Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2022

Chúa nhật 29 thường niên

 


CHÚA NHẬT 29 THƯỜNG NIÊN

 

Tin mừng : Lc18, 1-8

“Thiên Chúa minh xét cho những kẻ Ngài đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Ngài”

 

Bạn thân mến,

Cầu nguyện là hơi thở của người Ki-tô hữu, không cầu nguyện thì coi như linh hồn đã chết, cầu nguyện không chuyên tâm thì coi như linh hồn bị bệnh, không thích cầu nguyện thì giống như linh hồn không tập thể dục lâu ngày sẽ sinh ra bệnh hoạn.

Đức Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay dạy chúng ta khi cầu nguyện cần phải kiên tâm nhẫn nại và tin tưởng, giống như người đàn bà góa trong dụ ngôn của Ngài mà chúng ta vừa nghe.

 

Cầu nguyện phải có hy sinh

Ông Môi-sê cầu nguyện khi dân Ít-ra-en đánh nhau với dân A-ma-lec, mỗi lần Môi-sê giơ tay lên thì dân Ít-ra-en thắng, khi nào ông Môi-sê vì mỏi mà bỏ tay xuống thì dân Ít-ra-en bị thua (Xh 17, 8-12). Ông Môi-sê đã cầu nguyện bằng tâm và hy sinh bằng hành động giơ hai tay lên trong tư thế cầu xin, sự thắng trận của dân Ít-ra-en –nói được là- tùy thuộc vào lời cầu nguyện và hy sinh của ông Môi-sê.

Mỗi ngày chúng ta có rất nhiều lời cầu xin với Thiên Chúa, nhưng lời cầu xin của chúng ta –có những lúc- không phù hợp cho linh hồn của mình nên chưa được Thiên Chúa nhậm lời; hoặc lời cầu nguyện của chúng ta không thấm nhuần đức tin, chỉ biết cầu xin mà không có hy sinh, hy sinh và cầu nguyện cần phải đi đôi với nhau.

 

Cầu nguyện phải kiên tâm nhẫn nại

Bà góa đã nhiều lần cầu xin ông quan “không biết sợ trời sợ đất’’ giải quyết nổi oan cho bà, nhưng không được ông ta giải quyết, bà không bỏ cuộc và cứ gõ cửa nhà quan xin đòi lại sự công bình cho bà, cuối cùng bà ta được mãn nguyện. Không phải ông quan là người mau mắn vì dân mà phục vụ, nhưng vì sợ bà lão quấy rầy nên giải quyết vụ án cho bà.

Chúng ta cầu nguyện nhưng không có kiên tâm bền chí, bởi vì chúng ta chỉ biết có cầu xin vật chất là những thứ mà chúng ta muốn Thiên Chúa phải thực hiện ngay sau khi cầu xin, mà không cầu xin cho được rỗi linh hồn và sống như ý Thiên Chúa muốn. Thiên Chúa là chủ vũ trụ, Ngài sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của chúng ta, nhưng trước hết chúng ta phải tìm thấy ý của Thiên Chúa trong lời cầu xin của mình, đó là lắng nghe Lời Chúa dạy qua sự im lặng của Ngài sau khi chúng ta cầu nguyện, và kiên tâm tìm ý của Ngài muốn chúng ta làm gì ?

 

Cầu nguyện cho nhau

Môi-sê đã hy sinh để cầu nguyện cho dân Ít-ra-en thắng trận, lời cầu nguyện này có sự đóng góp của ông A-a-ron và ông Khu-a (hai người đỡ hai tay ông Môi-sê) để ông được hoàn thành sứ mệnh cầu nguyện (Xh 17, 12).

Thánh Phao-lô tông đồ xác tín rằng, trong Đức Chúa Giê-su, chúng ta đều là anh em chị em với nhau, do đó lời cầu nguyện của người này dành cho người kia, trước mặt Thiên Chúa vẫn là lời cầu nguyện có thế giá nhất, bởi vì khi chúng ta làm như thế là chúng ta đã noi gương Đức Chúa Giê-su vì Ngài đã cầu nguyện cho các tông đồ được hiệp nhất, cầu nguyện cho những người giết mình, cầu nguyện cho những người vô ơn phụ nghĩa. Do đó, khi chúng ta hy sinh và cầu nguyện cho tha nhân là chúng ta đã sống trong hiệp nhất của Đức Chúa Giê-su đã dạy.

Bạn thân mến,

Kiên tâm khi cầu nguyện, hy sinh khi cầu nguyện và cầu nguyện cho nhau là chứng từ mạnh mẽ nhất về mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm ấy đang hiện diện sống động trong tâm hồn và trong cuộc sống của người mỗi người Ki-tô hữu.

Đức Chúa Giê-su dạy chúng ta phải biết kiên nhẫn khi cầu nguyện là để chúng ta biết nhận ra thánh ý của Thiên Chúa, nhưng thực tế là khi chúng ta chỉ mới cầu nguyện mấy phút thì đã than mệt, mới ngồi mấy phút đã kêu là nóng, mới quỳ mấy giây đã rên là mỏi chân…

Với thái độ như thế thì chúng ta chỉ có nhiều “khả năng” thất bại, bởi vì chúng ta không đặt mình vào vị thế mình là loại thụ tạo để cầu nguyện, mà đặt mình vào vị thế của đấng tạo dựng, nên không lạ gì chúng ta trở về tay không sau khi cầu nguyện…

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


39. ĂN MẤT ÔNG KHÁCH

        Thần tiên Tôn Chân Nhân sai con cọp là tùy tùng của mình đi mời khách đến dự yến tiệc. Con cọp vâng lệnh mà đi mời, khách được mời liền lên đường đi dự tiệc, nhưng đến nửa đường, ông cọp đói bụng chịu không nổi bèn ăn mất mấy người khách.

        Tôn Chân Nhân nộ khí xung thiên, chửi mắng nó:

-         “Súc sinh ! Mày vốn là loài không có tính người, chỉ biết ăn người !”

                        (Hoa Diên Thú Lạc Đàm Tiếu Tửu Lệnh)

 

Suy tư 39:

        Cọp là loài ăn thịt sống, là loài háu đói và là thú vật, ai cũng biết điều ấy, nhưng vì thích nó biết làm xiếc, thích nó biết nghe tiếng người, thích nó biết làm trò.v.v.v... nên dung dưỡng và nâng niu nó, để rồi một hôm bất ngờ nó quay lại ăn thịt chủ nó.

        Con cọp là con cọp, không thể trở thành con người và dĩ nhiên nó không thể có tính người.

        Con cọp nguy hiểm nhất của người Ki-tô hữu chính là những thói quen xấu, những thói quen xấu này không những nó sẽ “ăn” mất linh hồn chúng ta, mà còn “ăn” luôn cả linh hồn của những người khác khi họ nhìn thấy và học đòi theo các thói xấu của chúng ta.

        Chức quyền càng to thì “con cọp thói xấu” càng lớn và nguy hiểm càng nhiều, do đó mà người ta thường nói rằng càng cao danh vọng càng nhiều gian nan, cái gian nan này không những ở đời này mà còn là đời sau nữa, thật đáng sợ.

        Con cọp là loài chỉ biết ăn thịt người chứ không biết yêu người ! Cũng vậy, thói xấu chỉ làm cho chúng ta đi dần đến vực thẳm của sự chết, chứ không làm cho chúng ta được sự sống đời đời...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Năm, 13 tháng 10, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


38. TRA TẤN HOÀ THƯỢNG

        Có một hoà thượng khuyên người ta giữ giới, nói:

-         “Chỉ cần khảng khái tiếp tế cho chùa miếu, kính dâng phật tổ, thì sau khi chết có thể miễn cho khỏi xuống hoả ngục và khỏi tai nạn tra tấn.”

        Không lâu sau đó, vị hoà thượng ấy và một thí chủ chết cùng một lúc. Hoà thượng thì bị nghiệp chướng nặng nề cho nên bị hình phạt cưa làm hai khúc trong âm phủ, thí chủ bèn hỏi ông ta duyên cớ tại sao.

        Hoà thượng biện giải nói:

-         “Anh không biết nguyên nhân ở bên trong đó thôi, đó là bởi vì Diêm La vương thấy người thế gian bỏ hư chùa miếu, hoà thượng thì ít thưa thớt, nên muốn chúng tôi một hoà thượng cưa hai để làm thành hai hoà thượng ấy mà !!”

                        (Hoa Diên Thú Lạc Đàm Tiếu Tửu Lệnh)

 

Suy tư 38:

        Giáo dân đem tiền của vật chất dâng cúng cho nhà thờ thì có nhiều hạng người, nhưng có hai hạng người là đáng chú ý nhất:

Một là hạng người dâng cúng cho nhà thờ để lấy oai, loại này bắt cha sở phải làm theo ý mình, nghĩa là mình biểu phải sửa cái này phải mua thứ kia là cha sở phải mua thứ ấy, chứ không được làm gì khác ngoài ý muốn của họ; hai là hạng người dâng cúng cho nhà thờ để được ghi tên nơi tấm bảng đồng gắn bên bức tường cho mọi người thấy.

        Dâng cúng cho nhà thờ cũng có nghĩa là dâng cúng cho Thiên Chúa, mà Thiên Chúa thì luôn nhìn thấy bên trong tâm hồn của người dâng cúng, còn cách thức dâng cúng, số lượng dâng cúng của họ thì Ngài “không thấy”, cho nên dâng cúng để làm oai và để được ghi tên nơi bảng đồng thì không có giá trị gì trước mặt Thiên Chúa.

        Người đàn bà goá nghèo trong Tin Mừng là một bài học cho chúng ta khi dâng cúng cho nhà thờ.

        Nếu cha sở nào cũng làm theo ý người dâng cúng, thì không có ai đến dâng cúng, bởi vì những người nghèo sẽ không có cơ hội “bắt” cha sở làm theo ý của mình, hoặc nếu cha sở nào cũng muốn làm một bảng đồng để ghi tên những giáo dân dâng cúng nhiều tiền nhất, thì tấm bảng đồng ấy sẽ kết án cha sở và cha sở sẽ bị “cưa” làm hai, vì ngài làm nên cớ cho giáo dân trong họ đạo mất đoàn kết, và tự nó đã làm tăng thêm sự kiêu ngạo nơi những giáo dân dâng cúng nhiều tiền bạc vật chất nhất...

Việc dâng cúng với một tâm hồn khoe khoang kiêu ngạo thì đúng là con dao...ba lưỡi, một lưỡi đâm trước mặt giáo dân, một lưỡi đâm sau lưng cha sở và một lưỡi khác thì đâm chết linh hồn của mình.

Dễ sợ thay !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 12 tháng 10, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


37. KHÔNG CÓ VẬN MAY

        Trước đây có một anh nhà quê nọ tham gia thi khoa cử, đề thi là “trăng sáng”, anh nhà quê ấy liền ngâm:

-         “Tròn tròn cách góc biển, từ từ ra khỏi đám mây lớn, đêm nay tròn đầy, sáng trong không chỗ nào là không có.”

        Quan chấm thi nói:

-         “Ý nghĩa rất là hay, nhưng lại là không có vận (vần thơ).

        Trả lời:

-         “Bởi vì nó là không vận (vận may) nên mới chỉ có thể làm thầy dạy học, bằng nếu có vận thì đã sớm làm quan rồi.”

                        (Hoa Diên Thú Lạc Đàm Tiếu Tửu Lịnh)

 

Suy tư 37:

        Người ta có câu nói “Bôn ba chẳng qua thời vận” để chỉ những người đi đông đi tây làm ăn buôn bán mà không được gì cả, còn người mới ra làm ăn thì gặp lợi, gặp lợi tức là vận may, là số đỏ, là số hên, nên làm ăn phát đạt.

        Con người ta ai cũng thích mình có vận may khi buôn bán, có số đỏ khi bài bạc, có số hên khi...kiếm vợ kiếm chồng, và chắc chắn là không một ai thích mình gặp vận rủi, hoặc có số xui trong làm ăn buôn bán cũng như trong cuộc sống hằng ngày.

        Người Ki-tô hữu không cầu xin cho mình gặp được vận may hay có số đỏ, nhưng họ luôn cầu nguyện để xin ơn được an vui với hoàn cảnh hiện tại mình đang có, dù hoàn cảnh nghèo hay hoàn cảnh giàu, đau khổ hay hạnh phúc, bởi vì họ luôn xác tín rằng vận may chính là được làm con cái của Thiên Chúa, là được thông phần khổ nạn và phục sinh của Đức Chúa Giê-su qua chính cuộc sống giàu nghèo hiện tại của mình...

        Vận may, số đỏ hay số hên chắc chắn là không ở nơi thời vận, nhưng là ở chỗ trong tâm hồn của chúng ta có đức tin hay không mới là quan trọng, nghĩa là chúng ta có chấp nhận rằng tất cả mọi đau khổ và hạnh phúc ở đời này của chúng ta đều là vận may, đó là cơ hội để chúng ta được hưởng phúc thiên đàng mai sau vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Ba, 11 tháng 10, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


36. CHÂM CHỌC ĐẠO SĨ

            Có một anh thợ rất hiểu đạo lý của kinh thư, nên cũng có chút tài văn học. Một hôm, đạo quán[1] mời anh ta đến làm công, anh ta tự nhận mình là thợ xuất thân từ nhà nho. Đạo sĩ nói:

-             “Mặc dù anh tự cho mình là thợ xuất thân từ nhà nho, vậy thì làm câu đối này để anh đối lại thử xem sao ?”

            Anh thợ nói:

-     “Được”.

            Đạo sĩ nói:

-     “Tên thợ xuất từ nho: nho quân tử, nho tiểu nhân ?”

            Anh thợ lên tiếng đối lại:

-             “Người hiệu là đạo nhân: đạo quỷ đói, đạo súc sinh”.

                                    (Hoa Diên Thú Lạc Đàm Tiếu Tửu Lệnh)

 

Suy tư 36:

            Chê đúng nơi, góp ý đúng chỗ, thì củ cải cũng phải nghe, huống chi là con người.

            Có cha sở nọ ở Saigon khi cho rước lễ thì thấy một cô gái ăn mặc “mát mẻ” lên rước lễ thì ngài không cho cô ta rước lễ, giữa nhà thờ rất nhiều người tham dự thánh lễ ngài to tiếng khiển trách cô gái, vì ngài đã có lệnh cấm, cô gái tức tối trả lời đốp chát giữa nhà thờ: “Ai biểu ông ngó trên người tui làm chi, tui mặc sao kệ tui chứ ???”...

            Cô gái không mắc cở nhưng cha sở mắc cở, người ta không cười cô gái nhưng cười cha sở vì ngài thiếu khôn ngoan và cứng nhắc trong hành xử, ai cũng có tự ái của họ, và tự ái này sẽ nổ tung khi chúng ta chỉ trích phê bình họ giữa đám đông dân chúng, dù họ có làm sai...

            Nếu cha sở khôn ngoan để sau khi thánh lễ kết thúc nhắc nhở riêng cho cô gái, thì chắc chắn cô ấy sẽ nghe lời và kính phục ngài.

            Ông đạo sĩ đã khinh dễ anh thợ thủ công nên được đáp trả một câu đối đốp chát rất nặng ký, cũng vậy cha sở vì muốn tỏ ra uy quyền với cô gái nên đã bị trả lời đốp chát đến mất mặt ngoài ý muốn của mình.

            Tai hại thay cái uy quyền phản tác dụng.

            Lòng nhân hậu thì có sức mạnh hơn uy quyền trăm vạn lần.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Tên chùa miếu của đạo giáo.

Thứ Hai, 10 tháng 10, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


35. CHÀNG RỂ DÂNG CƠM RƯỢU

Có một phú ông nọ có ba chàng rể, ai cũng có cái hay của mình. Một ngày nọ, tất cả đều đến chúc mừng thượng thọ của nhạc phụ, ai cũng nói về tay nghề tài giỏi của mình.

Chàng rể lớn nói:

- “Xuân nhuốm kiều la, hạ nhuốm hồng, chỉ vì thiên đạo không tương đồng, ân cần thời sắp sẵn ba ly rượu, cúc cung dâng tiến nhạc phụ ngài.”

Chàng rể thứ hai nói:

- “Xuân câu cá lươn hạ câu chép, chỉ vì nước biển không tương đồng, ân cần thời sắp sẵn ba ly rượu, cúc cung dâng tiến nhạc phụ ngài.”

Chàng rể thứ ba nói:

- “Xuân trồng cải củ hạ trồng hành, chỉ vì đất đai không tương đồng, ân cần thời sắp sẵn bốn ly rượu, cúc cung dâng tiến nhạc phụ ngài.”

Nhạc phụ hỏi:

- “Sao anh dâng nhiều hơn một ly ?”

Chàng rể thứ ba trả lời:

- “Con dâng là dâng cơm rượu, cho nên phải nhiều hơn một ly ạ !”

(Hoa Diên Thú Lạc Đàm Tiếu Tửu Lệnh)


Suy tư 35:

Ở đời, chàng rể và nhạc phụ thì thường ít xung khắc với nhau, nhưng nàng dâu và mẹ chồng thì ít khi cùng nhau thuận hòa, đây không phải là “trời sinh” như thế, nhưng chính là do tại lòng mình mà thôi.

Có những chàng rể hiếu kính nhạc phụ hơn cả con trai của nhạc phụ, như thế tình lý của đạo làm người anh chàng rể này đã hiểu rõ là nếu không có nhạc phụ nhạc mẫu thì không có vợ mình, công lao nuôi nấng con gái của nhạc phụ nhạc mẫu cũng to lớn như cha mẹ nuôi dưỡng mình, do đó, hiếu kính nhạc phụ nhạc mẫu cũng như là hiếu kính cha mẹ ruột của mình vậy.

Đạo hiếu không đóng khung trong gia đình cha mẹ ruột và con cái, nhưng còn thể hiện trên nề nếp luân thường đạo lý của con người, rể và dâu không phải là người xa lạ trong gia đình của vợ hoặc của chồng, nhưng là người trong gia đình, bổn phận hiếu kính của họ đối với bố mẹ vợ cũng như đối với cha mẹ sinh ra mình vậy.

Đạo lý là như vậy, sáng rõ như ban ngày, nhưng vẫn có nhiều chàng rể coi nhạc phụ ngang hàng với mình, vung tay thoá mạ nhạc phụ, xách dao rượt bố vợ chạy có cờ và coi bố vợ như kẻ thù...Những chàng rể này chưa hiểu đạo lý làm người thì khoan lập gia đình đã, bởi vì khi lập gia đình thì phải có sự liên hệ với bên gia đình vợ, rồi có con cái và con cái lớn lên cũng phải dựng vợ gả chồng, rồi lỡ mà con cái nó giống tính của mình thì, hỡi ôi, chẳng vẻ vang gì cho dòng họ.v.v...

Hạnh phúc gia đình là ở đó: kính trên nhường dưới.

Gia đình thánh thiện là ở đó: hoà thuận trong ngoài.

     Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
     (Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)