Thứ Bảy, 11 tháng 11, 2023

Chúa nhật 32 thường niên

 




CHÚA NHẬT 32 THƯỜNG NIÊN


Tin mừng : Mt 25, 1-13.
“Chú rể kia rồi, ra đón đi !”

Bạn thân mến,
Khôn ngoan là báu vật mà Thiên Chúa ban cho con người, nói cách khác, Ngài ban cho những ai thành tâm tìm kiếm điều thiện hảo với lòng khiêm tốn.
Mười cô trinh nữ cầm đèn đi đón tân lang là một ví dụ điển hình mà Đức Chúa Giê-su đã kể cho chúng ta nghe trong bài tin mừng hôm nay, Ngài dạy chúng ta phải chuẩn bị đợi chờ ngày Ngài lại đến trong vinh quang, đợi chờ cách khôn ngoan như năm cô khôn ngoan, tức là đem đèn và đem luôn cả dầu, nghĩa là các cô đã chờ đợi trong sự khôn ngoan của mình.
Khôn ngoan của người đời là biết lo liệu, biết dự tính và biết “thấy” trước tình huống sẽ xảy ra để có kế hoạch đối phó, nhưng sự khôn ngoan của người Ki-tô hữu là để chờ đợi ngày đến bất thình lình của Thiên Chúa, trong khi vẫn cứ chu toàn bổn phận hằng ngày của mình cách trọn vẹn.
Khôn ngoan của người Ki-tô hữu là thực hành đức tin ngay trong cuộc sống của mình, vì đức tin chính là ngọn đèn được đốt lên trong cuộc đời của người Ki-tô hữu, ngọn đèn đức tin này cần phải đổ đầy dầu tức là bằng dầu đức ái, bằng việc lành phúc đức, bằng không thì nó sẽ tàn lụi và cuối cùng thì tắt ngúm và trở nên lạnh lẽo.
Khôn ngoan của người Ki-tô hữu là sự tỉnh thức và cầu nguyện khi người khác mãi ngủ trong đam mê tội lỗi, bởi vì họ không muốn Con Người đến khi họ đang sống trong tình trạng tội lỗi mà chưa được chuẩn bị đầy đủ.
Bạn thân mến,
Ai trong chúng ta cũng muốn mình trở thành người khôn ngoan thông minh để lời nói mình được đám đông nể mặt, để người khác phải bái phục khi những kế hoạch mình đưa ra đều thành công vang dội.v.v…nhưng, sự khôn ngoan ấy chỉ là khôn ngoan tạm bợ của người đời mà thôi, bởi vì có rất nhiều người khôn ngoan như thế, thông minh như thế, nhưng không giành được Nước Trời.
Chúng ta được Đức Chúa Giê-su mời gọi hãy tỉnh thức luôn, mà người biết tỉnh thức cũng có nghĩa là người khôn ngoan biết đợi chờ ngày đến bất chợt như kẻ trộm của Chúa, đó mới chính là sự khôn ngoan mà chúng ta phải tìm kiếm trong cuộc sống ở trần gian này vậy.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
------------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info

Thứ Sáu, 10 tháng 11, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


26.      NHẶT PHỔ HÚC SỪNG[1]

Ở Giang Lăng có một người tên là Cổ Vân, ngẫu nhiên nhặt được một quyển phổ của Gia Cát Lượng viết về quân sự. Bèn tự cho mình là ngon lành, nên nghĩ rằng mình thủ lãnh mười vạn binh thì cũng không ngoa, thì có thể đủ thôn tính thiên hạ.

       Cứ mỗi lần nói về việc binh với người khác, thì ông ta nhất định là phải xắn tay áo lên nói lớn tiếng, giống như đang đối đầu với địch quân vậy. Vì thế nên có người đặt cho ông ta mỹ danh là “nhặt phổ húc sừng”.

                                                (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 26 :

       Nhặt được sách dụng binh thì khác với việc học cách dụng binh, hai việc khác xa nhau một trời một vực.

       “Lượm nhặt” được những kiến thức Lời Chúa nơi các lớp bồi dưỡng đức tin thì khác với việc sống Lời Chúa trong cuộc sống hằng ngày, bởi vì có người sau khi tan ca thì đạp xe một mạch đến các lớp giáo lý nơi các họ đạo lớn để tham dự, nhưng về đến họ đạo của mình thì hết phê bình người này dốt giáo lý đến phê bình người kia là không hiểu thánh kinh…

       Học hỏi Lời Chúa là việc làm rất đáng khuyến khích, nhưng sống đời khiêm tốn và vui tươi như giáo lý mình đã học thì hạnh phúc hơn, bởi vì người hạnh phúc là người không hay xắn tay áo lên để la lối thóa mạ người khác, nhưng là người được mọi người yêu mến vì họ đã sống đúng những gì mà họ đã “nhặt được” nơi các lớp giáo lý bồi dưỡng đức tin của mình.

       Học và hành khác nhau là ở đó vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Người coi sách đấu vật thi đấu vật với người đấu vật.

Thứ Năm, 9 tháng 11, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


25.      QUÁCH QUỲ LƯỢC TƯỚNG

Quách Quỳ lãnh binh đánh phạt Giao Châu, sau khi hành quân được mấy ngày, Quách Quỳ ra lệnh tập họp các tướng của các lộ lại và giao cho mỗi lộ một cuộn giấy lớn, nói:

-          “Tất cả mệnh lệnh đều ở trong đó, có nhiều đề mục, nhất định phải coi cho rõ ràng chi tiết, không được sót một chữ.”

Các tướng cũng không trả lời.

       Chữ trong cuộn giấy viết vừa nhỏ vừa sát nhau nên cần phải để sát lửa mới có thể thấy rõ, dài dòng văn tự, giống như nhất bộ “thượng thư” lớn vậy.

       Có người nọ kêu Từ Hỉ đọc ba ngày ba đêm mới đọc hết các mệnh lệnh trong đó, còn các tướng đều bận chuẩn bị hành quân nên công đâu mà ngồi đọc từng chữ từng điều chứ ?

       Từ Hỉ nói với mọi người:

-          “Trong cuộn giấy này có nói một chuyện: người Giao Châu rất thích ngồi voi tác chiến, nhưng sợ nhất là tiếng heo kêu, hy vọng tướng ở các lộ nuôi thật nhiều lợn, nếu người Giao Châu cưỡi voi đến đánh thì lấy gai nhọn chích cho lợn đau, để khi nghe tiếng lợn kêu thì voi sẽ chạy dài”.

       Mọi người nghe được thì cười ha ha…

                                               (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 25 :

       Mệnh lệnh khi hành quân là mệnh lệnh dứt khoát và rõ ràng, là mệnh lệnh ngắn gọn và khúc chiết, thế nhưng Quách Quỳ đã làm một chuyện trái ngược với quy tắc hành quân: dài dòng văn tự…

       Có một vài người Ki-tô hữu khi gặp cơn cám dỗ thì cũng “dài dòng văn tự” cãi lý với hành vi mình đã phạm, viện đủ lý do để an ủi rằng việc mình làm là không sai với luật Chúa…

       Đời sống của người Ki-tô hữu là một cuộc hành quân lâu dài, kẻ thù của họ chính là ma quỷ với những cạm bẫy cám dỗ mà chúng nó đã “dàn binh bố trận” phục kích, cho nên họ -người Ki-tô hữu- phải có phán đoán nhạy bén, cương quyết và dứt khoát với quân thù trong cuộc hành quân này, đó chính là sự khôn ngoan của họ vậy…

       Từ Hỉ đã nói dối là nên dùng tiếng heo kêu để đẩy lùi đàn voi trận của người Giao Chỉ, cũng chỉ vì mệnh lệnh không rõ ràng và kỷ luật không nghiêm.

       Chúng ta cũng sẽ nói dối với Thiên Chúa, nói dối với anh chị em và nói dối với chính mình, nếu chúng ta không đề cao cảnh giác và dứt khoát với những cơn cám dỗ xảy đến trong cuộc sống của mình…


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 8 tháng 11, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


24.      HIẾU TIẾT THÍCH RẬN

       Giang Tiết tự là Sĩ Thâm lúc làm việc thì thích nói đến hiếu đạo. Bởi vì trong tộc có người cùng tên Tiết với ông ta, và để dễ phân biệt hai người, cho nên người ta mới gọi ông ta là “Hiếu Tiết”.

       Hiếu Tiết mỗi khi ăn rau thì không dám ăn cái đọt của rau, ông ta nói:

-          “Đọt rau không được ăn, nó có thể tiếp tục sinh sản, ăn nó là vi phạm đạo hiếu”.

       Mỗi lần đến mùa đông, áo bông (áo ấm) của ông ta bị thủng từng mảng, chấy rận rất thích ở trong đó để sinh sôi nảy nở.

       Một lần nọ, Hiếu Tiết bắt một con rận còn sống từ trong áo bông ra đặt ở kẻ hở nơi vách. Một lúc sau, lại sợ con rận đói mà chết nên bắt nó bảo vào lại trong cái áo bông của mình.

                                                (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 24 :

Lòng hiếu đạo của Hiếu Tiết thật tốt, nhưng hiếu đạo này sẽ không được người ta ca ngợi bởi vì ông ta đặt chữ hiếu không đúng ch, bởi vì ông ta không phân biệt được đạo hiếu của con người và sự gây mầm bệnh của con rận.

       Tội lỗi là “con rận” gây bệnh cho linh hồn chúng ta, nhưng có một vài Ki-tô hữu đã bắt rận ra khỏi cuộc sống tội lỗi của mình khi vào tòa cáo giải, nhưng rồi thấy “tội nghiệp” nó nên lại đem rận bỏ vào trong tâm hồn của mình, thế là con rận được sống và linh hồn của họ thì càng ngày càng yếu, càng ngày càng suy nhược vì con rận tội lỗi đã làm cho linh hồn của họ không đón nhận được ơn lành của Thiên Chúa …

       Thời nay có rất nhiều loại thuốc để trừ rận, nhưng loại thuốc hữu hiệu nhất chính là ăn ở vệ sinh sạch sẽ. Cũng vậy, muốn trị con rận tội lỗi cần phải thì người Ki-tô hữu phải sống sao cho linh hồn trong sạch, khỏe mạnh bằng cách năng “tắm” trong bí tích Giải Tội và rước lễ hằng ngày.

       Đó là hiếu kính Thiên Chúa vậy !


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

Thứ Ba, 7 tháng 11, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


23.      ĐỘI LỆCH MŨ

Thời nhà Nguyên, Hồ Thạch Đường ra kinh ứng thi, Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt đột nhiên triệu vào yết kiến, Hồ Nguyên Đường đầu đội mũ làm bằng vỏ cây cọ có hơi lệch một bên, Hốt Tất Liệt hỏi ông ta đã học những gì, Hồ Thạch Đường trả lời :

-          “Học trị quốc bình thiên hạ”.

       Hốt Tất Liệt cười nói:

-          “Bản thân mình đội mũ cũng chưa ngay ngắn, sao lại có thể bình thiên hạ chứ ?”

       Thế là không dùng ông ta.

                                                (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 23 :

       Đôi lúc cái vẻ bên ngoài cũng làm hại sự nghiệp lâu dài của chúng ta, chỉ đội lệch mũ thôi mà tương lai trước mắt đã…lệch theo cái mũ, thật ra đội mũ lệch chỉ là chuyện nhỏ nhưng cái ấn tượng ban đầu rất quan trọng.

       Có những tình yêu bất chợt tới khi mới gặp lần đầu, có những ý tưởng hay khi mới nói qua vài chuyện xã giao, có những suy tư chợt đến khi nhìn một thái độ vui tươi nơi người tàn tật, và có rất nhiều điều mới lạ chợt nghĩ đến khi mới nghe tiếng nụ cười tươi…

       Điều mới lạ luôn xảy ra cho người Ki-tô hữu là mỗi lần họ sốt sắng đi lên rước Mình Thánh Chúa nơi bàn thờ, họ cảm thấy ngập tràn hồng ân của Thiên Chúa, họ cảm thấy chung quanh mình là thiên đàng, họ cảm thấy hạnh phúc vô cùng khi được kết hợp với Đức Chúa Giê-su Thánh Thể, đó chính là niềm hạnh phúc và bình an được lặp lại mỗi khi họ tham dự lên bàn tiệc thánh rước Mình và Máu Thánh của Đức Chúa Giê-su vậy.

       Ấn tượng ngày rước lễ lần đầu vẫn luôn in mãi trong trí trong hồn chúng ta, và ấn tượng này luôn làm cho chúng ta yêu mến và sốt sắng hơn khi tham dự thánh lễ và rước lễ…

       Đó chính là ân huệ của Thiên Chúa dành cho chúng ta vậy.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Hai, 6 tháng 11, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


22.      “HIẾU KINH” LUI BINH

       Năm cuối thời Đông Hán đảng khăn vàng khởi nghĩa. Hướng Hủ hiến kế cho triều đình, nói:

-          “Tôi có một kế không cần phải dấy binh cũng khiến cho đảng khăn vàng lui binh”.

      Có người hỏi:

-          “Kế ấy ra sao xin nói mau cho”.

      Hướng Hủ trả lời:

-          “Chỉ cần phái người đến bên sông Hoàng Hà, mặt hướng về phía bắc đọc “hiếu kinh”, binh nước Kim tự nhiên lui”.

      Có người hỏi lại:

-          “Ngài nói như thế có gì làm chứng cớ ?”

      Hướng ủH

Hủ cười nói:

-          “Lẽ nào ngài không nghe qua sao ? Triệu Phổ chỉ dùng có nửa bộ (luận ngữ) thì định cả thiên hạ, huống gì là cả một bộ “hiếu kinh” lại không thể làm lui đảng khăn vàng sao ?”

                                                (Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 22 :

     Có một vài người Ki-tô hữu thường xuyên đi tham dự thánh lễ ngày thứ sáu đầu tháng để được Thánh Tâm Đức Chúa Giê-su chúc phúc lành, còn những ngày khác trong tuần thì họ nằm…phơi râu hoặc nhậu nhẹt với bạn bè hàng xóm, dù cho vợ con hay cha mẹ nhắc nhở, dù cho nhà thờ sát bên nách, họ tưởng rằng chỉ cần đi tham dự một thánh lễ thứ sáu đầu tháng là được lên thiên đàng ngay tức khắc mà không cần phải hy sinh đền tội, không cần phải lãnh nhận thường xuyên các bí tích..

     Thứ Sáu đầu tháng hay là bất cứ lời hứa nào của Đức Chúa Giê-su và Đức Mẹ Ma-ri-a là một phần thưởng mà Đức Chúa Giê-su đã ban cho chúng ta vì lòng thương xót của Ngài, để chúng ta càng thêm tin tưởng và yêu mến Thánh Tâm của Chúa hơn, chứ không phải là gia tăng sự lười biếng và ỷ lại nơi chúng ta, bởi vì có một điều chắc chắn là sẽ không có một người lười biếng nào vào được thiên đàng…

     Chỉ cần một nửa bộ “luận ngữ” của Khổng tử mà bình được cả thiên hạ, nhưng muốn được sự sống đời đời trong Nước Trời thì phải cần toàn bộ đời sống bác ái yêu thương và tuân giữ Lời Chúa nơi chúng ta.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Chủ Nhật, 5 tháng 11, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


21.       CAN GIÁN NGỖNG VỊT

        Nam Tống Cao Tôn Triệu Cấu gặp gỡ hạ quan, có một quan gián nghị tên Đổng Môn kiến nghị với Cao Tôn:

-          “Sắp tới đây xin đừng giết heo giết dê để làm thịt vì việc ấy rất hợp với thánh đức, nhưng đối với ngỗng và vịt cũng nên cấm như thế”.

      Vừa nói xong, đột nhiên có người báo:

-          “Quân Kim xâm phạm phía nam, có người mang số một là “long hổ đại vương” rất dũng mãnh rất khó mà chống cự”.

      Cao Tôn nhất thời trầm mặc không nói.

      Quan thị lang đứng bên thượng tấu, nói:

-          “Đại vương bất tất phải lo âu, ở đây có một quan “can gián ngỗng vịt” đủ để đối đầu với “long hổ đại vương rồi !”

                                                (Cỗ kim tiếu sử)

Suy tư 21 :

      Can gián nhà vua làm chuyện hại dân hại nước là đúng với chức năng của quan gián nghị, nhưng đề nghị nhà vua ra lệnh cấm bá tánh không được giết heo giết dê để làm thịt và cũng không được giết ngỗng giết vịt để ăn, thì quả là qúa lạm dụng chức quyền…

      Có người chỉ biết can gián anh em và giận dữ khi anh em chị em tái phạm, chứ không biết giúp anh em chị em sửa đổi khuyết điểm, nên vẫn còn có những điều đáng tiếc xảy ra giữa anh em chị em  với nhau.

      Can gián anh em chị em làm điều xấu là nhiệm vụ của mọi người, nhưng can gián không có nghĩa là mình làm bề trên hay làm anh hai chị hai của anh chị em mình, nhưng là người bạn tốt của nhau…

      Chỉ thấy khuyết điểm của tha nhân mà can gián chứ không thấy ưu điểm của họ để khuyến khích, thì chẳng khác chi nói với họ rằng:

-          “Anh (chị) là người ‘hết thuốc chữa’ vậy !”


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)