Thứ Bảy, 13 tháng 10, 2018

Chúa nhật 28 thường niên



CHÚA NHẬT 28 THƯỜNG NIÊN
Tin mừng : Mc 10, 17-30
“Hãy đi bán những gì anh có rồi đến theo tôi”.
Bạn thân mến,
Con người ta ai cũng muốn được giàu có, muốn có nhiều của cải vật chất để sống sung sướng, nên thức khuya dậy sớm để đi kiếm tiền. Vì “đồng tiền nối liền khúc ruột” của con người, cho nên con người dù phải nguy hiểm đến bản thân cũng cố làm cho “khúc ruột” của mình càng ngày càng lớn, như vậy mới thoả mãn những nhu cầu của cá nhân mình.
1. Tuân giữ các lề luật chưa chắc đã được vào Nước Trời bởi vì Chúa Giê-su còn nhắc nhở cho anh thanh niên giàu có : “Anh phải về bán hết những gì anh có mà cho người nghèo...” (Mc 10, 21b), bởi vì lề luật không làm cho chúng ta được cứu độ, nhưng chính là tin vào Đức Chúa Giê-su.
Giàu có không phải là cái tội, nhưng sự giàu có thường làm cho con người ta dễ dàng phạm tội và phạm tội nặng hơn những người khác, bởi vì tiền bạc vật chất mà chúng ta có và sử dụng, nó không có con mắt để nhìn thấy người nghèo mà giúp đỡ, nó không có tâm hồn để biết cảm thông, cho nên nó dễ dàng làm cho con người đi lầm đường lạc lối, do đó mà Đức Chúa Giê-su đã cảnh tỉnh anh thanh niên giàu có, cũng như là để nhắc nhở cho chúng ta ngày hôm nay biết rằng: con lạc đà đi qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào thiên đàng.
2. Người biệt phái và các kinh sư cũng như các thầy thông luật đã tuân giữ cách hoàn hảo lề luật, nhưng vẫn bị Đức Chúa Giê-su chê trách, bởi vì họ chỉ giữ luật theo kiểu mặc áo choàng cho đẹp cho oai với mọi người, còn tâm hồn thì thật xa cách lề luật, bởi vì họ đã coi thường những người nghèo khó, những người goá bụa và những người neo chiếc cô đơn, nhưng, trái lại một La-gia-rô nghèo khó không cơm ăn áo mặc, đã được ngồi trong lòng của tổ phụ A-bra-ham để hưởng hạnh phúc thiên đàng.
Khoảng cách giữa giàu có và thiên đàng không phải chỉ đo bằng tiền bạc hay vật chất, nhưng được đo bằng sự bác ái và yêu thương tha nhân, cho nên nó rất xa và cũng rất gần. Xa là vì chúng ta coi tiền bạc như là cứu cánh của cuộc sống, cho nên tiền bạc đã như một hố lửa sâu ngùn ngụt ngăn cách giữa chúng ta và thiên đàng; gần là vì chúng ta thanh thoát trong việc sử dụng tiền bạc với tinh thần bác ái phục vụ tha nhân, coi tiền bạc như một công cụ trợ lực cho sự phục vụ ấy tốt đẹp hơn...
Bạn thân mến,
Người thanh niên giàu có trong Tin Mừng hôm nay chính là hình ảnh của bạn và tôi và của những người Ki-tô hữu khác, chúng ta đi tham dự thánh lễ để giữ trọn lề luật như Chúa và Hội Thánh dạy, nhưng chúng ta chưa thực hành đúng cốt lõi của lề luật là bác ái và yêu thương.
Hưởng thụ những công lao thành quả của mình làm ra là một hạnh phúc, nhưng càng hạnh phúc hơn khi chúng ta biết chia sẻ với tha nhân những của cải mình có được, bởi vì khi cho đi chính là lúc nhận lại, cho nhiều thì nhận nhiều, mà cho tất cả là nhận được thiên đàng làm gia tài của mình vậy...
Câu hỏi gợi ý :
1/ Tự xét mình, anh (chị) có thấy là mình giàu có hơn người nghèo không, và có lúc nào anh (chị) chia sẻ với người nghèo cái của mình có: vật chất và tinh thần ?
2/ Chúa nói: con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào nước thiên đàng. Anh (chị) có thấy đây là lời “chói tai” hay không, nếu không chói tai, thì anh (chị) làm gì để thực hành lời này cho đúng ý của Chúa
Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
------------------
http://www.vietcatholicnews.net 
http://www.vietcatholic.net/nhantai 
http://nhantai.info

Chủ Nhật, 7 tháng 10, 2018

Chúa nhật 27 thường niên



CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Mc 10, 2-16
“Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.”

Bạn thân mến,
“Mô-đen” nổi bật nhất của gia đình trong thế giới ngày nay chính là vợ chồng li dị nhau. Ly dị là một hành vi bạo lực tàn nhẫn làm tổn thương lâu dài tinh thần của con cái, là sự ích kỷ tàn nhẫn của cha mẹ đối với con cái của mình...
Con người thời nay viện cớ là phải theo đà tiến của văn minh nhân loại, của khoa học kỹ thuật để rồi từ chối và phủ nhận cái gốc của hoà bình chính là hạnh phúc gia đình, họ chối bỏ giá trị đạo đức cá nhân để a dua theo phong trào ly dị mà họ cho rằng, nếu mình không theo là lỗi thời. Ly dị chính là chối bỏ đạo đức căn bản trong hôn nhân mà Đức Chúa Giê-su đã nói rõ ràng : “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân li”, Thiên Chúa đã phối hợp và chúc phúc trong sự ưng thuận một cách thong dong của người nam và người nữ, chứ không phối hợp và chúc phúc cách miễn cưỡng hay gò bó của hai người, cho nên khi họ xé bỏ khế ước hôn nhân để ly dị đường ai nấy đi, thì chính họ cũng đã xé bỏ hạnh phúc của mình và con cái mình, và hơn thế nữa, họ từ chối sự chúc lành của Thiên Chúa trên tình yêu của họ: họ không thể nào tìm kiếm lại hạnh phúc hôn nhân sau khi đã ly dị...
Tình yêu chân chính là biết hy sinh cho nhau và chấp nhận những khuyết điểm của nhau, trong tình yêu vợ chồng, sự hy sinh cho nhau và chấp nhận khuyết điểm của nhau càng phải nổi bật hơn, bởi vì bao lâu họ biết chấp nhận và hy sinh cho nhau thì hạnh phúc còn ở với họ, nhưng một khi họ chỉ nhìn thấy những khổ cực của mình mà không nhìn thấy những nỗi khổ của vợ (chồng) mình, thì cánh cửa hạnh phúc gia đình đang từ từ khép lại, nhốt họ trong sự ích kỉ chỉ muốn thoả mãn những đòi hỏi của cá nhân mà thôi.
Bạn thân mến,
Hạnh phúc của đời sống hôn nhân rất là quan trọng, quan trọng là bởi vì được Thiên Chúa chúc phúc, và Đức Chúa Giê-su đã nâng lên hàng bí tích, do đó mà bạn và tôi –những người vợ người chồng- càng phải ý thức hơn nữa vai trò của mình trước mặt Thiên Chúa, đó là biết chấp nhận khuyết điểm của nhau và hy sinh cho nhau, bởi vì đó chính là những giọt mật ngọt trong tình yêu chân thật của đời sống hôn nhân theo ý của Thiên Chúa.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Câ hỏi gợi ý :
1.     Có lúc nào anh (chị) mĩm cười trước khuyết điểm của vợ (chồng) ?

2.     Có lúc nào anh (chị) nghĩ rằng: chỉ biết nghĩ đến bản thân mình mà thôi, thì sẽ làm cho gia đình mất hạnh phúc chăng ?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.