Thứ Bảy, 6 tháng 12, 2014

Chúa nhật 2 mùa vọng



CHÚA NHẬT 2 MÙA VỌNG

Tin mừng : Mc 1, 1-8
“Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho NgườI”.

Anh chị em thân mến,
Thánh Gioan tiền hô, trong mắt của người cùng thời với ngài, thì ngài là một vị đại tiên tri sống khắc khổ, nhưng đối với con người thời nay, thì ngài là một vị thánh biểu trưng cho sự can đảm, trung trực và tiết chế.

Thánh Gioan Tiền hô được gọi là người mở đường (dọn đường) cho Chúa, ngài không cầm dao cầm rựa để phát quang đường sá, ngài cũng không thuê xe ủi đất đề san bằng những chỗ gồ ghề, nhưng ngài dọn đường cho Chúa bằng câu khai mào rất ấn tượng làm cho mọi người nghe phải kinh ngạc: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người”. Ngài dọn đường cho Chúa không như chúng ta la người này hét kẻ nọ, chửi người kia để ai cũng biết là ta có quyền có thế; ngài dọn đường cho Chúa không như chúng ta phê bình người này có tật xấu này cần phải khai trừ khỏi cộng đoàn, người kia có khuyết điểm nọ cần phải đề phòng và không cho làm việc gì cả để khỏi gây ảnh hưởng xấu anh em (!?) Nhưng thánh Gioan tiền hô dọn đường cho Chúa bằng sự khiêm tốn và đơn sơ của mình nơi hành động cũng như trong lời nói.

Thánh Gioan tiền hô ra mắt công chúng với thái độ và lời nói rất khiêm tốn: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người”, người đó là ai, dân chúng không biết mặt mà cũng chẳng nghe tiếng; người đó là ai, chẳng một ai biết cả ngoại trừ ngài. Mặc dù dân chúng không ai biết người đó là ai, nhưng thánh Gioan tiền hô không vì thế mà tự nâng cao mình lên khi mọi người nhìn nhận ngài là một vị tiên tri mới xuất hiện; mặc dù không ai biết người đang đến sau ngài là ai, nhưng ngài không vì thế mà ba hoa khoác lác với dân đám đông dân chúng đang ngưỡng mộ ngài... Thái độ của ngài khác hẳn với những người Pha-ri-siêu và những thầy thông luật, họ dương dương tự đắc cho mình là thầy thiên hạ, họ nghênh ngang áo thụng tua dây rảo bước trước đám đông dân chúng để nhận được sự cung kính của mọi người...

Thái độ của ngài cũng khác hẳn với thái độ của chúng ta ngày hôm nay: ngài khiêm tốn và quả quyết nói vớ mọi người là mình không xứng đáng cởi dây giày cho người đang đến sau mình, còn chúng ta thì luôn tìm dịp để nói xấu và hạ bệ người anh em của chúng ta khi họ có một chút tài năng hơn mình, và quả quyết với mọi người rằng: thằng cha con mẹ đó không có chút tài cán gì, chỉ là chó ngáp nhằm ruồi mà thôi...

Anh chị em thân mến,
Mùa Vọng cũng là “mùa dọn đường” là mùa phát quang cho thông thoáng những nơi u tối trong tâm hồn chúng ta để đón nhận ánh sáng và ân sủng của Chúa, làm sáng lại cuộc sống thần thiêng đáng bị tục hóa trong tâm hồn và cuộc sống của chúng ta. Mùa Vọng cũng là mùa mà mỗi người Ki-tô hữu chúng ta nhìn lại bản thân mình, quyết tâm tìm cho ra những khuyết điểm của bản thân chứ không phải là nhìn đến những khuyết điểm của người khác. Mùa Vọng cũng là mùa mà chúng ta dễ dàng nhìn thấy Đức Chúa Giê-su nơi những người thân cận, bởi vì Thiên Chúa đã hóa thân làm người như chúng ta.


Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Say mê con đường làm quan


SAY MÊ CON ĐƯỜNG LÀM QUAN
Vương Văn Khang bị bệnh lậu quấy rầy rất là đau đớn khổ não, lần lượt mời các thầy thuốc nổi tiếng đến điều trị nhưng vẫn không lành.
Về sau thăng lên làm phó lệnh cơ yếu thì bệnh lậu được chữa lành, nhưng sau khi bãi quan về hưu thì bệnh lậu lại phát sinh.
Có người cười nhạo Vương Văn Khang, nói:
-         “Nếu muốn trị lành bệnh lậu, chỉ cần dùng một thang thuốc “phó lệnh cơ yếu” là khỏi, nhưng mà cần phải uống luôn, như thế mới có thể đề phòng bệnh tái phát về sau”.
                                     (Đông Hiên bút lục)

Suy tư:
     Thời nay có nhiều căn bệnh lạ xuất hiện làm cho các nhà y học phải đau đầu nhức óc, nhưng dù bệnh lạ hay quen thì trước sau gì thì các nhà khoa học cũng sẽ tìm ra căn bệnh.
     Nhưng có một thứ bệnh mà không thuốc nào ở trần gian coq thể chữa lành, đó là bệnh thích “tỏ uy quyền” với người khác, cơn bệnh này không phải hệ tại môi trường sinh thái dơ bẩn, cũng không phải vì ghiện xì ke ma tuý, càng không phải vì phục vụ bệnh nhân trại cùi mà bị nhiễm bệnh, nhưng chính là do tâm hồn kiêu ngạo và bất an, tức là không an bình mà phát sinh ra.
     Có người mới chịu chức linh mục liền muốn tỏ uy quyền với anh em: ăn nói kẻ cả, chỉ huy ra lệnh, tớ tớ mày mày không giống như hồi còn làm chủng sinh.
     Có người mới được đặt làm một “chức” phụ tá rất thấp trong cộng đoàn, nhưng lại luôn tỏ ra vẻ ta đây có uy quyền: nạt người này, thoá mạ người kia, hống hách với anh em, thậm chí với những người lớn tuổi...
     Có người mới bước chân vào chủng viện, được người ta gọi là thầy, liền lên mặt “tỏ uy quyền” như cha sở với các giáo dân...
     Bệnh thích “tỏ uy quyền” rất xa lạ với Đức Chúa Giê-su, lại càng xa lạ với các mục tử của Chúa, bởi vì lịch sử đã chứng minh: mỗi lần Đức Chúa Giê-su chữa lành một cơn bệnh nào đó, làm cho người khác được hạnh phúc, thì Ngài đều cấm họ công bố việc Ngài đã làm cho họ. Đức Chúa Giê-su chỉ tỏ uy quyền của Ngài với ma quỷ, với những kẻ buôn bán trong đền thờ làm ô uế nhà Cha của Ngài...
     Người thích lên mặt “tỏ uy quyền” với người khác là người có một quá trình suy nghĩ lệch lạc về chức vụ: như các chức vụ trong Giáo Hội, chức vụ ngoài xã hội ông này bà nọ, là người có tâm hồn kiêu căng và thích tranh giành quyền lực với anh em.

     “Lạy Đức Chúa Giê-su, trong cuộc sống hằng ngày, đã có rất nhiều lần con đã “tỏ uy quyền” với người anh em chị em và với tha nhân mình, bởi vì tâm hồn của chúng con đầy ắp những kiêu ngạo và ghen tị với họ, bởi vì tâm hồn chúng con đầy những bất an vì chúng con quá chú trọng đến việc tranh giành ảnh hưởng với người khác. Xin Chúa ban cho chúng con được sự bình an trong tâm hồn, để con có sự khiêm tốn của Chúa trong cuộc sống của chúng con. Amen”

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư 

Thơ như thổi lửa



THƠ NHƯ THỔI LỬA
Có người phụ nữ nọ nhìn thấy đôi vợ chồng hàng xóm sống với nhau rất là hòa hiệp, chẳng hạn như chồng đi làm xa trở về vừa đúng lúc thấy vợ đang thổi lửa làm bếp, thì làm một bài thơ tặng vợ:
-         “Thổi lửa môi đỏ động, thêm củi nghiêng tay ngọc. Nhìn xa trong khói ấy, lớn như hoa trong sương”.
Khi chồng của người phụ nữ hàng xóm ấy trở về nhà, bà ta bèn nói với chồng:
-         “Vợ chồng người hàng xóm tình cảm rất dạt dào, thiếp vừa mới thấy ông chồng làm thơ ca tụng vợ, lẽ nào chàng không thể làm như thế sao ?”
Chồng nói: “Bài thơ ấy nói như thế nào ?”.
Vợ liền đọc lại một câu, ông chồng liền vội vàng nói với vợ:
-         “Mình cũng phải thổi lửa để tôi làm một bài thơ tặng cho mình”.
Vợ cũng bắt đầu thổi lửa giống như người phụ nữ hàng xóm kia, chồng làm thơ như sau:
-         “Thổi lửa môi thâm động, thêm củi nghiêng tay đen. Nhìn xa trong khói ấy, giống như Cưu bàn trà” .
                                     (Thái Bình Quảng ký)

Suy tư:
     Có nhiều bà vợ có tính bắt chước người khác đua đòi ăn diện, làm khổ chồng con; có những bà vợ suốt ngày qua nhà hàng xóm ngồi lê đôi mách nói chuyện xấu chồng con cho người khác nghe; lại có những bà vợ tối ngày áo là quần lượt môi son má phấn bắt chồng gánh vác hết mọi chuyện trong gia đình còn mình thì ngồi sơn phết móng tay mòng chân...
     Một người vợ đạo đức là người vợ có công, dung, ngôn, hạnh; người vợ có công dung ngôn hạnh là người sống theo tinh thần Phúc Âm của Đức Chúa Giê-su đó chính là yêu thương chồng con và dạy dỗ con cái theo tinh thần Phúc Âm.
Người vợ đạo đức sẽ noi theo gương Đức Mẹ Ma-ri-a làm cái bóng che râm mát mái gia đình của mình bằng tất cả tình yêu thương và tôn trọng chồng con.

Điều làm cho ông chồng buồn phiền nhất chính là có bà vợ đua đòi, điều làm cho ông chồng đau khổ nhất chính là có bà vợ ham mê bài bạc và ngồi lê đôi mách...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư 

Bàn chân to của thần tiên


BÀN CHÂN TO CỦA THẦN TIÊN
Nữ hoàng Võ Tắc Thiên thích “điềm lành”, thích những lời nói hay.
Năm ấy, có hơn ba trăm phạm nhân bị giam trong chùa Đại Lý, họ lo sợ rằng qua tiết thu phân thì sẽ bị thọ đại hình, bèn dùng kế: bốn góc tường chung quanh nhà ngục, giả làm một dấu in chân dài cở năm thước , đợi đến nửa đêm thì cùng nhau réo to lên.
Các thị vệ trong cung truy hỏi thì các phạm nhân trả lời:
-         “Tối hôm qua có thần tiên xuất hiện, cao hơn ba trượng , mặt máy sáng loáng nói với chúng tôi: các ngươi đều bị oan uổng, đừng có sợ, đương kim hoàng đế có thể sống ngàn tuổi, sẽ khai ân cho các ngươi và tha tội cho các ngươi”.
Các thị vệ nghe vậy, lại nhìn trên đất quả nhiên thấy có một dấu bàn chân khổng lồ, bèn trở về cung liền báo cho Võ Tắc Thiên hay, nữ hoàng bèn hạ chiếu chỉ đại xá thiên hạ, và để kỷ niệm “bàn chân to của thần tiên” nên đổi niên hiệu lại là “đại túc nguyên niên”.
                                     (Thái Bình Quảng ký)

Suy tư 69:
     Các vua chúa thời xưa, và ngay cả các vua chúa thời nay thường tin vào những điều dị đoan bói toán, lý do rất dể hiểu là họ muốn quyền uy, ngai vàng của mình không bị sụp đổ khi có quỷ thần can thiệp.
     Có nhiều Ki-tô hữu vì sợ sa xuống hỏa ngục cho nên giữ đạo như người tin dị đoan, mỗi tuần đi lễ chúa nhật một lần như các thiện nam tín nữ đi chùa, họ đi lễ để hy vọng được “chạy tội” chứ không phải vì lòng yêu mến và tôn vinh Thiên Chúa, cho nên khi dự thánh lễ thì họ không thiết tha gì với những lời kinh mà họ đọc, bài giảng của linh mục chủ tế mà họ nghe trong thánh lễ...
     Ngày nay cũng có một số linh mục khi dâng lễ thì mọi động tác quỳ gối, giang tay, cử điệu làm cho giáo dân nghĩ ngay đến các ông đạo sĩ trong phim ảnh Hongkong, vì có linh mục khi dâng lễ thì làm điệu làm bộ từ cử động cho tới lời nói; có linh mục thì cử điệu y như là nhà ảo thuật nhanh tay nhanh miệng, thậm chí sau khi truyền phép thì có linh mục đưa Mình Thánh hoặc chén Máu Thánh lên và bỏ xuống nhanh như chớp đến nỗi giáo dân thắc mắc không biết cha chủ tế đã đưa Mình Thánh Chúa lên chưa ? Lại có vài linh mục không nhanh không chậm, nhưng có những cử điệu và lời nói không đúng với quy định của lễ nghi, nghĩa là các ngài thích nói lúc nào thì nói, muốn hoa tay lúc nào thì hoa bất kể luật chữ đỏ...
     Các phạm nhân lợi dụng sự mê tín của hoàng đế Võ Tắc Thiên để lừa bà ta, nhưng các giáo hữu không phải vì mê tín mà đến nhà thờ, nhưng là vì yêu mến Đức Chúa Giê-su Thánh Thể mà đến hội ước với Ngài.

Người ngoại giáo sẽ chê lễ nghi của chúng ta là “dị đoan”, nếu mỗi người trong chúng ta khi tham dự và cử hành thánh lễ như là một thầy cúng hoa tay múa chân...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư 

Thứ Tư, 3 tháng 12, 2014

Trách móc


TRÁCH MÓC
Lễ vọng Giáng Sinh vừa xong, một giáo dân lớn tiếng với cha sở:
-         “Tại sao năm nay cha đổi giờ lễ mà không thông báo cho mọi người biết, báo hại gia đình con tụi nhỏ cứ đinh ninh là giờ lễ đêm như năm ngoái, nên chúng nó đi công chuyện hết...”

Cha sở buồn buồn biết là lỗi tại mình và cha phó, thực ra ngài cũng có thông báo cho mọi người biết, nhưng chỉ thông báo có một lần rồi thôi...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Niềm vui


 NIỀM VUI

Lễ giáng sinh năm nay cha sở rất vui vì giáo dân đã tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của ngài: một cọng rơm sưởi ấm Chúa Giê-su Hài Đồng đang lang thang ngoài đường phố, đang sống dưới gầm cầu...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.