Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2013

Chúa nhật 26 thường niên

CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN
 
 

Tin mừng : Lc 16, 19-31

“Con đã nhận phần phước của con rồi, còn La-da-rô suốt một đời chịu hoàn toàn những bất hạnh. Bây giờ La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ”.

Bạn thân mến,
Bài Tin Mừng hôm nay Đức Chúa Giê-su đưa ra cho chúng ta thấy một bức tranh hai bối cảnh: giàu và nghèo, phúc và hoạ qua dụ ngôn người giàu có và người nghèo La-da-rô; đây cũng là bức tranh của thế giới ngày nay, nơi có nhiều người cơm không có ăn áo không có mặc, họ đang sống cùng sống với những người giàu có dư thừa tiền bạc, phung phí thức ăn và sống xa hoa với những nhu cầu không cần thiết cho cuộc sống.

Giàu

Ông phú hộ giàu có ngày ngày yến tiệc linh đình, xa hoa hưởng thụ và đắm chìm trong những thú vui, ông sáng mắt trước những tờ giấy bạc và những đồng vàng lóe mắt, nhưng lại “đui mù” trước cảnh nghèo khó của anh La-da-rô.

Đây là một thảm kịch thường xảy ra trong xã hội hôm nay cũng như xã hội thời Đức Chúa Giê-su, đây cũng là thảm hoạ cho người giàu có vật chất nhưng lại thiếu thốn về tinh thần yêu thương anh em đồng loại, bởi vì Đức Chúa Giê-su qua bài dụ ngôn rất sống động hôm nay đã cảnh cáo chúng ta –những người giàu có- về cách thức sử dụng của cải mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta…

Nghèo

Anh La-da-rô nghèo khổ đói ăn ngồi trước cổng nhà của người phú hộ đang yến tiệc tưng bừng, anh hy vọng nhặt được những miếng bánh vụn từ bàn tiệc của thực khách rơi xuống để ăn cho đỡ đói, nhưng không ai cho, nghèo như anh thì thật là quá nghèo, và càng buồn tủi hơn nữa khi thân phận của mình còn thua một con chó của người phú hộ kia.

Anh La-da-rô là hình ảnh thật của những người nghèo hôm nay đang ngồi ăn xin bên lề đường, trước cổng nhà thờ và có khi trước cửa nhà chúng ta, người nghèo ấy là hình ảnh của Đức Chúa Giê-su quằn quại đau thương trên thập giá đang chờ sự an ủi giúp đỡ của chúng ta.

Nghèo vật chất còn dễ chịu hơn là nghèo tình thương, bởi vì nghèo vật chất thì người khác có thể giúp đỡ, nhưng nghèo tình thương thì chỉ có ân sủng của Thiên Chúa mới làm cho họ được an vui, mà ân sủng của Thiên Chúa làm sao để xuống trong tâm hồn họ, khi mà họ vẫn không mở rộng tâm hồn để đón nhận những người nghèo !

Phúc

Đức Chúa Giê-su đã nói: “Phúc cho những ai có tâm hồn nghèo khó vì Nước Trời là của họ”[1], nghèo khó là phúc vì đó là lời khẳng định của Đức Chúa Giê-su, nhưng rất ít người coi đó là hạnh phúc của mình, nên họ vẫn thấy cuộc sống của mình quá phủ phàng, và oán trách Thiên Chúa bất công.

Phúc không hệ tại ở vật chất nhưng ở tại tâm hồn có  Chúa hay không mà thôi, bởi vì một khi trong tâm hồn có Chúa thì giàu hay nghèo, sung sướng hay khổ cực cũng đều là phúc thật, nhưng nếu trong tâm hồn không có Chúa thì đúng là nghèo và đau khổ thật. Anh La-da-rô đã có phúc vì anh vui lòng chấp nhận cảnh nghèo mà không oán trời trách người, cho nên anh đã được thưởng phúc trên thiên đàng.

Hoạ

Người phú hộ giàu có đã gặp hoạ, không phải vì ông giàu mà gặp hoạ, nhưng là vì ông ta sống dửng dưng với anh em đồng loại của mình đang nghèo đói ngồi ăn xin trước cửa nhà.

Hoạ ở đời này và hoạ ở đời sau thì khác nhau xa vô cùng, con người ta ai cũng nghĩ đến cái hoạ của mình trong cuộc sống đời này thì sợ hãi, nhưng lại không nghĩ đến cái hoạ đời sau để mà tu thân tích đức, thương người như thể thương thân.

Cái họa ở đời này đôi lúc là cái phúc cho người biết nhẫn nhục và chấp nhận nó, nhưng cái hoạ đời sau thì không thể biến thành phúc được, bởi vì cái khoảng cách biến đổi hoạ thành phúc ấy chỉ có ở đời này mà thôi…

Bạn thân mến,
Đức Chúa Giê-su mời gọi chúng ta đem tình thương của Ngài trải rộng khắp trong cuộc sống đời thường của mình nơi những anh chị em nghèo khó, bởi vì đó chính là phương thế biến hoạ thành phúc của người Ki-tô hữu ở đời này.

Giàu chưa phải là họa mà nghèo cũng không phải là phúc, nhưng hoạ phúc là do tâm hồn của chúng ta có bóng dáng của Thiên Chúa hay không mà thôi.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
 




[1] Mt 5, 3.

Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

Không bao giờ thương lượng được

KHÔNG BAO GIỜ THƯƠNG LƯỢNG ĐƯỢC
 
 

Thời đại nhà Châu có một người yêu thích và quý trọng đặc biệt áo da con cáo và những thực phẩm quý báu.

     Ông ta khao khát ước mơ, muốn may một cái áo da cáo trị giá ngàn vàng, lại còn muốn chuẩn bị một bàn cao lương mỹ vị để cúng tế. Ông ta vì việc ấy mà trân trọng đi thương lượng với con cáo, muốn đoạt bộ lông của nó và muốn thương lượng với dê để cắt thịt của nó.

     Nhưng, không đợi ông ta nói hết câu thì cáo và dê đều bỏ chạy.

     Do đó, người nước Châu ấy đã mười năm rồi mà cũng không có thể may được một cái áo da, năm năm rồi mà cũng không làm được một mâm cao lương mỹ vị.
(Phù tử)

Suy tư:

     Có người vì muốn được nổi danh nên trân trọng đi thương lượng với tội lỗi, nghĩa là họ bỏ qua những lời cảnh cáo của lương tâm, bỏ qua những khuyên bảo của người thân, bỏ qua những thói quen tốt đẹp như đi lễ ngày chúa nhật, tham dự cách sốt sắng các bí tích, tích cực sinh hoạt trong cộng đoàn giáo xứ.v.v... để thương lượng với tội lỗi rằng: “Những thứ đó (việc đạo đức) tôi sẽ làm sau, bây giờ tôi cần phải hạ bệ thằng cha đó, bội nhọ con mẹ ấy để chúng nó mất tiếng tốt, tôi cần phải nổi danh, mọi người phải biết tên tôi...” – Thế là rỉ tai người này, nhỏ to với người nọ, nói xấu kẻ kia...

     Ý nghĩa của thương lượng là hai bên cùng có lợi, nhưng khi thương lượng với tội lỗi thì chỉ có một mình ma quỷ là có lợi, còn chúng ta thì thiệt thòi rất lớn. Cái lợi của ma quỷ là tóm được linh hồn của chúng ta, còn cái thiệt thòi của chúng ta là bị mất linh hồn của mình đời đời trong hoả ngục.

Một cuộc thương lượng thiệt thòi, dứt khoát là tôi sẽ không thương lượng kiểu này hay kiểu khác với ma quỷ, với tội lỗi, vì ma quỷ thì xảo quyệt vô cùng.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

Gà chó lên trời

GÀ CHÓ LÊN TRỜI
 
 

     Lưu An thờ đạo giáo thường hay tìm kiếm thuật thần thánh ở cõi tiên.

     Có một lần anh ta gặp một tiên ông gọi là Bát Công, truyền thụ cho anh ta một phương pháp luyện chế thuốc tiên, thế là anh ta cứ theo đó mà bào chế, sau khi luyện xong thuốc tiên liền uống và bay thẳng lên trời cao.

     Ở trong sân còn một viên thuốc tiên, mèo chó trong nhà của anh ta tưởng đó là đồ ăn, nên sau khi ăn thì gà chó cũng biến thành tiên bay lên trời, trên không trung đầy những tiếng kêu của chó và gà.
(Truyện thần tiên)

Suy tư:

     Truyện thần tiên là để đọc cho vui, gọi là giải trí lành mạnh, nhưng câu truyện nào cũng có thể là một bài học sống động cho chúng ta, nếu chúng ta “biết” cách đọc.

     Có loại truyện đọc xong thì nên quên, có truyện đọc xong thì nên nhớ, có truyện đọc xong thì bắt ta phải suy đi nghĩ lại, có truyện đọc xong thì bắt chước mà sống.

Truyện thần tiên như loại “gà chó lên trời” chắc chắn là không có, thì ai cũng thích đọc, và có những loại sách khi đọc xong lại làm cho chúng ta mất đức tin, mất linh hồn. Còn sách Phúc Âm diễn tả sự sống lại và lên trời vinh hiển của Đức Chúa Giê-su thì có thật trăm phần trăm, trong sách chứa đựng lời hằng sống khiến cho chúng ta đọc xong mà thực hành thì sẽ được sự sống đời đời, thì lại rất ít người thích đọc, bởi vì ai cũng muốn lên trời, nhưng không ai chịu “uống thuốc trường sinh”, mà thuốc trường sinh chính là sách Phúc Âm, đọc, suy niệm và sống Phúc Âm thì chúng ta sẽ được lên trời với  Đức Chúa Giê-su vậy.

Nếu “mỗi gia đình có một quyển sách Phúc Âm”, “mỗi gia đình sống Phúc Âm”, và “người người sống Phúc Âm” thì trên thiên đàng sẽ rộn lên những tiếng vui mừng, hoan ca Alleluia, thật hạnh phúc biết bao !
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Ngàn ngày sau mới tỉnh lại

NGÀN NGÀY SAU MỚI TỈNH LẠI
 
 

     Lưu Huyền Thạch rất thích rượu, sau khi uống say thì thống hận vô cùng, nên phát thệ cai rượu.

     Một hôm, Lưu Huyền Thạch đến mua rượu tại quán rượu Trung Sơn, tửu gia đưa cho ông ta uống một loại rượu ngàn ngày mới tỉnh gọi là “rượu ngàn ngày”. Rượu vừa thấm môi liền quên mất cả những gì minh đã thề thốt, uống một trận thỏa thích, về đến nhà liền say nằm như người chết. Người nhà cho rằng ông ta bị rượu đốt nóng mà chết, bèn nhập liệm và đem đi chôn.

Qua một ngàn ngày, tửu gia nhớ đến Lưu Huyền Thạch, bèn đến nhà ông ta để thăm, người nhà họ Lưu nói: “Đã chết cách đây ba năm rồi”.

     Tửu gia liền đem câu chuyện của “rượu ngàn ngày” kể cho người nhà nghe, thế là vội vàng đi mở nắp quan tài, vừa lúc Lưu Huyền Thạch vừa mới tỉnh dậy !
(Bác vật chí)

Suy tư:

     Người ta thường nói: chết vì rượu, chết vì gái, đó là hai cái chết không đáng chết; chết vì rượu thì bị coi là phường tham ăn uống, chết vì gái thì bị coi là thứ mê đắm xác thịt, nhục nhã ê chề…

     Chết cho ra chết mới đáng mặt anh hùng, mà cái chết anh hùng nhất của người Ki-tô hữu là chết cho “cái tôi” của mình, “cái tôi” của mình là: kiêu căng, hà tiện, dâm dục, ghen ghét, mê ăn uống, hờn giận, lười biếng làm việc lành. Mỗi ngày đem “cái tôi” của mình ấy ra đóng vào thập giá với Đức Chúa Ki-tô, thì không những là anh hùng mà còn được gọi là “đồng hình đồng dạng với Đức Chúa Ki-tô”, tức là cùng chết và cùng sống lại với Ngài.

     Trong cuộc sống đời thường, tôi có rất nhiều cơ hội để được chết cho “cái tôi” của mình, nhưng tôi có thực sự mong muốn được “chết” anh hùng không ?
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Người già đời nhà Hán

NGƯỜI GIÀ ĐỜI NHÀ HÁN
 
 

     Đời nhà Hán có một ông già rất cô đơn nhưng rất nhiều tiền, nhưng rất là bủn xỉn, keo kiết.

     Có một lần, người khác mượn tiền của ông ta, bất đắc dĩ ông ta mới lấy trong hầu bao ra mười  đồng, từ phòng khách đi ra, vừa đi vừa giảm bớt ít lại, nên khi đi ra phòng ngoài, chỉ còn lại phân nửa, nhưng ông ta vẫn cảm thấy lòng đau như cắt, nhắm con mắt lại, lấy tiền đưa cho người nọ, nói: “Tôi đem toàn bộ gia sản cho anh mượn, anh đừng có nói cho người khác biết, bằng không họ sẽ đến tôi mượn tiền như anh vậy !”

     Không bao lâu, ông già ấy chết, tất cả tài sản đều bị quan phủ tịch thu.
(Tiếu lâm)

Suy tư:

     Có người làm ra được đồng tiền không dám xài, không dám mua sắm chi cả, nói bố thí cho người nghèo là chuyện “tày trời” đối với họ; lại có người được tiền bao nhiêu thì xài bấy nhiêu, không thèm tích trữ, xài cho đã, ăn cho sướng cái miệng..., tất cả tính toán đó đều là của con người.

     Đây là lời của Đức Chúa Giê-su: “Anh em đừng tích trữ cho mình kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, và kẻ trộm khoét vách lấy đi” . Tích trữ kho tàng ở dưới đất tức là đem tiền gởi vào ngân hàng, gởi vào quỹ tiết kiệm, bỏ vào két sắt khóa lại bằng khóa điện tử. Đùng một cái, nhà cháy, ngân hàng phá sản, tay trắng tay, phải “cày” lại từ đầu để kiếm từng đồng tiền.

     Ngân hàng chắc chắn nhất của chúng ta là người nghèo, bởi vì khi gởi tiền vào ngân hàng này là chúng ta được một lời bảo chứng rất giá trị ngàn đời của Đức Chúa Giê-su: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” .

Gởi vào ngân hàng này không cần thủ tục rườm rà, không cần con dấu và chữ ký, cũng không cần tuân theo thủ tục hành chánh, và cái tiện lợi nhất của ngân hàng này là ở đâu cũng có, nghĩa là có mặt khắp nơi trên thế gian, chỉ cần một điều kiện duy nhất: yêu thương họ như chính mình.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Nấu chiếu trúc ăn

NẤU CHIẾU TRÚC ĂN
 
 

     Đất Hán có một người đi đến đất Ngô, người đất Ngô nấu măng tiếp đãi ông ta.

     Người đất Hán sau khi ăn xong cảm thấy mùi vị rất ngon, bèn hỏi:
 
-“Đây là thứ gì hở ?”

     Người đất Ngô nói đùa:
 -“Đó là trúc”.

     Người đất Hán sau khi về nhà, liền lấy chiếu trúc trãi trên giường đem đi nấu, nhưng nấu rất lâu mà cũng chưa được ăn !
(Tiếu lâm)

Suy tư:

     Các linh mục đều biết, khi mình lên tòa giảng để giảng, là mình đóng vai trò của bà nội trợ: nấu cơm, làm thức ăn cho cộng đoàn thưởng thức. Cơm và thức ăn chính là bài giảng mà linh mục giảng hôm ấy.

     Người tham dự thánh lễ thì đủ mọi thành phần, già trẻ lớn bé đều có, học thức không học thức đều có, vì thế bài giảng của linh mục sao cho hợp với khẩu vị của mỗi người. Khó lắm đấy.

     Có linh mục khi lên tòa giảng thì cúi đầu đọc một lèo bài giảng đã soạn, bất kể tâm tình giáo dân như thế nào; có linh mục khi giảng thì trau chuốt câu văn cho ra vẻ ta đây có trí thức, để rồi bài giảng trở thành khách sáo trống rỗng; có linh mục luôn dùng những câu giễu cợt để chọc giáo dân cười khi giảng, mà không đưa tâm trí họ vào nội dung của bài giảng... Và có rất nhiều cách “nấu ăn” của các linh mục, mà giáo dân khi nghe giảng xong cũng không biết linh mục “nấu” món gì cho mình ăn !?

Thật là khó khi giảng cho một cộng đoàn mà tuổi tác chênh lệch nhau, trình độ tri thức không giống nhau, sở thích và cá tính không giống nhau. Do đó mà linh mục phải luôn soạn bài giảng, luôn cầu nguyện xin ơn Thánh Linh soi sáng, xin Ngài “nấu ăn” giùm cho, đó là một phương pháp hay và “xịn” nhất vậy.

Một bài giảng hay, là một bài giảng đơn sơ nhưng đạo lí thì sâu sắc mà ai nghe cũng hiểu và dễ thực hành.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Sao chép sớ tâu

SAO CHÉP SỚ TÂU
 
 

     Thời Đông Hán Hoàn hoàng đế, có một người được thái thú nha môn thu dụng làm quan viên, nhưng hoàn toàn không có tài năng gì cả.

     Ngày thứ nhất nhận nhiệm vụ, thái thú bèn nói anh ta viết một tờ sớ tâu, anh ta hấp tấp cuống quýt, đành phải đi nhờ người viết hộ, người được nhờ viết hộ cũng không biết viết, liền nói với anh ta:

-         “Trước đây có người tên Cát Long là tay cao thủ viết sớ tâu, anh tìm sao chép lại một bản không phải là báo cáo công tác đó sao ?”

     Người ấy liền tìm ra một bản viết sớ tâu của Cát Long, sao chép lại, không sai không sót chữ nào, cuối cùng ngay cả tên Cát Long cũng chép lại bên trên. Thái thú coi qua dở khóc dở cười, bèn bãi miễn anh ta.
(Tiếu lâm)

Suy tư:

     Thời nay có khối người ăn cắp sao chép bản quyền của người khác, nhưng họ khôn ngoan hơn người thời xưa, có nghĩa là họ không sao chép nguyên văn tên tác giả, mà chỉ sao chép nội dung, cốt truyện mà thôi, nhưng vẫn cứ bị nhà báo các nhà báo phát hiện làm rùm beng, bị kiện cho...sói đầu, có khi bị bồi thường và bị đi tù.

     Có một sự sao chép lại bản quyền của người khác mà không sợ bị kiện ra tòa, không sợ bị người ta lên án, đó là sao chép lại cuộc sống của Đức Chúa Giê-su và các thánh nam nữ. Đức Chúa Giê-su là bản gốc của yêu thương, của khiêm tốn, Ngài mời gọi chúng ta hãy sao chép của Ngài: “Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường...”  Các thánh nam nữ đã chép lại bản sao ấy, và các ngài đã được hạnh phúc, được sự sống đời đời.

     Sao chép sự hiền lành của Đức Chúa Giê-su để chúng ta sống có tình nghĩa bà con lối xóm hơn; sao chép học hỏi sự khiêm tốn của Đức Chúa Giê-su, để chúng ta dễ dàng thông cảm những khuyết điểm của người khác hơn; và sao chép lại cuộc sống đầy yêu thương của Đức Chúa Giê-su là để chúng ta không còn phân biệt ai là kẻ thù của tôi, và ai là người anh em của tôi, vì tất cả đều là anh chị em với nhau trong Đức Chúa Giê-su.

     Người Ki-tô hữu là người, trước hết, được quyền sao chép bản gốc ấy, nhưng nếu tôi không sao chép để sống như Đức Chúa Giê-su, thì dân thành Sô-đô-ma mới- thời đại ngày nay- sẽ lên án tôi trước mặt Thiên Chúa vậy.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2013

Bỗng lễ

BỖNG LỄ
 
 

Bà giáo dân rón rén trước cửa nhà xứ với con cá lóc lớn trong cái rỗ, cha sở thấy liền biết ngay là bà đến xin lễ. Ngài vui vẻ lấy sổ xin lễ ra và nói:

-“Nào bà xin lễ cho linh hồn gì, và vào ngày nào ?” rồi ngài nói tiếp: “Bà đem con cá về nấu cho con cái ăn, lần sau muốn xin lễ thì cứ nói với tôi có gì mà ngại, không có tiền tôi vẫn cứ dâng lễ cho bà, nhưng nhớ không được đem gì tới nữa nhé.”

Ngài rất hiểu tấm lòng của giáo dân nghèo trong xứ của ngài.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Thánh lễ trẻ em

THÁNH LỄ TRẺ EM
 
 

Thánh lễ thiếu nhi vừa kết thúc, các huynh trưởng nói với cha sở:

-“Cha X...hôm nay làm lễ rất trang nghiêm, cha giảng lễ ngôn từ vừa sinh động vừa thích hợp với các em, các em dự lễ rất sốt sắng, trả lời rất nhiệt tình vui vẻ...”

Cha sở vui sướng, vì ngài luôn thao thức làm sao tìm một linh mục trẻ biết tâm lý trẻ em, yêu mến trẻ em, để giúp ngài dâng lễ cho thiếu nhi trong giáo xứ, vì ngài thấy mình lớn tuổi giảng lễ không thích hợp với trẻ em cho lắm.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Thâm

THÂM
 
 

      Khi giáo dân làm không đúng thì ngài không bao giờ nói cho giáo dân biết là họ sai, nhưng ngài thích nói xiên nói xẹo giáo dân trên tòa giảng; khi có ai đó không về “phe””của ngài, thì ngài rỉ tai người này người nọ nói xấu những kẻ không thuộc phe ngài…

Ngài thường hay giảng về đức ái, nhưng giáo dân biết đức ái của ngài chính là: chỉ yêu thương và giúp đỡ những giáo dân nào thuộc về phe của ngài, còn những giáo dân khác thì ngài “đì” và nói xấu họ tối đa khi có dịp…

Giáo dân nói ngài là “ông cha thâm”, bởi vì ngài quá tự cao tự đại coi mình hơn tất cả mọi người.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Lý do

LÝ DO
 
 

     Sáng sớm giáo dân đi lễ, nhưng được thông báo đột xuất là không có lễ, vì cha sở đi vắng từ sáng sớm.

     Giáo dân lắc đầu rỉ tai nhau:

-“Cha sở muốn đi chơi không làm lễ thì viện nhiều lý do: khi thì đi họp xa, khi thì đi họp gần, khi thì đi khám bệnh...

Nhưng giáo dân vẫn biết cha sở đi đâu rồi, bởi vì không ai họp hoặc khám bệnh khi gà vừa gáy sáng.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Lễ kỷ niệm chịu chức linh mục


LỄ KỶ NIỆM CHỊU CHỨC LINH MỤC
 
 
      Sau thánh lễ, giáo dân vây quanh cha sở ngạc nhiên hỏi:

-“Hôm nay cha đọc lời nguyện không phải của mùa chay, phải không cha ?”

Cha sở cười cười nói: “Ờ, lâu lâu đặc biệt chút xíu”.

Giáo dân không một ai biết rằng, hôm nay cha sở dâng lễ kỷ niệm ngày chịu chức linh mục của mình.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.