Thứ Bảy, 23 tháng 9, 2023

Chúa nhật 25 thường niên

 


CHÚA NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Mt 20, 1-6a.
“Phải chăng vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức ?”
Bạn thân mến,
Làm công cho một ông chủ hào phóng và biết thương người thì thật hạnh phúc, ai đã từng đi làm thuê làm mướn mới cảm nghiệm được nội dung lời của Đức Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay, sự cảm nghiệm ấy bắt đầu từ việc ông chủ đi tìm người làm công từ sáng cho đến chiều, tức là từ khi công việc bắt đầu ông đã ra đi tìm nhân công, cho đến giờ làm việc cuối cùng, ông cũng đi tìm những người không có công việc vào làm vườn nho cho ông.
1. Niềm vui được làm việc trong vườn nho của Thiên Chúa.
Tất cả những người Ki-tô hữu đều hiểu rằng, làm việc trong vườn nho của Thiên Chúa chính là từ khi họ lãnh nhận bí tích Rửa Tội, gia nhập vào Giáo Hội Công Giáo trở thành môn đệ của Đức Chúa Giê-su, và công khai làm việc của Thiên Chúa giữa lòng xã hội trong các chức vụ và bổn phận của mình trong Hội Thánh.
Một linh mục suốt đời mệt nhọc phụng sự Thiên Chúa nơi giáo xứ của mình, nhưng vẫn vui tươi vì được làm trong vườn nho của Thiên Chúa; một nữ tu âm thầm phục vụ nơi các bệnh viện, viện dưỡng lão, cô nhi viện, trường học, với tâm hồn vui tươi vì được làm việc trong vườn nho của Thiên Chúa; có những “thợ” được mời gọi làm công buổi chiều, đó là những anh em chị em tân tòng, họ vui sướng nhận được lời mời gọi của chủ vườn nho là Thiên Chúa và trở thành những tạo vật mới trong tình yêu và ân sủng của Ngài; có những người được Thiên Chúa gọi vào làm vườn nho của Ngài vào giây phút cuối cuối ngày làm việc, đó là khi họ từng giây từng phút giằng co giữa thiện và ác, giữa ma quỷ và Thiên Chúa, cuối cùng họ đã tình nguyện vào làm trong vườn nho của Thiên Chúa với nụ cười vui trên môi và cũng là giây phút cuối của họ ở trần gian...
2. Đem niềm vui của mình biến thành đau khổ.
Có những linh mục thỏa mãn vì công việc xây cất nhà thờ xứ đạo to lớn của mình, để rồi chế nhạo người anh em linh mục khác không có tài đi xin xỏ tháo vát như mình; có những người vỗ ngực xưng tên mình là đạo dòng chính gốc, để rồi khinh bỉ các tân tòng không biết “giữ đạo” khi những người tân tòng ấy thích học hỏi thánh kinh và tham gia các lớp giáo lý, sinh hoạt đoàn thể; lại có những người thợ làm trong vườn nho chỉ biết tìm chỗ mát mẻ núp nắng núp mưa cho nhàn tấm thân, để rồi kiện cáo người này làm ít người kia mới vào làm không bằng mình...
Bạn thân mến,
Những người thợ biếng nhác và thích tranh đấu cho quyền lợi nhỏ của mình ấy, đã đem niềm vui biến thành đau khổ cho mình và cho cộng đoàn, họ đem tình yêu của Thiên Chúa so sánh với việc làm trời ơi đất hỡi của họ, họ quên mất lời của Đức Chúa Giê-su: “Những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót”.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Thứ Sáu, 22 tháng 9, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


85.   NHÌN NGƯỢC GIẤY BIÊN NHẬN

        Có một tên chủ nhà giàu không biết chữ, lúc đi đòi nợ người ta thì lấy trong túi ra giấy biên nhận làm dáng vẻ như coi, người mắc nợ cười nói:

-      “Ngài coi ngược rồi”.

        Chủ nhà giàu rất là lúng túng nói:

-      “Ta lấy ra để ông xem đấy chứ !”

                                                        (Quảng Tiếu phủ)

 

Suy tư 85:

        Không biết chữ là ni khổ của một số người, nhưng cái khổ tâm nhất của người nhà giàu hay người có chức quyền là không biết chữ.

        Có người không biết chữ nhưng được làm quan vì thân quen với quan lớn; có người không biết chữ nhưng được làm quan vì có tiền nhiều để mua chức quan; có người không biết chữ nhưng được làm quan vì dựa vào thành tích trong quá khứ của mình mà được thăng quan, tất cả ông quan này đều có cái khổ khó nói, nhất là không biết chữ i chữ tờ...

        Có người Ki-tô hữu không biết gì về Thánh Kinh cả, nhưng vì nghĩ mình là đạo dòng biết làm Dấu Thánh Giá, biết đọc kinh đọc nguyện nên đấu tranh cho được làm trưởng ban giáo lý trong giáo xứ, thế là chia rẽ cộng đoàn; có người thấy mình có giọng đọc hay quyến rũ nên lúc nào cũng đòi cho được đọc sách thánh trong thánh lễ ngày chúa nhật và lễ trọng, thế là có tiếng xầm xì to nhỏ và mất hoà khí trong cộng đoàn...

        Không biết chữ thì đã khổ, nhưng người không biết mình “không biết chữ” thì khổ hơn, bởi vì họ không hiểu mình đang làm cái gì đây...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Năm, 21 tháng 9, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 

84.   NÊN TREO CỔ TÔI

        Có một người đi đến quán rượu để uống rượu, bởi vì không hài lòng rượu của quán bị chua, nên bị chủ quán thô bạo treo cổ.

        Có người khách đi qua đường nhìn thấy liền hỏi nguyên do, chủ quán nói:

-      “Rượu của quán chúng tôi rõ ràng là rất ngon, người này lại nói là chua làm mất cả danh tiếng, ngài nói có nên treo cổ không chứ ?”

        Người khách nếm xong thì mặt mày nhăn lại nói với chủ quán:

-      “Nên luân phiên, thả người ấy đi, giờ thì treo cổ tôi vậy”.

                                                        (Quảng Tiếu phủ)

 

Suy tư 84:

        Rượu chua thì khách nói chua, đó là quyền lợi của khách vì họ bỏ tiền ra để mua rượu, cho nên treo cổ khách là vô lý và tàn bạo.

        Có những người thích hờn giận người khác khi họ góp ý cho mình, dù lời góp ý rất đúng với những gì mà mình đang làm.

        Có người góp ý cách bộc trực thẳng thắn: họ đang muốn người được góp ý sống tốt hơn; có người góp ý cách tế nhị: họ đang đối xử như ý chúng ta mong muốn khi góp ý. Tất cả các loại góp ý đều vì muốn chúng ta tốt hơn mà thôi...

        Bắt người chê rượu mình dở treo cổ thì quả là hung bạo, nhưng giận ghét, thù hằn người góp ý cho mình thì càng hung bạo hơn: họ đang bóp nghẹt Đức Chúa Thánh Thần trong tâm hồn người góp ý tốt cho mình...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 20 tháng 9, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


83.   CÔ DÂU NGỒI KIỆU

        Có một cô dâu đi lấy chồng, đi được nửa đường thì kiệu rơi xuống thấp, các phu kiệu bó tay mà chịu, Tương Nghĩa nói:

-      “Cô dâu không được đi bộ, không ngồi kiệu thì không được, nếu trở về đổi kiệu mới thì đường càng dài thêm”.

        Cô dâu nói:

-      “Các ông đi bên ngoài khiêng kiệu, còn tôi đi bên trong, không ai nhìn thấy, như thế không được sao ?”

                                                        (Quảng Tiếu phủ)

 

Suy tư 83:

        Đến tháng Đức Mẹ là có những nhà thờ tổ chức rước kiệu Đức Mẹ để tỏ lòng tôn kính và yêu mến Mẹ, đó là lòng đạo chân thành bình dân, và cũng là một cách truyền giáo cho mọi người, đáng ca ngợi và gìn giữ truyền thống tốt đẹp này...

        Nhưng có người khi đi kiệu thì to tiếng trò chuyện với nhau như đi biểu tình, có người thì mặt mày lơ láo hết ngó cô này đến nhìn anh nọ, có người lại còn chửi tục to tiếng khi đi kiệu ai đọc kinh thì đọc ai hát thì hát, bất kể...

        Rước kiệu là một hình thức tôn vinh Đức Mẹ, nhưng nếu đi rước kiệu kiểu đó thì chẳng khác chi những người Do Thái xưa kia đi rước Đức Chúa Giê-su vào thành Giê-ru-sa-lem: hôm nay tung hô, ngày mai la ó đóng đinh Ngài vào thập giá.

        Cô dâu sợ kiệu phu mệt và vì thể diện nên đã hy sinh đi bộ trong kiệu; người Ki-tô hữu sẽ không sợ mệt cũng không vì khoe khoang khi đi kiệu Đức Mẹ, nhưng vì yêu mến và tôn vinh Đức Mẹ mà hy sinh khi rước kiệu. Rất có ý nghĩa !


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Ba, 19 tháng 9, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


82.   ĐŨA CHẤM RƯỢU

        Có hai cha con nọ tính rất hà tiện bủn xỉn đang vội vả đi  trên đoạn đường dài, mỗi ngày chỉ uống có một xu rượu, chỉ e rằng rượu uống mau hết nên hai cha con quyết định dùng đũa chấm rượu mà uống, đứa con nhịn không nổi nên dùng đũa chấm liên tiếp hai lần, người cha trách mắng:

-      “Mày uống như thế thì mau hết rượu, không sợ uống say lỡ đi không kịp sao !?”

                                                        (Quảng Tiếu phủ)

 

Suy tư 82:

        Đũa thì dùng để gắp cá và cơm chứ không phải dùng để múc canh, nếu lấy đũa nhúng vào trong bình rượu thì phải gọi là mút rượu chứ không phải là uống rượu, mút và uống thì khác nhau xa, chấm mút thì ít hao nhưng uống thì hao nhiều...

        Những người keo kiệt thì cũng như thế, họ bố thí cho người nghèo một đồng (mút) thì tiếc rẻ và cảm thấy ruột đau như cắt, nhưng ăn nhậu (uống) một đêm vài triệu đồng, đánh bạc cả ngày thua cả bạc tỉ mà vẫn cảm thấy...sung sướng hơn bố thí nhiều.

        Của cải Thiên Chúa ban cho để chúng ta dùng và để làm việc bác ái giúp người nghèo khó, chứ không phải để bài bạc cả ngày và ăn nhậu mỗi đêm, cho nên hãy rộng lòng với tha nhân và chật lòng với bản thân mình, như thế là chúng ta đã sống đúng đạo làm người rồi vậy.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Hai, 18 tháng 9, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


81.   ĂN CƠM VỚI CHỮ CÁ

        Có một người rất là keo kiết, vì để tiết kiệm thức ăn nên mỗi lần trước khi ăn cơm thì viết một chữ “cá ướp” bên trong cái dĩa không, mỗi lần ăn cơm thì nói “cá ướp” rồi và cơm vào miệng...

        Em của người này liên tiếp mấy miếng cơm, miệng liên tục nói “cá ướp”. Người keo kiệt này nghe thì rất đau lòng, nổi giận nói:

-      “Mày và cơm sao nhanh quá vậy coi chừng bị sặc, lại còn liên luỵ đến tao phải xuất tiền mua thuốc cho mày nữa chứ !”

                                                        (Quảng Tiếu phủ)

 

Suy tư 81:

        Có những nhà giàu không muốn hưởng dùng những của cải mà Thiên Chúa đã ban cho mình, họ tích trử bạc tiền cho mối mọt ăn còn mình thì ăn...tưởng tượng, con người ta một khi đã keo kiết với mình thì sẽ không còn có lòng thương hại đến ai nữa, họ thật là những người đáng tội nghiệp nhất.

        Ăn “cá ướp” tưởng tượng thì sẽ không bao giờ no và mập béo được, cũng như những giáo dân không thích đi đến nhà thờ tham dự thánh lễ, họ tham dự thánh lễ “hàm thụ” qua máy phát thanh, họ ăn “tưởng tượng” Mình Thánh Chúa qua radio cho nên linh hồn họ không bao giờ được no và vẫn cứ...ốm đói, thật tội nghiệp cho họ.

        Người Ki-tô hữu là những người giàu có nhất trần gian, bởi vì họ có những thứ cần dùng cho cuộc sống đời đời mà khỏi mất tiền mua, vì Thiên Chúa đã ban cho họ, đó là các bí tích và nhất là bí tích Thánh Thể.

        Nhưng cũng có một số Kitô hữu đem của cải ân sủng thánh ấy cất vào kho ích kỷ của mình mà không dùng đến, cho nên họ vẫn làm việc bác ái trong tưởng tượng, họ phục vụ tha nhân trong tưởng tượng, họ yêu người trong tưởng tượng...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Chủ Nhật, 17 tháng 9, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


80.   THẤY TA CÓ SỢ KHÔNG ?

        Tiếng địa phương của người Giang Nam đối với người trong thành cảm thấy rất khó nhọc khi nghe họ nói.

        Một lần nọ, có một người Giang Nam đi vào trong thành, lúc đang đi vội vả thì cái khăn tay trong tay áo rơi mất tiêu, bèn đi ven phố tìm và hỏi người qua đường:

-      “Anh có thấy cái khăn tay của tôi không ?”

        Sau đó thì hỏi một anh lính có tính thô bạo, anh lính này nổi giận lớn tiếng nói:

-      “Ta thấy hàng ngàn hàng vạn, tại sao thấy mày lại sợ chứ !”

                                                        (Quảng Tiếu phủ)

 

Suy tư 80:

        Giọng nói của mỗi miền đất nước thì có khi không giống nhau, có nơi thì nghe thanh thanh, có nơi thì nghe trầm trầm, có nơi thì nghe trọ trẹ, có nơi thì nghe êm tai và có nơi thì nghe chói tai, đó chỉ là phát âm mà thôi...

        Lời Chúa thì luôn là Lời Hằng Sống cho những kẻ tin và thực hành, nhưng có người “phát âm” Lời Chúa rất khó nghe khiến cho người khác dễ hiểu lầm mà sinh tội.

        Có người đem Lời Chúa “phát âm” thành lời của mình, họ nói Chúa dạy phải yêu hết mọi người nên họ bạ đâu yêu đó để rồi tự mình phá hoại hạnh phúc gia đình; họ nói Chúa dạy đừng lấy của thánh cho chó cũng đừng lấy ngọc trai cho heo nên họ coi thường những người ngoại giáo và những người vô thần...

        “Phát âm” sai Lời Chúa không những “khó nghe” mà còn làm hại người khác, cũng như làm cho linh hồn của mình phải bị trầm luân trong lửa đời đời.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)