Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2022

Chúa nhật 33 thường niên

 


CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN

 

Tin mừng : Lc 21, 5-19.

“Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.”

 

Anh chị em thân mến,

Lời của Đức Chúa Giê-su nói trong bài Tin Mừng hôm nay đã ứng nghiệm và đang xảy ra trên thế giới, trong những năm gần đây thiên tai đã xảy ra nhiều nơi trên địa cầu này như động đất, chiến tranh, ôn dịch và thù hận, dân chúng lầm than khổ sở, nhiều tai ương ập đến cho con người mà không báo trước, nhưng thật ra hơn hai ngàn năm trước, nhân loại đã được Đức Chúa Giê-su báo trước những tai nạn bởi thiên nhiên và bởi con người mà ra...

Đức tin mở mắt tâm hồn làm cho chúng ta thấy được ý muốn của Thiên Chúa qua mọi hoàn cảnh. Khi động đất xảy ra, đức tin mở mắt tâm hồn để chúng ta biết giờ Thiên Chúa sắp đến để mà hối cải, khi ôn dịch đã xảy ra, đức tin mở mắt tâm hồn để chúng ta biết được ngày giờ của Thiên Chúa sắp đến; khi chiến tranh liên tục dồn dập xảy đến nơi này nơi nọ, đức tin dạy chúng ta biết Thiên Chúa đang tính từng ngày từng giờ sự tồn tại của thế gian này và của mỗi người chúng ta.

Và những gì ngoài ý muốn xảy đến cho chúng ta trong cuộc sống, thì đức tin đã dạy chúng ta biết nhìn ra thánh ý của Thiên Chúa đối với mỗi một người.

Có những lúc đức tin của chúng ta nhận ra được ý của Thiên Chúa và lương tâm đánh động chúng ta, nhưng vì mãi mê trong những đam mê trần thế mà chúng ta phớt lờ ý của Ngài; có những lúc ý Thiên Chúa rất rõ ràng và tiếng lương tâm thúc giục chúng ta thực hành ý Thiên Chúa, từ bỏ những gì không phải là của Ngài để trở nên người con thảo của Ngài, nhưng vì danh lợi, vì những lợi ích cá nhân mà chúng ta bịt tai bịt mắt không nghe không thấy ý của Thiên Chúa trong cuộc sống của mình.

Anh chị em thân mến,

Năm phụng vụ của Giáo Hội sắp kết thúc, cũng có nghĩa là cuộc sống của chúng ta được rút ngắn lại, sự tồn tại của thế gian cũng ngắn lại từng ngày, và ngày quang lâm vinh quang của Đức Chúa Giê-su sắp đến, Giáo Hội mời gọi chúng ta tin tưởng vào Lời Chúa giữ vững đức tin của mình cách kiên trì, cho dù có rất nhiều cám dỗ xảy đến cho chúng ta, bởi vì Đức Chúa Giê-su đã hứa: “Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình”[1].

 

Gợi ý :

  1. Năm phụng vụ sắp kết thúc, tôi đã sửa được một khuyết điểm nào chưa ?
  2. Có lúc nào tôi nghĩ đến ngày cuối cùng của mình để sám hối chưa ?

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

[1] Lc 21, 19.

Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


56. THẦY BÓI THÍCH HÁT

        Có một người bói toán say mê hát ca, không lúc nào là không hát.

        Một hôm, ông ta vừa cầm cái mu rùa để bói, người coi bói yêu cầu ông ta:

-      “Thầy đoán cho tôi thật rõ ràng chi tiết nhé !”

        Ông thầy bói ứng tiếng hát:

-      “Hệt như dáng vẻ của song thân tôi vậy”[1].

                                                (Chuyện tiếu thời thượng)

 

Suy tư 56:

        Có người thích hát hò khi làm việc, có người thích ngâm thơ khi rãnh rỗi, có người thích nói vè khi uống rượu... mỗi người đều có một hứng thú riêng khi làm việc.

        Thích hát không phải là chuyện dở, nhưng hát không đúng nơi đúng chỗ thì là dở thật, dù chúng ta có hát hay như ca sĩ.

        Có người hát không hay nhưng muốn để ra vẻ ta đây là người biết nhạc biết hát, nên lâu lâu “rống” lên một bài làm cho mọi người đang ngủ phải giật mình; có người thích hát là hát bất kể trong giờ im lặng hay giờ học riêng của anh em chị em trong cộng đoàn...

        “Hát là hai lần cầu nguyện” nhưng hát với tất cả tâm tình ngợi khen và chúc tụng cám tạ thì mới là cầu nguyện gấp đôi; hát cũng là bày tỏ một tâm hồn yêu đời và lạc quan, nhưng bạ đâu hát đó, hát không giờ không giấc, thay vì đem niềm vui cho người khác thì lại “tra tấn” màng nhỉ người chung quanh...

        Người biết hát thì không nhất thiết là người hát hay, nhưng là người biết hát đúng nơi và đúng lúc vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Tên của một bài hát.

Thứ Năm, 10 tháng 11, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


55. CAO THẤP CHẾ GIỄU NHAU

        Người cao chế giễu người lùn:

-         “Khi anh chết chỉ cần dùng khúc gỗ một tấc vuông làm quan tài thì đủ để liệm anh, đợi đến khi người ta đưa anh ra phần mộ, thì một chút đất bùn cũng đủ lấp đầy.”

        Người lùn lập tức chế nhạo lại, nói:

-         “Khi anh chết, kiếm không ra gỗ thích hợp, khi thợ mộc gặp được một loại gỗ lớn thì cho rằng rất thích hợp làm quan tài để liệm anh, có ai ngờ đâu khi hạ huyệt thì hạ xuống không được vì chỗ quá hẹp, tốt nhất là quăng ra biển để cho lũ cá lũ mực ăn hoài ăn mãi mà cũng không hết !”

                                                (Chuyện tiếu thời thượng)

 

Suy tư 55:

        Cao hay lùn thì cũng là con người có linh hồn và có xác như nhau, không ai nói thân xác cao mà linh hồn lùn, hoặc thân xác lùn mà linh hồn cao.

        Cao hay lùn đều có giá trị ngang nhau trước mặt Thiên Chúa.

        Người ta có thể chê anh quá cao không đẹp, nhưng người ta không thể chê tâm hồn cao thượng của anh khi hăng say phục vụ và sống bác ái với mọi người; người ta có thể chê bề cao “khiêm tốn” của anh, nhưng người ta không thể chê tấm lòng khiêm hạ của anh khi anh sống chan hoà tình thân với anh chị em, bởi vì con người ta không thể đo chiều cao chiều thấp của tâm hồn qua hình dáng bên ngoài cao thấp của người khác.

        Người Ki-tô hữu có một cái nhìn khác hẳn với người chung quanh, đó là họ không nhìn thấy chiều cao chiều thấp của tha nhân mà chê bai khinh bỉ đẹp xấu, nhưng họ nhìn thấy sự tốt đẹp của tâm hồn tha nhân trong cách ăn nết ở của họ, trong lời nói khiêm tốn hoà nhã của họ mà thôi.

        Người cao thì không nên sợ kẻ khác chê cười, nhưng chỉ sợ mình có một tâm hồn cao ngạo mà thôi.

        Người thấp người lùn thì cũng đừng có mặc cảm mà buồn, nhưng hãy mặc cảm khi mình có lối sống đê tiện hạ cách mà thôi...

        Thân xác này vốn là từ bùn đất được tạo thành, khi chết đi thì phải trở về với bùn đất mà thôi, cho nên hình hài cao hay thấp thì cuối cùng cũng chỉ là một nắm tro tàn, có gì mà phải chế giễu nhau chứ !


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 9 tháng 11, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


54. TÚ TÀI BIẾU NGỖNG

        Có một tú tài đem một con ngỗng đi biếu học quan.

        Viên học quan nói:

-         “Ta nghĩ rằng nếu nhận ngỗng của anh thì có thể là không có gì để cho nó ăn, thế là nó chết đói sao ? Mà nếu không nhận thì lại thất lễ, làm sao bây giờ chứ ?”

        Tú tài nói:

-         “Xin sư phụ nhận cho, chết đói là chuyện nhỏ, thất lễ mới là chuyện lớn”.

                                                (Chuyện tiếu thời thượng)

 

Suy tư 54:

        Con người nếu có chết đói thì cũng chỉ là chuyện nhỏ, thất lễ mới thật đúng là chuyện lớn. Thật ra đói và lễ cũng quan trọng như nhau.

        Đói là vật chất, lễ là tinh thần.

        Con người ta khi đói thì làm liều, cho nên mới có câu “bần cùng sinh đạo tặc”, cũng có nghĩa là khi đói thì người ta mất tất cả lễ nghĩa, tâm tình cũng biến đổi theo cái bao tử co thắt của mình.

Khi đói thì dùng tiền bạc để mua thức ăn cho hết đói, hoặc kiếm gì đó bỏ vào bụng thì cơn đói không còn nữa, nhưng khi đã thất lễ thì không thể dùng tiền bạc để mua lễ, cũng không thể bỏ gì đó vào bụng thì hết thất lễ, nhưng với những người coi trọng vật chất đồng tiền thì lễ nghĩa đối với họ chỉ là con số không, bởi vì “đồng tiền liền khúc ruột” chứ không phải là lễ nghĩa.

Người hiểu rõ “đói và lễ” hơn ai hết chính là người Ki-tô hữu, họ sẵn sàng đói vật chất để no tinh thần tức là lễ, họ hiểu rằng lễ chính là tôn trọng nhân cách của tha nhân, tức là khiêm tốn chấp nhận những khuyết diểm và những yếu đuối của tha nhân là để nâng cáo giá trị của họ, đó cũng chính là “lễ” và cũng là “tế” mà Đức Chúa Giê-su đã thực hành khi chấp nhận gánh vác những tội lỗi của chúng ta, để thánh hoá và hiến dâng cho Thiên Chúa Cha vậy, do đó mà người Ki-tô hữu vì đức ái, thà chịu đói chứ không vì miếng ăn mà hạ bệ danh dự, giá trị nhân cách của người anh em chị em, tức là thất lễ.

Lễ của người Ki-tô hữu và lễ của người khác không giống nhau là như vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Hai, 7 tháng 11, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


53. THƠ CƯỜI QUAN HẮC ÁM

        Trước đây có một quan huyện phán đoán rất là hồ đồ ngớ ngẩn, lại còn nghiện rượu rất nặng, lơ là việc quan, áp bức dân chúng.

        Dân chúng vì thế mà rất oán hận, bèn nộ khí làm một bài vè chế giễu quan :

-      “Đèn lồng nước sơn đen, ban ngày đom đóm lửa.

Tường trắng hình bạch hổ, giấy xanh vẽ rồng đen.

Trái cà gõ khánh đất, bí đao gõ chuông gỗ.

Chỉ biết tiền và rượu, không lo chính và công” .

                                                (Chuyện tiếu thời thượng)

 

Suy tư 53:

        Ở đời, làm quan mà hồ đồ thì dân khổ và nuôi mầm bạo loạn, làm bề trên mà thiên vị thì mầm móng bất mãn được tồn trử nơi các thành viên, một lúc nào đó sẽ gây tai hoạ cho cộng đoàn.

        Làm quan là “cha mẹ của dân”, quan to quan nhỏ cũng đều là tước lộc của Chúa ban cho qua việc tự do bầu cử của dân chúng, tức là thay mặt Chúa để lo đến cuộc sống hạnh phúc của dân chúng mà mình có trách nhiệm, cho nên làm quan mà chỉ biết vơ vét cho mình, hồ đồ khi thấy màu vàng của kim tiền làm cho cán cân công lý bị nghiêng lệch, thì tội rất lớn, không những với Chúa, với tổ quốc mà còn với cả người dân nữa.

Con người ta thường thích quyền lực, thích “quản” người khác để tỏ ra ta đây là có quyền, cho nên có người mới làm được chức tổ trưởng tổ dân phố thì đã biết hạch hoẹ người hàng xóm, lại có người mới “nghe nói” sẽ được đề bạt lên giữ chức vụ phụ việc cho bề trên thì đã nhìn anh em bằng nửa con ngươi...

Làm quan to hay quan nhỏ, làm bề trên hay bề dưới cũng cần phải có đức độ.

Đức độ của người trên là biết yêu thương và chăm lo cho người dưới; đức độ của người dưới là biết cộng tác với người trên để phát triển và tồn tại, đó chính là hoa quả của yêu thương và lòng khiêm tốn của tinh thần Phúc Âm vậy.

Đức độ không phải được đo bằng tài năng, cũng không phải được đo bằng học vị này hay học vị nọ, nhưng đức độ được đo bằng trách nhiệm, yêu thương và tha thứ trong cuộc sống của họ.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)