Thứ Bảy, 17 tháng 6, 2023

Chúa nhật XI thường niên

 


CHÚA NHẬT XI THƯỜNG NIÊN

 

Tin mừng: Mt 9, 3-18 - 10, 8

“Sau khi gọi mười hai môn đệ, Chúa Giê-su đã sai các ông đi truyền giáo.”

 

Bạn thân mến,

Tên mười hai tông đồ được viết rất rõ ràng, danh chính ngôn thuận, không hề lầm lẫn người này với người nọ, bởi vì thánh Mát-thêu là một người thu thuế, thu thuế thì cần phải rõ ràng từng nét chữ, từng con số, bằng không sẽ gây thiệt hại cho mình và cho người khác. Đức Chúa Giê-su gọi đích danh từng tông đồ và sai họ đi truyền giáo, tức là ra đi làm cho nhiều người cũng trở thành môn đệ của Đức Chúa Giê-su như các ngài.

-       Bạn và tôi cũng được Đức Chúa Giê-su gọi đích danh qua Giáo Hội trong ngày lãnh bí tích Rửa Tội, khi linh mục hỏi cha mẹ: “Ông bà đặt tên cho em bé là gì ?” và cha mẹ chúng ta đều trả lời: “Thưa, tên em bé là Giu-se” (là Maria, là Phê-rô.v.v...) và Đức Chúa Giê-su đã chính thức trao sứ mạng truyền giáo cho chúng ta...

-       Bạn và tôi cũng được Đức Chúa Giê-su gọi đích danh để ban ơn Đức Chúa Thánh Thần trong bí tích Thêm Sức: “Phê-rô, con hãy lãnh nhận ấn tín ơn Chúa Thánh Thần” và sai chúng ta ra đi làm chứng nhân cho Tin Mừng Nước Trời trong cuộc sống của mình...

-       Bạn và tôi cũng được Đức Chúa Giê-su gọi đích danh từ ngày lãnh nhận bí tích Truyền Chức Thánh qua giám mục và bề trên của mình: “Xin mời tiến chức X...tiến lên.” Và chính Đức Chúa Giê-su đã trao cho chúng ta sứ mạng truyền giáo trong thiên chức linh mục của mình...

-       Bạn và tôi cũng được Đức Chúa Giê-su gọi đích danh trong ngày lãnh nhận bí tích Hôn Phối, qua Giáo Hội khi linh mục chủ tế tuyên bố: “Anh Giu-se Nguyễn Thanh V...và chị Maria Nguyễn Thi T...hôm nay đến trước bàn thờ...” và thế là Đức Chúa Giê-su trao cho chúng ta sứ mạng truyền giáo trong đời sống hôn nhân gia đình...

Dù bạn sống đời linh mục hay sống đời sống hôn nhân, thì bạn cũng đều là môn đệ của Đức Chúa Giê-su, chính Ngài đã kêu đích danh bạn và tôi trong bí tích Rửa Tội để trở thành môn đệ của Ngài; chính Ngài gọi đích danh bạn và tôi trong bí tích Thêm Sức để sai đi làm chứng nhân cho Tin Mừng; chính Ngài gọi đích danh bạn và tôi trong bí tích Truyền Chức Thánh để trao cho sứ mạng truyền giáo làm cho nhiều người được sinh ra ơn nghĩa Chúa nhờ bí tích Rửa Tội; chính Ngài cũng đã gọi đích danh bạn và tôi trong bí tích Hôn Phối, để chúng ta cũng rao truyền Lời Chúa trong gia đình của mình...

Bạn thân mến,

Sứ mạng truyền giáo của chúng ta được kèm theo những quyền hạn mà Đức Chúa Giê-su ban cho không phải quyền trên các thần ô uế, cũng không phải quyền chữa trị các bệnh tật, nhưng là quyền làm cha làm mẹ (hôn phối), quyền giáo huấn, cai quản và thánh hóa (chức thánh), quyền làm con của Chúa (rửa tội), quyền làm chứng nhân cho Nước Trời (thêm sức). Do đó, chính bạn và tôi phải biết mình là ai và phải sống như thế nào để mọi người tin vào Đức Chúa Giê-su qua cuộc sống của mình ?

Sống đúng bổn phận của mình chính là cách truyền giáo hữu hiệu nhất trong xã hội hiện nay, bởi vì con người thời nay quá ngán ngẫm trước những bất công và lừa dối nên họ cần sự công bằng và chân thật; bởi vì con người thời nay mất niềm tin vào nhau, nên họ cần những con người có đức tin đem lại niềm tin yêu cho họ. Và chính bạn và tôi là những người mà con người thời nay rất cần đến, bởi vì chúng ta là những môn đệ của Đức Chúa Giê-su, tức là những người luôn đem bình an và hạnh phúc của Ngài đến cho mọi người, bằng chính đời sống yêu thương và hy vọng của mình.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

--------------

http://www.vietcatholic.org 

https://www.facebook.com/jmtaiby 

http://nhantai.info 


Thứ Sáu, 16 tháng 6, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


10.   KHÔNG BIẾT BẰNG TRẮC

        Một người nọ làm tiệc mời thầy giáo trường làng, ông thầy giáo này uống rượu tràn cung mây như chưa bao giờ được uống, vợ của chủ nhà nhìn thấy liền vội vàng đứng dậy nhắn bảo người rót rượu cố ý cầm nghiêng bình rượu trước mặt khách, để ngụ ý nói cho khách biết là đã hết rượu, để ông ta biết mà không uống nữa.

        Ông thầy giáo trường làng này rượu đã đến lúc cao hứng, nên không có chút gì là cảm giác, vợ của chủ nhà chịu không nổi nên vào trong phòng ngủ hét lớn:

-          “Mau mời ông thầy giáo ngừng lại, ngay cả bình nghiêng mà cũng không biết !”

                                                                (Quảng Tiếu phủ)

 

Suy tư 10 :

        Ở đời có những người thấy rượu thì như mèo thấy mỡ, như kẻ si tình gặp được giai nhân, uống không biết mệt mỏi, đôi lúc làm mất đi nhân cách của mình và làm cho người khác thấy khó chịu...

        Ở đời cũng có những người khi dọn tiệc mời khách thì cảm thấy đau lòng và không được vui, vì khách ăn uống quá nhiều...

        Có vài người Ki-tô hữu khi vào trong nhà thờ thì đọc hết kinh này đến kinh khác, đọc từ kinh trái tim Chúa Giêsu đến kinh trái tim Đức Mẹ, đọc từ kinh thánh Giuse đến kinh cầu cho các đẳng, từ kinh thánh An tôn cho đến kinh Bảy Sự.v.v... họ đọc kinh mà y như là sợ Chúa nghe không hiểu nên phải đọc cho thật nhiều, đọc cho xôm trò, đúng là họ không biết “vần bằng vần trắc” trong cầu nguyện...

        Đọc nhiều kinh chưa chắc Chúa đã nghe, nhưng nếu chúng ta biết dùng tâm hồn mà đọc, thì dù chỉ một kinh thôi, Thiên Chúa cũng “nghe” rất rõ và rất mau đáp lại lời của chúng ta cầu nguyện...

        “Vần bằng vần trắc” trong cầu nguyện chính là “miệng đọc tâm suy”, và đó cũng là bí quyết của cầu nguyện vậy !


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Năm, 15 tháng 6, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


9.     KHÔNG BIẾT THƯ LỄ

        Ở ven biển có một thư sinh rất tầm thường, vì việc nhà mà đi cáo kiện, khi thấy quan huyện thì cứ ngỡ đó là một đệ tử của nhà Nho.

        Quan huyện nhìn thấy anh ta lễ nghĩa quá tầm thường bèn trách:

-          “Mày đã là một đệ tử của Nho môn, tại sao không biết lễ ﹝禮﹞?”[1]

        Người ấy nói:

-          “Tôi đây sinh trưởng ở ven biển làm gì mà không biết “cá chép[2] hử, cá chép có thất tinh bắc đẩu, người theo đạo giáo tôn thờ không ăn nó”.

        Quan huyện nói:

-          “Ta nói chữ “lễ” ở trong sách chứ ai hỏi mày về con cá chép () !”

Nói xong thì giận dữ sai người đánh tên thư sinh, thư sinh lại cho “sách” là “râu” bèn vội vàng biện luận:

-          “Đại nhân nói sai rồi, có râu là con cá trê chứ không phải là con cá chép ạ !”

                                                                (Quảng Tiếu phủ)

 

Suy tư 9 :

        Không phải đại nhân nói sai, nhưng là vì anh thư sinh học chưa tới nơi tới chốn, sai một âm, hiểu một nghĩa thì ý tứ đã sai ngàn dặm, lấy lễ nghĩa hiểu thành con cá chép thì quả thật anh thư sinh này chữ nghĩa còn quá kém.

        Cơm nấu chưa tới thì chưa chín nên ăn nó sượng sạo, trái cây non mà đem dú thì bị chua ăn không ngon, con người ta làm việc không đến nơi đến chốn thì là phá hoại, giáo dân giữ đạo nửa vời thì thường hay phá rối đạo, các tu sĩ nam nữ giữ luật không thành tâm thì trở nên gương mù gương xấu, các linh mục không tận tâm chu toàn bổn phận mục tử thì làm cho giáo dân xa nhà thờ...

        Không phải Thiên Chúa không ban ơn sủng cho chúng ta, nhưng chính chúng ta dùng ơn Chúa ban cho để làm việc nửa vời, nên kết quả thường là tương phản với việc chúng ta làm...

        Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng !


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] phát âm là “lì”, nghĩa là “lễ” (lễ nghĩa, lễ phép).

[2] cũng phát âm là “lì”, nghĩa là “cá chép”. Đồng âm khác nghĩa.

Thứ Tư, 14 tháng 6, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


8.     CÁ NGẮN TRONG GIẾNG

        Chủ tiệm tiếp đãi khách, mỗi lần ăn cơm thì đều có nấu cá, nhưng chỉ nhìn thấy đầu và đuôi, rất ít khi thấy khúc giữa của con cá.

        Khách hỏi:

-          “Ông chủ à, cá của ông ở đâu đem lại vậy ?”

        Chủ tiệm trả lời:

-          “Tất cả đều nuôi ở trong ao đó”.

        Khách nói:

-          “Tôi nghĩ rằng chắc nuôi ở trong giếng đó, nếu không thì tại sao mấy con cá này ngắn như vậy chứ !”

                                                        (Quảng Tiếu phủ)

 

Suy tư 8 :

        Người Việt Nam có câu nói “ở ống thì dài, ở bầu thì tròn” có nghĩa là con người ta sinh sống ở đâu thì quen ở đó.

        Có người sinh sống ở Mỹ nên cung cách nói năng cũng đều như người Mỹ; có người sống với người miền núi nên cung cách cư xử cũng như người miền núi; có người từ nhỏ đến lớn chỉ quanh quẩn trong làng xóm nên cung cách cũng rất miệt vườn, tất cả những cung cách trên đều đúng và không có gì đáng trách.

        Cái trách là khi dọn cơm cho khách mà chỉ có đầu và đuôi cá, còn khúc ngon nhất là khúc giữa thì lại không có.

        Có người cứ nghĩ rằng sống ở Mỹ nên khi về quê hương thì phải ra vẻ ta đây là Việt kiều, nên coi người lớn ở quê cũng ngang hàng như con nít, ăn nói hách hách cái mặt, họ chỉ dọn cho người ta cái đầu và cái đuôi xương xẩu (cái xấu) của nước Mỹ, còn cái khúc giữa đẹp đẽ ngon lành (cái văn minh, đẹp đẽ, lịch sự) của nước Mỹ thì họ không đem ra cho bà con lối xóm thưởng thức...

        Người Ki-tô hữu từ nhỏ đến lớn đều ở cạnh nhà thờ, đi lễ nhà thờ, học giáo lí ở nhà thờ, lãnh nhận các bí tích và ơn sủng tại nhà thờ, thì đương nhiên phải trở nên người tín hữu tốt lành và thánh thiện. Nhưng cũng có một vài người Ki-tô hữu “ở ống” nhưng không dài, “ở bầu” mà không tròn, bởi vì chính họ muốn cái ống cũng như cái bầu đều tròn hoặc dài theo ý của mình !

        Hãy lấy Lời Chúa để làm cho tâm mình phù hợp với hoàn cảnh, chứ đừng lấy ý riêng mình bắt hoàn cảnh phải giống như mình, đó là người khôn ngoan vậy.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Ba, 13 tháng 6, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


7.     SỢ UÔNG CÔNG CÔNG

        Triều nhà Minh có một đại thần tên là Uông Trực, quyền thế rất lớn, từ hoàng đế trở xuống đều rất sợ ông ta.

        Một hôm, hoàng đế coi kịch, diễn viên đã diễn xong kịch, lại đóng vai tên say rượu lắc la lắc lư, lớn tiếng chửi mấy quan đại thần trong triều.

        Có người cảnh cáo hắn ta:

-          “Anh không được nói càn, vương công nọ, các lão nọ sẽ nghe đấy.”

Diễn viên không thèm nghe lời, vẫn chửi như cũ.

        Có người la lớn:

-          “Uông công công đến...” - tiếng la này linh thật, tên diễn viên lập tức sợ hãi quỳ xuống đất lẩm bẩm nói : “Ở trên thế gian này, tôi chỉ biết có Uông công công, còn những người khác dù bất cứ ai tôi cóc sợ”.

                                                                (Quảng Tiếu phủ)

 

Suy tư 7 :

        Có những người nổi tiếng là hiền lành, ai nghe đến tên cũng đều có thiện cảm; có người nổi tiếng là thâm độc, ai nghe đến tên cũng đều sợ hãi bị trả thù; có người nổi tiếng là đạo đức thánh thiện, ai nghe tên cũng đều nể nang bội phục...

        Người công giáo nổi tiếng là vì tinh thần bác ái và tinh thần phục vụ vô vị lợi của họ, cho nên người ta sẽ chỉ trích khi thấy một người Ki-tô hữu nào đó “nổi tiếng” cho vay lấy lời cắt cổ, hoặc lấy làm ngạc nhiên khi có một giáo hữu nào đó “nổi tiếng” là gian ác thâm độc...

        Người ta nói “tiếng lành đồn xa”, nhưng thời nay vì là thời đại của thông tin nên tiếng dữ đồn xa hơn tiếng lành, khi có một người Ki-tô hữu nào đó làm việc trái với tinh thần bác ái của Phúc Âm.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Hai, 12 tháng 6, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


6.     BÁN TỬ THI

        Có một phú ông bệnh đã lâu, chỉ vì lão ta coi tiền như mạng sống, nắm cứng trong tay không dám mời thầy thuốc đến khám và bốc thuốc uống, nhìn mắt ông ta thì biết là sắp chết đến nơi.

        Lúc hấp hối thì nói với vợ:

-          “Suốt cuộc đời tôi luôn tìm cách tích trử bạc tiền, khó khăn lắm mới dành dụm một ít tiền này, sau khi tôi chết, thì có thể đem da của tôi bán cho thợ thuộc da, thịt thì bán cho đồ tể, tro xương thì bán cho tiệm sơn, bà lo nhớ cho kỉ đấy...”

Nói xong thì nhắm mắt mà đi.

        Đột nhiên lại mở trừng trừng con mắt, dùng hết hơi còn lại, nói tiếng được tiếng mất:

-          “Bây giờ... người bây giờ đều... không thể tin tưởng, tiên vàn...không được...bán chịu, cần...phải lấy ...tiền ngay !”

                                                                (Quảng Tiếu phủ)

 

Suy tư 6 :

        Theo kinh nghiệm tu đức thì những người khi còn khoẻ mạnh thích hưởng thụ gì thì khi hấp hối ma quỷ dùng những thứ ấy để cám dỗ họ, mà cám dỗ rất nặng nề.

        Ông nhà giàu chính là mỗi một người trong chúng ta, chúng ta coi những thú vui xác thịt, quyền hành địa vị hơn cả sự sống của linh hồn, chúng ta thà mất linh hồn hơn là từ bỏ những đam mê những cám dỗ của ma quỷ và thế gian, ngay cả khi chúng ta nhận thức ra được mình sống trong tội, nhưng vẫn cứ tiếc rẻ những đam mê ấy mà tiếp tục phạm tội...

        Có những người trong giờ hấp hối la hét cuồng loạn làm người ta sợ hãi, có người lúc hấp hối thì thấy toàn là chuyện gái trai dâm dục, có người lúc hấp hối thì đòi ăn đòi uống.v.v... tất cả những điều ấy đều là do cơn cám dỗ của ma quỷ để giành giựt linh hồn của chúng ta trong giây phút cuối cùng, thật đáng sợ.

        Ra đi trong bình an của Chúa như tiên tri Simêon là những người luôn biết hướng tâm lên cùng Chúa trong cuộc sống của mình.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Chủ Nhật, 11 tháng 6, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


5.     THUÊ CON VE SẦU TỐT HƠN

        Có một phú ông, đối xử rất hà khắc bạc ác với đầy tớ, từ trước đến nay chưa cho họ ăn no mặc ấm.

        Một hôm, lão ta uống rượu ngâm thơ trong vườn, biết trên cây có tiêng kêu, nên đầy tớ hỏi lão ta:

-          “Lão gia, cái gì kêu trên cây vậy ?”

        Chủ nhân không thèm suy nghĩ nói:

-          “Vậy mà cũng không biết à, con ve sầu đấy !”

        Hỏi:

-          “Ve sầu ăn gì ?”

        Trả lời:

-          “Ăn gió uống sương”.

        Lại hỏi:

-          “Ve sầu có mặc áo quần không ?”

Đáp:

-          “Không mặc được”.

        Đầy tớ hỏi tiếp:

-          “Quá tốt, nên để cho con ve sầu đến hầu hạ lão gia thì có thể tiết kiệm được tiền hơn là thuê chúng tôi vậy !”

                                                                (Quảng Tiếu phủ)

 

Suy tư 5 :

        Ngày xưa cũng như ngày nay đều có những ông chủ bạc ác khi đối xử với các đầy tớ, họ đối xử bạc ác là vì họ coi đồng tiền bỏ ra to hơn cái tình đồng loại giữa người với nhau.

        Con người ta dù là người giàu sang hay nghèo khổ, dù là người có địa vị cao hay không có địa vị thì cũng đều là con người, cho nên cần phải đối xử với nhau theo lẽ công bằng và bác ái của Tin Mừng...

        Cũng có những người Ki-tô hữu xử sự theo Tin Mừng như thế với đầy tớ của mình, nên đã có những người đầy tớ trở thành người Ki-tô hữu vì ông bà chủ đối xử nhân ái với họ, họ đối xử với người làm công trong tình bác ái, vì họ hiểu rằng, trong Chúa Ki-tô tất cả mọi người đều là anh em chị em với nhau.

        Không có con người hèn và con người sang bởi vì tất cả đều được Thiên Chúa dựng nên từ bùn đất, cái hèn và cái sang đều ở nơi nhân cách của mỗi con người mà ra.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)