Thứ Bảy, 25 tháng 11, 2023

Lễ Chúa Ki-tô Vua

 




LỄ ĐỨC CHÚA KI-TÔ VUA VŨ TRỤ

(CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN)

Tin mừng : Mt 25, 31-46.
“Con người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Ngài, và Ngài sẽ tách biệt họ với nhau”.

Bạn thân mến,
Năm Phụng Vụ của Giáo Hội được kết thúc bằng việc cử hành trọng thể lễ “Đức Chúa Ki-tô vua vũ trụ”, để cho chúng ta thấy rằng: chính Ngài là khởi đầu và là chung kết, nên Ngài là vua vũ trụ và là Đấng xét xử loài người; là Đấng hôm qua, hôm nay và ngày mai, nên Ngài là Đấng ngự trị trường tồn, bất diệt.
Đức Chúa Giê-su xét xử như thế nào ?
Ngày phán xét chung, ngày tội lỗi và sự thánh thiện của mỗi người sẽ được bày ra ánh sáng và tất cả mọi người từ nguyên tổ A-dong và E-và cho đến người sau cùng trên thế giới sẽ thấy; ngày mà những việc lành chúng ta thực hiện trong âm thầm thì nay sẽ được mọi người biết; ngày mà những tội ác chúng ta thực hành trong bóng đêm thì nay sẽ được bày tỏ giữa ban ngày cho mọi người biết...
Ngày phán xét, Đức Chúa Giê-su sẽ không hỏi chúng ta:
-Khi còn ở thế gian con tậu được mấy căn nhà ?
-Khi còn ở thế gian con học hành đến đâu và có bao nhiêu văn bằng tiến sĩ, thạc sĩ...?
-Khi còn ở thế gian con gởi nhà băng (ngân hàng) được bao nhiêu triệu đồng ?...
-Khi còn ở thế gian con có địa vị to lớn nào trong xã hội, trong Giáo Hội ?
Nhưng Đức Chúa Giê-su sẽ hỏi chúng ta:
-Con có giúp đỡ tha nhân không ?
-Con có hy sinh cho người khác không ?
-Con có yêu người như mình vậy không ?
-Con có làm tròn bổn phận của con không ?...
Và thật vô phúc cho chúng ta, khi chúng ta không có một liên hệ bác ái nào với tha nhân, và như thế cũng có nghĩa là chúng ta bị tách khỏi những người lành thánh, phải đứng bên tay tả của Đức Chúa Giê-su với những người được gọi là bè lũ của ma quỷ...
Bạn thân mến,
Có nhiều lúc chúng ta tuyên xưng Đức Chúa Giê-su là vua vũ trụ, nhưng chúng ta chưa tuyên bố và chưa tuyên xưng Ngài là vua trong gia đình, và là vua đang ngự trong tâm hồn của chúng ta, cho nên danh hiệu “gia đình Ki-tô hữu” chưa hấp dẫn được người khác, và danh hiệu “người Ki-tô hữu” của mình chưa thực sự tỏa sáng cho người khác thấy trong cuộc sống của chúng ta, cho nên vẫn có rất nhiều người thờ ơ với Chúa chúng ta.
Lạy Đức Chúa Giê-su,
Chúng con tuyên xưng Chúa là vua và là Chúa của chúng con bằng những thánh lễ trọng thể và bằng những cuộc rước kiệu thật náo nhiệt, để biểu dương sức mạnh đức tin của mình và của Giáo Hội. Nhưng khi thánh lễ kết thúc và cuộc rước kiệu đã xong, nhà thờ là nơi ngai vàng hữu hình của Chúa ngự giữa giáo xứ lại trống vắng, lạnh lùng, Chúa là vua ngự trong nhà tạm lại càng cô đơn hơn chẳng một ai đến thờ lạy, kể cả chúng con là những linh mục –công thần của Chúa- đang coi sóc giáo xứ ở sát ngay bên cạnh nhà Chúa.
Chúng con tôn thờ Chúa là vua đang ngự giữa chúng con trong nhà tạm, nhưng hàng ngày chúng con chỉ thích đến viếng các nhà hàng nhậu nhẹt, ôm ấp các kỹ nữ hơn là đến nhà thờ để thờ lạy Chúa; chúng con tuyên nhận Chúa là vua vũ trụ đang ngự trong nhà tạm, nhưng chúng con cảm thấy mất thời giờ khi đến thờ lạy và ca tụng Chúa nơi nhà thờ...
Xin Chúa thương xót chúng con là những người tội lỗi, thường bất trung với Chúa và bất nhẫn với tha nhân trong cuộc sống của mình hôm nay. Amen

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info

Thứ Sáu, 24 tháng 11, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


38.      PHU NHÂN HỎI HỌ

Vợ của quan là họ Ngũ [1], ỷ vào chồng mình là ông huyện nên rất là kiêu ngạo.

       Một hôm, một đám bà vợ các thuộc hạ của quan đi ngang qua đường trước mặt bà, bà ta bèn chỉ một người trong đám, khinh miệt hỏi:

-          “Mày họ gì ?”

       Người phụ nữ ấy cung kính đáp:

-          “Họ  Lục[2]”.

       Vợ quan rất không bằng lòng, trong lòng nghĩ:

-          “Chồng ta làm quan lớn hơn chồng mày, ta họ Ngũ còn mày họ Lục lớn hơn ta à !”

       Tiếp theo bà ta lại hỏi thêm một phụ nữ khác:

-          “Mày họ gì ?”

       Trả lời:

-          “Họ Thích[3]”.

       Vợ quan càng không vui, tức khí chạy đến chỗ làm việc của chồng kể tội:

-          “Tôi họ Ngũ, chúng nó đều nói họ Sáu, họ Bảy; nếu còn hỏi tiếp thì chúng nhất định phải có họ Tám, họ Chín và họ Mười ! Không phải chúng nó cố tình bò trên đầu tôi hay sao ?”

                                                (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 38 :

       Có những vị phu nhân ỷ lại vào chức quyền của chồng để tác oai tác quái với người hàng xóm cô thế cùng cực; có những người vợ chỉ biết cậy vào địa vị của chồng để dọa nạt người khác…

       Sách Huấn Ca đã chỉ rất rõ cho chúng ta thấy thế nào là người đàn bà xấu như sau :

       “Tôi thà ở chung với sư tử hay rắn rết,

       còn hơn chung sống với người đàn bà xấu xa.

       Lòng độc ác biến đổi người đàn bà ;

       Mặt y thị tối sầm như mặt gấu.

       Chồng thị ngồi ăn với hàng xóm láng giềng

       Cứ buộc lòng phải thở than cay đắng.

       Mọi gian ác chẳng thấm vào đâu

       So với gian ác của người đàn bà;

       Thị phải chịu số phận của phường tội lỗi.

       Đàn ông trầm lặng sống với đàn bà lắm điều

Chẳng khác chi đôi chân cụ già phải leo lên đồi cát.”[4]

       Người đàn bà chỉ biết đỏng đảnh với chồng thì luôn là người đàn bà hách dịch với hàng xóm, người đàn bà hay khinh thường người khác là người đàn bà không biết kính trọng và dạy dỗ con cái của mình.

       Người phụ nữ Ki-tô hữu dù họ mang thân phận nào đi chăng nữa, thì nơi họ cũng luôn tỏa nét sáng đức tin Ki-tô giáo trong cuộc sống của họ: dịu dàng và từ tâm.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] đọc là “ù” nghĩa là Ngũ, cũng đọc là “ù” nghĩa là năm, đồng âm khác nghĩa.

[2] đọc là “lu” nghĩa là lục (địa), cũng đọc là “liu” nghĩa là lục (sáu).

[3] đọc là “qi” nghĩa là thích, cũng đọc là “qi” nghĩa là thất (bảy), đồng âm khác nghĩa.

[4] Hc 25, 16-20.

Thứ Năm, 23 tháng 11, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


37.      CÂU TRẢ LỜI KỲ DIỆU

Có người dùng một cái lồng gỗ lớn nhốt một con hưu và một con hoẵng, rồi đem đến biếu cho phụ thân của Vương Nguyên Trạch.

       Hồi ấy, Vương Nguyên Trạch chỉ là một đứa bé, người ấy cố ý muốn thử tài nó, bèn hỏi:

-          “Mày nhìn thử coi, con nào là hưu và con nào là hoẵng ?”

       Vương Nguyên Thạch không biết hai con vật này, nhưng trí óc rất linh hoạt bèn trả lời:

-          “Bên cạnh con hưu là con hoẵng, bên cạnh con hoẵng là con hưu”.

                                                (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 37 :

       “Bên cạnh con hưu là con hoẵng, bên cạnh con hoẵng là con hưu”, nếu người lớn trả lời như thế thì người ta sẽ cho là nói càn, nhưng đây là câu trả lời hay của một em bé.

       Bên cạnh thiên đàng là hỏa ngục, bên cạnh hỏa ngục là thiên đàng, cả hai tuy xa cách ngàn trùng nhưng lại rất gần nhau, gần nhau là vì thiên đàng và hỏa ngục nó ở ngay trong con người của chúng ta: một cái với tay hay một lời nói đều có thể làm cho chúng ta trong tíc tắc lên thiên đàng hay xuống hỏa ngục…

       Có những người Ki-tô hữu cứ tưởng rằng thiên đàng ở rất xa rất cao nên Thiên Chúa nhìn…không tới, và hỏa ngục ở rất sâu nên ma quỷ khó mà cám dỗ được, thế là họ cứ hoan lạc trong tội lỗi, họ cứ nhỡn nhơ trong vũng bùn tội lỗi, sống kiêu ngạo tham lam.v.v… mà vẫn cứ cười ha ha…

       Trong một cái lồng lớn thì hai con hưu và con hoẵng ở bên nhau, trong một xã hội thì người xấu và người tốt ở bên nhau, cho nên thiên đàng và hỏa ngục cũng ở sát bên nhau, cái quan trọng là chúng ta có nhận ra ơn của Thiên Chúa ban cho để làm lành được lên thiên đàng, và lánh việc dữ để khỏi xuống hỏa ngục không mà thôi…


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 22 tháng 11, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


36.      MẠO THƠ GIẢ NGƯỜI

Lý Bá thời nhà Đường làm quan ở Kỳ châu, có Lý Sanh đem bài thơ của mình làm đến thăm ông ta, Lý Bá sau khi đọc thơ xong thì rất là kinh ngạc, nói:

-          “Đây là bài thơ mà trước đây ta đã viết !”

       Lý Sanh rất là lúng túng, vội vàng che giấu nói:

-          “Bài thơ nháp này của ngài tôi đã trân trọng giữ gìn rất lâu rồi, hôm nay tôi đặc biệt đem đến trả lại cho ngài”.

       Lý Bá nói:

-          “Bài thơ cũ này đã không dùng nữa, ta tặng cho ngươi đấy !”

Lý Sanh cúi đầu cám ơn quay đầu đi ra.

       Lý Bá hỏi:

-          “Bây giờ ngươi đi đâu ?”

       Trả lời:

-          “Đi Giang Lăng thăm bác Lư tôi làm thượng thư”.

       Hỏi:

-          “Ông ta tên là gì ?”

       Đáp:

-          “Lư Hoằng Tuyên”.

       Lý Bá cười lớn nói:

-          “Mày vừa mới mạo thơ, bây giờ lại mạo bác ruột ! Lư Hoằng Tuyên là bác ruột của ta đấy !”

                                                (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 36 :

       Thời nay, giả mạo tên của người khác là chuyện thường, giả mạo hàng hóa của nhau thì lại càng phổ biến hơn, do đó mà chữ tín bớt đi giá trị của nó.

       Nhưng nguy hiểm hơn hết là có những người Ki-tô hữu muốn giả mạo “thiên thần” để phỉnh phờ anh em chị em: họ giả mạo làm một vị “thiên thần giữ mình” anh em chị em, nhưng chính họ thì quá tự do trong vấn đề giao tiếp, họ giả mạo làm môt vị “thiên thần hiền lành” khi đối xử với anh em chị em, nhưng lại không hiền lành với những người khác, họ giả mạo làm một vị “thiên thần quan tâm” đến người khác, nhưng lại lạnh lùng trước những đau khổ của anh chị em.v.v… tất cả những cái giả mạo trên đều xuất phát từ một tâm hồn không lành mạnh trong sáng, bởi vì họ vốn nghèo nàn trong đời sống cầu nguyện…

       Mạo thơ giả người tuy có nhiều nhưng là…chuyện nhỏ, giả mạo làm người đạo đức tốt lành để lừa người khác mới là chuyện trầm trọng hết thuốc chữa vậy…


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Ba, 21 tháng 11, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


35.      BAY CAO LÊN TRỜI

       Ở Triết Giang có một chàng trai muốn tu hành để thành tiên nên ẩn cư rất lâu, và hoang tưởng cho rằng thân mình nhẹ như chim én có thể bay cao lên trên trời.

       Thế là anh ta ra sau vườn chồng mấy cái bàn lại với nhau, bò lên và tập bay lên thử. Nhưng hai cánh tay vừa mới giang ra thì rơi xuống rất nhanh làm gãy mấy cái xương sườn, mời thầy thuốc lại cho thuốc uống, suốt cả tháng sau mới lành bệnh !

                                                (Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 35 :

       Muốn bay lên trời thì phải thành tiên mới bay được đó là quan niệm của nhân gian, vì vậy ngày xưa có nhiều người muốn tu luyện để thành tiên thành phật, ngày nay người ta không tin là có tu luyện để thành tiên thành phật, nhưng người ta tin rằng khi mình ăn ngay ở lành thì sau khi chết có thể thành tiên thành phật, sung sướng trọn kiếp…

       Có những người Ki-tô hữu dùng tiền của chồng lên kiêu ngạo rồi giang tay chỉ người này người nọ nói “bây giờ tớ có thể bay lên được rồi, tụi bây phải nghe lời của tớ”, thế là họ tác oai tác quái với mọi người, thế là họ bị “gãy cánh” khi người ta không ai thèm nghe và hợp tác với họ; lại có những người lâu nay ở “dưới tay” người khác, bây giờ được đề bạt lên làm những chức vụ khác tương đối quan trọng thì tuyên bố “cờ đã tới tay thì ta phất”, thế là họ vênh váo cái mặt hạch người này yêu sách người nọ, họ không bị gãy xương sườn nhưng quả tim của họ đã bị giập nát vì va vào tảng đá kiêu căng của ma quỷ.

       Bay lên trời với đôi tay trần trụi của mình thì không thể được, nhưng bay lên thiên đàng với quả tim biết kính mến Thiên Chúa và yêu thương người thân cận như chính mình, thì tất cả chúng ta đều có thể làm được, bởi vì trên thiên đàng không ai dùng tay để chỉ huy ai, nhưng dùng con tim để yêu thương nhau mà thôi…


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Hai, 20 tháng 11, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 




34.      CHIM BÓI CÁ LÀM TỔ

Gan của chim bói cá rất nhỏ, vì sợ người ta bắt nên làm tổ rất cao trên chạc ba cây.

       Sau khi đẻ mấy cái trứng thì lại sợ trứng từ trên cao rơi xuống đất, nên làm một cái tổ mới thấp hơn và đem trứng bỏ vào tổ mới.

       Chim con đã biết bay đứng bên cạnh tổ vỗ cánh muốn bay ra ngoài, chim bói cá lại sợ chúng nó rơi chết, thế là lại làm một cái tổ mới rất gần mặt đất, kết quả, bọn trẻ con rất dễ dàng bắt được chúng nó.

                                                (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 34 :

       Từ chỗ làm tổ trên cao đến làm tổ gần mặt đất và cuối cùng thì bị trẻ con bắt mất chim con trong tổ, là qúa trình suy nghĩ hơn thiệt của chim bói cá.

       Có một vài người Ki-tô hữu khi ở tuốt trên chốn giàu sang danh vọng thì không nghĩ đến có ngày mình sẽ ở tận sự nghèo khó cùng cực, cho nên khi sự nghèo khó đã thành sự thật thì họ oán trời trách người mà không chịu nhìn đến thực tại trước mắt phải làm, họ sống như người không có đức tin cứ nhớ về cái dĩ vãng giàu có mà than vắn thở dài…

       Thánh Gióp khi ở trên cao của sự giàu có thì đã biết luôn cảm tạ và kính sợ Thiên Chúa, cho nên khi ở trong sự cùng cực thì ngài cũng vẫn hết lòng tin yêu và kính sợ Thiên Chúa, đối với ngài dù làm tổ trên cao hay làm tổ sát trên mặt đất thì đều giống nhau, vì ngài đã biết tin tưởng và phó thác cho Thiên Chúa quan phòng.

       Người sống mà không biết ai đã đặt mình ở chỗ trên cao phồn vinh sung sướng hơn người khác, thì cũng giống như chim bói cá sẽ mất linh hồn khi bị thử thách sống trong cảnh cùng cực, bởi vì họ đã suy tính theo ý riêng mình nên oán trời trách người…

       Ở trên cao cũng là của Thiên Chúa và ở dưới thấp thì cũng là của Ngài an bài, đó là cái sáng của người Ki-tô hữu vậy.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Chủ Nhật, 19 tháng 11, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


33.      ĐƯỢC VIỆC BỊ ĐÁNH

Đời nhà Đường có một thích sứ tên là Mục Ninh, ăn trên ngồi trước, tác oai tác quái, lại còn có mấy đứa con làm quan thay nhau cung phụng ông ta, nếu có chút xíu không vừa lòng thì lập tức trách mắng con cái.

       Một lần nọ, có đứa con nấu mỡ gấu và thịt nai ninh nhừ thành thức nhắm để tỏ lòng hiếu thảo với cha mình, Mục Ninh cảm thấy mùi vị thơm ngon bèn ăn rất là ngon lành.

       Mấy đứa con khác cho rằng ông cha nhất định sẽ khen ngợi lắm lắm nên trong lòng rất là hâm mộ, nhưng ai mà biết được, Mục Ninh sau khi ăn no thì đánh thằng con trai một chập rồi chửi :

-          “Hừ, Thức ăn ngon như thế tại sao đợi đến hôm nay mới đem ra cho ta ăn hử ?”

                                                (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 33 :

       Đa số các gia trưởng đều có một khuyết điểm khó sửa, đó là thường xuyên xưng tội đánh đập và chửi bới con cái. Đành rằng Thiên Chúa luôn tha tội khi chúng ta có lòng sám hối ăn năn thật, nhưng bên cạnh đó cũng phải cố gắng sửa chữa những khuyết điểm của mình.

       Đánh đập và chửi mắng con cái không phải là phương pháp tốt nhất để giáo dục, nhưng đó là chuyện bất đắc dĩ mới làm, mà bất đắc dĩ thì đương nhiên không phải là chuyện thường xuyên, cho nên cũng rất dễ sửa chữa, đừng để trở thành thói quen thường xuyên thì ảnh hưởng rất xấu trên con cái và cuộc sống của cá nhân mình. Biết mình thường nóng tính đánh đập và chửi bới con cái thì nên sửa đổi để khi xưng tội khỏi áy náy vì cứ lập lui lập tới một cái tội ấy…

       Có những cha mẹ vì yêu thương mà đôi lúc nóng giận đánh con cái một bạt tai, nhưng không phải lúc nào cũng dùng roi hay bạt tai để dạy con, hoặc con cái lầm lỗi thì cứ chửi mắng chúng là đồ ngu, đồ mất dạy, đồ đĩ thúi… thì chẳng khác gì chửi vào mặt mình vậy.

       Thiên Chúa là tình yêu, mỗi ngày chúng ta đều có lỗi phạm đến Ngài nhưng Ngài vẫn cứ lấy tình cha con mà đối xử với chúng ta, tại sao chúng ta lại không đối xử nhân lành hiền từ với con cái mình chứ ?

       Bớt chửi mắng con cái nhưng tăng thêm lời nói yêu thương, bớt đánh đập con cái nhưng gia tăng chăm sóc con cái trong cuộc sống gia đình…


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)