, mấy cô thì nấu bếp, các anh thì chơi cờ domino hoặc phụ bếp với các cô, mình thì ra quán mua bia và rượu để đãi nhóm, mỗi người một công việc rất vui vẻ...Ai cũng ăn tết xa nhà nên mọi người đều rất hòa đồng vui vẻ, hai thầy dòng Đa Minh thì qua học thần học và triết học tại viện thần học Fuda, các anh chị công nhân thì qua Taiwan làm việc, tết được nghỉ nên cũng nhớ nhà, các cô dâu thì dù lấy chồng người Đài, nhưng lòng đạo của họ đáng phục, có lẽ vì sự giáo dục đức tin ở quê nhà làm cho họ sống đức tin ở nơi quê người cách đáng nể.

“Tết” là một chữ ngắn gọn nhưng hàm rất nhiều ý nghĩa thân thương làm cho những người Việt Nam xa nhà gợi nhớ quê hương, tết làm ấm lại những tâm hồn nơi những người xa quê, tết làm cho tình yêu đơm hoa kết trái, tết làm chạnh lòng những người ta phương cầu thực. Bất kỳ bạn là ai và dù bạn ở đâu trên trái đất này, thì tết vẫn là một chữ thân thương gợi nhớ hồi tưởng những ngày tết trên quê hương của mình, làm cho mình bồi hồi nhớ nhà, nhớ những ngày trước tết đi chợ hoa, cùng bạn bè vui trong những chén rượu xuân nồng, cùng với những lời chúc tết quen thuộc nhưng trang trọng. Vì ngày mồng hai tết nhằm ngày thứ bảy nên buổi tối có thánh lễ ngày chúa nhật, thế là mọi người dọn dẹp rửa chén rồi chia tay, trả lại sự im lặng ngày thường cho phòng khách và nhà bếp của mình.

Mồng hai tết được kết thúc bởi thánh lễ tối, giáo dân đi lễ ít hơn, thánh lễ xong thì mọi người ra về, mình lại lên phòng tiếp tục làm việc cho trọn vẹn ngày mồng hai tết.

Mồng Ba Tết
Mồng Ba Tết nhằm ngày chúa nhật, không khí tết vẫn còn bay lượn trong không gian, ngoài đường xe cộ ồn ào, đây đó có những tiếng pháo nổ dòn của những người khai trương cửa hàng đầu năm mới, thỉnh thoảng lại nghe tiếng hú dồn dập của xe cứu thương chạy qua. Giáo dân vẫn đến nhà thờ dâng lễ như các ngày chúa nhật khác, nhà thờ vẫn có hai thánh lễ như mọi ngày chúa nhật, nhà thờ vẫn chật kín và ai cũng vui vẻ phấn khởi khi tiến vào nhà Chúa để tán tụng ca ngợi Ngài.

Trong bài giảng mình đã chia sẻ với giáo dân rằng: mồng ba tết là ngày thánh hóa công việc làm ăn của giáo hội Việt Nam, các cửa tiệm khia trương đều có đốt pháo để cầu may mắn, người ki-tô hữu chúng ta tin tưởng vào Thiên Chúa và thực hành lời dạy của Ngài là phải làm cho vũ trụ ngày càng đẹp thêm. Trong ngày đầu năm mới, chúng ta đem công việc làm ăn của mình dâng lên Chúa để xin Ngài thánh hóa và chúc lành, đó chính là một thái độ không những biết ơn, mà còn là một cử chỉ đầy sự phó thác cho Thiên Chúa quan phòng, bởi vì chúng ta đổ mồ hôi lao nhọc để làm việc, nhưng thành quả chính là bởi Thiên Chúa ban cho...

Sau thánh lễ mọi người lại chúc nhau năm mới an khang –mình ngạc nhiên là giáo dân ít chúc nhau  “năm mới phát tài” như những người khác hoặc như ở Việt Nam chúng ta thường chúc nhau năm mới phát tài, còn ở đây giáo dân chúc nhau năm mới an khang, mạnh khỏe hoặc là ân sủng Chúa tràn đầy. Có giáo dân nói với mình là ngày mồng Ba têt thánh hóa công việc làm ăn thật có ý nghĩa, lần đầu tiên họ mới nghe nói đến (thực ra năm nào mình cũng nhắc nhở và lưu ý giáo dân ngày mồng ba tết là thánh lễ thánh hóa công việc làm ăn), có lẽ họ không nhớ hoặc là giáo dân mới đến giáo xứ mà thôi.

Hôm nay lớp giáo lý dự tòng liên hoan mừng năm mới, đó là những nét sinh hoạt mà những người phụ trách đã đề ra, để cho các dự tòng và những người giúp họ tìm hiểu về giáo lý của Giáo Hội được thân mật liên kết với nhau hơn. Chương trình học giáo lý là một năm, ngoài việc học giáo lý căn bản ra, thì các giáo lý viên còn co những buổi để cho các dự tòng chia sẻ tâm linh của mình tại sao đến với đạo Công Giáo, hoặc là tại sao họ lại có thiện cảm với Giáo Hội.v.v... cùng với nhiều chương trình khác mà người phụ trách và các giáo lý viên lên chương trình để những người dự tòng cảm thấy thoải mái khi đến với Chúa.

Mồng Ba tết cũng như mọi ngày chúa nhật khác, lễ xong thì mọi người rộn ràng tay bắt mặt mừng, khoảng một giờ sau thì trả lại sự yên tĩnh cho nhà thờ.

Ngoài đường xe cộ đông hơn mọi năm, vì tết năm nay thời tiết rất đẹp, phải nói là đặc biệt hiếm có, trời nắng ấm, có khi chói chang như mùa hè, dù đang là mùa đông, cho nên mọi người đều đổ ra đường đi du xuân, nhất là những điểm vui chơi tham quan: nào là sở thú, các phố cổ, vườn hoa và các chùa chiền đều đông nghẹt người là người. Trên truyền hình, chính phủ cũng yêu cầu dân chúng ra khỏi nhà đi vui tết cho giản gân cốt, lưu ý cha mẹ nên dẫn con cái đi chơi, đừng để chúng nó cắm cúi vào vi tính hoặc ipad, hoặc những trò chơi điện tử nhiều...

Tết đến hoặc tết đi, thì công việc của một linh mục truyền giáo như mình thì vẫn như mọi ngày: lễ xong lên phòng làm việc, suy tư, viết lách, thỉnh thoảng đi lui đi tới trong phòng để thư giản và tìm ý. Thiên Chúa đã đặt mình ở đây hoặc bất kỳ ở đâu là để mình thực hiện thánh ý của Ngài, như lời trong thánh vịnh nói: “Lạy Thiên Chúa của con, xin hãy nhìn, này con đã đến để thi hành ý Chúa cách vui tươi” (Tv 39). Thi hành ý Chúa chính là chu toàn bổn phận của mình cách vui vẻ; thi hành ý của Chúa chính là ý thức bổn phận của mình trong cuộc sống, và nhất là ý thức mình là một đầy tớ vô dụng được Chúa sai đi để làm công việc của Ngài.

Rồi ba ngày tết cũng qua đi, đường phố lại ồn ào vì tiếng xe cộ, người ta lại ùn ùn trở về thành phố chuẩn bị cho công việc làm ăn, đâu đó cũng còn vài tiếng pháp nổ và truyền hình thì nhạc xuân vẫn vang lên vui nhộn...

Người linh mục truyền giáo thì một ngày vẫn như mọi ngày ở trong nhà Chúa, ăn cơm nhà Chúa và làm việc cho Chúa như một đầy tớ vô dụng: làm hết sức mình và phó thác cho Chúa...

Tết Giáp Ngọ - 2014
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.













Chết cũng không bỏ tiền


CHẾT CŨNG KHÔNG BỎ TIỀN
Người Vĩnh Châu rất giỏi về bơi lội.
Ngày nọ nước trong sông dâng cao, có năm mươi sáu người ngồi trên chiếc thuyền nhỏ vựơt qua sông Tương rất rộng, khi thuyền vừa đến giữa lòng sông liền bị lật, ai ai cũng nhôn nhao bơi để giữ lấy mạng sống.
Có một người bơi thục mạng nhưng cũng không bơi được là bao nhiêu, bạn hữu rất lấy làm kỳ cục liền hỏi:
-         “Anh bơi lội của anh rất khá, tại sao hôm nay bơi sau chót vậy ?”
Anh ta thở hổn hển nói:
-         “Tôi mang trong người một ngàn đồng tiền, số lượng rất nặng, cho nên bơi không nổi”.
Bạn bè khuyên anh ta mau vứt bỏ nó, anh ta lắc lắc đầu không chịu. Một lúc sau, sức lực anh ta càng kiệt quệ, những ngừơi lên bờ trước nói như thét với anh ta:
-         “Anh thật là quá hồ đồ, anh thật là quá cứng đầu cứng cổ, nhân mã sắp chết chìm đến nơi, còn cần tiền làm gì nữa chứ ?”
Anh ta lại lắc đầu, nhanh như chớp, một ngọn sóng lớn ập tới nuốt chửng anh ta.
                                   (Liễu Hà Đông tập)

Suy tư:
     Người ta thường nói “sinh nghề tử nghiệp” nghĩa là sống nghề nào thì chết về nghề ấy.
     Người giỏi về nghề điện thì bị điện giựt chết, người giỏi về nhào lộn thì chết vì nhào lộn, người giỏi bơi lội thì chết nước.v.v... trong những cái chết này, xác suất cao nhất chính là sự rủi ro, hay nói cách khác là không ai học được chữ ngờ.
“Nghề” của linh mục và các tu sĩ nam nữ là cầu nguyện, cái nghề rất ư là đặc biệt so với các nghề khác ở trần gian, cho nên cái “chết” của nó cũng rất là khác với mọi người.
Nó không phải rủi ro mà chết, cũng không phải không cẩn thận mà chết, nhưng là vì đời sống vật chất xa hoa đã làm ngộp thở đi sự cầu nguyện của các linh mục và tu sĩ, nó đã làm cho đời sống tâm linh của các ngài ra nặng nề, và lúc đó thì các ngài  cảm thấy “đã thỏa mãn và hưởng thụ với những gì mình có” mà chết, khi một linh mục , tu sĩ nam nữ đã thỏa mãn hưởng thụ là dấu hiệu “tử nghiệp” đã đến, bởi vì lúc ấy lời cầu nguyện của họ sẽ không còn sức sống như trước, lời cầu nguyện của họ như “tiếng phèng la rổng tuếch” xa lạ vang lên bên tai giáo dân, thay vì làm họ cảm động vì Lời Chúa, thì lại khiến cho họ xa rời Chúa hơn. Các ngài đã “chết”, vì giáo dân không còn thấy nơi họ một sự sốt sắng vì Chúa và vì Giáo Hội, các ngài đã “chết” cho nên giáo dân không còn thấy sinh khí sống động, không thấy lửa yêu mến Chúa cách nhiệt thành nơi con người của các ngài nữa.
“Lạy Đức Chúa Giê-su,
Là một linh mục của Chúa, có những lúc con cảm thấy cầu nguyện như là một gánh nặng, bởi vì còn rất nhiều việc mà con phải làm đã chiếm mất nhiều thời giờ của con, chẳng hạn như con còn phải giải trí đôi chút, con còn phải tán ngẩu với bạn bè, con còn phải lướt trên mạng, con còn phải coi một cuốn phim hay mới xuất xưởng, con còn phải lái thử chiếc xe mới mua cáo cạnh.v.v... và như thế cũng đồng nghĩa là con sẽ “tử nghiệp” trong thiên chức linh mục của mình.

Xin Chúa nhắc nhở con biết tỉnh thức và cầu nguyện trước những cám dỗ vật chất...”

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư 

Thứ Hai, 17 tháng 2, 2014

Tôn trọng và lịch sự


TÔN TRỌNG VÀ LỊCH SỰ
Linh mục nghĩa phụ đi nước ngoài tham dự lễ phong chức linh mục của nghĩa tử mình, trong bữa cơm thân mật cùng với vài người bạn của tân linh mục, có một linh mục bản xứ cũng được mời. Mọi người ăn uống vui vẻ dùng tiếng mẹ đẻ (tiếng Việt) để nói chuyện với nhau, mà không để ý đến vị linh mục bản xứ không hiểu tiếng Việt đang ngồi cùng bàn.
Cơm xong, linh mục nghĩa phụ nói với nghĩa tử (tân linh mục) của mình:
-         “Khi nào con mời các cha các thầy của mình (người Việt) ăn cơm, thì có lẽ không nên mời người bản xứ cùng tham dự, bởi vì các con chỉ dùng tiếng Việt nói chuyện với nhau nên họ không hiểu các con nói gì, bố thấy cha ấy ngồi ăn uống gượng gạo không nói một câu nào. Con phải tôn trọng họ và cũng là phép lịch sự, các con phải nói tiếng bản xứ với họ, vì các con ai cũng nói rành tiếng bản xứ của họ, như thế họ mới tôn trọng và đánh giá cao sự hiểu biết của con”.

Lời dạy thật chí lý.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.