Thứ Bảy, 14 tháng 4, 2018

Chúa nhật 3 phục sinh



CHÚA NHẬT III PHỤC SINH
Tin Mừng : Lc 24, 35-48
“Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại.”
Bạn thân mến,
Lời đầu tiên hôm nay của Đức Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng cũng chính là “bình an cho các con”, như thế để cho chúng ta hiểu ra rằng: bình an chính là hạnh phúc mà con người mãi mê tìm kiếm, nhưng tìm mãi tìm hoài mà cũng không tìm thấy bình an đích thực, chỉ là những bình an giả tạo mà thôi. Hôm nay tôi xin chia sẻ với anh chị em một thực tại sống động mà chúng ta -những người Ki-tô hữu- đang thực hiện, đó chính là mỗi người trở nên chứng nhân về việc Chúa đã chết và đã sống lại qua ngôn hành của chúng ta trong cuộc sống.
1. Anh em có gì ăn không ?
Ma quỷ thì không có thân xác nên không thể ăn được, chỉ những ai còn sống mới biết đói biết khát, chỉ những ai đói mới đòi ăn và khát mới đòi uống, nhưng Đức Chúa Giê-su thì không phải vì đói vì khát mà xin ăn, nhưng chính là để chứng minh cho các môn đệ của Ngài biết rằng Ngài đã sống lại thật rồi.
Có rất nhiều người chung quanh chúng ta đang ngửa tay hỏi chúng ta: các anh các chị có gì ăn không ? Họ xin ăn không phải để nói rằng họ đã từ cõi chết sống lại, nhưng là để cho chúng ta nhận ra Đức Chúa Ki-tô phục sinh đang ở trong người của họ, để chúng ta nhận ra chính Chúa đang hiện diện giữa chúng ta, chung quanh chúng ta, nơi những người đói khát, nghèo khó...
Các tông đồ đã mau mắn đem bánh lại cho Chúa ăn, các ngài vui mừng quá đổi vì Chúa đã sống lại.
Khi chúng ta mau mắn đưa cơm bánh cho người nghèo là chúng ta vui mừng vì được phục vụ Chúa Phục Sinh nơi người anh em chị em nghèo khó, đó chính là niềm vui phục sinh, là cách làm chứng cho mọi người biết rằng Đức Chúa Giê-su vẫn ngày ngày đang sống lại nơi mỗi một người Kitô hữu.
Ai có đói mới thấy quý từng mảnh vụn cơm bánh, ai có khát mới thấy từng giọt nước là quý, ai có ngửa tay nói anh có gì ăn không, mới thấy giá trị của sự sống là cao quý vô cùng, mới thấy rõ thật giá trị của cơm thừa canh cặn, mới thấy rõ sự nhục nhã của kiếp ăn xin nghèo đói. Do đó, chỉ cần một ánh mắt khinh bỉ, chỉ cần một lời nói bóng gió, chỉ cần một thái độ khinh khi là làm cho tâm hồn của họ thêm đau đớn...
Ai có cầm bánh đưa ra cho người nghèo đói ăn thì mới cảm nghiệm được niềm vui của tâm hồn, nó thanh thoát, nó toả lan đến những người chung quanh, bởi vì chính họ đã nếm được sự hạnh phúc của việc cho kẻ đói ăn tức là cho Chúa Giê-su Phục Sinh ăn...
2. Anh em có gì ăn không ?
Đây không còn là một lời xin, đây cũng không còn là một lời đòi hỏi của người nghèo đói, nhưng là môt câu hỏi thân thiết quan tâm lẫn nhau giữa người với người, giữa anh em chị em với bè bạn.
Nếu mỗi ngày chúng ta gặp nhau mà hỏi: anh có gì ăn không, con cái anh có gì ăn không, để quan tâm và giúp đỡ, thì quả thật bình an của Thiên Chúa đang ở trong chúng ta. Một câu hỏi năm xưa của Đức Chúa Giê-su Phục Sinh đã làm cho các tông đồ vui sướng như thế nào, thì hôm nay, một câu hỏi như thế của chúng ta đối với người anh em chị em, thì cũng khiến cho họ rất sung sướng và hạnh phúc, vì họ được biết có người luôn quan tâm đến họ và gia đình họ.
Nếu chúng ta ai cũng biết bỏ đi cái ích kỷ nhỏ nhen trong tâm hồn để nói với người hàng xóm đang chật vật vì miếng cơm : anh chị hôm nay có gì ăn không ? thì chính họ đã nhận ra được Tin Mừng phục sinh nơi con người của chúng ta, bởi vì chỉ có những ai có một tâm hồn bình an, yêu thương, khiêm tốn mới có thể thật lòng quan tâm đến người khác cách vô vị lợi.
Đức Chúa Giê-su không khách sáo khi nhận bánh nơi các môn đệ của mình, Ngài ăn ngay trước mặt các ông, cũng vậy, có những lúc chúng ta không cần hỏi anh em có gì ăn không, nhưng chúng ta vẫn có thể chủ động quan tâm giúp đỡ người anh em, đó chính là thái độ tích cực mà–có thể nói- chỉ có những Ki-tô hữu mới có thói quen tốt đẹp này...
Anh chị em thân mến,
Có lúc nào chúng ta hỏi người anh chị em nghèo đói bên cạnh nhà mình: anh chị em có cần gì không, tôi giúp đỡ ?
Có lúc nào chúng ta chủ động coi những người lân cận của mình hôm nay ai bị bệnh phải đi bệnh viện, ai già cả neo đơn, ai có con cái đông lo không xuể...?
Đó chính là chúng ta thay mặt Đức Chúa Giê-su Phục Sinh quan tâm đến anh chị em, đem bình an và hạnh phúc của Ngài đến cho mọi người vậy.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
------------
http://www.vietcatholicnews.net 
http://www.vietcatholic.net/nhantai 
http://nhantai.inf