Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2024

Chúa nhật 5 Phục Sinh

 




CHÚA NHẬT V PHỤC SINH


Tin Mừng : Ga 15, 1-8
“Ai ở lại trong Thầy, và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái”.

Anh chị em thân mến,
Đức Chúa Giê-su đã bật mí những điều bí mật tự cung lòng Ngài cho các tông đồ nghe, bí mật này đã hé mở cho các tông đồ thấy rõ sự tương quan giữa Ngài và các ông, và giữa những người tin vào Ngài với nhau, bí mật đó là như thế này: “Thầy là cây nho, anh em là cành”, ngắn gọn nhưng quá đầy đủ cho một sợi dây liên kết giữa Chúa và các môn đệ, đó chính là sự liên kết của tình yêu. Trong tâm tình đó, chúng ta cùng nhau chia sẻ mấy điểm sau đây :

1. Cây nho và ân sủng.
Đức Chúa Giê-su nói: “Thầy là cây nho”- cây nho không phải là một cây cổ thụ to lớn, nó cũng không phải là loại cây lưu niên ăn trái, nhưng là một loại cây bò ngang bò dọc, thân cây rất dài và cành lá cũng rất nhiều, có thể làm một cái giàn che mát cả khu đất rộng, nhưng cái đặc biệt của nó chính là nhựa sống dồi dào lưu chuyển từ thân ra các cành, từ cành ra lá ra hoa và ra trái, trái thì từng chùm, từng chùm rất đặc biệt và đẹp mắt, đó chính là cây nho.
Đức Chúa Giê-su tự ví mình như cây nho, nơi toả ra sức sống cho cả giàn nho là Hội Thánh, sức sống đó chính là ân sủng nuôi dưỡng Hội Thánh cho đến ngày Chúa lại đến. Ân sủng này, trước hết chính là các bí tích mà Đức Chúa Giê-su đã lập, trong các bí tích này ân sủng của Chúa tuôn đổ xuống trên Hội Thánh và các cành nho, tức là những ai tin vào Đức Chúa Giê-su và đón nhận Tin Mừng như là cứu cánh cho cuộc sống mới ngay tại trần gian, để tiến tới trong niềm vui trọn vẹn mai sau trên thiên đàng.
Trong cây nho có nhựa sống, trong Đức Chúa Giê-su có ân sủng, do đó, ai xa lìa khỏi Đức Chúa Giê-su tức là tự mình đoạn tuyệt với ân sủng và chết đi trong tội lỗi. Ân sủng tràn lan trên các tông đồ sau ngày phục sinh của Đức Chúa Ki-tô, và trong Ngài, các tông đồ đã trở nên những cành nho đầu tiên sinh nhiều hoa trái khác là các tín hữu sơ khai của Giáo hội, và cây nho này bò mãi dọc ngang trên khắp thế giới để che mát, để nuôi sống, để chữa lành biết bao nhiêu là linh hồn luôn kết hợp với nó.
Đó chính là sự huyền nhiệm của “Cây Nho Ki-tô”, một huyền nhiệm mà biết bao thế lực trần gian muốn đốn ngã, giết sạch, làm cỏ, cũng đành phải rút lui trong băn khoăn và kinh ngạc. Rất dễ hiểu, vì Đức Chúa Ki-tô là thân cây nho, Ngài đã chiến thắng thế gian và đang biến dần bộ mặt thế gian bằng tình yêu của Ngài qua Hội Thánh Công Giáo.

2. Cành nho lìa cành và tội lỗi.
Đức Chúa Giê-su nói: “Anh em là cành”- cành nho thì phải dính liền với thân cây nho, nó không thể dính liền với...cây cà-phê, càng không thể dính liền với cây gai. Phải dính liền để sống, nếu không thì sẽ chết khô héo, đó là định luật tự nhiên; phải dính liền để sống, sống trong ơn nghĩa với Thiên Chúa, nếu không thì sẽ chết đời đời trong hoả ngục, đó cũng là định luật, nhưng là định luật siêu nhiên mà mỗi người Ki-tô hữu đều hiểu và biết.
Cành nho là những người đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội, tức là chúng ta, những người Ki-tô hữu đã được tháp vào thân cây nho mầu nhiệm là Đức Chúa Ki-tô Phục Sinh, chính Ngài đã chết để hoà giải nhân loại với Thiên Chúa, và chính Ngài đã sống lại để tất cả chúng ta –những người tin- được tháp nhập vào Ngài nhờ bí tích Thanh Tẩy, do đó, từ ơn này đến ơn khác mà chúng ta đã lãnh nhận từ nơi thân cây nho –Đức Chúa Ki-tô- nhờ Giáo Hội và trong Giáo Hội chúng ta được lớn lên, sinh ra nhiều hoa quả là những việc lành phúc đức của mình.
Tuy nhiên, là con người, bao lâu vẫn còn ở trong thế gian thì vẫn còn chiến đấu với tội lỗi, thân cây là Đức Chúa Ki-tô không cần phải chiến đấu vì Ngài đã chiến thắng thế gian và tội lỗi, nhưng thân cây chuyển tải sức sống ân sủng cho cành nho là chúng ta, để chúng ta có đủ ơn cần thiết để sống và chiến đấu với những cám dỗ của ma quỷ, của thế gian, của tất cả những gì có thể làm hại không cho chúng ta được lớn lên và phát triển trong Đức Chúa Ki-tô và Hội Thánh của Ngài, chúng ta gọi đó là những tội lỗi: tội công khai, tội thầm kin, tội thiếu sót trong khi làm bổn phận của mình...
Tội trọng thì làm cho chúng tách lìa khỏi Thiên Chúa, tự mình đoạn tuyệt với ân sủng của Ngài, nó như nhát dao sắc bén chặt phăng cành nho rời khỏi thân cây nho, nó khiến cho chúng ta không còn liên lạc được với ân sủng của Thiên Chúa; tội nhẹ tuy không làm cho chúng ta tách lìa khỏi thân cây nho là Đức Chúa Ki-tô, nhưng nó như những nhát nhao vằm vằm trên linh hồn chúng ta, lâu ngày linh hồn (cành nho) chúng ta trở thành biến dạng, èo ọp, và dần dần khô héo rồi chết.

3. Bí tích Hoà Giải, phương thuốc kỳ diệu để chữa lành.
Càng suy nghĩ đến bí tích Hoà Giải, chúng ta càng thấy rất rõ tình yêu của Thiên Chúa đã dành cho chúng ta; chúng ta càng nhận ra đây là phương pháp tuyệt vời để cứu linh hồn của chúng ta, và hơn nữa, để chữa lành và trả lại những gì mà chúng ta đã đánh mất do tội lỗi gây ra.
- Có nhiều anh chị em ngại đi xưng tội vì nhiều lý do.
- Có người lâu ngày không đi xưng tội nên mắc cỡ không biết phải nói gì.
- Có người không muốn đi xưng tội với cha sở của mình, vì ngài hay hạch hoẹ và ngăm đe.
- Có người hồ nghi nơi cách sống của các linh mục, nên họ chỉ ăn năn và “trực tiếp” xin Chúa tha tội.
- Có người không hiểu rõ tại sao lại phải đi xưng tội thầm kín của mình với một con người cũng tội lỗi như mình.
Tất cả những lí do trên đều không quan trọng so với sự sống đời đời của linh hồn chúng ta.
Người trộm lành chỉ nói với Đức Chúa Giê-su một lời nói cuối đời với lòng ăn năn và khiêm tốn, cửa thiên đàng lập tức mở ra cho anh ta; Gia-Kêu quá hào phóng sau khi nhận ra tình yêu của Đức Chúa Giê-su dành cho mình, ông không còn mắc cỡ e ngại nữa khi nói đến tội gian dối, tham ô của mình trong việc thu thuế; cô Ma-ri-a Ma-đa-lê-na đã không mắc cỡ khi bày tỏ lòng thống hối trước mặt Đức Chúa Giê-su và trước đám đông những người biệt phái và các kinh sư. Tất cả các hành vi trên của người tội lỗi đều bắt nguồn từ một tấm lòng thống hối, một tâm tình khiêm tốn biết nhận ra hành vi sai trái của mình, và tất cả những tội nhân ấy, được sát nhập lại vào trong cây nho là Đức Chúa Giê-su và hân hoan sống trong nhà Hội Thánh của Ngài.

Anh chị em thân mến,
Hãy luôn lãnh nhận bí tích Hoà Giải để được chữa lành, là mục tử của anh chị em, tôi thấy rất rõ sự quan trọng của bí tích Hoà Giải, do đó, tôi luôn luôn tạo điều kiện để anh chị em đón nhận bí tích này cách thoải mái mà không còn sợ phải làm phiền cha sở khi muốn xưng tội, như một số anh chị em nói. Và như một khí cụ bất xứng của Thiên Chúa, tôi luôn đón nhận anh chị em đến xưng tội bất kể ngày nào giờ nào nếu anh chị em muốn, vì đó là bổn phận của một linh mục, một mục tử, một bổn phận không được khước từ, không được hoà hoãn, nhưng phải cấp tốc đáp ứng nhu cầu khẩn thiết của linh hồn anh chị em.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
---------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://www.nhantai.info

Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


67.      RẤT SỢ “ĐỘT NHIÊN”

Thời nhà Tống, có một hoạn quan tên là Xã Tiệm, bình thường rất thích cùng với các cử nhân tử sĩ giao hảo, và trong đám sĩ tử ấy Xã Tiệm lựa ra mấy câu nói của họ để cho mình sử dụng.

Khi ông ta ở tại Dương Châu và lúc trả sách lại cho bạn bè, chỉ cần nói đến sách khá lớn, thì luôn dùng câu “từ vụ khổng hồng”. (đây là câu của hoạn quan tự nghĩ ra mà nói, từ...vụ...việc...năm...này; khổng...thậm; hồng...đại).

Năm nọ, Tô Đông Pha trên đường đi qua phủ Dương Châu, quận thú Tô Tử Dung đang ngủ trưa, có Xã Tiệm ngồi bên hầu hạ. Không lâu sau, Tô Tử Dung đi ra nghênh đón, Xã Tiệm lập tức đáp lời hỏi:

-      “Tướng công vì sao cố ý đột nhiên tới”. (đột nhiên: người báo tin có người đột nhiên chết).

Khi Tô Đông Pha cùng với quận thú tương hội, thì hỏi nhỏ tên tiểu quan đang phục vụ tiếp đãi khách:

-      “Người ngồi bên cạnh là người nào vậy ?”

Đáp:

-      “Đó là người hầu hạ họ Xã”.

Đông Pha cười nói:

-      “Hôm nay người hầu hạ họ Xã ngồi bên thì không dám ngủ gật, chỉ sợ cái “đột nhiên” của ông ta mà thôi !”

                                                                  (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 67 :

        Đột nhiên chết hay chết bất ngờ thì đều đem lại sự sợ hãi cho con người, ý nghĩa của đột nhiên và bất ngờ thì giống nhau, cả hai đều có nghĩa là bất ngờ đến và bất chợt đi.

        Ai cũng sợ chết bất ngờ và ai cũng sợ tai nạn bất ngờ xảy ra, bởi vì con người ta ít khi mà nghĩ đến cái hậu quả của ngày mai, mà cái hậu quả của ngày mai thì khó mà lường trước được, cho nên ai ai cũng yêu vội sống vàng cho hưởng được cái hôm nay cho đầy đủ, mà không chuẩn bị cho cái bất ngờ sẽ đến...

        Người Ki-tô hữu chắc chắn cũng sợ cái bất ngờ mà đến, cho nên họ luôn chuẩn bị tâm hồn để “ngày bất chợt” đến thì họ vẫn bình thản đón nhận: ngày bất chợt đến là ngày khốn khó, ngày tai ương, những tù đày và cả sự chết, bởi vì họ có một “bảo bối” chắc chắn để đón nhận ngày bất chợt đến mà không sợ hãi, đó chính là lời dạy của Đức Chúa Giê-su: “Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chình giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến”[1]. Đây là lời của vị đại tiên tri, là lời của Thiên Chúa, là lời hằng sống, cho nên không thể sai lầm và không thể qua đi theo giòng thời gian.

        Tô Đông Pha sợ cái “đột nhiên” của tên hoạn quan Xã Tiệm, vì tên hoạn quan ăn nói không đầu không đuôi dễ...mất lòng người khác; còn cái đột nhiên bất ngờ của Đức Chúa Giê-su nói thì không tầm bậy, nhưng sẽ được thực hiện khi chúng ta không ngờ thì nó sẽ đến mà không trì hoãn...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Mt 24, 44.

Thứ Năm, 25 tháng 4, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


66.      HOẠN QUAN KÉM CỎI

Có một hoạn quan nọ rất quyền thế cùng uống rượu với những người làm quan.

Những người làm quan chuyện trò rất ăn ý, bắt chuyện lẫn nhau, còn hoạn quan thì nhạt nhẽo ngồi bên, không nói được lời nào, đúng lúc nhìn lên trần nhà thấy khói mù cuộn vòng thì muốn nói hơi khói quá đậm, nhưng lại nói lầm câu trong “luận ngữ”:

-      Tại sao nhất định phải nói lời hay khi tranh biện chứ ?”[1].

Những người làm quan vừa nghe được thì hồ nghi tên hoạn quan này chế giễu họ, nên đợi đến khi tiệc rượu xong và lúc đứng dậy đi về, thì những người làm quan đều ngước đầu lên nhìn thấy khói và nói:

-      “Khói nhiều”.

Lúc này mọi người mới xóa bỏ ngờ vực, và biết tên hoạn quan trí thức kém cỏi nói lầm chữ “khói” thành chữ “tại sao” nên càng cười lớn hơn nữa.

                                                                  (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 66 :

        Các nhà khoa học đã khuyến cáo rằng uống rượu nhiều sẽ làm giảm trí nhớ, hại gan, khả năng có con tỷ lệ rất thấp. Tên hoạn quan dứt khoát là không có con, trí nhớ thì bị giảm nên nói không đầu không đuôi, và có lẽ là ông ta bị bệnh gan nên các quan không muốn bắt chuyện vì sợ...lây bệnh !

        Nhưng có một hậu quả rất thảm khốc cho những người làm quan khi uống rượu, đó là mất đi nhân cách của mình và làm xấu đi thể diện dân tộc.

        Linh mục thích uống rượu đã thấy chướng mắt giáo dân, huống chi là một linh mục say rượu, không những mất đi nhân cách cá nhân của mình mà còn làm mất thể diện của Thiên Chúa, của Giáo Hội và của giáo xứ. Khi một linh mục say rượu thì người ta sẽ buồn và oán trách Thiên Chúa : “Lạy Chúa, sao Ngài chọn người say rượu thay mặt Ngài ?”. Người ta cũng oán trách Giáo Hội : “Sao các giám mục và bề trên lại chọn người say rượu làm linh mục ?”. Giáo dân sẽ chê cười và hổ thẹn vì cha sở của mình say rượu : “Ông cha mất nết”...

        Giảm uy tín của mình thì không đáng kể, bởi vì khi linh mục say rượu thì hết uy tín nên không sợ mất và cũng không sợ giảm, nhưng sẽ là một lỗi lầm to lớn vì không một người say rượu nào có thể đi vững vàng hiên ngang trên đường, nhưng sẽ té vào cột đèn đường, rơi xuống hồ ao, lăn vào trong bụi tre.v.v...

Linh mục cũng là “hoạn quan” nhưng là hoạn vì Nước Trời chứ không phải hoạn vì ông vua và hoàng hậu, hoặc hoạn vì muốn được hưởng bỗng lộc của nhà vua, cho nên sẽ rất đáng tiếc khi các ngài thích uống rượu quá mức cho phép.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Sách “luận ngữ” viết : “Yên dụng nịnh”. Chữ “tại sao” (cổ ngữ) và chữ “khói” phát âm giống nhau là “yen”, nên tên hoạn quan bị lầm.

Thứ Tư, 24 tháng 4, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


65.      NGỰA BÉO LỢN BỆNH

Có năm nọ vào thời nhà Minh, cứ ba năm thì có một năm tổ chức thi cử, các ứng sinh của các châu phủ huyện tấp nập đổ về tỉnh thành, quan chấm thi thì do triều đình phái đến, người thi đỗ thì được làm cử nhân.

Có một hoạn quan đầy quyền thế nói với các thí sinh:

-      “Hôm nay thi thì khỏi viết luận văn, chỉ cần viết một câu đối, đáp đúng thì nhất định được chọn.”

Nói xong thì xuất một câu đối:

-      “Tử Lộ ngồi ngựa béo”[1].

Các thí sinh nghe xong thì cười thầm, có một thí sinh cố ý đùa giỡn nên đối lại:

-      “Nghiêu Thuấn cưỡi lợn bệnh.”[2]

Hoạn quan không biết xuất xứ của nó, càng không biết là bị cười nhạo, nên liên tục tán thành câu đối có nắn nót tuyệt diệu ấy !

                                                                  (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 65 :

        Hoạn quan là người chỉ có phục vụ vua và hoàng hậu, chứ không thể ra đề thi và chấm bài thi cho các tử sĩ, vì như thế là không hợp cách dù cho hoạn quan có thông minh. Khi hoạn quan làm quan khảo hạch thì có nghĩa là triều đình không có người tài giỏi hoặc là lạm quyền nhà vua để hống hách với các thí sinh...

        Câu đối của hoạn quan và câu đối lại của thí sinh thật ăn khớp, nhưng lại không có trong sách thánh hiền vì hoạn quan đã ra đề tầm bậy nên có câu đáp tầm bậy của thí sinh.

        Lời của Thiên Chúa thì trước sau như một và rất phù hợp cho mọi hoàn cảnh, nó không như những bài luận văn, những câu đối, những bài viết có tính cách thời sự. Lời của Thiên Chúa không phải là lời của con người nên không thể đem cái kiêu ngạo của con người ra mà suy luận, nhưng đem cái khiêm tốn của mình ra để nhận thấy ý của Thiên Chúa trong cuộc sống của mình qua Lời Chúa trong thánh kinh.

        Có những “hoạn quan” là tiên tri giả xuất hiện, họ nói lời của Thiên Chúa nhưng lại thực hành theo lời của ma quỷ, họ dạy người khác lời của Đấng Hằng Sống nhưng mình lại làm theo điều dạy của sa tan, những hoạn quan tiên tri giả này thời nào cũng có, nhất là vào thời điểm con người coi sự hưởng thụ là mục đích của họ...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Câu này trong sách “luận ngữ”: Khổng tử muốn các học trò nói về chí hướng, Tử Lộ nói: “Nguyện xe mã, y khinh cầu, dữ bằng hữu cộng, tệ chi nhi vô hám”, nhưng câu này bị tên hoạn quan bỏ mất.

[2] Câu này đồng âm với câu: “Nghiêu Thuấn kỳ bệnh lợn” trong sách “luận ngữ”.

Thứ Ba, 23 tháng 4, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


64.      ĐẠT LỖ HOA XÍCH

Thời nhà Nguyên, người Hán không thể đảm nhận những chức chính quan, nhưng thực quyền đều do người Mông Cổ nắm trong tay, nên các châu phủ đều thành lập “đạt lỗ hoa xích”[1], họ không truyền đạt bằng ngôn ngữ, nên khi nói chuyện thì phải dùng đến thông dịch.

Ở Giang Nam có một tăng nhân, điền xã bị cường hào xâm chiếm nên viết thư tố tụng, các phú hào biết được nên hối lộ cho quan phiên dịch, Đạt Lỗ Hoa Xích hỏi nhà sư tố tụng chuyện gì ?

Người dịch trả lời:

-      “Tăng nhân nói: mấy cái trời hạn này, lão tăng tình nguyện tự thiêu để cầu mưa, xin giữ lời hứa”.

Đạt Lỗ Hoa Xích phấn khởi tán thành tăng nhân, ra lệnh đem mẫu đơn để kiện tụng đến. Người phiên dịch lập tức lén thay đổi trình tự của đơn kiện tụng, Đạt Hoa Lỗ Xích không hiểu chữ Hán, nhưng vẫn cứ làm bộ làm tịch xem qua một lượt, cầm bút phê:

-      “Có thể”.

Tăng nhân không biết là người phiên dịch làm trò láu cá, nên bị hơn mười người kéo ném vào trong lửa đốt cháy mà chết.

                                                                  (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 64 :

        Ngôn ngữ là chìa khóa để mở cánh cửa tri thức của con người, nó cũng là “con mắt” để nhìn thấy thế giới bên ngoài của con người, cho nên nó sẽ là một “đại họa” cho người không biết chữ trong xã hội hôm nay.

        Truyền giáo, trước tiên là phải biết ngôn ngữ địa phương nơi mà mình đến phục vụ, nếu không nó cũng là một “đại họa” cho những người truyền giáo. Dù cho chúng ta có trong tay mấy cái văn bằng tiến sĩ nhưng ngôn ngữ của người địa phương anh không biết nói thì các bằng tiến sĩ ấy chỉ có...xếp giàn khói, dù cho chúng ta có thông thiên văn giỏi địa lý, mà chúng ta không hiểu biết ngôn ngữ của của người bản xứ địa phương mà chúng ta đến truyền giáo thì cũng vô ích...

        Truyền giáo trước tiên là nói rồi đến thực hành nên mới gọi là “ngôn hành”, sau đó thì ngôn hành đi đôi với nhau gọi là ngôn hành nhất nhất.

        Không biết ngôn ngữ thì không thể truyền đạt giáo lý cho người địa phương, không biết ngôn ngữ thì không thể diễn đạt những kiến thức mà mình đã học được khi nhận văn bằng tiến sĩ...

        Có một vài linh mục đi truyền giáo nhưng không chuyên tâm soạn bài giảng, cho nên khi giảng bằng ngôn ngữ của người bản xứ thì họ không hiểu gì cả, hoặc có soạn nhưng vì tự ái mà không nhận những góp ý của người khác, nên khi giảng thì giống như tra tấn lổ tai người bản xứ bởi vì họ không hiểu cha chủ tế giảng gì...

        Giáo dân người bản xứ rất hiểu và thông cảm cho các linh mục người ngoại quốc nên họ vui vẻ cố gắng hiểu ý bài giảng của các ngài, nhưng không phải vì thế mà chúng ta tự hào là đã giảng bài giảng hay mà không chuẩn bị. Nếu không chuẩn bị bài giảng thì coi như chúng ta coi thường giáo dân bản xứ, và cuối cùng thì họ có hai cách phản ứng: một là nói thẳng (góp ý) với các linh mục là nên cố gắng học hỏi, hai là họ bỏ nhà thờ để đi qua nhà thờ khác dự lễ để nghe giảng dễ dàng hơn...

        Khiêm tốn để học hỏi chính là giảm bớt được một “đại hoạ” cho mình và cho giáo dân nơi địa phương mình truyền giáo.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Tên của một chức quan, ý của nó giống như là tổng quản lý.

Thứ Hai, 22 tháng 4, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


63.      BẮT ĐẦU VIẾT LẠI TRÊN MẶT

Lúc Trần Đông làm quan ở Tô Châu, thì đã ra lệnh cho thuộc hạ tiến hành xử “mặt hình”[1] cho một tên tội phạm sung quân đi lính, thích lên mặt ba chữ “đặc thích phối”.

Các quan chức văn võ trong mạc phủ nhìn thấy thì nói:

-      “Nếu phạm nhân mà thích chữ “đặc” thì tội hình sẽ là một loại xa lắc xa lơ với phạm nhân này, nếu sử dụng “chữ đặc” thì quyền là ở nơi triều đình, phủ Tô Châu của chúng ta nhỏ tí xíu không thể dùng nó được !”

Trần Đông lập tức sửa chữa lại, ra lệnh cho thuộc hạ đổi chữ “chuẩn điều”[2] thay cho chữ “đặc thích” và bắt đầu khắc lại. Về sau, lúc có người ở triều đình đề cử Trần Đông là người tài cán, có vị quan nọ ở triều đình hỏi:

-      “Có phải Trần Đông là người đã bắt đầu viết lại bản thảo trên mặt người không ?”

                                                                   (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 63 :

        Làm quan mà không suy xét kỷ trước khi ra lệnh thì hậu quả khó lường được, không những hại người mà còn mất uy tín của mình.

        Có một vài linh mục cứ tưởng mình là ông vua nên ăn nói ngang tàng không nể nang một ai, làm cho giáo dân không nhìn thấy được Đức Chúa Giê-su nơi các ngài; có một vài quý vị trong ban hành giáo làm việc bên cạnh cha sở nên cứ tưởng mình là cha sở, thế là ăn nói kẻ cả với giáo dân như cha sở,  làm cho giáo dân không muốn đến cộng tác với cha sở...

        Không ai có uy tín cho bằng linh mục bởi vì các ngài là những người đại diện Đấng giảng dạy có quyền uy, không ai được đưa lên cao như các linh mục bởi vì các ngài được chọn khi còn là những tội nhân ngập mình trong đống bùn nhơ tội lỗi, và không ai bị án nặng nề như các linh mục nếu các ngài không ý thức và sống đúng với những gì mà mình đã lãnh nhận cách nhưng không từ nơi Thiên Chúa, bởi vì càng cao danh vọng thì càng nhiều gian nan...

        Người đời thường nhớ hoài những khuyết điểm và những chuyện không tốt của người khác, nhưng lại rất hay quên những ưu điểm và chuyện tốt lành của tha nhân đã làm cho mình.

Trái lại, linh mục thì thường nhớ đến những ưu điểm và những việc tốt của người khác, và quên rất nhanh những khuyết điểm của họ để học hỏi và cộng tác, như thế thì các ngài sẽ mắc rất ít sai lầm khi làm công tác truyền giáo trong thời đại nay.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Là hình phạt lấy dao khắc trên má rồi lại bôi mực lên.

[2] Căn cứ theo điều khoản của pháp luật.

Chủ Nhật, 21 tháng 4, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


62.      SỢ SAI LẠI BỊ SAI

Con rể của Tấn Minh đế, là phò mã đông Tấn Dân tên là  Huyễn Ôn chuẩn bị đề cử Đoạn Hạo làm thượng thư, nhưng trước đó thì viết cho Đoạn Hạo một bức thư.

Đoạn Hạo vui vẻ viết thư hồi âm, sau khi viết xong thì sợ có chỗ sai, nên dán xong thì mở ra coi lại, coi rồi lại dán, làm như thế đến bốn năm lần.

Cuối cùng thì gởi cái bao thư rỗng ruột đi.

Huyễn Ôn nhận được cái bao thư rỗng ruột thì nổi giận, nên Đoạn Hạo cũng không được làm thượng thư.

                                                                  (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 62 :

        Bối rối là một loại tâm bệnh, tâm bệnh này có thể ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của cá nhân hoặc ảnh hưởng đến đời sống của cộng đoàn...

        Làm linh mục mà có bệnh bối rối thì không thể ngồi tòa cho giáo dân, bởi vì bệnh bối rối không thể làm cho các ngài phán đoán đúng như những gì Giáo Hội đã dạy; bệnh bối rối cũng làm cho linh mục không thể hướng dẫn giáo dân trong đời sống thiêng liêng được, bởi vì đối với các ngài tất cả đều còn trong “vòng hồ nghi” không biết phải xử lý như thế nào cho phải...

        Người có bệnh bối rối thì cuộc sống không được bình thường: thái quá hoặc bất cập.

        Người có bệnh bối rối mà sống trong cộng đoàn thì sẽ trở nên gánh nặng cho cộng đoàn, bởi vì mọi phán đoán của họ đều trở nên nặng nề hoặc quá đơn giản, nên không có sự hợp tác của những anh em chị em trong cộng đoàn.

        Người có bệnh bối rối muốn làm linh mục hay làm tu sĩ thì trước hết phải chữa bệnh cho lành đã, bằng không thì sẽ gây “sốc” lớn cho mọi người một khi họ trở thành kẻ lãnh đạo.

        Vì bối rối nên Đoạn Hạo dù đã coi lui coi tới nhiều lần nhưng cuối cùng thì gởi cái bao thư rỗng ruột cho phò mã, và thế là mất cả chỉ lẫn chài (mất chức vụ và mất lòng tin của người khác); cũng vậy, làm linh mục tu sĩ mà có bệnh bối rối thì cũng sẽ làm cho giáo dân ngày càng sợ Thiên Chúa hơn, vì những phán đoán của họ.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2024

Chúa nhật 4 phục sinh

 


CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH

(Ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu)

Tin Mừng : Ga 10, 11-18
“Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình vì đàn chiên”.

Anh chị em thân mến,
Hôm nay chúa nhật thứ tư Phục Sinh, là ngày mà Giáo Hội mời gọi chúng ta cầu nguyện cách chung cho hàng giáo phẩm của Giáo Hội, và cách riêng cho ơn thiên triệu, tức là cầu nguyện cho có nhiều tâm hồn nhiệt thành đáp lại lời mời gọi của Chúa làm linh mục và tu sĩ, để rao giảng Tin Mừng Nước Trời cho mọi người.

1. Ơn thiên triệu là hạt giống của Nước Trời.
Hạt giống siêu nhiên chính là Lời Chúa gieo vào tâm hồn của chúng ta, tâm hồn chính là mảnh đất, nhưng tốt xấu là tuỳ mỗi người, và Lời Chúa được tiêu hoá biến đổi tâm hồn người đón nhận nó: có người thì trở nên thánh tử đạo, có người trở nên vị ẩn tu, có người trở nên người cha người mẹ gương mẫu đạo đức trong gia đình; lại có người được Lời Chúa biến đổi để trở nên những thợ gặt truyền giáo của Ngài trong ơn gọi làm linh mục và tu sĩ.
Ơn gọi làm linh mục cũng như ơn gọi làm tu sĩ là một sự tuyển chọn độc quyền mà Thiên Chúa chỉ dành cho mình, Ngài không đem quyền này ban lại cho ai, nhưng Ngài sẽ trao ban cho các mục tử của Giáo Hội Công Giáo, để Giáo Hội tuyển chọn những ai thành tâm tự nguyện đáp lại lời gọi của Thiên Chúa hiến dâng cuộc sống của mình để rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và ban ơn để họ chu toàn trách nhiệm và bổn phận của mình.
Trong thực tế, chúng ta thấy có rất nhiều người vào chủng viện, vào dòng tu, nhưng rất ít người bền đổ đến cùng, và rồi có một số linh mục tu sĩ lại “đứt gánh nửa đường” cởi áo dòng tu trở về với cuộc sống đời thường của một giáo dân, phải chăng Thiên Chúa đã lầm khi chọn họ ? Phải chăng Thiên Chúa đã làm một công việc rất là “mất uy tín” cho mình khi có nhiều người được chọn đã bỏ ra đi ?
Thiên Chúa không sai lầm khi chọn các linh mục và tu sĩ, nhưng chính những người được chọn đã sai lầm trong khi đáp trả lại tình yêu thương của Thiên Chúa đối với họ, những người này Thiên Chúa không bắt cóc bỏ dĩa, có nghĩa là Ngài không đột xuất ép buộc họ lập tức trở thành linh mục hay trở thành một tu sĩ ngay, nhưng qua một thời gian dài đăng đẳng, Ngài để họ sống trong một môi trường thuận lợi để được huấn luyện trở thành những thợ gặt nhiệt thành, với nhiều thử thách, với nhiều hồng ân để họ nhận ra rằng chính mình được Thiên Chúa tuyển chọn, và chính họ, tự thâm tâm đều biết rằng: Thiên Chúa quá yêu thương họ hơn bất cứ người nào. Nhưng vì thế gian, vì cám dỗ, vì không đề cao cảnh giác trước cám dỗ, và nhất là vì không cầu nguyện, nên họ đã –có thể nói- coi thường tình thương của Chúa đối với họ, và khi họ đã hoàn tục trở nên cuộc sống khác, thì tự lương tâm họ vẫn thấy hối hận và day dứt... Chúng ta cầu nguyện cho họ được bằng an.

2. Đức Chúa Giê-su, mục tử của các mục tử.
Trước hết Ngài là một vị mục tử nhân lành, cái nhân lành vĩ đại nhất mà chúng ta thấy được nơi Ngài, đó là sự chọn lựa các mục tử –các linh mục- những người bất toàn, tội lỗi để nối tiếp công việc chăm nom đoàn chiên của Ngài, Ngài nhân lành đến độ có những mục tử đã làm “mất uy tín” của Ngài, nhưng Ngài vẫn yêu thương và nói được là vâng lời họ, khi họ cử hành thánh lễ và các bí tích vì ích lợi của đàn chiên.
Đây là một mẫu gương về sự nhân lành của một mục tử là yêu thương và chăm sóc, chữa lành và tha thứ, để trong khi thi hành sứ mệnh của một mục tử, các linh mục của Chúa cũng biết trãi rộng tâm hồn của mình trên đàn chiên của các ngài.
Đức Chúa Giê-su là một mục tử rất tận tuỵ vì đàn chiên, Ngài đã bôn ba khắp miền Ga-li-lê và vùng lân cận để rao giảng Tin Mừng, để chữa lành, để an ủi để tìm kiếm những người tội lỗi, Ngài muốn mỗi mục tử của Ngài là các linh mục cũng biết tận tụy, hi sinh vì đàn chiên của mình...
Anh chị em thân mến,
Có rất nhiều vị mục tử của chúng ta đã hết lòng vì đàn chiên, các ngài không quản ngại mưa gió đêm hôm để đi đến với giáo dân và ban các bí tích sau cùng cho họ; các ngài không ngại hy sinh, có khi bị nhục nhã, bị vu khống, bị bắt bớ, để đi đến với giáo dân đã rời khỏi đàn chiên, do đó mà các ngài rất cần đến lời cầu nguyện và hy sinh của chúng ta.
Trong thánh lễ này, chúng ta đặc biệt cầu cho các cha sở là những vị mục tử đã sống chết vì đàn chiên vì Giáo Hội, chúng ta cũng cầu nguyện cho các tu sĩ nam nữ, họ cũng chính là những môn đệ của Chúa, là những cánh tay đắc lực giúp đỡ Giáo Hội và các linh mục trong ơn gọi của họ. Chúng ta cũng cầu nguyện cho các thanh niên nam nữ biết hăng hái, mau mắn đáp trả lại lời mời gọi của Thiên Chúa, để họ cũng trở nên những tông đồ nhiệt thành phục vụ Chúa trong xã hội hôm nay trong ơn gọi tu trì của mình.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
-----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://www.nhantai.info

Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


61.      NHẬN GÁI ĐĨ LÀM MẸ

       trong tỉnh Phúc Kiến có một cô gái làm đĩ, mặc dù dung mạo không còn sắc sảo như trước, nhưng vẫn còn mấy phần nhan sắc, nhưng tìm nơi để kiếm chồng thì hình như không được như ý.

Lại có một con trai của người Phúc Kiến, từ nhỏ đã tiến cung làm hoạn quan, nghe nói mẹ ở Thượng Kiến bèn sai người đi mời mẹ đến đoàn tụ.

Bà mẹ rất phấn khởi đi đến đợi ngoài cung, hoạn quan vừa nhìn thấy mẹ mình tuổi đã lớn, dung mạo khó coi, bèn nói với người hầu:

-      “Đây không phải là mẹ của ta, mẹ của ta làm gì mà xấu như xạ xoa thế này ?”

Nói xong thì nghênh ngang bỏ đi.

Sau đó, người hầu thấy ông ta ham hư vinh, bèn đến Phúc Kiến tìm kiếm người phụ nữ đẹp, thì tìm được gái đĩ ấy và đem về cung. Quả nhiên tên hoạn quan bái kiến nhận gái đĩ làm mẹ mình.

                                                                  (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 61 :

        Người ta có thể nhận giặc làm mẹ vì hiểu lầm chứ không ai nhận đĩ làm mẹ, nhưng trên cõi đời này không có chuyện gì mà không xảy ra, cho nên chuyện nhận đĩ làm mẹ thì cũng có thật.

        Chuyện tên hoạn quan vì thích hư vinh mà nhận gái đĩ làm mẹ, cũng giống như chuyện người Ki-tô hữu vì tham lam những sự thế gian mà nhận ma quỷ làm chúa, làm cha mẹ của mình vậy. Họ là những người con cái của Thiên Chúa nhưng đã phủ nhận Ngài là cha của mình, họ là những người môn đệ của Đức Chúa Giê-su nhưng tự nhận mình là đệ tử của ma quỷ, khi họ đã vì hư vinh mà chối bỏ ân sủng của bí tích Rửa Tội là nguồi mạch mọi ân sủng của Thiên Chúa...

        Thời nay hình như không ai nhận gái đĩ làm mẹ vì khoa học ngày càng tiến bộ để xác minh lý lịch, nhưng thời nay vẫn còn có rất nhiều người mang danh Ki-tô hữu vui lòng nhận ma quỷ là phụ mẫu của mình, họ không cậy nhờ đến ân sủng của Thiên Chúa để “xác minh lý lịch” thiêng liêng của mình, nhưng lại dựa vào sự dối gạt danh vọng phù phiếm của ma quỷ để làm cho mình trở thành con cái của nó.

        Thảm hại thay !


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Năm, 18 tháng 4, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


60.      TƯỞNG LẦM MÀ KHÔNG LẦM

Vào thời Minh Mục Tông, vợ của quận Thiệu Hưng là quận hầu Sầm mang thai sắp lâm bồn.

Một hôm, quận hầu Sầm đi ra khỏi nhà, có người đi bộ né không kịp nên tông vào ông ta và thế là bị trói đem vào trong phủ.

Quận hầu Sầm hỏi:

-      “Mày làm việc gì ?”

Đáp:

-      “Coi tướng số”.

Quận hầu Sầm hào hứng lên bèn hỏi:

-      “Vợ của ta có thai, là “lộng chương hay là lộng ngõa”[1].

Người tướng số không hiểu “lộng chương lộng ngõa” là gì nên trả lời cách hồ đồ:

-      “Chương cũng lộng, ngõa cũng lộng”.

Quận hầu Sầm giận dữ nặng lời chỉ trích người coi tướng bất tài. Không đầy mấy ngày sau, vợ của ông ta sinh đôi một trai và một gái, người coi tướng nổi danh từ đó, được vinh dự là “coi tướng như thần”.

                                                                  (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 60 :

        Có những lời nói đoán mò nhưng lại đúng vào thời điểm nên được gọi là “coi tướng như thần”; có những lời nói đúng nhưng sai thời điểm nên bị coi là kẻ phá hoại. Con người ta thường hay phán đoán theo tình cảm cá nhân chứ ít khi phán đoán theo tinh thần Phúc Âm của Đức Chúa Giê-su.

        Sinh con trai hay con gái thì thời nay khoa học đều có thể biết vì có máy siêu âm, nhưng để biết tính tình của con tốt hay xấu thì chỉ có...trời mới biết được.

        Thời nay người ta cậy vào sự tiến bộ khoa học của y khoa để giết con mình: mình thích con trai nhưng siêu âm thấy bào thai là con gái thì giết nó ngay trong bụng mẹ, gọi là phá thai, hoặc nếu không thích con trai nhưng bào thai là con trai thì giết đi, tất cả hành động này được gọi là tàn nhẫn vô nhân đạo và cha mẹ sẽ chịu tất cả những hậu quả trước mặt Thiên Chúa ngay đời này và đời sau, bởi vì con cái (con trai hay con gái) đều là món quà vô giá mà Thiên Chúa đã ban tặng cho cha mẹ...

        Sinh con trai hay sinh con gái đều do Thiên Chúa chứ không phải do cha mẹ muốn, bởi vì Ngài biết gia đình này cần con trai hơn con gái, hoặc cần con gái hơn con trai, nhưng giết con từ trong bào thai là ý muốn của cha mẹ, bởi vì cha mẹ chỉ biết theo ý riêng của mình mà không nhìn thấy thánh ý của Thiên Chúa qua con cái của mình, cho nên trên thế gian hằng ngày vẫn có rất nhiều nhiều thai nhi bị giết chính tay cha mẹ ruột của mình.

        Điều răn thứ năm của Thiên Chúa: chớ giết người.

        Nhưng cha mẹ lại đi giết con ruột vì tính ích kỷ của mình, đó là hành động của kẻ sát nhân hơn mọi kẻ sát nhân.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] “Lộng chương” “lộng ngõa” ý nghĩa là “sinh con trai” “sinh con gái”.