Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2022

Lễ Mẹ Thiên Chúa



 Ngày 1 tháng 1


LỄ ĐỨC MA-RI-A MẸ THIÊN CHÚA

Tin Mừng: Lc 2, 16-21.
“Các người chăn chiên gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se và Hài Nhi. Được đủ tám ngày, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giê-su”.

Anh chị em thân mến,
Công đồng Ê-phê-sô (năm 431) đã long trọng tuyên bố tín điều Đức Mẹ Ma-ri-a là Mẹ Thiên Chúa, để tôn vinh Thiên Chúa là Đấng đã chọn Đức Mẹ làm mẹ của Đấng cứu thế là Đức Chúa Giê-su, và đồng thời đề cao vai trò của Mẹ trong trong việc đồng công cứu chuộc loài người với con mình là Đức Chúa Giê-su.
1. Đức Chúa Giê-su- Thiên Chúa làm người.
Đức Chúa Giê-su là Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người, sinh bởi cung lòng đức trinh nữ Ma-ri-a, do đó Ngài vừa là Thiên Chúa vừa là người như chúng ta, chính Ngài là Đấng Mê-si-a mà muôn dân trông đợi, là Đấng mà các tiên tri đã loan báo là Đấng sẽ đến để cứu nhân loại khỏi bóng đêm tội. Chính Ngài trong bản tính Thiên Chúa thì là Thiên Chúa đồng bản tính với Chúa Đức Cha và Đức Chúa Thánh Thần, trong bản tính nhân loại thì Ngài là con của Đức Trinh nữ Ma-ri-a mà công đồng Ni-xê-a (325) đã long trọng tuyên bố và xác tín, và mỗi ngày chúa nhật hay lễ trọng, chúng ta đều tuyên xưng trong thánh lễ.
Đức Chúa Giê-su là Đấng mà thánh Gioan Tiền Hô đã nói: “Ngài đến sau tôi nhưng có trước tôi” (Ga 1, 30b), cũng có nghĩa là với bản tính loài người Đức Chúa Giê-su sinh sau thánh Gioan Tiền Hô, nhưng với bản tính Thiên Chúa thì Ngài đã có trước thánh Gioan Tiền Hô. Và như thánh Gioan tông đồ đã xác quyết: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa”.(Ga 1, 1) ngài đã xác tín Đức Chúa Giê-su là Ngôi Lời tức là Thiên Chúa.
Như vậy, với các chứng cớ xác thực trên thì Đức Chúa Giê-su là Thiên Chúa thật và là người thật, Ngài thật sự là con duy nhất của Đức Trinh nữ Ma-ri-a, do đó Đức Mẹ Ma-ri-a là mẹ của Ngài và cũng là Mẹ Thiên Chúa.
2. Đức Mẹ Ma-ri-a – Mẹ Thiên Chúa
Không ai thấy được Thiên Chúa bao giờ, nhưng việc giáng sinh của Đức Chúa Giê-su là một hồng phúc cho nhân loại, vì qua Ngài mà nhân loại thấy được Thiên Chúa vốn không một ai có thể thấy, qua Ngài chúng ta thấy được tình yêu trọn vẹn mà Thiên Chúa đã dành cho nhân loại chúng ta.
Đức Mẹ Ma-ri-a là mẹ thật của Đức Chúa Giê-su, cho nên Mẹ cũng là Mẹ Thiên Chúa, như lời tiên tri I-sai-a đã loan báo: “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. (Is 7, 14) Đấng Em-ma-nu-en ấy chính là Đức Chúa Giê-su, được Đức Mẹ Ma-ri-a sinh hạ trong hang lừa máng cỏ tại Bê-lem. Chỉ có làm Mẹ Thiên Chúa, Đức Mẹ Ma-ri-a mới ghi nhớ trong lòng những mầu nhiệm mà Thiên Chúa đã thực trên con người của Mẹ, và nhất là nơi những lời nói và việc làm của Đức Chúa Giê-su như lời thánh Lu-ca đã viết: “Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng”. (Lc 2, 19)
3. Đức Mẹ Ma-ri-a – Mẹ của chúng ta
Thánh Gioan tông đồ, người đã tận mắt chứng kiến cái chết của Đức Chúa Giê-su đã tường thuật lại: “Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con cùa Bà”, rồi Người nói với môn đệ (thánh Gioan tông đồ): “Đây là mẹ của anh”, kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình. (Ga 19, 26-27)
Mỗi người trong chúng ta ai cũng có một người mẹ sinh ra mình, nhưng chúng ta lại càng diễm phúc hơn khi có một người mẹ trên trời hằng yêu thương chăm sóc chúng ta, đó là Đức Mẹ Ma-ri-a. Mẹ không những là mẹ mà còn là Đấng cầu bàu cho chúng ta rất có thần thế trước mặt Thiên Chúa. Do đó, chúng ta hãy luôn tin tưởng và phó thác cuộc sống của mình cho Mẹ, bởi vì ngay khi chúng ta còn là tội nhân thì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta, huống hồ là Đức Mẹ Ma-ri-a, với tấm lòng người mẹ, nhất định Mẹ sẽ không bao giờ để con cái mình phải bơ vơ đau khổ ở đời này.
Anh chị em thân mến,
Mừng kính lễ Đức Mẹ Ma-ri-a – Mẹ Thiên Chúa, là chúng ta trân trọng công việc cộng tác với Đức Chúa Giê-su để cứu chuộc loài người nơi Mẹ, là chúng ta tôn vinh Mẹ là nữ tỳ khiêm hạ được Thiên Chúa tôn lên làm Mẹ của Ngài, và là kho tàng mọi ân sủng của Thiên Chúa ban cho nhân loại.
Mừng kính lễ Mẹ Thiên Chúa, chúng ta phải luôn học hỏi các gương lành của Mẹ, nhất là nhân đức khiêm tốn và vâng phục, chính hai nhân đức này mà Thiên Chúa đã nhắc Mẹ lên tận trời cao trên các thiên thần, và ưu ái đặt Mẹ làm Mẹ Thiên Chúa.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info

Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2022

Lễ Thánh Gia Thất

 



LỄ THÁNH GIA THẤT

Tin mừng: Mt 2, 13-15; 19-23.
“Hãy đem Hài Nhi và mẹ Ngài trốn sang Ai-cập.”

Bạn thân mến,
Hôm nay Giáo Hội long trọng mừng lễ Thánh Gia Thất: thánh cả Giu-se, Đức Mẹ Ma-ri-a và Đức Chúa Giê-su. Đây là một gia đình gương mẫu của mọi gia đình trên thế giới, là nơi xuất phát tình yêu, hạnh phúc và phục vụ.

1. Gia đình là nơi xuất phát tình yêu.
Điểm đầu tiên để có một gia đình hạnh phúc là tình yêu, từ tình yêu nam nữ đến tình yêu vợ chồng, và được kết hợp hài hòa trong tình yêu gia đình giữa cha mẹ và con cái. Khi tình yêu này nguội lạnh thì gia đình sẽ buốt, khi tình yêu này không còn hai nên một thì gia đình sẽ tan vỡ và con cái sẽ là những miếng mồi ngon cho ma quỷ và tội lỗi.
Một gia đình hạnh phúc thì ở đâu trong gia đình cũng đều có dấu ấn hy sinh của chồng vợ, ở đâu trên con của mình cũng đều có dấu ấn hy sinh của cha mẹ. Qua bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta đều thấy rõ diều ấy nơi thánh cả Giu-se và Đức Mẹ Ma-ri-a.

2. Gia đình là nơi nuôi dưỡng và phát huy hạnh phúc.
Nhìn vào trong máng cỏ, bạn có thấy tâm hồn mình ấm áp không, bạn hãy nhìn Ba Đấng thật kỷ rồi suy tư xem sao ? Bạn sẽ thấy một gia đình thánh thiện và rất hạnh phúc đang ở giữa thế gian, trong máng cỏ nghèo hèn ấy, dù được trang hoàng lộng lẫy bởi những ánh đèn màu, hay chỉ là một vài cọng rơm khô rồi đặt tượng Chúa Hài Nhi lên đó, bạn cũng sẽ cảm nghiệm được hạnh phúc rất gần gủi bên bạn.
Gia đình Na-da-rét là gương mẫu hạnh phúc của các gia đình công giáo cách riêng và cho mọi gia đình nhân loại trên thế giới, chính nơi gia đình thánh thiện này, mà tình yêu của Thiên Chúa tuôn đổ dồi dào xuống cho nhân loại. Qua bài Phúc Âm hôm nay, bạn sẽ thấy điều hạnh phúc ấy nơi thánh cả Giu-se, Đức Mẹ Maria và Chúa Giê-su Hài Đồng.
3. Gia đình là nơi học tập phục vụ.
Phục vụ không có nghĩa là làm nô lệ, nhưng là chăm sóc người khác với tâm tình yêu thương và khiêm tốn. Nhìn vào Thánh Gia Thất bạn có thấy điều đó không? Thánh cả Giu-se đã đem hết tài năng sức lực của mình để chăm sóc gia đình và phục vụ Đức Mẹ Ma-ri-a và Giê-su Hài Đồng; Đức Mẹ Ma-ri-a đã hết lòng chăm sóc gia đình và dạy dỗ Đức Chúa Giê-su; và Đức Chúa Giê-su đã vâng lời và giúp đỡ cha mẹ trong những công việc của gia đình..
Phục vụ người khác trong yêu thương và khiêm tốn thì không bao giờ hạ giá nhân cách của mình, trái lại, nhờ phục vụ mà nhân cách của mình được trưởng thành hơn.

Bạn thân mến,
Dù bạn đã lập gia đình hoặc còn độc thân, thì mục tiêu của bạn vẫn cứ là muốn có một gia đình hạnh phúc, muốn được như thế, bạn hãy quỳ thật lâu trước máng cỏ, bạn sẽ tìm được ý nghĩa của tình yêu đích thực, hạnh phúc và sự phục vụ trong gia đình...

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
-----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


90.   VẤN ĐÁP ĐỂ Ở NHỜ

        Có một tú tài đi đến một căn hộ bên đường để xin ở nhờ, mà nhà ấy chỉ có một nữ nhân, cô ta đứng dựa cửa nói:

-      “Trong nhà tôi không có người”.

        Tú tài hỏi:

-      “Cô không phải là người sao ?”

        Nữ nhân nói:

-      “Trong nhà tôi không có đàn ông”.

        Tú tài hỏi:

-      “Tôi không phải là đàn ông sao ?”

                                                                (Tiếu niệm lục)

 

Suy tư 90:

        Người tế nhị là người chỉ nghe một lời nói hay một hành động khác thường của người đối diện là biết cách rút lui hay tiến tới, chứ không cần phải hỏi cho cặn kẻ...

        Sự tế nhị trong giao tiếp hằng ngày rất quan trọng, vì nó có thể làm cho chúng ta thêm bạn bớt thù, hoặc làm cho người khác nể phục ta hơn.

        Có một vài linh mục thường không tế nhị khi trò chuyện với giáo dân của mình, các ngài cứ oang oang hỏi vấn đề gia đình của một giáo dân nào đó trước mặt mọi người, mà không nhìn thấy khuôn mặt đang nhăn nhó của họ; các ngài –đôi lúc- vì quá lo lắng cho phần hồn của con chiên bổn đạo mà không thấy bổn đạo đang bực mình vì ông cha sở cứ đem chuyện thằng con hay uống rượu, đứa con gái đi bán cà phê ôm của mình ra mà “hỏi” giữa đám đông giáo dân...

        Ai cũng cảm động khi có người quan tâm đến mình, nhất là người ấy chính là cha sở của mình, nhưng quan tâm mà không tế nhị thì làm cho người được quan tâm bực mình và có khi phản tác dụng: họ sẽ không đi lễ nữa, vì cứ sợ cha sở hỏi chuyện riêng tư của gia đình trước mặt mọi người; hoặc khi đi lễ thì ngồi tuốt ghế đằng sau vì sợ ông cha sở mỗi lần giảng là cứ hỏi giáo dân giữa nhà thờ về giáo lý hoặc kinh thánh, mà có khi học không biết không thuộc...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Năm, 29 tháng 12, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


89.   MÙA ĐÔNG KHÔNG CÓ QUẦN

        Trời rơi nhiều tuyết, lão hoà thượng mặc áo da muốn cưỡii ngựa ra khỏi nhà.

        Hoà thượng trẻ đốt lò trong chùa không có quần để mặc, lạnh quá đến nỗi lưỡi cũng cóng lại, ông ta hỏi:

-         “Lão sư phụ, trời lạnh như thế này mà sư phụ còn muốn đi đâu ?”

        Lão hoà thượng nói đi thuyết giảng, hoà thượng trẻ đốt lò cũng muốn đi nghe giảng.

        Lão hoà thượng mắng:

-      “Nói càn, con hiểu cái gì mà đi chứ ?”

Hoà thượng trẻ đốt lò chỉ chỉ phần dưới eo lưng của mình nói:

-         “Con muốn nghe trong sách Phật mà sư phụ giảng đó có nói trong mùa đông giá lạnh của tháng chạp, người ta có nên mặc quần hay không ?”

                                                                (Tiếu niệm lục)

 

Suy tư 89:

        Có một vài linh mục không muốn “truyền đạt” những hiểu biết về lễ nghi phụng vụ của Giáo Hội cho giáo dân, bởi vì các ngài sợ giáo dân hiểu rồi phản đối các ngài, khi các ngài tuỳ tiện làm theo ý mình mà không giữ luật chữ đỏ cũng như những quy định khác của Giáo Hội; có một vài linh mục đã “trách” các linh mục khác, vì những linh mục này giảng giải rất rõ ràng mạch lạc về các quy định của Giáo Hội về lễ nghi cũng như những điều về phụng vụ, giáo luật, kinh thánh,  luân lý căn bản cho giáo dân, lý do mà các linh mục trách là: đừng cho giáo dân biết nhiều quá !!

        Giáo dân phản đối hay không là do cách sống của chính vị linh mục ấy chứ không phải vì sự hiểu biết nhiều về phụng vụ hay kinh thánh của họ, bởi vì có một vài linh mục giảng dạy giáo dân hãy bắt chước sự khó nghèo của Đức Chúa Giê-su, nhưng chính các ngài lại sống như ông hoàng trong một giáo xứ mà giáo dân đa phần cơm không đủ ngày hai bữa; Đức Chúa Giê-su niềm nở đón tiếp những người nghèo bất hạnh, bệnh tật và chữa lành cho họ, nhưng có một vài vị mục tử lại “giằng mặt” giáo dân khi họ xin lễ mà bổng lễ không đủ đúng như quy định...

        Tất cả mọi giáo dân đều có quyền được học hỏi và nghiên cứu giáo lý, luân lý hoặc các vấn đề của của Giáo Hội nếu họ muốn, bởi vì cũng có rất nhiều giáo dân muốn biết trong giáo lý có đoạn nào nói giữa một thế giới văn minh và phát triển như hôm nay, người giáo dân có nên “mặc quần” hay không, tức là có quyền được học hỏi về các vấn đề trong Giáo Hội hay không, bởi vì có những vị mục tử cứ nạt nộ giáo dân rằng mấy người biết gì về thần học mà nói !!

        Học để biết và biết để sống, biết để truyền giáo, biết để yêu mến Chúa và tha nhân chính là cái biết của giáo dân từ nơi cách sống của cha sở mình vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 28 tháng 12, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


88.   GÀ ĂN LỪA ĐEN

        Ở vùng quê ngoài thành Kim Long có một thầy giáo rất mê chọi dế.

        Nghe nói trong thành ở cổng tam quan có người bắt được một con dế to, đầu cao cẳng dài, dũng mãnh có lực, những con dế khác đều bị bại dưới tay của nó, cho nên ông ta ngày đêm đều mơ tưởng đến nó.

        Thế là, ông ta cởi con lừa màu đen đi vào trong thành tìm chủ nhân của con dế, không ngần ngại đem con lừa để đổi lấy con dế.

        Vừa về đến nhà, ông ta bèn đem dế ra chơi.

Đột nhiên con dế nhảy ra khỏi cái mâm, vừa đúng lúc con gà đi qua mổ lấy con dế ăn mất tiêu, thầy giáo giậm chân tức tối chửi to:

-         “Đồ con gà mắc dịch ! Con lừa đen của tao bị mày ăn mất tiêu rồi !”

                                                                (Phúc phàn lục)

 

Suy tư 88:

        Con dế, dù nó có đẹp, có cái đầu cao hay có cái cẳng dài thì nó vẫn không thể nào đáng giá như con lừa được, nó chỉ là một con dế nhưng đã bị đầu óc mê muội của ham muốn làm cho nó trở thành quý hơn con ngựa.

Cũng vậy mọi thú vui xác thịt, mọi ham mê của cải chỉ là những con dế tầm thường không thể nào quý giá như linh hồn của chúng ta, nhưng có người vì lòng tham mà nhìn những thú vui xác thịt ấy, những của cải thế gian ấy quý hơn linh hồn, nên đã đem linh hồn của mình đổi cho ma quỷ với giá “bèo” là một con dế đam mê...

Mê đá dế, mê cờ bạc, mê cá độ, mê bài bạc, mê gái, mê rượu chè, mê nhậu nhẹt là những cái mê rất...u mê, bởi vì chưa thấy ai mê cờ bạc mà được trở nên giàu có, mê rượu chè mà thân thể kiện khang, cũng như chưa thấy ai mê gái mà gia đình được hạnh phúc...

“Lạy Chúa,

xin dạy cho chúng con biết say mê thánh giá của Chúa,

xin dạy cho chúng con biết cách mê thực hành những hy sinh nho nhỏ,

xin dạy cho chúng con biết mau mắn thực hành đức ái...

bởi vì những mê say ấy sẽ đưa chúng con đến hạnh phúc thiên đàng ngay khi còn ở trần gian này. Amen”.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Ba, 27 tháng 12, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


87.   CÕNG QUAN LÀM NÊN SỰ NGHIỆP                   

        Cháu của Tào Kiết Tường là Tào Khiêm tạo phản và giết hại rất nhiều quan viên của triều đình, lại còn lục bắt thượng thư Vương Ngao.

        Tình cảnh của Vương Ngao rất quẩn bách, có một tên giúp việc cho chủ thân hình to lớn có sức mạnh tên là Khổng Võ cõng ông ta chạy nạn.

        Về sau, tên giúp việc này được Vương Ngao đề bạt lên làm một chức quan quan trọng trong triều đình, người ta gọi ông ta là “quan cõng người”.

                                                                (Phún phàn lục)

 

Suy tư 87:

        Tên giúp việc được đề bạt làm quan to, bởi vì ông ta có một đức tính mà người khác không có, đó là lòng trung thành với chủ nhân của mình.

        Lòng trung thành vượt qua tất cả tri thức và học vị, vượt qua cả sinh mạng của bản thân để trung thành với người mà mình đã chịu ơn...

        Lòng trung thành không ở trong trí thức, bởi vì người có trí thức chưa chắc đã trung thành; lòng trung thành cũng không ở trong học vị, bởi vị học vị không thể là thước đo lòng trung thành của một con người, nhưng lòng trung thành ở trong một quả tim trung hậu, biết ơn và biết mến yêu.

        Được làm con của Thiên Chúa là một hạnh phúc và ân huệ lớn lao của người Ki-tô hữu, nhưng lòng trung thành của họ lại làm cho Thiên Chúa yêu thích hơn, bởi vì chính họ đã học sự trung thành nơi Đức Chúa Ki-tô –Con Một Thiên Chúa- và chia sẻ với Ngài về lòng mến yêu và biết ơn khi họ trung thành phục vụ Ngài qua tha nhân.

        Trung thành với ơn gọi làm con Chúa và trung tín với lời hứa ngày lãnh nhận bí tích Rửa Tội, chính là chìa khóa để mở cửa Nước Trời ngày trong cuộc sống đời thường.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Hai, 26 tháng 12, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


86.   VĂN HIẾN THẾ GIA

        Có một cử nhân làm quan ở kinh thành, vì để khoe khoang mình nên ông ta viết một bức hoành với hàng chữ “văn hiến thế gia文獻世家” treo ở trước cửa. Ban đêm có người đem giấy dán kín hai chữ đầu và cuối nên bức hoành thành chữ “hiến thế.”

        Ngày hôm sau, cử nhân nổi giận đùng đùng xé nát tờ giấy và sai người lên phố chửi trỏng người dán bít chữ.

Một đêm nọ, lại có người đem giấy dán bít một nét trên đầu chữ “văn ()” và dán bít chữ “gia ()”, nên bức hoành thành chữ “lại hiến thế又獻世”.

        Ngày hôm sau cử nhân lại giận dữ xé giấy chửi người.

        Tối lại, có người đem giấy dán bít chữ “văn” và dấu chấm trên chữ “gia”, cho nên bức hoành biến thành chữ “hiện thế trủng現世冢”, có nghĩa là “mộ kiếp này” !

                                                                (Phún phạn lục)

 

Suy tư 86:

        Con người ta ai cũng không thích người khoe khoang, ngay chính người thích khoe mình cũng không thích người khác khoe khoang, như vậy, xét cho cùng thì khoe khoang chính là một hành vi không phù hợp với tinh thần Phúc Âm.

        Người khoe chữ thì bị người hay chữ nhạo lại.

        Người khoe của thì bị người giàu có hơn chơi lại.

        Người hợm mình hơn người, thì có người chơi ngông hơn làm mất mặt mình...

        Có một linh mục trẻ chịu chức “chui” nọ, giảng trong một thánh lễ dành cho trẻ em khoe khoang rằng: “Các con hãy học cha đây, tiếng Anh cha rất giỏi, tiếng Pháp cha cũng rành, tiếng La tinh và tiếng Hi Lạp cha cũng thông...” nhưng ai cũng biết vị linh mục này học chưa xong thần học, và chỉ tốt nghiệp trung học mà thôi...

Không ai chơi trội với người khiêm tốn, không ai giận dữ với người biết lỗi, và cũng không ai chê trách người hiền lành, bởi vì họ không biết khoe khoang hợm mình...

Người ta ai cũng “khiếp” người khoe khoang, mà Đức Chúa Giê-su thì càng “khiếp” họ hơn, bởi vì chính Ngài đã bị những người khoe khoang ghen ghét kiêu ngạo (các tư tế, bè phái pha-ri-siêu, những người thông luật, các kinh sư...) đóng đinh Ngài vào thập giá.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)