Thứ Bảy, 16 tháng 8, 2014

Chúa nhật 20 thường niên



CHÚA NHẬT 20 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Mt 15, 21-28.
“Này bà, lòng tin của mà mạnh thật”.

Anh chị em thân mến,
Đức tin của chúng ta cũng giống như cây con cần nước, cần đất và cần phân để được phát triển; đất, nước và phân, ba thứ cần thiết này chính là đức tin đức cậy và đức mến, những nhân đức này thì đã có nhưng đức tin của chúng ta vẫn chưa phát triển trưởng thành, là bởi vì chúng ta không cầu xin Thiên Chúa gia tăng ơn đức tin nơi chúng ta.

Niềm tin của người đàn bà Ca-na-an không nhỏ, bởi vì bà tin tưởng Đức Chúa Giê-su sẽ làm phép lạ cho con mình được lành bệnh, đức tin của bà đã trưởng thành khi bà trả lời với Đức Chúa Giê-su: “Thưa Thầy đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống” (Mt Mt 15, 27), bà đã ví mình như lũ chó con không xứng đáng ăn thức ăn của chủ nhà, nhưng cũng có thể ăn những vụn bánh từ bàn ăn rơi xuống, và đức tin này của bà đã được Đức Chúa Giê-su biểu dương giữa đám đông dân chúng theo Ngài.

Người Ki-tô hữu không phải là những lũ chó con chỉ ăn thức ăn thừa của chủ, nhưng người Ki-tô hữu là con cái của Thiên Chúa và là môn đệ của Đức Chúa Giê-su Ki-tô, được ăn bánh của các thiên thần và uống chén trường sinh để được sống đời đời, đó chính là Mình và Máu Thánh của Ngài, đây là một ân huệ cao quý mà chỉ có người Ki-tô hữu mới có được vì đức tin của họ vào Đức Chúa Giê-su mà thôi.

Ki-tô hữu là người có đức tin và biết làm cho đức tin của mình được trưởng thành bằng đời sống cầu nguyện và hy sinh; cũng như biết làm cho đức tin của mình được tỏa sáng cho người chung quanh bằng đời sống phục vụ và bác ái của mình, bởi vì đức tin không hành động là đức tin chết[1] (Gc 2, 17)nhờ hành động mà con người được nên công chính, chứ không phải chỉ nhờ đức tin mà thôi [2] (Gc 2, 24).

Không một Ki-tô hữu nào làm biếng đi tham dự thánh lễ mà nói rằng đức tin của mình đã trưởng thành, cũng không một Ki-tô hữu nào khép kín tâm hồn mình trước nỗi khổ của tha nhân rồi tuyên bố mình giữ đạo tại tâm, bởi vì khi hành động như thế thì họ đã đem đức tin của mình bỏ vào trong ngăn áo quần cũ tạp nhạp (bon chen với đời) rồi đóng lại, và đức tin chết dần chết mòn vì không có dưỡng khí (cầu nguyện)…

Anh chị em thân mến,
Giáo Hội đang nổ lực mời gọi chúng ta hãy sống đức tin ngay giữa dòng đời, Giáo Hội đang mời gọi chúng ta hãy đến với Đức Chúa Giê-su Thánh Thể và hãy cầu nguyện, để đức tin của mình được trưởng thành và vững mạnh tỏa sáng cho người chung quanh bằng các việc làm cụ thể như: có đức tin khi phục vụ, có đức tin trong yêu thương, có đức tin khi làm việc bác ái.v.v…

Gợi ý suy tư :
-      Tôi có luôn luôn ý thức mình là người Công Giáo không ?
-      Khi làm việc bác ái hoặc khi phục vụ, tôi có ý thức mình đang làm công việc cho Chúa không ?
-      Tôi có luôn cầu nguyện xin Thiên Chúa gia tăng ơn đức tin cho mình không ?

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 


[1] Gc 2, 17.
[2] Gc 2, 24.

Thứ Năm, 14 tháng 8, 2014

Lễ Đức Mẹ Hồn Xác lên trời


ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI
(Lễ trọng)

Tin mừng : Lc 1, 39-56
“Đấng toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả. Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường”.

Anh chị em thân mến,
Hôm nay là lễ Đức Mẹ Ma-ri-a Hồn Xác lên trời, là một dịp lớn lao để mỗi người trong chúng ta suy niệm đến những hồng ân mà Thiên Chúa đã ban cho Đức Mẹ Ma-ri-a, Mẹ là người giáo hữu ưu việt của Giáo Hội và là người được chọn để trở thành Đấng cầu bàu cho nhân loại.

  1. Người giáo hữu ưu việt.
Đức Mẹ Ma-ri-a là một giáo hữu ưu việt, ưu việt bởi vì chính Mẹ đã khiêm tốn trước một sự việc trọng đại xảy đến cho mình và cho nhân loại, đó là chấp nhận lời mời gọi của Thiên Chúa qua việc mang thai Đấng cứu thế -Đức Chúa Giê-su- để trở thành Đấng đồng công cứu chuộc loài người với Đức Chúa Giê-su; ưu việt là bởi vì Mẹ đã biết nghe và suy niệm trong lòng lời của Thiên Chúa giữa bao biến cố xảy ra cho Đức Chúa Giê-su và cho chính bản thân mình.

Chính hai việc ấy: khiêm tốn và thực hành lời của Chúa đã làm cho Mẹ được vinh quang trên nước thiên đàng cũng như ở trên trần gian này, bởi vì Mẹ không coi việc cưu mang Đấng cứu thế là một vinh quang cho mình, nhưng sự khiêm tốn mới làm rạng danh Thiên Chúa nơi con người của Mẹ; Mẹ đã không coi việc báo tin vui Đấng muôn dân trông đợi đã giáng trần trong cung lòng Mẹ là một việc phải làm, nhưng nghe và suy niệm lời của Thiên Chúa đã thực hiện nơi Mẹ mới là điều đáng làm hơn. Đó chính là hai nét nhân đức căn bản mà mỗi một người Ki-tô hữu phải có để được trở thành người giáo hữu biết noi gương và tiếp nối cuộc sống của Mẹ ở trần gian này.

  1. Đấng cầu bàu
Được Thiên Chúa chúc lành ngay khi còn ở trần gian trong bụng mẹ, Đức Mẹ Ma-ri-a cũng đã được Thiên Chúa cất nhắc lên tận trời cao để làm nữ vương trên trời dưới đất, với địa vị ấy và với uy quyền ấy, Mẹ đã trở thành Đấng cầu bàu cho Giáo Hội và cho những ai chạy đến cùng Mẹ.

Không ai có thần thế trước mặt Thiên Chúa như Đức Mẹ Ma-ri-a, bởi vì ngay khi còn ở trần gian này Mẹ đã hoàn toàn vâng phục thánh ý Thiên Chúa, vì thế khi Mẹ được cất nhắc lên trời cả hồn lẫn xác, thì chính đó là một cách tôn vinh của Thiên Chúa dành cho những ai khi còn sống ở trần gian này đã yêu mến và thực hành lời của Chúa…

Là Mẹ Thiên Chúa, là Mẹ của Hội Thánh và là Mẹ của nhân loại, nên việc Thiên Chúa đem Mẹ lên trời cả hồn lẫn xác là chính đáng và rất xứng đáng, và càng chính đáng và xứng đáng hơn nữa khi Thiên Chúa đặt Mẹ làm đấng cầu bàu cho nhân loại. Chúng ta phải biết lợi dụng hồng ân cao quý này nơi Đức Mẹ Ma-ri-a, để xin Mẹ luôn gìn giữ và che chở chúng ta khỏi mọi mưu mô của ác thần (Kh 12, 3-4).

Anh chị em thân mến,
Mừng kính lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời, mỗi người trong chúng ta không những chỉ cao rao tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại nơi con người của Mẹ, nhưng chúng ta cũng cần phải học hỏi các nhân đức của Mẹ ngay trong cuộc sống của chính chúng ta, như Mẹ đã yêu mến và thực hành lời của Thiên Chúa vậy.

Mừng lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời là chúng ta xác tín lại niềm tin của chúng ta vào Đức Chúa Giê-su: Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại.

Chúng ta giữ đạo, chúng ta sống lành thánh, chúng ta sống bác ái yêu thương là để đạt được mục đích tối hậu của mình là lên trời hưởng nhan thánh Chúa và Mẹ. Do đó sẽ trở thành huyền thoại khi chúng ta chỉ đứng chiêm ngưỡng những đặc ân mà Thiên Chúa đã ban cho Đức Mẹ mà thôi, chứ không suy niệm cuộc đời tận hiến của Mẹ, và những đức hạnh trỗi vượt mà Mẹ đã thực hành với tất cả lòng khiêm nhường và mến yêu.

Xin Đức Mẹ Ma-ri-a luôn cầu bàu cho chúng ta khi còn ở đời này biết yêu mến những sự trên trời, để sống như đang sống với Mẹ trên thiên đàng vậy.


Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Thứ Ba, 12 tháng 8, 2014

Không đánh tự phá


KHÔNG ĐÁNH TỰ PHÁ
Vợ của Hứa Nghĩa Phương là Lưu thị đi đến đâu cũng đều khoe khoang tán dương mình là một người có đức hạnh.
Chồng của bà ta có lần đi xa cả năm, sau khi về nhà thì quan tâm hỏi vợ:
-         “Một mình bà ở nhà rất là cô độc, nên cũng vẫn đi lại với hàng xóm, bà con thân thuộc chứ ?”
Lưu thị nghiêm trang nói:
-         “Sau khi ông đi thì tôi đóng cửa từ khách, phòng không chiếc bóng, cửa lớn không ra, cửa sau không gặp, từ đó đến nay không đi lại với người ngoài.”
Chồng càng thêm cảm động hỏi tiếp:
-      “Bà dùng cách gì để tiêu khiển thời gian ?”
Lưu thị trả lời là chỉ làm một vài điệu bộ ngắn bày tỏ tâm tình, ký thác tấm lòng mà thôi.
Nghĩa Phương càng cảm thấy yên tâm, lòng tràn hứng thú, nhưng sau khi mở bản thảo tập thơ của vợ ra coi, thì thấy tựa đề của bài thứ nhất sừng sững đập vào mắt ông, bài thơ viết là “Dưới ánh trăng nói chuyện phiếm, trêu đùa với nhà sư hàng xóm” !
                                   (Thuẩn Trai Nhàn Hiền)

Suy tư:
     Người ta định nghĩa gái đoan trang là gái không ngồi lê đôi mách, không lã lơi lãng mạn, không cười toe toét, không liếc mắt đưa tình.v.v...
     Người ta định nghĩa người vợ truân chuyên đảm đang là người biết coi sóc việc nhà, thương yêu chồng con, chung thuỷ với chồng, tận tuỵ vì con, chồng chết thì ở vậy thờ chồng nuôi con...
     Người ta định nghĩa Ki-tô hữu là người thành tâm kính mến Thiên Chúa và yêu thương mọi người, siêng năng đi tham dự thánh lễ và rước lễ, ăn nói đàng hoàng, nết na đức hạnh...
     Người ta định nghĩa linh mục là những người thay mặt Thiên Chúa để thi ân giáng phúc cho mọi người, cho con chiên bổn đạo, các ngài là Chúa Ki-tô thứ hai; linh mục là người khiêm tốn trong lời nói cũng như trong hành động, là người biết kính trên nhường dưới, là người yêu thương con chiên bổn đạo không phân biệt chiên nào giàu chiên nào nghèo...
     Người ta định nghĩa các nam tu sĩ là những người dâng mình làm tôi Chúa, nên họ là những người tận tâm phục vụ anh chị em, thành tâm giúp đỡ mọi người mà không oán trách, là người sống cuộc đời thành thật và đơn sơ...

     Người ta định nghĩa các nữ tu là những người noi gương khiêm tốn và phục vụ của Đức Mẹ Ma-ri-a, các nữ tu là những người mẫu mực của đời sống dâng hiến cho tình yêu của Thiên Chúa, là những người luôn vui tươi như hoa hồng, khiêm tốn như hoa mười giờ và đẹp mãi như mùa xuân, mùa xuân của Thiên Chúa...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư 

Chỉ có bức tranh đối nhau


CHỈ CÓ BỨC TRANH ĐỐI NHAU
Lý Đình Ngạn lấy một trăm vần thơ của mình tặng cấp trên, trong đó có một câu thơ:
-         “Em chết vứt bỏ tại Giang Nam, anh vong thân nơi vùng hiểm bắc”.
Cấp trên đau xót ngậm ngùi nói:
-         “Không ngờ trong nhà ông gặp nhiều hung nạn bất hạnh đến nỗi hoàn cảnh ra như thế này !”
Lý Đình Ngạn lật đật giải thích:
-         “Thật ra hoàn toàn không phải như thế, tôi chỉ nắn nót bài thơ cho có bức tranh đối nhau mà thôi !”
(Thuẩn Trai Nhàn Hiền)

Suy tư:
     Có người làm thơ thì trút cả lòng mình ra trong vần thơ, có người làm thơ thì mượn ý mượn lời của người khác để có hứng thú, có người làm thơ thì “bê” luôn bài thơ của người khác làm của mình...
     Mượn ý để làm thơ là chuyện có thật, mà phải như thế mới có bài thơ hay để đời, và thi sĩ nào cũng làm thế mà thôi, bởi vì không ai tự nhiên mà thốt ra những bài thơ tình hay đáo để nếu người ấy không yêu đương ! Mọi bài thơ đều đáng khen dù hay hoặc không hay, bởi vì thi sĩ đã đem hết tâm trí mình đặt thành bài thơ.
     Có một bài thơ hay nhất, tuyệt vời nhất trong lịch sử của nhân loại, đó là bài thơ “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa” của Đức Mẹ Ma-ri-a, chính miệng Mẹ thốt ra để ca ngợi Thiên Chúa, và những người dốt nát thần học Thánh Kinh như chúng ta, thì dù bài thơ này của ai không thành vấn đề, chỉ cần biết là bài thơ ca ngợi rất hay, không hay sao được khi mà từ Đức giáo hoàng, các Giám mục, các linh mục và tu sĩ khắp nơi trên thế giới mỗi ngày đều đọc (hát) nó ? Không hay sao được khi mà có rất nhiều mhạc sĩ tài ba trên thế giới đã phổ nó thành những điệu nhạc rất tuyệt vời, tóm lại bài “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa” là một bài thơ tuyệt vời mà chúng ta cần phải biết, phải đọc và phải suy gẫm, để hiểu rõ thêm về tình thương của Thiên Chúa dành cho Đức Mẹ Ma-ri-a –Đấng đầy ơn phúc.
     Mỗi ngày các giám mục, các linh mục, các thầy phó tế và các tu sĩ nam nữ đều đọc nó, và chúng ta thấy ra sự khiêm nhu thẳm sâu của Đức Mẹ Ma-ri-a trong bài ca ngợi này, nhưng chính mỗi người chúng ta thì không sống, không bắt chước nhân đức khiêm tốn của Mẹ trong bài ca ngợi này, bằng chứng là chúng ta vẫn hống hách với mọi người, khi họ cung kính tôn trọng chúng ta; bằng chứng là chúng ta vẫn nói hành người này, nói xấu người kia làm cho họ phải bỏ nhà thờ và có ác cảm với những người dâng mình làm tôi tớ Thiên Chúa...

     Mỗi ngày chúng ta đều đọc bài ca ngợi này, nhưng cách đọc hay nhất và hiệu quả nhất chính là chúng ta thực hành nó trong cuộc sống đời thường của mình là khiêm tốn như Đức Mẹ Ma-ri-a.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư