Thứ Bảy, 8 tháng 3, 2014

Chúa nhật I mùa chay


CHÚA NHẬT I MÙA CHAY
(Năm A)

Tin mừng : Mt 4, 1-11
“Đức Chúa Giê-su đã ăn chay bốn mươi ngày và chịu cám dỗ”.

Anh chị em thân mến,
Mở đầu chúa nhật mùa chay năm nay, Giáo Hội mời chúng ta cùng đi với Đức Chúa Giê-su vào hoang địa để chia sẻ với Ngài những thử thách do ma quỷ đem đến, đó cũng là những thử thách mà trong cuộc sống hằng ngày chúng ta đã gặp phải, mà chúng ta gọi đó là ba thù: ma quỷ, xác thịt và thế gian.

Kẻ thù thứ nhất là ma quỷ, là sự cám dỗ làm cho chúng ta ham danh vọng quyền hành, và nó là một căn bệnh bất trị của con người, cho nên có rất nhiều người vì ham một chút danh vọng nay còn mai mất, mà bỏ tiền của ra mua chức tước, để rồi trở thành những bạo chúa của người dân vô tội...

Ham danh vọng cũng đồng nghĩa với sự khoe khoang và kiêu ngạo, bởi vì nếu không ham mê danh vọng, thì không có chuyện khoe khoang rồi dẫn đến kiêu ngạo với mọi người. Đó là mơ ước của những người kiêu căng thích thống trị và hách dịch với tha nhân, nên họ không ngần ngại bán đứng anh em để tiến thân, và có khi, hãm hại anh em bạn bè để được nắm quyền lực, do đó mà có rất nhiều người đã trở thành kẻ lừa thầy phản bạn trong xã hội hôm nay. Quyền hành, tự nó là một trật tự mà Thiên Chúa đã đặt ra để giữ gìn trật tự trong vũ trụ, nhưng nó cũng là một cám dỗ và là con dao bén nhọn cho những ai sử dụng không đúng quyền hạn của mình, đó là con mồi mà ma quỷ đã dùng để đánh bại rất nhiều người, kể cả những người dâng mình làm tôi tớ Chúa.

Kẻ thù thứ hai là xác thịt, là ước muốn đam mê xác thịt, là hậu quả của việc có tiền và có quyền và hưởng thụ, nghĩa là khi con người ta có tiền của vật chất thì bước tiếp theo là thích quyền hành, thích có danh vọng địa vị quyền hành, và khi có danh vọng quyền hành rồi thì bước tiếp theo là muốn hưởng thụ xác thịt, là thỏa mãn thú tính trong con người của mình.

Đã có biết bao nhiêu người thân bại danh liệt vì đam mê xác thịt, có biết bao nhiêu người vì một chút đam mê thỏa mãn xác thịt mà mang họa vào thân, không những ở đời này mà còn ở đời sau nữa. Con người ta là một động vật có lý trí, biết phân biệt phải trái, biết nhận ra đâu là điều thiện và đâu là sự ác, cho nên sống tiết chế dục vọng của mình là làm cho tâm hồn của mình ngày càng nhẹ nhàng hướng lòng lên trời cao, nơi mà Thiên Chúa dành cho những ai có tâm hồn trong sạch sẽ được hưởng nhan thánh của Ngài.

Kẻ thù thứ ba là thế gian, tức là muốn sống hưởng thụ tiền tài vật chất, là một thứ ham thích của những người chỉ biết lo đến thân xác của mình làm sao cho đẹp, cho béo tốt, cho sung sức, mà không hề nghĩ rằng thân xác này rồi cũng có ngày sẽ thành tro bụi. Người sống hưởng thụ thì luôn tìm cách thỏa mãn các giác quan của mình, cho dù cuộc sống có khó khăn đến đâu chăng nữa, bởi vì họ đã quá nuông chiều theo thân xác của mình.

Ai cũng thích hưởng thụ những thành quả do tay mình làm nên và cảm thấy đó là điều hợp lý, nhưng mấy ai biết rằng vì hưởng thụ và chiều theo giác quan mà nguyên tổ của chúng ta đã phạm tội và bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng.

Có người lấy cái ăn cái uống làm một thú vui hưởng thụ, nên họ đã không ngần ngại đánh mất nhân cách của mình trong những cuộc nhậu thâu đêm với tửu và sắc; lại có người lấy việc đua đòi vật chất làm thú hưởng thụ của mình, nên họ không ngần ngại đem tiền đi mua sắm những đồ vật không cần thiết để khoe của và khoe sự giàu có của mình...

Anh chị em thân mến,
Mùa chay là mùa hồng ân của Thiên Chúa đổ xuống trên tâm hồn của chúng ta, là mưa ân huệ của tình yêu xuống trên chúng ta là những con người tội lỗi. Ma quỷ, xác thịt và thế gian là ba cơn cám dỗ mà Đức Chúa Giê-su phải chịu và đã chiến thắng, cũng là ba sợi xích trói buộc chúng ta chết cứng trên bả danh lợi của thế gian, nhưng Đức Chúa Giê-su đã quả quyết rằng: con người ta sống không bởi cơm bánh, tức là vật chất, cũng không cậy vào thế lực hay danh vọng của thế gian để tồn tại, nhưng là phải sống bằng lời của Thiên Chúa, cũng như cậy vào sức mạnh của ân sủng của Ngài để được sống đời đời.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta trong suốt mùa chay thánh này, để mỗi người trong chúng ta ý thức mình là một tội nhân không xứng đáng đón nhận ơn lành của Thiên Chúa, để chúng ta chia sẻ với cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su qua những đau khổ của tha nhân.


Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Đổ quyên gọi về


ĐỔ QUYÊN GỌI VỀ
Thạch Nghị chưa lấy vợ, trong lòng khó mà tránh khỏi cảm thấy cuộc sống cô độc.
Một lần nọ, nghe tiếng chim đổ quyên gọi về, chưa lập gia đình là Thạch Nghị than thở, nói: “Con chim này giục người trở về, còn ta thì trở về nơi nào chứ ?”
                                      (Vân Tiên tạp ký)

Suy tư:
Không có gì tệ hại cho bằng sự cô đơn, sự cô đơn gặm nhấm tâm hồn làm cho anh hùng trở thành yếm thế, làm cho người hy vọng thành thất vọng, làm cho người lạc quan trở thành bi quan. Có người cô đơn thì đi tìm rượu uống, có người cô đơn thì đi tìm bạn trên đường phố cho qua sự cô đơn, có người cô đơn thì đi nghe nhạc hát kara-okê.v.v...
     Những người dâng mình cho Chúa có cô đơn không ?
Không ai thấm thía nỗi cô đơn cho bằng các linh mục, tu sĩ, nhưng họ không thể đi tìm rượu khi cô đơn, họ càng không thể đi kiếm “một ai đó” để tâm sự khi cô đơn.
     Còn nỗi cô đơn nào hơn khi tất cả giáo dân ra về sau thánh lễ, cha mẹ con cái cười cười nói nói vui vẻ, nam nữ tay trong tay âu âu yếm yếm tình đẹp như mơ..., trong lúc đó thì cha sở một mình âm thầm đi đóng cửa nhà thờ, nỗi cô đơn gặm nhấm tận tim gan ! Rồi từ đó biết bao là câu hỏi tự tâm của ngài: tại sao tôi không thể như họ, tôi cũng có thể có một bạn gái để âu yếm tỏ tình, tôi cũng đẹp trai khỏe mạnh học thức như ai, sao lại không thể có một mái nhà con cái.v.v... Vâng, thật cô đơn khi nghĩ đến tình cảm và thân phận con người, nhưng bởi vì thế mà danh phận và nhân đức anh hùng của các linh mục mới trổi vượt trên tất cả, vì nhờ những giây phút cô đơn như bị người đời bỏ rơi ấy, mà linh mục trở thành cao cả không những trước mặt con cái loài người mà ngay cả nơi các thiên thần vì nhân đức anh hùng của các ngài.

Ma quỷ lợi dụng sự cô đơn để cám dỗ nhân loại vốn là loài có quả tim bằng thịt biết rung động trước mọi hoàn cảnh vui buồn. Cho nên, người linh mục phải luôn cảnh giác, cầu nguyện và luôn kết hợp với Đức Chúa Giê-su Thánh Thể, bởi vì lí do lớn nhất khiến cho các linh mục và các tu sĩ sợ –có lẽ- là sự cô đơn.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư 

Chỉ cầu như ý


CHỈ CẦU NHƯ Ý
Có một thương nhân đi qua Thanh Minh thăm Thanh Hồ Quân, Quân hỏi người thương nhân:
-      “Ông cần gì ?”
Thương nhân nói: “Chỉ cầu như ý”.
Thanh Hồ Quân bèn cho thương nhân một đầy tớ gái, tên là “Như Ý”. Có cầu tất phải được như ý nguyện.
Về sau, vì ngày tết nguyên đán nên Nhu Ý dậy trể, thương nhân đánh nó, Như Ý té vào trong hồ phân nên không thấy đâu nữa.
Về sau này người ta vì cầu “Như Ý”, cho nên trong ngày tết nguyên đán, dùng dây thừng nhỏ bó lại làm người vải, ném vào trong hồ phân nói là để cầu như ý nguyện.
                                           (Vân Tiên tạp kí)

Suy tư:
     Người nghèo cầu nguyện: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”, nhưng cầu hoài mà vẫn không có gạo ăn, không thấy được như ý.
     Người thất nghiệp cầu nguyện: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”, nhưng cả ngày rong ruổi hết công ty này đến xí nghiệp nọ để kiếm việc làm mà không ai nhận...
     Không ai được như ý nguyện cả, nên họ đã đi đến trước miếu Quan Thánh cầu xin, và họ đã bỏ đạo. Họ bỏ đạo cũng đúng thôi, vì đức tin của họ không đặt trên nền tảng đức tin, nhưng được đặt trên “cầu như ý”, cầu xin không được thì không thèm đi nhà thờ, cầu xin không được thì nghỉ chơi với Chúa Mẹ.
     Thiên Chúa là Đấng rất công bằng, đúng, rất công bằng, Ngài sẽ không để những ai hằng ngày tôn vinh chúc tụng Ngài, làm theo thánh ý Ngài mà khi cầu xin lại trở về tay không ! Ngài là Thiên Chúa, cho nên cách Ngài ban tặng cũng là cách thức của Thiên Chúa, có nghĩa là Ngài sẽ nhắm đến phần thưởng cao quý, đời đời, để ban tặng, đó là phần rỗi linh hồn chúng ta. Quà của nhà vua tặng không thể là một vài mẫu bánh mì, vài lon gạo, nhưng là trân châu quý báu, là vượt trên gạo cơm.

     “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày” cũng đồng thời với “Xin Cha cho chúng con hôm nay biết vâng ý Cha vượt trên như ý của chúng con, vì đó là phần thưởng quý báu nhất mà Cha tặng cho chúng con”.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư 

Áo xuân áo đông


ÁO XUÂN ÁO ĐÔNG
Sau khi Tiền Bị Phong làm Ngô Việt vương, liền tập trung dân công xây dựng đê điều sông Trường Giang, và ở lưu vực Thái Hồ thì xây dựng đập ngăn nước, tầm nhìn của binh lính nông cạn cho nên oán trách mãi không thôi, có người nửa đêm viết nơi cổng chính của Tiền phủ:
-         “Không hạn kỳ, không hạn kỳ, mới xây thành rồi lại xây hồ”.
Họ Tiền nhìn thấy, cười mĩm, ra lệnh cho người hầu cũng viết bên cạnh một câu đối:
-         “Không hạn kỳ, không hạn kỳ, mới áo xuân rồi lại áo đông”.
Binh lính nhìn thấy thì không còn tức giận oán trách nữa.
                                          (Vân Tiên tạp kí)  

Suy tư:
     Phong trào thì như thủy triều lúc lên lúc xuống không ổn định, không vĩnh viễn: phong trào hippy, phong trào hát nhạc Trịnh, phong trào biểu diễn thời trang, phong trào quần chúng, phong trào đấu tranh, phong trào hưỡng thụ, phong trào...yêu sớm.v.v... tất cả đều có nhưng nó chỉ sống được vài ba tháng, thọ lắm thì một hai năm là cùng, lí do tổn thọ của các phong trào thì rất dể hiểu: nó không được đặt trên nền tảng của Đức Tin.
     Đời sống tín ngưỡng của người Ki-tô hữu không phải là một phong trào, nhưng là một cuộc sống trộn lẫn trong tim trong máu, trong niềm xác tín về một sự sống vĩnh viễn mai sau của họ, cho nên –đối với họ- không có chuyện giữ đạo vài tháng hay vài năm rồi bỏ đạo theo đạo khác.
    Đức Chúa Giê-su hôm qua, hôm nay và ngày mai cũng chỉ là một; Đức Chúa Giêsu đau khổ, Đức Chúa Giê-su chịu chết và Đức Chúa Giê-su Phục Sinh cũng chỉ là một, do đó chuyện đau khổ của ngày hôm nay là niềm vui của ngày mai, và là một  giá trị cho sự sống vĩnh hằng với Đấng đã chết và đã phục sinh vinh quang. Không một hy sinh nào của người Ki-tô hữu bị lãng quên, bởi vì đau khổ của họ không phải là một phong trào, nhưng là do lòng mến liên tục trong đời sống của họ mà phát sinh sự hi sinh.

     Phong trào chỉ là phong trào, nó sẽ trở thành gánh nặng cho bản thân và gia đình nếu phong trào xấu. Nhưng nếu phong trào được đặt trên nền tảng của Đức Tin, thì dù phong trào có ngắn ngủi, nó cũng sẽ giúp chúng ta có “áo mùa xuân rồi áo mùa đông”, nghĩa là nó giúp chúng ta hâm nóng lại đời sống tôn giáo của mình.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư 

Không khinh không trọng


KHÔNG KHINH KHÔNG TRỌNG
Phương Minh nấu rượu được mấy thùng.
Một hôm, tất cả các đệ tử đều ở nhà, đột nhiên ông ta cởi áo bỏ rượu bên trong đem đi rửa.
Các đệ tử đều ngớ người ra, sau đó Phương Minh nói với các đệ tử:
-         “Ta uống rượu đã nửa đời người, hận lông tóc không biết mùi vị của rượu, hôm nay mới thấu hiểu, ta nghĩ đại khái là sẽ không nên coi trọng người này mà coi nhẹ người kia nữa !”
                                          (Vân Tiên tạp kí)

Suy tư:
     Có người quen nhờ tôi đem một lá thư đến cho một người ở cộng đoàn nữ tu nọ tại Saigon, tôi không mặc áo sơ-mi cổ côn kiểu linh mục, sau khi hỏi tên sơ nọ để đưa thư, thì bị đứng một bên góc sân đợi hơn ba mươi phút, nhiều sơ đi qua đi lại, ngó ngó nhìn nhìn tôi, giống như tôi là một tên...bất lương không bằng, đợi lâu quá sốt ruột vì người nhà đợi ngoài cổng và trời sắp tối, tôi bèn hỏi một sơ đang đứng đó: “Sao lâu quá vậy ?”
Sơ ấy trả lời: “Chú đợi chút xíu, chắc còn đi tìm !”
Nói xong sơ ấy đứng trên hành lang mà nhìn. Tôi suy nghĩ rất nhanh, nói với sơ ấy: “Tôi là linh mục, cho tôi gặp sơ ấy, vì tôi bận phải đi gấp”. Nghe nói tôi là linh mục, sơ ấy lập tức vừa chạy vào trong vừa gọi lớn: “Có cha đến”.
Thế là tôi được các sơ niềm nở mời vào phòng khách trò chuyện, nhưng đưa thư xong thì tôi phải đi vì đợi quá lâu...
     Coi trọng người này mà coi khinh người khác là căn bệnh của nhiều người, bởi vì họ thường lấy chức vị danh vọng để tiếp đãi, để đối xử với nhau, cho nên Tin Mừng của Chúa chưa đến được với nhiều người.
     Nếu chúng ta nhìn thấy Đức Chúa Giê-su ở trong tất cả những người khách đến thăm, bất kì người khách là ai, thì chắc chắn chúng ta sẽ không chậm trễ đón tiếp; nếu chúng ta bỏ đi cái phân biệt diện mạo bên ngoài của người khách, để nhìn thấy một Đức Chúa Giê-su đang đến thăm chúng ta, thì chắc chắn chúng ta sẽ niềm nở đón tiếp họ...
     Tôi còn nhớ như in câu nói của một Đan Viện Phụ đã nói với tôi: “Con phải nhớ, khách là Chúa Giê-su, tiếp đón khách là tiếp đón Chúa Giê-su”.

     Thiên Chúa không khinh không trọng một ai, tại sao chúng ta lại coi khinh người này coi trong người kia chứ ?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư 

Thứ Ba, 4 tháng 3, 2014

Thứ Tư Lễ Tro


THỨ TƯ LỄ TRO

Tin mừng: Mt 6, 1-6; 16-18.
“Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.”

Anh chị em thân mến,
Thói giả hình của chúng ta làm cho Đức Chúa Giê-su đau khổ trong vườn Giết-sê-ma-ni, lòng kiêu ngạo của chúng ta làm cho Đức Chúa Giê-su phải chết trên thập giá. Duy chỉ có lòng chân thành của chúng ta đối với Chúa và đối với anh chị em mình, mới làm cho Ngài phục sinh mỗi ngày trong tâm hồn của chúng ta, và trong tâm hồn của tha nhân mà thôi.

Khởi đầu mùa chay, Giáo Hội mời gọi chúng ta tin vào Phúc Âm của ngày hôm nay: sống chân thực và chân thành với anh chị em của mình, không giả hình giả bộ, không đạo đức giả hình như những người Pha-ri-siêu mà Đức Chúa Giê-su vẫn thường quở trách, bởi vì thói giả hình chỉ làm cho chúng ta như cái mả tô vôi, bên ngoài thì sơn phết đẹp đẽ, nhưng bên trong thì hôi thối xấu xa.

Có nhiều lần chúng ta sống giả hình với tha nhân khi chúng ta trong lòng rất oán ghét họ, nhưng bên ngoài thì làm bộ thân thiện; miệng nói lời ngon ngọt nhưng trong lòng thì chất chứa những mưu thâm hại người; đã nhiều lần bạn và tôi ăn chay bên ngoài như làm việc thiện, đọc kinh, thân thiện, nhưng bên trong tâm hồn thì ăn mặn những thức ăn như kiêu ngạo, ghét ghen, giận hờn, vu khống hàm hồ cáo gian.v.v...tất cả những điều đó, đã làm cho chúng ta trở thành những tên quân dữ đóng đinh tha nhân vào thập giá như bọn lý hình đóng đinh Đức Chúa Giê-su trên thập giá.

Tiên tri Gio-en đã cảnh cáo chúng ta: “Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng”.

Nhưng đã có rất nhiều lần chúng ta xé áo để cho mọi người biết là chúng ta ăn chay, đó là những lúc chúng ta đóng kịch nhân nghĩa bên ngoài để đánh bóng địa vị của mình, rồi cười hả hê vì mánh lới nhân nghĩa giả trá của mình; có những lúc chúng ta đóng kịch không tham lam của cải thế gian trước mặt mọi người, nhưng lại đấu đá với anh em để được làm chức vụ trong cộng đoàn, hoặc để dành cho được nơi công tác tốt hơn...

Mùa chay là “xé lòng”, tức là hy sinh đền tội, là sám hối ăn năn, là xé nát những thói hư tật xấu của mình, là quyết tâm thay đổi cuộc sống, bởi vì khi chúng ta sửa đổi một vài tật xấu nơi mình, là chúng ta nhổ đi một cái gai nhọn đâm vào đầu Đức Chúa Giê-su; bởi vì khi chúng ta thống hối vì một tội trọng là chúng ta nhổ đi một cái đinh lớn đóng Đức Chúa Giê-su vào thập giá.

Anh chị em thân mến,
Mùa chay là mùa của cầu nguyện, sám hối, hy sinh và thực hành đức ái, nếu chúng ta –những người Ki-tô hữu- không cầu nguyện thì sẽ có ngày muốn cầu nguyện mà không được; nếu chúng ta không sám hối thì tất sẽ có ngày hối không kịp; nếu chúng ta không hy sinh thì sẽ có ngày muốn hy sinh mà cũng không có cơ hội, nếu chúng ta không thực hành đức ái thì sẽ có ngày sẽ bị tình yêu Thiên Chúa lên án...

Mùa chay thánh năm nay, chúng ta –ít nữa- cũng có một quyết tâm cho mình, đó là phải sống tốt lành hơn mùa chay năm ngoái, phải sống làm chứng nhân cho Chúa hơn những ngày khác, bằng cách sống rất chân thực và chân thành với anh chị em của mình.


Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Thứ Hai, 3 tháng 3, 2014

Gạo châu củi quế


GẠO CHÂU CỦI QUẾ

Tô Tấu đến nước Sở, ba ngày sau mới gặp được Sở vương, sau đó từ biệt mà đi, Sở vương nói:
-      “Sao không ở lại vài ngày ?”
Tô Tấu trả lời:
-         “Nước Sở thức ăn quý như ngọc, củi quý như quế, gặp người muốn gặp thì khó như quỷ, gặp vua khó như gặp thiên đế. Gạo châu củi quế, vì quỷ thấy đế, tôi làm sao mà dám ở lại chứ ?
                                           (Vân Tiên tạp ký)

Suy tư:
     Có giáo dân nói với tôi rằng: không biết gặp nhà vua có khó không, chứ gặp cha sở của mình thì rất khó gặp !
     Khó gặp cha sở không phải vì ngài bận công tác mục vụ, nhưng là vì nhà ở của ngài quá sang trọng, cửa kính trong suốt có gắn máy lạnh nên giáo dân nghèo dân dã không dám đến; gặp cha sở khó không phải vì ngài mỗi ngày lên tòa giám mục làm việc, nhưng là vì nếu không được hẹn giờ trước mà đến là bị nạt nộ, bị đuổi cút xéo; là vì đến nhà của ngài là phải qua ba bốn lần cổng...xét hỏi của ông gác cổng, của bà làm bếp và của cô thư ký...
     Linh mục, hai chữ rất thâm sâu ý nghĩa, hai chữ rất thần thánh và rất người, rất thân tình và rất gần gủi với con chiên bổn đạo, người ta có thể chửi ông tổng thống, chứ rất ít người chửi linh mục, vì người ta đều hiểu rằng linh mục là một con người rất quãng đại, rất giàu tình bác ái, rất đạo đức và nhất là không màng danh lợi để bon chen với đời.
     Nhưng thời nay cũng có các linh mục trở thành người mẫu trong nhà kính pha lê làm kiểu, các ngài ngồi đó cho con chiên bổn đạo đến...ngắm theo giờ hành chánh, các ngài quên mất mình là ai, là người mẫu hay là linh mục, là ông chủ nhà sang trọng hay là mục tử nhân lành ! Các ngài luôn giảng dạy cho giáo dân biết thiên chức linh mục là gì, có vai trò nào, các ngài nói linh mục là Chúa Ki-tô thứ hai, nhưng các ngài không học theo Đức Chúa Giê-su ra đi truyền giáo, ra đi tìm con chiên lạc trong giáo xứ của mình. Đức Chúa Giê-su giảng dạy từ sáng đến tối không theo giờ hành chánh, Ngài cầu nguyện suốt đêm, khi mệt thì gối đầu trên đá mà nghỉ, cho nên dân chúng theo Ngài đến quên cả đói khát, quên cả mệt nhọc...

 “Lạy Đức Chúa Giê-su, khi còn là một chủng sinh con ao ước được mau làm linh mục để ra đi truyền giáo cho mọi người, con ao ước được như Chúa để bôn ba ngày đêm đi tìm con chiên lạc... Nhưng khi đã trở thành linh mục của Chúa, thì con lại lo hưởng thụ và quên mất cái háo hức truyền giáo trong con, xin Chúa ban cho con một tâm hồn quãng đại và biết từ bỏ, để con trở nên mục tử tốt lành cho đoàn chiên của mình. Amen”.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư