Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2022

Chúa nhật 18 Thường niên



CHÚA NHẬT 18 THƯỜNG NIÊN

 

Tin mừng : Lc 12, 13-21

“Những gì ngươi sắm đó sẽ về tay ai ?”

 

Bạn thân mến,

Cuộc sống của con người thật đẹp nhưng cũng thật là phù vân, phù vân là gió thổi mây bay tan trong vũ trụ bao la, phù vân là tụ lại rồi tan nhanh khi có cơn gió thổi tới. Đời sống là phù vân, tiền tài danh vọng địa vị là phù vân, tất cả đều là phù vân, và mạng sống của con người ở trần gian này cũng chỉ là phù vân, phù vân như hoa cỏ sớm nở chiều tàn và trở về với nơi đã làm nên nó: bụi đất.

1.      Tiền bạc là phù vân

Giàu có lắm thì cũng như phú ông tronng bài Tin Mừng là cùng: tiền bạc của cải không có nơi để cất giữ nên phải làm thêm kho lẫm để tích trử, nhưng ông ta không hề tích lủy những việc lành phúc đức để khỏi phải hối hận trước toà phán xét của Thiên Chúa, thật khốn nạn khi đang hưởng thụ của cải tiền bạc thì Thiên Chúa đến đòi lại linh hồn, trở tay có kịp không ?!

2.      Tình cảm cũng chỉ là phù vân

Con người ta sống cần phải có tình cảm: tình yêu vợ chồng, tình bạn, tình thầy trò.v.v…. tất cả tình cảm ấy đều là nhu cầu thiết thực của con người, để con người vươn lên sống với chức phận làm con người của mình. Nhưng những tình cảm thân thiết này cũng chỉ làm bạn với chúng ta cho đến khi quan tài của mình nằm trong mộ, thì cha mẹ, vợ chồng con cái, bạn bè thân thiết, bạn sơ giao, cũng tiếc nuối đưa tiễn chúng ta đến phần mộ rồi họ trở về, chứ họ không cùng đi với chúng ta qua thế giới bên kia, và rồi một vài tháng sau thì họ cũng sẽ quên mất người thân vừa qua đời của mình.

3.      Việc làm tốt

Chỉ có một người bạn thân sẽ đi với chúng ta khi chúng ta từ giã cõi đời này, đó chính là những việc lành phúc đức mà chúng ta đã làm khi còn sống. Tiền tài danh vọng sẽ qua tay người khác khi chúng ta nhắm mắt, cha mẹ, con cái bạn bè và những người thân yêu, dù yêu thương chúng ta đến đâu chăng nữa, thì cũng chỉ đưa chúng ta ra đến phần mộ rồi họ trở về, nhưng những việc làm tốt đẹp có ích cho mọi người mà bạn và tôi  đã làm khi còn sống, cũng sẽ có ích cho chúng ta khi chúng ta đến trước tòa Thiên Chúa để chịu phán xét…

Bạn  thân mến,

Tôi đã có dịp đi dâng thánh lễ ở nhiều viện dưỡng lão khác nhau trong khu vực tôi chịu trách nhiệm truyền giáo, tôi đã giúp cho những cụ già nhìn lại cuộc sống của mình: Lúc còn trẻ họ (các cụ già) thì bôn ba thức khuya dậy sớm để kiếm tiền và tích lũy bạc tiền cho mình và cho con cái, bây giờ tuổi đã cao, không được ở nơi nhà cao cửa rộng mà mình đã đổ mồ hôi để gầy dựng, con cái một hai tháng mới đến thăm một lần nói qua loa vài chuyện rồi trở về với gia đình riêng của nó, tuổi già lụm khụm lui tới trong viện dưỡng lão cô đơn, mới thấy cuộc đời tiền tài danh vọng là phù vân và phù vân, do đó chúng ta chỉ còn có một công việc cần phải làm mà khi còn trẻ chúng ta không làm hoặc chưa làm tốt, đó chính là chuẩn bị thời giờ còn lại chăm sóc cho linh hồn mình bằng lời cầu nguyện và những việc làm tốt, có ích lợi cho linh hồn mình cũng như cho linh hồn người khác.

Chỉ có Thiên Chúa là Đấng hằng yêu thương và hằng ở cùng bạn và tôi trong mọi hoàn cảnh, chỉ có Thiên Chúa là Đấng làm cho cái phù vân trở thành lời ca chúc tụng Ngài trong cuộc sống của chúng ta, và chỉ có Thiên Chúa mới làm cho chúng ta không trở nên phù vân nhờ cái chết và sống lại của Đức Chúa Giê-su.

Tiền tài, danh vọng và ngay cả mạng sống của con người cũng đều là phù vân nay còn mai mất, bon chen vất vả khổ cực cả đời rồi cũng tay trắng ra đi về với cát bụi…

Cái duy nhất còn lại và trung tín với chúng ta đó chính là những việc lành phúc đức mà chúng ta đã làm vì tha nhân mà thôi…

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

-----------

http://www.vietcatholic.org 

https://www.facebook.com/jmtaiby 

http://nhantai.info 

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


84.   SỞ VƯƠNG ĐI SĂN

Sở vương rất thích đi săn, nhưng rất ít khi săn được nhiều thú.

Ngày hôm ấy lại dẫn đám tuỳ tùng đi qua Lục Mông săn bắn, trước tiên ông ta để cho viên quan cai quản sơn trạch đuổi tất cả các loại phi điểu cầm thú chạy ra, khi phi cầm bay ra thì Sở vương kéo cong cung tên chuẩn bị bắn, thì đột nhiên thấy phía bên trái có mấy con hưu sao chạy ra, phía bên phải xuất hiện mấy con nai...

Ông ta bèn đổi chủ ý, kéo cung muốn bắn con nai.

Nhưng khi ông ta ngẫng đầu lên, thì thấy một con thiên nga trắng rất đẹp đang bay qua trên đầu giống như một đám mây trắng vậy.

Sở vương nhìn ngang nhìn ngửa hoa cả mắt, muốn trên trời, tham dưới đất, nhất thời tâm thần không ổn, rốt cuộc một con thú cũng không bắn được.

                                                                        (Úc Ly tử)

 

Suy tư 84:

        Có một vài giáo dân khi vào trong nhà thờ để gọi là viếng Chúa, họ đi quanh một vòng, nhìn nhìn trỏ trỏ từ bình đựng nước thánh cho đến các tượng thánh treo trên tường, rồi sau đó chấp tay vái vái hết tượng thánh cả Giu-se rồi đến tượng Đức Mẹ, rồi đi qua tượng thánh Mác-ti-nô và cười cười nói nói rồi...đi ra.

        Họ đi vào trong nhà thờ chầu viếng Chúa Thánh Thể mà giống như đi...săn đồ cổ, họ hết vái thánh này thánh nọ theo thị hiếu và thói quen của mình, phê bình tượng này đẹp tượng kia xấu rồi ra về. Họ hoa cả mắt, cầu xin quá nhiều nơi mỗi tượng thánh và cuối cùng thì quên mất Đức Chúa Giê-su Thánh Thể đang ngự trong Nhà Chầu (nhà tạm) là Đấng mà họ phải bái lạy và cầu xin...

        Không biết khi trở về nhà, họ có được ơn gì không, chỉ e rằng họ giống như Sở vương đi săn: “muốn trên trời, tham dưới đất”, rồi cuối cùng thì trở về tay không ?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Năm, 28 tháng 7, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

83.   CHIM SÁO A DUA

Ở trên vách núi dựng đứng của ngọn núi Nữ Nhi có rất nhiều chim khách làm tổ, một hôm có một con hổ đi ngang phía dưới vách núi, làm cho bầy chim khách vô cùng kinh hoảng, lập tức la hét huyên náo cả lên. Lúc ấy có mấy “anh” chim sáo ở hang động kế bên cũng bay ra góp phần ồn ào.

Con chim cu gáy hỏi chim khách vì sao mà náo loạn lên vậy, chim khách nói :

-        “Nếu lão hổ hú lên một trận gió thì chúng tôi thật là khổ cực, bởi vì tất cả cái tổ đều bị thổi rơi xuống, do đó mà phải la hét ồn ào để đuổi nó đi”.

Chim cu gáy lại hỏi chim sáo, chim sáo ấp úng không biết làm sao trả lời, một lúc sau mới nói:

-        “Chúng tôi cũng không biết tại sao nữa, chỉ biết là cùng chim khách la ó náo nhiệt cho vui mà thôi”.

Chim cu gáy cảm thấy nực cười, nói:

-        “Tổ của chim khách làm ở trên vách núi dựng đứng nên sợ gió thổi rớt xuống đã đành, còn các anh ở sâu trong hang động, có gì mà la hét ồn ào như thế chứ ?”

                                                                                (Úc Ly tử)

 

Suy tư 83:

        Chim sáo thấy bầy chim khách la ó vang trời, thì cũng bay ra đùa giỡn la ó cho vui, mà không hiểu nguyên nhân tại sao mình lại làm như thế, người bây giờ gọi đó là a dua.

        A dua tức là thấy người ta làm gì hay dở không biết, cứ vỗ tay “đốc” thêm cho vui.

        Người a dua là người không có lập trường hoặc là người lập trường không vững, họ thấy bên nào đông đúc thì cứ hùa theo, dù bên số đông có sai lầm...

        Ở trong giáo xứ cũng có những giáo hữu a dua, họ a dua theo một số người để chửi và để công kích cha sở, vì ngài đã làm cho họ mất đặc quyền đặc lợi trong nhà thờ; họ a dua theo một số người có máu mặt trong giáo xứ và thành lập một nhóm khác để xúi giục, rỉ tai giáo dân phản đối cha sở và ban hành giáo...

        Người a dua là tên tay sai đắc lực của sa tan tức là ma quỷ, nó làm cho trong giáo xứ mất đoàn kết, nó làm cho các thành viên trong cộng đoàn nghi kỵ lẫn nhau.

        Người Ki-tô hữu trưởng thành là người biết chịu trách nhiệm lời nói và hành vi của mình, trái lại, người Ki-tô hữu a dua là người đem trách nhiệm của mình đổ trên đầu người khác và lớn tiếng thoá mạ bất kỳ ai khi quyền lợi mình bị đụng chạm.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 27 tháng 7, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


82.   CHÍN ĐẦU GIÀNH ĂN

Ở vùng Nghiệt Dao có một con chim rất quái dị, nó có chín cái đầu, mỗi khi có một cái đầu được thức ăn thì tám cái đầu kia đều giành giựt để ăn, chúng nó cùng nhau quấn quanh cái cổ để cướp thức ăn, cho đến khi lông rụng máu chảy, sức lực suy tàn mới chịu nghỉ, náo loạn như thế nhưng rốt cuộc là không ăn được gì.

Có con vịt nước thấy như vậy mới có hảo ý khuyên chúng nó không nên giành nhau thức ăn, con chim chín đầu không nghe, vẫn cứ không nhường nhau, cuối cùng bị đói mà chết.

                                                                        (Úc Ly tử)

 

Suy tư 82:

        Một con chim nhưng có chín cái đầu, mà cái đầu nào cũng “độc lập” muốn thức ăn riêng cho mình, đúng là một con chim quái dị.

        Người Ki-tô hữu chỉ có một “cái đầu” duy nhất là Đức Chúa Ki-tô, một “thân mình duy nhất là Hội Thánh”, một “quả” tim duy nhất là Chúa Thánh Thần, ba cái duy nhất này làm cho người Ki-tô hữu trở thành anh em chị em với nhau và được trở nên sáng giá trước mặt Cha trên trời.

        Nhưng cũng có một vài Ki-tô hữu trở thành “quái dị” không giống với những Ki-tô hữu khác:

-       Họ quái dị khi thấy người anh em thành đạt nên có lòng ghen ghét.

-       Họ quái dị khi thấy người khác hơn mình nên không muốn cộng tác.

-       Họ quái dị khi thấy con cái người ta hơn con cái của mình nên gièm pha nói xấu.

-       Họ càng quái dị hơn khi một người nào đó nói với họ rằng chúng ta là anh em chị em với nhau.

Người Ki-tô hữu tuy sống độc lập, nhưng không trở thành một ốc đảo riêng biệt, mà là liên kết với nhau trong tình yêu của Đức Chúa Giê-su bằng bí tích Thánh Thể, bằng chuổi Mân Côi, bằng các bí tích và bằng lời cầu nguyện.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Ba, 26 tháng 7, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

  

81. NGƯỜI NƯỚC TRỊNH HỌC NGHỀ

Có một người nước Trịnh muốn học một nghề gì đó cho chắc, bèn đi học làm ô dù, ba năm sau tài nghệ đã học thành, sư phụ tặng cho anh ta một bộ đồ nghề làm ô dù để anh ta tự mình tìm kế mưu sinh. Nhưng gặp lúc trời đại hạn, ngay cả người hỏi giá ô dù cũng không có, người nước Trịnh xuống khí thế, tinh thần không vui, bèn đem tất cả đồ nghề vứt đi.

Về sau, anh ta nhìn thấy nghề bán xe đạp nước rất thịnh vượng, bèn đổi hướng đi học nghề làm xe đạp nước, ba năm học đã thành tài, nhưng ai mà biết được, tự nhiên trời âm u và mưa liên tục, nước sông dâng cao, không ai dùng xe đạp nước. Thế là anh ta lại bắt đầu làm lại các công cụ may ô dù, nhưng khi anh ta chuẩn bị xong các công cụ thì trời lại trong xanh.

Không lâu sau đó, nước Trịnh có nạn trộm cắp hoành hành náo loạn, nhà nhà đều chuẩn bị vũ khí để đề phòng trộm cướp, người nước Trịnh này lại muốn đi học nghề thợ rèn, nhưng tuổi tác đã cao và ông ta không còn vung nổi tay búa nữa, chỉ có nước ngồi mà thở dài thườn thượt.

(Úc Ly tử)


Suy tư 81:

Có những người đi tu nhưng không chịu đựng được đời sống tu trì, nên đã “nhảy” qua rất nhiều dòng tu và tu hội, từ dòng nhiệm nhặt cho đến dòng...thoải mái, mà đi tu thì làm gì có dòng thoải mái, cho nên cuối cùng thì họ vẫn cứ lông bông giữa đường đời như thuyền không lái bồng bềnh trên biển cả, tu không được mà lập gia đình cũng không xong.

Thiên Chúa ban cho chúng ta mỗi người có một đức tin và một khối óc, để chúng ta biết chọn lựa và hiểu ra thánh ý Chúa muốn chúng ta phải làm gì trong cuộc sống đời này, đừng gượng ép đi theo cái mà mình không thích hoặc làm theo ý hướng của người khác chỉ vẻ cho mình, nhưng hãy can đảm đi theo con đường mà Chúa chỉ cho mình qua các biến cố hoàn cảnh.

Có người vì sợ “mất mặt” khi bị nhà dòng cho hoàn tục, nên đã gượng ép “thử” dòng này dòng nọ rồi cuối cùng bai bai ơn gọi; có người sợ bố mẹ buồn nên “cực chẳng đã” ở trong một dòng tu mà giống như ở trong nhà tù, rồi cũng được “đỗ” làm cha, nhưng cuộc sống thì không như một linh mục; có người rất muốn đi tu, nhưng vẫn cứ thích làm người thoải mái, nên rốt cuộc đời sống tu đức của họ là một gương xấu và gánh nặng cho họ...

Thiên Chúa không bắt buộc tất cả mọi người đều phải “đi tu”, nhưng Ngài muốn tất cả mọi người đều phải phụng thờ Ngài và làm sáng danh Ngài trong bổn phận của mình.

Ơn gọi là một sáng kiến đầy yêu thương của Thiên Chúa, do đó ơn gọi cần phải được đáp trả bằng yêu thương, bền chí và sự chân thành, bằng không thì sẽ giống như người nước Trịnh học nghề vậy.

Lm. Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Hai, 25 tháng 7, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện



 XẤU HỔ KHI DÙNG LY NGỌC

Ngày xưa, Triệu vương có được một miếng ngọc Ư Điền rất đẹp, và sai người làm một cái ly (cốc) uống rượu để khi ai có công thì dùng ly ấy mà thưởng rượu.

Sau khi thành Hàn Đam được giải vây, Văn vương Triệu Huệ quỳ xuống dâng rượu bằng ly ngọc, chúc cho công tử nước Nguỵ (là Tín Lăng quân) được mạnh khoẻ, công tử nước Nguỵ thi lễ đáp tạ.

Lúc chuẩn bị dời về phía nam, Thành vương Triệu Hiếu cũng dùng ly ngọc ấy để chúc mừng công lao tướng sĩ. Người nước Triệu nếu dùng ly ngọc ấy để uống rượu một lần thì coi như là hơn được cả mười xe châu báu bổng lộc. Về sau, Triệu vương Thiên đem cái ly ngọc này thưởng rượu cho một tên tiểu nhân đã tự liếm đom (bệnh trỉ) cho mình uống một lần.

Không lâu sau, nước Tần tiến đánh nước Triệu, Lý Mục đánh lui được địch quân, Triệu vương lại dùng ly ngọc này để rót rượu tưởng thưởng tướng sĩ ba quân, nhưng các tướng sị đều giương cặp mắt lên mà nhìn, bởi vì không ai còn muốn uống rượu nơi cái ly ngọc ấy nữa.

(Úc Li tử)


Suy tư 80:

Lấy ngọc quý để làm thành cái ly uống rượu thì dù cho rượu không ngon cũng trở thành ngon, mà nếu được nhà vua dùng ly ngọc này thưởng rượu, thì quả là hạnh phúc và vinh dự vô cùng.

Đời sống tâm linh của người Ki-tô hữu đều ở nơi thánh lễ, bởi vì nơi thánh lễ chúng ta được tham dự Mình và Máu Thánh của Chúa Ki-tô, là nguồn của mọi ân sủng.

Khi đi tham dự thánh lễ thì người mà giáo dân nhìn thấy rõ ràng nhất chính là linh mục chủ tế, bởi vì ngài là vị chủ tế thánh lễ, bởi vì ngài đang đứng trên cao kia nơi bàn thờ, uy nghiêm và thánh thiện, cho nên –có thể nói- giáo dân chưa thấy Chúa thì đã thấy linh mục trước tiên, rồi từ thấy linh mục chủ tế, họ thấy Đức Chúa Giê-su đang hiện diện trên bàn thờ.

Linh mục là cái ly (cốc) ngọc chứa đựng Mình Máu Thánh của Chúa, bởi vì từ nơi ngài, giáo dân đón nhận các ơn lành của Chúa ban cho họ, cho nên, khi giáo dân đi dự lễ mà họ thấy một linh có đời sống bê bối, kiêu ngạo, hách dịch dâng lễ, thì họ cảm thấy “ăn uống không ngon” khi tham dự tiệc Thánh Thể, họ cảm thấy tâm hồn bức xúc và rất gượng ép khi dự lễ với một linh mục như thế làm chủ tế.

Đó cũng chính là một trong nhiều nguyên nhân khiến cho giáo hữu “giương cặp mắt lên mà nhìn”, bởi vì không ai muốn uống rượu (thánh lễ) nơi cái ly ngọc (linh mục) ấy nữa, bởi vì cái ly ngọc đã không còn tinh sạch nữa.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)