Thứ Bảy, 14 tháng 2, 2015

Chúa nhật 6 thường niên



CHÚA NHẬT 6 THƯỜNG NIÊN

Tin Mừng: Mc 1, 40-45
“Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”.

Anh chị em thân mến,
Bệnh cùi – dấu hiệu của bất hạnh.
Người ta ai cũng sợ người mắc bệnh cùi, vì người mắc bệnh cùi thì thân thể không được lành lặn: ngón tay ngón chân bị rụng mất, thân thể chảy nước vàng rất ghê và ngứa ngáy khó chịu, người Do Thái ai mắc bệnh này thì bị loại ra khỏi cuộc sống của xã hội, nghĩa là phải trốn vào rừng sâu tránh xa mọi người. Đó là nỗi bất hạnh lớn nhất của người cùi, ai cũng xa lánh họ, kể cả bà con thân thuộc, họ trở thành kẻ cô đơn.

Người ta ai cũng sợ bệnh cùi, dù khoa học hôm nay có thể trị được bệnh ấy, nhưng ấn tượng bệnh cùi để lại trong đầu óc con người rất mạnh mẽ, do đó mà nhiều lúc, con người ta thường e dè sợ sệt khi tiếp xúc với người mắc bệnh cùi đã lành bệnh. Đó cũng là nỗi bất hạnh của người cùi, không được loài người chấp nhận sống chung với họ.

Bệnh cùi trong tâm hồn – dấu hiệu của sự chết.
Bệnh cùi nơi thân xác thì ai cũng thấy và cũng biết do đó mà ai cũng phải tránh. Nhưng bệnh cùi trong tâm hồn thì không ai thấy, không ai biết, vì người bệnh dáng vẻ bên ngoài rất đàng hoàng đạo mạo, áo quần tươm tất và có những lời lẽ đạo đức, nhưng trong tâm hồn thì chứa đầy những mưu mô hại người, họ đi đến đâu thì ở đó có chia rẻ, có tranh chấp và có sự ghen ghét chen vào.

Bệnh cùi trong tâm hồn là dấu hiệu của sự chết chóc mà từ thuở tạo thiên lập địa, Ca-in đã mắc phải và đã giết chết em mình là A-ben với những lời lẽ rất thân tình và tỏ vẻ săn sóc em mình, nhưng bên trong tâm hồn thì đầy những ghen tương, hậm hực...

Bệnh cùi trong tâm hồn chính là những tội lỗi mà chúng ta đã mắc phải, những tội lỗi này có khi chỉ một lời nói xúc phạm đến anh chị em mà chúng ta không biết, có khi nó cũng là một cử chỉ kiêu ngạo khiến cho người khác cảm thấy khó chịu, những tội nhỏ này sẽ trở thành lớn hơn, khi chúng ta không tìm cách trị liệu cho đến nơi đến chốn, thì nó trở thành thần chết cho linh hồn của chúng ta.

Bí tích Hòa Giải – phương thuốc chữa lành.
“Tôi muốn, anh hãy được sạch”, chỉ một lời nói mà Đức Chúa Giê-su đã chữa lành người mắc bệnh phong cùi, một thứ bệnh bất trị mà ai mắc phải đều coi như đã chết.

Đức Chúa Giê-su chính là người thầy thuốc của mọi thời đại. Ngày xưa đã vì chạnh lòng thương dân chúng lầm than mà Ngài đã ra tay chữa lành các thứ bệnh tật, không những nơi thân xác mà ngay cả trong tâm hồn cho họ. Ngày hôm nay chính Ngài cũng là vị bác sĩ không những giàu lòng thương xót mà còn thấu suốt mọi tâm hồn, Ngài vẫn sẵn sàng chữa lành bệnh tật cho những ai kêu cứu đến Ngài.
Nơi bí tích Hòa Giải, chính Đức Chúa Giê-su đã chữa lành bệnh cùi trong tâm hồn cho chúng ta qua thừa tác viên của Hội Thánh là linh mục- chính các ngài với năng quyền đã lãnh nhận từ nơi Thiên Chúa qua Giáo Hội đã nói với tội nhân: “Tôi, với năng quyền của Hội Thánh ban cho, tôi tha tội cho anh (chị), nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Cũng chỉ một lời nói mà mọi bệnh tật trong tâm hồn chúng ta đều được chữa lành.

Vì lòng thương yêu nhân loại vô bờ bến mà Đức Chúa Giê-su đã lập ra bí tích Hòa Giải để tiếp tục bày tỏ tình yêu cứu độ của Ngài cho nhân loại, chính Ngài đã kêu mời chúng ta hãy thật tình sám hối và ăn năn các tội của mình để được tha thứ và được cứu độ.

Gợi ý suy tư:
-    Có lúc nào tôi ý thức được mình là người mắc bệnh cùi trong tâm hồn, để mà xin Chúa chữa lành ?
-    Mỗi khi tôi bị người khác chống đối chỉ trích và cảm thấy cô đơn, tôi có nghĩ đến những người khác đang bệnh hoạn cô đơn hơn mình, để an ủi mình không ?


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Phá bỏ cổ lệ (2)



PHÁ BỎ CỔ LỆ (2)
Trước tết một tuần, cha sở thông báo trong nhà thờ là ba ngày tết xin giáo dân, bất kỳ ai, đừng mời ngài đến nhà dùng cơm, muốn chúc tết ngài thì sau thánh lễ giao thừa cùng nhau chúc tết trong nhà thờ là được rồi…
Giáo dân có người ngạc nhiên, có người hiểu biết nói:

-         “Cha sở mới của mình vậy mà hay, không thiên vị ai.”

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Phá bỏ cổ lệ (1)



 PHÁ BỎ CỔ LỆ (1)
Cha sở và ban hành giáo họp cuối năm để chuẩn bị cho chương trình ba ngày tết. Không thấy cha sở đề ra mồng một tết Chúa, mồng hai tết ông bà.v.v...một thành viên thắc mắc hỏi cha sở:
-         “Thưa cha, năm nay trong thánh lễ minh niên mồng một tết Chúa, có bỏ thùng tiền lì xì cho Chúa như cha sở cũ vẫn làm không ? ”
Cha sở cười nói:

-         “Chúng ta đừng đem Chúa biến thành ông vua trần gian phải cống nạp đầu năm cho Ngài, nhưng Chúa muốn tất cả con cái của Ngài đi lễ ngày đầu năm, để tán tụng ca ngợi và cảm tạ tình yêu Ngài ban cho chúng ta trong năm cũ, và cầu xin Ngài ban ơn cho chúng ta trong năm mới là Ngài vui rồi.”

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Tiếng Chúa



TIẾNG CHÚA
Mấy ngày nay, cha sở nghe giáo dân nói nhiều về chuyện đức giáo hoàng Phan-xi-cô lên án các mục tử đem bánh độc cho chiên ăn chứ không đem Lời Chúa cho họ, vì các ngài sống xa hoa đua đòi và xa rời giáo dân...

Ngài nghe được mà như cảm thấy như tiếng Chúa nói với mình qua đức giáo hoàng, và lên án mình qua giáo dân...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Mục tử và làm công


MỤC TỪ VÀ LÀM CÔNG
Cha sở nọ chia sẻ với các anh em linh mục khác:
“Thánh lễ xong, mọi người ra về, mình đi đóng cửa sổ nhà thờ, sắp ghế quỳ lại cho ngay ngắn, nhặt bình nước suối lăn lóc trong nhà thờ.v.v...”
Rồi ngài cười vui nói tiếp:

-         “Khi có giáo dân thì mình là một mục tử, khi vắng giáo dân thì mình là một người làm công trong nhà Chúa...”

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.