Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2015

Chúa nhật 25 thường niên



CHÚA NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Mc 9, 30-37
“Con Người sẽ bị nộp. Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải phục vụ mọi người”.

Anh chị em thân mến,
Cuộc sống con người nếu không có những tham vọng thì sẽ rất bằng phẳng, sẽ rất hiền hoà như nguyên tổ Adong và Eva của chúng ta hồi ở trong vườn địa đàng, nhưng con người thì luôn có tham vọng, cái tham vọng này nhiều lúc vượt qua khả năng của con người là muốn làm lớn để được chỉ huy người khác, và để được người khác phục vụ mình.

Đức Chúa Giê-su đã ân cần dặn dò các môn đệ : “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” , Ngài muốn các môn đệ phải học nơi Ngài sứ mệnh “làm lớn” tức là sứ mệnh phục vụ tha nhân trong chính bổn phận của mình. Bởi vì có nhiều người “làm lớn” nhưng không thích phục vụ; có nhiều người thích ăn trên đầu ngồi trên cổ người khác, nhưng lại chỉ tay năm ngón và coi việc phục vụ như là công việc đê hèn của các đầy tớ, đó là nguyên nhân của những bất hòa, phe phái và chiến tranh.

Đức Chúa Giê-su đã đến trong thế gian để phục vụ, và Ngài coi phục vụ chính là tiêu chuẩn để làm lớn trong Nước Trời.

“Muốn làm lớn thì phải làm nhỏ” không ai lớn cho bằng Đức Chúa Giê-su, Ngài chính là Thiên Chúa, là vua vũ trụ; nhưng cũng không ai nhỏ bé nghèo nàn cho bằng Đức Chúa Giê-su, Ngài chính là con người, một con người nghèo khó nhất giữa loài người; và không ai đề cao việc phục vụ như Ngài bởi vì chính Ngài đã phục vụ trong yêu thương, phục vụ cho đến chết, và chết rất tội nghiệp trên cây thập giá. Đó chính là hình ảnh sống động của người “làm lớn”, là mẫu gương phục vụ cho những người muốn “làm lớn” trong cộng đoàn của mình.

Con người ta ai cũng thích được làm ông này bà nọ, ai cũng thích được có quyền hành để sai người này bảo người kia, nhưng có rất ít người thích phục vụ người khác như một tôi tớ. Có những lúc chúng ta phục vụ mà trong tâm hồn vẫn còn vướng mắc cái mắc cỡ coi phục vụ là việc xấu xa đê tiện của hạng đầy tớ, cho nên chúng ta miễn cưỡng khi cúi xuống vung tay vứt nắm đồng tiền cho người ăn xin bên vệ đường, và nhanh chân bước đi mà không thèm ngoái cổ nhìn lại...

Anh chị em thân mến,
Người làm lớn tức là người có chức có quyền, nhưng chức quyền của họ không làm cho người khác lớn lên trong tình thương nếu họ không biết phục vụ, trái lại, người biết phục vụ vì tình thương sẽ có ảnh hưởng lớn mạnh trên mọi người, mà không cần có một thế lực nào của người đời nâng đỡ, bởi vì chính Thiên Chúa là Đấng uy quyền sẽ luôn ở với họ.

Có người phục vụ tha nhân, nhưng không yêu thương.
Có người phục vụ tha nhân, nhưng phục vụ cách miễn cưỡng.
Có người phục vụ tha nhân, nhưng phục vụ chiếu lệ.
Có người phục vụ tha nhân, nhưng lẩm bẩm chửi thề...

Chỉ có những ai thành tâm yêu mến Đức Chúa Giê-su trong tha nhân mới có cung cách phục vụ chân chính, và như thế họ là những người lớn nhất trong Nước Trời vậy !


Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Thứ Hai, 14 tháng 9, 2015

Lễ Suy Tôn Thánh Giá (14/09)


LỄ SUY TÔN THÁNH GIÁ

Tin Mừng : Ga 3, 13-17
“Con Người sẽ phải được giương cao”

Anh chị em thân mến,
Hôm nay Giáo Hội hân hoan mừng kính lễ suy tôn Thánh Giá của Đức Chúa Giê-su.
Nói hân hoan vì chính Đức Chúa Giê-su đã dùng cây Thánh Giá để cứu chuộc nhân loại chúng ta khỏi ách tội lỗi của ma quỷ, hân hoan vì cây Thánh Giá chính là cây trường sinh đem lại sự sống đời đời cho chúng ta

Thánh Giá chính là nguồn ơn cứu độ cho nhân loại, đó chính là niềm tin và là biểu tượng thánh của người Công Giáo chúng ta, ở đâu có Thánh Giá là ở đó có bằng an và sức mạnh thần thiêng.
Đức Chúa Giê-su không chết dưới lưỡi gươm của quân lính để cứu chuộc nhân loại, Đức Chúa Giê-su cũng không chết vì chén thuốc độc để chúng ta được sống, nhưng Ngài đã chết bằng cách chịu đóng đinh trên cây thánh giá để cứu chuộc nhân loại, do đó Thánh Giá là biểu tượng cho sự giao hoà giữa trời và đất, và là sự nối kết tình huynh đệ giữa con người với nhau, mà tâm điểm phát xuất chính là Đức Chúa Giê-su.

Phải qua thánh giá mới đến vinh quang, cũng như phải qua đò mới đến được bến bờ bên kia, nhưng người qua đò thì không còn nhớ đến con đò đã đưa mình qua sông, bởi vì con đò không còn ích gì cho họ nữa, nhưng cây Thánh Giá không những Thiên Chúa dùng để cứu chuộc chúng ta, mà còn đi với chúng ta cho đến hết cuộc sống ở trần gian :
- Thánh Giá nơi bí tích Rửa Tội đã làm cho chúng ta trở thành những người được cứu độ, đó là Thánh Giá của niềm tin.
- Thánh Giá nơi bí tích Thêm Sức làm cho chúng ta trở thành những chứng nhân của Chúa trong cuộc sống của mình, đó là Thánh Giá của tình yêu.
- Thánh Giá nơi bí tích Xức Dầu Thánh làm cho chúng ta được bình an, đó là Thánh Giá của hy vọng.

Vinh quang và chiến thắng không ở nơi cảnh thanh bình giả tạo nhưng ở nơi chiến trường, mà chiến trường của chúng ta –những người Ki-tô hữu- chính là bổn phận hàng ngày của mình; chiến trường của chúng ta cũng ở trong những khó khăn của cuộc sống, khi chúng ta chu toàn bổn phận chính là lúc chúng ta đem cây Thánh Giá của Chúa cắm vào nơi ươn hèn của tội lỗi, khi chúng ta vui vẻ cậy nhờ ơn Chúa để đi qua những khó khăn của cuộc sống, là chúng ta đã đem vinh quang của cây Thánh Giá dựng lên cao để cho mọi người biết rằng: sức mạnh và vinh quang của chúng ta chính là cây Thánh Giá.

Anh chị em thân mến,
Ngày hôm nay Thánh Giá không còn là biểu tượng của đau khổ nữa, nhưng là của chiến thắng và vinh quang, bởi vì tất cả những đau khổ đưa nhân loại chúng ta đến chỗ chết chóc huỷ diệt, thì đã được Đức Chúa Giê-su –Đấng Cứu Chuộc trần gian- đã gánh lấy cho chúng ta, để giờ đây mỗi người trong chúng ta tiếp tục giương cao ngọn cờ chiến thắng là cây Thánh Giá ngay trong cuộc sống đầy đau khổ và hạnh phúc của mình ở trần gian này.


Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.