Thứ Bảy, 11 tháng 4, 2015

Chúa nhật 2 Phục Sinh



CHÚA NHẬT II PHỤC SINH

Tin Mừng : Ga 20, 19-31
“Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.”

Anh chị em thân mến,
Hôm nay chúa nhật thứ hai phục sinh, tin mừng hôm nay rất phong phú, có những sự kiện liên quan đến đức tin của chúng ta, đó là Đức Chúa Giê-su lập bí tích Giải Tội trao quyền tha tội cho các tông đồ, và câu chuyện “cứng lòng tin” của thánh Tô-ma tông đồ. Tuy nhiên, tôi tin chắc rằng, trong chủ nhật này sẽ có rất nhiều bài chia sẻ rất hay và ý nghĩa của các linh mục về vấn đề của thánh Tô-ma và về bí tích Giải Tội cho giáo dân, do đó, tôi chỉ xin chia sẻ ngắn gọn về một vấn đề mà trong cuộc sống ai cũng tìm kiếm và mong gặp, đó là sự bình an của Thiên Chúa.

1.   Bình an – Quà tặng của Đức Chúa Giê-su Phục Sinh.
Những người đi xa về thường có quà tặng cho gia đình, cho người thân, bè bạn, quà tặng ấy chính là sự chia sẻ chân tình của người xa quê hương, nay về lại trong tình thương của gia đình của mọi người.

Đức Chúa Giê-su đã chết và đã sống lại, niềm vui này, dù không quà tặng, cũng vẫn là niềm vui lớn lao nhất của các thánh tông đồ và của các phụ nữ đạo đức thánh thiện, niềm vui này được nhân lên gấp bội khi Đức Chúa Giê-su hiện ra với các Tông Đồ và trao ban món quà chí tình của Ngài: bình an cho các con. Vâng, sự bình an chính là quà tặng đẹp nhất, hạnh phúc nhất của Đức Chúa Giê-su Phục Sinh, Ngài đã đi vào cõi chết và đã trở lại với vinh quang của Thiên Chúa, và món quà Bình An này xứng hợp với quà tặng của một vị Thiên Chúa.

“Bình an cho các con” – khi mà tâm hồn của các tông đồ hoang mang lo lắng buồn vui lẫn lộn về sự việc Chúa chết và sống lại, thì lời chúc lành của Đức Chúa Giê-su rất hợp thời và đúng lúc để củng cố đức tin và đem lại an bình cho tâm hồn của các ông.
“Bình an cho các con” – sự bình an này không giống bình an của người đời ban tặng, sự bình an của người đời là giả tạo, là tạm bợ và sẽ không tồn tại, bởi vì người đời chỉ dựa vào của cải vật chất để trấn an tâm hồn đầy những bất an. Người ta thường chúc nhau được bình an, nhưng không ai tìm được bình an trong cuộc sống, người giàu có thì cảm thấy bất an khi đêm về vì sợ kẻ trộm; người có địa vị thì sợ kẻ khác chiếm đoạt, lật đổ; người mạnh khoẻ thì sợ đau ốm.v.v... tất cả đều ở trong trạng thái mất bình an.

Chỉ có bình an của Chúa mới làm cho chúng ta được hạnh phúc, bởi vì không ai đem những thứ vô giá trị làm quà tặng, nhưng phải quý và có giá trị, quà tặng của Đức Chúa Giê-su Phục Sinh -sự bình an- là món quà vô giá mà Chúa ban tặng cho các tông đồ và cho chúng ta, những người tin.

“Bình an cho các con” – thế giới như đang sống trên một lò lửa – lò lửa chiến tranh, nước này đánh nước nọ, quốc gia này hù doạ quốc gia kia, tổ chức này bắt cóc lật đổ ám sát tổ chức nọ, và do đó mà thế gian chưa có bình an, cho nên sự bình an của Đức Chúa Giê-su ban tặng cho các tông đồ sau khi sống lại ấy, ngày hôm nay vẫn luôn còn giá trị đích thực cho nhân loại, cho những tâm hồn khắc khoải tìm kiếm bình an đích thực trong cuộc sống.

2.   Hoa quả của Bình An.
Anh chị em thân mến,
Có nhân thì có quả, có làm việc thì mới có mà ăn, có cày cấy mới có cơm gạo...

Có tranh chấp thì có cải cọ và sinh ra hận thù, có ghét ghen thì sinh ra mưu mô hại người... đó chính là chuyện nhân quả mà hằng ngày chúng ta đều thấy và biết, việc lành cũng như việc xấu, mọi thứ đều có nhân quả của nó.

Hoa quả của bình an, nhưng phải là bình an của Đức Chúa Giê-su Phục Sinh, đó chính là yêu thương, là tha thứ, là bao dung, là quảng đại, là khiêm tốn, là nhẫn nại và nhịn nhục.v.v...

Khi trong tâm hồn chúng ta có sự bình an của Đức Chúa Giê-su Phục Sinh, thì chúng ta rất biết thông cảm với người làm chúng ta bực mình; khi tâm hồn của chúng ta có sự bình an của Đức Chúa Giê-su, thì chúng ta rất dễ dàng cảm thông với những người không yêu mến chúng ta, chúng ta sẽ khiêm tốn hơn trong lời nói, trong cử chỉ và thái độ của mình... Hoa quả của bình an là như thế, nó chính là tình yêu của Đức Chúa Ki-tô thúc bách chúng ta làm việc thiện, thúc bách chúng ta vì anh em mà phục vụ như chính Ngài đã phục vụ, như các thánh tông đồ đã phục vụ Hội Thánh và phục vụ cho đến “hi sinh tính mạng vì bạn hữu của mình...”  .

Anh chị em thân mến,
Bình an này, chính Đức Chúa Giê-su đã hứa với các tông đồ trong bữa tiệc ly –chiều thứ năm- trước khi đau khổ và chịu chết, Ngài hứa: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng”. Không như thế gian ban tặng có nghĩa là Ngài đem chính tinh thần của Ngài đặt vào trong tâm hồn, trong quả tim của các tông đồ, để khi các ngài sống và làm việc, thì chính sự bình an này sẽ làm cho mọi người nhận ra Đức Chúa Ki-tô Phục Sinh trong con người của các tông đồ.

Con người ta ai cũng thích có bình an trong tâm hồn, nên luôn cầu chúc cho nhau được bình an, đó là một việc làm tốt đẹp, nhưng sẽ không có bình an thật, nếu tâm hồn chúng ta không có tinh thần Phục Sinh của Đức Chúa Ki-tô, tức là tinh thần tích cực đổi mới con người cũ của chúng ta.

Xin Đức Mẹ Ma-ri-a, Đấng đã vui mừng hoan hỉ vì con mình –Đức Chúa Giê-su- đã phục sinh, luôn ban cho chúng ta được ơn bình an của Chúa trong cuộc sống đời thường.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2015

Năm tai họa



NĂM TAI HOẠ
Có một người trí thức và một phú ông nọ là bạn hàng xóm, người trí thức hâm mộ nhà hàng xóm sống giàu có no đủ. Một hôm, anh ta quần áo chỉnh tề đi qua nhà hàng xóm thỉnh giáo về sự giàu có.
Phú ông nói:
-         “Đây là chuyện của thần thánh, muốn được thì trước tiên phải trai giới ba ngày.”
Người trí thức nghe theo và làm ngay, mấy ngày sau lại qua yết kiến.
Phú ông bày ra cái bàn nhỏ cao, tiếp nhận lễ vật bái sư của người trí thức, và sau đó mời người trí thức tiến vào phòng, nói:
-         “Đại khái là như thế này: quy luật cầu cho được giàu có, đầu tiên phải xoá bỏ năm tai hoạ, nếu không xoá bỏ thì không thể cầu được phú quý.”
Người trí thức vội vàng hỏi danh mục của năm tai họa ấy.
Phú ông trả lời
-         Đó chính là nhân, lễ, nghĩa, trí, tín mà mọi người trên thế giới đều coi trọng.
Người trí thức che miệng cười thầm mà bỏ đi.
                                                                (Trình Sứ)

Suy tư:
     Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, có thể nói được là năm cột trụ trong đời sống luân lý và nhân bản của con người, bất kỳ người Âu hay người Á, người tây phương hay người đông phương, tất cả đều coi trọng năm cột trụ này trong cuộc sống hằng ngày của họ.
     Không nhân là ác.
     Không lễ là loạn.
     Không nghĩa là phụ.
     Không trí là ngu.
     Không tín là phản.
Xoá bỏ đi năm cột trụ ấy thì mỗi người sẽ trở thành mafia cho xã hội, giàu có nhất nhưng bất nhân bất nghĩa nhất; xoá bỏ đi năm cột trụ ấy thì trở thành những con vật hung hăng, tuy sống chung với nhau nhưng tranh giành hơn thua, rình mò cắn xé nhau chỉ vì cục xương miếng thịt; xóa bỏ đi năm cột trụ ấy thì nhân loại đại loạn...
     Người sống có nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, thì đã được gọi là thánh hiền ở trần gian, nhưng nếu nhân, lễ, nghĩa, trí, tín này mà được dọi sáng bằng tinh thần của Phúc Âm, thì không những trở nên thánh hiền mà thôi, nhưng còn trở nên vị thánh của Thiên Chúa ngay tại trần gian này, họ trở thành ánh sáng cho thế gian, trở nên men và muối cho đời...
     Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, của người Ki-tô hữu chính được thể hiện rõ ràng nhất trong đời sống đức tin của mình, đó là việc thường xuyên tham dự thánh lễ và suy niệm Lời Chúa trong cuộc sống đời thường của mình, bởi vì:
-      Không một linh mục nào thường xuyên cử hành thánh lễ mà lại phỉ báng Đức Chúa Giê-su trong cách sống của mình.

-      Không một người Ki-tô hữu nào tham dự thánh lễ mà lại sống như người không biết Đức Chúa Giê-su là ai.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư 

Đã từng khơi thông



ĐÃ TỪNG KHƠI THÔNG
Trước đây có người bán thuốc trị chai chân ở trong chợ, và để câu khách hàng, ông ta treo trước cửa một bảng quảng cáo, gọi là “cung ngự” (cung cấp đồ dùng cho nhà vua), mọi người đều chế giễu cái hoang tưởng của ông.
Về sau, chuyện này bay tới tai nhà vua, vua bèn bắt ông ta về triều và gia tăng thêm tội, nhưng sau đó thì khoan hồng cho ông ta cái tội ngu xuẩn.
Sau khi ở tù về, ông ta lập tức viết thêm bốn chữ:
-      “Đã từng khơi thông”...
                                                                (Trình Sứ)

Suy tư:
     Có những người sau khi ngồi tù trở về thì lại chai lì hơn, phạm pháp hơn, bởi vì họ nói đã cùi sợ thì gì lỡ loét, họ chưa được khơi thông.
     Có người sau khi phạm pháp, bị bắt quả tang thì “tởm” đến già, vì đối với họ, phạm tội là một điều ô nhục, nhất là khi bị bắt quả tang khi phạm tội, họ đã được khơi thông.
     Ai cũng muốn mình làm điều thiện –cho mình và cho tha nhân- nhưng cái ham muốn của giác quan nó lớn hơn cái cao thượng của tinh thần, nên thường là làm ngược lại những gì mình muốn. Đức Chúa Giê-su đã thấy  điều ấy và Ngài nhắn nhủ với các Tông Đồ và cũng là nhắn nhủ với chúng ta: “Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cảnh cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối” (Mt 26, 41).
     Người Ki-tô hữu tốt lành là người rất ý thức về hậu quả của tội lỗi, bởi vì tội lỗi làm mất ân sủng của Thiên Chúa trong tâm hồn họ, tội lỗi làm cho họ xa cách Thiên Chúa và không được hưởng sự sống hạnh phúc đời sau với Thiên Chúa trên Nước Trời, do đó mà họ mau mắn đi làm hoà với Thiên Chúa trong bí tích Giải Tội là máng chuyển ân sủng của Chúa xuống trên họ đã bị bịt kín sau khi phạm tội, thì giờ đây “đã được khơi thông” và họ lại vui sướng ngụp lặn trong ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa.
     Tránh tội, xa lánh những dịp có thể làm cho chúng ta phạm tội sau khi xưng tội, đó chính là “đã được khơi thông” rồi vậy !

     Thiện tai, thiện tai...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư 

Diệu kế sát sinh



DIỆU KẾ SÁT SINH
Có một người luôn làm việc thiện, từ trước đến nay không dám sát sinh, khi quét nhà cũng tránh quét nhằm con kiến.
Một hôm, anh ta bắt được một con ba ba bên bờ sông, nghe nói ba ba có mùi vị ngon bèn muốn ăn, nhưng lại không dám tự mình sát sinh.
Nghĩ tới nghĩ lui, cuối cùng cũng nghĩ ra một kế vẹn toàn là: người làm việc thiện ấy nấu một nồi nước sôi, trên nồi gác một cần câu trúc nhỏ, sau đó rất mực trịnh trọng nói:
-         “Ba ba rất dễ thương ạ, người ta thường nói mầy trèo cần câu linh hoạt hơn cả loài khỉ, giờ thì để cho ta mở rộng nhãn giới, nếu mày trèo qua được, thì ta liền thả mầy đi”.
Con ba ba biết rất rõ là người làm việc thiện sẽ hại nó, nhưng vẫn cứ ôm một mối hy vọng, do đó tinh thần thêm hăng hái, bèn lấy hết sức lực, cẩn thận bò sang được bên kia.
Đến lúc này, đúng như người làm việc thiện dự liệu, hắn ta gấp gáp đổi giọng:
-         “Quả nhiên danh bất hư truyền ! Có điều là mới rồi ta nhìn không rõ, bây giờ mời mày trèo lại lần nữa !”             
                                                                (Trình Sứ)

Suy tư:
     Có những người “miệng niệm nam mô, nhưng trong bụng đầy những dao kiếm”; có những người miệng nói thần nói thánh rất hay, nhưng trong bụng thì luôn tìm cách để hại người; cũng có những người rất thích làm việc thiện cho người xa lạ, người ở đâu đâu xa lắc xa lơ, nhưng không bao giờ giúp đỡ anh em chị em ruột thịt trong nhà đang túng thiếu, ốm đau hoặc người hàng xóm lâm bệnh...
     Đức Chúa Giê-su đã kêu gọi chúng ta hãy cảch giác với những người kinh sư và biệt phái (Lc 20, 46-47), mà các kinh sư và biệt phái không phải là những người thích khoe khoang, thích làm điệu bộ bên ngoài sao, nhưng thật ra họ đã nuốt hết các tài sản của các bà goá và luôn tìm cách chỉ trích bắt bẻ những lời giảng dạy của Đức Chúa Giê-su ...
     “Lạy Đức Chúa Giêsu, đã rất nhiều lần chúng con đã đem lời của Chúa nói cho mọi người biết, nhưng chẳng có ai muốn nghe con nói; đã có rất nhiều lần chúng con đã đem câu chuyện Chúa chịu chết trên thánh giá để nói cho mọi người nghe, nhưng hình như chẳng ai muốn nghe cả...

Bây giờ thì chúng con hiểu rõ nguyên nhân tệ hại ấy, bởi vì chúng con chỉ nói mà không làm, chúng con chỉ kể mà không sống như câu chuyện mà chúng con biết, chúng con chỉ là những cái loa kêu to rỗng ruột không có nội tâm. Xin Chúa ban cho chúng con biết thực hành lời Chúa trước, sống lời Chúa trước khi nói lời Chúa và noi gương Chúa trước khi kể cuộc đời Chúa cho người khác nghe. Amen”

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư 

Xa thì lo, gần thì buồn


XA THÌ LO, GẦN THÌ BUỒN
     Có một thư sinh nhà rất là nghèo, gia sản chỉ có một cái chum, ban đêm thường ôm nó mà ngủ.
     Một đêm nọ, anh ta tính toán trong bụng như thế này:
-         “Nếu cầu cho được phú quý thì đương nhiên ta có rất nhiều tiền bạc, xây dựng cửa nhà vừơn tược, nuôi dưỡng ca kỷ vũ nữ, tậu thêm xe ngựa cao to, làm thêm nhà xe thật lớn, tóm lại, mọi thứ cần dùng đều không thiếu thứ gì.”
     Anh ta mưu đi tính lại,rồi sung sướng nhảy đứng lên, vô tình một chân đạp bể cái chum, thế là từ vui vẻ chuyển sang đau khổ.
                                                     (Thi Chú Tô Thi)

Suy tư:
     Cuộc sống, có ai nói rằng mình chưa bao giờ mơ ước điều gì cả, có ai nói rằng mình sống rất là tự nhiên, chẳng mơ chẳng ước điều gì ! Nếu quả thật như thế thì họ không phải là con người, bởi vì con người thì luôn có những ước mơ, mơ cao mơ thấp, mơ xa mơ gần cũng đều là ước mơ...
     Càng giàu có càng ước mơ, có người tiền bạc dư thừa không biết để đâu cho hết thì mơ lên cung trăng du lịch, hoặc là ước mơ lấy cho được một nàng tiên trên trời làm vợ...
     Càng nghèo khó lại càng mơ ước như anh chàng thư sinh trên đây, mơ đông mơ tây, mơ tiền mơ bạc, và cuối cùng thì ước mơ bị vỡ tan tành theo cái chum của anh ta, rồi nghèo lại càng nghèo thêm.
     Tất cả mọi người đều có ước mơ, nhưng có điều lạ là không ai ước mơ mình trở thành người Ki-tô hữu sống đẹp lòng Chúa trong đời sống hàng ngày, và càng lạ hơn khi rất ít người mơ ước mình sẽ là vị thánh của Thiên Chúa !

     Từ niềm vui qua nỗi buồn chỉ cách nhau có một cái chum bị bể nát, từ thánh thiện đi qua tội lỗi cũng chỉ cách nhau có một...sợi tóc, thật nguy hiểm vô cùng, do đó mà ước mơ nên thánh, ước mơ phục vụ tha nhân phải luôn thôi thúc chúng ta trong cuộc sống hằng ngày, có như thế thì đời sống của chúng ta cũng là ước mơ của người khác rồi vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư 

Vương, Lý đồng viện



VƯƠNG, LÝ ĐỒNG VIỆN
     Quốc tử tiến sĩ Vương Mưu ở Phù Phong làm tri huyện, có một người tên là Lý Sinh cho rằng ông ta có tư cách nên đến hội kiến, mỗi lần gặp mặt đều gọi là “đồng viện” (cùng chức vụ).
     Vương Mưu chất vấn hỏi;
-         “Ta là quốc tử tiến sĩ của triều đình, địa vị và danh phận đều không giống như ông, nhưng cứ mỗi lần gặp mặt thì ông đều gọi là “đồng viện”, như thế nghĩa là sao ?”
     Lý Sinh nói:
-         “Khi ngài chưa làm tri huyện thì tôi đã biết ngài chính lá quốc tử tiến sĩ, nên gọi là “quốc bác”, mà tôi thì thường dùng phương pháp yếu lương để giao nạp ngũ cốc, thì cũng được gọi là quan chức, nên cũng có thể gọi là “cốc bác”, như thế chúng ta không phải là “đồng viện” hay sao ?”
                                           (Mạc Phủ Yến Nhàn lục)

Suy tư:
     Một người là tiến sĩ của triều đình, một người là chuyên môn cân đong đo đếm ngũ cốc, đương nhiên là khác xa nhau về công việc và chức vụ, dù làm chung trong cùng một đơn vị...
     Một người là linh mục chánh xứ, một người là con chiên bổn đạo, mỗi người công việc không giống nhau và trách nhiệm thì cũng khác nhau xa, nhưng có một số giáo dân cứ tưởng mình là người ở trong ban hành giáo là có quyền trên cả cha sở, nên ăn nói ngang tàng, tuyên bố rùm beng và đôi khi hạch sách kiểm soát công việc mục vụ của cha sở, họ quên mất rằng, nếu không có cha sở đồng ý, thì tất cả mọi đoàn thể trong giáo xứ đều không được phép tồn tại, kể cả ban hành giáo.
     Ban hành giáo cũng như tất cả mọi đoàn thể trong giáo xứ –có thể nói- là cánh tay phải của cha sở chứ không phải là cái đầu của cha sở, do đó, họ có bổn phận giúp đỡ cộng tác với ngài trong công việc của giáo xứ...
    Linh mục và giáo dân, mục tử và đàn chiên đều không giống nhau về chức vụ và bổn phận, nhưng giống nhau ở một điểm là cả hai đều đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội trở thành một phần tử trong Giáo Hội, và trở nên những chứng nhân sống động của Tin Mừng trong bổn phận cũng như trách nhiệm của mình.

     Chức vụ là để phục vụ, bổn phận là để chu toàn; chức vụ là trách nhiệm, bổn phận là hạnh phúc.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư 

Khen ngựa, chê người



KHEN NGỰA, CHÊ NGƯỜI
     Vì để kiến thiết biên giới lãnh thổ, chính phủ quy định giao nộp ba ngàn đấu ngô, và giao cho cho quan chức của bổn huyện quản lý, Hoàng Sơn ở Kỳ Sơn nhờ vậy mà được quản lý tiền bạc. Để khoe khoang địa vị của mình, ông ta lấy một số tiền lớn đi mua một con tuấn mã.
     Một hôm, ông ta cưỡi con tuấn mã đi qua phố, có người ở sát bên đường nhà của Hoàng Sơn tên là Lý Sinh, nói:
-      “Ngài mới mua con ngựa này giá bao nhiêu tiền ?”
     Hoàng Sơn trả lời:
-      “Một trăm năm mưoi ngàn đồng”.
     Lý Sinh khen con ngựa khoẻ mạnh mập mạp, và nói con ngựa này mua với giá như thế thật là rẽ mạt, Hoàng Sơn cảm thấy rất là kỳ quặc.
     Lý Sinh nói:
-         “Con gia súc kéo này có thể thồ đến ba ngàn thạch ngũ cốc, lẽ nào không phải mập béo khoẻ mạnh sao ?”
                                           (Mạc Phủ Yến Nhàn lục)

Suy tư:
     Có một số linh mục mua xe hơi đời mới cáo cạnh, trong lúc nhà thờ thì lụp xụp không sửa chữa, vì nghĩ rằng, mình chỉ ở vài ba năm rồi đổi đi chỗ khác, sửa làm gì.
     Có một số linh mục sửa nhà ở của mình trong giống như biệt thự, trong khi con chiên bổn đạo trong xứ tất bật kiếm ngày ba bữa ăn mà không đủ.
     Có một số linh mục khi dùng bữa thì tỉ mỉ để ý: nếu khăn trãi bàn không sạch, đũa chén không sạch thì la mắng chê trách bà bếp, nhưng chén dĩa thánh, khăn thánh để dùng khi dâng lễ thì quá dơ bẩn mà không lấy làm khó chịu và rất ít khi để ý đến...
     Có phương tiện để làm công tác mục vụ để cho công việc thêm thuận lợi là điều nên có, nhưng đừng lợi dụng cần phải có phương tiện để hưởng thụ và để khoe khoang “đẳng cấp” của mình như các đại gia ngoài xã hội.
      
     Thánh lễ là việc tối cao của người Ki-tô hữu thờ phượng Thiên Chúa, không có chén dĩa nào trên trần gian có thể xứng đáng chứa đựng Mình và Máu Thánh của Đức Chúa Giê-su, nhưng ít nữa, chúng ta cũng nên làm cho chén dĩa thánh, khăn thánh, trở nên xứng đáng khi cử hành thánh lễ –mầu nhiệm cao cả của tình yêu.

     Khi chúng ta –những linh mục- khoe những thứ không thuộc về chức phận và phẩm giá của mình, thì chúng ta sẽ làm cho khuôn mặt của Đức Chúa Giê-su méo mó ngay trong giáo xứ của mình và trở thành gương xấu cho mọi người...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư 

Đấm ngực mà cho



ĐẤM NGỰC MÀ CHO
     Có một người nọ, mặc dù gia đình rất giàu có nhưng hà tiện cực kì, một hôm, con cháu phải vào kinh thành ở, bèn đến nhà cáo biệt ông, ông ta nể mặt khó từ chối, nên bất đắc dĩ phải lấy ra một ngàn đồng và một bình rượu để tiễn đưa, đồng thời kèm thêm một lá thư, nói:
-         “Gân một miếng, máu một bình, đấm ngực mà cho, chỉ hy vọng người có tâm can bằng sắt nhận cho”.
                                (Tịch Xuyên tiếu lâm)

Suy tư:
     Hình như người giàu có đa phần hà tiện và keo kiệt hơn những người nghèo khó, và hình như những người nghèo đều có lòng hảo tâm hơn người giàu !
     Giàu có mà hà tiện bởi vì cuộc đời họ chỉ biết có tiền.
     Nghèo mà hảo tâm bởi vì họ luôn có đồng cảnh ngộ với người nghèo.
     Người giàu-có-hà-tiện coi tiền bạc là máu là thịt của họ, cho nên khi bố thí cho ai một đồng thì cảm thấy xót xa trong ruột, tặng ai một món quà thì y như người mất hồn...
     Người Ki-tô hữu là người có đầu óc lạc quan và vui tươi khi bố thí cho tha nhân, cái lạc quan và vui tươi này bắt đầu từ Lời của Đức Chúa Giê-su dạy: “Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ là một chén nước lã mà thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mt 10, 42)
     Và nghe theo Lời Chúa dạy, cơ quan Caritas của giáo hội đã ra đời và phục vụ cho rất nhiều nơi nghèo khó trên thế giới, các hội đoàn từ thiện đã ra đời và đã hoạt động hữu hiệu trong các quốc gia, các nhóm từ thiện bác ái trong giáo xứ được thành lập để quan tâm đến anh chị em bất hạnh trong cộng đoàn giáo xứ...

     Tuy nhiên, cái mà Thiên Chúa cần nhất nơi chúng ta, chính là quan tâm đến người thân cận nghèo đói tinh thần lẫn vật chất đang sống bên cạnh mình.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư 

Đánh cược uống rượu


ĐÁNH CUỘC UỐNG RƯỢU
     Ở thôn nọ có một tập tục là khi tiệc cưới rước cô dâu sắp kết thúc, thì phải đố rượu và người thua phải uống rượu..
     Một ngày nọ có tú tài, thầy đề, thầy thuốc và thầy cúng cùng ngồi đố rượu, và quyết định rằng có thể lấy tất cả mọi việc làm câu đối.
     Thầy đề tranh nói trước câu thứ nhất:
-      “Mỗi ngày xếp hàng nha môn đứng thứ nhất”.
Thầy thuốc tiếp lời:
-      “Thuốc có ấm mát hàn khô thấp”.
     Tú tài nói:
-      “Vợ đêm khuya sáng chải chuốt”.
     Thầy cúng nghĩ đi nghĩ lại vẫn không có câu nào, trong lúc hoảng hốt thì đột nhiên trong đầu loé lên một câu:
-      “Thái thượng lão quân cấp cấp cấp”.
                                (Tịch Xuyên tiếu lâm)

Suy tư:
     Tất cả mọi người Kitô hữu đều biết :
     Thiên Chúa là tình yêu.
     Thiên Chúa rất công bằng.
     Thiên Chúa rất mong muốn kẻ có tội ăn năn trở lại...
     Nhưng,
     Con người đã lợi dụng tình yêu của Thiên Chúa để trì hoãn sự sám hối ăn năn của mình; con người đã lợi dụng sự công bằng của Thiên Chúa để bóp chẹt tha nhân vì quyền lợi cá nhân của mình; con người đã coi thường lòng thương xót của Thiên Chúa, nên họ sống như không có Ngài trong cuộc sống của mình.

     Cũng như ông thầy cúng ấp a ấp úng không nặn ra được câu thơ đúng vần trong cuộc đố rượu, thì chúng ta cũng sẽ “cứng họng” không nói được khi ra trước toà phán xét của Thiên Chúa, bởi vì cuộc sống của chúng ta không phù hợp với chức phận của mình đã lãnh nhận, đó là chức phận làm con cái của Thiên Chúa, được thánh hoá và nuôi dưỡng bằng chính Máu Thánh Con của Ngài là Đức Chúa Giê-su.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.