Thứ Bảy, 20 tháng 1, 2024

Chúa nhật 3 thường niên

 


CHÚA NHẬT 3 THƯỜNG NIÊN


Tin Mừng: Mc 1, 14-20
“Các anh hãy đi theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ lưới người như lưới cá”.

Anh chị em thân mến,
Hể nói đến từ bỏ, là những người công giáo thường hay nghĩ đến các linh mục, các dì phước, và cho rằng các vị ấy là những người từ bỏ mọi sự để đi theo Chúa. Họ đơn giản nghĩ rằng từ bỏ cha mẹ để đi tu là từ bỏ; từ chối kết hôn là từ bỏ; từ chối vinh hoa phú quý là từ bỏ... cho nên khi thấy một linh mục sống xa hoa là họ chê bai này nọ, khi thấy một nữ tu sống đài các thì họ không ưa, hoặc khi thấy một thanh niên muốn đi tu mà sống như những thanh niên khác thì họ đoán xa đoán gần: tướng đó mà tu cái nỗi gì !!!
Đức Chúa Giê-su mời gọi tất cả mọi người –không trừ một ai- từ bỏ mọi sự mà đi theo Chúa, Ngài mời gọi tất cả trở thành môn đệ của Ngài, tức là trở nên những người thánh thiện như Ngài.
Có ngừơi từ bỏ không lập gia đình nhưng lại tham tiền bạc, họ chưa từ bỏ; có người từ bỏ tiền bạc nhưng lại thích “đào sắc”, họ chưa từ bỏ; có người từ chối địa vị danh vọng nhưng lại sống như là công tử “Bạc Liêu”, họ chưa từ bỏ.
Đức Chúa Giê-su không trương bảng quảng cáo tài nghệ thần thông của mình để chiêu dụ môn sinh, Ngài cũng không hứa hẹn giàu sang phú quý gì cho những ai đi theo làm môn đệ của Ngài, Ngài chỉ nói: “Các anh hãy đi theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ lưới người như lưới cá”, và thế là An-rê và em là Phê-rô, Gia-cô-bê và em là Gioan đã từ bỏ mọi sự để đi theo làm môn đệ của Ngài. Các ông đã từ bỏ cha mẹ vợ con, đã từ bỏ nghề đánh cá truyền thống của gia đình để trở nên môn đệ của Đức Đức Chúa Giê-su.
Cái “từ bỏ” mà Đức Chúa Giê-su muốn nơi chúng ta chính là từ bỏ cái tôi, cái ý riêng của mình, có thể nói đó là những “truyền thống” bám chắc sâu xa trong con người của mình để đi theo làm môn đệ của Chúa, bởi vì dù cho anh là một linh mục hay một tu sĩ đã từ bỏ tình yêu cá nhân thường tình để đi làm môn đệ Chúa, mà anh không có từ bỏ cái tôi của mình, không từ bỏ ý riêng của mình, thì rồi từ từ anh sẽ đi kiếm những “tình yêu” vụng trộm khác; dù anh đã từ bỏ tất cả gia tài sự nghiệp mà chưa bỏ được ý riêng của mình, thì anh sẽ trở thành gánh nặng cho người khác. Cái tôi, cái ý riêng đó chính là bản thân tôi, là con người tôi; bỏ đi bản thân tôi, con người tôi thì chúng ta sẽ không còn gì để giữ lại, không còn gì để làm vướng tâm hồn chúng ta, nên chúng ta rất dễ dàng nhận được ân sủng của Thiên Chúa và thong dong đi theo Ngài mà “không thèm” ngó lui.
Trong vườn Cây Dầu, Đức Chúa Giê-su đã từ bỏ ý riêng để vâng theo thánh ý của Cha trên trời nên đã trở thành Đấng cứu chuộc nhân loại; Đức Mẹ Ma-ri-a đã từ bỏ ý riêng của mìng để vâng phục ý Thiên Chúa mà sinh hạ Đấng Mê-si-a, nên Mẹ đã trở thành Mẹ Thiên Chúa và Mẹ chúng sinh; các thánh cũng đã từ bỏ tất cả nên đã được Nước Trời làm gia nghiệp.
Anh chị em thân mến,
Ngày hôm nay mỗi một người Ki-tô hữu đều hiểu rằng không phải chỉ có những người “đi tu” mới từ bỏ mọi sự để làm môn đệ của Chúa, nhưng là tất cả những ai đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội, trở thành con cái của Thiên Chúa và trở nên môn đệ của Ngài, cũng đều được Đức Đức Chúa Giê-su mời gọi từ bỏ mọi sự để đi theo Ngài.
Đức Chúa Giê-su không muốn chúng ta từ bỏ vợ con để theo Chúa, Ngài chỉ muốn chúng ta từ bỏ cái tôi tham sân si của mình; Đức Chúa Giê-su không muốn chúng ta từ bỏ công ăn việc làm để chết đói, nhưng Ngài muốn chúng ta từ bỏ cái ý riêng tham vọng của mình; Đức Chúa Giê-su cũng không muốn chúng ta từ bỏ bạn bè thân thiết, nhưng Ngài muốn chúng ta từ bỏ những thói quen không phù hợp với tinh thần Phúc Âm trong cuộc sống của mình.
Để kết luận bài suy niệm này, chúng ta mượn câu nói trong sách “Đường Hy Vọng” của đức cố hồng y Phan-xi-cô Nguyễn Văn Thuận để nhắc nhở mình mỗi ngày:
- “Bỏ tất cả mà chưa bỏ mình thì con chưa bỏ gì cả, vì chính mình con sẽ dần dần quơ góp lại những gì con đã bỏ trước.”
Thật đúng thay !
Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info

Thứ Sáu, 19 tháng 1, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


86.      ĐẤT KHÔNG THỂ TẢI                       

Năm thứ nhất thời đông Tấn Nguyên Hưng, Hoàn Huyền từ Giang Lăng đánh vào thủ đô của Tấn là Kiến Đường, giết tư mã Nguyên Hiển, chuyên chế triều chính.

Năm sau bức An đế nhường ngôi, tự lập đời Tấn, quốc hiệu là Sở.

Một hôm, Hoàn Huyền đang ngủ trên giường, đột nhiên giường gãy rớt xuống đất. Thị trung[1] Đoàn Trung Văn đập đít ngựa nói:

-      “Thánh đức thâm hậu, ngay cả đất cũng có chút ít gánh chịu không kém”.

                                           (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 86 :

Khi nghe bề dưới khen quá cái thực tài của mình thì bề trên nên xét lại và đề phòng, vì đó vừa là lời nịnh vừa là lời “khen khơm”, là con dao hai lưỡi vừa đâm vừa đỡ của người nịnh.

Đã giết người lại còn soán ngôi người ta thì không thể là “thánh đức thâm hậu”, giường bị gãy rơi xuống đất thì chỉ có đau lưng chứ không thể khen đất gánh chịu, người nịnh hót lời lẽ luôn trơn tru như mỡ…heo.

Có một vài giáo dân khen cha sở trước mặt mọi người là “thánh đức thâm hậu”, làm cho cha sở đỏ mặt đỏ mày vì ngài thấy không xứng đáng với lời khen ấy, cho nên lời khen ngợi cũng phải “uốn lưỡi bảy lần” vậy.

Chúng ta chưa là thánh nên không thể là “thánh đức đầy mình”, nhưng chúng ta đang tập làm thánh ngay tại trần gian này, cho nên ngôn hành của chúng ta phải sao cho đúng với con người của mình là Ki-tô hữu.

Người ta thường vỗ tay khen hay chứ không vỗ đít ngựa khen hay, bởi vì đó là sự chế giễu; người Ki-tô hữu không cần vỗ tay khen hay nhưng vỗ ngực ăn năn sám hối khi người khác khen mình…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Tên quan phục vụ bên cạnh  nhà vua, được coi như là tiểu thừa tướng.

Thứ Năm, 18 tháng 1, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


85.      THƯỢNG THƯ BẢY TUỔI

Công nguyên năm 501, Tiêu Diễn công phá Kiến Đường là thủ đô nước Tề, tự lập làm Lương Võ đế.

Một hôm, triệu nguyên thái thú Ngô Hưng nước Tề là Viên An đến yết kiến. Viên An lúc thành bị phá thì không chịu đầu hàng, rất có chút hào khí làm cho Tiêu Diễn rất thú vị.

Lương Võ đế nói với Viên An:

-      “Lúc tóc ông chưa đen thì Tề Minh đế đã bái ông làm thượng thư, đến hôm nay tôi mới dùng ông, tự mình cảm thấy rất xấu hổ”.

Viên An thấy mục đích đã đạt được không như lần trước bèn nói:

-      “Năm nay bệ hạ bốn mươi tuổi, tôi bốn mươi bảy tuổi, nếu trở lui bốn mươi năm thì bệ hạ mới sinh ra, như vậy không phải tôi mới bảy tuổi đã làm thượng thư sao ? Vậy thì còn tính chậm thế nào được chứ ?”

                                           (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 85 :

Cái hay của Lương Võ đế chính là nhận biết mình có khuyết điểm khi chậm dùng người tài, cái hay của Viên An là biết nói lời an ủi cách sảng khoái mà không làm cho nhà vua cảm thấy mất mặt…

Có một vài cha sở vì sỉ diện mà không thích “dùng” giáo dân có tài năng để phụ giúp cho mình trong việc quản lý nhà xứ, bởi vì các ngài cho rằng mình là linh mục tài năng đầy mình không cần đến họ, nhưng khi nhân tài giáo dân bỏ đi qua chỗ khác phục vụ thì các ngài lại bắn tiếng không hài lòng, thế là cha con kình cự nhau mất hoà khí…

Có một vài giáo dân thấy mình tài giỏi mà cha sở không “để ý” tới thì buồn và bực bội, nhưng khi cha sở hiểu được cái tài năng đến mời mình thì mình lại không có tính sảng khoái như Viên An vui vẻ giúp ngài…

Cha sở cứ dùng người tài giỏi dù dùng muộn thì nhân đức của ngài đã toả sáng, giáo dân cứ vui vẻ giúp cha sở làm việc dù cha sở mời muộn màng, thì nhân đức của họ sẽ như lửa đốt cháy tâm hồn người nguội lạnh với nhà xứ…


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 17 tháng 1, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


84.      VÕ HẬU THÍCH NỊNH

Vào thời Võ Tắc Thiên trị vì, Hoắc Du Khả dù ở đâu cũng có thể đón được ý của nữ hoàng.

Một hôm, khi khiển trách xử phạt đại thần Địch Nhân Kiệt thì Hoắc Du Khả cùng Bùi Hành Kiệm bắt đầu quỳ chạm bậc ngọc, khấu lạy cộc vỡ cả đầu. Sự việc xong, Hoắc Du Khả bèn dùng vải quấn quanh lại, khi một mình ở lại cũng bày ra chỗ bị chảy máu, hy vọng từ đây Võ hậu thấy và hiểu lòng trung thành của ông ta.

Lại có  quan trợ lý ở Ninh Lăng là Quách Hoằng Bá tự mình cất quân đánh Từ Kính Nghiệp, phát thề rằng:

-      “Nếu bắt sống Từ Kính Nghiệp, thì rút gân nó, ăn thịt nó, uống máu nó và ăn sạch tủy nó”.

Võ hậu nghe được thì rất là phấn khởi, bèn cho Quách Hoằng Bá làm ngự sứ , người ta gọi đó là  “ngự sứ bốn nó”.

                                          (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 84 :

Đón được ý cấp trên để chiều lòng họ là do khôn ngoan của thế gian mà ra, làm cấp trên mà thích người khác nịnh mình là dấu hiệu của sự chia rẽ và thoái hoá trong cộng đoàn.

Có một vài cộng đoàn mà cấp trên cứ chọn lựa người của mình để làm phe cánh, thì cộng đoàn ấy đã chia rẽ và gây sự nghi ngờ với nhau; có những cộng đoàn mà có những thành viên làm “ăng ten” cho cấp trên để báo cáo hành vi lời nói của anh em chị em như là “chỉ điểm”, cộng đoàn ấy chắc chắn sẽ bệ rạc từ bên trong và chỉ là cái mã tô vôi mà thôi…

Để được cấp trên vui lòng mà tuyên bố nhốn nháo, hành vi nịnh hót, nói to nói nhỏ chỉ chọt anh em chị em, ấy là ma quỷ trá hình thiên thần và là tên chỉ điểm của sa tan.

Thật vô phúc cho cộng đoàn nào có bề trên thích nịnh hót và bề dưới thích tâng bốc lập công, bởi vì đó không phải là cộng đoàn yêu thương của Thiên Chúa, nhưng là một tổ hợp bát nháo của ma quỷ thống trị…


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Ba, 16 tháng 1, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


83.      CÁI LỢI BỎ NHÀ

Trương Ngu Chiêu khi còn làm trấn thủ Châu Thương thì đục khoét của dân rất tệ hại.

Có một lần ông ta hỏi vị thiền tăng:

-      ”Xá lợi[1] là như thế nào ?”

Vị thiền tăng đã sớm biết Trương Ngu Chiêu chỉ vì ham lợi mà có ý đồ, nên trong lòng cười giễu, bèn phóng ý giải thích:

-      “Ý nghĩa của xá lợi là nếu có nhiều nhà cửa thì nên để cho người khác thuê ở, như thế thì được cái lợi bỏ nhà !”.

                                           (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 83 :

“Xá lợi” là xương Phật hay cốt Phật, nhưng giải thích theo nghĩa trần tục cho hợp với người hám lợi, thì vị thiền sư quả là bậc cao tăng dám chế nhạo với nhà quan.

Những người có lòng tham thường giải thích Lời Chúa theo lòng tham của mình, người có tâm hồn kiêu ngạo thì giải thích Lời Chúa theo ý tưởng kiêu ngạo của mình, người có tâm hồn hướng về dục vọng thì bẻ Lời Chúa theo hướng dục vọng của mình. Lời của Thiên Chúa thì thích hợp cho mọi thời đại và mọi hoàn cảnh, chứ không thể bắt Lời Chúa phải hợp với cách sống tội lỗi của mình…

“Xá lợi” nghĩa là cốt Phật không thể ăn được nên có thể giải thích theo ý của người, nhưng Thánh Thể chính là Mình Máu Thánh của Đức Chúa Giê-su và là của ăn nuôi sống linh hồn người tín hữu, là một mầu nhiệm, cho nên không thể giải thích theo ý con người và cũng không thể đem Thánh Thể ra phân tích cho hợp với người không có đức tin.

Người có lòng tham thì có thể phân biệt phải trái nhưng không phân biệt được đâu là sự công bằng, cho nên tham vẫn cứ  tham, đúng là tội nghiệp cho họ !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Xá lợi là “cốt Phật”.

Thứ Hai, 15 tháng 1, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


82.      BỐN HẾT CỦA NGƯ HOẰNG   

Ngư Hoằng người Lương thời nam triều, tính rất là khoác lác, vợ lẽ phục vụ hơn một trăm người, đi chơi có xe cộ phục dịch lúc nào cũng đều đi trước.

Ông ta đã đảm nhận qua chức vụ thái thú ở các quận Nam Tiều, Cánh Lăng, Vĩnh Ninh và Tân Hưng, có lần mặt dày không biết xấu hổ nói với mọi người rằng:

-      “Ta làm thái thú có một cái đặc sắc đều là vì 4 hết: hết cá và ba ba trong nước, hết nai trong núi, hết gạo và ngũ cốc trong ruộng, hết dân trong thôn”.

                                           (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 82 :

Làm quan là để làm việc ích nước lợi dân, làm quan là để giúp dân càng ngày càng giàu có hạnh phúc, chứ nếu làm quan mà cái gì của dân cũng vơ vét cho mình thì đúng là “quan hại”.

Cá và ba ba trong hồ hết là vì quan độc quyền đánh bắt, nai trong núi không còn vì quan cấm dân săn bắn chỉ mình quan khai thác, gạo và ngũ cốc trong ruộng hết là vì quan bán đất của dân để xây dựng chổ ăn chơi trác táng để kiếm tiền, dân trong thôn hết vì quan không chăm lo cho dân, bắt ép dân thủ tục này thủ tục nọ nên dân bỏ đi hết…

Người Ki-tô hữu là dân được tuyển chọn để làm cho danh Cha cả sáng ở trần gian này, cho nên đi đến đâu họ cũng đều từ cái hết làm cho có: người hết tình thương thì họ làm cho có tình thương bằng cách yêu thương người như chính mình, người hết cơm ăn áo mặc thì họ tương trợ giúp đỡ, người hết tình cảm bạn bè thì họ trở thành người bạn tốt…

Tại tiệc cưới Ca-na Đức Chúa Giê-su đã làm cho có rượu khi tiệc hết rượu khiến cho mọi người hân hoan, hôm nay Đức Chúa Giê-su vẫn tiếp tục từ nơi chúng ta –người Ki-tô hữu- làm cho có những cái đã hết nơi người anh em chị em bất hạnh, đó chính là cách để cho mọi người nhận ra Đức Chúa Giê-su đang hoạt động nơi chúng ta vậy.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Chủ Nhật, 14 tháng 1, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


81.      THỨC ĂN CỦA CỐNG NGẦM

Vương Phụ là đại thần năm cuối thời bắc Tống, nhà ở của ông ta gần bên một ngôi chùa.

Có một hoà thượng, mỗi ngày đều vớt những hạt cơm từ ống cống của nhà Vương Phụ chảy ra, rửa sạch phơi khô để ăn, qua được mấy năm không ngờ tích trử được một vựa.

Đời Tịnh Đường năm thứ hai, quân Kim đánh phá đô thành bắc Tống là Biện Lương[1](nay là phủ Khai Phong), vợ con của nhà Vương Phụ bị cắt lương thực đói meo, vị hoà thượng ấy bèn lấy cơm đã tích trử được một vựa ấy đem biếu nhà Vương Phụ. Cả nhà lớn nhỏ của Vương Phụ ăn ngon và thấy rất thơm, cám ơn luôn miệng, họ có biết đâu những đồ vật mà họ ăn đó là từ cống ngầm của họ mà ra.

                                           (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 81 :

Có người khi giàu có thì tiêu xài phung phí không tiết kiệm tích trử phòng khi bệnh hoạn tai nạn đột xuất, nên khi chuyện xảy ra thì than trời than đất.

Có những ngừơi nhiều tiền lắm của khi ăn cơm thì chỉ nhúng đũa vào rồi chê dài chê ngắn, quát tháo nạt nộ, họ không nghĩ đến những người nghèo khó đang ăn xin bên vệ đường…

Hôm nay “nhặt” một việc lành, ngày mai làm một việc tốt, mỗi ngày làm một việc thiện thì sẽ có ích cho mọi người, đó chính là tích trử kho tàng trên trời vậy.

Hôm nay ăn bát cơm đầy thì nên để tâm đến ngày mai đói khát, đó là người khôn ngoan; hôm nay ăn một nửa bát cơm để giúp người nửa bát cơm đó là người thánh thiện; hôm nay rộng tay bố thí thì được Thiên Chúa trả công đời này và đời sau, đó là người con của Thiên Chúa.

Hạt cơm thừa của người giàu có đổ ra lại trở thành hạt ngọc trong tay hoà thượng, cũng vậy việc lành của người Ki-tô hữu thực hiện sẽ trở thành phép lạ đem lại niềm vui cho mọi người…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Nay là phủ Khai Phong.