Thứ Sáu, 19 tháng 5, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


87.   NÓI LỚN TIẾNG, NÓI NHỎ TIẾNG

Có hai anh em cùng làm ruộng, người anh kêu người em về ăn cơm, người em lớn tiếng nói:

-         “Đợi em đem cái liềm giấu dưới đất thì về ngay.”

Lúc ăn cơm, người anh quan tâm đến em bèn nói:

-         “Nếu khi giấu đồ vật thì không thể nói lớn tiếng, rất dễ bị người khác biết mà lấy đi mất.”

Người em gật đầu nói:

-      “Biết rồi”.

Người em ăn cơm xong bèn đi xuống ruộng trước nhưng tìm không thấy cái liềm đâu cả, bèn vội vàng chạy trở về ghé tai người anh nói nhỏ như hơi thở: “Cái liềm đã bị người ta lấy mất tiêu rồi.”

                                                                (Tiếu phủ)

 

Suy tư 87:

Con người ta mất cái gì cũng thấy tiếc, mất một đồng bạc thì lòng đau như bị dao cứa chảy máu, mất một vài triệu bạc thì bần thần như người mất hồn, mất nghề nghiệp thì cảm thấy như bị chết đói đến nơi, đây là cái mất của con nhà nghèo.

Có những người nhà giàu tiền của để trong ngân hàng, trong két sắt nên họ không bị mất, nhưng họ lại tự nguyện làm mất tiền của mình trong các cuộc nhậu say sưa, một đêm họ có thể “làm mất” một số tiền trong trác táng hoặc cờ bạc mà người nghèo có thể sống cả năm, nhưng họ không bao giờ “nói lớn tiếng nói nhỏ tiếng” về chuyện tự nguyện mất tiền này, bởi vì nói ra là một nhục nhã cho họ và gia đình họ...

Nhưng có một cái mất mát lớn nhất mà có một số người nghèo cũng như người giàu đều không lấy làm tiếc nuối, đó là làm mất linh hồn của mình, bởi vì họ chỉ lo sợ mất của cải vật chất danh vọng, họ chỉ lo không được hưởng thụ khoái lạc đam mê nên họ cố tìm cố giữ, mà quên mất linh hồn đang quằn quại đau khổ sắp chết và “nói lớn tiếng nói nhỏ tiếng” trong cuộc sống của họ.

Thiên Chúa vẫn đang “nói lớn tiếng nói nhỏ tiếng” với chúng ta khi chúng ta vui, khi chúng ta buồn, khi chúng ta phạm tội làm mất linh hồn, nhưng chúng ta có nghe được tiếng nói của Ngài không ?

Thử cố gắng lắng nghe thì sẽ nghe được tiếng Chúa vậy !


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 


Thứ Năm, 18 tháng 5, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện



86.   SỢ CHÌM XUỐNG SÔNG

Có người nọ bình thường rất sợ nước, từ trước đến nay không bao giờ ngồi thuyền.

Một hôm cần phải ngồi thuyền mới có thể qua sông, anh ta sợ rơi xuống nước mà chết, bèn nhờ người ta lấy dây buộc chặt anh ta trên thuyền và dặn đi dặn lại đôi ba lần:

-      “Phải qua đến bờ rồi mới mở dây ra nhé.”

Sau khi đến bờ, anh ta hỏi người bên cạnh:

-         “Lúc trở về anh có còn ngồi thuyền để qua sông không ?”

Mọi người nói:

-      “Phải qua chứ.”

Người ấy nói:

-         “Nếu vậy thì tôi tình nguyện thêm tiền thuê vài người khiêng luôn cả thuyền, để khi trở về thì đừng có buộc chặt nữa !”

                                                                        (Tiếu phủ)

 

Suy tư 86:

        Không qua cầu, không qua đò, không qua thuyền thì không thể qua sông khô ráo, đó là chuyện đương nhiên của nhân loại.

Không qua đau khổ thì không thể có vinh quang, không qua cái chết thập giá thì không thể phục sinh, đó là chân lý của Ki-tô giáo, bởi vì  chân lý là chính Đức Chúa Giê-su và Ngài đã làm như thế: đã đi qua đau khổ, chết trên thập giá và sống lại vinh quang.

        Ki-tô hữu là những người bước đi theo sau Đức Chúa Giêsu, là những người học nơi Ngài cách chịu đau khổ và hy sinh, cho nên cuộc sống của họ cũng toả sáng lên niềm tin yêu trong đau khổ, mĩm cười trong hy sinh và hân hoan trong niềm hy vọng phục sinh với Đức Chúa Giê-su.

Người không có đức tin thì coi đau khổ là một sự trừng phạt của ông trời, người có đức tin nửa vời thì coi đau khổ là một trừng phạt và sự trừng phạt là thử thách của Thiên Chúa, nhưng người có đức tin thật thì coi sự đau khổ là một ân sủng đặc biệt và là tình yêu của Thiên Chúa dành cho họ, để họ ngày càng trở nên giống Đức Chúa Giê-su hơn...

Không ngồi thuyền thì không thể qua sông rộng lớn, không qua cầu thì không thể qua được bờ bên kia.

Cũng vậy, không ai có thể nên thánh mà không qua đau khổ và thử thách, người hân hoan giang tay đón nhận đau khổ và thử thách vì yêu mến Chúa là người đang bước vào cửa nên thánh vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 17 tháng 5, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


85.   BÀ VỢ TUỔI TRÂU

Tuổi của quan huyện là chuột, khi đến ngày sinh nhật của ông thì các thuộc hạ muốn lấy lòng ông ta, bèn góp tiền mua một con chuột bằng vàng biếu tặng.

Quan huyện nhận quà biếu rất là vui vẻ và nói:

-         “Các ngươi biết không, vài ngày nữa là sinh nhật của bà xã tao, bà ta tuổi trâu đấy !”

                                                                (Tiếu phủ)

 

Suy tư 85:

        Ở đời ai cũng có lòng tham, anh tham, chị tham và tôi cũng tham, người người đều có lòng tham, đó là hậu quả của tội nguyên tổ vậy.

        Nhắc khéo người ta mừng sinh nhật của vợ nhớ biếu con trâu vàng vì vợ tuổi trâu thì đúng là hết ý, nhưng cái quan trọng ở chỗ ông chồng này rất sợ vợ và biết lòng tham của cải vàng bạc của vợ mình, bởi vì có những ông chồng đối với thiên hạ thì hét ra lửa, nhưng khi về nhà vợ “ho” một tiếng thì run như  bà già mắc mưa, thế mới biết Chúa công bằng vô cùng...

        Có những ông chồng nghe lòng tham của vợ mà chiếm đoạt mồ hôi nước mắt của người khác; có những bà vợ vì lòng tham chức quyền của chồng mà trở thành vợ bé hoặc làm người tình của thủ trưởng cơ quan nơi chồng mình làm việc, để đường công danh của chồng mình rộng mở; có những người đã dâng mình làm tôi tớ Chúa rồi, nhưng vẫn có lòng tham của cải tiền bạc nên không làm tròn bổn phận mục tử của mình.

        Lòng tham thì không đáy nên nó nuốt hằng hà sa số linh hồn của con người ta qua mọi thời đại, trong đó có cả những người Ki-tô hữu.

        Xin Chúa luôn gìn giữ chúng ta khỏi lòng tham không đáy của ma quỷ.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Ba, 16 tháng 5, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


84.   TRUY TÌM ĐỒNG BẠN

Có một người đào được một pho tượng la hán bằng vàng thì vui mừng như điên.

Nhưng suy nghĩ lại thì bộ la hán có cả thảy mười tám pho tượng, bèn trách mắng la hán và cong ngón tay đánh trên đầu pho tượng la hán bằng vàng, hỏi”:

-         “Mau nói rõ, còn mười bảy pho tượng nữa ở đâu ?”

                                                                (Tiếu phủ)

 

Suy tư 84:

        Có những đồ vật, đối với người này thì quý nhưng đối với người khác thì lại là đồ bỏ di, mười tám pho tượng la hán là vật trân quý của người sưu tầm đồ cổ, nhưng với những người không thích đồ cổ thì coi như chỉ là đồ không có chút giá trị gì vậy thôi.

        Với người yêu mến Chúa thì họ coi trọng và thiết tha thực hành Lời Chúa trong cuộc sống, nhưng với những người nguội lạnh lòng tin, sống sa đà trong tội thì họ coi Lời Chúa như là đồ bỏ là nhảm nhí mà thôi.

        Người Ki-tô hữu, dù không nói thì ai cũng biết là họ rât yêu mến Lời Chúa, bởi vì Lời Chúa là đèn rọi bước đường cho họ đi, nhưng vẫn còn có những người Ki-tô hữu thích làm tôi hai chủ: vừa thích Lời Chúa vừa muốn nghe lời ma quỷ cám dỗ, cho nên có những lúc họ “cong tay gõ trên Lời Chúa” mà nói: “Sao Chúa không để tôi tự do làm theo ý riêng mình, muốn gì thì làm nấy ?!” thế là họ giải thích Lời Chúa theo cách của ma quỷ cám dỗ họ.

        Chúng ta cầu nguyện cho họ vậy.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Hai, 15 tháng 5, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


83.   TÔI QUEN RỒI

Có một đầu bếp, bất kỳ làm tiệc cưới cho ai  thì cũng lén lấy một ít thức ăn đem về nhà, dần dần trở thành thói quen.

Một hôm, ông ta đang thái thịt ở nhà thì cũng lựa một vài miếng thịt ngon, dùng giấy gói lại bỏ vào trong bụng. Vợ nhìn thấy bèn chửi:

-      “Đây là thịt của nhà, ông ăn cắp để làm gì ?”

Ông đầu bếp dường như trong mơ tỉnh lại cười nói:

-      “Tôi quen rồi ạ.”                                                                                                    (Tiếu phủ)

 

Suy tư 83:

        Thói quen là một hành vi được lặp đi lặp lại nhiều lần trong cuộc sống, dù cái lặp lại ấy là vô ý thức.

        Có người có thói quen làm dấu thánh giá trước khi ăn cơm, nhưng vì không ý thức nên làm dấu thánh giá giống như đuổi ruồi, và thế là làm trò cười cho người ngoại giáo và cớ vấp phạm cho trẻ em.

        Có người có thói quen mỗi ngày đều đi tham dự thánh lễ, nhưng vì không hiểu hoặc vì không ý thức của việc dâng lễ, cho nên khi vào trong nhà thờ thì ngủ gục không cần biết cha giảng lễ dài ngắn, ý tứ ra sao, vì thế rất dễ trở nên cái cớ cho người khác chê cười việc tham dự thánh lễ của người Công Giáo.

        Có người có thói quen mở miệng ra là nói chuyện người này người nọ cách vô ý, cho nên họ thường gây mất đoàn kết trong cộng đoàn cũng như giữa người này với người nọ.

        Thói quen là con dao hai lưỡi, một lưỡi làm cho chúng ta trở nên kẻ đánh lừa Thiên Chúa vì những hình thức bên ngoài của chúng ta, một lưỡi làm cho chúng ta trở thành người chỉ bảo đường xấu cho tha nhân khi chúng ta làm theo thói quen vô ý thức của mình.

        Có những thói quen rất tốt mà chúng ta phải bắt chước, như: thói quen lần chuổi Mân Côi, thói quen giúp người, thói quen tha thứ, thói quen đi lễ, thói quen đúng giờ, thói quen lịch sự.v.v...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Chủ Nhật, 14 tháng 5, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


82.   ĐỀU BỊ MÙ MẮT

Ông chủ muốn làm một then cài nơi cửa, nhưng thợ mộc lại làm cho ông cái then ngoài cửa, ông chủ trách và nói:

-         “Làm gì có chuyện làm then bên ngoài cửa, ông bị mù rồi sao ?”.

Thợ mộc không phục nói:

-      “Ông mới là người bị mù.”

Chủ nhà hỏi:

-      “Sao anh nói tôi là người bị mù chứ ?”

Thợ mộc nói:

-         “Giả sử con mắt của ông mà sáng, thì tại sao ông lại thuê người mù mắt là tôi làm chứ !?”                                                                      (Tiếu phủ)

 

Suy tư 82:

        Con người ta khi vì tức giận mà cãi nhau thì lý trí buồn tình chạy mất, lòng yêu mến và kính trọng vốn có thì ẩn mặt, lời lẽ ôn nhu thường ngày thì bị biến dạng, khuôn mặt khả ái dịu dàng trở thành nhăn nhó khó coi và khó chịu, và thế là trở thành người mù không nhìn thấy đức ái...

        Người sáng mắt tâm hồn là người có đức ái, nghĩa là họ nhìn thấy cái khó chịu của người khác để sửa mình, họ nhìn thấy cái kiêu ngạo của người khác để răn mình, họ nhìn thấy cái đau khổ của người khác để giúp đỡ an ủi, nhìn thấy cái quá lố nơi người khác để điều chỉnh lại cái ưu cái khuyết nơi mình cho phù hợp với đức ái của Đức Chúa Ki-tô.

        Con mắt tâm hồn sáng là ở đó vậy !


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)