Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2013

Nhẫn nại

NHẪN NẠI
 
 

Cha sở đang làm lễ, cộng đoàn đang hát bài vừa không phù hợp với thánh lễ vừa lộn xộn, ngài rất bực mình lo ra, muốn nạt nộ vài tiếng cho cộng đoàn biết, nhưng ngài chợt nhớ lời của thánh nữ Terese of Avila nói: ”nhẫn nại có thể giành được tất cả”, nên ngài cầm lòng cầm trí tiếp tục dâng thánh lễ...

Lễ xong ngài nghe giáo dân nói với nhau: hôm nay cha làm lễ rất sốt sắng, không chia trí...
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Xưng tội

XƯNG TỘI
 
 

Nghe tiếng gõ cửa, cha sở đi ra thấy một giáo dân trung niên đứng chấp tay nói:

-      “Thưa cha cho con xưng tội.”

Ngài muốn quát nạt vì ngày giờ xưng tội đều có dán ngoài cửa, nhưng ngài kịp ngừng lại, vui vẻ nói:

-      “Anh vào nhà thờ xét mình, tôi ra ngay.”

Ngài cảm thấy vui vui vì đã giúp một con chiên trở về giao hòa với Chúa.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2013

Chúa nhật lễ Hiện Xuống

CHÚA NHẬT
LỄ ĐỨC CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG
 
 
 

Tin mừng : Ga 20, 19-23

“Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”.

Bạn thân mến,
Hôm nay là ngày lễ Đức Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, và cũng là ngày chấm dứt mùa Phục Sinh, để ngày mai chúng ta lại bước vào mùa thường niên của phụng vụ. Trong tâm tình của ngày lễ trọng này, tôi xin chia sẻ với bạn về đề tài :

Đức Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta trưởng thành.

Trưởng thành tức là biết phân biệt điều gì là của Thiên Chúa nên làm, và cái gì là của ma quỷ và  của thế gian thì nên tránh, trưởng thành cũng có nghĩa là biết nhận ra cái hay cái tốt của anh em chị em mà cổ võ khích lệ, và thấy rõ cái khuyết điểm của mình mà khiêm tốn sửa đổi. Đó là hiệu quả của ơn khôn ngoan và trí tuệ mà Đức Chúa Thánh Thần đã ban cho chúng ta, để chúng ta có cách sống trưởng thành trong xã hội hôm nay.

Trong đời sống thiêng liêng, tức là đời sống tín ngưỡng của bạn và tôi, sự trưởng thành bao giờ cũng làm cho chúng ta trở nên gương mẫu biết kết hợp với Thiên Chúa, biết sống đời sống đạo hạnh và luôn biết kết hiệp với Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh, dù cho hoàn cảnh bị bắt bớ vì đức tin, và luôn sẵn sàng tuyên xưng đức tin của mình, thà mất mạng sống ở đời này để được mạng sống đời sau, đó là hiệu quả của ơn mưu lược và anh dũng mà Đức Chúa Thánh Thần đã ban cho chúng ta.

Và trong đời sống hàng ngày bạn và tôi có hai bổn phận phải chu toàn, đó là bổn phận đối với tổ quốc và bổn phận đối với Thiên Chúa, hai bổn phận này luôn ở trong tâm tư tình cảm của mỗi người Ki-tô hữu, Đức Chúa Thánh Thần sẽ thánh hóa và làm cho chúng ta trưởng thành hơn trong bổn phận hàng ngày, để chúng ta biết đem cái hiểu biết ra phục vụ tha nhân và đem cái hiếu kính ra phục vụ Thiên Chúa, qua cách sống làm người con hiếu thảo với cha mẹ trong gia đình, đó là hai ơn tri thức và hiếu thảo cần thiết mà Đức Chúa Thánh Thần (qua đức tin và thành tâm học hỏi Lời Chúa của mỗi người) mà ban cho chúng ta.

Người Ki-tô hữu trưởng thành là người biết kính sợ Thiên Chúa cách thánh thiện, không phải kính sợ như một tội nhân trước pháp đình, nhưng kinh sợ với tất cả sự thánh thiện của lòng yêu mến, đó là vì yêu mến Thiên Chúa mà chúng ta quyết tâm không phạm tội, là chúng ta quyết tâm sửa chữa những sai lầm trong cuộc sống của mình, đó là ơn kính sợ mà Đức Chúa Thánh Thần đã ban cho chúng ta trong cuộc sống đời thường.

Bạn thân mến,
Cố giáo hoàng Phao-lô VI đã nói trong tông huấn “Rao Giảng Tin Mừng” rằng: “Con người thời nay cần những chứng nhân hơn là các thầy dạy...” đó là lời giáo huấn thông minh sáng suốt của Đức Chúa Thánh Thần qua miệng vị cha chung của chúng ta, do đó, các ơn mà Đức Chúa Thánh Thần đã ban cho chúng ta trong ngày lãnh nhận bí tích Thêm Sức, sẽ rất cần thiết cho đời sống chứng nhân Tin Mừng trong thời đại này.

Người ta cảm thấy Đức Chúa Giê-su hiện diện nơi người Ki-tô hữu qua việc làm của họ; người ta cũng đang nhìn người Ki-tô hữu sống như thế nào, khi mà xã hội có quá nhiều cách sống hưởng thụ đang bít kín con đường dẫn đến chân lý sự sống đời đời, mà người Ki-tô hữu được Đức Chúa Thánh Thần hướng dẫn và soi sáng...

Đó chính là sự trưởng thành trong đức tin và lớn lên trong Chúa Thánh Thần, nơi những người Ki-tô hữu chúng ta.

Mừng lễ Đức Chúa Thánh Thần Hiện Xuống hôm nay, bạn và tôi lại một lần nữa sốt sắng cầu xin Ngài gia tăng thần lực Bảy Ơn Thánh của Ngài, để chúng ta trở nên người Ki-tô trưởng thành và sẵn sàng làm chứng cho Tin Mừng của Đức Chúa Giê-su trong cuộc sống của mình.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Thứ Năm, 16 tháng 5, 2013

Chuyện cổ tích

CHUYỆN CỔ TÍCH
 
 

      Ngày giổ của ba, các anh chị em quây quần bên nhau ăn uống, và kể chuyện ngày xưa làm nương làm rẩy cực khổ, cơm không có ăn, toàn ăn rau, mà có khi rau cũng không có mà ăn, bắt được con nhái con ếch thì mừng như được ăn thịt bò...

     Đứa cháu gái nhỏ ngồi bên cạnh hỏi bác nó:

-         “Bác, ba con và mấy bác kể chuyện cổ tích phải không ?”
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Dì út

DÌ ÚT
 

 

     Gia đình dì út rất nghèo, những đứa cháu của dì trước khi lên máy bay đi Mỹ theo diện H.O hoặc diện bảo lãnh, đều đến ở lại trong nhà dì và dì chăm sóc chu đáo. Trước khi lên máy bay, các cháu nói:

-      “Tụi con thương dì và các em nhất”.

Các cháu của dì qua Mỹ có người đã mười năm, có người hơn mười năm, nhưng không hề gởi lời thăm dì một câu, khi về Việt Nam thăm gia đình cũng chẳng ghé thăm dì ruột của mình một lần.

Dì út nói với các con: “Tại nhà mình nghèo quá”.
 
Lm. Giuse Maria  Nhân Tài, csjb.

Thuận lợi mọi bề

THUẬN LỢI MỌI BỀ
 
 
 

Bên Đông Châu muốn trồng lúa nước, nhưng bên Tây Châu không mở nước, vua Đông Châu rất buồn rầu.

Tô tử bèn nói với vua bên Đông Châu:

-         “Để tôi đi sứ sang Tây châu nhờ họ mở nước, được không ?”

Vua Đông Châu vui vẻ đồng ý, Tô tử đi yết kiến vua Tây Châu bèn nói:

-         “Cách làm của ngài sai rồi, ngài không mở nước thì có thể làm giàu cho bên Đông Châu đấy.

Bây giờ, dân chúng của họ đều trồng lúa mạch, chứ không trồng thứ gì khác, nếu ngài muốn làm tổn hại bên Đông Châu, thì chi bằng mở nước cho thật nhiều, ngập lụt hư cả lúc mạch của họ. Như vậy bên Đông Châu nhất định phải trồng lại lúa nước, lúc thu hoạch ngài xua quân giành lấy của chúng, thế là nhân dân Đông Châu đều qùy gối bái phục ngài, phục tùng sự thống trị của ngài.”

Nhà vua bên Tây Châu nói: “Diệu kế!”

Nói xong bèn ra lệnh mở nước, vậy là Tô tử cũng được tiền thù lao của hai nước.
(Chính Quốc sách)

Suy tư:

Bên Tây Châu chiếm thế thượng phong vì có nguồn nước, bên Đông Châu thất thế hơn vì không có nguồn nước, cho nên việc đồng án đều bị lệ thuộc bên Tây Châu, mặc dù vậy bên Đông Châu lại có thế hơn, vì Đông Châu có nhà du thuyết rất giỏi là Tô tử

Chỉ cần uốn cong ba tấc lưỡi, mà Tô tử đã khiến cho vua Tây Châu mở nước để Đông Châu cày cấy; không chiến tranh, không xua quân xâm lược mà bên Đông Châu vẫn thắng.

Trong cách xử sự hằng ngày thì lời nói rất quan trọng, nó có thể làm cho ta có rất nhiều bạn bè, nhưng cũng có thể làm cho ta có nhiều kẻ thù. Sách Châm Ngôn đã chứng minh cho ta thấy điều đó:

“ Người giữ lời nghiêm huấn thì đi trong sinh lộ,

kẻ khinh lời sửa dạy ắt sẽ bị lạc đường.

Môi lọc lừa che giấu lòng thù ghét,

kẻ buông lời vu cáo là đứa ngu si.

Người năng nói năng lỗi,

Ai dè giữ lời nói mới là người khôn.

Lưỡi người ngay là bạc ròng hảo hạn,

Tâm kẻ dữ chẳng đáng bao nhiêu 

Môi kẻ ngay nuôi sống nhiều người,

Còn đứa dại, chết vì dốt nát.” ( Cn 10, 17-21)

Quả thật, lời nói của người khôn ngoan thì đem lại mát mẻ cho lòng người; và lời nói của những người ích kỷ thì chỉ đem lại sự chia rẽ và thù hận.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Thứ Tư, 15 tháng 5, 2013

Giỏi bắt bí Biền Biền

GIỎI BẮT BÍ BIỀN BIỀN
 
 

Có một người nước Tề đi thăm Biền Biền, nói:

-         “Nghe danh tiếng thanh cao của ngài đã lâu, không làm quan mà lại đi phục dịch cho mọi người.”

Biền Biền hỏi:

-      “Ngài nghe ai nói ?”

Người ấy trả lời:

-      “Tôi nghe đứa con gái hàng xóm nói .”

Biền Biền hỏi:

-      “Nó nói như thế nào?”

Trả lời:

-         “Đứa con gái hàng xóm nói nó không lấy chồng, nhưng chưa đầy ba mươi tuổi thì đã sinh bảy đứa con. Danh nghĩa thì nói không chồng, nhưng hành vi của nó thì người lấy chồng cũng không bằng! Như ngài đây không làm quan, nhưng lương đống của ngài ngàn chung (bạc), tuỳ tùng phục dịch trên trăm người, danh nghĩa thì nói không làm quan,  nhưng ngài lại lớn hơn cả người làm quan!”
(Chính Quốc sách)

Suy tư:

Cũng có một lúc nào đó, tôi nghe người ta nói với tôi: “Ngài tuy không phải là nhà triệu phú, nhưng ngài xài sang hơn cả triệu phú; tuy ngài không phải là một thanh niên đua đòi bắt chước, nhưng ngài đua đòi ăn diện còn hơn cả người đua đòi “mốt” ăn diện; ngài tuy không phải là dân bợm nhậu, nhưng ngài ăn uống nhậu nhẹt còn hơn cả bợm nhâu.”

Và cũng có một lúc nào đó, nếu tôi không sống với đời sống của một linh mục- một Chúa Ki-tô thứ hai– thì người ta cũng sẽ nói với tôi như thế này: “Mặc dù ngài là linh mục nhưng tư cách của ngài  không giống linh mục chút nào, bởi vì ngài lo bon chen với tiền bạc và hưởng thụ hơn cả chúng tôi.”

Thật đáng tội nghiệp cho chúng ta –những linh mục- biết chừng nào.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Thứ Ba, 14 tháng 5, 2013

Câu chuyện nhỏ, đạo lý lớn (4)



管梅芬 主編

阮仁才神父 翻譯

 
CÂU CHUYỆN NHỎ

ĐẠO LÝ LỚN

Tổng hợp các câu chuyện hài hước ngắn, nhưng có tính giáo dục rất lớn


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Dịch và viết suy tư
(tiếp theo)


151.KHÔNG CÓ NGƯỜI MÀI MỰC

Có một học trò con nhà giàu có, lâu nay văn chương làm rất khá nên phụ thân cho anh ta vào trong huyện để thi. Sau khi yết bảng thì không có tên của anh ta trên bảng, phụ thân rất không bằng lòng, thế là đi chất vấn quan giám khảo, quan giám khảo bèn đem bài văn của con ông ta mở ra thì thấy: nét chữ đầu tiên phải miễn cưỡng lắm mới đọc được, càng về sau nét chữ càng nhạt khó mà đọc được, giống như vừa có chữ vừa không có chữ vậy, quả thật là không cách gì nhận ra được chữ.

Phụ thân coi xong thì không còn gì để nói.

Sau khi về đến nhà thì phạt con trai quỳ trước bậc thềm, hỏi tại sao đi thi mà chữ trong giấy viết rất nhạt, làm sao người ta đọc được  ?

Con trai trả lời:

- “Bởi vì trong trường thi không có tiểu đồng giúp con mài mực, nên con cảo tới cảo lui trên nghiên mực, do đó mà nét chữ nó nhạt”.

 

Suy tư 151:

     Có những người chỉ làm được việc khi có người khác giúp đỡ, nhưng rồi sau đó thì khoa mồm mép nói là do năng lực của mình; có những người chỉ thành công khi dựa hơi người khác, rồi sau đó vênh váo phê bình chỉ tríchnhững người đã từng giúp đỡ mình thành công…

     Học trò giỏi là người không những xuất sắc trong học tập, mà còn tự mình biết cách mài mực và chủ động mọi sinh hoạt có liên quan đến việc học tập của mình.

      Một cha sở giỏi là một linh mục không những có đời sống tu đức trổi vượt, có những bài giảng xoáy sâu vào nội tâm và đời sống của giáo hữu, biết quản lý giáo xứ, mà còn là một linh mục biết cách sửa bóng đèn khi nó bị hư, biết cách sơn cánh cửa nhà, biết cúi mình xuống lượm cọng rác trong nhà thờ, biết sắp ghế quỳ ngay ngắn khi giáo dân vô ý làm lộn xộn…

     Khi không có giáo dân để khiển dụng thì mình tự làm lấy, không nề hà, không oán trách giáo dân, đó chính là một cha sở giỏi vậy.

     Linh mục chính là đầy tớ vô dụng của Chúa.

 

152.NGƯỜI CHỬI QUÁ NHIỀU     

Có một người, vì trong nhà có người bị bệnh bèn mời thầy thuốc đến chữa trị, thầy thuốc đòi rất nhiều tiền nhưng bệnh nhân vẫn không lành, người nhà có chút tức tối, bèn sai thằng con đi đến nhà thầy thuốc ấy mà chửi.

Một lúc sau thằng con trở về, người nhà hỏi nó có chửi không, thằng nhỏ trả lời là “không”.

Người nhà hỏi nó đã đi rồi sao lại không chửi ?

Đứa nhỏ trả lời:

- “Có rất nhiều người đứng trước nhà ông ta mà chửi, con làm sao có thể chen chân vào mà chửi được chứ ?”

 

Suy tư 152:

     Nghề nào cũng có cái đức của nó, nếu không có cái đức thì nghề nghiệp chỉ làm hại người khác mà thôi, điển hình là nghề bác sĩ, mà người ta thường gọi là thầy thuốc.

     Thầy thuốc không có đạo đức thì thầy thuốc sẽ biến thành kẻ giết người, biến thành kẻ tội phạm, bởi vì sinh mạng con người ta đều giao phó trong tay người thầy thuốc, nhưng nếu người thầy thuốc không có đạo đức thì không làm tròn trách nhiệm và bổn phận của mình, do đó mà làm cách cẩu thả, không coi mạng sống con người là quý báu cao cả.

     Thiên Chúa đã trao quyền chữa bệnh cứu người cho các thầy thuốc, nhưng nếu bác sĩ vì coi tiền bạc lớn hơn mạng sống của con người mà từ chối chữa trị họ, hoặc chữa trị với sự vô trách nhiệm, thì có ngày họ sẽ “tính sổ” trước mặt Thiên Chúa vậy.

Và cũng sẽ miệng người đời “chửi” mãi đó. Ha ha ha...

 

153.TIỀN BÁNH

Có người vào trong tiệm bánh ăn bánh, hỏi bao nhiêu tiền một cái bánh ? Người bán bánh nói:

- “Một cái bánh giá một xu”.

Người mua bánh liền ăn mấy cái, sau đó tính theo số lượng mà trả tiền. Người bán bánh nói:

- “Bánh không dùng bột sao, nên trả một số tiền bột chứ !”

Người ăn bánh bèn nghe theo mà trả tiền.

Người bán bánh lại nói:

-         “Không có công nhân làm bánh thì làm sao thành bánh được, nên trả tiền cho công nhân chứ !”

Người ăn bánh bèn nghe theo mà trả thêm tiền công.

Người ăn bánh sau khi trả các loại tiền xong thì đi ra khỏi tiệm bánh, đi được nửa đường đột nhiên nhớ lại: mặc dù mình trả tiền bột, tiền củi và tiền công, tại sao lại còn trả tiền bánh nhỉ ?


Suy tư 153:

     Mỗi cái bánh là một đồng, đương nhiên bao gồm cả tiền bột và tiền công, không ai đi mua bánh mà còn trả luôn khoản tiền công và tiền bột riêng, chỉ có những người bán bánh lưu manh và người mua bánh là người mất trí mới như thế mà thôi.

     Lưu manh với người mất trí là bất lương.

     Lưu manh với người già cả là bất nhân.

Lưu manh với trẻ em là bất nhẫn.

Lưu manh với người tu hành là bất trí.

Người Ki-tô hữu thì khác với người lưu manh, họ đối xử với người mất trí cách tôn trọng, đối xử với người già cả như những bậc ông bà của mình, với trẻ em là như những con cái cháu chắt của họ, với người tu hành thì họ càng kính trọng hơn, bởi vì họ đã dâng hiến cuộc đời mình cho Thiên Chúa để phục vụ các linh hồn...

Lưu manh là con đẻ của ma quỷ !

 

154.CAO LỚN

Có một người Sơn Đông nghe nói ở Tô Châu có cái cầu rất cao, nên đặc biệt đi từ quê nhà đến để coi, đi được nửa đoạn đường thì gặp một người Tô Châu, người Tô Châu này nghe nói ở Sơn Đông có một loại cải củ rất lớn, nên cũng đặc biệt đi đến coi, người Sơn Đông hỏi anh ta cái cầu cao như thế nào ? Người Tô Châu trả lời:

- “Tôi nói cho anh nghe để anh khỏi phải đi coi, tháng sáu năm ngoái có người từ trên cầu rơi xuống cho đến tháng sáu năm nay mà cũng chưa rơi xuống nước, anh coi, có cao không ?”

Người Sơn Đông nói:

- “Vậy thì anh cũng khỏi phải cần đến Sơn Đông coi củ cải, sang năm cũng vào giờ này, củ cải tự nhiên lớn đến tận bên Tô Châu”.

 

Suy tư 154:

     Sống ở đời cần phải có cái tâm trung thực, không trung thực thì tất cả lời nói của chúng ta dù có thật lòng chăng nữa thì cũng không ai tin cả, bởi vì một khi lòng tin đã bay đi thì khó mà lấy lại được. Thành thật và trung thực trong mọi hoàn cảnh thì sẽ được Thiên Chúa đền đáp xứng đáng, bởi Chúa Giê-su đã dạy chúng ta: “Có thì nói có, không thì nói không...”

     Không phải tất cả những người Ki-tô hữu là trung thực, bởi vì không phải tất cả họ đều là những người sống đạo tốt lành, nhưng người ta thường tin tưởng người Ki-tô hữu hơn những người khác, vì họ biết rằng đức tin và Thiên Chúa của người Ki-tô hữu là đức tin chính thống, và Thiên Chúa của người Ki-tô hữu là Thiên Chúa hiện hữu sống động không những trong vũ trụ mà còn trên mỗi người Ki-tô hữu nữa.

Người ta thành thật hỏi còn mình thì trả lời khoác lác, lòng tin đã mất đi thì sự gian dối sẽ đến, đó là sẽ nhận lại sự dối trá của người mình đối thoại.

 

155.LO HAI TRĂM TUỔI

Có một ông lão phú quý đều có, con cháu đông đúc, khi ông ta mừng sinh nhật thứ một trăm, khách khứa đến chúc mừng với nhiều quà tặng rất là náo nhiệt, nhưng ông ta lại ủ rủ không vui, giống như có tâm sự trong lòng vậy. Mọi người đều hỏi ông ta:

- "Có ai giống như ông không, phú quý đều có, ông còn lo buồn gì nữa chứ ?”

Ông lão nói:

- “Ta cái gì cũng không lo, chỉ lo sau này khi mừng sinh nhật lần thứ hai trăm, khách khứa đến chúc mừng có thể vài ngàn, làm sao ta có thể nhớ được từng người chứ ?”

 
Suy tư 155:

     Con người ta ở đời phú quý thì sinh lễ nghĩa, khi bần hàn mong có bữa cơm tươm tất cũng không có, khi lắm tiền nhiều của thì hết mừng tiệc sinh nhật đến mừng tiệc bổn mạng, hết mừng tiệc bổn mạng thì đến mừng tiệc kỷ niệm ngày hôn phối, lại có người mừng tiệc lễ bạc lễ vàng ngày chịu chức linh mục thật trọng thể linh đình.v.v…

     Ăn mừng những ngày quan trọng trong cuộc đời của mình là điều không chê trách, nhưng tổ chức quá xa hoa, khoe khoang, nổi đình nổi đám bên ngoài thì không nên, nhất là những người đã dâng mình làm tôi tớ Thiên Chúa, bởi vì đối với họ mọi ngày trong cuộc đời mình đều là hồng ân Chúa ban cho rồi, cho nên qua mỗi cái “mốc” quan trọng của cuộc đời thì càng nên cảm tạ hồng ân của Chúa hơn nữa mà thôi.

Con người ta mạnh khỏe chăng cũng trong ngoài bảy mươi tuổi, thọ lắm thì hơn trăm tuổi là cùng, mừng sinh nhật thứ một trăm là hạnh phúc lắm rồi, thọ lắm rồi, còn mong gì đến sinh nhật lần thứ hai trăm chứ ?

    

156.MỘT SỢI LÔNG CŨNG KHÔNG NHỖ

Một con khỉ sau khi chết thì đi gặp diêm la vương yêu cầu kiếp sau được làm người. Diêm vương rất mực trịnh trọng nói:

- “Ngươi đã muốn làm người, thì phải nhổ tất cả lông trên thân của ngươi thì mới được làm người”.

Nói xong bèn kêu tả hữu quỷ to quỷ nhỏ đè con khỉ ra mà nhổ long, mới nhổ được một sợi lông thì con khỉ la lớn: “Đau chết được”.

Diêm vương cười lớn nói:

- “Một sợi lông mày cũng không muốn nhổ, thì làm sao muốn làm con người được chứ ?”

 
Suy tư 156:

     Con khỉ muốn làm con người nhưng lại không muốn nhổ sạch lông trên thân của mình, thì giống như người tội lỗi muốn trở thành người lương thiện, nhưng lại không muốn nhổ sạch những thói quen xấu, những tư tưởng độc hại và những hành vi tội lỗi có thể làm mất linh hồn của mình và làm gương xấu cho người khác.

Con khỉ thì mãi mãi vẫn là con khỉ chứ không thể là con người, bởi vì Thiên Chúa dựng nên nó là khỉ chứ không phải là người. Nhưng người tội lỗi thì vẫn có cơ hội và vẫn có thể trở thành người tốt, người lương thiện, bởi vì họ được dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa, tức là làm người, được ơn tái sinh làm con Thiên Chúa trong bí tích Rửa Tội, nhờ sự chết và sống lại của Chúa Giê-su.

Muốn làm người lương thiện là điều tốt, nhưng phải nhổ tất cả các tật xấu, quyết tâm sống làm người lương thiện thì càng tốt hơn.

 
157.NGÀY KIÊNG KỴ

Bố: “Bố định hôm nay có việc phải đi, con đi mở lịch coi ngày hôm nay tốt xấu như thế nào ?”

     Con: “Ờ, ….mà không được, kỵ ra khỏi nhà”.

     Bố: “Nhưng hôm nay không thể không đi, thôi như thế này nhé, con đi đục một lỗ bên góc tường, bố từ cái lỗ ấy mà đi ra vậy !”

     Cái lỗ đục xong, ông bố vừa chui qua một nửa thân thì đột nhiên bức tường bị sập, thân hình bị tường đè không thể tự mình thoát ra được.

     Con: “Ái dà, vẫn là không được, hôm nay cũng kỵ động thổ”.

 

Suy tư 157:

     Người công giáo đều có một quan niệm là ngày nào cũng là ngày của Chúa, cho nên kiêng kỵ đủ điều trong mọi ngày thì đều là tin dị đoan, là lỗi phạm điều răn thứ nhất của Chúa: Thờ phượng một Thiên Chúa trên hết mọi sự.

     Vậy mà cũng còn có một vài người Ki-tô hữu tin dị đoan hơn cả những người khác:

- Khi nhà có người chết thì họ đi coi ngày nào tốt để làm lễ an táng.

- Khi làm ăn thất bại thì họ đi tìm mấy ông coi phong thủy về coi hướng nhà, và nhất nhất đều nghe theo lời thầy phong thủy phán, họ sửa hướng nhà từ đông qua tây, sửa cửa nhà cho cáo chút xíu..

- Ngày tết họ không muốn bà con có đám tang năm ngoái vào nhà mình, vì sợ họ đem theo xui xẻo chết chóc...

Những người Ki-tô hữu tin dị đoan này đã đem Thiên Chúa tạo dựng trời đất muôn vật hữu hình và vô hình của mình quẳng ra ngoài đường, rồi trân trọng mời ông thầy bói, thầy phong thủy đến nhà và tin vào lời họ phán.

Ngày nào cũng là ngày của Chúa, ngày nào cũng có thánh giá của ngày ấy, đó là niềm tin của người Ki-tô hữu, vậy thì hà cớ gì phải tin dị đoan chứ ?

 

158. HAI CÁI BÚA LỚN

Có một người coi ngục thường đọc sai chữ, nhưng lại rất thích đọc sách, ngày nọ ông ta đọc truyện Thủy Hử (水滸), đang đọc đến đoạn Lý Quỳ hai tay cầm hai cái búa lớn, thì vừa lúc có khách đến thăm, nhìn thấy ông ta liền hỏi:

- “Huynh đọc sách gì thế ?”

Người coi ngục cười trả lời: “Mộc Hứa(木許)[1]”.

Người bạn sửng sốt nói:

- “Tôi đọc sách cũng rất nhiều, quyển sách “mộc hứa” này thực tình tôi chưa thấy nó bao giờ. Xin hỏi trong sách viết về ai thế ?”

Trả lời:

- “Có một Lý Đạt”.

Người bạn nói:

- “Lạ thật, người xưa nổi tiếng thì rất nhiều, nhưng tên Lý Đạt thì chưa nghe qua, xin hỏi Lý Đạt là người giỏi về cái gì ?”

Trả lời:

- “Người này hai tay cầm hai cái búa lớn[2], trong vạn người nam chỉ có một”.

 
Suy tư 158:

     Truyền giáo là người được sai đi để rao giảng Tin Mừng của Chúa Giê-su cho người ở một địa phương nào đó, việc quan trọng nhất của người truyền giáo khi đến địa phương khác (quốc gia, chủng tộc.v.v..) là học tiếng nói của họ, bởi vì thời nay rất ít người nói được tiếng lạ như thời các thánh Tông Đồ, do đó mà người truyền giáo phải nổ lực học hỏi tiếng nói của người địa phương để rao giảng Lời Chúa cho họ, bởi vì khi thông tiếng nói địa phương thì đã thành công được một nửa, việc còn lại là đem đời sống thánh thiện gương mẫu của mình để truyền Lời Chúa cho họ.

     Theo tâm lý thì người địa phương rất thích những người truyền giáo nói tiếng nói của họ, dù mình có nói trật lất hay phát âm không chuẩn, thì người ta vẫn cứ thích, vì mình đã thật sự muốn trở thành một thành viên trong cộng đồng của họ, người ta sẽ vui vẻ sửa sai khi chúng ta nói sai chính tả hoặc phát âm không đúng.

     Căn bệnh khoe khoang thường làm cho người truyền giáo thất bại: họ khoe khoang mình biết tiếng Anh, thế là khi nói chuyện với người địa phương họ lại chêm vào nấy câu tiếng Anh, mặc dù họ có thể nói tiếng địa phương; họ khoe khoang mình giỏi tiếng Anh, thế là khi giảng dạy họ “đá vào” mấy câu tiếng Anh tiếng Pháp làm giáo dân trợn mắt lên nhìn cha như nhìn người ngoài hành tinh…

     Càng có bệnh khoe khoang thì càng làm cho mình xa cách giáo dân, càng làm cho việc truyền giáo của mình thất bại, thánh Phao-lô đã chia sẻ kinh nghiệm với chúng ta –những người truyền giáo- như sau: với người Hy Lạp tôi trở thành người Hy Lạp, với người Do Thái tôi trở thành người Do Thái…

     Nói sai chữ, phát âm tiếng bản xứ không chuẩn, nhưng vẫn cứ thích dùng tiếng bản xứ để rao giảng Lời Chúa, thì người ở địa phương ấy sẽ rất thích người truyền giáo, đó chính là do lòng khiêm tốn học hỏi của người truyền giáo vậy !

 
159.LỘT DA KÊU KHỔ

Tri huyện nọ, tham tàn hung ác, quan trên biết rõ việc làm tàn bạo của ông ta nên cách chức. Sau đó ông ta cho rằng mình có tích trử rất nhiều vàng bạc có thể về quê hưởng nhàn, thế là thuê mấy chiếc thuyền chở đầy vàng bạc về quê.

Không ngờ, chưa ra khỏi cửa sông thì gặp bọn cướp chận lại, lục tung các rương hòm, cướp sạch không để lại chút gì, lúc ấy đang là mùa đông, khi bọn cướp hành sự thì lột luôn cái áo dài của ông ta đang mặc. Tri huyện cũ tức giận cực độ, thế là tự mình đến trình báo với tri phủ, khóc lóc kể lại tất cả sự việc.

Quan tri phủ nghe xong thì cười, nói:

- “Nhà ngươi đường đường là một huyện lịnh, nhưng lại không đồng lao cộng khổ với bá tánh. Da của họ bị ngươi lột sạch nhưng họ không rên la một tiếng, còn ngươi chỉ mới bị lột một lớp da mà đã đến tri phủ ta khóc lóc à !”

 

Suy tư 159:

     Trong Phúc Âm của thánh Lu-ca cũng kể cho ta một câu chuyện dụ ngôn “ông nhà giàu và anh La-da-rô nghèo khó”[3], trong dụ ngôn này tổ phụ Áp-ra-ham cũng nói với ông nhà giàu những lời tương tự như quan tri phủ nói với ông huyện lịnh tàn ác: “Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ...”[4]

     Lòng nhân ái và công bằng như cái phao nhẹ nhỏm chở chúng ta nổi trên biển đời khổ ải, nhẹ nhàng nhanh chóng đưa chúng ta đến bến trường sinh phúc lộc đời đời, đó là thiên đàng.

     Ai hiểu thì hiểu.

 
160.HAI ÔNG ĐỒ GÀN CHỬI NHAU

Có hai người vừa đi vừa chửi nhau, Giáp nói: “Anh lòng dạ dối gian”.

Ất nói: “Anh lòng dạ dối gian”

Giáp lại nói: Anh không hiểu đạo trời”.

Ất nói: “Anh không hiểu đạo trời”.

Có một người học Nho nghe được thì vội vàng nói với đệ tử của mình:

- “Các con nghe cho kỷ nhé, hai người này đang giảng về đạo Nho đấy !”

Đệ tử nói:

- “Rõ ràng là họ đang chửi nhau, sao lại là giảng Nho chứ ?”

Thầy dạy Nho nói:

- “Nói “tâm” nói “đạo” không phải là giảng Nho thì là gì ?”

Đệ tử lại nói:

- “Dù danh từ như là giảng Nho, thì tại sao họ lại chửi nhau hoài không nghỉ ?”

Thầy trả lời:

- “Các con coi, những ông đồ gàn hôm nay có ông nào êm thấm với ông nào không ?”

 
Suy tư 160:

     Thời nào cũng vậy, hể người trong nghề với nhau thì thường ít khi hạp nhau, ít khi ưa nhau, ít khi đầm ấm êm thấm với nhau.

     Ngay trong lãnh vực tôn giáo cũng vậy.

     Nếu cha sở trước làm được nhiều việc cho giáo dân được giáo dân yêu mến, thì cha sở sau đến nói xấu cha sở trước và tìm cách “tẩy não” tình cảm giáo dân đã dành cho cha sở trước, tại sao vậy ? Thưa tại vì cha sở ấy thích khoe khoang, thích chơi nổi, thích làm khác người, mà những điều đó không phù hợp với hoàn cảnh của giáo xứ và mong ước của giáo dân.

     Nếu thấy người anh em chị em trỗi vượt hơn mình trên một khía cạnh nào đó, thì tìm cách nói xấu, tìn cách hạ bệ, tìm cách “chơi” cho bỏ ghét. Tại sao vậy ? Thưa tại vì họ chưa thực sự từ bỏ để theo Chúa, tại vì có thể họ từ bỏ một vài cái của thế gian, nhưng chưa từ bỏ cái tôi kiêu ngạo, cái tôi ghen ghét của mình.

     Hai ông đồ gàn thường chửi nhau, khọng hợp nhau, tuy là họ có chức phận, nhưng lại không có tinh thần tu đức như các linh mục tu sĩ, nên thường hay phê phán nhau, tức nhau tiếng gáy...

     Vui mừng khi thấy anh chị em làm được việc cho giáo dân hay cho người khác, vui mừng khi thấy anh chị em mình được mọi người yêu mến, vui mừng khi thấy anh chị em thành công trong lãnh vực mục vụ và xã hội.

     Đó chính là tinh thần tu đức mà thánh Phao-lô tông đồ đã dạy: vui với người vui, khóc với người khóc...

 
161.NGƯỜI ĐỰNG QUAN TÀI

Có một quả phụ già, trong tay cầm hai trăm ba mươi xu, rất lo lắng sợ chết rồi thì không có người lo chôn cất mình, bèn đem hết số tiền ấy đi đóng một cổ quan tài, mấy ngày sau thì quả nhiên lâm bệnh, tự liệu biết mình phải chết, nhưng cũng đắc ý vì đã đóng xong quan tài, nào ngờ bị bệnh mấy hôm thì thuyên giảm, nhưng hai chân bị yếu nên không thể ngồi dậy ra khỏi giường, vừa đói vừa sợ chết, không làm sao được nên chỉ có cách là rao bán quan tài.

May mắn nhờ có số tiền do bán quan tài ấy, nên bà ta ăn ngủ được hai tháng trên giường thì hết tiền và bệnh cũng lành, bà ta bèn thở dài nói:

- “Trên thế gian thì quan tài đựng người, chỉ một mình ta thì khiến cho người đựng quan tài”.

 
Suy tư 161:

      Con người ta khi sống dù ở trong cung điện sơn son thiếp vàng, hoặc sống trong nhà cao cửa rộng, hay sống trong những căn nhà ổ chuột, thì khi chết đi vẫn chỉ là bốn miếng ván ghép lại rồi đem đi chôn hoặc hỏa táng mà thôi, lúc đó thì người nghèo cũng như người giàu, kẻ đói cũng như người no, người làm quan lớn cũng như người làm dân thường, bởi vì lúc đó thì lời dạy trong sách Giảng Viên “Phù vân quả là phù vân, phù vân quả là phù vân, tất cả chỉ là phù vân”[5] là rõ ràng nhất ai cũng hiểu, tức là ai cũng phải đi quả cửa sự chết, và sự giàu có hoặc nghèo khó sau khi chết thì mới thực sự đáng vui hoặc đáng buồn mà thôi.

     Quan tài là cái giường nằm sau cùng của con người. Ai hiểu thì hiểu !

 
162.BÁ TÁNH NÓI DỐI

Có một người dân đến huyện phủ báo cáo, nói năm nay ngũ cốc đều thu hoạch ít.

Quan huyện hỏi lúa mạch thu hoạch bao nhiêu, người dân ấy trả lời: “Ba phần”.

Quan huyện lại hỏi bông thu hoạch bao nhiêu, người dân ấy trả lời: “Hai phần”.

Quan huyện lại hỏi kê thu hoạch bao nhiêu, người dân ấy trả: “Hai phần”.

Đến lúc này thì quan huyện nổi giận lôi đình, lớn tiếng chửi:

- “Năm nay đã thu hoạch được bảy phần, vậy mà ông lại nói năm nay thất mùa, thật đáng ăn đòn”.

Người dân ấy nghe xong thì bất giác cười khẩy, nói:

- “Ờ, tôi đây sống hơn một trăm tuổi rồi, thành thật mà nói thì chưa bao giờ thấy thất mùa như năm nay !”

Quan huyện càng nổi giận lớn tiếng chửi:

- “Ông là người càng nói càng giảo hoạt, tại sao lại bịa đặt tuổi của mình ?”

Người dân ấy trả lời:

- “Tiểu nhân không dám địa đặt, mời ngài thử tính xem sao: tiểu nhân năm nay hơn bảy mươi tuổi, đứa con lớn năm nay hơn bốn mươi tuổi, đứa con thứ hai năm nay hơn ba mươi tuổi, cộng tất cả lại không phải là hơn một trăm tuổi sao ?”

 
Suy tư 162:

      Ông già gộp tất cả tuổi của con mình với tuổi của mình thì đương nhiên là hơn trăm tuổi, cũng như ông quan huyện đem số thu hoạch kém của từng loại gộp lại và tuyên bố: không thất mùa.

     Cuộc sống của người Ki-tô hữu cũng có lúc lẩm cẩm như ông quan ấy, đó là lúc chúng ta sống trong tội lỗi và ầu ớ có làm một vài việc tốt thì tuyên bố Thiên Chúa đã tha tội cho mình, thế là hiên ngang đi lên rước lễ mà không thấy…gượng miệng. Thiên Chúa không phạt ai cả nhưng Ngài cũng không hề lẩm cẩm như chúng ta tưởng rồi qua mặt Ngài; Ngài không phạt ai nhưng Ngài để cho chúng ta có nhiều cơ hội quay đầu trở về đường ngay nẻo chính; Ngài không phạt ai cả, nhưng chính chúng ta phạt chúng ta, khi chúng ta đành lòng chối bỏ ân sủng và tình thương của Ngài dành cho chúng ta.

     Ông già bá tánh không hề nói dối, nhưng vì quan huyện có cái đầu nhỏ cái bụng bự, nên tính không ra tổng sản lượng ngũ cốc bị thất mùa mà thôi. Cũng vậy, vì trình độ giáo lý quá kém nên có lúc chúng ta cho Thiên Chúa cũng lẩm cẩm như chúng ta vậy.

    
163.ĐI TRONG MƯA

Người nọ đi trên đường, đột nhiên trời mưa, mưa càng lúc càng lớn, nhưng người ấy vẫn cứ chầm chậm đi không vội vàng. Có người hối thúc ông ta đi cho nhanh, nói:

- “Mưa rất lớn, sao anh không chạy nhanh kẻo ướt ?”

Người ấy trả lời:

- “Trước mặt mưa cũng lớn vậy !”

 

Suy tư 163:

     Người Ki-tô hữu thường ví ân sủng của Thiên Chúa như những cơn mưa tưới gội tâm hồn tâm hồn những người khô khan nguội lạnh, hoặc như những cơn mưa ban ân sủng cho những người thành tâm thiện chí.

     Đi trong mưa cũng là một thú vui của những người thích mưa, đi trong mưa cũng là một nét lãng mạn của những người đang yêu, đi trong mưa để tìm nguồn thơ thì mưa chính là niềm vui của những người thích thơ vậy.

Nhưng đi chậm trong trận mưa lớn vì trước mặt cũng mưa thì quả thật là một ý nghĩ kì cục, giống như những người sống trong tội lỗi khi được người khác nhắc nhỡ thì họ nói: ông X... cũng vợ lớn vợ bé mà có sao đâu, hoặc bà Y...bà H...cũng chanh chua cay nghiệt độc ác mà Chúa có làm gì bà đâu; lại có những bạn thanh niên sống ngang tàng lỗ mãng khi được khuyên bảo thì nói: mấy ông trùm nhà thờ cũng rượu chè be bét, mấy bà trùm nhà thờ cũng ghét người này, nói xấu người kia, chửi người nọ thì có sao đâu !

     Ha ha ha, ai hiểu thì hiểu !

 
164.ĐÁNH THÊM BA LÍT

Có một quan huyện rất thích rượu, ngày nào cũng phải uống vài lít.

Một hôm quan huyện uống rượu, đang uống đến hồi hứng chí thì đột nhiên có người đến kêu oan nên cảm thấy cụt hứng. Thế là loạng choạng đi ra công đường, chân nam đá chân bắc vừa đi vừa chửi, ra đến nơi không thèm hỏi trắng đen bèn vỗ bàn lớn tiếng kêu đánh.

Nha dịch nghe quan huyện kêu đánh nhưng không thấy quan huyện quăng thẻ xuống, bèn quỳ xuống hỏi: “Đánh bao nhiêu ?”

Quan huyện đưa ba ngón tay lên, nói:

- “Đánh thêm ba lít nữa !”

 
Suy tư 164:

      Chúa Giê-su đã nói: lòng có đầy, miệng mới nói ra[6], người có tâm địa tốt thì nói toàn những lời tốt đẹp, không nguyền rủa, không chửi mắng, không la lối thóa mạ người khác; ngược lại, người tâm địa xấu thì hễ mở miệng là vu oan giá họa, là chê bai, là nói xấu, là phê bình chỉ trích tha nhân...

     Linh mục trong lòng tràn đầy tình yêu Chúa, thì nhất định bài giảng của ngài có sức hấp dẫn mọi người đoàn kết lại với nhau và yêu thương nhau; linh mục trong lòng đầy sự kính sợ Chúa, thì dứt khoát cuộc sống của ngài sẽ là tấm gương sáng cho mọi người noi theo; linh mục trong lòng chỉ biết phục vụ Chúa mà không vì mình tài giỏi rồi kiêu ngạo, coi giáo dân chỉ là hạng chỉ biết nghe mình, thì chắc chắn giáo dân của ngài sẽ tự nguyện đứng sau lưng ngài, để xây dựng giáo xứ thành đại gia đình yêu thương.

     Quan huyện trong lòng chỉ thích rượu, mỗi ngày uống vài lít thì khi thăng đường xét xử cũng tràn ngập mùi rượu, hành xử như thằng say, quyết định “đánh thêm ba lít nữa” như thằng hề.

     Lời dạy của Chúa Giê-su vẫn mãi mãi ứng nghiệm qua mọi thời đại: lòng có đầy, miệng mới nói ra.

 
165. LỜI NỊNH NỌT

Người nọ mới làm quan, trước khi đi nhậm chức thì đi thăm thầy giáo của mình, thầy giáo rất phấn khởi nói:

- “Thật không bỏ công mười năm đèn sách của con, từ nay về sau thì con có thể phát huy tài học của con rồi, nhưng thầy cũng muốn hỏi con, lần này sau khi nhậm chức, con tính làm sao để đối xử với cấp trên và đối đãi cấp dưới ?”

Học trò trả lời:

- “Con đã chuẩn bị một trăm lời nịnh nọt, để sau này gặp ai thì tặng cho họ một lời”.

Thầy giáo nghe xong thì lập tức nổi giận, chửi học trò:

- “Ta khó nhọc mười năm dạy ngươi, không ngờ ngươi lại có hành vi hạ lưu ấy !”

Học trò vội vàng đứng lên giải thích với thầy:

- “Xin thầy bớt giận để con giải thích rõ ràng: thầy không thường đi ra ngoài nên không biết chuyện thế giới hôm nay, trong thiên hạ người không thích nịnh nọt giống như thầy thì có mấy ai ?”

Thầy giáo nghe xong bất giác thở một hơi dài gật đầu, sau đó nói:

- “Đúng vậy, lời con nói cũng có lý”.

Thầy trò nói chuyện rất lâu, sau đó trò từ biệt thầy, lúc ấy, ông ta nhẫm tính lại lời nịnh nọt của mình thì thấy còn lại chín mươi chín lời.

 
Suy tư 164:

     Người thích những lời nói nịnh nọt thường là những người kiêu ngạo, người luôn coi mình là tài giỏi, họ thích người khác khen ngợi cái tài cái giỏi của mình, dù lời nịnh ấy có quá lố, do đó mà không lạ gì những người kiêu ngạo có rất ít bạn bè chân thật, nhất là những người khiêu ngạo mà có chức quyền, bởi vì chúng quanh họ thường toàn là những người nịnh nọt, còn kẻ chân thành, sĩ diện, thì thường tránh xa những hạng người ấy.

     Người kiêu ngạo thường không thích người khác phê bình mình, họ giận dữ và có khi tìm cách trả thù cách tiểu nhân những người phê bình mình, họ thích những lời nói nịnh nọt; nhưng người khiêm tốn thì chỉ cần một cái nhíu mày của người khác, thì lập tức họ tự mình kiểm điểm lại lời nói hành vi của bản thân mình. Còn người Ki-tô hữu thì sao ? Người Ki-tô hữu thì không đợi người khác nhíu mày mới kiểm điểm bản thân, nhưng trong cuộc sống họ luôn luôn tự kiển điểm bản thân của mình, coi có phù hợp với bổn phận và chức vụ của mình không ?

Có những lời nói nịnh nọt khó nghe vì nói quá lố, có những lời nịnh nọt dễ nghe vì lời nịnh quá ngọt ngào, nhưng bất luận là khó nghe hay dễ nghe cũng đều là lời nịnh nọt.

Nhưng người kiêu ngạo, người ham danh, người muốn chơi nổi, thì thích lời nịnh nọt hơn lời nói thật...

 
165.KIỆU PHU LÃNH LƯƠNG

Kiệu phu hầu hạ trong vệ môn, khi đến cuối tháng lãnh lương thì viết một tờ giấy tường trình cho quan huyện phê chuẩn.

Quan huyện vừa nhìn tờ giấy lãnh lương thì rất giận, chửi:

- “Tụi bây dám lừa dối bổn huyện à, rõ ràng ta chỉ nhìn thấy có hai tên kiệu phu khiêng kiệu mà thôi, tại sao trong danh sách lại viết những bốn tên ?”

Kiệu phu nói:

- “Đại nhân thấy là chỉ thấy hai người trước mặt, nhưng phía sau kiệu còn có thêm hai người nữa!”

Quan huyện nghe xong, biết là mình lầm to, lập tức tự mình giải thích:

- “Mày coi, xét cho cùng ta đây làm quan cũng phải, vì ngươi vừa nói là ta lập tức hiểu liền”.

 
Suy tư 165:

     Người hám lợi thì chỉ thấy tiền bạc trước mặt mà không nhìn thấy tình cảm phía sau, nên bất công vẫn cứ xảy ra; người ham chức quyền thì chỉ biết dùng quyền lực trước mà không nhìn thấy nổi khổ phía sau của tha nhân, nên đau khổ nối tiếp đau khổ xảy ra thường ngày; người kiêu ngạo thì chỉ biết có mình trước mà không nhìn thấy anh chị em phía sau, cho nên họ vẫn cứ gây phiền muộn cho mọi người.

Người tội lỗi thì chỉ biết hưởng thụ thân xác đời này trước mà không nhìn thấy án phạt đời sau, cho nên họ vẫn cứ mãi mãi như ông quan huyện chỉ nhìn thấy hai kiệu phu trước mặt, mà không nhìn thấy hai người kiệu phu khác phía sau, đó là sự “thông thái” của những người ngu nhưng kiêu ngạo.

Người Ki-tô hữu thì luôn đặt Chúa ở trước mặt mình, Ngài là vị trí số một trong tất cả các công việc của họ, nên họ -dù té ngã- thì cũng vội vàng đứng lên để tiến bước theo Chúa là cùng đích của mình.

    
166.TIỀN CHÈ BỘT MÌ

Có một ông quan ở kinh thành rất bủn xỉn keo kiết, sau khi đến nha môn thì rất muốn ăn điểm tâm, người hầu đưa lên một bát chè bột mì, lão gia ăn xong, người hầu cũng muốn ăn nhưng sợ lão gia không cho tiền, thế là trước mặt nhiều lão gia xin tiền, lão gia sợ mất mặt nên cho người hầu mười hai xu.

Sau khi rời khỏi nha môn ngồi xe ngựa trở về nhà, người hầu cưỡi ngựa đi phía trước xe, lão gia ngồi trên xe chửi: “Cái đồ khốn nạn, mầy không phải là trưởng bối của ta, tại sao cưỡi ngựa phía trước ?”

Người hầu vội vàng ghìm cương đi phía bên cạnh xe, lão gia lại chửi: “Mầy không phải là cùng trang lứa với ta, sao lại đi ngang hàng với ta ?”

Người hầu vội vàng ghìm cương đi tụt phía sau xe, lão gia lại chửi: “Mầy đi sau xe hất bụi bay ngút trời trong xe tao, thật là đáng ghét”.

Đến lúc này thì người hầu đi trái phải đều khó lòng, thế là xuống ngựa bẩm báo:

- “Lão gia, vậy thì tiểu nhân cưỡi ở chỗ nào ?”

Lão gia nói:

- “Chỉ cần mày đem mười hai xu tiền chè bột mì trả lại cho ta, thì mày thích cưỡi như thế nào thì cưỡi !!!”

 

Suy tư 166:

      Vì lòng bủn xỉn mà lão gia làm khó dễ người hầu, chỉ vì mười hai xu mà người giàu có làm khó dể người nghèo, và chỉ vì bủn xỉn mà lão gia đánh mất lòng tự trọng và danh giá của mình.

     Có những người đánh mất lòng tự trọng của mình không vì bủn xỉn keo kiết, nhưng là vì ích kỷ kiêu ngạo và ghét ghen:

-      Có người hễ thấy người khác trỗi vượt hơn mình, được mọi người yêu mến thì đâm ra ghen ghét, gặp ai cũng nói xấu người ấy và tìm mọi cách (kể cả cách tiểu nhân nhất) để mọi người không còn quý mến người ấy nữa.

-      Có người khoe khoang khắp nơi với mọi người mình là người ưu tú của nhà dòng này hội dòng nọ, nên dứt khoát không chấp nhận người khác giỏi hơn mình trên cùng lãnh vực.

-      Có người hễ ai khen ngợi người mà họ quen biết, thì bất luận người đó là ai, là anh em trong cùng chủng viện, trong cùng hội dòng, trong cùng một chí hướng, thì đều bị họ hạ bệ chơi xấu đâm chọt sau lưng...

Lòng ích kỷ làm cho đôi mắt tâm hồn của chúng ta không nhìn thấy ưu điểm của người khác; lòng kiêu ngạo thì làm cho tâm hồn chúng ta thành nhỏ bé không dung nạp được tha nhân; lòng ghét ghen của chúng ta làm cho người khác không nhìn thấy được tình yêu của Chúa Giê-su trên con người chúng ta.

 
167.MANG LỘN ỦNG

Có một người mang lộn đôi ủng, một chiếc đế cao và một chiếc đế thấp, khi đi thì bước cao bước thấp, rất là mệt nhọc, do đó mà rất sửng sốt nói:

- “Chân của ta hôm nay sao lại chân dài chân ngắn như thế này nhỉ ?”

Người đi đường nói với anh ta:

- “Anh bạn, anh mang lộn ủng rồi”.

Anh ta vội vàng kêu đứa con về nhà lấy đôi ủng khác đến, đứa con đi rất lâu nhưng vẫn tay không trở lại và nói với ông ta:

- “Không cần đổi nữa, đôi ủng ở nhà cũng một chiếc đế cao và một chiếc đế thấp như vậy”.

 
Suy tư 167:

      Vì mang lộn đôi ủng mà một người bình thường biến thành chân cao chân thấp khi đi, đó cũng là hiện tượng bất bình thường trong đời sống tâm linh của người Ki-tô hữu:

-      Có người khi giàu có lên thì tâm hồn bị khập khiểng, họ chân dài chân ngắn vừa thờ lạy Thiên Chúa vừa tôn thờ tiền bạc.

-      Có người may mắn được đi nước ngoài học, khi về nước thì tâm hồn biến thành khập khiểng, họ coi thường bạn bè trang lứa, họ không thèm đồng bàn với những bạn học với mình năm xưa.

-      Có người thấy mình thường đi lễ mỗi ngày thì đâm ra phê bình người khác là làm biếng, lơ là đạo, ham ngủ hơn đi lễ. Họ khập khiểng trong cách hành đạo và ngủ mê trong cách giữ đạo, cho nên Lời Chúa không thấm vào trong tâm hồn của họ được.

Chỉ có những người què mới đi khập khểnh, nhưng khoa học tiên tiến có thể giúp họ đi đứng bình thường. Còn những người khập khiểng trong tâm hồn thì khoa học không thể giúp họ được, chỉ có Lời Chúa và ân sủng của Thiên Chúa mới giúp họ có một đời sống đạo bình thường, nhưng nếu họ không muốn cọng tác với ơn Chúa, thì Chúa cũng đành bó tay mà thôi.

Tài năng, học vị, sức khỏe, nghề nghiệp là “đôi ủng ân sủng” Chúa ban cho chúng ta, để chúng ta “đi đứng bình thường” trong đời sống tâm linh, và trong đời sống thường ngày của mình.

Bằng không thì chúng ta sẽ khập khiểng bước đi và sẽ té ngã trong kiêu ngạo của mình.

 
168. CÓ LÝ

Quan huyện nọ rất bủn xỉn keo kiết, có người đến công đượng để thưa kiện, mặc dù là nguyên cáo, nhưng e rằng quan sẽ cho thua kiện nên hối lộ cho quan năm mươi lượng bạc. Việc này bị lộ ra và bên bị cáo biết được, nên vội vàng hối lộ cho quan huyện một trăm lượng bạc.

Khi thăng đường thì huyện quan không hỏi nguyên nhân tình tiết, quăng thẻ xuống sai đánh nguyên cáo.

Nguyên cáo nghe nói sẽ bị đánh nên vôi vàng đưa năm ngón tay ra ý nói là đã đưa cho quan năm mươi lượng bạc rồi để nhắc nhở quan, nói:

- "Tiểu nhân có lý ạ !””

Quan huyên thấy anh ta đưa tay ra thì hiểu ý của anh ta, nên lập tức xòe năm ngón tay ra sau đó lật bàn tay qua lại, nói:

- "Mày nói mày có lý, nó càng có lý hơn mày !””

 
Suy tư 168:

      Một quan huyện có tâm địa bủn xỉn keo kiết là vì lòng dạ của ông ta đầy những tiền bạc, bởi vì bủn xỉn keo kiết thường là chị em với tiền bạc, do đó mà người ta không lạ gì những người tham tiền là những người bủn xỉn nhất, keo kiết nhất.

     Người bủn xỉn keo kiết là người thiếu tình thương, thiếu bác ái, thiếu công bằng và thiếu luôn cả sự thật…

     Người thiếu tình thương thì không biết động lộng trắc ẩn trước người nghèo khó; người thiếu lòng bác ái là người không biết vươn tay ra giúp đỡ người khác; người không công bằng thì không biết nhường nhịn người khác, không biết phải trái.

     Nơi nào vắng bóng tình thương thì ở đó có hận thù, nơi nào hận thù ngự trị thì ở đó có bất công và tha hóa, ở đâu có bất công và tha hóa thì ở đó không có công lý, và khi mà công lý không còn thì lý lẽ của kẻ mạnh là đồng tiền, khi sự thật không có thì lý của kẻ mạnh là quyền lực…

     Người Ki-tô hữu không vì đồng tiền mà đánh mất đức tin của mình, không vì quyền lực mà đánh mất tình yêu của mình với tha nhân, không vì danh vọng mà trở thành Giu-Đa bán Chúa…

 
169.QUAN HUYỆN MUA VÀNG

Có một quan huyện muốn mua hai thỏi vàng ròng, chủ tiệm vàng đưa cho ông ta hai thỏi và đứng đợi để lấy tiền. Quan huyện hỏi ông ta giá vàng bao nhiêu ? Chủ tiệm vàng nói:

- “Hai thỏi vàng này lão gia dùng, chúng tôi sẽ theo giá thị trường mà hạ giá cho lão gia, chỉ lấy nửa giá thôi”.

Huyện quan nói với người hầu: “Lấy một thỏi trả lại cho ông ta”.

     Chủ tiệm vàng đưa tay lấy lại một thỏi vàng và vẫn đợi quan huyện trả tiền, quan huyện nói:

- “Không phải ta đã trả tiền rồi sao ?”

Chủ tiệm vàng trả lời:

- “Ngài chưa trả tôi đồng nào”.

Quan huyện nổi giận chửi:

- “Mày là thằng nô tài xảo quyệt, mày vừa mới nói là chỉ lấy một nửa giá, cho nên, hai thỏi vàng ròng thì tao trả lại cho mày một thỏi là bằng một nửa giá tiền, lẽ nào bổn huyện trả thiếu cho mày hay sao ? Mau cút đi”.

 
Suy tư 169:

     Người ta nói “miệng nhà quan có gan có thép”, gang thép có hai công dụng: một là xây dựng nhà cửa, cầu cống và đúc gươm đao để bảo vệ tổ quốc; hai là để phá hoại và giết hại người khác.

     “Miệng nhà quan có gang có thép”, gang thép đây là ý nói cái uy cái cái dũng nơi lời nói của vị quan thanh liêm, chứ không phải cái uy hiếp người khác bằng lời nói và lệnh lạc của quan tham lam.

     Miệng có gan có thép không bằng có một quả tim sắt son trung thành với đức tin của mình, bởi vì ai có đức tin thì sẽ hết lòng yêu mến và phụng thờ Thiên Chúa, đồng thời họ cũng có lòng yêu thương tha nhân như chính giới răn của Chúa dạy. Đức tin làm cho tâm hồn chúng ta cứng hơn gang thép trước những cám dỗ, và mềm lòng trước những đau khổ của tha nhân.

     Ai hiểu thì hiểu !

 
170.GIỐNG BỘ RÂU

Có một họa sĩ vẽ một bức chân dung cho khách hàng, và luôn miệng khoe khoang:
 
- “Tranh tôi vẽ giống như thật, ông không tin thì có thể đi hỏi mọi người”.

Thế là hai người cầm bức tranh đi tìm người để hỏi. Gặp người thứ nhất bèn hỏi:

- “Ông coi chỗ nào giống nhất ?”

Người ấy nhìn một hồi rồi nói: “Cái mũ là giống nhất”.

     Lại đi hỏi người thứ hai, người thứ hai nhìn lúc lâu rồi nói: “Cái áo thì giống nhất”.

     Đợi đến khi gặp người thứ ba thì họa sĩ dặn dò trước:

- “Mũ và áo thì có người nói qua rồi, mời ông coi hình dáng như thế nào, có giống không ?”

Người thứ ba trả lời: “Bộ râu giống nhất”.

 
Suy tư 170:

     Những tấm hình hí họa thì chỉ cần nhìn một nét đặc biệt nào đó (như răng hô, trán vồ, mắt lé…), thì biết ngay là họa sĩ muốn vẽ ai rồi, khỏi cần đi hỏi người khác.

     Có những họa sĩ vẽ rất đẹp nhưng nhìn bức tranh thì không có thần, có những họa sĩ chỉ nguệc ngoạc vài nét nhưng bức tranh nhìn thật sống động, thế mới biết vẽ đẹp là một chuyện mà truyền thần cho bức tranh thì lại là chuyện khác.

     Thiên Chúa là vị họa sư tài giỏi nhất, Ngài không những sáng tạo vũ trụ mà thôi, nhưng còn truyền nét thần của Ngài vào trong vũ trụ nữa, làm cho vũ trụ bất kỳ ở đâu, trong những thiên thể to lớn trên bầu trời hay những vật nhỏ li ti dưới biển khơi, cũng đều có cái thần của Ngài hiện hữu, cái thần đó chính là tình yêu của Ngài vậy.

     Con người là tuyệt tác của Thiên Chúa, chính Ngài đã họa nên con người giống hình ảnh của Ngài, tức là hoàn hảo, nhưng con người đã phá tan hình ảnh tuyệt vời của Thiên Chúa nơi họ, để rồi bắt chước họa theo hình ảnh của tà thần là ma quỷ, sống kiêu ngạo, giả hình, ghét ghen…

     Con người là hình ảnh của Thiên Chúa, người Ki-tô hữu cảng biết rõ điều đó hơn những người khác, vì chính Chúa Giê-su là Thiên Chúa đã mặc lấy than xác loài người để cứu chuộc nhân loại, cho nên mỗi một người Ki-tô hữu là một hình ảnh phóng lớn chân dung của Chúa Giê-su trong cuộc sống của mình.

 

171.MẮC CẠN

Có một anh lùn đang chèo thuyền du ngoạn trên song, đột nhiên: đáy thuyền chạm phải đụn cát không thể chèo tiếp được, anh lùn chỉ có cách là nhảy xuống nước đẩy chiếc thuyền đi, không ngờ vừa mới nhảy xuống thì nước đã ngập đầu, anh lùn vội vàng bấu vào mạn thuyền mà trèo lên, giận dữ lớn tiếng chửi đổng.

- “Thật xúi quẩy, cứ dè thuyền của ta mà mắc kẹt ổ chỗ nước sâu !”

 
172.THỊT HEO NÁI

Hai cha con bán thịt heo nái, ông bố dặn con là đừng nói cho người ta biết là thịt heo nái. Một lúc sau có người đến mua thịt, đứa con lấy giấy viết giải thích:

- “Thịt của chúng tôi bán không phải là thịt heo nái”.

Người mua thịt nghe được câu ấy thì đâm ra nghi ngờ nên bỏ đi không mua nữa.

Ông bố chửi con trai, nói:

- “Ta đã dặn dò mày, tại sao mày lại nói ra ?”

Một lúc sau lại có người đến muốn mua thịt, nhìn thịt một lúc, sau đó nói:

- “Da thịt dày thế này thì giống thịt heo nái ?”.

Đứa con đứng bên cạnh vội nói:

- “Sao, lẽ nào câu nói này cũng là do con nói hay sao?”

    
Suy tư 172:

Người ta nói “phi thương bất phú” tức là không buôn bán thì không thể làm giàu được, bởi vì buôn bán thì phải có chỉ tiêu ít vốn lời nhiều hoặc vốn một lời mười, do đó mà người buôn bán tìm cách gian lận, nói dối hoặc mánh mung để có được nhiều lời lãi. Cho nên, có những tiệm bảng hiệu đề bán thịt cầy, nhưng lại bán thịt giả cầy; có tiệm bảng hiệu đề là “sâm nhung chính cống” nhưng lại bán sâm nhung dõm bằng những củ cà rốt được chế biến mùi vị như sâm nhung...

Vì muốn buôn bán có lời nên ông bố đã gieo vào tâm hồn thật thà của đứa con những lời nói dối trá, do đó mà tội lỗi và tội ác sẽ bắt nguồn từ đây: trong gia đình nơi đáng lẽ được gieo mầm yêu thương và hy vọng, thì trái lại được chính ông bố gieo vào dối trá là hành vi của ma quỷ.

Với con cái thì nên nói sự thật và dạy chúng yêu thích nói thật, bởi vì những lời dối trá là do lòng dạ gian tà ma quỷ mà ra.

 
173.EM BÉ BẢY THÁNG

Có vợ của người nọ mang thai bảy tháng thì sinh một đứa con, chồng lo sợ nuôi nó không lớn, thế là đi gặp người để nghe ngóng.

Một hôm anh ta và một người bạn nói đến chuyện này, người bạn nói: “Chuyện này thì có quan hệ gì chứ, ông cố nội của tôi cũng sinh ra khi mới được bảy tháng”.

Người ấy rất kinh ngạc, bèn hỏi:

- “Ông cố nội của anh cuối cùng ra sao, nuôi có lớn không ?”

 

Suy tư 173 :

     Nếu nuôi ông cố nội không lớn thì làm gì có cháu chắt, có người bạn đang trò chuyện với mình !

     Trong cuộc sống tâm linh của người Ki-tô hữu cũng thế, có những người Ki-tô hữu đi xưng tội một năm, vài năm và thậm chí có người đã bốn, năm mươi năm mới đi xưng tội, phần lớn họ cảm thấy bất an không biết Chúa có tha tội cho họ không ? Chúa có phạt họ không ?

     Em bé bảy tháng thì quả là khó nuôi thật, nhưng với sự yêu thương của bố mẹ, và với sự tiến bộ của khoa học thì cũng có thể nuôi em bé khôn lớn thành người.

Người sống trong tội cũng thế, khó mà nhận được ân sủng của Chúa, khó mà dứt bỏ con đường tối tăm tội lỗi để đi trên con đường ánh sáng của Chúa. Nhưng với ân sủng của Chúa giúp qua bí tích Giải Tội, với sự quyết tâm của chính bản thân mình, thì cũng có thể đứng lên đi vào tòa giải tội và bước đi trong ánh sáng của Chúa, thì tất nhiên sẽ được Chúa tha tội và sống yêu thương trong tình yêu của Ngài.

Không nên thất vọng, nhưng luôn đặt hy vọng vào tình thương và lòng nhân từ của Chúa.

 
174.TRỘM THỔI KÈN

Có một nghệ nhân trống kèn ban đêm trở về nhà, nhìn thấy một tên trộm đang đục tường của nhà hàng xóm, thế là anh ta nói giỡn với tên trộm đem cái kèn bỏ vào cái lỗ vừa mới đục ấy mà thổi  lớn.

Chủ nhà ấy phát giác được bèn chạy ra đuổi theo, đón đầu tên trộm vội vàng hỏi:

- “Anh có thấy tên trộm thổi kèn không ?”

 
Suy tư 174:

      Có người nói phải đi với người xấu để cảm hóa họ cải tà quy chính; có người nói phải vào trong nhà điếm để cảm hóa các cô gái điếm trở về con đường lương thiện; có người lại nói cần phải cho tụi thánh niên chơi xả láng để coi tính tình của chúng nó; lại có người nói cần phải hút thuốc phiện, chích xì ke ma túy để coi mình “giỏi” đến cở nào; lại có người nói phải coi trước những loại phim sexy để sau đó dạy dỗ đám thanh niên.v.v...

     Tất cả những tư tưởng và phương pháp trên chẳng khác gì chủ nhà chặn đầu tên trộm và hỏi: “Anh có thấy tên trộm thổi kèn đâu không ?”

Không nên lấy lửa cho trẻ em chơi để rồi sau đó lại hỏi chúng nó: tại sao làm cháy nhà ?

Ai hiểu thì hiểu !

 
175.CẦU NGƯỜI MAI MỐI

Có người oán hận bản thân mình quá nghèo, người bên cạnh nói: “Anh cầu cứu người làm mai mối thì sẽ được”.

Người ấy nói: “Người mai mối làm sao có thể làm cho tôi khỏi nghèo được ?”

Người bên cạnh nói: “Tùy theo nhà anh nghèo như thế nào, chỉ cần kinh qua miệng của người làm mối, thì sẽ phất lên mà”.

 

Suy tư 175:

     Giàu nghèo không phải do bà mai bà mối đem lại, nhưng chính là do nổ lực lao động của bản thân và cái “duyên” của cơ hội mang đến. Mà cơ hội thì chỉ đến có một vài lần trong đời mà thôi, do đó mà phải nổ lực nắm bắt khi thời cơ đến thì mới có cơ hội làm giàu.

     Người buôn bán thì cho rằng giàu có là do mình nổ lực làm ăn; người làm áp phe thì cho rằng giàu có là do mình mánh mung; người buôn bán chợ trời thì cho rằng giàu có là do cứ nói dối người mua.v.v...nhưng người Ki-tô hữu thì cho rằng giàu có là do Chúa ban cho, để họ thay mặt Chúa giúp đỡ tha nhân, cho nên dù nghèo hay giàu thì họ vẫn luôn tin tưởng và trông cậy vào Chúa, chứ không phải cậy vào bà mối hay mánh mung.

     Chúa Giê-su đã nói người giàu có vào thiên đàng thì còn khó hơn con lạc đà chui qua lỗ kim[7].

     Sự giàu có đích thực chính là tâm hồn đầy ắp lòng nhân ái và bác ái đối với mọi người, lúc đó thì giàu có hay nghèo khó thì cũng như nhau, đều có thể vào Nước Thiên Chúa cách dễ dàng.


176.NGƯỜI LƯỜI

Có một anh lười, lười không có gì để lười hơn nữa, việc gì cũng kêu vợ phục vụ, ngay cả việc trãi khăn ăn, thì cũng đều” khăn đến thì đưa tay, cơm đến thì há miệng”.

Sau đó, bên nhà vợ có việc nên vợ phải về nhà cha mẹ mình ít ngày, nhưng lại sợ anh chồng lười ở nhà đói nên nướng một cái bánh lớn và cột nơi cổ của chồng để anh chồng lười ăn. Nhưng mấy ngày sau khi vợ về đến nhà thì thấy chồng sắp chết mà miếng bánh thì đã bị kiến bu đầy, hỏi nguyên do thì chồng thều thào nói:

- “Tại sao bà không cột miếng bánh ngay miệng để tôi ăn !”

 

Suy tư 176:

      Ở dưng không là cội rễ mọi sự dữ, Giáo Hội đã dạy chúng ta như thế. Có hai loại người thường ở dưng không, một là những người n ghèo, hai là những người giàu có.

     Có những người nghèo nhưng không muốn làm gì cả, chỉ muốn người khác làm cho mình ăn, những người này thường là những ông chống làm biếng chỉ biết uống rượu và cờ bạc, tất cả mọi việc trong nhà  đều do vợ con quán xuyến, do đó mà sính ra nhiều tệ nạn và tội ác; có những người giàu làm biếng, đó là những bà vợ của các người giàu, họ chỉ muốn hưởng thụ chứ không muốn làm ăn, vì tất cả mọi chi tiêu tài chánh đều do chống cung cấp, thế là các bà chỉ biết trang điểm cho lòe loẹt, rồi tụm năm tụm bảy nói chuyện xấu của người khác, sau đó thì phát sinh ra cờ bạc, rượu chè và ngoại tình…

     Thân xác lười biếng làm việc thì thân xác đói, nhưng nếu linh hồn làm biếng thì linh hồn sẽ chết, do đó mà Giáo Hội dạy con cái mình rằng, không nên ở dưng, nhưng cần phải tìm công việc mà làm. Cha Vincent Labbe nói với con cái (các đệ tử) của mình rằng: “Hãy tìm công việc chứ không để công việc tìm mình”, nghĩa là phải tìm kiếm công việc mà làm, đừng ngồi đợi công việc đến, bởi vì công việc thì không bao giờ tìm mình cả, chí có con người mới đi tím công việc mà thôi.

     Ai hiểu thì hiểu.

 
177.    LỜI NÓI KHÔNG MAY MẮN

Người nọ có thói quen nói những lời xui xẻo, có một nhà giàu mới xây một cái cổng lầu, người quen nói những lời xui xẻo đi đến coi, khi đến trước cổng thì cổng đã đóng lại rồi, anh ta gõ cửa, rồi lớn tiếng chửi:

- “Cái cổng này đóng kín mít như cổng nhà tù, kêu cửa chẳng ai nghe, chắc những người trong đó chết tiệt cả rồi chăng !”

Người nhà giàu đi ra trách anh ta, nói:

- “Tôi bỏ ra hơn một ngàn lượng bạc mới làm xông cái cổng lầu này, sao anh lại thốt ra những lời xui xẻo ấy chứ ?”

Người ấy nói:

- “Cái cổng lầu này muốn bán chăng, cùng lắm là chỉ được năm trăm lượng là cùng, tại sao ông bỏ ra nhiều tiền như thế chứ ?”

Người nhà giàu càng thêm tức giận nói:

- "Tôi vừa mới xây xong, tại sao phải bán chứ ?”

Người ấy nói:

- “Tôi khuyên anh bán đi là ý tốt, nếu gặp một trận hỏa hoạn thì cũng không đáng một xu !”

 
Suy tư 177:

     Trong cuộc sống hằng ngày, tại sao con người ta không dùng những lời nói nhỏ nhẹ, những lời nói yêu thương, những lời nói khuyến khích nhau làm điều tốt và những lời nói xây dựng ? Tại sao con người ta thích nói những lời cay độc, những lời trù ẻo, những lời gây mất tình đoàn kết và những lời phỉ bang nhau ?

     Thời nay có nhiều người chỉ muốn cuộc sống của mình càng văn minh càng hiện đại thì càng tốt, nên họ sắm sửa cho mình và gia đình rất nhiều tiện nghi cho phù hợp với thời đại văn minh; nhưng thời nay ít người muốn cuộc sống của mình có văn hóa, tức là có cuộc sống hài hòa đối xử với nhau trong tình thân ái, lịch sự và tôn trọng nhau. Người có văn hóa thì gia đình hạnh phúc vui tươi, gia đình có văn hóa thì xã hội phồn thịnh, bình an và phát triển.

Văn hóa bảng hiệu thì làm cho con người ta trở thành giả dối, nhưng văn hóa phát xuất từ trong tâm hồn và trí tuệ thì làm cho con người ta thành thật và khiêm tốn với nhau hơn.

Nói với nhau những lời khuyến khích, thật thà và yêu thương, thì đó là văn hóa vậy.

 
178.QUA THUYỀN

Một chiếc đò ngang chở đầy người qua sông, khi chèo đến giữa dòng sông thì đột nhiên dưới mạn thuyền thủng một lỗ, nước tuôn ào ạt vào thuyền, tất cả khách đi thuyền đều rất lao nhao lo sợ.

Trong lúc hổn độn ấy, thì duy chỉ có một người khách là vẫn cứ an nhiên tự tại ngồi bên thuyền, không những coi như không có việc gì xảy ra, mà lại còn trách những người khách khác:

- “Lo lắng đến nó làm gì, dù sao đi nữa thì chiếc thuyền này cũng không phải của chúng ta mà !”

 

Suy tư 178:

      Chiếc đò ngang chở khách qua sông là Giáo Hội Công Giáo chở người tín hữu đến bến thiên đàng hạnh phúc vĩnh cửu, không một người Ki-tô hữu nào có thể điềm nhiên tự tại khi Giáo Hội bị ma quỷ và thế gian tấn công tứ bề, và không một người Ki-tô hữu nào lại nói: Giáo Hội thì có liên quan gì đến tôi !

     Chiếc đò ngang chở người dân đến bến phồn vinh, văn minh hiện đại chính là tổ quốc, không một người dân nào có thể ngồi bàng quan nhâm nhi nước trà khi tổ quốc lâm nguy, và không một người dân nào có thể nói: tổ quốc thì có can hệ gì đến tôi !

     Chiếc đò chìm giữa dòng sông thì khách trên đò đều chết, tổ quốc mất thì người dân bị mất tất cả, Giáo Hội bị ma quỷ và thế gian công đánh (mặc dù Giáo Hội vẫn tồn tại cho đến tận thế như lời hứa của Chúa Giê-su), thì việc thực hành đức tin và giữ đạo của người Ki-tô hữu càng khó khăn và nguy hiểm…

     Ai hiểu thì hiểu !

    
179.  BIẾU KHÔNG

Có một người bị đau răng nên đi nha khoa để nha sĩ khám răng, nha sĩ khám xong thì nói cần phải nhổ cái răng ấy, thế là chuẩn bị nhổ răng. Nhưng tay nghề của nha sĩ này quá kém, không nhổ cái răng đau mà lại đi nhổ cái răng khác, người đi khám răng rất là giận dữ.

Nha sĩ vội vàng an ủi ông ta:

- “Đừng náo đừng náo, ở đây chúng tôi có quy định: nhổ một cái răng thì tính tiền mỗ một cái răng, hôm nay tính đặc biệt cho anh, cái răng này của anh không tính là phẩu thuật, biếu không !

 
Suy tư 179:

     Có những bác sĩ vì tay nghề kém nên làm hại bệnh nhân, có khi cướp đi sinh mạng của bệnh nhân; có những bác sĩ có tay nghề cao, nhưng lại không có cái đức nên dù không có hại mạng người, nhưng hại chính lương tâm của mình khi họ không thèm chữa cho những bệnh nhân nghèo khó.

     Bác sĩ, nha sĩ, y sĩ đều là những người đem lại hạnh phúc cho các bệnh nhân, bởi vì nghề nghiệp của họ là cứu sống và chữa lành bệnh nhân, cho nên có thể nói đó chính là một thiên chức mà Thiên Chúa trao ban cho họ, để họ thay mặt Ngài cứu sống và chữa lành bệnh nơi thân xác con người.

     Y đức có nghĩa là đạo đức của người bác sĩ, nha sĩ và y sĩ, mất đi cái đạo đức này thì họ sẽ trở thành những kẻ giết người cách hợp pháp, mất đi cái đức này thì họ sẽ trở thành những hung thần của các bệnh nhân.

      Dù cho xã hội biến chuyển như thế nào chăng nữa, thì người bác sĩ, nha sĩ và y sĩ vẫn cứ là người mà xã hội rất cần, cho nên chúng ta –người Ki-tô hữu- cần phải cầu nguyện cho họ có tâm hồn biết cảm thông với người bệnh như Đức Chúa Giê-su, biết an ủi bệnh nhân như Đức Chúa Giê-su, và biết nhìn thấy Đức Chúa Giê-su nơi các bệnh nhân của mình.

     Đừng biếu không những gì mình không thích, vì như thế là coi thường người khác, nhưng hãy tận tụy với bổn phận và trách nhiệm của mình…

 
180.  XIN MỜI SÁNG MAI

Có một người nghèo, vào cuối năm thì có rất nhiều người đến đòi nợ, bắt anh ta phải đem tiền ra trả bằng không thì sẽ không đi, do đó mà tất cả chủ nợ đều đứng đợi ở trong nhà anh ta, có người ngồi trên ghế dựa, có người ngồi trên ghế dài, lại có người ngồi trên giường.

Chủ nhân bị vây khốn trong nhà không biết phải nói làm sao cho phải, anh ta nhìn chung quanh, ngay cả trên thềm cửa cũng có người đòi nợ ngồi. Lúc bấy giờ anh ta đột nhiên nghĩ ra một cách, bèn đi đến trước cửa ghé tai người đòi nợ ngồi trên thềm cửa nói nhỏ:

- “Hôm nay thực sự là có nhiều người quá, hết cách, sáng mai anh tới sớm một chút”.

Người ngồi trên thềm cửa nghe được thì trong lòng nghĩ: hôm nay người đến đòi nợ thực sự là quá nhiều, đại khái là anh ta không thể có một số tiền lớn như thế, cho nên mới nói mình sáng mai đến sớm, nghĩ đến đây, anh ta còn thay mặt chủ nhân bịa ra nói một hơi dài và mọi người bỏ đi về hết.

Qua hôm sau, khi trời vừa sáng thì người ấy đã đến, lập tức hỏi chủ nhân:

- “Hôm qua người quá đông, hôm nay tôi vội đến sớm, nhân tiện ở đây không có người, anh mau trả tiền nợ cho tôi”.

Chủ nhân nghe xong bèn giải thích với anh ta:

- “E rằng anh nghe nhầm lời của tôi, hôm qua tôi thấy anh ngồi trên thềm cửa không được khỏe cho lắm, nên mời anh hôm nay đến sớm một chút thì có thể chiếm một cái ghế để ngồi”.

 

Suy tư 180:

     Ở đời có rất nhiều cái nợ mà con người phải trả: nợ tiền bạc, nợ tình yêu, nợ ân nghĩa và nợ…giang hồ.

     Nợ tiền bạc thì buộc phải trả bằng tiền bạc, bằng không thì sẽ bị đòi lại bằng dao búa và bị coi là quỵt nợ; nợ tình yêu thì phải trả bằng tình yêu, bằng không thì sẽ bị trả lại bằng tình hận và bị coi là kẻ sở khanh, kẻ bạc tình; nợ ân nghĩa thì phải dùng ân nghĩa mà trả lại, bằng không thì sẽ bị coi như là kẻ vô ơn bội nghĩa; nợ giang hồ thì trả bằng luật giang hồ…

     Thánh Phao-lô tông đồ dạy chúng ta đừng mắc nợ ai cả, nhưng hãy luôn cầu nguyện cho nhau.

Xét cho cùng mỗi người chúng ta đều mắc nợ nhau, đó là mắc nợ yêu thương, do đó mà chúng ta phải luôn cầ nguyện cho nhau, và nhớ nhau trong lời cầu nguyện, bởi vì “trong Đức Chúa Giê-su Ki-tô, tất cả chúng ta đều là anh chị em với nhau”.

Bị đòi nợ thì khổ và nhục lắm, nhưng càng khổ và nhục hơn khi chúng ta làm ngơ trước những đau khổ của tha nhân. Ai hiểu thì hiểu !

 
181.  BỐ CÁO CỦA NHÀ CHÙA

Trước cổng chùa dán một tờ bố cáo, khách qua đường nhìn thấy thì cho rằng trong chùa có chuyện gì đó, bèn đi đến cổng chùa coi, trên tờ bố cáo hàng thứ nhất viết: “Đây là nhà chùa”

     Khách qua đường trong bụng nghĩ: đây là chùa chiền tự nhiên là nơi du lãm, nhưng hàng thứ hai thì viết: “Không được du lãm”.

     Khách qua đường cảm thấy kì cục: không cho du lãm thì chắc hẳn là có duyên cớ gì đây, thế là đọc xuống hàng thứ ba: “Nếu như du lãm”.

     Khách qua đường nhìn thấy như thế thì quá kinh ngạc: nếu như muốn đến du lãm thì nhất định là chuyện nghiêm trọng rồi, nhưng câu thứ tư lại viết: “Du lãm nơi khác”.

 
Suy tư 181:

      Nhà thờ, chùa chiền hay công sở, khi thông báo thì cần thông báo rõ ràng, ngắn gọn và dễ hiểu, bởi vì một thông báo được đưa ra không phải chỉ dành cho một người đọc, nhưng cho rất nhiều người đọc, trong số những người đọc đó thì gồm có nhiều hạng người: trí thức, thất học, người giàu, kẻ nghèo.v.v…

     Linh mục chủ tế khi giảng thì cần phải rõ ràng, ngắn gọn và dễ hiểu, để cho mọi thành phần dân Chúa đều có thể nghe và lãnh hội được ý nghĩa của bài giảng.

- Có những linh mục khi giảng mà không đi vào trọng tâm của nội dung, chỉ chọc cho giáo dân cười rồi thôi.

- Có những linh mục khi giảng thì nói rất dai rất dài, chỉ một vấn đề mà cứ nói lui nói tới như người lạc đường, đi qua đi lại cùng một con đường mà tìm không thấy lối ra.

- Có những linh mục khi giảng thì không đi vào nội dung của Phúc Âm, nhưng chỉ thở vắn than dài là giáo dân không ai đóng góp cho nhà thờ, không ai xin lễ cầu hồn.

- Có những linh mục khi giảng thì khoe khoang cái tôi của mình: giận hờn, nóng tính, to tiếng phê bình người này người nọ trên tòa giảng,

- Có những linh mục khi giảng thì tự đánh bóng mình bằng cách lấy mình làm chứng minh cho bài giảng: nào là mình là học sinh ưu tú khi đi học, nào là mình đi học ở nước ngoài, nào là mình rất giỏi ngoại ngữ.v.v…mà không thấy ngài giảng về đề tài Phúc Âm.

Giáo huấn cho người khác thì phải ngắn gọn súc tích, chứ không phải nói dài dòng là “ăn tiền”, bởi vì không một ai thích đứng bên cạnh cái phèng la đang kêu xèng xèng điếc tai.

Nhưng bài giảng hay nhất và bài giáo huấn có ý nghĩa nhất của linh mục là chính cuộc sống khiêm tốn, vui tươi và thành thật theo tinh thần Phúc Âm của Chúa mà các ngài đã sống và đã cảm nghiệm.

 
182.  VẪN CÒN THIẾU MỘT VẠN NHÂN MÃ

Có một người làm bánh phồng, lò bánh đặt bên đường phố lớn, anh ta một mình vừa chiên bánh vừa bán bánh. Bên cạnh lò bánh có một hội trường kể chuyện, ở trong đó người ta đang kể chuyện “tam quốc”, khi kể đến hồi Tào Tháo điều khiển nhân mã đi xuống Giang Nam, người kể chuyện đem chuyện Tào Tháo điều khiển tám mươi ba vạn binh kể thành tám mươi hai vạn binh.

Người nướng bánh phồng đang nướng bánh đột nhiên nghe người kể chuyện kể sai, bèn tạm ngưng nướng bánh đi vào đính chính: Tào Tháo điều khiển tám mươi ba vạn binh chứ không phải là tám mươi hai vạn; nhưng người kể chuyện khăng khăng không nhận sai mà vẫn cứ nói là tám mươi hai vạn, do đó mà hai người cãi nhau to tiếng. Người nướng bánh kiên trì nói tám mươi ba vạn, người kể chuyện vẫn cứ nói tám mươi hai vạn, cả hai người không ai chịu nhường ai, càng cãi càng kịch liệt.

Người nghe kể chuyện thấy hai người cãi nhau không ngừng, bèn lên tiếng khuyên người bán bánh phồng:

- “Bỏ qua đi, đừng tranh cao thấp với ông ta, mau đi coi lò bánh của anh, bánh thành hồ cả rồi kìa !”

Người nướng bánh phồng vẫn cứ cố chấp nói:

- “Không được, cho nó thành hồ luôn, một cái lò bánh nướng được bao nhiêu, ở đây vẫn có thiếu một vạn nhân mã !”

 
Suy tư 182:

      Các thầy đại chủng viện đi giúp xứ thì giống như làm dâu trăm họ, được lòng cha sở thì mất lòng giáo dân, được lòng giáo dân thì cha sở không vui, làm được việc cũng bị phê bình, không làm gì cũng bị giáo dân nói thế này thế nọ, thấy giáo dân làm sai sửa cho họ cũng bị nói, không sửa sai cho họ cũng bị họ cho là người ngoài…

     Làm người bàng quan thì rất khó, nhất là những người có chút chức quyền, có chút địa vị, bởi vì họ cảm thấy mình có bổn phận phải dạy bảo, nhắc nhở người khác, thế là họ trở thành hung thần của bề dưới và là người khó tính của tập thể; bởi vì tính tình bộc trực nên thấy chuyện không thuận mắt thì can thiệp, thế là họ bị phê bình, bị chửi và bị trù dập…

     Các thầy đại chủng viện phải tập làm người bàng quan khi đi giúp xứ, không nên trực tiếp giải quyết mọi chuyện vì đã có cha sở; cha sở tập làm người bàng quan khi giữa giáo dân có chuyện bất bình riêng tư với nhau, để ngài có cơ hội suy tư, đoán xét, nếu cần thì họ sẽ nhờ ngài giải quyết; hoặc là ngài nên tập làm người bàng quan khi để giáo dân chủ động công việc của giáo xứ.

Làm người bàng quan không có nghĩa là bỏ mặc sự việc, nhưng nghĩa là không vội vàng giải quyết vấn đề, mà nên có thời gian quan sát, cân nhắc chin mùi, đó chính là sự khôn ngoan của những người “làm dâu trăm họ” vậy.

 
183.  TRẢ LẠI CANH

Có một người vào quán cơm để ăn cơm, chủ quán hỏi anh ta ăn gì, anh ta bèn hỏi chủ quán: “Một tô bún bao nhiêu tiền ?”

Chủ quán nói: “Tám mươi xu”.

Người ấy lại hỏi: “Canh suông thì bao nhiêu ?”

Chủ quán trả lời: “Canh suông thì không cần tiền”.

Người ấy nói: “Ông cho tôi một tô canh suông”.

Canh suông đem tới, người ấy lấy từ trong áo ra hai cái bánh bao và ăn với canh, ăn xong đứng lên bỏ đi. Chủ quán nhìn anh ta lắc đầu nói không nên lời, bởi vì ông ta đã nói: canh suông thì không tính tiền.

Qua ngày hôm sau anh ta lại đến, cũng như hôm qua hỏi một tô bún bao nhiêu tiền ? Chủ quán ngước mắt nhìn té ra là người ăn canh suông hôm qua, trong lòng đã chuẩn bị bèn trả lời: “Bún một tô tám mươi xu”.

Người ấy lại hỏi: “Canh suông ?”

Chủ quán nói: “Một trăm”.

Người ấy nói: “Cho tôi tô bún”.

Tô bún bưng lên thì anh ta dùng đũa vớt hết bún mà ăn, và kêu chủ quán lại nói:

- “Tô canh suông này trả lại cho ông, cảm phiền ông thối lại cho tôi hai mươi xu !”

 
Suy tư 183:

     Tô canh suông và tô bún với nước lèo thì khác nhau xa, nhưng lại có người không biết phân biệt, phải chăng là vì họ ngu hay thành thật, hay muốn làm trò hề để thiên hạ cười cho vui ?

     Người Ki-tô hữu khôn ngoan thì biết phân biệt thế nào là “tô canh suông” và “tô bún nước lèo”:

-      Tô canh suông là thế gian, rồi sẽ có ngày cùng tận; tô bún nước lèo là thiên đàng vĩnh viễn.

-      Tô canh suông là cả đời lo toan tích trử tiền bạc, danh vọng, khi chết đi thì không đem theo được thứ gì cả; tô bún nước lèo là tích trử việc lành phúc đức, mến Chúa yêu người, khi từ giã cõi đời này thì lấy nó làm hành trang đi về cõi phúc là thiên đàng.

-      Tô canh suông là kiêu ngạo, thích ức hiếp kẻ cô thế cô thân, thích vu oan giá họa cho người khác, để rồi khi từ giã cõi đời này thì mất cả linh hồn, bị phạt trong hỏa ngục đời đời với ma quỷ; tô bún nước lèo là đặt chữ nhân ái trong lòng, thương người như thể thương thân, là bênh vực và giúp đỡ người bất hạnh cô thế cô thân, thì khi chết đi họ được Thiên Chúa dọn cho nơi xứng đáng trên thiên đàng với Ngài.

Con người ta ai cũng được Thiên Chúa ban cho một trí khôn để biết phân biệt điều lành và điều dữ (tô canh suông và tô bún nước lèo), do đó mà không thể trách Thiên Chúa là không công bằng, không nhân ái khi mình bị phạt đời đời trong hỏa ngục…

Ai có tai thì nghe rồi biết, có mắt đọc thì hiểu.

 
184.  GIỐNG MỘT NGƯỜI

Họa sĩ Vương Đại vẽ chân dung cho một người nổi tiếng nọ, khi sắp hoàn thành, A Tam đột nhiên đi vào, đứng ngắm bức tranh rất tỷ mỷ, không ngớt khen ngợi.

Họa sĩ rất là đắc ý.

Họa sĩ: “Anh nhìn bức tranh giống không ?”

A Tam: “Giống, rất giống, không tìm đâu ra bức tranh giống hơn”.

Họa sĩ: “Anh coi bộ phận nào giống nhất ?”

A Tam: “Mắt, mũi, miệng, tai, tóc, lông mày, lại còn những thứ trên người, không gì là không giống !”

Người nổi tiếng: “Anh nói nó giống ai ?”

A Tam: “Giống một người”.

Người nổi tiếng: “Nó giống người nào ?”

A Tam: “À, à, nhất thời thì chưa nghĩ ra”.

 

Suy tư 184:

      Có những người thích làm bộ ta đây hiểu biết nhiều, nên thích chỉ chõ phê bình người này người nọ, thích nói “chữ” cho ra vẻ ta đây học thức, nhưng khi người ta hỏi vặn thì không biết đâu mà trả lời.

     Có những người muốn mình giống một triết gia, nên họ thích hỏi người khác với những câu ngớ ngẩn không ăn nhằm gì đến sinh hoạt của kẻ khác, thậm chí họ thích làm người lập dị để giống một triết gia; có những người muốn mình giống một thám tử thượng thặng, nên họ làm ra vẻ bí hiểm trong cuộc sống, dò dò xét xét anh chị em mình; có những người thích mình giống người bề trên, nên họ thường ra lệnh cho người khác, thích lấy tên tuổi của bề trên để hù dọa người khác, chứ thực ra họ không có gan để làm và có cái tâm để thu hút người khác...

     Người Ki-tô hữu thì luôn thích mình giống Chúa Giê-su, không phải giống khuôn mặt râu tóc của Ngài, nhưng giống quả tim của Ngài là hiền lành và khiêm nhượng, giống thái độ nhân từ của Ngài khi đối với người tội lỗi, giống cách hành xử khoan dung của Ngài với người biết hối lỗi ăn năn.

     Các thánh nam nữ trên thiên đàng đều trở nên giống Chúa Giê-su nên được hưởng phúc đời đời với Ngài. Và đó cũng là ước muốn của chúng ta là những người Ki-tô hữu vậy !

 
185.  KHÔNG SỢ VỢ

Có nhiều ông chồng sợ vợ đang ngồi lại với nhau, và bàn luận với nhau làm thế nào để trở thành một ông chồng uy phong.

Đột nhiên có người hớt hãi chạy đến, nói:

- “Mấy bà ngồi kia nghe được mấy ông nói gì rồi, nên đã cùng nhau đem gậy gộc đến đánh đó !”

Các ông chồng kinh hãi nhất thời chạy tứ tán, duy chỉ có một ông chồng vẫn cứ ngồi tại đó không chạy, mọi người đều đoán là chỉ có ông ta là người không sợ vợ. Qua một lúc sau mọi người từ từ đến gần nhìn xem: té ra là ông ta vì sợ vợ mà chết rồi.

 
Suy tư 185:

      Có người chết vì yếu tim, có người chết vì đường huyết cao, có người chết vì huyết áp cao, có người chết vì tai nạn, có người chết vì bệnh.v.v...chứ chưa có ai chết vì sợ vợ bao giờ.

     Có những người Ki-tô hữu tuyên bố là không sợ tội mà chỉ sợ Chúa mà thôi, cho nên họ thường sống trong tội mà không cảm thấy áy náy, bởi vì đã không sợ tội thì làm gì mà sợ Chúa phạt chứ !

     Thiên Chúa là Cha của chúng ta có gì mà phải sợ, nhưng phải sợ tội lỗi, vì tội lỗi làm cho chúng ta xa cách Thiên Chúa là Cha nhân từ, tội lỗi làm cho chúng ta mất hết ơn nghĩa với Chúa, và tội lỗi làm cho hình dạng tâm hồn chúng ta trở thành xấu xí, lương tâm bất an.

     Vợ của mình thì không gì phải sợ cả, có sợ chăng là sợ những thói xấu của mình làm cho vợ con buồn và làm mất hạnh phúc gia đình, những thói xấu phải sợ là: phải sợ rượu bia, sợ cờ bạc, sợ cà phê ôm, sợ đi nhà hàng máy lạnh hát ka-ra-ô-kê, bởi vì tất cả những điều đó đáng sợ hơn là...sợ vợ.

 
186.  ĐÔNG TÂY NAM BẮC

Một hôm Kỷ Hiểu Lam xách một cái giỏ bằng tre, vừa lúc ấy thì gặp vua Càn Long đi đến, nhà vua buộc miệng hỏi trong rỗ đựng thứ gì ? Kỷ Hiểu Lam nói: “Đựng đông tây東西[8].

Vua Càn Long cảm thấy thích thú hỏi tại sao không nói “đựng nam bắc南北” ?

Kỷ Hiểu Lam trả lời:

- “Giáp và ất ở hướng đông thuộc “mộc”, canh và tân ở hướng tây thuộc “kim”, bính và đinh ở hướng nam thuộc “hỏa”, nhâm và quý ở hướng bắc thuộc “thủy”. Cái giỏ tre chỉ có thể đựng những gì thuộc “sắt” và “gỗ”, chứ không thể đựng “lửa” và “nước”, cho nên phải nói “đựng đông tây”, chứ không thể nói “đựng nam bắc” !

 
Suy tư 186:

     Cái giỏ tre mây thì không thể đựng nước, vì như thế nước sẽ lọt ra ngoài không còn một giọt, cũng không thể đựng lửa, vì lửa sẽ đốt cháy cái giỏ.

-      Tâm hồn của chúng ta không thể làm tôi Thiên Chúa rồi lại làm tôi ma quỷ, bởi vì nếu yêu mến chủ này thì sẽ ghét chủ kia.

-      Tâm hồn của chúng ta cũng không thể chứa đựng ghét ghen, bởi vì nếu như thế thì tâm hồn sẽ bị vỡ nát vì tội ghét ghen.

-      Tâm hồn của chúng ta cũng không thể chứa đựng được kiêu ngạo, bởi vì như thế kiêu ngạo sẽ làm cho tâm hồn trở nên nặng nề không bay được lên thiên đàng.

-      Tâm hồn của chúng ta cũng không thể chứa đựng được dối gian, bởi vì dối gian sẽ làm cho tâm hồn trở thành chai cứng không nhạy bén với đức ái.

Ai hiểu thì hiểu !

 
187.  CÁI NGÃ KHÔNG VÔ ÍCH

Một thanh niên vội vội vàng vàng xuống bến đò, nhảy phắt một cái lên chiếc đò ngang đang còn cách bờ khoảng một mét, bởi vì quá vội vàng nên bị ngã nhào trên khoang đò tay chân chỏng ngọng lên trời, khiến mọi người trên chiếc đò cười vang một vùng.

Người thanh niên vừa lồm cồm đứng dậy vừa nói:

- “Cái ngã này vẫn là không vô ích”, nếu lỡ chuyến đò này thì tổn thất lớn hơn nhiều”.

Người lái thuyền nói:

- “Anh vội vàng cái gì chứ, đò của chúng tôi mới từ bờ bên kia trở về chưa cập bến mà !”

 
Suy tư 187:

      Vội vàng cũng có nghĩa là hấp tấp, hấp tấp là vì tính khí nóng nảy, tính khí nóng nảy là vì trong lòng không được bình an, lòng không bình an là vì lo toan nhiều việc và có khi có những tính toán không chính đáng trái với lương tâm mình.

     Tính vội vàng hấp tấp thì làm lỡ nhiều việc hơn là đằm tính, bởi vì không ai muốn bàn tính chuyện với người hấp tấp vội vàng, và cũng chẳng ai muốn đem chuyện làm ăn nói với người nóng tính, vì như thế thì bể cả công việc làm ăn của họ.

- Làm giám đốc mà hấp tập vội vàng nóng tính, thì công ty sẽ sớm sập tiệm.

- Làm linh mục mà hấp tấp vội vàng nóng tính, thì trái ngược với tinh thần của người mục tử nhân lành là Chúa Giê-su.

- Làm cha sở mà vội vàng hấp tấp nóng tính, thì giáo dân chỉ đứng xa xa mà nhìn và không muốn cộng tác.

Vội vàng nóng tính thì là một tệ hại, nhưng biện minh cho cái nóng tính hấp tấp của mình, mà không suy nghĩ xét mình thì càng tệ hại hơn, bởi vì con người ta ai cũng có một tâm hồn biết thông cảm khi người khác làm sai, nhưng họ sẽ không chấp nhận người khác làm sai rồi lại còn dẫn chứng chuyện này chuyện nọ để biện hộ cho cái nóng tính hấp tấp của mình.

Người thường biện minh cho hành động nóng tính hấp tấp của mình, là người cực đoan và kiêu ngạo.


188.  ĐỌC NHẦM CHỮ

Hai thầy giáo vô học sau khi chết thì cùng đến yết kiến diêm vương, Giáp chuyên đọc sai chữ, còn Ất thì chuyên bỏ dấu chấm phẩy lung tung. Diêm vương phán xét xong thì phạt Giáp trở về thế gian làm con chó, Ất thì làm con lợn.

Chuyên môn đọc sai chữ là anh Giáp trước khi thi hành lệnh thì yêu cầu diêm vương: mặc dù phạt anh ta làm chó thì hy vọng anh ta được làm chó cái. Diêm vương hỏi nguyên nhân tại sao, Giáp trả lời:

- “Trong sách “lễ ký” có nói: lâm tài mẫu cẩu (母狗) đắc, lâm nạn mẫu cẩu (母狗) miễn”[9].

Chuyên tùy tiện đặt dấu chấm phẩy là Ất thì xin diêm vương cho anh ta sinh ở phương nam, diêm vương cũng cảm thấy kỳ lạ bèn hỏi lý do. Ất trả lời:

- “Trong sách “trung dung” có nói: nam phương trư () cường ư () bắc phương trư”[10].

 
Suy tư 188:

      Người ta có thể viết sai chính tả, nhưng một thầy giáo không thể đọc sai chữ; người ta có thể nói không đầu không đuôi, nhưng một thầy giáo không thể viết câu văn không đầu không đuôi.

     Người ta có thể dùng cách của xã hội để giải quyết vấn đề (như kiện cáo, ăn thua đủ...) với nhau, nhưng một linh mục thì không thể làm như thế, bởi vì các ngài tuy là người ở giữa đời nhưng không thuộc về thế gian; người ta có thể vì đồng tiền, vì danh dự hão huyền để rồi kiện cáo nhau nơi tòa án, nhưng một kẻ tu hành dâng mình làm tôi Chúa thì không thể đem anh chị em hoặc giáo dân của mình kiện cáo nơi tòa án, hoặc xúi giục người ta kiện cáo nhau.

     Khi thầy giáo đọc sai chữ hoặc viết văn không đầu không đuôi thì việc trăm năm trồng người sẽ không thành công.

Cũng vậy, khi một linh mục hay một kẻ dâng mình làm tôi Chúa xử sự với giáo dân, với anh chị em đồng loại như một kẻ thù trước tòa án xã hội, thì họ sẽ không còn là môn đệ và là mục tử như lòng Chúa Giê-su mong ước nữa.

Buồn thay, ai hiểu thì hiểu !

 
189.  VẪN LÀ KHÔNG MẶN

Có một người đang nấu canh, ông ta muốn nếm thử coi mùi vị đủ chưa, bèn múc ra một muỗng nếm thử: bỏ muối quá ít. Anh ta bèn đi lấy muối thêm vào trong nồi canh, rồi lại nếm thử, vẫn chưa đủ mặn, thế là bỏ thêm chút muối nữa, cho đến khi muối được một nửa nồi canh mà vẫn cứ không mặn.

Anh ta cảm thấy kỳ quái, tại sao vẫn cứ không đủ mặn nhỉ ? Té ra anh ta vẫn cứ nếm cái muỗng canh mà anh ta múc ra nếm lần trước tiên.

 
Suy tư 189:

Nồi canh là giáo xứ của các cha sở.

- Có những nồi canh (giáo xứ) nhạt nhẽo, cha sở tìm mọi cách để thêm muối vào cho mặn, nhưng giáo xứ vẫn cứ không mặn mà, trái lại ngày càng nhạt hơn, lý do là bởi vì như giáo dân nói: cha sở giảng một đường làm một nẽo, dạy yêu thương nhau nhưng ngài lại “đánh” những con chiên không hợp ý mình.

- Có những nồi canh (giáo xứ) quá nhạt nhẽo, cha sở thay vì nếm coi thử nó mặn nhạt thế nào, thì ngài lại nghe người này nói mặn, người nọ nói nhạt, thế là ngài nêm muối theo tính khí của những người ấy, kết quả là giáo xứ ngày càng chia rẻ sâu đậm hơn.

- Có những nồi canh (giáo xứ) vốn đã được các cha sở trước nêm mặn vừa miệng rồi, ai cũng thích thú và gắn bó với giáo xứ của mình, nhưng cha sở vốn thích chơi nổi khoe khoang, muốn nồi canh mặn nhạt theo kiêu ngạo, tự tôn tự tác của mình, mà không muốn hợp với khẩu vị của giáo dân, thế là ngài hết thêm muối, rồi lại thêm ớt cay và giấm vào nồi canh, thế là nồi canh không ra gì, giáo xứ cũng chia băm bè bảy mảng...

Nồi canh ngon là do tài nấu nướng, nêm nếm của người nội trợ, giáo xứ đoàn kết, yêu thương nhau, là do tài lãnh đạo có phương hướng của cha sở. Mà tài lãnh đạo hay nhất chính là sự cầu nguyện, khiêm tốn và biết lắng nghe vậy !

 
190.  HẾT SỨC GIÚP NGƯỜI

Đời nhà Hán, có một ông trùm sò không có vợ và cũng không có con cái, trong nhà rất nhiều tiền nhưng ông ta lại rất bủn xỉn keo kiết.

Có một lần, người hàng xóm của ông ta gặp cảnh khó nghèo đến nhà ông trùm để xin giúp đỡ, ông trùm sò rất buồn đi vào trong nhà cầm ra mười xu, càng nhìn đồng xu thì ông ta càng đau lòng. Thế là ông ta vừa đi ra ngoài vừa cất bớt đi một ít, khi ông ta đi đến cổng lớn thì mười đồng xu đã bị ông ta giấu mất năm xu rồi. Sau đó, ông ta nhắm mắt lại đưa tay ra, lúng túng nói với người hàng xóm của mình:

- “Cho ông nè, cầm lấy mà đi, tôi vừa đem hết gia tài ra để giúp ông đó !”

 
Suy tư 190:

      Người keo kiết bủn xỉn thì như bị mù, vì họ không hề nhìn thấy những đau khổ của người khác, họ cũng không nhìn thấy những mảnh đời bất hạnh chung quanh mình, mà chỉ biết nhìn bản thân mình mà thôi.

     Bác ái là đồng phục của người Ki-tô hữu, nghĩa là khi người Ki-tô hữu làm việc bác ái thì người ta nhận biết ngay họ là người công giáo, là người môn đệ của Chúa Giê-su.

     Bác ái không phải chỉ là giúp đỡ tiền bạc vật chất cho người nghèo, người khốn khó, người bất hạnh mà thôi, nhưng bác ái bao gồm cả từ thái độ nhã nhặn lịch thiệp khi tiếp xúc với người khác, từ lời nói nhẹ nhàng có lý có tình khi đối thoại với người khác, từ nụ cười thân thiện với ánh mắt vui tươi. Bởi vì nếu khi đem tiền bạc giúp đỡ tha nhân mà thái độ hách dịch lỗ mãng, lời nói đốp chát, lời nói chanh chua móc họng, thì sự giúp đỡ ấy chỉ là giả dối và hình thức bên ngoài mà thôi.

     Người có lòng bác ái chân thật là hiện thân tình yêu thương của Thiên Chúa, nơi họ người ta “đọc” được chữ: Thiên Chúa là tình yêu.
 

191. LUẬN VỀ NGỰA

Cuối thời nam bắc phân tranh, nhà Trần phái sứ thần đi đến nhà Tùy để bang giao, nhà Tùy không biết trình độ tài năng của sứ nhà Trần, nên muốn thử xem cao thấp như thế nào, bèn bí mật sai Hậu Bạch hóa trang giả làm người hầu đi trước phục vụ sứ thần.

Sứ thần nhìn Hậu Bạch là một “hạ nhân” thì trong lòng rất khinh dể ông ta nên nói năng bừa bãi, thái độ thì rất phóng túng, ông ta nằm nghiêng để nói chuyện với Hậu Bạch, lại con đánh rắm khi nói chuyện rất là bất lịch sự.

Hậu Bạch trong lòng rất giận, nhưng nhất thời chưa tìm được cơ hội báo thù.

- “Nhà Tùy của các ngươi có rất nhiều ngựa, giá mỗi con ngựa có rẽ không ?”- sứ thần vẫn nằm nghiêng để nói chuyện với Hậu Bạch.

Hậu Bạch vừa nghe thì thấy cơ hội báo thù đến rồi, bèn trả lời với sứ thần:

- “Ngựa chia ra nhiều loại, quý tiện không giống nhau: nếu ngựa chân mạnh mẻ, chạy thật nhanh, thân thái đẹp mắt, lông màu đẹp đẽ, thì đắt nhất là ba mươi quan; nếu như bên ngoài nhìn cũng được, cưỡi lên cũng chạy được thì giá hai mươi quan trở lên; nếu bề ngoài lù đù, chỉ vỏn vẹn biết chở đồ vật hàng hóa, thì giá chỉ bốn năm quan tiền; nếu như đuôi bị xoắn, móng bị lệch, lại không thể chở hàng mà chỉ biết nằm nghiêng đánh rắm, thì một xu cũng không xứng đáng”.

 
Suy tư 191:

     Con người là một động vật có trí khôn, nếu không có trí khôn thì con người cũng chỉ là con vật không hơn không kém.

     Người khỏe mạnh mà không dùng trí khôn để làm việc, thì giống như con ngựa khỏe lông đẹp, chạy nhanh, đáng giá ba mươi quan tiền; người mà chỉ biết ăn rồi ngủ rồi chơi bời, mà không biết dùng trí óc để làm việc, thì giống như con ngựa cũng biết chạy biết chở hàng, đáng giá hai mươi quan tiền; con người không làm việc, không muốn lao động trí óc, chỉ biết hạch họe, chỉ tay năm ngón, chỉ biết bốc lột người khác, ăn trên đầu trên cổ người khác, thì như con ngựa long móng, lông thưa thớt, không biết chở hàng, không biết phi nhanh, thì một xu cũng không đáng.

     Con ngựa thì khác với con người, nhưng nếu con người không dùng trí óc mà Thiên Chúa ban cho để làm việc mưu ích cho mình và cho mọi người, thì cũng giống như con ngựa vậy. Ha ha ha...

     Ai hiểu thì hiểu !

 
192. QUAN VIÊN THAM Ô

      Có một quan châu nọ vì tham ô nên bị kết tội, giáng cấp và bị đổi đi qua huyện khác làm quan huyện. Khi ông ta đến nhậm chức, trong vệ môn có một tiểu quan muốn thử thách ông quan huyện này, thế là dùng bạc đúc hình một em bé nhỏ nặng một ký, bỏ trên bàn ở phòng khách của quan, sau đó đi vào nói với quan huyện:

- “Gia huynh ở trên bàn ngoài phòng khách đợi ngài đó”.

Tri huyện đi ra coi, té ra là một tượng em bé bằng bạc, bèn lấy và đi vào.

Về sau, tên tiểu quan ấy cũng bị kết tội vì tham ô, khi quan huyện định tội thì tên tiểu quan vội vàng nói:

- “Nhìn gia huynh trên bàn mà bớt tội dùm”.

Quan huyện nhe được thì lập tức trách tên tiểu quan:

- “Lệnh huynh là kẻ xảo quyệt, tại sao chỉ đến một lần, sau đó thì không thấy đến nữa ?”

 
Suy tư 192:

      Người tham ô thì có “chiêu” moi tiền người khác theo kiểu của người tham ô; người hối lộ thì có cách “cho” tiền quan trên theo cách của người hối lộ. Cách nào cũng đều là không đúng, lấy tiền của người khác cách bất hợp pháp hoặc hối lộ cấp trên để đạt mục đích của mình, cũng đều là những việc làm sai trái phi pháp…

     Có một vài người Ki-tô hữu cũng hối lộ Thiên Chúa như thế:

- Khi cầu nguyện thì họ ra điều kiện với Chúa phải ban cho họ điều này điều nọ, thì họ mới đi dự lễ.

- Khi con cái chuẩn bị thi đại học, thì họ đem một số tiền đến để xin lễ cho con thi đậu, nhưng họ không muốn đi nhà thờ.

- Khi làm ăn buôn bán phát đạt thì họ đem tiền cúng nhà thờ với điều kiện là phải ghi tên họ trong sổ vàng, khắc tên họ nơi bảng đồng.

Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên vũ trụ, mọi sự trên trời dưới đất là của Ngài, như Thánh Vịnh đã ca ngợi:

“Một lời Chúa phán làm ra chin tầng trời,

một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú.

Chúa dồn đại dương về một chỗ,

Người đem biển cả trữ vào kho”.[11]

Thiên Chúa cần tấm lòng sám hối, hơn là “hối lộ” cho Ngài bằng những vật chất mà do chính Ngài ban cho mỗi người chúng ta.

 
193.CHÍN TRĂM

Thời ngũ đại, Bằng Đạo và Hòa Ngưng cùng làm quan trong triều, một hôm Hòa Ngưng nhìn thấy Bằng Đạo mang đôi ủng mới, bèn hỏi Bằng Đạo mua bao nhiêu tiền, Bằng Đạo đưa một chân ra nói: “Chín trăm”.

Hòa Ngưng vừa nghe, lập tức quay đầu lại chửi đầy tớ của mình:

- “Đôi ủng này của ta tại sao mày lại mưa một ngàn tám trăm đồng hử ?”

Lúc ấy, Bằng Đạo lại đưa chân khác ra và nói:

- “Chiếc này cũng là chin trăm”.

 
Suy tư 193:

      Vội vàng trách mắng cấp dưới của cấp trên là do sự nóng nảy mà ra, sự nóng không biết kiềm chế này thì sẽ sinh ra nhiều hậu họa không những cho bản thân mà còn có hại cho người khác nữa, và có khi cho những dự tính của mình cũng như của cộng đoàn.

     Chúa Giê-su dạy chúng ta phải khiêm nhường trong lòng, tự trong lòng chứ không phải bên ngoài, khi có sự khiêm nhường trong lòng thì sẽ không nóng nảy vội, không tức giận, không phê bình, không chỉ trích và không chửi mắng người khác. Bởi vì một khi sự khiêm nhường đầy tràn tâm hồn, thì tình yêu cũng từ đó mà đi vào trong tim của chúng ta, mà ở đâu có yêu thương thì ở đó có Thiên Chúa ngự trị vậy.

     Một chiếc ủng chin trăm đồng, mà một đôi là một ngàn tám trăm đồng, điều này thì ai cũng biết, chỉ có những người vội vàng hấp tấp nóng nảy mới không để ý mà thôi, do đó mà đem lại sự bất bình nơi người khác.


194.TỰ ĐÓNG BĂNG

Thời nhà Tống có một thái úy họ Đảng, một hôm trên đường trở về phủ nhìn thấy con trai đang mình trần bị trói quỳ trên đất đầy tuyết, sau khi hỏi qua chuyện thì biết vợ mình phạt nó quỳ trên tuyết. Thế là thái úy Đảng cũng cởi áo của mình ra, kêu người trói ông ta lại, và quỳ ngay bên cạnh con trai.

Vợ ông ta biết chuyện, bèn đi ra hỏi ông ta tại sao lại làm như thế ?

Thái úy Đảng trả lời:

- “Bà đóng băng con trai của tôi, tôi cũng đóng băng con trai của bà”.

Suy tư 194:

      Có những người mẹ làm hư con mình khi chúng có lỗi, bởi vì bố dạy con thì mẹ lại bênh con ngay trước mặt nó; có những ông bố mở đường cho con mình đi vào nơi tội lỗi, đó là khi chúng nó còn nhỏ mà đã chiều chúng nó hết mình, con muốn uống cà phê cho nó uống, con muốn uống chút rượu ba nó cho nó thử, con muốn mua một cái vi tính đời mới (khi nó không có nhu cầu) thì mua ngay.v.v… Tất cả những cách yêu thương con cái ấy, sẽ làm cho chúng nó làm quen trước với con đường đi xuống hỏa ngục.

     Thời nay, bố mẹ chiều chuộng con cái nhiều hơn, chăm lo cho con cái nhiều hơn, nhưng đa số cha mẹ thời này chiều chuộng con, thỏa mãn những đòi hỏi của con cái mà không để ý đến phần tâm linh, tức là phần sâu thẳm nhất của con người, để chúng nó biết được giá trị của cuộc sống làm người, và nhận thức được ý nghĩa của cuộc sống chính là sống cho, sống với và sống vì tha nhân.

     Đừng đóng băng con cái trong những nuông chiều quá mức, những thỏa mãn nhu cầu vật chất, bằng không thì chúng nó sẽ trở thành con người có máu lạnh với quả tim lạnh lẽo giữa xã hội hôm nay.

 
195.KHÔNG THẤY TÔI ĐÂU CẢ

Một người lính áp giải một tội phạm là hòa thượng đi sung quân, khi đi được nửa đường thì trú tại một phạm điếm, hòa thượng dùng rượu phục cho người lính uống đến say không biết trời đất là gì. Sau đó, lấy chìa khóa mở tay mình ra và còng vào cổ anh ta, lấy dao cạo trọc đầu và lấy áo quần của mình cho anh ta mặc, còn mình thì mặc áo quần của anh ta rồi bỏ trốn.

Qua ngày hôm sau, người lính áp giải tù nhân tỉnh lại, không thấy tội phạm, anh ta vội vàng gượng đứng lên, đột nhiên phát hiện dây xích đang trói nơi cổ mình, anh ta lại rờ lên đầu, đầu trọc thùi lụi không có tóc, anh ta lại nhìn trên thân mình thì thấy mình mặc áo hòa thượng. Thế là anh ta luôn miệng nói:

- “Hòa thượng thì vẫn ở đây, nhưng không thấy tôi đâu cả !”

 
Suy tư 195:

      Chúa Giê-su dạy chúng ta phải lấy cái xà trong mắt mình trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt của anh chị em[12].

     Lấy cái xã trong mắt mình tức là sửa đổi những thói hư tật xấu của mình trước, rồi sau đó mới có thể chỉ bảo cho anh chị em mình, bởi vì trong cuộc sống hằng ngày, có những người chỉ thấy những khuyết điểm của người khác mà không nhìn thấy những khuyết điểm của mình, nên họ thường hay phê bình người khác; có những người chỉ thấy cái sai lầm nho nhỏ của người khác mà không nhìn thấy những cái lỗi to lớn của mình, cho nên họ thường la lên người này không dung được, người kia cần phải loại bỏ.

     Con người ta ai cũng có những khuyết điểm tật xấu, ai cũng có những lỗi lầm, do đó đừng vội vàng lên án và phán đoán tha nhân khi họ lầm lỗi, nhưng trước hết là cầu nguyện cho họ và cầu nguyện cho chính mình...

     Phải thấy những khuyết điểm và lỗi lầm trước khi phán đoán và chỉ dạy tha nhân.

 
196.TRẢ NỢ TRÔNG MỘNG

Con nợ nói với chủ nợ:

- “E rằng tôi sống không lâu, bởi vì tối hôm qua nằm mơ thấy mình chết !”

Chủ nợ nói:

- “Âm dương trái ngược nhau, nếu nằm mơ thấy mình chết thì ngược lại là trường thọ đó !”

Con nợ bèn nói: “Còn có một giấc mơ khác”.

Chủ nợ hỏi: “Giấc mơ gì ?”

Con nợ cười nói: “Đó là năm mơ thấy chưa trả nợ cho ông !”

 
Suy tư 196:

     Âm dương thì trái ngược nhau, bởi vì âm là tối mà dương là sáng, âm là chết mà dương thì sống, âm là đời sau mà dương là đời này.

Nhưng có một lý lẽ quan trọng hơn chết sống và tối sáng của âm dương, đó là dương là nhân mà âm là quả, nhân tốt thì quả tốt và nhân xấu thì quả xấu, lý lẽ này ít người để ý đến nên cuộc sống vẫn còn nhiều đau khổ và bất công…

     Trong tám mối phúc thật (hiến chương Nước Trời) Chúa Giê-su đã lý giải rất rõ ràng dương và âm, đời này và đời sau, nhân và quả:

- Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.

- Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được đất hứa làm gia nghiệp.

- Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa an ủi.

- Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng.

- Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.

- Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.

- Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.

- Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao[13].

Mỗi mối phúc có hai vế: vế trước là dương (đời này, là nhân), vế sau là âm (đời sau, là quả).

Ai hiểu thì hiểu !

 
197.ĂN TRỘM NÓI

Hai tên trộm hợp lực đào tường của nhà nọ, khi vào được trong nhà rồi thì mò mẫm một chặp, bổng một tên bị bọ cạp chích nên thất thanh la lớn: “Đau quá”. Tên trộm kia chỉ sợ chủ nhà nghe nên nhéo tên nọ một cái, tên nọ bị nhéo nên đánh lại, thế là hai tên trộm đánh nhau ầm ầm làm chủ nhà thức dậy, lập tức bắt hai tên trộm trói lại.

Tên trộm bị bọ cạp chích giận dữ, nói:

- “Thật tức cái ông này, có miệng không nói, tại sao lại lấy tay nhíu ta hử ?”

Tên trộm kia trả lời:

- “Đồ ngốc, mày vẫn không biết, ai đời đi ăn trộm mà còn mở miệng nói chuyện chứ ?”

 
Suy tư 197:

      Nguyên tắc khi đi ăn trộm là không nói chuyện và không làm những gì gây ra tiếng động, chỉ nói chuyện bằng mắt hoặc bằng cách ra dấu hiệu, bằng không thì sẽ bị người khác phát hiện.

     Ma quỷ khi cám dỗ con người thì không nói và không làm gì kinh động đến họ, nó chỉ dùng tiền bạc, những thứ trang sức đẹp, những cô gái đẹp, những chiếc xe đời mới, những đồng vàng lấp lánh, để cám dỗ con mắt và ăn trộm linh hồn của con người; nó cũng không dùng những “chiêu” dao to búa lớn để cám dỗ con người, nhưng nó chỉ im lặng quan sát và ra tay cám dỗ khi đã chin mùi.

     Ma quỷ là tên trộm chuyên đi ăn trộm linh hồn của con người khỏi tình yêu của Thiên Chúa.

     Ai hiểu thì hiểu !


198.THỢ MỘC

Thợ mộc nọ đang đóng lại cái cửa, vô tình cái đinh văng ra ngoài cửa sổ.

Chủ nhân tức giận chửi: “Con mắt của ông đui rồi à ?”

Thợ mộc cũng không vừa, chửi lại: “Ông bị đui thì có”.

Chủ nhân không hiểu sao cả bèn hỏi: “Tại sao ông nói ta đui ?”

Thợ mộc nói: “Nếu ông chủ quả thật có con mắt, thì sao lại đi tìm người thợ mộc như tôi đây hử ?”

 
Suy tư 198:

     Trong cuộc sống nếu mình không lên tiếng chửi người khác trước, thì chắc chắn là sẽ không ai mắng lại mình; trong cuộc sống nếu mình biết mĩm cười với người khác trước, thì sẽ có rất nhiều nụ cười thân thiện đáp trả lại mình.

     Lời nói như âm thanh đội vào trong hang động rộng lớn sẽ bị dội ngược lại, hang động chính là tâm hồn của con người ta.

Khi mình chửi người khác thì tiếng chửi ấy sẽ dội ngược lại vào trong tâm hồn mình, khiến tâm hồn mình bị nhức nhối; khi mình lớn tiếng phê bình anh chị em thì tiếng phê bình ấy sẽ dội lại với mình, làm cho tâm hồn mình đau khổ; khi mình khen ngợi tha nhân thì tiếng khen ngợi ấy dội lại với mình, làm cho tâm hồn mình vui vẻ; khi mình an ủi anh chị em thì lời an ủi ấy sẽ dội lại vào trong tâm hồn của mình, làm cho tâm hồn mình thanh thản...

Chúa Giê-su dạy chúng ta: “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì luật Môi-sê và lời các ngôn sứ là thế đó”.[14]

Lấy lòng thành thật mà đối xử với nhau thì yêu thương sẽ nhân lên gấp bội; lấy sự căm thù dối trá để đối xử với nhau, thì căm thù và ghen ghét sẽ như thác đổ sóng cuồng, cuốn trôi tất cả những gì chúng ta đã xây dựng.

Ai có tai thì nghe và hiểu !

 
199.NÊN ĐỎ TRONG SỔ CHI THU

Thư lại của huyện nọ không biết chữ, cho nên mỗi lần đi mua thứ gì, thì vẽ hình dạng thứ ấy trong sổ chi thu.

Khi thư lại không có nhà, tri huyện mở sổ chi thu ra, nhìn những ký hiệu trong sổ thì sinh hồ nghi, do đó mà mỗi ngày đều dùng bút màu đỏ gạch một gạch dọc. Thư lại trở về, nhìn thấy sổ thu chi thì tức giận nói:

- “Nến màu đỏ là do ông mua, tại sao lại ghi trong sổ chi thu của tôi ?”

 
Suy tư 199:

Có những người Ki-tô hữu biết chữ nhưng chưa hề đọc qua một quyển sách hạnh các thánh, cho nên cuộc sống của họ không biết được các nhân đức của các ngài để noi theo; có những người học hành bằng cấp treo đầy nhà, chữ nghĩa đầy mình, nhưng chưa hề đọc qua hết một chương trong sách Kinh Thánh, cho nên họ không biết những việc mà Chúa Giê-su đã làm để cứu chuộc nhân loại, như lời thánh Jerome nói: “Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Giê-su”.

Mù chữ là một cái khổ về tinh thần, nhưng mù về Chúa Giê-su thì lại càng khổ hơn -cái khổ của linh hồn- vì trong sổ “chi thu đời đời” của họ đầy những ký hiệu màu đỏ của ma quỷ.

 
200.TUỔI CHÓ

Người nọ cùng với người bạn vào quán rượu để uống rượu, nhìn thấy bạn không những biết uống rượu mà còn có sức ăn, anh ta cảm thấy kỳ lạ bèn hỏi thì mới biết bạn mình là tuổi con chó.

Anh ta tự nói một mình:

- “May là hắn ta tuổi chó, nếu hắn ta tuổi con cọp thì không phải mình cũng bị hắn xơi tái sao ?”

 
Suy tư 200:

     Không phải người tuổi con khỉ thì chỉ thích ăn trái cây, nhưng ai cũng có thể ăn trái cây; không phải những người tuổi con chó mới có sức ăn sức uống, nhưng những người khỏe mạnh làm việc nặng nhọc thì cũng có sức ăn sức uống. Cũng vậy, làm việc bác ái thì ai cũng làm được, nhưng làm vì Chúa Giê-su thì dễ có mấy ai ?

Có rất nhiều người mời bạn bè ăn uống, nhưng có mấy ai mời những người nghèo khó đến ăn với mình như Chúa Giê-su đã dạy: “Khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại”.[15]

Không phải ai được mời dự tiệc cũng đều vui vẻ thật tình, nhưng thấy bạn bè ăn uống thật tình khi chúng ta mời họ thì chúng ta nên vui vẻ, bởi vì không những họ ăn những thức ăn vật chất chúng ta mời, mà còn ăn cả tấm lòng yêu mến và thành thật của chúng ta nữa.

 
201.KHÔNG ĐÁNH MÀ KHAI

Người nọ lấy một bà vợ, trong đêm động phòng hoa chúc thì thấy vợ mình mặt đầy những nếp nhăn, bèn hỏi: “Nàng năm nay mấy tuổi nhỉ ?”

Tân nương nói: “Bốn mươi năm sáu”.

Chồng nói: “Trên giấy kết hôn viết rõ nàng ba mươi tám tuổi, nhưng theo tôi thì bà hơn bốn mươi năm sáu, nàng không nói thực với tôi”.

Tân nương nói: “Thực ra là đã năm mươi bốn tuổi”.

Ông chồng truy hỏi hai ba lần, tân nương vẫn cứ nói là năm mươi bốn tuổi.

Sau khi lên giường ngủ, ông chồng trong lòng vẫn cứ hồ nghi, đột nhiên nghĩ ra được một kế, nói:

- “Tôi phải dậy đi đậy hủ muối đã, nếu không thì chuột nó ăn mất”.

Tân nương nhịn không được bèn nói:

- “Thật là nực cười, tôi sống đã sáu mươi tám tuổi rồi, chưa hề nghe nói chuột ăn trộm muối !”


Suy tư 201:

     Điều quan trọng trong đạo vợ chồng là tin tưởng và thành thật với nhau, không tin tưởng và thành thật thì không nên kết hôn với nhau, vì như thế thì chẳng khác gì bị giam trong ngục tù vô hình, mà quan giám ngục hành hạ khổ nhất chính là lương tâm của mình.

     Tin tưởng nhau không có nghĩa là chồng (vợ) nói thì vợ (chồng) tin răm rắp, nhưng tin tưởng nhau là thành thật chia sẻ những chuyện vui buồn với nhau trong cuộc sống của mình, từ chuyện vui đến chuyện buồn, từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn, từ chuyện trong nhà đến chuyện ngoài đường có liên quan đến mình, đó chính là tình yêu đem hạnh phúc đến cho gia đình.

     Trái lại, dối trá và nghi ngờ là hiện thân của ma quỷ phá hoại hạnh phúc của gia đình, là lưỡi dao nhọn bén giết chết tình yêu của vợ chồng. Bởi vì khi con tim dối trá thì chất chứa nọc độc, và nghi ngờ là cái kim tiêm nọc độc ấy vào trong quả tim hạnh phúc của gia đình, làm cho hạnh phúc vợ chồng chết dần chết mòn cho đến khi chết hẳn.

     Tin tưởng và thành thật là thuốc trường sinh cho tình yêu của vợ chồng và hạnh phúc gia đình.

Đã tin tưởng và thành thật với nhau rồi thì không cần hỏi và cũng không cần phải khai báo.

 
202.MƯỢN NƯỚC

Người nọ mời khách thiếu một đôi đũa, sau khi dọn thức ăn lên thì khách khứa nhanh chóng cầm đũa gắp thức ăn, duy nhất chỉ có một người khoanh tay đứng nhìn, đàng hoàng thư thả nói với chủ nhà:

- “Xin chủ nhà cho tôi một bát nước”.

Chủ nhà nói:

- “Để làm gì ?”

Khách trả lời:

- “Rửa ngón tay cho sạch để nhón thức ăn”.

 
Suy tư 202:

      Có những lúc chúng ta nên có hành động bác ái trong lúc được mời đi dự tiệc, có lẽ vì chủ nhà bận rộn lo việc tiếp khách mà quên đi một đôi đũa, đó không phải là chuyện lớn, nó chỉ lớn đối với những người vì sĩ diện mà thôi; có khi chủ nhà đã nhắc nhở người làm bếp, nhưng có lẽ họ quên, điều này thường xảy ra nên không có gì phải làm cho chủ nhà khó xử, chỉ có những người thích coi trọng mình mới làm khó dễ người khác mà thôi…

     Cũng vậy, thánh lễ (bàn tiệc thánh) là một việc thờ phượng Thiên Chúa cách công khai của Giáo Hội Công Giáo, do đó mà những ai tham dự thánh lễ (tiệc Nước Trời) đều phải mặc áo đức ái, thắt lưng đức tin và rửa linh hồn bằng bí tích hòa giải, bằng không thì việc rước Mình Thánh Chúa sẽ trở thành án phạt cho họ.

     Được mời dự tiệc là một sự hạnh phúc và vinh dự của người Ki-tô hữu, bởi vì Thiên Chúa mời gọi họ đến chia sẻ tiệc thiên quốc ngay tại trần gian này, nhưng có một vài người Ki-tô hữu quên mất niềm vinh dự rất hạnh phúc ấy, mà từ chối lời mời gọi của Thiên Chúa và của Giáo Hội, hoặc miễn cưỡng đến tham dự…

     Khi được mời dự tiệc thì chúng ta phải nghĩ rằng: mình đang chia sẻ niềm vui với mọi người, cho nên nếu có thiếu một đôi đũa, thiếu một cái ly hay thiếu một cái khăn giấy, thì cũng đừng vì thế mà làm khó dễ chủ nhà…
 
(còn tiếp)
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

 


[1] Chữ “水滸 thủy hử” từa tựa như chữ “木許mộc hứa”, nếu nhìn không rõ hoặc mới học chữ Hoa, thì thế nào cũng đọc sai chữ.
[2] Lý Quỳ, là một trong những nhân vật anh hùng nổi tiếng của Lương Sơn Bạc trong truyện Thủy Hử, nhưng vì ông ta đọc sai chữ nên nói là “Lý Đạt”.
[3] Lc 16, 18-
[4] Lc 16, 25.
[5] GV 1,
[6] Mt 12, 34b.
[7] Mt 19, 24
[8]Đồ vật” tiếng Hoa nói là “đông tây東西, phát âm là “tung-xi".
[9] Trong sách “lễ ký” nguyên văn câu này là: 臨財毋茍得,臨難毋茍免, thầy giáo Giáp đọc sai chữ 毋茍 (vô cẩu) thành chữ 母狗(mẫu cẩu. Hai câu trên này ý là: gặp tiền không nên lấy, gặp nạn không trốn tránh.
[10] Trong sách “trung dung” nguyên văn câu này là:南方之強與北方之, thầy giáo Ất đặt câu sai chữ (chi) thành chữ (trư, lợn) chữ (dư) thành chữ (ư). Câu này nghĩa là phương nam thì mạnh và phương bắc cũng mạnh.
[11] Tv 33, 5b-8.
[12] Mt 7, 5b.
[13] Mt 5, 3-12
[14] Mt 7, 12.
[15] Lc, 13-14.