Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2022

Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Giê-su



LỄ MÌNH MÁU THÁNH ĐỨC CHÚA GIÊ-SU

Tin mừng : Lc 9, 11b-17.

“Mọi người đều ăn, và được no nê”.

 

Bạn thân mến,

Hôm nay Giáo Hội long trọng mừng lễ kính Mình và Máu Thánh của Đức Chúa Giê-su, đây là một sự tôn vinh chúc tụng ngợi khen và cám tạ hồng ân mà Thiên Chúa đã ban cho nhân loại chúng ta, để khi chúng ta ăn và uống Máu Thịt Thánh này thì được sự sống đời đời. Trong tâm tình cảm tạ sâu sắc hồng ân này, tôi xin chia sẻ với bạn mấy điểm sau đây :

 

  1. Lao động là cơm bánh nuôi thân xác.

Khoa học ngày càng phát triển, con người ngày càng hưởng thụ, và khi thân xác được no nê đầy đủ thì linh hồn lại thiếu thốn, đó là “quy luật” của xã hội thời hiện đại. Con người ta sống ở đời không ăn không uống thì thân xác chết dần mòn, do đó mà mọi người cần phải nổ lực làm việc để có cơm bánh nuôi sống thân mình và gia đình. Khoa học càng phát triển thì con người càng khó tìm việc làm cho mình, bởi vì khoa học đã thay thế rất nhiều công việc trong các lãnh vực, tuy nhiên lao động vẫn là nhân tố chính để khoa học tiến bộ.

Mồ hôi đổ xuống trên ruộng đồng của bác nông phu để những mảnh đất trở thành hạt lúa thơm ngon nuôi sống con người; mồ hôi đổ xuống trên những nhà máy của các anh chị công nhân đã làm cho khoa học trở nên cơm bánh nuôi sống mọi người; mồ hôi đổ xuống trên bục giảng với hơi thở bay màu bụi phấn của các thầy cô giáo, được biến thành cơm bánh nuôi sống họ và gia đình...

Lao động là để có cơm ăn áo mặc, lao động là để có của cải giúp người nghèo khó đó là ý muốn của Thiên Chúa khi Ngài nói với nguyên tổ chúng ta: “Hãy cai quản vũ trụ...” Đó cũng là điều mà Thánh Phao-lô tông đồ đã dạy: “Ai không làm thì đừng ăn”.

 

  1. Hy sinh tận hiến làm nên Thánh Thể

Trước khi lìa thế gian để về ngự bên hữu Thiên Chúa, Đức Chúa Giê-su đã làm một cử chỉ yêu thương đầy khiêm tốn là rửa chân cho các môn đệ của mình, hành vi khiêm tốn này lột tả được tất cả yêu thương và hy sinh của Ngài với việc làm tiếp theo sau là lập bí tích Thánh Thể.

Bí tích Thánh Thể là bí tích Yêu Thương, là bí tích của Hy Sinh và Tận Hiến: hy sinh thân xác mình làm giá cứu chuộc tội nhân là nhân loại chúng ta, tận hiến cho Đức Chúa Cha với tất cả sự phục tùng tín thác, để thân xác hy sinh ấy trở nên tấm bánh thiêng liêng nuôi sống linh hồn người tín hữu khi Đức Chúa Giê-su nói : “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”[1]. Và thật rõ ràng khi Đức Chúa Giê-su dạy các môn đệ: hãy yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương các ông.

Yêu thương nhau tức là hy sinh và tận hiến cho nhau, mà cao đỉnh của tình yêu hy sinh tận hiến chính là chết cho người mình yêu, cũng có nghĩa là trở nên tấm bánh cho người yêu hưởng dùng, đó chính là ý nghĩa đích thực của ngày lễ Mình Máu Thánh Đức Chúa Giê-su hôm nay.

Bạn thân mến,

Mỗi lần chúng ta đi tham dự thánh lễ là chúng ta phải có tâm tình xác tín rằng: bánh miến và rượu nho trên bàn thờ ấy, cũng có những công lao vất vả mồ hôi của chúng ta góp vào, với tất cả những tâm tình hy sinh và yêu mến, nó sẽ trở nên Máu Thịt của Đức Chúa Giê-su Ki-tô nuôi sống linh hồn và thân xác của chúng ta ở trần gian này. Do đó mà mỗi người trong chúng ta phải hết sức kính trọng, yêu mến và khiêm cung khi lãnh nhận Mình và Máu Thánh của Đức Chúa Giê-su nơi tay của linh mục trao ban.

Trong tâm tình ngày lễ hôm nay, tôi xin bạn hai điều :

-         Với sản phẩm thành quả của lao động mà chúng ta đã làm ra, trước hết là để nuôi sống bản thân và gia đình, sau là xin anh chị em thay mặt Đức Chúa Giê-su vươn cánh tay nối dài của Ngài nơi chúng ta đến với những người nghèo khổ, đến các viện mồ côi, viện dưỡng lão.v.v.v... để giúp đỡ họ.

-         Mỗi lần đi đến nhà thờ tham dự thánh lễ, xin anh chị em ý thức rằng: mình đang về nhà Cha để cùng với các anh chị em tín hữu khác tham dự tiệc Nước Trời, do đó tôi xin anh chị em đem theo mình nụ cười tươi vui, cái bắt tay thân thiện và lời hỏi thăm quan tâm nồng nhiệt đến với mọi người mà chúng ta gặp trên đường đi, hoặc là tại nhà thờ nơi mà chúng ta đang tham dự thánh lễ ...

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

[1] Ga 6, 51.


Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện (tập 5)

 


55. NƯỚC TIỂU RA RƯỢU

        Ở Sở Khâu có một học trò, rất thích đồ cổ.

        Ngày nọ, nhặt được một đồ cổ hình dáng như con ngựa, anh ta đi hỏi người ta coi đây là vật gì, nhưng họ đều không biết, chỉ có một người nói:

-      “Cái này đại khái là đồ đựng rượu hình con ngựa đó mà !”

Anh học trò rất vui mừng, bèn làm một cái hòm quý giá bỏ nó vào trong, mỗi khi thết đãi khách thì lấy ra dùng để rót rượu.

        Có người nọ nhìn thấy thì kinh ngạc nói:

-         “Tại sao anh lại có thể lấy đồ đựng nước tiểu để tiếp đãi khách ? Nó chính là cái “súc tử” mà các phi tần trong cung đình đều nói đó !

Anh học trò quá xấu hổ, đem cái đồ vật cổ ấy quăng đi rất xa rất xa.

                                                        (Cửu Môn Tử Ngưng Đạo kí)

 

Suy tư 55:

        Có người nói ở đời đáng sợ nhất là người có lòng dạ thâm độc, bởi vì những người như thế thì như loài rắn độc luồn lách để cắn người ta, nhưng theo tôi thì có một loại người đáng sợ hơn nữa, đó là những người không biết thẹn, không biết xấu hổ.

Người ngay chính thật thà làm một chút gì trái với lương tâm thì mặt mày đỏ bừng vì xấu hổ, làm cái gì cảm thấy bất lợi cho người khác thì cảm thấy thẹn với lương tâm; còn những người không biết thẹn thì vẫn cứ trơ trơ phạm tội, vẫn cứ nhởn nhơ trên đau khổ của người khác do mình gây ra.

        Nguyên tổ A-dong và E-va đã biết xấu hổ sau khi phạm tội nên lấy là che thân và như thế có nghĩa là còn có thể chữa được, còn có thể cứu vớt.

        Ma quỷ phạm tội nhưng vẫn cứ không biết xấu hổ, lại còn kiêu căng chống nghịch với Thiên Chúa nên bị phạt đời đời trong hoả ngục mà cũng không biết thẹn, như thế là hết thuốc chữa, hết phương cứu vớt cho dù Thiên Chúa rất giàu tình thương.

        Người Ki-tô hữu phải tập biết xấu hổ và tập biết thẹn khi phạm tội, dù là tội nặng hay tội nhẹ, để biết mình còn có lương tâm ngay chính, nếu không thì cũng sẽ hết thuốc chữa vậy.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Năm, 16 tháng 6, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện (tập 5)

 


54.  CÁI HIỂU BIẾT CỦA NGƯỜI NƯỚC NGỤY

Có một người nước Ngụy thích làm đồ đạc.

Một hôm, tình cờ nhặt được một đồ vật được chế bằng đồng trên bờ đê, nó giống như cái li uống rượu, hai bên đều có hoa văn, màu sắc lộng lẫy. Người nước Ngụy rất đắc ý bèn mời bạn bè đến thưởng thức, và dùng đồ vật cổ này để rót rượu thù tiếp thân hữu bạn bè.

Đột nhiên có một người từ ngoài chạy vào, vừa nhìn thấy đồ vật ấy liền kinh ngạc nói:

-         “Ngài nhặt được đồ vật này ở đâu vậy, nó chính là cái “đũng quần bằng đồng” để bảo hộ sinh thực khí mà người ta quăng đi đấy, sao ngài lại có thể dùng nó để uống rượu chứ ?”

Người nước Ngụy ấy rất là xấu hổ, lập tức vất đi cái đồ vật bằng đồng ấy.

                                                        (Cửu Môn Tử Ngưng Đạo kí)

 

Suy tư 54:

         Cái dở của người nước Ngụy ấy là không xem xét hiểu cho thấu đáo cái mình nhặt được, thấy hình dáng giống cái ly và có hoa văn màu sắc lộng lẫy thì tưởng là cái ly uống rượu nên bị lầm to, nhưng người nước Ngụy này có một cái hay đáng để cho chúng ta bắt chước, đó là lập tức vất đi cái đồ vật mà người khác đã chỉ cho mình thấy là sai, vất đi mà không tranh biện cải cọ, không hỏi lý do tại sao, không chần chừ tiếc rẽ...

        Cái dở của người có địa vị là ở chỗ này đó là ít khi nhận ra cái sai của mình, dù cho có người chỉ ra cái sai ấy, bởi vì họ tự ái mình không thể thua cái thằng đệ tử của mình, mình mà để thằng cấp dưới sửa lưng à...! Và như thế họ sẽ lên tiếng biện minh, đưa ra lý lẽ này nọ để chứng minh mình là đúng...

        Giáo dân sẽ rất cảm phục và yêu mến một linh mục can đảm biết nói mình sai khi thấy mình sai, họ sẽ hết lòng vì linh mục ấy. Bởi vì khi một linh mục biết nói mình sai trước mặt mọi người, thì chính lúc ấy người ta sẽ không thấy cái sai của ngài nữa, nhưng người ta chỉ thấy nơi ngài một sự khiêm tốn tuyệt vời của một vị chủ chăn, và như thế cũng có nghĩa là người ta đang thấy Đức Chúa Giê-su hiện diện nơi con người của ngài.

        Đức Chúa Giê-su sẽ vui ít ít khi chúng ta thành công trong công việc, nhưng Ngài sẽ hân hoan vui sướng rất nhiều khi chúng ta can đảm khiêm tốn biết nhận ra cái sai của mình, bởi vì khiêm tốn chính là nền tảng của mọi nhân đức và thành công.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 15 tháng 6, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện (tập 5)

 


53. NGƯỜI NƯỚC TẤN HÁM LỢI

Nước Tấn có một người rất hám lợi, ngày ngày đều đến nơi chỗ họp chợ, nhìn thấy thứ gì cũng đều nhặt lấy, người quản lý chợ đuổi theo bắt hắn ta phải trả tiền, người nước Tấn nói:

-         “Lúc lòng tham của tôi nổi lên thì hai con mắt hoa lên, đầu óc phát nóng, và tất cả những đồ vật chung quanh thì giống như là của tôi, nên thật sự tôi không biết các đồ vật ấy là của ngài, ngài tặng cho tôi đồ của ngài, nếu sau này giàu có thì tôi sẽ đến báo đáp ơn ngài vậy !”

Người quản lý chợ dùng roi đánh cho hắn ta một trận, và lấy lại tất cả những đồ vật rồi bỏ đi.

Mọi người thấy như vậy đều cười nhạo hắn, người nước Tấn bèn chống nạnh chửi rũa:

-         “Tôi có lấy thì chỉ lấy công khai vào ban ngày thì vẫn còn quang minh chính đại hơn những người dùng trăm phương ngàn kế để cướp đoạt tài sản của người khác !”

                                                        (Cửu Môn Tử Ngưng Đạo kí)

 

Suy tư 53:

        Người nước Tấn thật thà khi nói đến triệu chứng lòng tham của mình nổi lên như hoa mắt, đầu óc phát nóng, và không còn biết đồ vật đó là của ai...

        Người nước Tấn tức mình chửi rủa vì mình chỉ ăn cắp ban ngày và quang minh chính đại hơn những kẻ chuyên dùng mưu mô chiếm đoạt tài sản của người khác như những ông quan tham nhũng, như những kẻ cậy quyền thế ức hiếp người nghèo...

        Nhưng người nước Tấn quên mất một điều, đó là khi đã làm người trộm cắp thì chấp nhận mình không còn danh dự, không còn thể diện nữa, mà nếu bị bắt quả tang khi ăn cắp thì càng tồi tệ hơn nữa. Đã không còn danh dự, không còn thể diện thì làm gì mà có quang minh chính đại chứ !

        Không ai trọng danh dự cho bằng người Ki-tô hữu, bởi vì họ có hai loại danh dự: danh dự của cá nhân và danh dự làm con của Thiên Chúa, danh dự cá nhân họ có thể không màng đến, nhưng danh dự làm con Chúa thì họ phải bảo vệ đến cùng cho dù mất mạng sống.

Và để bảo vệ danh dự cá nhân cũng như danh dự làm con Chúa thì việc trước tiên là họ sống quang minh chính đại, tức là không trộm cắp, không tham nhũng, không thề gian nói dối, không kiêu ngạo khoe khoang, và quan trọng hơn tích cực hơn đó chính là họ biết giúp đỡ tha nhân.

Đó chính là cái quang minh chính đại của chúng ta là những người Ki-tô hữu vậy.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Ba, 14 tháng 6, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện (tập 5)

 


52.   CẮT THỊT GIẤU NGỌC

Trước đây có một ngư phủ, tìm được một hạt trân châu lớn nơi núi báu, đường kính khoảng một thốn (tấc), bèn bỏ trên thuyền và chèo trở về nhà.

Thuyền đi chưa tới một trăm dặm thì cuồng phong nổi lên, sóng to gió lớn, bổng có một con giảo long ẩn hiện trong nước khiến cho mọi người kinh sợ bất an.

Thuyền viên nói với ngư phủ:

-         “Con giảo long muốn hạt minh châu của ông, mau đem viên ngọc quăng xuống nước, nếu không thì sẽ liên hệ đến chúng tôi đấy !”

Ngư phủ rất tiếc rẻ nhưng không thể bỏ viên ngọc, tình thế càng thêm nguy hiểm. Thế là xẻ đùi chân của mình và viên ngọc bỏ vào trong đó, quả nhiên sóng biển yên lặng.

Nhưng về đến nhà, thì ngư phủ bị chết vì bắp đùi của ông ta bị lở loét quá nặng.

                                                        (Cửu Môn Tử Ngưng Đạo kí)

 

Suy tư 52:

        Trên thế gian, mạng sống là cao quý nhất, bởi vì mạng sống chỉ có một và không có vàng bạc châu báu nào đổi được mạng sống, vậy mà trên thế gian này vẫn cứ có người coi vàng bạc châu báu quý hơn mạng sống của mình, đó là những người tham lam.

        Người tham lam là người yêu quý của cải vật chất hơn mạng sống của mình.

        Của cải vật chất cũng có giá trị của nó mà con người phải làm lụng đổ mồ hôi mới có được, nhưng nó không đáng để cho chúng ta hy sinh linh hồn và mạng sống của mình, có nghĩa là chúng ta đừng tham lam những của cải ở đời này và nhất là những của cải không phải do chúng ta tạo ra như tham nhũng, trộm cắp của công của tư...

Tham lam là mẹ của lừa dối, lừa dối đẻ ra ăn trộm, ăn trộm đẻ ra tham nhũng, tham nhũng là anh của hối lộ, hối lộ đẻ ra cửa quyền, cừa quyền là sếp của kiêu ngạo, kiêu ngạo đẻ ra hống hách, hống hách thì làm cho mọi người chán ghét, chán ghét là chị của thù hận, thù hận sinh ra chém giết, chém giết thì phải ở tù, tù ở đời này còn có thể ra, chứ ở tù trong hoả ngục thì có mà...mút mùa lệ thủy, đời đời chẳng cùng.

Xin Chúa ban cho chúng ta biết coi trọng mạng sống thân xác cũng như linh hồn mình, bởi vì chính Đức Chúa Giê-su đã hy sinh mạng sống của Ngài để cứu chuộc mạng sống của chúng ta.

Vậy thì sá gì ba thứ của cải nay còn mai mất ấy mà chúng ta phải chết đời này cũng như đời sau chứ !


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện (tập 5)

 


51.   LŨ CHUỘT THAM ĂN

Con chuột thích ăn vụng lúa gạo vào nửa đêm.

Người đất Việt (bây giờ là vùng đất tỉnh Triết Giang-Trung Quốc) đem lúa gạo cất vào trong vại để mặc cho chuột ăn mà vẫn phớt lờ, con chuột bèn đi kêu tất cả đồng bọn lại ăn trộm lúa gạo.

Sau đó, người Việt đem lúa gạo ở trong vại cất đi và đổ nước đầy vại rồi rắc đường gạo lên trên, màng đường phủ đầy mặt nước, lũ chuột hoàn toàn không hay biết, vẫn còn cho rằng đó là lúa gạo nên nhảy vô vại ăn vụng, kết quả là tất cả đều bị chết chìm.

                                                                                (Dã sử)

 

Suy tư 51:

         Bóng đêm là đồng loã của tội lỗi, bóng đêm cũng là đồng loã cho việc trộm cắp, và bóng đêm cũng là cạm bẩy cho người tốt cũng như người xấu.

Con người ta thường hay bắt chước nhau trong cách ăn mặc, nên gọi là mốt thịnh hành; người ta cũng thường hay bắt chước nhau sống hưởng thụ, nên gọi là nhàn cư; nhưng rất ít người bắt chước gương lành mà các thánh nam nữ đã sống như Chúa dạy.

Người bắt chước nhau làm điều xấu như: gian dâm, nói xấu người khác, kiêu ngạo, giết người.v.v... thì trước sau gì cũng chết phần linh hồn, bởi vì họ chỉ thấy cái hưởng thụ sung sướng vật chất phần xác trước mắt, cũng như lũ chuột đã chết chìm cả đám vì chỉ thấy đường ngọt bên trên mà không thấy phần chết nguy hiểm bên dưới, và bởi vì lũ chuột bắt chước nhau ăn trộm, tức là làm điều xấu...

Những người Ki-tô hữu có một thói quen bắt chước rất tốt lành, đó là họ bắt chước nhau đi dâng thánh lễ ngày chủ nhật, họ bắt chước nhau tham dự các bí tích Thánh Thể và Hoà Giải, và từ những bắt chước thánh thiện trong nhà thờ này, họ lại bắt chước nhau làm việc thiện, hoạt động tông đồ, bắt chước nhau làm gương tốt cho giới trẻ, cho thiếu nhi ngoài xã hội. Những bắt chước này sẽ làm cho họ được hạnh phúc ở đời này cũng như ở đời sau.

Bắt chước nhau và rủ nhau làm việc lành và bắt chước nhau rủ nhau làm sự dữ, tôi thích chọn loại nào ?


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)