Thứ Bảy, 3 tháng 5, 2014

Chúa nhật 3 phục sinh


CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH

Tin mừng : Lc 24, 13-35.
“Họ nhận ra Chúa khi Ngài bẻ bánh”.

Anh chị em thân mến,
Nội dung của bài Tin Mừng hôm nay chúng ta đều biết rõ, và thường nghe nhắc nhở tới trong mùa phục sinh, đó là câu chuyện của hai môn đệ trên đường đi về làng Em-mau. Cả hai ông không nhận ra Đức Chúa Giê-su đang cùng đồng hành với mình, nhưng chỉ nhận ra Ngài khi Ngài lập lại một cử chỉ rất quen thuộc đó là bẻ bánh, rồi trao cho các ông ăn. Trong tâm tình “bẻ bánh” ấy, tôi xin chia sẻ tâm tình sau đây :

1.   Bẻ bánh là dấu hiệu của bác ái
Cuộc sống của một con người có rất nhiều lần bẻ bánh, và những lần bẻ bánh ấy cũng có rất nhiều ý nghĩa :
-      Bẻ bánh để ăn, là để nuôi mình,
-      Bẻ bánh để phân phát cho mọi người, là để nhân rộng thêm tình bác ái.
-      Bẻ bánh để chia sẻ với người nghèo khó, là để chia sẻ với Đức Chúa Giê-su khổ đau trên con người của họ.
Và cũng có lúc chúng ta bẻ bánh để quăng cho chó ăn hơn là cho người nghèo, đây là một hành vi bẻ bánh khinh thường Thiên Chúa và coi thường nhân phẩm của anh em chị em.

Bẻ bánh cần phải đi đôi với một tâm tình yêu mến và phục vụ như Đức Chúa Giê-su đã làm với các môn đệ, Ngài yêu thương các môn đệ đến cùng: rửa chân cho họ và ban Mình và Máu thánh của Ngài cho họ.

2.   Bẻ bánh là dấu hiệu Hiệp Nhất
Có những người vừa bẻ bánh vừa chỉ trích nhau trên bàn ăn, họ coi việc ăn uống là dịp để cãi cọ nhau; có người vừa bẻ bánh vừa làm áp phe buôn bán, họ coi việc bẻ bánh (ăn uống) là cơ hội để phát tài; lại có người coi việc bẻ bánh là chuyện riêng tư, nên không thấy họ cùng đồng bàn với người khác, đối với họ sự hiệp nhất chỉ là chuyện lý thuyết viễn vông.

Chúng ta tham dự thánh lễ, tức là chúng ta cùng nhau tham dự việc “bẻ bánh” của Đức Chúa Giê-su, đó là dấu hiệu của tình thương hiệp nhất, mỗi lần chúng ta cùng nhau sắp hàng đi lên lãnh nhận tấm bánh đã được bẻ ra, nhưng nó vẫn nguyên vẹn tinh tuyền là Mình Máu Thánh của Đức Chúa Giê-su, là dấu hiệu của sự hiệp nhất trong Giáo Hội và trong mỗi một cộng đoàn của chúng ta.

Bẻ bánh là dấu hiệu để mọi người nhận ra Đức Chúa Giêsu đang hiện diện giữa cộng đoàn và nơi mỗi một anh chị em mình, bởi vì Đức Chúa Giê-su đã hứa: Thầy ở lại với anh em mọi ngày cho đến tận thế.

Anh chị em thân mến,
Hai môn đệ đi về làng Em-mau đã không nhận ra được Thầy mình là Đức Chúa Giê-su đang đồng hành và trò chuyện với mình, dù cho Ngài giải thích rất cặn kẻ về việc Đấng Mê-si-a phải chịu đau khổ và phải chết rồi sống lại, nhưng hai môn đệ chỉ nhận ra Ngài khi Ngài bẻ bánh mà thôi.

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường tham dự thánh lễ, tức là tham dự vào việc “bẻ bánh” và ăn tấm bánh ấy, nhưng chúng ta có nhận ra Đức Chúa Giê-su đang thật sự ở với chúng ta không, lòng chúng ta có thật sự nóng lên khi nghe đọc và giải thích Lời Chúa không.

Đức Chúa Giê-su đã sống lại thật rồi, và Ngài vẫn còn đang hiện diện với Giáo Hội, với chúng ta trong bí tích Thánh Thể, đó là dấu chỉ của tình thương và hy sinh của một vị Thiên Chúa đối với nhân loại tội lỗi....

Câu hỏi gợi ý :
1.    “Bẻ bánh” là tham dự tiệc Thánh Thể, bạn có nhận ra sự ích lợi cho phần hồn cũng như phần xác khi rước Đức Chúa Giê-su vào lòng không ?
2.   Bạn có thấy mình giống hai môn đệ đi đường Em-mau: nhiệt tâm sau khi thấy Đức Chúa Giê-su bẻ bánh không ?


Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Thứ Sáu, 2 tháng 5, 2014

Ghen tị


GHEN TỊ
      Cha sở mới đến nhậm chức, nghe bà con khen ngợi cha sở trước thì trong lòng không vui và có chút ghen ghét, thế là nói:
-         “Thằng đó là đàn em của tui, có gì mà giỏi mà khen !”
Thế là ngài thay đổi tất cả những gì mà cha sở trước đã làm cho giáo xứ, từ các lớp giáo lý đến các sinh hoạt trong giáo xứ, để xóa sạch những “dấu tích” của cha sở trước để lại...

Thế là giáo dân rỉ tai nhau nói cha sở ghen tị với cha sở trước, còn ma quỷ thì cười ha ha thổi lên ngọn gió kiêu ngạo trong lòng của cha sở.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.  

Xưng hô trên mạng



XƯNG HÔ TRÊN MẠNG

Trong buổi họp mặt truyền thông giáo phận, đến phần thảo luận, một linh mục lớp đàn anh nói với các linh mục và các nữ tu trẻ:
-         “Với những người quen biết thì các cha các sơ có thể dùng chữ “cha” hoặc “sơ” để xưng hô với nhau tùy trường hợp, nhưng trong truyền thông, nhất là trên mạng, thì chúng ta đừng dùng chữ “cha” hoặc “sơ” (chỉ mình) để nói chung chung với mọi người...”

Một kinh nghiệm quý báu của bậc đàn anh.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Phá bỏ


PHÁ BỎ
Cha sở trước có thành lập một hội, gọi là hội Bác Ái, nhưng hoạt động không tích cực. Phe chống đối nói với cha sở mới giải tán hội ấy cho rồi vì không làm gì được cả.
Cha sở nói:

-         “Giải tán phá bỏ thì rất dễ, nhưng thành lập xây dựng thì khó lắm. Tại sao chúng ta không giúp họ tích cực nhận ra được trách nhiệm và bổn phận làm hội viên của mình chứ ?”

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014

Một sọt cỏ linh lăng

      


MỘT SỌT CỎ LINH LĂNG
Khí hậu ở nước Tề rất lạnh, mỗi năm thời tiết đến mùa xuân mà thực vật vẫn chưa thể nảy mầm.
Một năm nọ vừa đến lập xuân, có một người xách một sọt cỏ linh lăng đi biếu Ngải Tử, nói:
-         “Cỏ linh lăng này vừa mới mọc, chưa dám thử, liền đem qua mời ngài dùng trước ạ”.
Ngải tử nói:
-         “Thật quá làm phiền ông đã đem cái cỏ vừa mới mọc để tôi dùng trước, sau khi tôi thưởng thức, ngài còn đem dâng tặng cho ai ?”
Người trong thôn nói:
-         “Sau khi dâng cho ngài dùng, thì phải cắt cái bao tử của con lừa để dùng ạ !”
                                     (Ngải tử tạp thuyết)

Suy tư:
     Lòng thơm thảo của người dân quê thật đáng trân trọng, họ thà chịu đói chứ không thà để cho cha sở và các dì phước trong xứ bị đói. Thấy cha sở cầm cái chổi quét sân, họ liền làm thế ngay vì sợ cha mệt, họ thấy cha sở dâng lễ mà ho hen chút xíu là cuống lên vì sợ cha bệnh, gặp cha sở giữa đường liền đứng lại cúi đầu chào cha rất kính trọng, tóm lại là giáo dân luôn dành cho cha sở hay bất cứ linh mục nào sự kính trọng đặc biệt, vì đơn giản là các ngài thay mặt Chúa.
     Nhưng có nhiều linh mục trẻ không thấy, hay không thèm thấy tình cảm và sự kính trọng ấy nơi giáo dân của mình: các ngài gặp giáo dân tuổi đáng cha chú của mình đi trước mặt mà không chào một tiếng, vì như có linh mục kia nói: mình là cha, họ phải chào mình trước (!); có linh mục trẻ măng –không biết là để tỏ ra ta đây là cha hay là gì khác -mà cứ chấp hai tay sau lưng, đi lui đi tới trước hành lang nhà thờ, thấy các cụ già đi lễ thì giương mắt mà ngó, lịch sự lắm thì gật đầu như người lớn với trẻ con vậy; có những linh mục trẻ khi nói chuyện với người lớn tuổi cở như bố mẹ của mình mà cứ xưng hô cha cha con con với họ; tôi còn thấy một linh mục trẻ khi giảng thì xưng cha con với giáo dân, mặc dù giáo dân đa phần là đáng tuổi ông bà, cha chú của mình...

     Quên đi chức vụ linh mục nơi mình, để trở thành linh mục thánh thiện của mọi người, bởi vì Đức Chúa Giê-su đã không dành cho được ngang hàng với Thiên Chúa nên đã tự hạ mình làm thân nô lệ thấp hèn để cứu chuộc nhân loại; và hãy luôn nhớ mình là một con người với nhiều khuyết điểm để sống khiêm tốn hơn với mọi người.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư 

Không lẽ không sống được sao ?


KHÔNG LẼ KHÔNG SỐNG ĐƯỢC SAO
Ngải Tử rất mê uống rượu, không ngày nào mà không say, các môn sinh cùng bàn luận với nhau:
-         “Nói thẳng thì không hiệu quả, chỉ có cách là dùng những ví dụ nguy hiểm để dọa thầy, may ra để thầy không dám uống rượu nữa”.
Một hôm, Ngải Tử sau khi uống nhiều rượu thì lại say, ói cả ra đất, các môn sinh bèn ngầm lấy ruột heo bỏ vào trong thức ăn mà ông ta vừa ói ra, và để cho ông ta xem thấy và khuyên bảo ông ta:
-         “Mỗi một người đều cần phải có lục phủ ngũ tạng mới có thể sống được, bây giờ vì thầy uống rượu mà ói ra một tạng, chỉ còn bốn tạng thì làm sao mà có thể sống được chứ ?”
Ngải tử nhìn nhìn đống đồ dơ mới ó ra, cười nói:
-         “Đường Tam Tạng còn có thể sống, ta còn nhiều hơn ông ta một cái, không lẽ không thể sống được hay sao ?!”
                                     (Ngải Tử tạp thuyết)

Suy tư:
     Đem chuyện không có ra mà dọa một ông thầy thông minh thì có nước mà...chạy làng, bởi vì thầy thì dĩ nhiên phải giỏi hơn trò.
     Có nhiều đứa con hù dọa bố mẹ: “Nếu không mua cho con cái di động thông minh thì con sẽ bỏ học mà đi bụi...”
     Có nhiều cặp tình nhân đem cái chết ra hù dọa nhau: “Nếu em không yêu anh thì anh sẽ chết trước mặt em bây giờ...”
     Có nhiều bổn đạo lợi dụng đục nước thả câu, hù dọa tố cáo cha sở của mình nơi công an phường xóm, vì quyền lợi cá nhân của họ bị cha sở và giáo dân lấy lại cho nhà xứ...
     Có nhiều tín hữu hù dọa Thiên Chúa: “Đếch thèm đi lễ, coi có Chúa nào phạt không ?”
     Hù dọa là biểu hiện một tâm hồn bất an, nhỏ nhen và không ngay thẳng, chỉ có con cái ma quỷ mới hù dọa nhau, chứ người Ki-tô hữu thì chỉ có cầu nguyện cho nhau, giúp nhau thăng tiến và cùng nhau phục vụ Chúa trong mọi người mà thôi.

     Khuyên bảo một người bằng lời nói thành thật và cuộc sống tốt lành thì hiệu quả gấp ngàn lần hù dọa...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư