Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2013

Hãy để trẻ nhỏ đến với Thầy

  HÃY ĐỂ TRẺ NHỎ ĐẾN VỚI THẦY


Cha sở đang cầu nguyện trong nhà thờ, ngài bực mình vì tiếng la hét đùa giỡn của các em trong sân nhà thờ, nhưng ngài nhớ lại lời của Đức Chúa Giê-su: “hãy để các trẻ nhỏ đến với Thầy...” ngài đứng dậy đi ra.

Các em nhỏ đang đùa giỡn trong khuôn viên nhà thờ, thấy cha sở đi ra đều lấm lét tái mặt, có em bỏ chạy, có em chuẩn bị khóc...

Cha sở vừa cười vừa ôn tồn nói:

-         “Các con cứ vui chơi đi, nhưng nhớ giữ sân nhà thờ sạch sẽ và đừng chạy nhảy leo trèo, nguy hiểm lắm đó.”
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Chúa nhật 4 phục sinh

CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH
(Ngày cầu cho ơn thiên triệu)
 
 

Tin mừng : Ga 10, 27-30.
“Tôi ban sự sống đời đời cho chiên của tôi”.

Bạn thân mến,
Giáo Hội dành riêng chúa nhật này để cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục, tu sĩ, để Giáo Hội ngày càng có thêm nhiều người hiến dâng cuộc sống của mình để phục vụ Thiên Chúa trong ơn gọi của mình, trong niềm xác tín vào ơn gọi linh mục mà tôi đã lãnh nhận từ nơi Giáo Hội, tôi xin chia sẻ với bạn ba điểm này :

1. Ơn thiên triệu là một sáng kiến của Thiên Chúa.

Thiên Chúa, Đấng vì yêu thương nhân loại mà có những sáng kiến độc đáo vượt qua trí khôn của con người để cứu chuộc nhân loại, trong đó có sáng kiến kêu gọi một số người sống đời tận hiến, để thay mặt Ngài để hiến tế, để tha tội, để phục vụ tha nhân và loan truyền Phúc Âm cho mọi người, đó chính là các linh mục, các tu sĩ nam nữ, và những người tự nguyện sống trong các cộng đoàn tu hội đời được Giáo Hội chấp thuận.

Ơn thiên triệu tự nó đã nói lên được lòng ưu ái của Thiên Chúa đối với nhân loại tội lỗi, bởi tự bản chất của nó là mời gọi, là triệu tập những người thiện chí đi theo lời mời gọi của Ngài để trở nên một dụng cụ mới hơn, đắc lực hơn trong công việc rao giảng Tin Mừng cho mọi dân tộc.

Sáng kiến này được Đức Chúa Giê-su thực hiện đầu tiên khi Ngài kêu gọi các tông đồ đi theo Ngài, để tiếp tục sứ mạng cứu chuộc của Ngài ở trần gian, và hơn hai ngàn năm nay Thiên Chúa –qua Giáo Hội- vẫn tiếp tục mời gọi những tâm hồn thiện chí biết quên mình để phục vụ và yêu thương Ngài nơi tha nhân, chính ơn gọi này đã làm cho nhân loại ngày càng tốt tươi hơn, gần gủi với nhau hơn, và thấy rõ được tình yêu Thiên Chúa hơn, qua đời sống tận hiến của các linh mục và các tu sĩ nam nữ trong Giáo Hội.

Bởi vì Ơn thiên triệu là một sáng kiến độc đáo của Thiên Chúa, nên chỉ có Thiên Chúa mới độc quyền kêu mời và tuyển chọn ai thì theo ý muốn của Ngài mà thôi, và như thế thì thật vinh dự cho người được chọn vậy...

2. Linh mục là quà tặng Thiên Chúa ban cho thế gian.

Đức Chúa Giê-su –Đấng cứu độ trần gian- đã vì yêu thương nhân loại mà thiết lập chức linh mục –bí tích Truyền Chức thánh- để qua bí tích này, nhân loại đón nhận vô vàn ân sủng của Ngài ban cho qua các linh mục, và chính nhờ bí tích này mà Đức Chúa Giê-su –qua bí tích Thánh Thể- đã trở nên của ăn của uống nuôi dưỡng linh hồn những người tin vào Ngài. Đây là một hồng ân và là một món quà vô giá, mà chỉ có Thiên Chúa mới hào phóng ban tặng cho nhân loại mà thôi, bởi vì không một cá nhân nào tự quyền cho mình lam linh mục, không một tổ chức nhân loại nào có quyền tự phong chức linh mục cho người khác, hoặc đặt người trong tổ chức của mình làm linh mục, nếu đoàn thể đó không hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo và đức giáo hoàng Rô-ma.

Các tín hữu Công Giáo càng ý thức mình là người Ki-tô hữu, thì càng đề cao vai trò của các linh mục trong đời sống thiêng liêng của mình, bởi vì từ khi sinh ra cho đến khi nhắm mắt lìa đời, người Ki-tô hữu đã được hưởng biết bao ơn lành của Thiên Chúa từ tay các linh mục, đó chính là hồng ân và là quà tặng của Thiên Chúa ban cho họ, chính qua bí tích Truyền Chức thánh mà linh mục trở nên Đức Chúa Ki-tô thứ hai để tiếp tục sứ mạng và công việc của Đức Chúa Ki-tô tại trần gian này, đó là hiến tế, tha tội và thông ban ân sủng của Thiên Chúa cho người giáo dân.

Không có linh mục thì không có thánh lễ, không có thánh lễ thì không có tiệc thánh Mình và Máu Đức Chúa Ki-tô, tức là không có hy tế dâng lên Chúa Cha xin Ngài ban ơn và tha tội cho nhân loại tội lỗi, do đó mà giáo dân cần phải yêu mến, trân trọng và gìn giữ món quà quý giá mà Thiên Chúa đã ban cho nhân loại, đó là các linh mục của Chúa.

3. Cầu nguyện, hy sinh và yêu thương các linh mục, tu sĩ nam nữ.

Bạn thân mến,
Có giáo dân khóc vì có một số linh mục không làm tròn bổn phận cao quý của mình, có một vài giáo dân bực mình vì có một số linh mục cũng như các tu sĩ nam nữ chưa thực sự dấn thân vì Tin Mừng và vì tha nhân, có những người chống đối và chỉ trích cách sống của một số linh mục, vì những linh mục này sống không giống với những gì mà họ đã lãnh nhận từ nơi Thiên Chúa và Giáo Hội...

Trách cứ, buồn phiền, chỉ trích của bạn và của tôi với các linh mục là do những bức xúc mà có, nhưng nếu chỉ trích mà không cầu nguyện cho các ngài, buồn phiền mà không yêu mến các linh mục, trách cứ mà không tha thứ, thì –xét cho cùng- cũng chẳng cải thiện được gì, mà có khi còn mở đường cho người khác chống đối các linh mục của chúng ta. Do đó, mà bạn và tôi nên tự hỏi mình: có lúc nào tôi cầu nguyện cho các linh mục của Giáo Hội không ?

Trong ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu hôm nay, tôi xin mời anh chị em trong giáo xứ của mình tăng gia lời cầu nguyện và làm các việc hy sinh, để cầu nguyện cho các linh mục và các tu sĩ nam nữ trong Giáo Hội. Bởi vì chỉ có cầu nguyện, hy sinh và yêu thương là những phương thế chữa lành, và ban sức mạnh giúp cho các linh mục và các tu sĩ nam nữ đi trọn con đường tận hiến của mình mà thôi...

Xin Thiên Chúa và Đức Mẹ Ma-ri-a –Mẹ của các linh mục và của các tu sĩ nam nữ- chúc lành cho tất cả chúng ta.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
 

Quyên góp

QUYÊN GÓP
 
 

     Ngài đã về hưu, không còn trách nhiệm gì nữa với giáo phận, nhưng ngài vẫn cứ đi Tây đi Tàu lấy danh nghĩa giáo phận để xin bà con giáo dân đóng góp.

     Nhưng thực ra, ngài đi quyên tiền về cho mình, hoặc cho cháu chắt bà con của mình, vì giáo phận không nhận được một đồng xu nào của ngài quyên góp.

     Đừng treo đầu dê mà bán thịt chó, Chúa buồn lắm.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Thông thái và khiêm tốn

THÔNG THÁI VÀ KHIÊM TỐN
 
 

      Ngài là linh mục trẻ thông minh đang làm giáo sư đại chủng viện, nơi ngài người ta thấy rõ sự thông thái, nhưng không thấy sự khiêm tốn của nhà mô phạm đang đào tạo linh mục tương lai cho Giáo Hội.

     Tại sao lại có sự đáng tiếc ấy ?

     Hãy nghe giáo dân và bà con của ngài nói:

-         “Ngài xưng hô cha con với người lớn tuổi và vai vế lớn hơn ngài, ngài chấp tay sau lưng và ngước mặt lên trời khi nói chuyện với họ, giống như họ không tồn tại trước mặt ngài...”

Làm một linh mục vừa thông thái vừa khiêm tốn thật khó lắm thay.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2013

Cách ngôn thần học tu đức


Lm. Benedict Liang, csjb.
(梁德勝 神父  )

 

CÁCH NGÔN

THẦN HỌC TU ĐỨC

(MỖI NGÀY MỘT CÂU DANH NGÔN CỦA CÁC THÁNH)
(Tập I)


Người dịch

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

阮仁才 神父 

 


Lời ngỏ

Tập sách “Cách ngôn Thần học tu đức” là một tổng hợp các câu “danh ngôn” của các thánh nam nữ, các giáo phụ, các vị hiền triết, các nhà thần học, tu đức.v.v...nổi tiếng trong Giáo Hội, do linh mục Benedict Lương Đức Thắng (Liáng Déshèng), csjb. sưu tầm, ngài hiện là bề trên tổng quyền của Hội Dòng Tiểu Đệ Thánh Gioan Tẩy Giả.

Quyển sách này rất được các thầy đại chủng sinh của Đại chủng viện Đài Loan và các tu sĩ nam nữ yêu thích và làm sách gối đầu giường, dùng để suy tư và tra cứu, làm hứng khởi việc Sống Lời Chúa và giảng dạy sau này khi họ trở thành linh mục.

Ưu điểm của quyển sách này là được chia ra từng chủ đề như: đức tin, đức cậy, đức ái, Mẹ Maria, vâng lời, khiết tịnh.v.v... rất dễ dàng cho việc tìm kiếm để suy tư, tham khảo.

Đã được đăng trên mạng lưới điện toán Công Giáo Vietcatholic.net với tựa đề “Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh”.

 

Từ nguyên bản tiếng Hoa, xin dịch ra tiếng Việt để mọi người đọc và suy tư, tham khảo...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
 
---------------------------

 

Chương 1 :


ĐỨC TIN

“Tôi là ánh sáng đến thế gian, để bất cứ ai tin vào tôi, thì không ở lại trong bóng tối”

(Ga 12, 46)


1.      Anh nói anh tin, anh nên đi làm theo cái anh tin, đó mới là đức tin. (Thánh Augustinus)

2.      Tất cả tội lỗi đều do thiếu đức tin mà ra. (Thánh Terexa of Avila)

3.      Ai là người tin thật, đó là người thực hành điều họ tin. (Thánh Georgius)

4.      Đức tin chính là lúc con người trò chuyện với Thiên Chúa, giống như người nói chuyện với người vậy. (Thánh Ioannes Maria Vianney)

5.      Công hiệu của năng lực cầu nguyện là đến từ đức ái, nhưng năng lực để cầu nguyện cho được hiệu quả, vẫn là do đức tin và đức cậy của mình. (Thánh Thomas de Aquino)

6.      Đức tin lớn, thì cái được cũng lớn. (Thánh Bernardus)

7.      Thiên Chúa là Đấng tuyệt đối giữ lời hứa, cho nên khi chúng ta cầu xin, thì cũng phải ôm lòng tin tuyệt đối mà tiếp nhận. (Thánh Augustinus)

8.      Lý trí con người yếu đuối nên thường có thể làm sai, duy chỉ có đức tin chân chính mới hoàn toàn không sai lầm. (sách Gương Chúa Giê-su)

9.      Vĩnh viễn không suy nghĩ tương lai phải làm gì, nhưng phải hoàn toàn tín nhiệm vào Thiên Chúa, nương dựa vào Thiên Chúa. (Thánh John Berchmens)

10.  Cái khổ trên thế gian thì rất ngắn, là tạm thời; nếu có thể gìn giữ đức tin đến chết, thì Thiên Chúa sẽ thưởng công cho họ vinh phúc vĩnh viễn. (Thánh nữ Menodora)

11.  Không có đức tin thì không thể vui trong Thiên Chúa; không có lòng lương thiện thì cũng không vui với người, càng không thể chăm sóc người. (Thánh Bernardus)

12.  Ở đâu đầy những hoài nghi, thì tôi phải gieo xuống hạt đức tin. (Thánh Francis de Assisi)

13.  Tinh thần của người có đức tin, thì không lấy con mắt xác thịt để nhìn tất cả thế giới, cũng không lấy mục quang đơn thuần của con người để phán đoán tất cả, cũng không lấy một mặt của tín ngưỡng để giải quyết tất cả, nhưng là lấy cách nhìn, cách quan sát, cách thẩm lượng, cách phê phán của Chúa Ki-tô để quyết định tất cả. (Cha Vincent Lebbe)

14.  Phàm dùng con mắt xác thịt để nhìn thấy nơi thân xác Chúa Giê-su của chúng ta, mà không dùng ánh mắt tâm linh -theo ơn soi sáng của Thánh Thần- từ nơi tính Thiên Chúa mà nhìn Chúa Giê-su, và quyết không tin Ngài là con người chân chính Thánh Tử của Thiên Chúa, thì phải bị trừng phạt trong hỏa ngục. (Thánh Francis of Assisi)

15.  Người có đức tin lớn thì đáng được ân sủng lớn. (Thánh Bernardus)

16.  Nhận biết Thiên Chúa là làm cho con người nhận biết mình; cũng vậy, nhận biết mình cũng là khiến cho người ta nhận biết Thiên Chúa. (Thánh Augustinus)

17.  Vì tôi tin, nên tôi mới rao giảng. (Thánh Dominicus)

18.  Chính đức tin hoàn thành tất cả mọi sự. (Thánh Don Bosco)

19.  Trẻ con thì chỉ cần chiếc thuyền nhỏ của nó chạy thuận lợi là được rồi. Chỉ cần hoàn toàn trông cậy vào Thiên Chúa, để thuyền thuận buồm xuôi gió là thành công rồi vậy. (Thánh Teresa of Lisieux)

20.  Phải hoàn toàn tin tưởng và trông cậy vào Thiên Chúa. (Thánh Francis of Sales)

 

21.  Khốn khó càng lớn, thì càng cần phải tin tưởng và trông cậy vào Thiên Chúa hơn. (Thánh Don Bosco)

22.  Mặc dù Thiên Chúa đã cho phép vài khó khăn ngăn trở, thì đó chính là dấu lạ rõ ràng bày tỏ Ngài phải từ việc khó này để đạt được lợi ích lớn hơn, để chúng ta tin tưởng và trông cậy Ngài, dũng cảm nhẫn nại mà tiến lên phía trước. (Thánh Don Bosco)

23.  Đức tin và lòng khoan nhân phải đan vào trong cuộc sống của chúng ta. (Chân phúc Raphael)

24.  Anh tín nhiệm Thiên Chúa càng lớn thì càng lâu dài, tất cả những gì anh cầu xin thì thực hiện càng nhiều. (St. Albertus Magnus)

25.  Nếu ai có đức tin và đức cậy, thì nơi người ấy còn có ưu sầu tham sống sợ chết sao ? (Thánh Cyprianus)

------------------------

Chương 2:


ĐỨC CẬY  

“Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng”

(Rm 5, 5)

 

1.      Ân sủng của Thiên Chúa rộng lớn, thật phù hợp với mong đợi của con người. (Thánh Terese of Lisieux)

2.      Nơi nào đầy dẫy sự mất mát, thì tôi phải gieo xuống hạt giống cậy trông. (Thánh Francis of Assisi)

3.      Suốt đời bền chí cầu xin mỗi ngày, thì mỗi ngày đều có thể đạt được. (Thánh Benjamin)

4.      Chỉ nhìn từ mặt căn tính xấu xa vốn có của con, con thực không dám hy vọng hết thảy; nhưng nhìn từ khía cạnh nhân từ to lớn của Ngài, con vẫn dám hy vọng tất cả. (Thánh Francis of Assisi)

5.      Thiên Chúa muốn chúng ta khẩn cầu kêu nài Ngài, là vì ích lợi cho chúng ta, để cho chúng ta hiểu được sự cao quý của ân sủng và sự thấp kém vô cùng của chúng ta. (Thánh Augustinus)

 

6.      Đối với lòng nhân từ của Thiên Chúa thì không được tuyệt vọng. (Thánh Dominicus)

7.      Để được ân sủng thì tâm linh con người cần phải đơn độc một mình, trong sạch, và tràn trề hy vọng để tiếp đón Thiên Chúa thì mới kết quả. (Thánh Terese of Lisieux)

8.      Mong đợi sẽ khiến cho chúng ta an toàn tiến vào thành vĩnh phúc. (Thánh Beda Venerabilis)

9.      Ân điển của lòng bền chí thì cần phải cầu xin hằng ngày, mới có thể đạt tới mỗi ngày. (Thánh Benjamin)

10.  Thiên Chúa yêu thích những linh hồn khảng khái (rộng rãi) mà nguyện vọng vĩ đại. (Thánh Terese of Avila)

 

11.  Tính siêu việt của đức cậy là sự hy vọng của vĩnh phúc, vui vẻ, xác thực. (Thánh Thomas de Aquino)

12.  Xin cho chúng con có lý tưởng thật cao, để từ đó chúng con sẽ đạt tới lợi ích mà không cần giảm bớt nguyện vọng của chúng con. (Thánh Terese of Avila)

13.  Nguyện vọng thần thánh vừa khiến chúng ta đạt tới khả năng hoàn mỹ, vừa giúp chúng ta giảm bớt thống khổ gặp phải khi tiến hành. (Thánh Laurence Giustiniani)

14.  Ân sủng đặc thù của Thiên Chúa chỉ ban cho những người đặt nhiều hy vọng vào Ngài. (Thánh Terese of Avila)

15.  Cái hay cái tốt mà tôi hy vọng thì rất lớn ! Vì vậy mà tất cả đau khổ -theo cách nhìn của tôi- thì đều là dễ thương cả. (Thánh Francis of Assisi)

 

16.  Mặc dù tôi u mê yếu đuối, nhưng tôi quyết không thất vọng đem linh hồn của tôi ẩn núp vào trong các vết thương của Chúa Giê-su, xin Máu Thánh của Chúa Giê-su rữa sạch tội lỗi của tôi. (Thánh Catharina Senensis)

17.  Việc mong đợi càng nhiều thì tâm con người càng tản mạn; chỉ mong đợi một việc thì tâm con người mới có thể chuyên nhất. (Thánh Thomas de Aquino)

18.  Bất cứ hy vọng nào cũng không thể nói nó là tột cùng, và cũng không thể nói là quá mức, hy vọng của chúng ta càng lớn thì cái được càng nhiều. (Thánh Terese of Lisieux)

19.  Tôi chỉ có một mong đợi, chính là đến được trên đỉnh núi cao của tình ái. (Thánh Terese of Lisieux)

20.  Kỳ vọng càng lớn thì càng giảm bớt đau khổ, cung cấp năng lực cũng càng lớn. (Thánh Laurence Giustiniani)

 

21.  Mong đợi, giống như một đồ đựng, đồ đựng càng lớn thì chứa được càng nhiều, đồ đựng càng nhỏ thì chứa được càng ít. Mong đợi lớn thì được ân điển nhiều, mong đợi nhỏ thì được ân điển ít. (Thánh Sibyllina)

22.  Để cho chúng ta chỉ dựa vào Thiên Chúa, thì ánh mắt và hy vọng đều phải tập trung ở nơi Ngài. (Thánh Speratus)

23.  Chúng ta hãy đem tất cả ý nguyện của hy vọng ký thác vào Thiên Chúa và hoàn toàn tín nhiệm Ngài. (Thánh Camillus de Lellis)

24.  Hy vọng viễn vông khiến cho người ta đi trên con đường diệt vong. (Thámh Hieronymus)

25.  Giả như con nhìn thấy cửa địa ngục mở ra mà con đang đứng ở bên bờ vực sâu thẳm ấy, thì con cũng không tuyệt vọng, nhưng con hy vọng được cứu, bởi vì con đang tin vào Ngài, lạy Thiên Chúa của con. (Thánh Gemma Galgani)

 

26.  Thiên Chúa vô cùng nhân ái tốt lành, tạm thời chậm nghe lời kêu cứu của con người, chính là để gia tăng nguyện vọng thiết tha và công đức của con người, bởi vì thời gian kêu cứu của con người càng dài lâu thì công đức lại càng lớn. (Thánh Gregory of  Langres)

27.  Nguyện vọng thánh thiện nhưng thực hiện chậm để tăng tiến, nếu vì chậm trể chưa có thể thực hiện được mà đã bỏ dở nguyện vọng, thì hoàn toàn không phải là nguyện vọng. (Thánh Gregory of Langres)

28.  Đức Cậy khuyến cáo chúng ta, coi nhẹ đời này là hư ảo, hy vọng tương lai là hạnh phúc. Người nào đem hy vọng của họ ký thác nơi chóng qua như mây khói ở đời này, đó là đi ngược lại trái với đức cậy, không thể như thế. (Thánh Augustinus)

29.  Nếu anh không vì đánh ngã làn sóng phong tục của thế gian để làm cột trụ kiên cường, thì anh nên đem hy vọng của anh, tâm hồn của anh ký thác cho Thiên Chúa, giáo phó trong tay Ngài. (Thánh Augustinus)
------------------------------

Chương 3:

 
ĐỨC ÁI

 

“Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi”

(Mc 12, 30-31)


Đức Ái (1)

 

1.      Ở nơi chổ đầy hận thù, con phải gieo xuống hạt yêu thương. (Thánh Francis of Assisi)

2.      Có tình yêu thì không có nhọc nhằn; cho dù có nhọc nhằn thì nhọc nhằn này cũng bị tình yêu hóa lỏng. (Thánh Augustinus)

3.      Thiên Chúa yêu chúng ta, ban ơn cho chúng ta mà hoàn toàn không muốn chúng ta báo đáp; phàm tất cả những gì của chúng ta -ngay cả cái yếu đuối- thì Ngài cũng yêu. (Thánh Terese of Lisieux)

4.      Yêu chính là Thiên Chúa phát ra tia lửa trên con người. (Thánh Francis of Assisi)

5.      Nếu không có đức ái thì không có bất kỳ đức hạnh nào, giống như nếu không có mặt trời thì cũng không có một tinh tú nào cả. (Thánh Thomas de Aquino)

6.      Đem lại hạnh phúc cho tất cả mọi người, không trừ một ai. (Thánh Don Bosco)

7.      Một người càng yêu người, thì họ nhất định cũng càng yêu mến Thiên Chúa; nhìn người yêu người như thế nào, thì biết họ cũng yêu Thiên Chúa như thế ấy, đó là thước đo đáng tin cậy. (Thánh Terese of Avila)

8.      Thiên Chúa xử phạt người ở trên trần gian, đó là bằng cớ yêu thương con người. (Thánh Bernardus)

9.      Phương pháp tốt nhất để giữ đức ái chính là khiêm nhượng với nhau, tôn trọng nhau, nhìn người khác giống như bề trên của mình. (Thánh Ambrosius)

10.  Đức ái thì hướng dẫn người ta đến trước tòa Thiên Chúa, rất cao siêu và là con đường chắc chắn. (Thánh Terese of Lisieux)

11.  Người tôi yêu thì thuộc về tôi, mà tôi là của Ngài. (Thánh Francis of Sales)

12.  Đức ái có thể tăng thêm sức mạnh. (Thánh Gregorius)

13.  Để chúng ta yêu Đấng chất chứa mọi thiện hảo là Thiên Chúa. (Thánh Augustinus)

14.  Do nhân ái mà được toàn bộ, do bạo lực mà mất tất cả. (Thánh Francis of Sales)

15.  Nếu anh thành tâm phụng thờ Thiên Chúa, có sợi dây đức ái của Chúa Giê-su là đủ rồi, không cần dùng dây xích bên ngoài. (Thánh Benedictus)

16.  Trong lòng chúng ta đều có ghi khắc luật đức ái của Chúa Thánh Thần, luật này sẽ là căn nguyên hành sự suốt đời của chúng ta. (Thánh Ignatius de Loyola)

17.  Người được yêu đứng trước ái tình mà sống, thì có thể làm cho người khác vui vẻ. (Thánh Thomas de Aquino)

18.  Cần đốt lên lửa yêu thương, bởi vì có yêu thương thì tự nhiên sẽ đối đãi tốt với mọi người, tự nhiên luôn nói những lời yêu thương, và trong tâm hồn của con người sẽ tự nhiên thu hoạch được rất nhiều hiệu quả. (Thánh Francicus Xavier)

19.  Yêu là chiến thắng Thiên Chúa. (Thánh Bernardus)

20.  Thiên Chúa dùng tình yêu thánh thiện để cứu chuộc loài người chúng ta, đến nỗi vì chúng ta mà hy sinh mạng sống của mình. Như vậy, mặc dù chúng ta hết lòng yêu Ngài thì cũng không đủ để báo đáp tình yêu của Ngài. (Thánh Francis of Sales)

21.  Chỉ có tình yêu mới có thể vui vẻ trong cung lòng của Thiên Chúa, cho nên tôi lấy ái tình làm kho tàng độc nhất của tôi. (Thánh Terese of Lisieux)

22.  Chúng ta đem bao nhiêu tình yêu để phân chia cho con người thụ tạo, thì trộm của Thiên Chúa bấy nhiêu tình yêu. (Thánh Philip Nêri)

23.  Lạy Chúa Giê-su, Ngài là nguyên nhân của tình yêu đến cuồng nhiệt. (Thánh Madeleine Barat)

24.  Phàm linh hồn yêu Thiên Chúa thật, thì không thể yêu cầu được an nghỉ. (Thánh Terese of Avila)

25.  Thà rằng không phù hợp với người thế gian, nhưng không thể lỗi nghĩa với Chúa Giê-su. (sách Gương Chúa Giê-su)

26.  Các thánh yêu người thì không coi phải yêu ai, mà đơn giản là vì ai mà thực hành đức ái. (Thánh Francis of Sales)

27.  Thiện tính của tình yêu có thể gìn giữ ngọn lửa tình yêu đốt cháy trong lòng chúng ta. (Thánh Terese of Avila)

28.  Chỉ mong con yêu Ngài đến chết, bởi vì Ngài tự nguyện chết vì yêu con. (Thánh Francis of Assisi)

29.  Yêu tình yêu của Thiên Chúa giống như một tên cường đạo đáng ghét, cưỡng đoạt đi tất cả các công việc của chúng ta.

30.  Vì để tránh mất đi tôi tớ của Người, mà Thiên Chúa không nhân nhượng chính mình. (Thánh Bernardus)

31.  Chỉ có dùng tình yêu mới có thể được tình yêu. (Thánh Terese of Lisieux)

32.  Tôi tìm và đã tìm được phương pháp cho “lòng tôi khoan khoái”, đó chính là lấy tình yêu đáp trả lại tình yêu. (Thánh Terese of Lisieux)

33.  Yêu Thiên Chúa thì phải từ bỏ chính mình, yêu chính mình thì phải từ bỏ Thiên Chúa. (Thánh Augustinus)

34.  Tôi tận lực làm tất cả mọi việc, là chỉ để Thiên Chúa vui lòng. (Thánh Terese of Lisieux)

35.  Yêu thì cần chú ý để song phương cùng được yêu. (Thánh Ignatius de Loyola)

36.  Tình yêu không phải cái gì khác, nhưng là hoàn toàn hy sinh chính mình. (Thánh Terese of Lisieux)

37.  Trong các nhân đức, thì đức ái giống như mặt trời giữa các tinh tú, đem ánh sáng của mình truyền cho các nhân đức khác. (Thánh Franciscus de Sales)

38.  Ai tự nguyện yêu Chúa Giê-su và hy sinh vì tình yêu, càng yếu đuối đáng thương, thì càng dễ dàng được tình yêu này đốt cháy biến đổi. (Thánh Terese of Lisieux)

39.  Nếu không có tình yêu thì tất cả hành vi, dù làm cho người ta tai nghe mắt thấy rất kinh ngạc, thì cũng là hư vô mà thôi. (Thánh Terese of Lisieux)

40.  Thấy người khác khốn khổ cách rõ ràng mà trong lòng thấy thương xót; thấy người khác có việc vui mừng mà trong lòng cảm thấy vui vẻ, đó chính là bằng chứng của đức ái. (Thánh Basilius Magnus)

41.  Chúa Giê-su tự nguyện dùng tình yêu và hy sinh của chúng ta để cứu linh hồn con người, cho nên chúng ta đem tất cả đau khổ dâng hiến cho Ngài, vì cuộc sống của nhân linh, hết mình vì bổn phận tông đồ. (Thánh Terese of Lisieux)

42.  Chuyên tâm làm việc yêu mến Thiên Chúa, thì hoàn toàn hiểu thấu điều răn lớn của tình thân ái. (Thánh Terese of Lisieux)

43.  Tình yêu không biết giới hạn, nhiệt tình của nó vượt qua mọi biên giới. (Thánh Terese of Lisieux)

44.  Ai vì tình yêu mà làm tất cả mọi sự, và làm với sự trung tín nhất và nhiệt thành nhất. (Thánh Terese of Lisieux)

45.  Thiên Chúa đối với chúng ta thì công bằng không thiên vị, tháng ngày chăm nom, mưa sương tưới gội, không phân biệt nhau; chúng ta yêu người thì cũng nhất nhất đối đãi như nhau, không phân biệt lớn nhỏ. (Thánh Bernardus)

46.  Ai vì yêu Chúa Giê-su mà nhặt một cái đinh, thì cũng đủ để cứu một linh hồn. (Thánh Terese of Lisieux)

47.  Tôi tự nguyện vì tình yêu mà chịu đau khổ, và cũng tự nguyện vì tình yêu mà hưởng hạnh phúc. (Thánh Terese of Lisieux)

48.  Khi tình yêu thánh hóa con, thì như nước trong cống ngầm chảy vào trong đồng ruộng. (Thánh Augustinus)

49.  Chỉ cần yêu mến Thiên Chúa là nguyên nhân, mà bằng lòng sống trong vũng khóc lóc (thế gian) này, thì tất cả mọi khuyết điểm, Thiên Chúa sẽ bù cho lại cho. (Thánh Terese of Lisieux)

50.  Khi con người ta bị đau khổ dày vò, phấn đấu trong cảnh khốn cùng và nơi mọi đau khổ khác, thì chúng ta nên bắt chước gương của Môi-sen, vì họ mà đưa đôi tay lên trời cao. Chúng ta phải thay họ nhận được lòng nhân từ đến từ trời cao. (Thánh Vincentius)

51.  Ái tình là đao kiếm của chúng ta, dùng nó để trừ ma giết địch, để cho vua Giê-su ngự trị trong lòng mọi người. (Thánh Terese of Lisieux)

52.  Người có chí tu đức thì phải có sự rộng lượng để khoan dung người ta, lắng nghe tố khổ của người ta, dung nạp cái khó chịu của người ta, không khinh dể đốp chát với người, nhưng đối đãi với người thì bày tỏ sự đồng tình, đó là hành vi rất cao thượng của đức ái. (Cha Vincent Lebbe)

53.  Khi tôi thực hiện việc yêu người, thì đó chính là Chúa Giê-su tự mình làm việc trong tôi. (Thánh Terese of Lisieux

54.  Đức ái không vì mình mà có lợi, nhưng được cái lợi thì càng nhiều; mặc dù không mong thưởng công, nhưng sự thưởng công ngày sau thì càng lớn. (Thánh Bernardus)

55.  Phân phát một tình thân thiện vì yêu Chúa, thì đủ đền bù các tội lỗi; hóa ra là Chúa Giê-su thích trợ giúp chúng ta trong bóng tối. (Thánh Terese of Lisieux)

56.  Chúng ta là loại thụ tạo thấp hèn, nên phải đem tất cả tình yêu dâng hiến cho Thiên Chúa, để nhờ tình yêu của Ngài mà tình yêu của chúng ta mới được vô hạn. (Thánh Pi-ô Năm Dấu)

57.  Nếu ai không cảm thấy sự ngọt ngào của tình yêu, mà vẫn có thể nhiệt tình yêu mến Chúa Giê-su, thì đó là một tình yêu lớn. (Thánh Terese of Lisieux)

58.  Khi ái tình bay lên cao, thì những việc của thế tục không thể lôi kéo được nó. (sách Gương Chúa Giê-su)

59.  Ái tình là việc lớn, là bảo vật vô giá có thể làm nhẹ đi những trách nhiệm nặng nề, và chịu đựng được các loại gian khổ. (sách Gương Chúa Giê-su)

60.  Sống trong tình yêu, tức là không có thước tấc cho sự bố thí, và cũng không mong được đền đáp. (Thánh Terese of Lisieux)

---------------------------------

 
ĐỨC ÁI (2)

“Tình yêu mãi không phai nhạt” (1 Cr 13, 8)

1.   Đức ái không ghen ghét, bởi vì nó không những không khát vọng mà lại còn xem nhẹ tất cả, kể cả địa vị cao quý của người thế tục. (Thánh Georgius)

2.   Đức Ái là cẩn thận, là khiêm tốn, là chính trực, không nhu nhược, không cợt nhả, không tham công việc huyễn hoặc; đức ái là tiết kiệm, là thanh khiết, thường giữ gìn ngũ quan. (sách Gương Chúa Giê-su)

3.   Mặc dù tôi chỉ là người nhỏ nhất không chuyên làm những việc khác, nhưng chuyên làm việc yêu mến Thiên Chúa và hy sinh bản thân mình. (Thánh Terese of Lisieux)

4.   Tình yêu là sảng khoái nhất, thành thực nhất, nhiệt thành nhất, ôn hòa nhất, cương nghị anh dũng kiên cường nhất. (sách Gương Chúa Giê-su)

5.   Tình yêu là sợi dây đoàn kết mọi chi thể của Giáo Hội, không chỉ là đối với người hàng xóm còn sống, mà còn mở rộng ra đến cả những người chết trong ân sủng và tình yêu. (Thánh Thomas de Aquino)

6.   Tình yêu có thể bổ sung cho tuổi thọ, Đức Giê-su Chúa chúng ta không chú trọng đến tuổi tác và thời gian, bởi vì Ngài là sự vĩnh hằng; cái mà Ngài quan tâm chính là tình yêu. (Thánh Terese of Lisieux)

7.   Sự khác biệt giữa thánh nhân và người phàm không hệ tại bởi công việc gì, nhưng hoàn toàn ở tại có biểu hiện ra tinh thần “trung thành với Thiên Chúa” hay không mà thôi. (cha Vincent Lebbe)

8.   Không có gì có thể cảm hóa người cho bằng lòng nhân ái khoan dung, bởi vì lòng nhân ái khoan dung và lương thiện giống như đèn và dầu, nhân ái khoan dung là dầu của sự lương thiện, cho nên nó là ánh sáng soi người. (Thánh Francis of Sales)

9.   Tình yêu thường tỉnh thức, con ngủ nó không ngủ, con mệt mỏi nó không mệt mỏi, con khốn đốn nó không khốn đốn, con sợ nó không sợ. Giống như lửa cháy phầng phầng đốt thiêu mọi vật, vì tất cả mà bỏ tất cả, và ở trong tất cả mà được tất cả. (sách Gương Chúa Giê-su)

10.   Con người, đương nhiên là có thể ngã nhào và thất lời, nhưng tình yêu có thể tiêu diệt những gì mà Chúa Giê-su không thích. Và ở trong đáy lòng chỉ lưu lại một sự bình an vừa khiêm tốn vừa tĩnh lặng thâm sâu. (Thánh Terese of Lisieux)

11.   Con nên biết, nếu con ở trong tình yêu của Chúa Giê-su thì tình hình sẽ như thế nào ? Có thể nhìn được với dấu hiệu dưới đây: một nhân linh càng tấn tới trong việc yêu mến Thiên Chúa , thì nhất định càng yêu thích đau khổ, chịu bị khinh thường, đó chính là dấu hiệu của lửa tình ái, những thứ khác đều là mây khói. (Thánh Vincentius de Paul)

12.  Không có đức ái, thì công việc bên ngoài vô dụng. Vì đức ái mà làm việc, mặc dù rất nhỏ nhưng lợi ích rất lớn. (sách Gương Chúa Giê-su)

13.  Tôi không tham vinh hoa phú quý, ngay cả vinh quang ở trên trời cũng không ngoại lệ, cái mà tôi tham chính là tình yêu. (Thánh Terese of Lisieux)

14.  Yêu là một sự quý báu rất lớn. (Thánh Bernardus)

15.  Yêu là hoàng hậu của tất cả các đức hạnh, bất luận nó ở đâu thì các đức hạnh đều theo nó; nó là người lãnh đạo tất cả các đức hạnh, làm cho chúng ta kết hợp với Thiên Chúa. (Thánh Thomas of Aquino)

16.  Ái tình sinh bởi Thiên Chúa, cũng chỉ để quy hướng về Thiên Chúa là tình yêu. (sách Gương Chúa Giê-su)

17.  Người có tình yêu thì nhất định khiêm tốn vâng lời, tự khiêm tự hạ, nhiệt thành phụng sự Chúa, báo đức cảm ân. (sách Gương Chúa Giê-su)

18.  Thiên Chúa là căn nguyên của tình yêu; dù rằng con người xấu xí, thì Ngài vẫn cứ yêu thương nồng nàn. (Thánh Jutta of Huy)

19.  Tình yêu trong sạch của Thiên Chúa sẽ hủy diệt tất cả những gì không phải của Thiên Chúa, và đem chúng biến thành tình yêu. (Thánh Francis of Sales)

20.  Từ trước đến nay Chúa Giê-su không hề thiết tha mong mỏi tình yêu cho bằng ngày hôm nay; nhưng những người đem mình trao phó cho tình yêu vô hạn mật thiết của Ngài thì thật ít, ngay cả trong các môn đệ của Ngài cũng ít ỏi. (Thánh Terese of Lisieux)

21.  Tất cả những yêu mến của con người, đều là vì yêu mến Chúa Giê-su, nhưng yêu mến Chúa Giê-su không phải là vì duyên cớ khác. (sách Gương Chúa Giê-su)

22.  Phương pháp để được ái mộ tình yêu của Thiên Chúa chính là quyết định: trong tất cả mọi hoàn cảnh và cơ hội thường là vì Thiên Chúa mà làm việc, vì Thiên Chúa mà chịu đau khổ. Tóm lại là không làm những công việc mà Thiên Chúa không ưa thích, người có thói quen làm tốt những việc nhỏ, thì mới có thể làm tốt những việc lớn hơn. (Thánh Terese of Avila)

----------------------

ĐỨC ÁI (3)

“Tình yêu là ngọn lửa của Thiên Chúa, dòng nước lũ không dập tắt được nó” (Diễm ca 8, 7)

1.   Đức tiết chế là vì yêu mà hiểu đạo lý, đức dũng cảm là vì yêu Thiên Chúa mà chấp nhận tất cả, đức nghĩa là vì yêu mà phụng sự Thiên Chúa và chấp hành tất cả, đức trí là vì yêu mà phân biệt lợi và hại. (Thánh Augustinus)

2.   Nếu tôi phải xuống hỏa ngục đời đời, thì ít nữa ngay ở đời này tôi nguyện hết sức yêu mến Thiên Chúa. (Thánh Francis of Sales)

3.   Người được yêu đứng trước tình yêu mà sống, thì có thể làm cho mọi người vui vẻ. (Thánh Thomas de Aquino)

4.   Không có đức ái mà đi truyền giáo, thì giống như mình hái quả trên cây rồi tự mình đốn ngã cây vậy. (Thánh Ignatius de Loyola)

5.   Khi con ưa thích thì không để người khác biết, kẻo bị người khác làm cho hư không. (sách Gương Chúa Giê-su)

6.   Người nhớ mãi sự thương hại người, là yêu sự hèn hạ của chính mình. (Thánh nữ Chantal)

7.   Cha mẹ nhìn thấy con sẩy chân té ngã, không những không phiền nó mà lại còn thương nó, Thiên Chúa cưng chiều chúng ta hơn cả cha mẹ yêu con cái, ân tình của Ngài quá lớn. (Thánh Ambrosius)

8.   Muốn hành vi yêu người càng tốt hơn, thì trong lòng cần phải có tinh thần yêu mến của Chúa Giê-su dạy chúng ta, tức là phải vì Chúa Giê-su mà yêu người, dù cho họ có thiếu sót trong vấn đề đạo đức hay thân thể, thì cũng yêu mến họ như thế. (Thánh Francis of Sales)

9.   Nếu là một người thật tâm yêu mến Thiên Chúa , thì trong bất kỳ việc gì, họ cũng không lưu luyến tìm an ủi. Vì ngoài Thiên Chúa ra, thì bất cứ việc gì cũng không làm cho họ động tâm, bất luận là vinh quang hay giỏi giang của chính mình họ, họ đều không để tâm. (Thánh Terese of Avila)

10.  Chúng ta còn có một dấu chỉ duy nhất để yêu mến Thiên Chúa, đó là yêu mến Ngài trong tất cả mọi sự; Thiên Chúa là Đấng vĩnh hằng bất biến, không muốn chúng ta –trong mọi việc- có cách nhìn không giống với Ngài. (Thánh Francis of Sales)

11.  Thật vậy, chúng ta quá tự tư tự ái, quá vận dụng tài trí của người trần gian để khoe khoang mình, đó là sự dối trá to lớn, ngông cuồng, các thánh nhân thì không như thế. (Thánh Terese of Avila)

12.  Có người vắt óc suy nghĩ, phí cả tâm huyết để tìm cách yêu mến Thiên Chúa. Thực ra, bất kỳ ai, chỉ cần cố gắng hết sức làm những công việc mà Thiên Chúa yêu thích thì là đủ rồi. (Thánh Francis of Sales)

13.  Quan tâm đến Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ quan tâm anh. (Thánh John Berchmans)

14.  Bố thí không kể nhiều ít, bởi vì người có lòng yêu mến thì không tính toán so đo. (Thánh Terese of Lisieux)

15.  Tôi không mong mỏi người khác an ủi vổ về, chỉ cầu mong an ủi và yêu mến tha nhân mà thôi. (Thánh Francis of Assisi)

16.  Công việc là chứng cứ của ái tình. (Thánh Gregorius)

17.  Giọng nói hôi là bằng cớ bao tử bị hư hoại; dễ nói lời châm biếm người khác là bằng cớ trong lòng bại hoại; trong tâm không có đức ái thì miệng chỉ nói lời làm thương tổn người khác. (Thánh Ambrosius)

18.  Nhiệt tâm là mong muốn làm việc phụng thờ Thiên Chúa cực nhanh và thoải mái. (Thánh Thomas de Aquino)

19.  Tất cả những gì mà Thiên Chúa ban cho, tôi đều vui thích. (Thánh Terese of Lisieux)

20.  Phàm nơi nào có yêu thương và hiền trí thì không sợ hãi, cũng không phải là không có trí thức. (Thánh Francis of Assisi)

21.  Muốn biết một người có nên giống Chúa Giê-su không, thì phải coi họ sẽ chấp nhận sự khinh mạn sỉ nhục như thế nào. (Thánh Angela Merici)

22.  Chúa Giê-su là mục tử dễ thương nhất của chúng ta, chúng ta không nên rời xa Ngài, càng không nên để Ngài nhìn không thấy chúng ta. (Thánh Terese of Lisieux)

23.  Linh hồn của tôi ơi, ngươi không nên học tập những người hồ đồ, nhưng nên tìm Thiên Chúa, Đấng có đủ sự toàn thiện. (Thánh Augustinus)

24.  Mặc dù Thiên Chúa hoàn toàn không giữ lại khi giao phó mình cho con, thì con cũng phải đương nhiên đem bản thân mình trao phó hoàn toàn cho Ngài. (Thánh Gioan Kim Khẩu)

25.  Không câu nệ việc gì -ngay cả tư tưởng cuồng vọng trong đầu óc- cũng đều là vì lý do yêu mến Thiên Chúa, cam tâm chịu nhịn nhục. (Thánh Terese of Lisieux)

26.  Chúa Giê-su ơi, tham lam ái tình thì dù nó đã rất ngọt ngào, nhưng chờ được ái tình chân thật và vĩnh viễn hưởng thụ ái tình, thì càng phải là ngọt ngào hơn nữa. (Thánh Terese of Lisieux)

27.  Cứ yêu đi rồi sau đó có thể muốn làm gì thì làm. (Thánh Augustinus)

28.  Thật vậy, bản tình Thiên Chúa và bản tính loài người của Ngài ẩn tàng, duy chỉ có tình yêu vô hạn của Ngài là tỏ hiện. (Thánh Bernardus)

29.  Con người được đức ái thành toàn, thì trong tất cả mọi việc chỉ vì vinh quang của Thiên Chúa mà không cầu lợi ích cho mình. (Sách Gương Chúa Giê-su)

30.  Sự thuần ái của Thiên Chúa tiêu diệt tất cả những gì ngoài Thiên Chúa và làm cho nó trở thành tình yêu. Như thế, tất cả những việc gì vì Thiên Chúa mà làm đều trở thành tình yêu. (Thánh Francis dof Sales)

31.  Muốn biết chúng ta có yêu mến Thiên Chúa hay không, thì có thể coi dấu hiệu này: coi chúng ta có yêu mến tha nhân không ? Bởi vì hai loại yêu mến Thiên Chúa và yêu tha nhân thì vĩnh viễn không tách khỏi nhau. (Thánh Terese of Avila)

32.  Cái gọi là đầy tớ trung thành của Thiên Chúa, chính là ở trong việc yêu người như yêu chính mình; có một ý chí cương quyết không lay động, liên tục đi theo thánh ý của Thiên Chúa, nắm giữ tâm hồn khiêm tốn mộc mạc và trông cậy vào Thiên Chúa. (Thánh Terese of Avila)

33.  Vỏ trái bồ đào thì đắng, nhưng nếu thêm đường vào thì biến thành ngọt ngào. Cũng vậy, trách phạt vốn là khổ đắng làm cho con người ta không vui vẻ, nhưng nếu trách phạt đầy yêu thương và từ thiện, thì sẽ biến thành dễ thương, được kết quả rất lớn. (Thánh Francis of Sales)

34.  Người đi thì chết rồi, người đến có thể truy điệu, noi gương vua thánh Đa-vít nói: “Hôm nay tôi mới bắt đầu yêu mến Thiên Chúa của tôi”. (Thánh Francis of Sales)

35.  Tình yêu, giống như dây xích vàng, đem quả tim tương ái của song phương buộc chặt lại. (Thánh Augustinus)

36.  Yêu là hy vọng cùng người yêu hợp nhất lại. (Thánh Thomas de Aquino)

--------------------------------

ĐỨC ÁI (4)

“Yêu thương là chu toàn lề luật” (Rm 14, 10b)

1.   Đức ái giống như tên cường đạo, cướp mất tất cả những gì chúng ta có, để Thiên Chúa dễ dàng chiếm lĩnh chúng ta. (Thánh Nereus linh mục)

2.   Khi chết, biểu trưng của tình yêu để lại cho người ta một ấn tượng rất sâu, và cũng khiến cho người ta coi trọng. (Thánh Bernadino of Siena)

3.   Chúa Giê-su kêu gọi chúng ta -trong tất cả mọi việc- bất luận tốt hay xấu, đều tìm cách để có lợi tức, tức là dạy chúng ta giống như người kinh doanh ngân hàng, kinh doanh lợi tức tình yêu. (Thánh Terese of Avila)

4.   Phàm là nơi có tâm hồn đồng tình và đức ái, thì sẽ không lưu lại nhiều của cải, cũng không quá quắc vô tình vô nghĩa. (Thánh Francis of Assisi)

5.   Phải biết lòng anh yêu mến Thiên Chúa đã đến cực điểm chưa ? Nên xét mình cẩn thận, ngoài Thiên Chúa ra anh có yêu thích sự vật gì không, nếu có một sự vật không vì Thiên Chúa mà yêu thích, thì lòng anh chưa thể nói là yêu mến Thiên Chúa đến cực điểm. (Thánh Bernardus)

6.   Người yêu mến Thiên Chúa thì như chạy như bay, trong lòng an vui, tự chủ tự tại, những việc thế tục không thể trói họ lại được. (Sách Gương Chúa Giê-su)

7.   Yêu thì không có cảm giác là trách nhiệm nặng nề, không sợ lao nhọc, nhưng nó tự nguyện thực hành những việc vượt qua năng lực của nó. (Sách Gương Chúa Giê-su)

8.   Tình yêu sinh bởi Thiên Chúa, và duy chỉ Thiên Chúa mới là chung điểm của tình yêu. (Sách Gương Chúa Giê-su)

9.   Tôi nguyện vì tình yêu mà chịu khổ, cũng nguyện vì tình yêu mà hưởng phúc.(Thánh Terese of Lisieux)

10.  Con người nên chiến đấu thật nhiều với bản thân mình, lâu ngày mới có thể thắng được mình, đó cũng là đem tình yêu của mình hoàn toàn quy hướng về Thiên Chúa. (Sách Gương Chúa Giê-su)

11.  Ngài thường được yêu, nhưng không thường bị chiếm hữu. (Thánh Lawrence of Brindisi)

12.  Tất cả các đức hạnh đều có tương giao với đức ái. (Thánh Francis of Sales)

13.  Khi tất cả đều bỏ chúng ta thì Thiên Chúa vẫn yêu thương chúng ta. (Thánh Thomas de Aquino)

14.  Càng yêu mến Giáo Hội Chúa Ki-tô, thì càng hưởng được Thánh Thần. (Thánh Augustinus)

15.  Khi chúng ta cho là cô độc thì Thiên Chúa ở bên chúng ta. (Thánh Thomas de Aquino)

16.  Khi không có người trả lời chúng ta, thì Thiên Chúa đang nghe chúng ta. (Thánh Thomas Aquino)

17.  Trong mắt của Thiên Chúa không có gì là thấp hèn, Ngài dùng bất cứ việc gì để tình yêu được đáp ứng. (Thánh Terese of Lisieux)

18.  Một cử động thấp hèn phát xuất từ việc yêu mến Thiên Chúa cách thâm sâu, thì vẫn tuyệt vời hơn là làm một việc thiện lớn mà lãnh đạm. (Thánh Francis of Sales)

19.  Tôi không thể làm được việc lớn, nhưng tôi nguyện dùng mỗi công việc, dù là việc nhỏ, để làm sáng danh Thiên Chúa. (Thánh Terese of Lisieux)

20.  Muốn biết trong lòng chúng ta có bao nhiêu lửa yêu mến, thì hoàn toàn coi chúng ta đối với mình như thế nào. (Thánh Terese of Lisieux)

21.  Tất cả đều bao hàm trong lời nói này: Ngươi phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết sức, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi, và yêu tha nhân như chính mình vậy. (Thánh Augustinus)

22.  Hoàn toàn và mãn nguyện của sự sống, chính là hoàn toàn và mãn nguyện của tình yêu. (Thánh Francis of Sales)

23.  Con người cần phải yêu mến Thiên Chúa trước, mới có thể yêu người trong Thiên Chúa. (Thánh Bernardus)

24.  Người yêu mến Thiên Chúa thì ôn nhu, khiêm tốn và nhẫn nại. (Thánh Gioan Thánh Giá)

25.  Bạn hỏi tôi phương pháp về thánh đức, tôi chỉ biết là yêu, bởi vì chỉ có yêu mới hoàn thành tất cả. (Thánh Terese of Lisieux)

26.  Khi chúng ta yêu Thiên Chúa vì Ngài là Thiên Chúa, mà cấp độ yêu Ngài thì phải vô hạn. (Thánh Bernardus)

27.  Yêu mến Thiên Chúa, phụng sự Thiên Chúa, tất cả vì yêu Thiên Chúa mà làm. (Thánh Clara)

28.  Mặc dù chúng ta yêu mến Thiên Chúa mà không vì được đền đáp, nhưng Thiên Chúa sẽ không quên báo đền. (Thánh Bernardus)

29.  Đức ái là mô phạm, là động lực, là mẹ hiền và căn nguyên của tất cả các đức hạnh. (Thánh Thomas de Aquino)

30.  Nhờ con đường của yêu thương mà Thiên Chúa đến gần nhân loại, nhân loại đến gần Thiên Chúa . Ngược lại, nơi đâu không có đức ái thì không nhìn thấy được yêu thương của Thiên Chúa. (Thánh James of the March)

31.  Lấy đức ái đối xử với người, thì Thiên Chúa ở trong lòng của người yêu người. (Thánh Francis de Sales)

32.  Đức ái nếu tồn tại thì có thể hoàn thành việc lớn; nếu dừng lại thì nó cũng sẽ không tồn tại. (Thánh Gregorius)

33.  Khi chúng ta yêu người lân cận, thì nhìn họ như hình ảnh của Thiên Chúa, là đối tượng tình yêu của Thiên Chúa. (Thánh Vincentius de Paul)

34.  Chỉ có người nào biểu lộ tình yêu với mọi người, thì mới hoàn toàn yêu Thiên Chúa. (Thánh Beda Venerabilis)

35.  Chúng ta có đức ái thì chúng ta có Thiên Chúa , bởi vì Thiên Chúa là tình yêu. (Thánh James with Marian)

36.  Đức ái chân chính thì luôn luôn lấy thiện báo ác. (Thánh Marcellus of Carthage)

37.  Người mà đối với việc của hạ giới càng cảm thấy khoái cảm, thì đối với tình yêu thượng giới cự ly càng xa xôi. (Thánh Gregorius)

38.  Đức ái chân chính là ở chổ tiếp đãi tốt người gia hại chúng ta, và nhờ đó mà giành họ về lại. (Thánh Alfonsus Maria de Liguori)

39.  Đức ái chân chính là ở chổ chịu đựng tất cả những sai sót của bạn bè, mãi mãi không có cảm giác trước những sai sót của họ. (Thánh Alfonsus Maria de Liguori)

40.  Dùng tâm hồn yêu thương để tiếp thu tất cả những hy sinh nhỏ, thì sẽ làm cho Thiên Chúa của sự thánh thiện một niềm vui lớn; Ngài chỉ vì một ly nước lã, mà ban cho mọi kẻ tin sống hạnh phúc như biển cả. (Thánh Francis of Sales)

41.  Không nên bỏ qua cơ hội làm những việc hy sinh nhỏ, hoặc vui vẻ tiếp người, hoặc nói lời an ủi, luôn làm tốt việc nhỏ mà xuất phát từ yêu thương. (Thánh nữ Terese of Lisieux)

----------------------------------
 
ĐỨC ÁI (5)

“Thiên Chúa tình yêu, ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa” (1 Ga 4, 16b)

1.   Thiên Chúa quyết không để sự khảng khái của loài người vượt qua sự rộng rãi của Ngài (Thánh Ignatius de Loyola)

2.   Khi chúng ta vì yêu Thiên Chúa mà kính sợ Ngài, chứ không vì sợ hãi mà miễn cưỡng yêu mến Ngài. (Thánh Francis of Sales)

3.   Người nào muốn yêu mến Thiên Chúa, mà không muốn vì Ngài mà luôn chịu đau khổ, thì không thể yêu Ngài cách chân chính. (Thánh Aloisius Gonzaga)

4.   Bởi vì Thiên Chúa hoàn toàn yêu thương con người, cho nên con người cũng phài hoàn toàn yêu Ngài. (Thánh Bonavita)

5.   Thiên Chúa không ra lệnh cho chúng ta mặc áo gai và mang xiềng xích đi qua sự sống, cũng không cần đánh phạt thân thể chúng ta, nhưng kêu mời chúng ta yêu Ngài trên tất cả mọi sự, và yêu người như mình vậy. (Thánh Camillus de Lellis)
 
6.   Đối với những người rất cần chúng ta, thì chúng ta nên đặc biệt biểu lộ ra lòng yêu mến của chúng ta. (Thánh Francis de Sales)

7.   Khi sức sống của chúng ta cùng tận, chúng ta sẽ bị đối chiếu theo tiêu chuẩn của tình yêu mà chịu phán xét. (Thánh Gioan Thánh Giá)

8.   Khi tôi nhiệt tâm yêu mến Thiên Chúa, thì tôi sẽ khiến cho mình biến thành Thiên Chúa. (Thánh Bernardus)

9.   Cha trên trời yêu mến sự thánh thiện, vì để cứu chuộc linh hồn người tôi tớ hèn mọn, mà giao phó Thánh Tử của Ngài. (Thánh Gregorius)

10.  Lý do yêu mến Thiên Chúa thì nên vì Thiên Chúa, mà mức độ yêu mến Thiên Chúa chính là không có mức độ. (Thánh Bernardus)

11.  Đức ái thì nhẫn nhục trong nghịch cảnh, tự chế trong hoàn cảnh thuận lợi, anh dũng trong đau khổ, khi làm việc thiện thì vui vẻ, khi bị cám dỗ thì rất vững vàng, khi tiếp đãi người thì cực kỳ hào phóng sảng khoái, trong tình anh em thật thì phấn khởi khác thường, trong tình anh em giả thì sẽ rất nhẫn nại, khi bị nhục mạ thì trấn tĩnh, trong phẫn nộ thì an tịnh, trong thù hận thì thiện lương, trong nguy hiểm thì không nghĩ gia hại người khác, trong tội ác thì sám hối, trong chân lý thì thoải mái. (Thánh Augustinus)

12.  Con người ta nếu chỉ biết yêu chuộng và mong muốn sự vật muôn đời thì mới là có phúc; người như thế thì không vì hoàn cảnh thuận mà tự cao, và không vì nghịch cảnh mà lay động, họ ở thế gian này không có gì là yêu, cũng không có gì là sợ. (Thánh Gregorius)

13.  Nếu ai không có đức ái, thì dù có đức tin chính xác cũng không tài nào có hạnh phúc vĩnh viễn; bởi vì trong tất cả các nhân đức, thì đức ái chiếm hàng thứ nhất. (Thánh Hieronymus)

14.  Phàm yêu mến Ngài thì đồng thời cũng phải yêu người khác, yêu tạo vật, nhưng lại không vì như thế mà yêu họ, thì người ấy yêu không nhiều. (Thánh Augustinus)

15.  Linh hồn không có tình yêu thì tuyệt đối không thể sống nổi; linh hồn cần có tình yêu. (Thánh Hieronymus)

16.  Nếu tâm hồn chúng ta dùng lý giải và lòng yêu mến để bổ túc cho một sự việc đời đời nào đó, thì chúng ta sẽ không sống ở thế gian này. (Thánh Augustinus)

17.  Nếu con người không biết kinh sợ và yêu mến Thiên Chúa, bất kể anh gọi Ngài là gì, thì dứt khoác không thể gọi anh là người khôn ngoan. (Thánh Bernardus)

18.  Mặc dù hướng dẫn chúng ta đến hạnh phúc vĩnh viễn là đức ái, nhưng chúng ta tuyệt đối khẳng định, ngoài tình yêu của Thiên Chúa ra, thì các việc khác đều không phải là nhân đức đẹp. (Thánh Augustinus)

19.  Hết lòng yêu mến Thiên Chúa chính là: tâm hồn của con yêu mến Thiên Chúa phải vượt qua tất cả tạo vật, đối với Thiên Chúa thì phải vượt qua mọi vinh hoa, địa vị của thế tục, thậm chí cả cha mẹ. Nếu con không ở trong Thiên Chúa, hoặc không vì Thiên Chúa mà yêu người yêu tạo vật, thì con cũng không hết lòng yêu mến Thiên Chúa. (Thánh Gioan Kim Khẩu)

20.  Lạy Chúa, nếu ai yêu Chúa mà còn yêu những thứ khác, thì không yêu được nhiều. (Thánh Augustinus)

21.  Yêu mến Thiên Chúa hết lòng hết ý là: dùng toàn bộ trí nhớ để yêu Ngài và vĩnh viễn không quên Ngài. (Thánh Augustinus)

22.  Ai không yêu mến anh em thì không thể trở thành người anh dũng tử đạo. (Thánh Sibyllina of Pavia)

23.  Bản thân của tình yêu không thể không có hành động. (Thánh Augustinus)

24.  Thiên Chúa cách con, dù xa dù gần đều do ở con. Nếu con yêu mến Thiên Chúa thì Thiên Chúa ở cạnh con và ở với con. (Thánh Augustinus)

25.  Chúng ta nên biết rằng: Chúng ta yêu người, bởi vì Chúa Giê-su Ki-tô đã yêu họ mà chịu khổ chịu nạn cho đến chết. (Thánh Augustinus)

26.  Đức ái theo bản chất nó mà nói, là nguồi gốc của đức tin, là sâu thẳm của đức nhẫn nại, là đại dương của đức khiêm nhường. (Thánh John Climacus)

27.  Chỉ trong tâm khảm của mình, người thật yêu mến Thiên Chúa mới biết đàm luận sự ngọt ngào của Thiên Chúa toàn năng. (Thánh Gregorius)

28.  Có hai loại yêu mến kiến lập trên hai khu vực khác nhau: một là thành trì trên mặt đất, được kiến lập trên ích kỷ tự ái dẫn đến khinh miệt Thiên Chúa; và một là thành trì trên trời, được kiến lập trên lòng yêu mến Thiên Chúa, dẫn đến khinh miệt bản thân. (Thánh Augustinus)

--------------------------------
 

Chương 4:


THÁNH TÂM
VẾT THƯƠNG THÁNH

Đức Chúa Giê-su cho thánh nữ Magarita thấy trái tim mình và nói: Con nhìn quả tim này, đây là trái tim của Ta yêu thương loài người quá bội, Ta vì yêu nhân loại mà không tiếc mạng sống, đổ máu ra. Nhưng có rất nhiều người không cám ơn Ta, trái lại trong bí tích tình yêu, họ khinh mạn Ta, nhục mạ Ta, lãnh đạm với ta, và kẻ làm cho Ta buồn phiền nhất chính là những người đã dâng hiến cho Ta, cũng đối xử với Ta như vậy”.

 
THÁNH TÂM

Khi Thánh Tâm Chúa Giê-su hiện ra với thánh nữ Magaritha, Ngài đã hứa cho những ai cung kính Thánh Tâm:

1.   Ta sẽ ban cho họ các ân điển mà trong bổn phận họ có nhu cầu.

2.   Ta sẽ ban cho gia đình họ được hòa mục và bình an.

3.   Ta sẽ an ủi họ trong những lúc khốn khó.

4.   Ta sẽ ban cho họ khi sống cũng như sau khi chết được che chở.

5.   Ta sẽ giáng phúc cho tất cả công việc của họ, mọi sự  đều thành công.

6.   Tội nhân sẽ tìm được sự nhân từ thẳm sâu như đại dương trong trái tim Ta.

7.   Làm cho người khô khan lãnh đạm biến thành người nhiệt thành.

8.   Làm cho người nhiệt thành sửa được hoàn toàn sự nông nỗi.

9.   Phàm trong nhà cung kính tượng Thánh Tâm, Ta sẽ giáng phúc cho cả gia đình họ.

10.  Các linh mục cung kính Thánh Tâm Ta, Ta sẽ ban cho họ ơn cảm hóa lòng những người cứng tin.

11.  Người rao truyền Thánh Tâm Ta, Ta sẽ đem danh họ khắc ghi trong trái tim Ta, muôn đời không mất.

12.  Phàm ai trong chín tháng rước lễ liên tục trong các ngày thứ sáu đầu tháng, Ta hứa sẽ ban cho họ ơn hối cải, có thể lãnh các bí tích lúc lâm chung, không chết trong tội lỗi.

---------------------------------

VẾT THƯƠNG THÁNH

“Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đâm thâu” (Gn 19, 37)

-      Vết thương của Chúa Giê-su sẽ mở toang những tâm hồn cứng cỏi, có thể đốt cháy những tâm hồn nguội lạnh. (Thánh Wenceslaus)

-      Vết thương của Ngài là nơi nương dựa của con, dấu đinh của Ngài là hy vọng của con. (Thánh Bernardus)

-      Mặc dù tôi hèn yếu nhu nhược, nhưng tôi quyết tâm không thất vọng. Tôi đem linh hồn tôi ẩn giấu trong vết thương của Chúa Giê-su, xin Máu Thánh của Chúa Giê-su rửa sạch tội lỗi của tôi. (Thánh Catharina Senensis)

-      Dấu thương tích của Chúa Giê-su, có thể làm cảm động tâm hồn cứng cỏi, có thể đốt cháy linh hồn đóng băng, có thể trói buộc người dã tâm. (Thánh Wenceslaus)

-      Năm dấu thương của Chúa Giê-su là năm dòng sông thánh sủng lớn; sau khi Chúa Giê-su sống lại, là để cho chúng ta từ năm dòng sông thánh sủng này luôn nhận được làn sóng thánh sủng. (Thánh Sibyllina of Pavia)

-      Từ trong vết thương của Chúa Giê-su, luôn phát ra hỏa tiển của ân sủng, bắn thương lòng dạ chai cứng của con. (Thánh Alfonsus Maria di Liguori)

------------------------------------

Chương 5

 
ĐỨC MẸ MARIA

“Đây là Mẹ của anh” (Ga 19, 27)


1.   Đức Mẹ là sứ giả hòa bình của thế giới. (Thánh Elfleda)

2.   Kính yêu Đức Mẹ thì nhất định có thể đạt tới sự bền chí. (Thánh Bernard of Montjour)

3.   Không qua Đức Mẹ Maria, không thể đến trước Chúa Giê-su. (Thánh Bernardus)

4.   Đức Mẹ Maria là Đấng khiết tịnh, cho nên Mẹ yêu mến người khiết tịnh. (Thánh John Damascene)

5.   Cung kính Đức Mẹ thì giống như đi qua cổng thiên đàng. (Thánh Elfleda)

6.   Người yêu mến Đức Mẹ rất dễ dàng tìm ợc Thiên Chúa. (Thánh Albertus Magnus)

7.   Đức Mẹ là hy vọng được cứu của chúng ta. (Thánh Thomas de Aquino)

8.   Đức Mẹ Maria là Đấng tuyệt vời như thế, đến nỗi những hành vi của Mẹ đều trở thành mô phạm cho tất cả mọi người. (Thánh Ambrosius)

9.   Khiêm nhường của Đức Mẹ Maria giống như cái thang của trời, Con Thiên Chúa đã dùng nó từ trời xuống để làm người. (Thánh Augustinus)

10.  Đức Mẹ Maria thật là Đấng tràn đầy ân sủng, trong lòng Mẹ ẩn tàng kho báu có thánh sủng. (Thánh Gregorius)

11.  Thánh danh của Đức Mẹ Maria đối với người khẩn thiết kêu cầu Mẹ chính là chìa khóa cửa thiên đàng. (Thánh Elfleda)

12.  Trong các thánh, đi tìm đâu được một vị thương xót  chúng ta là những người bất hạnh hơn Đức Mẹ Maria chứ ? (Thánh Antonius)

13.  Đức Mẹ Maria là cứu viện của người cần giúp đỡ. (Thánh Ioannes Bosco)

14.  Ai có thể yêu mến Đức Mẹ Maria đến chết, thì nhất định sẽ không mất đi ân sủng. (Thánh Bernardus)

15.  Nếu tôi không có tình cảm mộ mến Đức Mẹ Maria, thì tôi không thể bảo đảm chắc chắn linh hồn tôi. (Thánh John Berchmans)

16.  Nếu con lấy lòng nhiệt thành đọc kinh Kính Mừng, thì nhất định con sẽ làm cảm động đến Trái Tim Vô Nhiễm của Đức Mẹ Maria. (Thánh Monfort)

17.  Đức Mẹ Maria đã yêu thương loài người hèn mọn chúng ta đến thế, vậy mà càng ban cho chúng ta thêm ân sủng. (Thánh Ioannes Bosco)

18.  Làm việc cung kính Đức Mẹ Maria thì không kể lớn nhỏ, chỉ có một điều kiện cần phải làm, chính là không thiếu lòng bền chí. (Thánh John Berchmans)

19.  Chúc phúc của Đức Mẹ Maria chính là Mẹ ban cho chúng ta ơn thánh sủng. (Thánh Wenceslaus)

20.  Nhờ sự phục tùng của Đức Mẹ Maria mà đền bù tai họa do E-va vi phạm truyền lại. (Thánh Irenaeus of Lyons)

21.  Ôi, Đấng tràn đầy ơn sủng. Ôi, Mẹ cứu giúp, qua Mẹ chúng con có thể đến với Thánh Tử của Mẹ. (Thánh Bernardus)

22.  Đức Mẹ Maria là con đường lớn cứu chuộc. (Thánh Bernardus)

23.  Đức Mẹ Maria là nền móng của hy vọng. (Thánh Bernardus)

24.  Đức Mẹ Maria là quan thầy của tất cả những người tội lỗi khẩn cầu. (Thánh Anicetus giáo hoàng)

25.  Đức Mẹ Maria là mẹ hiền của những kẻ mồ côi. (Thánh Bonaventura)

26.  Đức Mẹ Maria là nơi ẩn náu của kẻ mồ côi. (Thánh Elfleda)

27.  Đức Mẹ Maria là nguồn suối của tất cả ân điển và an ủi. (Thánh Elfleda)

28.  Đức Mẹ Maria là sự an ủi của những kẻ khóc lóc. (Thánh Germanus of Capua)
29.  Chúng ta tìm kiếm thánh sủng thì nên nhờ Đức Mẹ Maria tìm kiếm. (Thánh Albert the Great)

30.  Nếu anh không bắt chước sự trinh khiết của Đức Mẹ Maria được, thì ít nữa bắt chước đức khiêm nhường của Mẹ. (Thánh Bernardus)
 
31.  Đức Mẹ Maria là Đấng che chở duy nhất, giúp đỡ duy nhất và nơi an nghĩ duy nhất của chúng ta. (Thánh Villana)

32.  Chúng ta cầu cứu Đức Mẹ là nhờ địa vị cao quý của Mẹ để cầu cứu; để thay những thiếu sót của chúng ta. (Thánh Anselm of Canterbury)

33.  Đức Mẹ yêu mến chúng ta, vượt qua sự yêu mến của tất cả các thiên thần và các thánh hợp lại dành cho chúng ta. (Thánh Nilus de Elder)

34.  Tất cả tình cảm của bà mẹ dành cho con mình, so với tất cả lòng yêu mến mà Đức Mẹ Maria dành cho một linh hồn, chẳng qua chỉ là một cái bóng nhạt mờ. (Thánh Nilus de Elder)

35.  Phàm ai muốn được sự thương yêu của Đức Mẹ, thì nhất định Mẹ sẽ bảo hộ phù trì họ. (Thánh Anselm of Canterbury)

36.  Bà E- va để con rắn thắng được bà, cho nên đem lại cho chúng ta sự chết và bóng tối. Đức Mẹ Maria chiến thắng ma quỷ, cho nên đem lại cho chúng ta sự sống và ánh sáng. (Thánh Bruno)

37.  Phàm ai muốn được thánh sủng của Chúa Thánh Thần, muốn tìm đóa hoa trên cây khô, thì phải đến với Đức Mẹ Maria để tìm gặp Chúa Giê-su. (Thánh Bonaventura)

38.  Tất cả lòng nhân từ của Thiên Chúa ban cho người thế, đều là nhờ Đức Mẹ Maria mà ban cho. (Thánh Antoninus)

39.  Một người đàn ông và một người đàn bà hiệp lực phá hoại sự cứu chuộc của chúng ta; một người nam và một người nữ khác hợp lực để đền bù cho chúng ta, đó chính là Chúa Giê-su và Mẹ của Ngài là Đức Mẹ Maria. (Thánh Bernardus)

40.  Từ trong cái không, Thiên Chúa đã tạo thành thế giới mà không cần ai giúp đỡ, nhưng vì tội lỗi đã làm cho thế giới biến thành xấu, cho nên vì để cứu chuộc nó mà Thiên Chúa muốn nhờ Đức Mẹ Maria giúp đỡ. (Thánh Anselm of Canterbury)
 
41.  Đức Mẹ Maria là sự an ủi của người khốn khó. (Thánh Bonaventura)

42.  Đức Mẹ Maria là thánh sủng của chúng ta, Mẹ quen quãng đại ban phát ân huệ cho những người kính yêu Mẹ. (Thánh Andrew of Crete)

43.  Khẩn cầu thánh ân mà không có sự cầu bàu của Đức Mẹ Maria, thì giống như chim không có lông cánh mà đòi bay cao, lời cầu xin của họ sẽ không thể sinh hiệu quả. (Thánh Antoninus)

44.  Hỡi tội nhân, bất luận các người là ai đều không nên thất vọng, các người nên lấy lòng trông cậy kêu cầu với Đức Mẹ Maria, các người sẽ thấy trong tay Mẹ sự sung mãn lòng nhân ái và ân huệ. (Thánh Bernardino of Siena)

45.  Đức Mẹ Maria là chỗ dựa đáng tin cậy nhất, chỗ dựa của hy vọng. (Thánh Bernardus)

46.  Đức Mẹ Maria là người phân phát các ân sủng; cứu viện của chúng ta nằm trong tay anh đó. (Thánh Bernardus)

47.  Cầu xin Đức Mẹ Maria để chúng ta tìm được ân sủng, và không hoài nghi về lòng nhân từ của Thiên Chúa, mà là vì chúng ta cảm nhận được mình là loài hèn mọn, nên mới phó thác mình cho Đức Mẹ Maria, để nhờ địa vị cao quý của Mẹ mà bù đắp những hèn mọn của chúng ta. (Thánh Anselm of Canterbury)

48.  Đức Mẹ Maria không thể không yêu mến những ai yêu mến Mẹ, cũng không thể cự tuyệt bảo trợ những ai phụng sự Mẹ. (Chân phúc Jordan of Pisa)

49.  Người nhiệt tình có thể bồi dưỡng lòng cung kính Đức Mẹ Maria, thì tuyệt đối không mất linh hồn. (Thánh Ignatius de Loyola)

50.  Người đi hàng hải nhờ hải tinh (sao biển) mới biết phương hướng, các tín hữu trông cậy vào Đức Mẹ Maria mới có thể đi tới thiên đàng. (Thánh Thomas de Aquino)

51.  Những người được Đức Mẹ Maria bảo hộ thì thật có phúc, bởi vì tương lai người nhận bạn trên thiên đàng làẹ. (Thánh Bonaventura)

52.  Người dùng kinh Kính Mừng để cung kính Đức Mẹ Maria, là chứng minh lớn nhất họ là người được tuyển chọn. (Chân phúc Anne of St. Bartholomew)

53.  Chúng ta nên tin tưởng, sắp tới Đức Mẹ Maria ban ơn phù hộ cho chúng ta, vượt qúa sức tưởng tượng của chính mình. (Thánh Germanus of Capua)

54.  Nói tóm lại, người thuộc về Đức Mẹ Maria đều tràn đầy thánh sủng và từ ái lương thiện, bởi vì Mẫu Thân là từ ái lương thiện, là nguồn vạn sự thiện của chúng nhân. (Thánh Bernardus)

55.  Người không được Đức Mẹ Maria thương xót, không những không thể được cứu, thậm chí, ngay cả hy vọng cũng không có. (Thánh Bonaventura)

56.  Tấm lòng của Đức Mẹ Maria như là tấm gương chịu đau khổ của Chúa Giê-su, có thể soi sáng cứu thế giới chịu sỉ nhục, bị đánh đau thương và các khổ hình khác. (Thánh Laurentius)

57.  Thánh nhân thực hiện một vài đức hạnh đặc biệt: có người thì trinh tiết, có người thì khiêm nhượng, có người thì nhân từ. Đức Mẹ Maria chính là mô phạm của tất cả các đức hạnh ấy. (Thánh Thomas de Aquino)

58.  Vinh quang của Đức Mẹ Maria vượt qua tất cả vinh quang của các thánh, như ánh sáng mặt trời vượt qua tất cả ánh sáng của các tinh tú. (Thánh Basillus Magnus)

59.  Có thể hiểu Đức Mẹ Maria hưởng địa vị cao quý trên thiên đàng, thì có thể nhận ra tất cả số lượng ân thánh sủng ở trên thế gian này Mẹ đều có. (Thánh Bernadus)

60.  Như hơi thở tượng trưng cho sự sống, cầu cứu Đức Mẹ Maria cũng là chứng minh cho người có thánh sủng. (Thánh Germanus of Capua)

61.  A, mẫu thân vĩ đại, Mẹ là bắt đầu, tiếp tục và chung kết hạnh phúc của chúng con. (Thánh Fortunatus)

62.  Những người được mắt nhân từ của Đức Mẹ Maria nhìn đến, nhất định có thể ăn năn hối cải mà được sự sống trường sinh. (Thánh Antoninus)

63.  Đức Mẹ Maria là cái thang bắc lên trời, là cửa sổ tâm hồn và cũng là trung gian của người thế, bởi vì Mẹ đầy tràn ơn thánh sủng. (Thánh Laurence Giustiniani)

64.  Khi Chúa Giê-su bị đóng đinh chết trên Thánh Giá, Đức Mẹ Maria cũng tự nguyện hy sinh vì chúng ta. (Thánh Apollonius)

65.  Nếu nói lời cầu nguyện của người tội lỗi không đạt được ân điển thì rất đúng, nhưng họ khẩn cầu công đức của Đức Mẹ Maria thì họ có thể được đáp ứng. (Thánh Anselm of Canterbury)

66.  Nhờ sự chuyển cầu của Đức Mẹ Maria nên thường có rất nhiều tội nhận ăn năn trở lại. (Thánh Methodius)

67.  Để hiểu rõ ràng Đức Mẹ Maria chịu tất cả đau khổ khi Chúa Giê-su chịu chết trên thánh giá, thì cần phải suy xét tình yêu của người mẹ này đối với người Con của Mẹ. (Thánh Bernardinus)

68.  Đức Mẹ Maria thường đốt cháy lên lửa yêu mến Thiên Chúa, phàm người tiếp cận Mẹ, yêu mến Mẹ, thì Mẹ cũng sẽ làm cho họ cháy lên lửa yêu mến Thiên Chúa như Mẹ vậy. (Thánh Bonaventura)

69.  Hãy nhiệt tâm trông cậy Mẹ đi, trong tất cả mọi việc Mẹ luôn giúp đỡ bạn. (Thánh nữ Marcellina)

70.  Đức Mẹ Maria được vinh dự cao quý làm Mẹ Thiên Chúa, là vì để tội nhân được nên công chính, bởi vì Chúa Giê-su đã rõ: Ngài đến không phải để tìm kiếm người công chính, nhưng đến tìm kiếm người tội lỗi. (Thánh Anselm of Canterbury)

71.  Bạn có thể yên tâm đến trước mặt Thiên Chúa, bởi vì trước mặt Thánh Tử bạn có một người mẹ, trước mặt Thánh Phụ bạn có một vị Thánh Tử: Đức Mẹ Maria vì bạn mà biểu hiện rõ ràng lòng từ bi của Mẹ và Thánh Tử; Thánh Tử vì bạn mà biểu hiện rõ ràng các vết thương và cạnh nương long của Ngài và Thánh Phụ. (Thánh Bernardus)
 
---------------------------
 
Chương 6:


ƠN THIÊN TRIỆU

“Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” (Mt 4, 19)

1.   Người được chọn, đường họ đi phải đầy dẫy những chông gai. (Thánh Gregorius)

2.   Những người coi thường ơn gọi của Thiên Chúa, nhất định sẽ gặp sự báo phục của Ngài. (Thánh Augustinus)

3.   Ơn gọi của tôi chính là yêu thương. (Thánh Terese of Lisieux)

4.   Khi Thiên Chúa kêu gọi chúng ta, thì không muốn chúng ta chậm chạp nghe tiếng gọi của Ngài. (Thánh Gioan Kim Khẩu)

5.   Tôi mời các bạn hãy chặt đứt dây buộc thuyền của các bạn, không nên đợi tháo dây buộc. (Thánh Hieronymus)

6.   Một người hoàn thành ơn gọi thì dù cho không có làm những việc thiện khác, chỉ cần họ tậm tâm làm tròn bổn phận vì yêu mến Thiên Chúa, vinh quang Thiên Chúa, đem vinh quang của Thiên Chúa làm mục đích cho các việc của họ làm, người như thế thì đã hoàn thành ơn gọi rồi. (Thánh Francis of Sales)

7.   Tôi từ bỏ tiền tài trên đời như bùn đất và nhà cửa dễ hư hoại thay đổi, để tìm kiếm bảo vật không bị hư nát và cung điện huy hoàng ở trên trời. (Thánh Cecilia)

8.   Ơn gọi của chúng ta thật là kỳ diệu và đẹp đẽ ! Thân phận của chúng ta vốn là muối giữ gìn thế gian. (Thánh Terese of Lisieux)

9.   Nếu như ơn gọi đến từ ma quỷ thì chúng ta cũng nên phục tùng, giống như chúng ta tiếp thu lời khuyên tốt của kẻ thù vậy. (Thánh Thomas de Aquino)

10.  Một vài người trưng cầu chủ ý của mình với người thân thuộc mà lấy làm tiếc vì nhỡ theo đuổi ơn gọi, thì như Chúa Giê-su đã nói “là người không thích hợp với Nước Trời”. (Thánh Cyrillus)

11.  Người có đủ sự phán đoán, có lý tính, thì nên hoàn toàn dâng hiến mình. (Thánh Ignatius Antiochenus)

12.  Bàn về việc kết hôn hoặc giữ trinh khiết, thì tôi tớ không có trách nhiệm phục tùng chủ nhân mình, con gái không có trách nhiệm phục tùng cha mẹ mình. (Thánh Thomas de Aquino)

13.  Ai muốn sống đời sống của tu sĩ, thì phải vì Chúa Giê-su mà biến thành người ngu. (Sách Gương Chúa Giê-su)

14.  Phàm người tiến vào cung thánh phụng thờ Thiên Chúa thì phải ghi nhớ, họ đến không phải được Thiên Chúa kêu gọi, mà là vì Thiên Chúa mà đón nhận đau khổ. (Thánh Terese of Avila).

15.  Để được tất cả, thì trước tiên phải từ bỏ tất cả. (Thánh John of Cross)

16.  Tất cả mọi sự tôi đều hiến dâng cho Thiên Chúa; nếu không có gì để hiến dâng thì đem cái nghèo khó của mình để dâng cho Thiên Chúa. (Thánh Terese of Lisieux)

17.  Nếu con muốn biết con là người có yêu mến ơn thiên triệu hay không, thỉ chỉ cần coi con có yêu mến sự khắc khổ hay không, ơn gọi của con là phải làm chiến sĩ của Chúa Giê-su, nếu con không cùng đóng đinh với Chúa Giê-su thì làm sao có thể làm chiến sĩ của Ngài được ! (Thánh John Berchmans)

18.  Các con phải không tiếc nuối gì khi dâng mình cho Thiên Chúa. (Thánh Vincent of Saragossa)

19.  Ơn gọi là một đại ân đối với bản thân mình, phải ghi ơn và không được quên. (Thánh John Berchmans)

20.  Tinh thần và yêu cầu ơn gọi của chúng ta, chỉ có một mục tiêu duy nhất là làm vinh danh Thiên Chúa và mưu ích cho con người. (Thánh John Berchmans)
21.  Nếu anh muốn mua nước thiên đàng, thì phải đem bản thân mình dâng hiến cho Thiên Chúa, không dùng giá trị này, thì không thể mua được thiên đàng. (Thánh Augustinus)

22.  Nếu anh chưa được gọi, thì xin hãy thiết lập cách để được ơn gọi. (Thánh Augustinus)

23.  Đem bản thân mình giao phó trong tay Thiên Chúa, chính là đem ý chí của mình hoàn toàn dâng hiến cho Ngài. Khi nào một linh hồn thành thật nói với Chúa : “Thiên Chúa của con, con chỉ muốn, chỉ muốn Ngài”, thì coi như họ đã hoàn toàn đem ý chí của mình hoàn toàn dâng hiến cho Thiên Chúa, kết hợp với Ngài. (Thánh Francis of Sales)

24.  Cần phải quyết định một lần và kiên định không lay chuyển, là đem bản thân mình dâng hiến cho Thiên Chúa, thành kính nhiệt tâm dâng hiến phát xuất từ nơi thâm sâu của tâm linh, hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa và không giữ lại điều gì, về sau phải luôn luôn đem chí nguyện này dâng lại cho Thiên Chúa. (Thánh Francis of Sales)

25.  Bố thí tiền tài, cứu tế cho người nghèo đương nhiên là tốt; bỏ nhà để tu đạo, đi theo Chúa Giê-su để chịu nghèo nàn khốn khó thì càng tốt hơn. (Thánh Hieronymus)

26.  Thánh Phao-lô tông đồ nói: “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì ?” (Cv 22, 10)- Câu nói này có tinh thần và có sức mạnh, lời nói tuy đơn giản nhưng ý nghĩa thâm sâu, rất được Thiên Chúa vui lòng. (Thánh Bernardus)

27.  Nếu anh là đầy tớ của Thiên Chúa, thì đừng để xích sắt của nhân gian đem anh trói lại, nhưng nên để dây xích của Chúa Giê-su buộc anh lại. (Thánh Benedictus)

28.  Đầy tớ của Thiên Chúa là gì ? Đầy tớ của Thiên Chúa không chỉ là thi nhân hát ca trên phố. Nhiệm vụ duy nhất của thi nhân là ở tại phấn chấn lòng người, thúc đầy lòng người, cổ võ lòng người, làm cho lòng người hướng về những sự vui vẻ cao siêu ở trên trời. (Thánh Francis of Assisi)

29.  Làm đầy tớ của Thiên Chúa thì phải yêu mến anh chị em của Ngài. (Thánh Francis of Assisi))

30.  Cầu nguyện là bảo vệ ơn thiên triệu. (Thánh John Berchmans)

31.  Hạ quyết tâm, hạ quyết tâm nhé ! Ma quỷ sẽ không sợ linh hồn nào không có quyết tâm. (Thánh Teresa of Avila)

32.  Sau khi đem bản thân mình dâng hiến cho Thiên Chúa, thì không những con được Thiên Chúa, mà còn được sự sống đời đời nữa. (Thánh Francis of Sales)

33.  Chỉ khi con tự nguyện từ bỏ mình mà đi theo Ngài, thì mãi mãi xác định để đi theo. (Thánh Augustinus)

34.  Lấy tình cảm con người mà nói thì từ bỏ cha mẹ đương nhiên là ngỗ nghịch bất hiếu, nhưng vì Chúa Giê-su mà từ bỏ cha mẹ thì thật là đại hiếu. (Thánh Bernardus)

35.  Linh hồn ơi, mày không biết hay sao, ai có Chúa Giê-su thì có đầy đủ cha mẹ và các bạn hữu. Tại sao đi theo người chết chứ, mày phải đi theo người sống, và để người chết chôn kẻ chết. (Thánh John Chrysostom)
------------------------

 
Chương 7:

TU VIỆN
“Phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp”. (Mt 19, 29)

1.      Đem thế tục so sánh với tu viện: thế tục như tâm của biển, tu viện như cửa của biển. Tâm biển thường có sóng gió, thường có thuyền lật rất nguy hiểm; cửa biển không gió không sóng, không có nguy hiểm đến lật thuyền. (Thánh Augustinus)

2.      Tu viện là gia đình của Thiên Chúa. (Thánh Benedictus)

3.      Trong nhà Thiên Chúa, không thể để cho bất cứ người nào khó khăn bất an hoặc buồn phiền bi thương. (Thánh Benedictus)

4.      Trong thuyền ngập nước, ắt là ván thuyền có khe hở không hoàn chỉnh; một tu viện bại hoại, ắt là lòng người có khe hở, không thể tương hợp nhau. (Thánh Bernardus)

5.      Người ở trong tu viện nếu không vì lợi ích của người khác, thì là chỗ có hại cho người khác; nếu họ nhiệt tâm thì có ích cho người, nhược bằng lười nhác thì có hại cho người, chứ không thể nói là không lợi cho ai mà cũng không hại ai. (Thánh Osburga)
 
6.      Người sẽ vào tu viện thì ý chí dễ thuần khiết, tinh thần thanh thoát, ít phạm tội; không may bị sa ngã thì đứng dậy rất nhanh, sống thì bình an, chết thì an tâm,đền tội nhanh, thưởng càng lớn. (Thánh Bernardus)

7.      Tu viện là một học viện có tu thân và yêu mến, ở đây mọi người học tập chính tâm, tu thân; do đó có thể thu được hiệu quả của “ánh sáng do sự cọ xát”, kết hợp càng kiên cố. (Thánh Francis of Sales)

8.      Con ở trong tu viện, nhưng nếu một người ăn mày được ơn Chúa thu dụng và muốn con thu nhận tất cả, thì đều là ân tứ của người khác bỏ ra. (Thánh John Berchmans)

9.      Thiết lập tu viện không phải là tập hợp những người hoàn mỹ, nhưng là để những người có dũng chí muốn trở thành hoàn mỹ. (Thánh Francis of Sales)

10.  Nếu như tôi không thể đi hết đường hướng của tu viện được, thì dù cho tôi có sống rất lâu ở trong tu viện nào có ích chi ? (Thánh John Berchmans)

 

11.  Nếu một người không hết lòng khiêm tốn tự hạ vì Chúa, thì nhất định không ở lâu trong tu viện được. (sách Gương Chúa Giê-su)

12.  Từ nơi phòng của các tu sĩ mà hướng dẫn họ đường lên thiên đàng thì rất dễ dàng, bởi vì có rất ít người sa hỏa ngục từ phòng của họ. (Thánh Bernardus)

13.  Tu viện là cửa thiên đàng. (Thánh Lawrence of Brindisi)

14.  Trong con thuyền tu viện, ngay cả những người không bơi cũng phải tiến về phía trước. (Thánh Aloisius Gonzaga)

15.  Trong tu viện, một chớp nhoáng mà được thần lực vui vẻ của Thiên Chúa, thì có thể dư dật bù đắp cho họ khi họ khước từ tất cả vì Chúa. (Thánh Camillus de Lellis)

16.  Để có thể giữ nguyên sự hài hòa của tâm hồn, con chỉ cần nghĩ đến hành vi của con là có tuân giữ tốt điều răn của Thiên Chúa, tuân giữ luật dòng hay không ? Nếu hoàn toàn tuân giữ thì con có thể hưởng bình an khoái lạc, vì như thế thì tương lai nhất định sẽ lên thiên đàng. (Thánh Francis of Sales)

17.  Không nên xem nhẹ việc xin khoan thứ. (Thánh John Berchmans)

18.  Các con tuân theo luật dòng thì luật dòng tuân theo các con; như đầu tóc của Samson được dưỡng tốt nên sức mạnh rất lớn, tóc cắt ngắn đi thì sức mạnh tiêu tan. (Thánh Bernardus)
-------------------

 
Chương 8:

LỜI KHẤN

“Điều khấn hứa cùng Ngài, phải lo giữ trọn”.

(Tv 65, 1b)

1.   Khấn ba lời khấn là đem bản thân dâng hiến cho Thiên Chúa, công đức thật cao diệu, có thể nói là lãnh bí tích Rửa Tội lần thứ hai, có thể tha các tội lỗi. (Thánh Sibyllina of Pavia)

2.   Lời khấn không đoạt chủ quyền của bản thân, nhưng hoàn thành chủ quyền của mình, kiên định lòng người, chuyên làm việc thiện, không thể tùy ý làm điều ác. (Thánh Thomas de Aquino)

3.   Đừng hối hận khi con đã khấn, nhưng con phải vui vẻ, bởi vì từ nay về sau con không thể tùy ý làm việc gì có hại cho con. (Thánh Augustinus)

4.   Khấn lại có ba ích lợi lớn: (1) Tăng gia lửa yêu mến Thiên Chúa. (2) Cảnh tỉnh chúng ta không được quên lời mà chúng ta đã hứa với Thiên Chúa ngay từ đầu, và gắng sức tự mình thực hiện. (3) Giữ vững lòng của chúng ta không làm mất ơn gọi của Thiên Chúa. (Thánh Ignatius de Loyola)

5.   Con đừng quên, từ ngày con tuyên khấn dâng hiến cho Thiên Chúa, thì con không còn là con nữa, thân xác và tất cả những gì của con đều thuộc về Thiên Chúa, nếu con tùy tiện dùng lung tung theo ý nghĩ của con, thì coi như con đã ăn trộm của Thiên Chúa. (Thánh Basilius Magnus)

6.   Trách nhiệm mà chúng ta hứa với Thiên Chúa mặc dù lớn, nhưng Thiên Chúa ban thưởng cho chúng ta càng lớn hơn, chỉ cần chúng ta bắt tay thực hiện, không lừa dối Thiên Chúa, thì Thiên Chúa cũng nhất định thực hiện và cũng không lừa dối chúng ta. (Thánh Francis of Assisi)

7.   Mỗi ngày lập lại lời khấn, là phương pháp tốt nhất để xua đuổi những cám dỗ của ma quỷ. (Thánh Francis of Sales)

8.   Địa vị của tu sĩ là địa vị hoàn thành, nên nhất định phải là lâu dài bất biến, nếu không tuyên khấn, không nghiêm giữ được lời khấn của mình, thì khó mà lâu dài bất biến được. (Thánh Thomas de Aquino)

---------------------------------

Chương 9:

 
THANH KHIẾT

“Có những người tự ý không kết hôn vì Nước Trời, ai hiểu được thì hiểu” (Mt 19, 12b)

THANH KHIẾT (1)
1.      Được như thiên thần là một phúc phận; giữ mình đồng trinh là một công đức. (Thánh Gioan Kim Khẩu)

2.      Chỉ có người giữ mình đồng trinh mới có thể nhận ra vị vua của đồng trinh. (Thánh Hieronymus)

3.      Người giữ đồng trinh có thể sánh với thiên thần và còn vượt qua thiên thần, bởi vì thiên thần không có xác thịt, là bản tính thanh khiết tự nhiên nên không có công lao gì; nhưng con người thì cần phải khắc trị tình cảm xác thịt, ép tư dục mới có thể được như thế, cho nên càng đáng được tán dương. (Thánh Bernardus)

4.      Đức thanh khiết là một đức hạnh kiều diễm cao quý, phải dùng công phu của giới luật, thận trọng và sợ hãi để bảo vệ nó; chí khí cang cường cũng không thể dựa vào, đức hạnh cao to cũng không thể dựa vào, tuổi già sức yếu cũng không thể cậy vào. (Thánh Teresa of Avila)

5.      Con muốn sống thanh khiết sao? Con phải khiêm tốn. Con muốn thật thanh khiết sao? Con càng phải rất khiêm tốn. (Thánh Apollonia)

6.      Ở đâu trinh khiết càng lớn, ờ đó tình yêu cũng càng lớn. (Thánh Anselm)

7.      Người sa xuống địa ngục thì hơn một nửa là không giữ mình trinh khiết. (Thánh Vincentius de Paul)

8.      Trong chiến dịch bảo vệ trinh khiết, những người không dám thô lỗ thẳng tiến không ngừng, mà tránh những cơ hội phạm tội, mới có thể được thắng. (Thánh Philip Neri)

9.      Bảo toàn trinh khiết thì giống thiên thần, mất đi trinh khiết hình dáng giống ma quỷ. (Thánh Apollonia)

10.  Duy chỉ có tâm thanh khiết, mới có thể có Chúa vô cùng thanh khiết. (Thánh Gregorius)

11.  Người kết hôn thì đầy cả thế giới, người đồng trinh thì đầy thiên đàng. (Thánh Apollonia)

12.  Ai không khống chế thú tính của mình, cho nên khi thú tính của họ phát sinh thì càng gọi họ là thú, mà không gọi họ là người. (Thánh Vincentius de Paul)

13.  Đức trinh khiết phải dùng đức khiêm tốn để bảo vệ. (Thánh Dominicus)

14.   Để bảo vệ đức trinh khiết thì nhất định phải khắc khổ và tránh thế tục. (Thánh Dominicus)

15.  Nếu các con kỳ vọng được ân huệ của đức trinh khiết, thì phải tránh xa tất cả thời cơ và duyên phận không lương thiện. (Thánh Dominicus)

16.  Tâm hồn và tinh thần thuần khiết thì thấu triệt tất cả trên trời dưới đất. (sách Gương Chúa Giê-su)

17.  Thiên Chúa báo đáp hành động của chúng ta, tức là chiếu theo cấp độ thuần khiết của chúng ta mà báo đáp. (Thánh Magdalena de Pazzi)

18.  Nên biết trinh khiết là đặc ân của Thiên Chúa, không nên nghĩ đến dựa vào sức mạnh của mình thì mới có thể giữ được, bởi vì con người dù lao tâm phí sức như thế nào chăng nữa, thì cũng không thể giữ được trinh khiết. (Thánh Gatien)

19.  Phương pháp cần thiết để giữ gìn trinh khiết của mình không phải cậy vào sức mạnh bản thân, mà là dựa vào Thiên Chúa, nếu cậy vào mình ắt bị sa vào cám dỗ ngược với khiết tịnh. (Thánh Augustinus)

20.  Yêu mến đức khiết tịnh là lấy vui vẻ làm nòng cốt. (Thánh Augustinus)

21.  Thân thể chỉ là một cái vỏ bên ngoài, mà sự thuần khiết của nội tâm mới là nhân. (sách Gương Chúa Giê-su)

22.  Người không thanh sạch, trên thực tế, so với ma quỷ trong hỏa ngục thì xấu xa hơn. (Thánh John Berchmans)

23.  Chỉ có một phương pháp duy nhất để giữ gìn trinh khiết là: đồng hóa mình với Chúa Giê-su bị đóng đinh trên thánh giá, tức là khắc chế cá nhân trong ngoài đầy đủ. (Thánh Francis of Sales)

24.  Thắt lưng là giữ gìn đức trinh khiết, cầm đèn sáng là làm việc thiện. (Thánh Gregorius)

25.  Đức khiết tịnh của nội tại là gốc rễ, mà sự thuần khiết bên ngoài là cành và lá. (sách Gương Chúa Giê-su)

26.  Cái mà không cho phép con có, tại sao con vẫn cứ nhìn ? Gìn giữ cặp mắt thì không những có nhiệt tâm lâu dài, mà còn có thể để phòng rất nhiều cám dỗ. (Thánh John Berchmans)

27.  Con người ta trước là có thói quen phạm tội không khiết tịnh, sau đó thì dễ dàng bị cám dỗ. Dâm tư ác niệm, lòng người buồn phiền, phần nhiều là phạt tội đã phạm trước, phải tránh cám dỗ này, phải hết sức sửa chữa sai lầm trước kia. (Thánh Gregorius)

28.  Không đoan chính là làm nhục sự khổ nạn của Chúa Giê-su, bởi vì Chúa Giê-su đã dùng các vết thương nơi tay chân, để đền bù chuộc lại những hành động bừa bãi của chúng ta. (Thánh Ignatius de Loyola)

29.  Đoan chính là đức hạnh duy trì phong độ chắc chắn, đúng đắn và uy nghiêm của linh hồn và thân xác. (Thánh John Berchmans)

---------------------------------

TRINH KHIẾT (2)

“Đàn bà không có chồng và người trinh nữ thì chuyên lo việc Chúa, để thuộc trọn về Người cả hồn lẫn xác”.

(1 Cr 7, 32-34)

1.   “Đàn bà không có chồng và người trinh nữ thì chuyên lo việc Chúa, để thuộc trọn về Người cả hồn lẫn xác”. (1 Cr 7, 32-34)

2.   Độc cư và thiên đàng khoảng cách không xa. (Thánh Bernardus)

3.   Không phải bởi vì nhiều lời mà được phép chuẩn y, nhưng là vì sự thuần khiết của tâm hồn và nước mắt của thống hối. (Thánh Benedictus)

4.   Suy nghĩ thật kỷ bức tranh tử thi, thì có thể ngăn ngừa được tà ý. (Thánh Gregorius))

5.   Để dập tắt ngọn lửa dục vọng của tình dục tà ma, thì không có gì sánh bằng nhớ đến năm vết thương thánh của Chúa chúng ta, nó càng linh nghiệm hơn. (Thánh Augustinus)

6.   Cám dỗ của tình dục tà ma là hỏa tiển của ma quỷ, nếu không bớt ăn, bớt ngủ, khổ công khắc chế bản thân thì không diệt được nó. (Thánh Hieronymus)

7.   Khắc chế dục tình là phương pháp để thắng được ma quỷ. (Thánh Augustinus)

8.   Nếu con cảm thấy lương tâm con không khiết tịnh thì nên hổ thẹn trong lòng. (Thánh Augustinus)

9.   Cùng đi với tà dục của xác thịt, mong được những khoái cảm ấy có thể đem lại cho con thoát sự trừng phạt nặng nề, thì thật là hảo huyền. (sách Gương Chúa Giê-su)

10.  Chỉ có vui vẻ thần linh, vừa ngọt ngào vừa chính đáng là kết quả của hạnh tu đức, là món quà Thiên Chúa thưởng cho người khiết tịnh. (sách Gương Chúa Giê-su)

 

11.  Đức khiết tịnh là hoa bách hợp trong các nhân đức, nó làm cho con người giống thiên thần. (Franciscus de Sales)

12.  Thánh Thần nói với chúng ta: cái bẩn thỉu không sạch đã che đậy toàn bộ khuôn mặt của thế gian. (Thánh Ioannes Maria Vianney)

13.  Người có tâm hồn khiết tịnh là cung điện của Chúa Thánh Thần. (Thánh nữ Lucia)

14.  Đức khiết tịnh là nhà cửa mà Chúa Ki-tô mong muốn, là thiên đàng của tâm hồn ở trên mặt đất. (Thánh Clemens I)

15.  Dâm dục được thực hiện, cuối cùng trở thành thói quen, thói quen không đổi thì cuối cùng không thể nhổ được. (Thánh Augustinus)

16.  Ý nghĩa của đức khiết tịnh tức là dốc hết khả năng của con người để noi gương Thiên Chúa. (Thánh Clemens I)

17.   Linh hồn thuần khiết là đóa hoa hồng đẹp đẽ, Ba Ngôi từ trên trời hạ xuống ngửi hương thơm của nó. (Thánh  Ioannes Maria Vianney)

18.  Trong các nhân đức thì đức khiết tịnh (tâm khiết tịnh) là có địa vị quang vinh và đặc biệt, bởi vì chỉ có nó mới làm cho con người thấy được Chúa Giê-su; tức là như lời chân lý đã nói: Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa. (Thánh Augustinus)

19.  Không áp chế tà niệm thì sinh ra khoái cảm, khoái cảm khiến cho đồng ý ngầm, đồng ý ngầm đi đến hành động, hành động trở thành thói quen, thói quen biến thành tự nhiên, và cuối cùng thì dẫn đến sự chết. (Thánh Bernardus)

20.  Mỗi khi tà dục xâm chiếm thì chúng ta lập tức nói: “Chúa giúp đỡ con, không để con phải xúc phạm. (Thánh Hieronymus)
 
21.  Nếu con muốn bảo toàn đức khiết tịnh thì phải chắc chắn đúng dắn, phải đoan trang, phải tự chế. (Thánh Leonard of Maurice)

22.  Đức khiết tịnh là một viên ngọc quý rất đắt tiền, người có vàng bạc đá quý thì không muốn đem tài sản phúc lộc của họ đi khoe với kẻ trộm. (Thánh Ioannes Bosco)

23.  Đức khiết tịnh là sự đền đáp đặc biệt của khiêm tốn. (Thánh Ioannes Bosco)

24.  Thiên Chúa, ngoài việc đem đức khiết tịnh ban cho chúng ta ra, thì chúng ta vô phương thực hành đức hạnh này, mà Thiên Chúa thì chỉ đem sức mạnh này ban cho người cầu xin nó mà thôi. (Thánh Alfonsus Maria de Liguori)

25.  Đức khiết tịnh là tính siêu nhiên để khắc chế bản tính, thì có thể nói: một cái bị thịt (túi da hôi thối) đúng là kỳ diệu khi bắt chước thần tính trên trời. (Thánh Clemens I)

26.  Linh hồn thuần khiết giống như hạt minh châu rất đẹp, khi nó còn ẩn tàng trong cái vỏ ốc dưới đáy biển, không một ai nghĩ rằng thưởng thức nó; nhưng giả như con đem nó bỏ dưới ánh mặt trời, thì nó phát ra ánh sáng rất đẹp thu hút tất cả mọi người. Thật vậy, linh hồn nào không để người thế nhìn thấy sự thuần khiết, thì sẽ có một ngày dưới ánh sáng vĩnh hằng sẽ lấp lánh sáng lòa trước mặt các thiên thần. (Thánh Ioannes Maria Vianney)

27.  Ngăn chặn mắt của con nhìn xem bất cứ sự vật nào vi phạm đức khiết tịnh; đề phòng tai của con nghe những lời nói ô uế; vứt bỏ trong đầu óc con tất cả dục tà của tính cám dỗ; diệt trừ dục vọng không thanh khiết nảy sinh trong lòng con. (Thánh John Baptist de la Salle)

28.  Khi con luôn nhiệt tâm cầu nguyện thì tránh được cơn cám dỗ vi phạm đức khiết tịnh, và cầu xin được thánh sủng khắc phục được chúng nó. (Thánh John Baptist de la Salle)

29.  Chỉ có tâm hồn cực kỳ thanh khiết mới có thể chiêm ngưỡng Thiên Chúa tốt lành. (Thánh Augustinus)

30.  Trinh khiết là hoa của nhân sinh, là vinh dự của thân thể con người, chói lọi linh hồn và thân xác, trả lại nguyên vẹn huyết nhục, là nền móng của thánh đức, tập họp tất cả thành một thiện ý. (Hiền sĩ Targore)
 
31.  Đức trinh khiết là đóa hoa tươi tốt phơi phới của Giáo Hội, là phẩm vật điểm xuyết vẻ vang ân sủng của Thiên Chúa. (Thánh Cyprianus)

32.  Ai là người băng thanh ngọc khiết chọn tuân giữ con đường trinh tiết, thì dù cho gian nan khốn khó, nhưng lại xuất sắc vượt lên khỏi đám đông, được vô số ân sủng, và sẽ thu hoạch mỹ mãn được gấp trăm. (Thánh Athanasius)

33.  Các trinh nữ, phải bắt đầu tận sức gìn giữ trinh khiết, bền chí đến cùng, triệt để thủy chung, nếu muốn được ân thưởng to lớn thì phải băng thanh ngọc khiết, không tì vết. (Thánh Cyprianus)

34.  Duy chỉ có các trinh nữ mới nhọc lòng lo nghĩ đến việc Thiên Chúa. (Thánh Antonius)

35.  Vẻ đẹp của trinh khiết là ở trong tâm chứ không ở bên ngoài. (Thánh Gioan Kim Khẩu)

36.  Trinh nữ mà xuất giá thì không có tội; trinh nữ mà không xuất giá thì vẫn luôn là trinh nữ, trước thì cứu vãn yếu nhược, sau là quang vinh trinh khiết; trước thì không có chổ dựa vào, sau thì người tán tụng mãi không thôi. (Thánh Ambrosius)

37.  Đức trinh khiết xuất phát từ hôn phối, giống như xuất phát từ cây, hạt lúa xuất phát từ một hạt mầm như nhau. (Thánh Hieronymus)

38.  Hôn nhân phải chết và kết thúc, nhưng trinh khiết chính là nên chết và được vương miện của thắng lợi. (Thánh Hieronymus)

39.  Phàm nhiễm bất kỳ hành vi không trong sạch nào, trước tòa Thiên Chúa thì không thể nói là làm việc thiện cách thành kính. (Thánh Georgius)

40.  Người trinh khiết thì dùng tình ái để thôi thúc ái tình, dùng lửa yêu mến Thiên Chúa để tiêu diệt lửa dục của xác thịt. (Thánh John Climacus)

41.  Trinh khiết là sự tiết chế phi thường vượt qua bản tính con người, nó thật là đáng kinh ngạc, nó là chiến tranh giữa xác thịt bị hủy hoại và linh hồn bất diệt. (Thánh John Climacus)
-------------------------------

 
Chương 10:

 
THANH BẦN

“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”. (Mt 5, 3)

 
1.      Phàm ở đâu có sự nghèo khó và vui vẻ, thì ở đó không phải có lòng tham và không phải có khổ nạn. (Thánh Francis of Assisi)

2.      Tham tài thì tự mình tìm hình phạt, yêu khó nghèo thì sản sinh vương miện. (Thánh Benedictus)

3.      Nếu chúng ta yêu mến sự nghèo khó thì nhất định cũng yêu kết quả của nghèo khó, như: rét lạnh, đói khát, bị khinh chê. (Thánh Bertha of Blangy)

4.      Không phải nghèo khó mà là yêu nghèo khó, mới gọi là đức hạnh của nghèo khó. (Thánh Bernard)

5.      Thanh bần là một con đường lớn bằng phẳng đi đến Thiên Chúa. (Thánh John Climacus)

6.      Vinh hoa phú quý không phải là Thiên Chúa, chỉ là hư không mà thôi. (Thánh Augustinus)

7.      Có nhiều tài sản của thế tục là rườm rà cho linh hồn, cản trở nó bay thẳng lên thiên đàng. (Thánh Bonaventura)

8.      Người thật thanh bần nhất định có hai điều kiện: (1) Bên ngoài hoàn toàn từ bỏ tiền tài của thế gian, đây là phương pháp. (2) Trong lòng không yêu thích tài vật, đó mới là hướng cuối phải nhắm đến. (Thánh Thomas  de Aquino)

9.      Không khó từ bỏ thì nhất định không yêu mến, rất yêu mến thì nhất định khó từ bỏ. (Thánh Augustinus)

10.  Các thánh bên ngoài nghèo khó, cái gì cũng không có, nhưng ở trong lòng thì tràn đầy thánh sủng và sự an ủi của Chúa Thánh Thần. (sách Gương Chúa Giê-su)

11.  Chỉ cần một linh hồn vui lòng chấp nhận mình nghèo hèn thì Thiên Chúa muốn họ trở nên thánh, và trong lòng càng vui hơn so với tạo dựng cả ngàn vạn thế giới. (Thánh Terese of Lisieux)

12.  Con vui lòng vì Ngài mà sống nghèo khó. (Thánh Augustinus)

13.  Nếu con thứ gì cũng không có thì con thoát được một gánh nặng; kẻ nghèo xác nghèo xơ đi theo Giê-su là người nghèo rớt mồng tơi. (Thánh Hieronymus)

14.  Trên trời có hết thảy giàu sang vĩnh viễn, nhưng không có nghèo khó; trên đất ở đâu cũng có sự nghèo khó, nhưng con người ta không biết giá trị của nó. (Thánh Bernardus)

15.  Xin nhìn ngắm Chúa Giê-su nghèo khó: khi sinh ra không người cho trọ, nằm trong máng cỏ của lừa ăn, được bọc trong tả lót, lánh nạn qua Ai Cập, cưỡi trên mình lừa và bị lõa thể treo trên thập giá. (Thánh Bernardus)

16.  Nếu người ta không yêu sự gì ở thế gian, thì họ sẽ không sợ điều gì. (Thánh Gregorius)

17.  Một người hèn mọn, sau khi Thiên Chúa tôn uy, chúa của đoàn quân vì yêu họ mà trở thành người nghèo, mà họ còn muốn làm một người giàu có, thì thật là tranh cãi vô ích. (Thánh Bernardus)

18.  Tinh thần nghèo khó chân thực vốn không phải ở chỗ có nhiều, nhưng ở chỗ biết đủ, là ở trong lòng anh và hoàn toàn không ở sự vật bên ngoài thân. (Thánh Basillius Magnus)

19.  Tham tiền tài là căn nguyên của vạn sự ác, những tư dục tình cảm lệch lạc khác như là cành lá của nó, từ nó mà bồi bổ cho khỏe mạnh thì sẽ đơm hoa kết quả, và sẽ không khô héo. (Thánh Nilus the Elder)

20.  Nghèo khó là giảm bớt lo nghĩ của thế gian, không vì cuộc sống mà buồn phiền, siêu thoát không mệt mỏi, hết lòng tuân theo quy định của giới luật, biết bổn phận của mình. (Thánh John Climacus)

 

21.  Người nghèo khó dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện thuần khiết, mà người tham tiền tài trong khi cầu nguyện thì chỉ biết xin cho được nhiều của cải thế gian. (Thánh John Climacus)

-------------------------
Chương 11:

VÂNG LỜI

“Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự (Ph 2, 8)

1.      Vâng lời là trong tất cả mọi việc không hạn chế lớn nhỏ nặng nhẹ, chỉ cần không phải là việc phạm tội, hoàn toàn vâng lời ý chỉ của bề trên, tuyệt đối không tự mình chủ trương. (Thánh Cyprian)

2.      Khiêm tốn là cấp thứ nhất, là không hồ nghi việc phục tùng. (Thánh Benedictus)

3.      Trong hoàn cảnh nghịch, con người nên nghe lệnh; trong hoàn cảnh thuận, con người cũng phải nghe lệnh. (Thánh Gregorius)

4.      Lúc nào con người không nhìn thấy kim chỉ nam là vâng lời, thì lập tức bị thất lạc khô héo trên đường, và cũng mất đi ân sủng là nước hằng sống. (Thánh Terese of Lisieux)

5.      Vâng lời chân chính là trong những việc không hợp với ý riêng mình, mà vẫn thực hành nó cách vui vẻ thì mới nhìn rõ được. (Thánh Alfonsus Maria de Liguori)

6.       Việc thứ nhất ma quỷ cám dỗ con người là không vâng lời, việc thứ nhất Thiên Chúa gợi ý con người là vâng lời. (Thánh Terese of Avila)

7.      Vâng lời là nguyên tắc chung của các nhân đức, là yếu lĩnh của tất cả thần học tu đức, là làm cho con người sửa đổi các nhân đức để đạt đến nguyện vọng sống đời đời, dễ dàng nhất, thỏa đáng nhất, ngắn gọn nhất và là con đường chắc chắn nhất. (Linh mục Alewalai)

8.      Nếu chỉ từ bỏ tiền tài thì chưa đủ quý, người ngoại giáo cũng có thể làm như thế; hoàn toàn dâng hiến mình cho Thiên Chúa, cắt đứt ý riêng để theo lệnh, mới là công việc của người tuân theo lời dạy. (Thánh Hieronymus)

9.      Một người vâng lời thực sự thì không chọn lựa điều gì, cũng không hy vọng chức phận cao hay thấp, họ chỉ biết phục tùng mệnh lệnh, không nghĩ đến những việc khác. (Thánh Bernardus)

10.  Phục tùng cách hoàn mỹ là đức khiêm tốn tạo thành các bộ phận, cũng là kết quả việc kính sợ Thiên Chúa. (Thánh Benedictus)
11.  Trong Giáo Hội có hai con đường để cứu linh hồn: con đường thứ nhất là liên hệ với tất cả các giáo hữu, tức là tuân giữ giới răn của Thiên Chúa; con đường thứ hai là gia nhập vào một tu viện để nghe khuyến dụ của Chúa Giê-su. (Thánh Ignatius de Loyola)

12.  Nghe mệnh lệnh của Thiên Chúa thì công lao không nhỏ, vì yêu Thiên Chúa mà nghe lệnh người thì công lao càng lớn hơn, ban thưởng càng bội hậu. (Thánh Bonaventura)

13.  Ăn năn hối cải là việc làm của nội tâm, cần phải nổ lực suốt đời, việc này có được là bởi luôn luôn phục tùng, đến chết mới thôi. (Thánh Benedictus)

14.  Thoát cái vỏ bên ngoài của mình là bỏ đi tất cả chủ quyền của mình, coi mình như đầy tớ của tha nhân. (Thánh Terese of Lisieux)

15.  Ai muốn không vâng lời chủ nhân thì không phải đầy tớ của chủ nhân. (Thánh Augustinus)

16.  Phục tùng là được con đường bình an. (Thánh Dolerthe)

17.  Ai đến phản kháng quyền uy của Thiên Chúa, là làm hổn loạn trật tự ổn định mà Thiên Chúa đã an bài. (Thánh Gregorius)

18.  Vâng lời là nhân đức đẹp duy nhất giành công lao của đức tin. (Thánh Georginus)

19.  Bởi vì con cầu nguyện nên con phục tùng. (Thánh Augustinus)

20.  Trước tòa Thiên Chúa thì con người càng phải kìm nén ngạo khí của mình, tự mình hy sinh để toàn tâm toàn ý vâng lời, thì họ càng được phấn khởi trong Thiên Chúa. (Thánh Gregorius)

21.  Vâng lời là lịch trình giảng dạy để cứu linh hồn, là vinh quang của người chết vì sự công chính, là bậc thang của Nước Trời; là chiếc thuyền trong biển thế gian đang lái về Nước Trời. (Thánh Bonaventura)

22.  Phục tùng mệnh lệnh là hoàn mỹ, cần nhất là linh hồn tiếp nhận những bảo ban của bề trên mà không một chút ý kiến. (Thánh Magdalena de Pazzi)

23.  Để làm một người thật phục tùng, không chỉ bản thân phục tùng, mà ở nơi thái độ phục tùng phải sãng khoái. Dù cho mệnh lệnh không dễ như các lịnh khác, nhưng vẫn vui vẻ làm tốt việc của mệnh lệnh ấy. (Thánh Philip Neri)

24.  Để có thể hoàn thành nhân đức vâng lời, thì phải chú ý ba điểm này: (1) Tuân lệnh bên ngoài; (2) bên trong đồng ý; (3) lý trí nhận biết. (Thánh Ignatius de Loyola)

25.  Nên nhớ công việc mà lấy phục tùng để hoàn thành thì phát ra tia sáng chói lọi, có thể đi thẳng tới thiên đàng. (Thánh Ignatius de Loyola)

 

26.  Ngoài sự vâng phục ra, không bình luận ưu thế của mình. (Thánh John Berchmens)

27.  Thiên thần kiêu ngạo khi ở trên thiên đàng sang chói thì lớn tiếng hô “ta không phục tùng”; nhưng tôi ở trong thế giới tối tăm này thì phải hô to “tôi nguyện phục tùng”. (Thánh Terese of Lisieux)

28.  Nhân đức đầy đủ của tu sĩ là phải chú ý nghe chính xác mệnh lệnh. Ai trung tín với luật dòng thì người ấy càng làm trọn. (Thánh Laura)

29.  Chỉ cần một giọt vâng lời thì có thể so với tất cả thần lực rất cao sang, và sự chiêm ngưỡng ơn huệ của Thiên Chúa càng cao hơn. (Thánh Magdalena de Pazzi)

30.  Con người ta ngoài việc toàn tâm phục tùng Thiên Chúa ra, thì không ở đâu linh hồn có thể được tự do. (sách Gương Chúa Giê-su)


31.  Thánh đức vâng lời hủy diệt tất cả tình dục của xác thịt, khiến cho xác thịt giống như đã chết cho mình rồi, để phục tùng linh hồn như phục vụ tha nhân vậy. (Thánh Francis of Assisi)

32.  Dâng hiến hy sinh chẳng qua là giết dê bò; vâng lời là từ bỏ chủ ý của mình, chủ ý trong tâm so với thịt dê bò thì cao quý hơn nhiều. Cho nên đem chủ ý của mình dâng cho Thiên Chúa cũng rất có công đức. (Thánh Gregorius)

33.  Người vâng lời vì khiêm tốn thì không có việc gì khó; người vì lương thiện thì không có chuyện khổ. (Thánh Leo Magnus)

34.  Bề trên không thể ra lệnh cho thuộc hạ làm chuyện xấu xa, nhưng có thể cấm thuộc hạ làm một chuyện tốt. (Thánh Gregorius)

35.  Cấp thứ nhất của khiêm tốn là phục tùng, không cho phép bất kỳ kéo dài nào. (Thánh Benedi

-------------------------------------------------------

 (tập một)

Taiwan, ngày lễ Phục Sinh 2007
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.