Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2019

Chúa nhật 30 thường niên


「thu thuế cầu nguyện」的圖片搜尋結果

CHÚA NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Lc 18, 9-14.
“Người thu thuế khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính; còn người Pha-ri-siêu thì không.”

Bạn thân mến,
Cuộc sống của con người với nhiều lo âu hơn là thoải mái, nhiều đau khổ hơn là hạnh phúc, nhiều áp lực hơn là tự do. Cuộc sống của con người –qua mọi thế hệ- cũng đều cần đến một sức mạnh thần thiêng từ cõi vô hình đầy quyền thế giúp đỡ, để con người an vui sống và làm việc trong xã hội, chúng ta –những người Ki-tô hữu- gọi Đấng vô hình đó là Thiên Chúa và cầu nguyện với Ngài, nhưng có rất nhiều lần chúng ta cầu nguyện mà không thấy Thiên Chúa trả lời.
Đức Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay đã đưa ra hai mẫu cầu nguyện của hai loại người, để cho chúng ta thấy được Thiên Chúa thích nghe lời cầu nguyện của loại người nào: của người thích phê bình, so đo, kiêu ngạo hay là của người có tâm tình khiêm tốn nhận biết tội mình để xin thương xót ?

Người Pha-ri-siêu cầu nguyện
Đây là lời cầu nguyện của người Pha-ri-siêu: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác : tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như  tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con”[1].
Lời cầu nguyện này đáng lý ra là được Thiên Chúa nhậm lời vì nó bao hàm lời chúc tụng ngợi khen và cảm tạ, nhưng trái lại, Thiên Chúa đã không nhậm lời cầu nguyện này, vì trong lời cầu nguyện có sự so đo phân bì và xúc phạm đến tha nhân, đó là nguyên nhân khiến cho lời cầu nguyện trở nên vô giá trị trước mặt Thiên Chúa và người đời.
Người Pha-ri-siêu đã so sánh mình với người thu thuế tội lỗi.
Trong cuộc sống, ai đem mình ra so sánh với người tội lỗi là chính họ tội lỗi hơn cả người tội lỗi, bởi vì phàm ai tôn mình lên thì sẽ bị hạ xuống. Tôn mình lên là coi mình hơn người khác, là đem danh dự của tha nhân đạp dưới chân mình, cho nên họ đã đi trên chông gai mà không biết và họ sẽ ngã quỵ vì chông gai đó chính là sự kiêu ngạo của mình.
Khi đem mình so sánh với người khác là xúc phạm đến họ, dù họ là người tội lỗi công khai hay bị người khác khinh dể, bởi vì một Ma-ri-a Mag-da-la đã được Đức Chúa Giê-su chữa lành, một thu thuế Gia-kêu lùn đã được vinh dự đón tiếp Đức Chúa Giê-su ngay tại nhà mình, một tên trộm bị án tử trên thập giá với Đức Chúa Giê-su đã được vào thiên đàng trước cả người Pha-ri-siêu và những kinh sư thông luật.

Người thu thuế cầu nguyện
Ông ta cầu nguyện cách ngắn gọn nhưng rất hiệu quả: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là người tội lỗi”[2].
Đây không thể là lời cầu nguyện lý tưởng đối với những người am hiểu Kinh Thánh, bởi vì nó không hội đủ điều kiện để trở thành lời cầu nguyện, nhưng nó lại có thế giá trước mặt Thiên Chúa và người thu thuế tội lỗi đã ra về bình an, bởi vì trong lời cầu nguyện đơn sơ này hàm chứa một tâm hồn trông cậy và khiêm tốn.
Đây không thể là lời cầu nguyện hay, nhưng đây là lời nói thỏ thẻ của người con biết nhận ra sai lầm của mình để xin cha mẹ thứ tha. Không một người cha người mẹ nào làm ngơ trước lời thú tội rất chân thành của đứa con mình, Thiên Chúa lại càng không thể “ngoảnh mặt làm ngơ” với lời cầu xin tha thứ rất khiêm tốn và chân thành của người tội lỗi, cho nên, lời cầu nguyện hay chưa chắc là lời cầu nguyện đẹp lòng Thiên Chúa, nhưng chỉ có lời cầu nguyện chân thành và khiêm tốn mới được Thiên Chúa nhậm lời.
Bạn thân mến,
Lời cầu nguyện của người Pha-ri-siêu và lời cầu nguyện của người thu thuế, đã cho chúng ta thấy được đâu là lời cầu nguyện đẹp lòng Thiên Chúa và đâu là lời cầu nguyện không đẹp lòng Ngài.
Lời cầu nguyện đẹp lòng Thiên Chúa không nhất thiết phải kể lể dài dòng, nhưng cần phải có tâm tình yêu mến, chân thành và khiêm tốn, bởi vì Thiên Chúa thích nghe lời cầu nguyện của những tội nhân biết hối cải, hơn là thích nghe lời cầu nguyện khách sáo của người tự cho mình là người công chính mà khinh dể tha nhân.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 


[1] Lc 18, 11b-12.
[2] Lc 18, 13b.

Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2019

Lễ Truyền Giáo (C)




CHÚA NHẬT LỄ TRUYỀN GIÁO

Tin mừng : Mt 28, 19-20.
“Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ”.

Bạn thân mến,
Mỗi năm một lần, giáo hội –trong ngày Truyền Giáo- đã long trọng nhắc nhở chúng ta về vai trò và bổn phận của người Ki-tô hữu trong cuộc sống ở trần gian, đó là sống và làm chứng nhân cho Tin Mừng, tức là truyền giáo. Truyền giáo tức là đem cái mình đã tin, đã cảm nghiệm và đã sống cho người khác cùng tin, cùng cảm nghiệm, và cùng sống như chúng ta.
Truyền giáo ở đâu ? Thưa, ở đâu có mặt chúng ta thì đó là địa điểm truyền giáo của mình, nhưng có ba nơi mà chúng ta cần làm chứng cho Tin Mừng.
1.        Tôi thường nhắc nhở giáo dân rằng gia đình là nơi truyền giáo đầu tiên của người Ki-tô hữu, họ cười và nói rằng gia đình của mình toàn là đạo gốc, ai cũng có đạo hết, truyền giáo làm gì nữa ! Vâng, gia đình toàn là người có đạo, nhưng cuộc sống của mỗi người trong gia đình chưa chắc là cuộc sống của người có đạo: ông bố thì cả ngày say lè nhè, bà mẹ thì buồn bực hết la rầy con cái đến mắng chồng, thế là gia đình mất đi cái hạnh phúc thuở ban đầu mới cưới nhau, hoặc là bố mẹ thì siêng năng đi lễ đọc kinh, làm việc lành, nhưng con cái thì sống như những người vô đạo, có đứa thì lấy chồng lấy vợ không theo phép đạo, có đứa thì bỏ nhà đi bụi, có đứa thì không đến nhà thờ.v.v...
2.        Cha mẹ có trách nhiệm truyền giáo cho con cái bằng những gương lành gương tốt, con cái có bổn phận truyền giáo cho cha mẹ bằng sự vâng lời, chăm chỉ học hành vì lòng yêu mến Thiên Chúa.

2. Địa điểm thứ hai mà chúng ta phải truyền giáo là giáo xứ của chúng ta, trong giáo xứ có cha sở, cha phó, ban đại diện giáo dân và giáo dân, tất cả tập hợp lại thành một cộng đoàn thờ phượng Thiên Chúa và rao truyền Lời của Thiên Chúa cho mọi người, tuy nhiên không phải tất cả mọi giáo dân đều trở thành người gương mẫu, không phải tất cả giáo dân đều là con cái ngoan của giáo hội và của Thiên Chúa !
Có những giáo dân vì bất mãn một ai đó mà không đến nhà thờ hoặc không tham dự các sinh hoạt chung ở giáo xứ, chúng ta phải truyền giáo cho họ; có những giáo dân chỉ có tên trong sổ Rửa Tội mà thôi, nhưng cuộc sống của họ thì không phải là người công giáo; có những giáo dân thích chia rẻ người này với người nọ trong giáo xứ.v.v…tất cả những thực trạng ấy, cũng rất đáng để cho chúng ta quan tâm và cầu nguyện, cũng có nghĩa là chúng ta phải truyền giáo cho giáo xứ của chúng ta.
Cha sở và cha phó có trách nhiệm làm gương lành gương tốt cho giáo dân noi theo, bởi vì giáo dân đều nhìn vào các linh mục để bắt chước các ngài: tốt cũng bắt chước mà xấu cũng bắt chước; mỗi giáo dân đều có bổn phận truyền giáo cho nhau bằng chính đời sống phục vụ và yêu thương của mình.

3. Nơi thứ ba mà chúng ta phải truyền giáo là công sở, công ty, trường học, chợ búa hoặc là nơi nào có sự hiện diện của chúng ta.
Khi mà trong gia đình và nơi giáo xứ chúng ta đã làm tốt bổn phận của người Ki-tô hữu, thì tinh thần truyền giáo này cũng đi theo chúng ta đến những nơi mà chúng ta đang làm việc, học hành, buôn bán. Trong tất cả những nơi ấy, chúng ta đều trở nên những nhà truyền giáo sống động và nhiệt tình, bằng những việc làm cụ thể đơn giản và rất đời thường như một cái bắt tay với nụ cười tươi, như chu toàn bổn phận được giáo phó, như sống hòa nhã với mọi người.v.v...tất cả đều thấm nhuần tinh thần bác ái của Phúc Âm, thế là người ta dần dần nhận ra khuôn mặt của Đức Chúa Giê-su Ki-tô nơi chúng ta rồi vậy.
Bạn thân mến,
Mệnh lệnh truyền giáo của Đức Chúa Giê-su không những cho các tông đồ mà thôi, nhưng còn cho tất cả những ai đã được lãnh nhận bí tích Rửa Tội, tức là những người Ki-tô hữu chúng ta.
Tất cả chúng ta đều là con cái của Thiên Chúa, ngày hôm nay chúng ta tự hỏi: cuộc đời tôi đã có bao nhiều lần làm chứng nhân cho Đức Chúa Giê-su, và có bao nhiêu lần tôi đã bỏ qua cơ hội làm chứng cho Đức Chúa Giê-su, cho đức tin mà tôi đã tin theo ?
Cuối cùng tôi xin nói lại lần nữa với anh chị em: Người truyền giáo chính là sống cuộc sống của Đức Chúa Giê-su ngay trong cuộc sống đời thường của mình.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Chúa nhật 29 thường niên




CHÚA NHẬT 29 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Lc18, 1-8
“Thiên Chúa minh xét cho những kẻ Ngài đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Ngài”

Bạn thân mến,
Cầu nguyện là hơi thở của người Ki-tô hữu, không cầu nguyện thì coi như linh hồn đã chết, cầu nguyện không chuyên tâm thì coi như linh hồn bị bệnh, không thích cầu nguyện thì giống như linh hồn không tập thể dục lâu ngày sẽ sinh ra bệnh hoạn.
Đức Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay dạy chúng ta khi cầu nguyện cần phải kiên tâm nhẫn nại và tin tưởng, giống như người đàn bà góa trong dụ ngôn của Ngài mà chúng ta vừa nghe.

Cầu nguyện phải có hy sinh
Ông Môi-sê cầu nguyện khi dân Ít-ra-en đánh nhau với dân A-ma-lec, mỗi lần Môi-sê giơ tay lên thì dân Ít-ra-en thắng, khi nào ông Môi-sê vì mỏi mà bỏ tay xuống thì dân Ít-ra-en bị thua (Xh 17, 8-12). Ông Môi-sê đã cầu nguyện bằng tâm và hy sinh bằng hành động giơ hai tay lên trong tư thế cầu xin, sự thắng trận của dân Ít-ra-en –nói được là- tùy thuộc vào lời cầu nguyện và hy sinh của ông Môi-sê.
Mỗi ngày chúng ta có rất nhiều lời cầu xin với Thiên Chúa, nhưng lời cầu xin của chúng ta –có những lúc- không phù hợp cho linh hồn của mình nên chưa được Thiên Chúa nhậm lời; hoặc lời cầu nguyện của chúng ta không thấm nhuần đức tin, chỉ biết cầu xin mà không có hy sinh, hy sinh và cầu nguyện cần phải đi đôi với nhau.

Cầu nguyện phải kiên tâm nhẫn nại
Bà góa đã nhiều lần cầu xin ông quan “không biết sợ trời sợ đất’’ giải quyết nổi oan cho bà, nhưng không được ông ta giải quyết, bà không bỏ cuộc và cứ gõ cửa nhà quan xin đòi lại sự công bình cho bà, cuối cùng bà ta được mãn nguyện. Không phải ông quan là người mau mắn vì dân mà phục vụ, nhưng vì sợ bà lão quấy rầy nên giải quyết vụ án cho bà.
Chúng ta cầu nguyện nhưng không có kiên tâm bền chí, bởi vì chúng ta chỉ biết có cầu xin vật chất là những thứ mà chúng ta muốn Thiên Chúa phải thực hiện ngay sau khi cầu xin, mà không cầu xin cho được rỗi linh hồn và sống như ý Thiên Chúa muốn. Thiên Chúa là chủ vũ trụ, Ngài sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của chúng ta, nhưng trước hết chúng ta phải tìm thấy ý của Thiên Chúa trong lời cầu xin của mình, đó là lắng nghe Lời Chúa dạy qua sự im lặng của Ngài sau khi chúng ta cầu nguyện, và kiên tâm tìm ý của Ngài muốn chúng ta làm gì ?

Cầu nguyện cho nhau
Môi-sê đã hy sinh để cầu nguyện cho dân Ít-ra-en thắng trận, lời cầu nguyện này có sự đóng góp của ông A-a-ron và ông Khu-a (hai người đỡ hai tay ông Môi-sê) để ông được hoàn thành sứ mệnh cầu nguyện (Xh 17, 12).
Thánh Phao-lô tông đồ xác tín rằng, trong Đức Chúa Giê-su, chúng ta đều là anh em chị em với nhau, do đó lời cầu nguyện của người này dành cho người kia, trước mặt Thiên Chúa vẫn là lời cầu nguyện có thế giá nhất, bởi vì khi chúng ta làm như thế là chúng ta đã noi gương Đức Chúa Giê-su vì Ngài đã cầu nguyện cho các tông đồ được hiệp nhất, cầu nguyện cho những người giết mình, cầu nguyện cho những người vô ơn phụ nghĩa. Do đó, khi chúng ta hy sinh và cầu nguyện cho tha nhân là chúng ta đã sống trong hiệp nhất của Đức Chúa Giê-su đã dạy.
Bạn thân mến,
Kiên tâm khi cầu nguyện, hy sinh khi cầu nguyện và cầu nguyện cho nhau là chứng từ mạnh mẽ nhất về mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm ấy đang hiện diện sống động trong tâm hồn và trong cuộc sống của người mỗi người Ki-tô hữu.
Đức Chúa Giê-su dạy chúng ta phải biết kiên nhẫn khi cầu nguyện là để chúng ta biết nhận ra thánh ý của Thiên Chúa, nhưng thực tế là khi chúng ta chỉ mới cầu nguyện mấy phút thì đã than mệt, mới ngồi mấy phút đã kêu là nóng, mới quỳ mấy giây đã rên là mỏi chân…
Với thái độ như thế thì chúng ta chỉ có nhiều “khả năng” thất bại, bởi vì chúng ta không đặt mình vào vị thế mình là loại thụ tạo để cầu nguyện, mà đặt mình vào vị thế của đấng tạo dựng, nên không lạ gì chúng ta trở về tay không sau khi cầu nguyện…
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.