Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2022

Chúa nhật 3 Mùa Vọng



 CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG


Tin mừng: Mt 11, 2-11
“Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác ?”

Bạn thân mến,
Mặc dù bị ngồi tù, nhưng thánh Gioan Tiền Hô vẫn cứ ngong ngóng mong đợi –mong đợi trong hy vọng- Đấng mà ngài đã từng loan báo phải đến để giải thoát nhân loại thoát khỏi bóng đêm tội lỗi. Đó là ý nghĩa của chủ nhật tuần thứ ba mùa vọng này: chúa nhật của niềm vui.
Đấng ấy đã đến rồi, và Ngài đang làm cho những lời loan báo của thánh Gioan Tiền Hô được hiệu nghiệm: Ngài chữa lành bệnh tật, làm cho người mù thấy được, người què đi được và làm cho người chết được sống lại. Đấng ấy chính là Đức Chúa Giê-su –Đấng Mê-si-a- mà muôn dân trông đợi, Đấng mà bạn và tôi từng giây phút đợi chờ, dù Ngài mỗi ngày đều đến với chúng ta trong bí tích Thánh Thể và qua những ơn lành mà chúng ta đã lãnh nhận.
Có rất nhiều người thời nay vẫn còn hỏi chúng ta: “Đấng Mê-si-a của các anh đã đến chưa, sao cuộc sống của các anh không chứng tỏ gì là Ngài đến cả vậy ?” Câu hỏi của họ thật chính đáng, bởi vì họ chưa nhìn thấy người Ki-tô hữu chúng ta sống như lời của Đức Chúa Giê-su đã dạy: “yêu người thân cận như chính mình”, cho nên họ thấy chúng ta sống như không có niềm hy vọng mai sau.
Bạn thân mến,
Khi con người ta ngày càng bế tắc trong cuộc sống vì chiến tranh, đói khát, hận thù, chia rẽ, bè phái, và ngày càng bi quan với những nạn phá thai, an tử, hưởng thụ, thì người ta càng mong đợi Đấng Chân Lý đến để giải thoát thế giới khỏi bóng đêm tội lỗi mờ ám ấy.
Bạn và tôi, hoặc bất cứ người Ki-tô hữu nào cũng đều có thể trở thành một Đức Chúa Giê-su thứ hai, nếu chúng ta thực hành những điều mà Ngài đã dạy chúng ta, đó là chia sẻ cơm áo với người nghèo khó, chia sẻ niềm vui với người vui, và đồng cảm với những người bất hạnh. Như thế, người ta sẽ không hỏi chúng ta là khi nào thì Đấng Mê-si-a đến, nhưng họ sẽ thấy Đức Chúa Giê-su đang đến và đang hoạt động trong con người của chúng ta, những con người sống và làm việc vì hy vọng vào ngày trở lại Ngài.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
-----------------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info

Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


76.   XƯƠNG CỦA NƯỚC

        Tô Đông Pha hỏi ông Vương Kinh:

-       “Chữ “pha” nghĩa là gì ?”

        Vương Kinh đáp:

-      Chữ “pha”có “đất” ở phía sau là “da” của đất”[1].

        Đông Pha cười nói:

-         “Theo ngài nói mà suy ra, chữ “hoạt ”có“ nước” ở phía sau tức là “xương” của nước sao ?”[2]

        Vương Kinh không lời đáp lại.

                                                (Tô Trường Công Ngoại kí)

 

Suy tư 76:

        Nước thì không có xương cho nên nó ẻo lả mềm mại và dễ thương, nhưng nó lại có sức mạnh vô địch và không gì cản được nó khi cuồng phong bão tố nổi lên và do đó mà nó cũng rất dễ ghét.

        Các thánh tử đạo là những giòng nước rất hiền hoà khi sống với mọi người, các ngài làm cho người đối diện hân hoan và tin tưởng vì cuộc sống của các ngài phản ảnh tinh thần của Phúc Âm, nhưng các ngài cũng là những cơn bảo tố làm kinh sợ những kẻ bách hại đạo của Đức Chúa Ki-tô, tức là tín ngưỡng niềm tin của các ngài, các ngài can đảm không uý kỵ cái chết, không sợ hãi trước những căm thù Thiên Chúa của những người ghét đạo, và khi mạng sống bị cướp đi, các ngài đã trở nên giòng suối mát ngọt ngào cho những ai đang bị bách hại vì sự công chính ở đời này...

        Ân sủng của Thiên Chúa thì êm dịu và mát rượi như giòng nước mát chảy vào trong tâm hồn của chúng ta, hàng ngày chúng ta đều sống trong giòng nước ân sủng ấy, nhưng có mấy ai nhận ra đó là hồng ân của Thiên Chúa để mà cảm tạ, ngợi khen và chúc tụng Ngài ?

        Nếu chúng ta không sử dụng ân sủng Chúa ban cho để sống đẹp lòng Ngài, thì chính ân sủng sẽ nhận chìm chúng ta trong lửa đời đời...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Chữ gồm chữ ”đất” và chữ ”da” ghép lại mà thành, nên trả lời là “da của đất”, Vương Kinh nhất thời không giải thích được nên nói bừa.

[2] Chữ gồm chữ “nước” và chữ “xương” ghép lại mà thành, nên Tô Đông Pha ghẹo lại.

Thứ Năm, 8 tháng 12, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


75.   NGƯỜI CHỨNG

        Lúc Trương Quan trấn nhiệm tri phủ Khai Phong, quan tuần tra bắt được một người phạm tội đi ban đêm .

        Trương Quan hỏi:

-      “Có người làm chứng không ?”

        Quan tuần trả lời:

-         “Nếu có người làm chứng, thì người làm chứng chính là tên tội phạm vậy”.

Trương Quan cười lớn ha ha.

                                                                        (Sóng ngược)

 

Suy tư 75:

        Luật cấm đi đêm một mình là đề phòng kẻ gian, vậy thì ai dám đi đêm để làm chứng chứ ?

        Có người “đi đêm giữa ban ngày”, đây là những người gian lận trong bầu cử, những người chạy chọt cho được vào làm cơ quan này cơ quan nọ, những người hối lộ cho con em mình thi đỗ mà không cần phải được điểm cao... tất cả những người “đi đêm” giữa ban ngày này đều là những người có nhân cách và đạo đức kém.

        Có người “đi đêm ở nhà hàng”, loại đi đêm này thường không có ai làm chứng bởi vì họ ngồi công khai giữa ban ngày nhậu nhẹt cười cười nói nói và ký một hoá đơn thuộc loại quốc cấm, thế là xong, con đường phía trước mặt họ chợt sáng lên rồi tối mò lại và tâm hồn thì cứ thấp tha thấp thỏm sợ sệt...

        Ki-tô hữu là những người đi trong ánh sáng của Lời Chúa, hay nói cách khác, Lời Chúa là đèn rọi bước chân của người Ki-tô hữu, để họ dù đi bất cứ nơi đâu cũng đều đi dưới ánh sáng của Chúa, cho nên họ trở thành những mẫu gương sáng cho mọi người noi theo bằng cách ăn nết ở của họ toả sáng tình người của Phúc Âm.

        Người đi đêm tức là người không sống Lời Chúa thì ắt có ngày gặp ma: ma giận hờn, ma kiêu ngạo, ma hà tiện, ma nói xấu người khác, mà phê phán mọi người, ma nhậu, ma gái và ma cô, loại ma nào cũng làm cho họ trở nên xấu xa trước mặt Chúa và mọi người, do đó mà họ không thể nào làm chứng cho Chúa ở trần gian này được...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 7 tháng 12, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


74.   CUỐI CÙNG LÀ TÔI SAY

        “Giũ Sợi ký” là vở kịch do Côn sơn Lương Bá Long diễn vai chính.

        Một hôm huyện trưởng Thanh Bồ thấy Đồ Xích Thuỷ thấy Lương Bá Long đến thăm, bèn mời ông ta diễn vở kịch “Giũ Sợi ký”, khi nghe đến câu mùi mẫm thì cung kính nâng ly mời Lương Bá Long, nếu không thì sẽ bị phạt rượu.

        Lương Bá Long nói:

-         “Cuối cùng là tôi say.”

Và cả hai người đều cười vang.

                                                                (Sóng ngược)

 

Suy tư 74:

        Người đời có nhiều cách say :

       Có người say vì rượu,

        Có người say vì tình,

Có người say vì cờ bạc...

        Người say vì tình thì đắm mình trong tình, có khi không màng đến chuyện học hành công danh sự nghiệp; người say vì nhậu nhẹt thì tối ngày chỉ làm bạn với lưu linh, không màng đến chuyện trời đất và gia đình; người say vì cờ bạc thì làm cho mình trở thành thân tàn ma dại, và gia đình trở thành nơi ngục tù đói rách...

        Nhưng ở đời có một loại say mà không nhất thiết là phải đi nghiêng bên này ngã bên kia, đó là say mê quyền lực, người say mê quyền lực là người có những âm mưu rất “tế nhị”: họ ít uống rượu và không ham chơi bời để cho mọi người thấy họ rất đàng hoàng, để cho cấp trên tín nhiệm, họ không nóng vội nhưng biết xởi lởi với người sai lỗi để cho người ta biết họ là người tốt biết thông cảm, nhưng khi họ đã có quyền lực trong tay thì nanh vuốt lòi ra làm hại anh em đồng bạn và là kẻ nguy hại cho những ai dám chống lại họ...

        Người Ki-tô hữu có một thứ say vừa êm dịu vừa thánh thiện, đó là say mê chiêm ngắm Đức Chúa Giê-su Thánh Thể và luôn suy gẫm lời của Ngài. Nói theo kiểu nói tu đức đây là thứ say mê tình ái của Đức Chúa Giê-su.

        Say rượu thế gian và say mê tình ái của Đức Chúa Giê-su, tôi chọn loại nào giữa thế gian ô trọc này...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Ba, 6 tháng 12, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


73.   ĐIỀU HỢP ÂM DƯƠNG

        Con trai của Lý Trường Sa tướng công là Triệu Tiên lâu nay vốn rất thích lang chạ lẫn lộn cùng với ca kỹ, say đắm không tỉnh.

        Một hôm, Lý Trường Sa viết trên bàn học của con trai một hàng chữ cảnh cáo nó:

-         “Hôm nay liễu trong hẻm, ngày mai hoa trên phố, khoa trường gần tới rồi, tú tài là tú tài !”

        Triệu Tiên nhìn thấy hàng chữ này, liền viết tiếp bên dưới:

-         “Hôm nay đột nhiên mưa, ngày mai có cuồng phong, âm dương hợp điều hoà, tướng công là tướng công.”

                                                                                (Lộ thư)

 

Suy tư 73:

        Người ta thường nói “già sinh tật”, tật này ở đâu mà đến ? Thưa là những tật tứ đổ tường mà những người già cả thường hay mắc phải khi còn trẻ, tức là khi còn thanh niên trai tráng.

        Có những bạn thiếu niên mới 15, 16 tuổi mà đã tập tành tứ đổ tường, có các bạn thanh niên tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã say đắm trong những dục vọng đê hèn, làm cho họ trở nên người sống thiếu ý chí và không thích học hành...

        Con cái là niềm vui và sự hãnh diện của cha mẹ, cho nên không có gì làm cho cha mẹ đau khổ buồn phiền khi con cái hư thân mất nết, đó không những là nỗi nhục của cha mẹ mà còn là liều thuốc độc giết chết lần mòn tinh thần của cha mẹ mình vậy...

        “Hôm nay uống cà phê ôm, ngày mai đi nhậu ôm, ngày mốt lại đi mát xa” thì không thể nào trở nên tú tài được, nhưng trước sau gì rồi cũng trở nên kẻ ma cô –một ung nhọt nhức nhối- của xã hội và gia đình.

Ma quỷ rất xảo quyệt, con người ta càng về già thì nó càng đem những chuyện thời còn thanh niên trai tráng ra cám dỗ chúng ta, cho nên chúng ta cần phải cẩn thận trong cuộc sống của mình khi còn là thanh niên...

“Hôm nay đọc sách thánh, ngày mai phục vụ tha nhân, ngày mốt làm bác ái” thì cuộc sống chắc chắn rất có ý nghĩa đối với các bạn trẻ thanh niên thời nay, bởi vì khi chúng ta phục vụ tha nhân với lòng yêu mến là chúng ta đã trở nên người làm chứng nhân cho Thiên Chúa rồi vậy, cần gì phải làm những việc to lớn !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Hai, 5 tháng 12, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


72.   QỦA TÌ, ĐÀN TÌ BÀ

        Có người đem tặng cho quan huyện quả tì﹝枇杷﹞, [1]nhưng trên bảng liệt kê lễ vật ông ta viết sai chữ quả tì thành chữ “đàn tì bà﹝琵琶﹞.”

        Quan huyện cười lớn, nói:

-         “Quả tì chứ không phải đàn tì bà, chỉ hận là năm ấy nhận mặt chữ quá tệ !”

        Khách ngồi bên cạnh nghe vậy thì lên tiếng nói:

-         “Nếu như có thể làm cho đàn tì bà kết trái, thì trong thành ngoài quán đều nở hoa.”

                                                                                (Lộ thư)

 

Suy tư 72:

        Người tặng lễ vật thì viết sai chữ, người nhận lễ vật thì đọc sai chữ, cả hai đều có một lỗi là hấp tấp và không cẩn thận khi viết hoặc khi đọc chữ.

        Có người đi phúng điếu bạn bè, nhưng ăn nói hấp tấp, thay vì nói chia buồn thì lại nói xin chia vui với gia quyến; lại có người vì hấp tấp nên đem thiệp chúc tết gởi cho bố mẹ của người yêu bỏ vào phong bì gởi cho người yêu, và thiệp chúc tết gởi cho người yêu thì lại bỏ vào trong bì thư gởi cho bố mẹ người yêu, thật là hết ý.

        Có nhiều người Ki-tô hữu vẫn thường luôn chỉ phạm một tội, bởi vì họ hấp tấp đi xưng tội mà không xét mình cho kỷ càng; có những người Ki-tô hữu thường dễ dàng phạm tội, bởi vì họ hành động hấp tấp mà không suy xét cẩn thận về hậu quả của việc làm ấy như thế nào !!!

        Đức Chúa Giê-su là Đấng đầy lòng từ bi và hay thương xót, nhưng Ngài không hấp tấp làm phép lạ cho ai cả, phép lạ của Ngài làm thì luôn luôn có điều kiện kèm theo là lòng tin của đối tượng, cho nên họ đã trở nên người có tâm hồn tốt hơn sau khi được chữa lành bệnh phần xác.

        Viết sai chữ và đọc sai chữ thì không sao cả bởi vì ai cũng có lúc mắc sai phạm, nhưng người Ki-tô hữu mà hấp tấp phê phán người khác thế này thế nọ, thì đó chính là nguyên nhân làm cho người khác nhìn giáo hội của Chúa cách méo mó trong con người của chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] quả tì﹝枇杷﹞phát âm là pi-pa, nghĩa là qủa tỳ; “đàn tì bà﹝琵琶﹞cũng phát âm là pi pa, nghĩa là cái đàn tì bà.