Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2013

Chúa nhật 2 mùa vọng

CHÚA NHẬT 2 MÙA VỌNG
 
 

Tin mừng : Mt 3, 1-12

Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần”.

Anh chị em thân mến,
Thánh Mát-thêu viết Tin Mừng cho người Do Thái tin vào Đức Chúa Giê-su, nên ngài đã trích dẫn câu nói của tiên tri I-sai-a để chứng minh cho sứ vụ của thánh Gioan Tiền Hô: “Có tiếng người hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”[1]. Và thánh Gioan Tiền Hô đã đến, đến một cách công khai, kêu gọi mọi người chuẩn bị đường sá sạch sẽ đẹp đẽ để chờ đón Đức Chúa Giê-su đến.

  1. Càng danh vọng càng sám hối ?
Tất cả mọi người đều phải sám hối vì trước mặt Thiên Chúa không ai là người công chính.

Người ta thường cho rằng, người cần sám hối là những người tội lỗi ngập đầu ngập cổ, điều này rất đúng, đó là chuyện đương nhiên, nhưng người cần sám hối và tỉnh thức trước hết là những người lãnh nhận quá nhiều ân sủng của Thiên Chúa, tức là những người được gọi là công chính, những người được hưởng những ơn lành cao quý của Thiên Chúa qua thiên chức linh mục và ơn gọi tu sĩ. Những người này cần phải tỉnh thức và đấm ngực sám hối luôn luôn, bởi vì nếu không sám hối, nếu không tỉnh thức, thì họ sẽ ngủ mê trong quyền cao chức trọng, ngủ mê trong những thỏa mãn của mình.

Thánh Gioan Tiền Hô đã nghiêm khắc cảnh cáo những người Pha-ri-siêu và Sa-đốc là những người quyền cao chức trọng thời bấy giờ rằng: “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy ? Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối...”[2] ngài đã kêu gọi tất cả mọi người hãy sám hối, nhưng cách đặc biệt mời gọi và chỉ trích thái độ kiêu căng tự cho mình là thầy dạy thiên hạ mà không chịu sám hối của người Pha-ri-siêu và Sa-đốc. Sám hối để được tha tội, và sám hối để được trở nên những người mong chờ ngày Chúa Giê-su lại đến trong vinh quang.

Thủ lãnh thế gian không cần và không muốn sám hối vì họ không muốn chờ đón ngày Đức Chúa Giê-su đến, nhưng những thủ lãnh của cộng đoàn dân Thiên Chúa thì cần phải sám hối và chuẩn bị luôn, bởi vì một mục tử biết sám hối thì cả cộng đoàn dân Thiên Chúa được hưởng ơn tha thứ và ơn thánh của Thiên Chúa, đó chính là hoa quả của lòng sám hối vậy.

  1. Sám hối là chuẩn bị con đường cho Thiên Chúa đến.
Con đường, tự nó là sự kết nối giữa điểm nầy với điểm khác, nó cũng là sự hy vọng cho những người ở khắp nơi trên thế giới xích lại gần với nhau. Chuẩn bị con đường cho Thiên Chúa đến cũng là chuẩn bị cho mình một con đường đến với Thiên Chúa ngay tại trần gian này, đó là con đường của sự sám hối noi gương của Đức Chúa Giê-su trong hoang địa: ăn chay, cầu nguyện và luôn kết hợp với Cha trên trời.

Sám hối là quyết tâm sửa đổi những tính hư tật xấu của mình để phù hợp với tinh thần Phúc Âm của Đức Chúa Giê-su dạy; sám hối là quét sạch những kiêu căng, ghen ghét, ích kỷ, giận hờn trong tâm hồn chúng ta, bởi vì đó chính là những rác rưởi dơ bẩn cản ngăn ân sủng của Thiên Chúa đến với chúng ta...

Anh chị em thân mến,
Mỗi ngày chúng ta đều có sám hối và mỗi ngày chúng ta đều có phạm tội làm mất lòng Thiên Chúa, chính những tội lỗi ấy đã ngăn cản không cho người anh em chị em chúng ta đến với Thiên Chúa, và cũng làm cản trở bước chân của chúng ta đến với Ngài trong cuộc sống hôm nay.

Thánh Gioan Tiền Hô đã mời gọi chúng ta -tất cả mọi thành phần dân Thiên Chúa- phải sám hối không miễn trừ một ai, bởi vì chỉ có sám hối và quyết tâm hối cải, chúng ta mới đón nhận được ơn sủng và lòng thương xót của Thiên Chúa. Đó chính là chuẩn bị con đường để Thiên Chúa đến vậy.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.


[1] Mt 3, 3 ; Is 40, 3.
[2] Mt 3, 7-8.

Áo may-ô vui vẻ

ÁO MAY-Ô VUI VẺ
 
 

Ngày xưa có một ông vua, ông ta nghe nói trong dân chúng có loại áo may-ô, nếu mặc nó vào thì biến thành người rất vui vẻ. Thế là ông ta giả trang làm một thương gia đi vào trong dân gian tìm áo, ông ta hỏi thăm mấy người, kết quả ông ta phát hiện mọi người đều có cái khổ của mình.

Nhà vua rất nghi ngờ:“Trên thế gian, lẽ nào không có người vui vẻ sao ?”

Lúc ấy, có một ông già đi qua đó nói:“Trên núi có một em bé, mỗi ngày nó nghêu ngao hát bài ca chăn dê, từ trước đến nay trong lòng nó không có điều gì buồn bực, nhứt định nó phải là người vui vẻ.” Nhà vua nghe xong thì vội vàng đi lên núi, quả nhiên trên núi có một thiếu niên mặc một cái áo may-ô đã cũ và rách, da đen vì nắng cháy, nó đuổi theo bầy dê vui vẻ hát nghêu ngao.

Nhà vua đến trước mặt thiếu niên và nói:“Cháu cảm thấy mình vui vẻ chứ ?”

Thiếu niên lớn tiếng trả lời:“Rất vui vẻ ạ !”

Nhà vua rất vui vẻ, lại hỏi:“Cháu có thể bán cho bác cái áo may-ô đó chăng ?”

Thiếu niên lắc đầu. Nhà vua lại hỏi lần nữa, thiếu niên vẫn cứ lắc lắc đầu, nhà vua nổi giận bước vội lên phía trước muốn coi cái áo may-ô như thế nào. Nhưng ông ta kinh ngạc phát hiện ra rằng: cái áo ấy chẳng qua chỉ là một cái áo may-ô bình thường mà thôi.

Gợi ý:
      Các em thân mến,
Nhà vua chịu trăm đắng ngàn cay để đi tìm cái áo may-ô vui vẻ, và cho rằng mặc nó vào thì sẽ được vui vẻ. Nhưng vui vẻ thì phát xuất từ con tim chứ không phải phát xuất từ cái áo may-ô hoặc bất cứ vật gì, bởi vì nếu trong lòng chúng ta vui vẻ, thì chúng ta cảm thấy mọi thứ chung quanh chúng ta cũng vui vẻ, bởi vậy cho nên mới có câu nói rằng: “Người buồn cảnh vật có vui bao giờ.”
     Thánh Phao-lô tông đồ đã mời gọi chúng ta hãy vui luôn trong Chúa, bởi vì cái vui của con người đem lại thì không bền không lâu, chẳng hạn như: các em muốn thỏa mãn lòng giận dữ khi bạn bè chọc ghẹo thì chửi toáng lên cho thỏa lòng hoặc tìm cách trả thù, nhưng rồi khi về nhà thì sẽ hối hận và buồn phiền; hoặc là muốn chọc phá người hàng xóm cho vui nên đi ăn cắp trái cây vườn nhà của họ, thế nhưng sau đó thì cảm thấy buồn vì mình làm sai...
     Cho nên, các em nhớ phải vui luôn trong Chúa, nghĩa là luôn làm việc thiện, giúp đỡ người khác; luôn đối xử vui vẻ với bạn bè, thì niềm vui trong lòng sẽ đầy ắp luôn mãi và tràn ra trên mắt trên miệng, trên mọi hành động và lời nói của chúng ta...

Các em thực hành:
-      Luôn thành thực với mình và với mọi người thì mới có vui vẻ luôn.
-      Làm tốt bổn phận của mình thì có vui vẻ.
-      Mỗi ngày cố gắng làm một việc thiện.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2013

Tiến sĩ mua lừa

TIẾN SĨ MUA LỪA
 
 

Có một người được gọi là học rộng, bác cổ thông kim, đi mua một con lừa nhỏ, khi viết giấy biên nhận thì viết dồi dào trôi chảy những ba trang giấy, nhưng không thấy chữ “con lừa” nào trong cả !
(Nhan thị gia huấn)

Suy tư:

     Con người thời nay thích cái gì là ngắn gọn, nhanh nhẹn nhưng súc tích ý nghĩa, đạt chất lượng và dễ hiểu, bởi vì thời giờ đối với họ là vàng bạc.

Có người được mời để thuyết trình trong buổi họp của thanh thiếu niên, thì nói tràng giang đại hải, không đi vào nội dung, kết quả phòng họp biến thành phòng...ngủ gật tập thể !

     Có những linh mục khi lên tòa giảng thì nói thao thao bất tuyệt, thỉnh thoảng pha trò để chọc cười giáo dân, nhưng giáo dân...đốt đuốc tìm cũng không thấy ý chính của bài giảng, bởi vì cha giảng lễ quá chú trọng đến các danh từ thần học, phạm trù triết học, phụng vụ và thỉnh thoảng chêm vào vài tiếng La Tinh hoặc tiếng Anh, để ra vẻ ta đây học nhiều, mà không chú trọng đến đối tượng của mình là ai: là giáo dân hay các thầy trong đại chủng viện ?

     Có người khi cầu nguyện thì hết xin cái này đến xin cái nọ, hết than thân rồi oán phận, mà không có một chút tâm tình chúc tụng ngợi khen và cảm tạ Thiên Chúa...

Học thần học và triết học là để hộ giáo, nhưng để chia sẻ Lời Chúa cho giáo dân nghe thì phải sống và cảm nghiệm những gì mình đã sống qua bài Phúc Âm hôm đó.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Thứ Năm, 5 tháng 12, 2013

Buộc uống nước khùng

BUỘC UỐNG NƯỚC KHÙNG
 
 

Ngày xưa, ở một nước nọ có một nguồn nước, tên là “nước khùng”.

Người trong nước uống nguồn nước này, nên không một ai là không phát khùng, chỉ có nhà vua vì uống nước giếng nên không bị bệnh khùng.

Tất cả người dân trong nước đều bị khùng, do đó mà họ lại cho rằng nhà vua mới thật là người điên, thế là họ hợp lại bắt giữ nhà vua, và bắt vua phải trị bệnh điên của mình.

Họ vừa dùng ngải để đốt vua, vừa châm cứu  bằng kim châm bạc, vừa sắc thuốc rót vào, có phương pháp gì cũng đều đem ra dùng.

Nhà vua chịu không nổi sự dày vò ấy nên cũng đành phải uống “nước khùng”, và cũng bắt đầu nổi khùng như mọi người.

Đợi đến khi quần thần lớn nhỏ, ai ai cũng phát khùng lên như thế, thì mọi người mới vui mừng hớn hở.
(Tống thư)

Suy tư:

     Lúa mì và cỏ lùng cùng nhau phát triển trong một đám ruộng, nếu không chú ý thì ta khó mà phân biệt được đám lúa non và cỏ lùng, vì chúng nó tương tự giống nhau, do đó mà ông chủ không cho đầy tớ đi nhổ cỏ lùng, vì sợ lầm, sơ ý mà nhổ luôn cả lúa, nhưng để một thời gian dài (đến mùa gặt) cả hai cùng lớn lên, thì rất dể dàng phân biệt lúa và cỏ lùng.

     Người xấu thời buổi này có khi diện mạo bên ngoài “bảnh” hơn người tốt, khó mà phân biệt được, họ cũng đi lễ nhà thờ, cũng đi rước lễ, cùng làm vài ba việc phúc đức, nhưng trong lòng thì đầy ăm ắp mưu kế hại người. Cũng có khi họ vung tay trái lên án người xấu, nhưng tay phải thì bắt tay ủng hộ việc làm của người bất chính, và thế là chúng ta khó mà phân biệt được ai là người xấu và ai là người tốt !

     Nếu tôi không có lập trường vững chắc được bám sâu vào trong nền tảng của đức tin, thì tôi cũng sẽ bị bắt buộc uống “nước khùng” là a dua vào đám đông vui buồn theo “thời tiết” nóng lạnh, là đồng hóa với những trào lưu của thời đại nghịch cùng đức tin “nhìn gà hóa cuốc”, và lúc đó tôi cũng sẽ rất dễ dàng lầm tưởng người xấu thành người tốt và người tốt thành kẻ xấu.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Thứ Tư, 4 tháng 12, 2013

Thay đổi

THAY ĐỔI
 

     Trong bữa cơm thân mật để cổ võ ơn thiên triệu có các đấng bậc tham dự, giáo dân nêu lên bức xúc với mọi người:

-“Tại sao các thầy khi còn ở trong đại chủng viện thì dễ thương, hiền lành, khiêm tốn, lễ phép, một bẩm hai thưa, nhưng sau khi làm linh mục rồi thì đa phần các thầy tính tình thay đổi nhanh chóng, trái ngược với tính tình khi còn ở trong chủng viện…!""
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Nộp thuế nhà thờ

NỘP THUẾ NHÀ THỜ
 
 

      Nhà thờ còn tốt đẹp khang trang, ở nhà quê nằm mơ cũng không được một ngôi nhà thờ như thế, nhưng cha sở nói vì nhu cầu mục vụ nên cần phải xây lại nhà thờ và các phòng ốc khác cho “hoành tráng” hơn.

     Thế là những gia đình có con em đi lao động nước ngoài lại “cày” thêm, để có tiền gởi về cho gia đình nộp cho cha sở xây nhà thờ.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Thứ Ba, 3 tháng 12, 2013

Con rơi xuống nước

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch và viết suy tư


MỖI NGÀY

MỘT CÂU CHUYỆN

(Tập 3)

 

Lời ngỏ,

“Mỗi ngày một câu chuyện” là những câu chuyện được chọn lọc và dịch nguyên văn trong tổng tập truyện “Chuyện hài châm biếm của các thời đại Trung Quốc”, cùng với những bài suy tư ngắn thực tế trong cuộc sống đời thường của người dịch…

“Mỗi ngày một câu chuyện” có thể giúp gợi ý cho quý linh mục soạn bài giảng, quý anh chị giáo lý viên làm minh hoạ cho bài giáo lý, ngoài ra nó cũng là những câu chuyện có ích khi giải trí sau moat ngày lao động mệt nhọc…

“Mỗi ngày một câu chuyện” đã được mọi người đón nhận như là người bạn vui tính trong cuộc sống.

Xin hân hạnh gởi đến các bạn “Mỗi ngày một câu chuyện".
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
 
-------------------------------

 


CON RƠI XUỐNG NƯỚC

Đứa con trai của người nọ rơi xuống nước, ông ta không nhảy xuống ngay để cứu lên, nhưng lại chạy đến nước Việt ngàn dặm xa xôi.
Có người hỏi anh ta tại sao như vậy, anh nói:
-“Nghe nói người nước Việt bơi lội rất giỏi, nên chạy đi mời người nước Việt đến cứu, không tốt hơn là tôi cứu hay sao ?”
(Kim Lầu tự)

Suy tư:
     Có những tín hữu nói: “Đợi đến mùa Phục Sinh, Giáng Sinh có cha khách đến giảng tỉnh tâm trong họ đạo rồi xưng tội luôn thể...” Đợi cha khách đến để xưng tội, thì cũng giống như ông bố thấy con rơi xuống sông mà chạy qua nước Việt kiếm người bơi lội giỏi lại cứu vậy, khi người nước Việt biết bơi lội đến nơi, thì đứa con còn sống không nhỉ ?
     Cũng vậy, chúng ta không biết ngày nào giờ nào Thiên Chúa đến gọi chúng ta, cái cần phải làm ngay chính là lo chuẩn bị linh hồn cho sạch tội để đợi chờ Chúa đến. Đi xưng tội với linh mục này hay linh mục nọ thì cũng như nhau bởi vì bí tích hòa giải vẫn thành sự. Đợi cha khách đến giải tội khi trong lòng mình đầy những tội trọng, thì nguy hiểm hơn cả ông bố chạy đi cầu cứu người khác khi em bé rơi xuống nước, bởi sự sống của linh hồn thì quý hơn mạng sống của thân xác rất nhiều, cho nên phải tự cứu mình trước khi cha khách đến giải tội, bằng cách tuyên xưng đức tin của mình nơi bí tích Hòa Giải, tức là tin và chấp nhận tình yêu của Thiên Chúa nơi bất cứ linh mục công giáo (hợp lệ) nào để tha tội cho chúng ta.
     Cha sở cũng giống như vị bác sĩ riêng của mỗi tín hữu trong họ đạo, ngài biết rõ bệnh trạng thường xuyên, chứng nan y trong tâm hồn của các tin hữu mình, cho nên “toa thuốc” của ngài rất có ích cho hối nhân. Cứ đơn sơ mà đi xưng tội với ngài.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Chết biến thành quỷ

CHẾT BIẾN THÀNH QUỶ
 
 

Nguyễn Tuyên Tử không tin có quỷ thần.

     Có người cho rằng người chết sẽ biến thành quỷ, Nguyễn Tuyên Tử bác bỏ, nói:

-“Từ xưa đến nay, người nhìn thấy quỷ đều nói quỷ mặc y phục khi còn sống, nếu sau khi chết người biến thành quỷ thì áo quần cũng sẽ biến thành quỷ”.
(Thế Thuyết Tân Ngữ)

Suy tư:

     Người vô thần thường kênh kênh cái mặt lên trời cười kiêu ngạo khi thấy người công giáo đi lễ nhà thờ, hoặc thấy người Phật giáo đi thắp hương ở các chùa chiền, nhưng tự tâm họ vẫn luôn cầu cho mình được bằng an !

     Người hữu thần nói: có thế giới thần thiêng, có trời, có phật.

     Người công giáo nói: có một Thiên Chúa hằng hữu, có linh hồn và có thưởng phạt đời sau.

     Nếu không có đời sau thì sẽ không có một Thiên Chúa công bằng, chính trực; nếu không có đời sau, thì Đức Chúa Giê-su sẽ không xuống thế làm người chịu nạn chịu chết; nếu con người chết đi rồi chấm hết thì những lời dạy dỗ của Đức Chúa Giê-su là không đáng tin cậy và những việc lành mà chúng ta làm đều lãng phí và vô ích...

     Nhưng Đức Chúa Giê-su đã xuống thế làm người, đã chịu đau khổ, chịu chết và đã sống lại, để cho nhân loại thấy rằng: có sự sống đời sau, tức là có một thiên đàng vĩnh viễn và một hỏa ngục đời đời, để bày tỏ sự yêu thương và rất công bằng của Thiên Chúa đối với con người...

     Là người Ki-tô hữu, cũng có những lúc tôi đã sống như người vô thần không tin có Thiên Chúa hiện hữu, tôi vẫn cáo gian cho người khác, tôi vẫn kiêu căng khoác lác với mọi người, vẫn gian tham, vẫn đắm mê trong dục vọng đê hèn của chính mình, và trở thành gương mù cho những người chung quanh tôi.

-------------------------------

Dịch xong, ngày 7.2.2002

Viết xong suy tư ngày lễ Chúa Chiên Lành 21.4.2002

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Chuẩn bị trước

 
CHUẨN BỊ TRƯỚC

Tham quân Hoàn Đạo Cung, mỗi lần đi săn cùng Nam quận công Hoàn Huyền, nơi lưng đều mang một sợi dây thừng đỏ thắm mềm mại, Hoàn Huyền hỏi ông ta :

-“Ông già rồi, mang sợi dây thừng làm gì vậy ?”

Hoàn Đạo Cung trả lời:

-“Mỗi lần ngài đi săn, nếu có chút gì đó không phấn khởi, thì thích trói tay thủ hạ. Tôi dự liệu cho mình, không sớm thì muộn cũng sẽ bị ngài trói, cho nên đã chuẩn bị trước sợi dây thừng này, lỡ ngài dùng sợi dây thừng vừa thô vừa gai mà trói thì đau lắm !”
(Thế Thuyết Tân Ngữ)

Suy tư :

     Người khôn ngoan là người biết chuẩn bị trước.

     Các thánh là những người luôn chuẩn bị trước cho cuộc hành trình về quê trời của họ, hành trang của họ gồm có :

Gậy là đức cậy,
Giày là đức mến,
Lương thực là Thánh Thể,
Dụng cụ y tế là bí tích giải tội,
Y phục là bác ái,
Nón an toàn là khiêm tốn.

Tất cả những thứ cần dùng này đều được các ngài bỏ vào trong ba-lô là đức tin.

Đã được chuẩn bị đầy đủ và lên đường với ân sủng của Chúa, nên các thánh đã đi tới mục tiêu của mình, dù cho trên đường đi gặp nhiều khó khăn và đôi lúc hầu như mất phương hướng.

Những người Ki-tô hữu là những người đang trên đường về quê trời, họ cũng được trang bị trước một số hành trang như các thánh, nhưng đi tới đích hay không thì đều hệ tại họ có kiên nhẫn bền chí với ơn gọi nên thánh và sứ mạng loan báo Tin Mừng bằng cuộc sống của mình hay không mà thôi.

Thiên Chúa đã chuẩn bị trước cho tôi một ba-lô đức tin và những thứ cần thiết ở trong ba lô đức tin ấy làm hành trang, tôi đã sử dụng nó để tiến về quê trời, hay sử dụng nó vào những cuộc du ngoạn vô ích ở cõi hồng trần, và có khi nguy hiểm đến sự sống đời đời của tôi ?

Ai hiểu thì hiểu.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Con sâu rượu ngụy biện

CON SÂU RƯỢU NGỤY BIỆN
 
 

Khổng Quần vì thường uống rượu nên làm hỏng việc, bạn bè khuyên ông ta:

-“Uống rượu nhiều không tốt, miệng bình rượu làm bằng vải thường thường bị thối nát, khiến cho người uống rượu cũng rất nguy hiểm.”

Khổng Quần trả lời:

-“Các anh không thấy à, bỏ thịt vô trong bình rượu thì cũng dễ mục nát vậy ?”
(Thế Thuyết Tân Ngữ)

Suy tư:

     Tai hại của việc uống quá nhiều rượu thì ai cũng biết, kể cả người say rượu, nhưng khi say thì không ai nói mình say cả, mà nói là rượu say chứ họ không say !

     Thường thì khuyên bảo những người ngoại đạo theo đạo dễ hơn là khuyên người có đạo mà thờ ơ với đạo, bởi vì chính họ luôn cho cái thờ ơ với Chúa của mình là đúng.

Họ tức tối phê bình ông cha sở:

“Cha cố gì mà ham tiền, xin lễ không đủ tiêu chuẩn năm mươi ngàn thì không làm ngay, ai xin trên một trăm ngàn thì có trống với kèn, hát với hò, con nhà nghèo làm sao xin lễ được ?”

Họ nhạo cười phê bình mấy ông bà Đạo Binh Đức Mẹ :

“Mấy người đó đi khuyên bảo gì mà khuyên bảo, con cái họ cả đời không đến nhà thờ, gia đình thì lục đục dâu con, chồng thì rượu chè cả ngày, vậy mà đi khuyên bảo ai được, mắc cở như thế mà không chịu ở nhà...”

Bởi vì họ đã có thành kiến như thế nên khuyên bảo họ “quay về với Chúa” thì thật khó hơn dời núi; bởi vì họ giữ đạo là giữ cho ông cha sở và mấy ông mấy bà đạo binh Đức Mẹ, chứ không phải giữ đạo vì Chúa vì đức tin của họ...

     Tuy nhiên, xét cho cùng, tôi cũng có một phần trách nhiệm trong sự thờ ơ của họ đối với Chúa...
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Sự giải thích mới của danh sĩ

SỰ GIẢI THÍCH MỚI CỦA DANH SĨ
 
 

Có người xin được Vương Hiếu Bá chỉ bảo, hỏi:

-“Danh sĩ nhất định phải là người rất có tài cán phải không ?

Vương Hiếu Bá nói với người ấy:

-“Danh sĩ không nhất thiết phải là người ưu tú có tài cán, chỉ cần bình thường không việc gì là được. Nhưng lúc thường phải uống rượu thả cửa, đọc thuộc làu “ly tao” thì có thể gọi là danh sĩ rồi vậy”.
(Thế Thuyết Tân Ngữ)

Suy tư:

     Giáo dân định nghĩa người đạo đức là người thường xuyên đi lễ nhà thờ, là người năng đi rước lễ, là người một tuần ăn chay hai lần, là người có đọc kinh tối và kinh sáng.v.v....

     Đức Chúa Giê-su nói:“Không phải bất cứ ai thưa với Thầy : “Lạy Chúa ! Lạy Chúa !” là được vào Nước Trời đâu”, và Chúa Giêsu định nghĩa người đạo đức là người luôn “thi hành ý muốn của Cha Thầy  là Đấng ngự trên trời”. Mà thật đúng như vậy, vì có nhiều người thường xuyên đi lễ nhà thờ, thường xuyên đi rước lễ, nhưng đồng thời cũng thường xuyên chửi vợ đánh con; có người một tuần ăn chay hai lần, nhưng vẫn ngồi lê đôi mách nói xấu hàng xóm...

     “Thi hành ý muốn của Cha trên trời” chính là chấp nhận thực tại đang sống cách vui vẻ: thực tại có thể là cảnh nghèo nàn, thực tại cũng có thể là sự đau khổ tột cùng, cũng có thể là sự giàu có, sự hạnh phúc và sự bất hạnh.v.v... Nhưng không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận hoàn cảnh thực tại cả đâu, bởi vì thực tại thì thấy rõ rõ ràng ràng trước mắt, còn ý Chúa thì ở đâu...xa vời trên trời không thấy.

     Chỉ có những người luôn cầu nguyện, cũng có nghĩa là luôn nghe và suy gẫm Lời Chúa thì mới biết cách “thi hành ý muốn của Cha trên trời” mà thôi.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Đi thăm Kê Khang

ĐI THĂM KÊ KHANG
 
 

Chung Sĩ, Lý Tinh đều rất có tài và có học vấn.

Họ không quen biết Kê Khang, cùng nhau đi thăm Kê Khang, một ngày nọ thấy Kê Khang đang ngồi rèn dưới gốc cây cổ thụ, Hướng Tử Kỳ đang ở bên kéo đồ thổi bể cho lửa cháy.

Kê Khang như không biết bên cạnh có người, chỉ lo việc rèn khí cụ và làm không ngừng tay, cho đến gần tối mà cũng không nói với họ một tiếng, họ bèn bỏ đi.

Kê Khang nói:

-“Nghe được cái gì mà đến ? Thấy được cái gì mà đi ?”

Chung Sĩ trả lời:

-“Nghe được cái muốn nghe mà đến, thấy được cái muốn thấy mà đi”.
(Thế Thuyết Tân Ngữ)

Suy tư:

     Người có thực tài học vấn là người không câu nệ tiểu tiết, họ mong mỏi muốn nghe được những lời nói, những tư tưởng hay của người khác, cho nên họ không quản ngại đường xa đường gần mà đi tìm, họ không tự cao tự đại trong kiến thức và học vấn của mình.

     Có người mới kết thúc khóa học thì quăng sách vở vào xó, nói: “Học nhiều quá rồi” và từ đó không còn “rờ” tới quyển sách nữa; có người khi nghe người ta nói cha này giảng hay, cha nọ giảng có tư tưởng thì phản bác: “Tư tưởng đó cũ rích rồi, không hợp thời.”...

     Người thời xưa “nghe được cái muốn nghe mà đến, thấy được cái muốn thấy mà đi” nên họ đã trở thành những người uyên bác và có lòng khiêm tốn, còn người thời nay thì “nghe được cái muốn nghe mà không đến vì kiêu ngạo, thấy được cái muốn thấy mà không đi vì bận cãi lý và cho mình là hay, cho nên suốt đời tâm hồn của họ cứ bị nhốt trong ngục tù kiêu ngạo và ích kỷ...
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Một con chim bình thường

MỘT CON CHIM BÌNH THƯỜNG
 
 

Kê Khang và Lữ An là đôi bạn thân, có lúc cả hai bất chấp đường xa vạn lý, cũng đến gặp mặt.
Một lần nọ, Lữ An đi thăm Kê Khang, đúng lúc Kê Khang không có nhà, đợi rất lâu mà vẫn không thấy ông ta trở về, thế là trước khi bỏ đi, Lữ An viết trên cửa một chữ “phụng”, sau khi Kê Khang trở về thì rất là thích thú, ai mà biết được tất cả hàm ý của chữ “phụng” chứ ?     
Nhưng đó lại là ý giểu cợt ông ta là “con chim bình thường”.
(Thế Thuyết Tân Ngữ)

Suy tư:

     Chế giễu và chọc cười là hai cụm từ không giống nhau, thế nhưng cũng có người lầm tưởng là nó giống nhau, cho nên mới làm cho người khác hiểu lầm và tức giận.

     Chế giễu là đem cái khuyết điểm của người ta ra mà làm trò đùa cho thiên hạ cười, chế giễu là “nhại” lại những động tác, cử chỉ, lời nói của anh em cho mọi người cười chơi, đây là một hành vi của người vô giáo dục, là một thái độ kiêu căng hợm hĩnh của người thiếu văn minh.

     Chúng ta đọc lại đoạn Phúc Âm của thánh Mát-thêu, để coi những hành động và lời nói của quân lính đã chế giễu Đức Chúa Giê-su:“Chúng lột áo Người ra, khoác cho Người một tấm áo choàng đỏ, rồi kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người, và trao vào tay mặt Người một cây sậy. Chúng quỳ gối trước mặt Người mà nhạo rằng : “Vạn tuế Đức Vua dân Do Thái !” Rồi chúng khạc nhổ vào Người và lấy cây sậy mà đập vào đầu Người. Chế giễu chán, chúng lột áo choàng ra và cho Người mặc áo lại như trước, rồi điệu Người đi đóng đinh vào thập giá” . Càng đọc chúng ta càng tức tối, giận dữ run lên vì sự chế giễu của bọn lính tráng đối với Đức Chúa Giê-su là Thiên Chúa làm người.

     Người ta cũng sẽ giận dữ nộ khí xung thiên với tôi, khi tôi chế giễu người khác, lấy họ ra làm “đề tài” chế giễu để thiên hạ cười cho vui.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư