Thứ Bảy, 9 tháng 3, 2024

Chúa nhật 4 mùa chay

 


CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY


Tin Mừng: Ga 3, 14-21
“Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nổi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muốn đời”.

Anh chị em thân mến,
Để thử thách đức tin của tổ phụ Ab-ra-ham, Thiên Chúa đã yêu cầu ông giết con một của mình là I-sa-ác để tế lễ cho Ngài, và ông đã vâng lời không điều kiện, ông vâng lời là vì ông đã tin vào Thiên Chúa toàn năng, ông đã tin rằng: lời hứa của Thiên Chúa dành cho ông sẽ vĩnh viễn không bị quên lãng, nhưng sẽ được thực hiện dù cho mất đứa con độc nhất này, và ông đã trở thành cha của những kẻ tin.
Hôm nay, trong bài Tin Mừng, Đức Chúa Giê-su đã hé mở cho ông Ni-cô-đê-mô thấy ý định của Thiên Chúa, hay nói cách khác, kế hoạch “cứu linh hồn con người” của Thiên Chúa khi Ngài nói: “Thiên Chúa vì yêu thế gian đến nổi đã ban Con Một của Người...” Lần này Thiên Chúa không thử đức tin của ai cả, nhưng Thiên Chúa đã đem mạng sống của người Con duy nhất tinh tuyền của mình, để đổi lấy mạng sống hư mất, tội lỗi của nhân loại và của chúng ta. Đó là tình yêu, tình yêu dâng hiến và cứu sống, tình yêu dâng hiến này có giá trị mãi mãi đến muôn đời, trí óc con người không thể dò thấu, hiểu nỗi.
Hôm nay, nếu Thiên Chúa nói với anh chị em rằng: Ngài cần đứa con đầu lòng của các anh chị, cho nên Ngài yêu cầu anh chị –để bày tỏ tình yêu đối với Thiên Chúa- hãy giết con của mình để làm của tế lễ cho Ngài, thử hỏi các anh chị có vui lòng vâng lời Ngài như tổ phụ Áp-ra-ham không ? Chắc chắn là không, vì không ai nhẫn tâm giết chết con mình, dù với mục đích cao cả là tế lễ Thiên Chúa, thế nhưng Thiên Chúa đã xử sự như thế khi cứu chuộc nhân loại tội lỗi: sát tế Con độc nhất của mình là Đức Chúa Giê-su Ki-tô.
Con Một của Thiên Chúa đã đến rồi đó, Ngài chính là Đức Chúa Giê-su Ki-tô, ai tin Ngài thì sẽ được sống đời đời, chúng ta cũng đã tin vào Ngài rồi đó.
Ngài đang ở đây, trong nhà thờ này nơi bí tích Thánh Thể, mà chút xíu nữa chúng ta sẽ rước Ngài vào trong tâm hồn của chúng ta, Ngài trở thành lương thực hằng sống nuôi dưỡng linh hồn và làm cho nó được sống đời đời. Chúng ta tin rồi đó.
Và đức tin đã soi sáng dẫn đưa chúng ta tiến thêm một bước nữa để trưởng thành hơn, đó là biết mỗi một người trong chúng ta đều là con một của Thiên Chúa, nghĩa là Ngài yêu thương chúng ta như trên thế gian này không còn ai khác. Do đó mà Con Một của Ngài là Đức Chúa Giê-su đã mời gọi chúng ta hãy yêu thương anh chị em, như là yêu chính Ngài vậy. Yêu thương, đương nhiên là không đầu môi chót lưỡi, yêu thương đương nhiên không làm bộ làm tịch bên ngoài để cho mọi người thấy, nhưng chính là yêu như yêu Chúa vậy, nghĩa là yêu với tất cả tấm lòng chân thành, không vì chút sĩ diện hay khoe khoang, không vì để quảng cáo hay để tuyên truyền, nhưng là vì yêu Chúa trong tất cả mọi người.
Anh chị em thân mến,
Chúng ta đã đi được nửa chặng đường của mùa chay, có nghĩa là chúng ta càng ngày càng đến gần ngày đại lễ vượt qua của thời Tân Ước, tức là đại lễ Phục Sinh. Càng đến gần ngày đại lễ, thì cơn cám dỗ của sa-tan càng gia tăng mạnh mẽ, do đó mà chúng ta cần phải tỉnh thức và cầu nguyện luôn.
Tỉnh thức để thấy, cầu nguyện để ngắm, thấy và ngắm Thiên Chúa đang ở trong tâm hồn chúng ta và cũng đang ở trong tha nhân, đó chính là niềm tin của chúng ta vào Con Một của Thiên Chúa là Đức Chúa Giê-su Ki-tô Đấng cứu chuộc chúng ta, đó cũng chính là sợi giây vô hình liên kết chúng ta với mọi người trong tình yêu của Thiên Chúa.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
-------------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info

Thứ Sáu, 8 tháng 3, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


26.      THỊT DÊ TRẮNG HẤP

Đại tướng của đông Tấn là Hoàn Ôn, ngày nọ làm tiệc để tiễn đưa bạn làm việc ở Kinh châu tên là La hữu, ông ta đến rất sớm, đến khi tiệc kết thúc bèn lập tức cáo từ.

Hoàn Ôn hỏi:

-      “Ngài mỗi khi đến đây thì thường nói một vài câu chuyện, tại sao hôm nay một lời cũng không nói mà lại về trước ?”

La Hữu trả lời:

-      “Từ trước đến nay tôi chưa hề ăn qua thịt dê trắng hấp cho nên đến rất sớm, bây giờ ăn đã no rất là nhiều món, giờ thì cũng nên về”.

                                                                (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 26 :

        Có người vì thích ăn thịt cầy nên lặn lội xuống ngã ba Ông Tạ để mua dù trời mưa trời bão, có người thích ăn mì gói dù cho có nhiều người khuyên bảo là ăn nhiều không tốt, lại có người thích hưởng hương vị quê hương nên hể có ai về quê thăm nhà là yêu cầu người nhà gởi qua cho họ mắm ruốc, thịt cầy, gia vị dù hải quan có kiểm soát bằng máy điện tử cũng coi như pha...

        Con người ta hể thích thì bất cần đến nguy hiểm, không sợ hãi hay nguy hiểm tính mạng, miễn có ăn có cái mình thích là được.

        Có một vài cha sở thích xây một tượng đài Đức Mẹ theo ý mình để nhớ đời, dù tốn kém bao nhiêu cũng không lo không ngại, nhưng trong giáo xứ có nhiều gia đình đói ăn mà ngài không biết đến để “xây” tượng đài Đức Mẹ trong tâm hồn đang lung lạc đức tin vì đói khổ của họ; cũng có một vài Ki-tô hữu thích làm việc thiện, nhưng việc thiện ấy phải để cho mọi người biết mới nở mặt nở mày, cho nên họ đem tiền của đi cúng cho những nhà thờ lộng lẫy to cao có nhiều giáo dân đi lễ, còn nhà thờ nhỏ bé nghèo nàn của giáo xứ mình thì ngay đến mấy cành hoa cắm trong ngày lễ chúa nhật họ cũng không bố thí...

        Thời xưa vì thích ăn miếng “thịt dê trắng hấp” mà La Hữu phải đến thật sớm, thời nay có những Ki-tô hữu cũng thích nhậu thịt chó mà đến bàn nhậu sớm, nhưng hể đến nhà thờ dâng thánh lễ thì phải đợi vợ con thúc giục kêu réo mới đi, mà nếu có đi thì đợi linh mục giảng xong mới vào nhà thờ, họ coi Mình Thánh Chúa còn thua miếng ‘thịt dê trắng hấp”, và càng thua miếng thịt chó nhậu với rượu đế.

        Thiên Chúa sẽ rất buồn vì chúng ta “sốt sắng” với bàn nhậu nay còn mai mất, nhưng lại thờ ơ với bàn tiệc thánh đem lại sự sống đời đời cho chúng ta, đó chính là Mình và Máu thánh của Đức Chúa Giê-su.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Năm, 7 tháng 3, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


25.      HỌC TRÒ PHONG LƯU

Giải Tấn đi thăm phò mã, gặp lúc phò mã không có nhà.

Công chúa nghe đại danh Giải học sĩ đã lâu, bèn muốn tận mắt nhìn dáng vẻ, bèn đứng sau rèm cửa kêu người lưu giữ  Giải Tấn ở lại uống trà.

Giải Tấn tìm bút viết đề thơ:

“Áo bông công tử chưa trả về nhà,

phấn hồng giai nhân gọi thưởng trà.

Trong sân thầm lặng người không thấy,

cách rèm lại ngửi một bông hoa”.

Công chúa nổi giận tấu báo phụ thân là Minh Thành Tổ Chu Đệ, phụ thân cừơi nói:

-      “Đấy là học trò phong lưu, trách anh ta làm quái gì chứ ?”

                                                                (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 25 :

        Tuổi học trò là tuổi dễ thương, hồn nhiên và nghịch ngợm, tuổi học trò cũng là tuổi thần tiên, nhưng cũng sẽ là tuổi của tiểu ma tiểu quỷ nếu chúng ta không đặt vấn đề giáo dục lên hàng đầu.

        Thời nay có nhiều học trò không biết viết văn nhưng thích coi những phim ảnh bạo lực và đồi truỵ, đó không phải là học trò hồn nhiên nhưng là mầm móng của tội ác ngày mai; đó không phải là sự ham hiểu biết về cuộc sống qua màn ảnh, nhưng là phản ảnh của một nền giáo dục quá chú trọng đến thành tích mà không có thành tích “tích đức” trong nhà trường, và đó cũng là những lỗ hổng để cho sâu đục thân cây con là ma quỷ chen vào trong tâm hồn của học trò...

        Học trò phong lưu và công tử phong lưu thì không giống nhau, bởi vì phong lưu của học trò thì ăn nói phun châu nhả ngọc, xuất khẩu thành thơ, mặt mày đoan chính, còn công tử phong lưu thì tiêu tiền như đốt giấy, ăn chơi trác táng, hại cửa hại nhà và mặt mày thì đĩ thoã.v.v...

        Người học trò Ki-tô hữu thì luôn nỗ lực học hành vì đó là bổn phận phải làm của người làm con Thiên Chúa, hơn nữa, các học trò Ki-tô hữu đều biết noi gương Đức Chúa Giê-su, chăm chú nghe giảng Lời Chúa và thực hành Lời Chúa trong cuộc sống thời học trò của mình, cũng như trong bất cứ môi trường sinh hoạt nào...

        Hạnh phúc thay cho xã hội có những người học trò như thế.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 6 tháng 3, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


24.      COI TRỌNG COI KHINH

Nguyễn Tịch rất ít khi bị khuôn phép ràng buộc, lâu nay chỉ biết làm “mắt trắng mắt xanh”[1], phàm hể thấy người tầm thường tuân giữ khuôn phép, thì lấy “con mắt trắng dã” để đối lại.

Ông ta nói với mọi người:

-      “Lễ nghĩa, không phải lập ra để cho tôi”.

Năm nọ mẹ ông ta chết, bạn là Kê Hỷ đến phúng điếu, chiếu theo nề nếp mà hành lễ, Nguyễn Tịch bèn lấy “mắt trắng dã” để đối đãi, Kê Hỷ rất buồn bèn bỏ về.

Em của Kê Hỷ là Kê Khang biết tính cách của Nguyễn Tịch, nên khi đi phúng điếu thì mang theo rượu và đàn, Nguyễn Tịch vừa thấy thì rất cao hứng nên dùng “con mắt xanh” để đối đãi !

                                                                (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 24 :

        Khuôn phép, lễ nghĩa, quy tắc được lập ra không phải vì một cá nhân nào cả, nhưng là vì sự văn minh trật tự của nhân loại, con người ta sống mà không lễ nghĩa, không quy tắc, không khuôn phép thì là một tập thể ô hợp mất trật tự hơn cả loài ong loài kiến sống có tổ chức trật tự...

        Người coi thường quy tắc, khuôn phép, lễ nghĩa thì không thể là một người mẫu mực được, lại càng không thể trở thành người lãnh đạo, bởi vì sự vô tổ chức của họ sẽ làm cho cộng đoàn loạn và không có khuôn phép, quy tắc...

        Người Ki-tô hữu có rất nhiều khuôn phép, quy tắc và lễ nghĩa ngay trong Thánh Kinh và trong giáo huấn của Giáo Hội, nhưng tất cả những quy tắc, khuôn mẫu ấy đã được Đức Chúa Giê-su tóm gọn trong hai điều, đó là kính mến Thiên Chúa và yêu thương người thân cận như chính mình. Bởi vì nếu chúng ta giữ đúng khuôn phép tuân hành quy tắc lễ nghĩa mà không có đức ái, thì chỉ là những rô bô chỉ biết tuân theo những lập trình sẵn có trong bộ nhớ, chứ không biết hành xử như một con người có quả tim biết yêu thương và phục vụ lẫn nhau.

        Khuôn phép, quy tắc, lễ nghĩa sẽ vô nghĩa nếu chúng ta không tuân giữ, nó càng vô nghĩa hơn khi chúng ta chỉ tuân giữ cách máy móc mà không có một tâm hồn tích cực tuân giữ vì yêu thương.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] “Mắt trắng mắt xanh” nghĩa là “coi trọng coi khinh”.

Giảng Tĩnh Tâm 2024



Giảng tĩnh tâm Mùa Chay 2024 cho Hội Minh Viễn Tại Thế của Taiwan.


Chủ đề:

NẾU YÊU THƯƠNG THẬT LÒNG THÌ HÃY XÉ LÒNG, ĐỪNG XÉ ÁO

 

Cha giảng: Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

 

Mở đầu:

-      Hát kinh Đức Chúa Thánh Thần.

-      Đọc Lời Chúa trong sách tiên tri Giô-en: 2, 12-18.

“Hãy xé tâm hồn chứ đừng xé áo các ngươi”.

Bài trích sách Tiên tri Giô-en.

Bấy giờ Chúa phán: Các ngươi hãy thật lòng trở về với Ta trong chay tịnh, nước mắt và than van. Hãy xé tâm hồn, chớ đừng xé áo các ngươi. Hãy trở về với Chúa là Thiên Chúa các ngươi, vì Người nhân lành và từ bi, nhẫn nại, giầu lòng thương xót và biết hối tiếc về tai hoạ. Biết đâu Người sẽ trở lại, sẽ hối tiếc và sẽ ban lại phần phúc để có của lễ hiến tế dâng lên Chúa là Thiên Chúa các ngươi?

Hãy thổi kèn lên khắp Sion, hãy ra lệnh ăn chay, triệu tập một đại lễ, quy tụ dân chúng, ra lệnh mở đại hội, tập họp các bô lão, quy tụ các thiếu nhi và các trẻ còn măng sữa. Tân lang hãy ra khỏi nhà, và tân nương hãy ra khỏi phòng. Các tư tế là những kẻ phụng sự Chúa, hãy đứng giữa cửa chính và bàn thờ mà than khóc và kêu lên rằng: Lạy Chúa, xin thương xót dân Chúa, xin đừng để cho cơ nghiệp Chúa phải hổ thẹn, đừng để các dân tộc thống trị nó. Tại sao thiên hạ dám nói rằng: “Chúa của chúng ở đâu?” Chúa đã nhiệt thành với xứ sở Người và đã tha thứ cho dân Người.
Ðó là lời Chúa.

 

Suy niệm :

THẬT YÊU THƯƠNG : HÃY XÉ TÂM HỒN

Mỗi người chỉ có một tâm hồn, nếu xé đi thì còn gì là tâm hồn nữa, mà tâm hồn thì được con người ta gán cho nhiều danh từ đẹp và xấu như: tâm hồn ăn uống, tâm hồn thoải mái, tâm hồn bi quan, tâm hồn lạc quan, tâm hồn phóng khoáng.v.v...

Thế nhưng ngay từ đầu mùa chay, Giáo Hội qua tiên tri Giô-en đã mời gọi chúng ta hãy xé lòng, tức là xé tâm hồn ra từng mảnh để thấy cuộc đời khi thất vọng đau thương thì càng cảm thấy cần đến tình thương của Thiên Chúa, bời vì khi chúng ta không còn biết nương tựa vào ai nữa thì cảm nhận được rằng, chỉ có Chúa mới là niềm cậy trông mà thôi. Chẳng hạn như trong cơn đại dịch Corona Vũ Hán, khi con người ta đi đến tận cùng của sợ hãi thì người ta tìm đến Thiên Chúa. Khi các nhà thờ của những người tin vào Chúa đóng lại và cấm cử hành các buổi thờ phượng chung, thì người ta -các tín hữu, càng cảm thấy mình cần đến Thiên Chúa hơn.

“Hãy xé lòng” tức là xé tâm hồn của mình giữa những hưởng thụ đam mê của cuộc sống, giữa những cô đơn và thất vọng, giữa dòng đời bon chen lừa đảo. Xé lòng không có nghĩa là như xé một tờ giấy hay một miếng vải, nhưng phải tưởng tượng mình đang xé tở bạc 500 ngàn đồng tiền Việt, hoặc xé 1000 đồng tiền Taiwan, hay 100 đồng đô la Mỹ...Bởi vì khi xé những đồng tiền với mệnh giá lớn như vậy thì chúng ta cảm thấy tiếc và không dám xé. Cũng vậy, xé tâm hồn là từ bỏ những thói quen mà chúng ta đã làm đã nói trong cuộc sống hằng ngày. Nhưng Thiên Chúa có cách của Ngài để chúng ta xé tâm hồn mình để trở về với Chúa...

Cách của Thiên Chúa là nạn dịch Corona-Vũ Hán xảy ra để cảnh tỉnh nhân loại.

Và không kể những thời kỳ giáo hội bị bách hại, thì mùa chay năm 2020 là một mùa chay rất đặc biệt đậm nét chay tịnh, sám hối và ăn năn của người Ki-tô hữu trên khắp thế giới. Qua cơn đại dịch nguy hiểm này, con người ta mới nhận ra rằng mình chỉ là hạt cát giữa sa mạc, chỉ cần một con virus cực nhỏ cũng có thể cướp đi sinh mạng của con người.

 

Yêu Thương tha nhân : Hãy xé bỏ lòng giận ghét.

Cuộc sống con người chỉ muốn người ta yêu mến mình, tâng bốc mình, nịnh bợ mình, nhưng lại ghét những ai nổi trội hơn mình, ghét những ai không về cùng phe cánh của mình, ghét những ai nói to nói nhỏ về mình.v.v...

Mùa chay, Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy xé lòng, tức là làm ngược lại những gì mà ước muốn xác thịt và ma quỷ đòi hỏi, đó là đem một tâm hồn hưởng thụ mà xé đi để ân sủng của Chúa kiến tạo lại đẹp hơn mới hơn.

Xé gì ?

-      Xé sự giận ghét chất chứa trong lòng vì những thành tựu của các anh em chị em trong cộng đoàn.

-      Xé toang sự hiềm tỵ do lòng ghen ghét tha nhân mà có, sự hiềm tỵ này là chất độc làm cho tâm hồn của chúng ta chết dần tình yêu và sự thông cảm giữa người với nhau, nó như bệnh truyền nhiễm lây lan từ tâm hồn này đến tâm hồn khác, mà nếu ai không biết cầu nguyện thì sẽ không có lá chắn nào để ngăn chặn sự ô nhiễm độc hại bởi lòng ghen ghét.

-      Sự ghen ghét này ngay từ thuở tạo dựng đã có, đó là Ca-in vì ghen ghét mà giết em mình là A-ben, rồi từ đó sự ghét ghen đã luôn trở thành khí cụ để ma quỷ phá hoại chương trình cứu độ của Thiên Chúa trên mỗi người chúng ta.

Trong cơn đại dịch corona-vuhan, khi lệnh cấm tụ họp chung, hạn chế đi ra ngoài đường, nội bất xuất ngoại bất nhập, đã khiến cho gia đình “đoàn tụ”, anh em chị em trong cộng đoàn có cơ hội để tiếp xúc gần gủi nhau nhiều hơn, lúc đó mọi người đều có thể hiểu biết thêm tâm hồn của anh em chị em mình nhiều hơn chút nữa, và khi đã hiểu nhau thì có sự cảm thông, có sự cảm thông thì dễ dàng bỏ qua những khuyết điểm của nhau, và tha thứ cho nhau. Và như thế lòng ghen ghét sẽ không có cơ hội chia rẽ mọi người trong gia đình hay trong cộng đoàn nữa.

Người có đời sống tu đức thì nhận ra trong cơn đau khổ vẫn nhận ra dấu chỉ của Thiên Chúa trong cuộc sống của con người.

 

Phục vụ tha nhân: Hãy xé bỏ sự kiêu ngạo trong lòng.

        Đức Chúa Giê-su vì tội lỗi của chúng ta mà đã xuống thế làm người, chịu khổ hình thập giá, chịu chết và sống lại để chúng ta được sống đời đời, đó chính là ơn cứu độ của chúng ta.

        Chính sự kiêu ngạo của các thiên thần đã hủy hoại chính mình không những trở thành ma quỷ và còn trở thành đối nghịch với Thiên Chúa.

Chính sự kiêu ngạo đã làm cho chúng ta –trong cuộc sống hằng ngày- trở thành đối nghịch với Thiên Chúa và với anh chị em mình, sự kiêu ngạo đã che mắt tâm hồn của mình để chúng ta không còn nhìn thấy những ưu điểm của anh chị em, không còn thấy thiện chí của tha nhân để cộng tác. Sự kiêu ngạo là hàng rào chắn kiên cố ngăn cách chúng ta không nhận thấy được tình yêu của Thiên Chúa dành cho mình, lại càng không chấp nhận giá trị việc làm của anh chị em, và dễ dàng phủ nhận những tài năng của tha nhân đã thực hiện...

Khi xé bỏ sự kiêu ngạo trong lòng thì chúng ta nhổ từng cái đinh nhọn do chính tội lỗi của chúng ta hoặc tội lỗi của người khác ra khỏi cây thập giá, để cho Đức Chúa Giê-su được “tự do” thực hiện ơn cứu độ nơi anh chị em của mình...

Quan trọng nhất trong đời sống tu đức, đó là sự kiêu ngạo làm cho chúng ta cảm thấy buồn bực khi anh em chị em tài giỏi hơn mình; sự kiêu ngạo làm cho mình cảm thấy mình là người quan trọng trong cộng đoàn mà coi thường khinh chê an hem chị em của mình; sự kiêu ngạo làm cho mình dễ dàng tranh chấp hơn thua không nhường nhịn với người khác, do đó mà có sự đau khổ trong tâm hồn…

 

Yêu mến Thiên Chúa : Hãy xé bỏ lòng chai đá cứng cỏi với ơn Chúa.

        Thiên Chúa hằng yêu thương chúng ta, Ngài luôn ban ơn cho chúng ta trong cuộc sống để chúng ta làm tròn bổn phận của mình, đó là bổn phận của người con của Chúa. Giáo Hội là thân thể mầu nhiệm của Đức Chúa Giê-su, là mẹ hiền của chúng ta, hằng năm Giáo Hội hội mở kho tàng ân sủng của Chúa ra để ban ơn cho con cái mình, nhất là trong Mùa Chay Thánh là mùa mà Chúa tuôn tràn ân huệ cho con cái Ngài gấp bội, để chúng ta trở về với Chúa, từ bỏ con người cũ của mình, chết cho tội và để sống lại với Đức Chúa Giê-su phục sinh.

        Có rất nhiều lần chúng ta đã lòng chai dạ đá trước lời mời gọi hoán cải của Chúa, đã rất nhiều lần chúng ta đã nghe theo lời của thế gian, của những tư tưởng xấu bi quan trong mình mà không nghe lời của Chúa qua Giáo Hội, qua các chủ chăn và bề trên của mình để sống thỏa mãn với xác thịt mỏng dòn yếu đuối trước những cơn cám dỗ. Sự chai đá này có rất nhiều nguyên nhân, mà các nguyên nhân này thường làm cho chúng ta thờ ơ trước lời mời gọi của Chúa:

 

a/ Thiếu đời sống cầu nguyện.

        Đức Chúa Giê-su đã dạy chúng ta phải cầu nguyện luôn kẻo sa chước cám dỗ. Tại sao vậy, thưa vì là sự cám dỗ không phải chỉ đến một lần trong ngày, nó cũng không có nghỉ ngơi hay đình chiến, nhưng nó liên lĩ cám dỗ chúng ta rời xa Thiên Chúa là Đấng hằng yêu thương và sẽ ban cho chúng ta phúc trường sinh Nước Trời; bởi vì ma quỷ là kẻ xảo quyệt nó không ngừng cám dỗ chúng ta dưới mọi hình thức, đó là lý do mà Đức Chúa Giê-su dạy chúng ta phải cầu nguyện luôn.

        Người luôn cầu nguyện không phải là các tu sĩ nam nữ sao, bởi vì các tu sĩ nam nữ là những người luôn ý thức được mình là người mỏng dòn dễ sa ngã, là người mà ma quỷ rất khó chịu, bởi vì mỗi một tu sĩ là một vị tướng, mỗi một người Ki-tô hữu là một chiến sĩ của Chúa đánh lại ma quỷ và những cám dỗ của chúng nó. Bởi vì khi chúng ta cầu nguyện là chúng ta đang trò chuyện với Đức Chúa Giê-su đang ngự trong tâm hồn chúng ta, Ngài ở đó lắng nghe, ban ơn và an ủi chúng ta. Một con người cầu nguyện là người luôn có tâm hồn sẵn sàng nghe tiếng của Chúa phán qua mọi hoàn cảnh, là người nhạy bén với ơn Chúa trong cuộc sống của mình...

 

b/ Thiếu sự sốt sắng khi tham dự thánh lễ.

        Thánh lễ là đỉnh cao của việc thờ phượng Thiên Chúa của Giáo Hội Công Giáo, là việc làm công khai của toàn thể dân Chúa trên thế gian này qua vị đại diện của Chúa, của Giáo Hội là các linh mục. Thánh lễ chính là suối nguồn tình yêu và ân sủng của Chúa tuôn đổ trên chúng ta qua lời cầu xin của Giáo Hội nhờ Đức Chúa Giê-su dâng lên Chúa Cha.

        Thánh lễ dù là chúa nhật hay ngày thường thì cũng giá trị như nhau, là chính Đức Chúa Giê-su chủ tế và là của lễ dâng lên Chúa Cha xin Ngài tha tội và thương xót chúng ta.

        Trong thánh lễ chúng ta được rước Mình và Máu Thánh của Đức Chúa Giê-su là lương thực hằng sống nuôi linh hồn chúng ta, người Ki-tô hữu coi thường việc dâng thánh lễ là coi thường phúc trường sinh mà Đức Chúa Giê-su đã hứa, linh hồn họ không được sống khỏe mạnh vì không ăn Thịt và Máu của Đức Chúa Giê-su. Khi chúng ta rước lễ là chúng ta được kết hợp với Đức Chúa Giê-su, nghĩa là thịt của Đức Chúa Giê-su sẽ là thịt của chúng ta, máu của Ngài cũng sẽ là máu của chúng ta, như lời của Đức Chúa Giê-su dạy: ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta thì Ta sẽ ở trong người ấy và người ấy sẽ ở trong Ta. Lời hứa này đã được thực hiện khi chúng ta đi rước lễ kết hợp với Đức Chúa Giê-su trong Thánh Thể.

       

c/ Thiếu tính bác ái huynh đệ.

        Giáo Hội là cộng đoàn dân thánh của Chúa, trong cộng đoàn này chúng ta đều là huynh đệ với nhau và được mời gọi nên thánh, từ trong cộng đoàn này chúng ta trở thành những chi thể của thân thể mầu nhiệm của Đức Chúa Giê-su, mà đầu chính là Ngài.

        Ngay từ thời buổi đầu của Giáo Hội, đời sống “một lòng một ý” của giáo dân đã làm cho họ trở nên mạnh mẽ trong đức tin và đức mến, họ sẵn sàng nâng đỡ nhau khi hoạn nạn gian nan và bị bắt bớ, họ không còn là những người xa lạ nữa, nhưng trong đức tin họ trở thành anh em chị em của nhau.

        Khi trong cộng đoàn thiếu vắng tình huynh đệ thì cộng đoàn ấy sẽ trở thành miếng mồi ngon của ma quỷ và những thế lực chống phá Giáo Hội. Chính sự thiếu vắng tình bác ái với nhau mà những anh chị em trong cộng đoàn trở thành những người xa lạ, thậm chí coi nhau như kẻ thù, đó chính là một trong những nguyên nhân làm cho lòng dạ chúng ta chai đá trước lời nời gọi nhận lãnh ơn Chúa của Giáo Hội và của anh chị em mình. Không ai có thể tự mình nên thánh nếu không có ơn Chúa giúp, cũng vậy chúng ta chỉ thật sự nên thánh khi đời sống bác ái của chúng ta trỗi vượt hơn những người khác, nhờ đời sống cộng đoàn huynh đệ mà đức bác ái của mỗi người được thực hiện và thăng tiến, nhờ bác ái thăng tiến mà tâm hồn chúng ta dễ dàng đón nhận ơn thánh Chúa và tâm hồn chúng ta không còn chai lì nữa vì gương sáng của anh chị em trong cộng đoàn của mình.

 

YÊU THƯƠNG THÌ XÉ LÒNG, ĐỪNG XÉ ÁO

Trong cuộc sống hằng ngày chúng ta thường nhìn cách ăn mặc của người khác để mà đánh giá con người của họ, mặc dù chúng ta biết rằng cái áo không làm nên thầy tu. Tuy cái áo không làm nên thầy tu, nhưng con người vẫn cứ luôn lấy cái áo làm thước đo lòng và đo độ cao danh vọng, nghèo hèn của người khác. Vì thế mà trong cuộc sống có nhiều người xé áo của mình để chứng tỏ mình là người công chính ngay thẳng, nhưng thật ra tâm hồn của họ đầy những gian dối và bất công.

Anh công nhân khoác lên mình cái áo công nhân và khi cần thiết cho cuộc trốn khỏi công ty, thì chỉ việc vứt bỏ cái áo hoặc xé bỏ nó để che giấu thân phận công nhân của mình; người bác sĩ sẽ rất dễ dàng cởi chiếc áo trắng bác sĩ của mình vì lợi ích cá nhân hơn là vì bệnh nhân; cũng có những người dâng mình làm tôi Chúa tuy khoác trên mình chiếc áo dòng hay chiếc áo chùng thâm đen, nhưng khi vì quyền lợi cá nhân, vì danh vọng, vì kiêu ngạo mà xé luôn cả áo tu sĩ của mình (nghĩa bóng).v.v...

Xé một cái áo đã cũ thì dễ dàng hơn xé cái áo mới.

Cũng vậy, người ta dễ dàng thề thốt lấy danh dự mình ra thề để che lấp cái xấu xa trong lòng mình, và con người ta thì chỉ nhìn vẻ bên ngoài để khen chê mà thôi, cho nên tiên tri Giô-en đã cảnh cáo chúng ta hãy xé lòng mà đừng xé áo, bởi vì có nhiều người xé áo của mình nhưng vẫn cứ sống như người không biết Thiên Chúa là ai.

Xé áo chính là lời thề thốt, xé áo chính là những cử điệu đạo đức bên ngoài, xé áo chính là lời xin lỗi gian dối để được lòng người, xé áo chính là miệng nói lời ngon ngọt nhưng trong lòng thì đầy cả bồ dao găm.v.v ...hôm nay xé áo ngày mai mua lại cái mới hơn để lòe loẹt thiên hạ và anh chị em mình. Cũng có nghĩa là khi chúng ta chỉ xé cái áo bên ngoài, tức xé cái có thể xé và có thể mua lại, thì chẳng khác chi chúng ta miệng nói chừa bỏ, miệng nói xin lỗi nhưng sau đó thì vẫn cứ chứng nào tật đó không thay đổi.

Xé áo chỉ là hình thức

Ông thượng tế Cai pha đã xé áo mình (Mt 26, 65) để bày tỏ sự phẫn nộ và lên án Đức Chúa Giê-su vì Ngài cho mình có địa vị Thiên Chúa. Việc xé áo này cũng bày tỏ một tâm hồn kiêu ngạo và thị uy để khẳng định quyền bính của mình. Xé áo này không phải là sự khiêm tốn biết mình là tội nhân trước mặt Thiên Chúa và tha nhân.

Xé áo chỉ là che giấu lòng dạ xấu xa của mình

Có những người sẵn sàng xé cái áo mới của mình để chứng tỏ tâm hồn mình ngay thật, hoặc tâm hồn không có gì dối trá, nhưng bên trong tâm hồn chất chứa những mưu toan hại người. Xé toạc cái áo này thì đi mua cái áo khác để thế lại, cho nên cuộc sống của họ vẫn cứ ngày ngày mang mặt nạ để che giấu cái xấu xa trong tâm hồn của họ.

Có những người xé áo mới nhưng lòng không đau không tiếc, bởi vì cái áo đó không phải là của họ, họ xé áo nhưng lòng vui vẻ vì tưởng là che mắt được mọi người tâm hồn xấu xa của họ, cũng có nghĩa là họ đem trách nhiệm của mình đổ qua cho người khác.

Trong cuộc sống vì để che lấp che giấu một tâm hồn chai lỳ đón băng vì kiêu ngạo và ghen ghét, thì người ta sẵn sàng xé bỏ cái áo đẹp nhất của mình, để đánh lừa con mắt thế gian, nhưng họ sẽ không che giấu lừa được Thiên Chúa là đấng thấu suốt mọi sự.

Cho nên, Thiên Chúa không muốn chúng ta xé áo mình, Ngài cũng chẳng muốn chúng ta đứng trước mặt anh chị em mà xé toạc áo mình rồi tuyên bố tôi là người vô tội, vô can với người anh chị em của mình. Nhưng Chúa muốn tôi cứ mặc lấy áo của mình -dù là áo cũ, áo xấu xí- và xé tâm hồn của mình rướm máu vì những tội lỗi mà chúng ta xúc phạm đến Chúa và tha nhân.

Xé áo thì tâm hồn không đau mà chỉ tiếc cái áo mới mua, nhưng xé tâm hồn thì thân xác và tâm hồn cùng đau, nhưng là nỗi đau của vui mừng, nỗi đau của sự sống lại, bởi vì hạt lúa mì rơi xuống đất mà không mục nát thì sẽ không thể sinh nhiều hạt khác được...

Mùa chay thánh năm nay, chúng ta hãy cùng nhau cầu xin ơn Chúa giúp để chúng ta cùng quyết tâm xé lòng mình chứ không xé áo, để chúng ta cùng chết và cùng sống lại với Đức Chúa Giê-su phục sinh.

 

Xét mình.

1/ Trong cuộc sống tôi có phân biệt được xé lòng và xé áo không ?

2/ Cuộc sống có nhiều cám dỗ làm cho chúng ta không muốn nghe Lời Chúa dạy bảo, tôi có thật lòng xé lòng để nghe theo Lời Chúa không ?

3/ Mùa chay đối với tôi có ích gì cho việc xé lòng xé áo không ?

 

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.


Thứ Ba, 5 tháng 3, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


23.      CƯỜI ĐỂ NHẪN NHỤC

Lâu Sư Đức là người ôn thuận thận trọng, chưa một lần hiềm khích với người khác.

Năm nọ, đứa em trai được trao cho chức thích sứ ở Châu Đại, Sư Đức khuyên bảo em:

-      “Đến Châu Đại, đừng có so đo phân bì với người khác về những chuyện nhỏ nhặt nhé”.

Em trai nói:

-      “Từ nay về sau dù cho người ta có nhổ vào mặt em thì em cũng không tranh cãi, chỉ lau đi là xong chuyện”.

Sư Đức lắc đầu nói:

-      “Đó chính là chuyện mà anh đang lo đó a ! Phàm có ai nhổ vào mặt em thì nhất định là họ hận em, nếu lúc ấy mà chùi đi thì hoá ra là làm cho họ coi em là kẻ thù sao ? Nếu người ta nhổ vào mặt em, thì nên cười mà nhận, đợi chút xíu thì nó sẽ khô đi mà thôi !”.

                                                                (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 23 :

        Nhẫn nhục là một đức tính không phải tự nhiên mà có, nhưng cần phải luyện tập và ước ao được sống nhẫn nhục mới có thể đạt được sự nhẫn nhục trong cuộc sống.

        Chữ “nhẫn” viết theo tiếng Trung Quốc thì hai chữ “tâm và đao” ghép lại thành chữ “ nhẫn”, với ý nghĩa là khi chúng ta chịu nhẫn nhục thì giống như lưỡi đao đâm vào tim mình, rất đau và thống khổ, bởi vì khi im lặng trước một lời nhục mạ hoặc làm ngơ trước một cử chỉ nhạo báng mình, thì chẳng khác chi lấy đao đâm vào quả tim của mình vậy...

        Chữ “nhẫn” được “viết” theo tinh thần của Phúc Âm thì là chữ “yêu nằm bên cạnh chữ thập giá”, với ý nghĩa là vì yêu Đức Chúa Giê-su nơi tha nhân mà chúng ta chịu nhẫn nhục, vì yêu Đức Chúa Giê-su đang hiện diện trong cộng đoàn mà chúng ta nhẫn nhục.

        Vì yêu thương nên người Ki-tô hữu mới nhẫn nhục anh chị em, chứ không phải vì sợ người khác hận mình, đó là tinh thần của Đức Chúa Giê-su đã dạy khi Ngài bị đóng đinh trên thập giá vì yêu thương chúng ta.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Hai, 4 tháng 3, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


22.      CHỈ NHẬN RA SAU LƯNG

Đại thần Bắc Tống là Vương Văn Chính không thèm để ý đến những chuyện nhỏ. Có tên mã phu phục vụ đã đến ngày nghỉ hưu đến chào cáo biệt Vương Văn Chính, họ Vương hỏi:

-      “Mày làm mã phu được mấy năm rồi ?”

Trả lời:

-      “Được 5 năm”.

Họ Vương thấy kỳ lạ bèn nói:

-      “Tại sao ta không thấy mày ?”

Mã phu cũng không biết trả lời ra sao, bèn cáo từ mà đi.

Vừa mới bước đi được mấy bước, Vương Văn Chính lớn tiếng kêu dừng lại:

-      “Là mày à, mã phu của ta”.

Trả lời:

-      “Đúng rồi ạ”.

Thế là Vương Văn Chính hậu thưởng cho tên mã phu.

Nguyên là từ trước đến nay Vương Văn Chính chỉ thấy sau lưng của người nuôi ngựa, mà không thấy mặt của hắn ta, cho nên khi mã phu quay lưng rời khỏi đó thì thấy sau lưng của hắn, nên mới nhận ra đó là tên mã phu của mình !

                                                                (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 22 :

        Làm việc 5 năm trong nhà mà không biết mặt của người đầy tớ, thì không phải là chuyện nhỏ nhưng là chuyện quái dị, quái dị là vì ông chủ quá cao sang không thèm nhìn mặt người đầy tớ, quái dị là vì ông chủ là hạng người coi khinh những người đầy tớ nghèo hèn.

        Có người nhận ra người quen qua cách ăn nói, có người nhận ra người quen qua hành vi cử chỉ, có người nhận ra người thân qua dáng đứng dáng ngồi của họ, vì tất cả những dáng vẻ ấy của người thân quen họ đã nhìn và “thuộc lòng” tất cả...

        Người ta nhận ra tôi là người Ki-tô hữu khi tôi có thói quen làm dấu Thánh Giá trước khi ăn cơm, người ta nhận ra tôi là người Ki-tô hữu khi tôi có thói quen đi tham dự thánh lễ ngày chúa nhật, người ta cũng nhận ra tôi là môn đệ của Đức Chúa Giê-su khi tôi biết cúi xuống phục vụ tha nhân trong vui vẻ, và nhất là họ nhận ra tôi là một linh mục, tu sĩ của Đức Chúa Giê-su khi tôi có tâm hồn khiêm tốn và nhân ái với tất cả mọi người. Bởi vì người ta không nhìn sau lưng tôi để nhận ra tôi người môn đệ của Đức Chúa Ki-tô, nhưng người ta nhìn thấy hành vi cử chỉ và lòng chân thành của tôi để nhận ra tôi là người Ki-tô hữu.

        Không cần phải 5 năm hay 10 năm người ta mới biết tôi là người Ki-tô hữu, nhưng chỉ cần một hành vi bác ái đầy khiêm tốn và yêu thương thì người ta sẽ nhận ra ngay, dù cho tôi có theo đạo 5 năm hay 10 năm hoặc là mới lãnh nhận bí tích Rửa Tội ngày hôm qua...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


21.      KÍNH HAI TRĂM DẶM

Có một viên quan triều đình, trong nhà kho có một tấm kính cổ xưa, và khoe rằng tấm kính này có thể nhìn thấy xa được hai trăm dặm, và đem nó đến tặng cho thừa tướng Lữ Mông Chính.

Lữ Mông Chinh nói:

-      “Khuôn mặt của ta lớn không như ngọn lá, sao lại dùng kính chiếu hai trăm dặm để soi hử”.

Viên quan ấy bị nhạo nên mặt đỏ au.

                                                                (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 21 :

        Khoa học ngày càng tiến bộ, con người đã phát minh ra được những tấm kính soi xa hàng triệu dặm để nhìn vào khoảng không gian vô tận, tìm kiếm những bí ẩn trong vũ trụ bao la, nhưng con người tìm hoài tìm mãi mà cũng vẫn không hiểu được trong vũ trụ không gian có những gì, bởi vì trí óc con người không phải là Thiên Chúa.

        Cái mặt người tuy lớn hơn ngọn lá, cái đầu con người tuy không lớn hơn trái banh bóng rổ, óc não con người tuy bỏ không đầy một tô “phở Hòa”, nhưng chưa có một loại kính thiên văn nào chiếu tới nơi tới chốn những suy nghĩ thầm kín trong tâm hồn của con người ta, thế mới biết con người là một tiểu vũ trụ trong đại vũ trụ bao la...

        Không có loại kính thiên văn nào có thể chiếu vào tận tâm hồn và khối óc của con người, nhưng Lời Chúa có thể chiếu soi vào tận tâm can của mỗi một con người, chỉ cần họ biết và mở rộng tâm hồn đón nhận Lời của Thiên Chúa, thì tất cả những thầm kín sâu thẳm nơi tâm hồn của họ sẽ được soi sáng.

        Tấm kính chiếu soi được hai trăm dặm không là gì với loại kính thiên văn soi xa hàng triệu dặm, nhưng loại kính hiện đại ấy cũng thua xa người Ki-tô hữu, vì người Ki-tô hữu là những người sở hữu một tấm kính “thông thiên đạt địa” vĩ đại, không những có thể “phục ma hàng yêu” mà còn làm cho họ được sống đời đời, đó chính là tấm kính Lời Chúa vậy !


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)