Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2022

Chúa nhật 14 thường niên

 


CHÚA NHẬT 14 THƯỜNG NIÊN

 

Tin mừng : Lc 10, 11-12; 17-20.

“Bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy”.

 

Bạn thân mến,

“Lúa chín đấy đồng, mà thợ gặt thì ít”, câu nói này của Đức Chúa Giê-su chúng ta đã nghe rất nhiều lần trong cuộc sống, và theo thói quen tốt lành của mỗi nơi, mà chúng ta dành ngày thứ năm mỗi tuần để cầu nguyện cách riêng cho các “thợ gặt” truyền giáo, là các linh mục, cũng như cầu nguyện cho ơn gọi làm linh mục tu sĩ trong Giáo Hội.

Đức Chúa Giê-su mời gọi bạn và tôi chủ động cầu xin chủ ruộng sai nhiều thợ gặt đến, và vì chúng ta bấy lâu nay chỉ hiểu thợ gặt chính là các linh mục và các tu sĩ nam nữ mà thôi, nên chúng ta quên mất có rất nhiều thợ gặt khác đang âm thầm hoặc công khai làm việc trên cánh đồng truyền giáo, đó chính là bạn và tôi và những người Ki-tô hữu khác, họ là những thợ gặt của thời hiện đại, trong tâm tình đó tôi xin chia sẻ với bạn mấy vấn đề sau đây :

  1. Cha mẹ cũng là thợ gặt truyền giáo.

Trước hết, có một vấn đề mà chúng ta phải công nhận: gia đình là cánh đồng nhỏ mà thợ gặt không ai khác hơn chính là cha mẹ, nhưng thời hiện đại này thì gia đình không còn nhỏ nữa mà chúng đã biến thành lớn với một vài đứa con trong gia đình, bởi vì cuộc sống văn minh hiện đại đã làm cho chúng nó mất đi phương hướng về tôn giáo và tín ngưỡng mà chúng nó đã lãnh nhận, do đó cha mẹ phải chính là người thợ gặt nhiệt thành lo lắng cho con cái mình, biết dạy dỗ chúng nó trở thành những “hạt lúa béo đầy ắp sữa ân sủng” của Chúa.

Hiện tượng chỉ có những người già, những người lớn tuổi mới đi tham dự thánh lễ nơi các nước phát triển là bức tranh rất thực tế, bởi vì các bạn trẻ và ngay cả các trẻ em cũng ít đi lễ nhà thờ, nguyên nhân khách quan thì đã rõ, nhưng nguyên nhân chủ quan thì nằm ngay trong gia đình của các em như: bận học hành vui chơi mà không có thời gian đi thờ, và đời sống tâm linh của cha mẹ cũng ảnh hưởng rất lớn trên con cái, như cha mẹ ít nhắc nhở con cái sống đạo, cha mẹ không mặn nồng với giáo xứ, không thiết tha đi tham dự thánh lễ…

Cha mẹ sẽ là thợ gặt lành nghề trên “cánh đồng” truyền giáo của mình khi họ có đời sống đạo đức tốt lành và kiên trì, đức tin của cha mẹ là công cụ gặt hái hiện đại và hiệu quả nhất trong gia đình của mình, với tinh thần hy sinh và cầu nguyện, cha mẹ sẽ trở nên những thợ gặt mẫu mực cho con cái của mình. Do đó, khi mà chúng ta ngồi buồn bực vì con cái không nghe lời mình để đến tham gia các sinh hoạt của nhà thờ, chi bằng chúng ta quyết tâm trở nên những thợ gặt nhiệt thành nhất trong gia đình của chúng ta, bằng cách làm gương sáng cho chúng nó…

  1. Mỗi giáo dân là một thợ gặt.

Các linh mục và các tu sĩ nam nữ đương nhiên là những thợ gặt chuyên môn trên cánh đồng truyền giáo, các vị ấy với những năm tháng được huấn luyện để trở thành những thợ gặt chuyên nghiệp, nhưng họ vẫn còn quá ít và thiếu trên cánh đồng truyền giáo rộng lớn bao la, cho nên, mỗi giáo dân là mỗi thợ gặt trong hoàn cảnh cuộc sống  của mình, đó là một đòi hỏi của Đức Chúa Giê-su trong thời đại ngày nay.

Qua bí tích Rửa Tội, người Ki-tô hữu đã trở thành một chi thể của Giáo Hội, một công dân của Nước Trời và là một thợ gặt trong cánh đồng truyền giáo của Giáo Hội, không một giáo dân nào trong thời đại ngày nay nói rằng: truyền giáo là bổn phận của các linh mục và của các tu sĩ nam nữ nữa, nhưng đa số giáo dân đều hiểu rằng, mình cũng có bổn phận rao giảng Lời Chúa cho mọi người và sống Tin Mừng giữa tha nhân.

Đức Chúa Giê-su sai bảy mươi hai môn đệ ra đi loan báo Tin Mừng Nước Trời, có nghĩa là ngoài mười hai vị tông đồ ra, Ngài còn chọn thêm cho mình những môn đệ khác để cùng với các tông đồ rao giảng về nước Thiên Chúa. Bảy mươi hai môn đệ này đại diện cho các cộng đoàn dân Thiên Chúa trên khắp thế giới, mà mỗi Ki-tô hữu là những thợ gặt trong thế giới hiện đại hôm nay.

Bạn thân mến,

Tuy không chuyên nghiệp như các linh mục và các tu sĩ nam nữ, nhưng đã là bổn phận thì phải tìm cách để chu toàn, do đó mà chúng ta –người Ki-tô hữu- trước hết phải sống đạo tốt lành, biết noi gương phục vụ và biết cộng tác với cha sở của mình trong việc xây dựng giáo xứ ngày càng tốt đẹp hơn.

Chỉ có những ai biết khiêm tốn đón nhận sứ mạng mà không chút kêu ca hay tự mãn, thì mới có thể trở thành thợ gặt trên cánh đồng truyền giáo.

Có những người Ki-tô hữu thao thức tìm cho mình một hướng đi như các linh mục và tu sĩ nam nữ, gọi nôm na là linh đạo giáo dân, một ý tưởng rất tốt, nhưng linh đạo giáo dân là gì nếu không phải là sống đạo giữa trần thế dựa trên Lời Chúa, linh đạo giáo dân trước hết chính là chu toàn bổn phận của mình trong yêu thương, và khi đã làm tốt việc đó, thì đã trở thành những thợ gặt nhiệt thành trên cánh đồng truyền giáo trong thế giới hôm nay rồi vậy.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện (tập 5)

 


63.   HY VỌNG LÚA MAU CHÍN

Có một nông phu ở Ngô Khâu trồng ruộng lúa mà sinh sống, mỗi năm phải tồn trữ một ít lúa gạo cũ, bởi vì lúa mới chưa đến miệng nên không dám ăn lúa cũ.

Nhưng một buổi sáng nọ, ông ta đi đến trong ruộng nhìn thấy lúa đã trổ bông, mà hột lại no tròn, thì rất phấn khởi nói: “Lúa gạo mới sắp đến rồi !”

Thế là mở vựa ra, đem tất cả lúa gạo cũ nói với người nhà ăn cho hết.

Trước mắt lúa cũ ăn đã hết mà lúa mới còn chưa chín, nên trong lòng lão phàn nàn lúa sao mà chậm chín. Ông ta cùng với vợ và con cái luân phiên nhau đi coi ruộng, đem ruộng lúa giẫm thành đường đi, lúa lại càng lâu chín hơn.

                                                                        (Úc Ly tử)

 

Suy tư 63:

        Lúa chỉ mới ngậm hạt mà đã lấy tất cả lúa cũ ra ăn sạch thì đói là phải, bởi vì mới ngậm hạt chứ chưa phải là lúa đã chín và lại càng không phải thành hạt gạo trắng.

        Người khoe khoang cũng giống như người đem lúa cũ dự trữ ra ăn, chưa có gì đã khoe khoang khắp làng khắp xóm.

Khoe khoang là một hiện tượng phổ biến của con người, nhưng nó lại phổ biến với những người “dâng mình làm tôi Chúa” là chuyện lạ lùng, bởi vì những người “dâng mình làm tôi tớ Chúa” thì tuy không phải là thánh sống, nhưng ít nữa họ cũng có đời sống khiêm tốn, thật thà, thân thiện, đáng để cho mọi người noi theo.

Nếu có mà khoe khoang thì người ta cũng nói mình là kẻ khoe khoang kiêu ngạo, nhưng nếu không có gì mà khoe khoang thì quả là chuyện tiếu lâm thời đại.

Nhưng thực ra chúng ta có gì đâu mà phải khoe, bởi vì tất cả những gì chúng ta có đều do Thiên Chúa ban cho mà thôi.

        “Lạy Đức Chúa Giê-su, Chúa không thích những người khoe khoang, bởi vì khoe khoang là bày tỏ một tâm hồn kiêu ngạo và bất ổn, nhưng trong cuộc sống chúng con vẫn cứ khoe khoang cái có và cái không có của mình với mọi người, nên chúng con làm cho Chúa bị xúc phạm vì những cái tôi ích kỷ nhỏ nhen của chúng con.

        Lạy Chúa, xin làm cho chúng con nên giống như Chúa, biết khiêm tốn chấp nhận cái hiện có của mình, để ơn Chúa mãi tuôn đổ xuống trên chúng con. Amen”


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện (tập 5)

 


62. HÀNG XÓM CỦA TRANG TỬ

        Trang tử đi qua nước Tề, nhìn thấy dân chúng đói, rất là thương hại, dân đói đi theo sau ông ta xin ông đồ để ăn.

        Trang tử nói:

-      “Đã bảy ngày qua tôi không có gì để ăn cả !”

        Dân đói thở dài nói:

-         “Người đi qua chỗ này tôi thấy rất nhiều, ai cũng đều không thương hại chúng tôi. Thương hại chúng tôi chỉ có một mình ngài, giả như nếu ngài không có chi để ăn, lẽ nào lại còn thương hại chúng tôi sao ?”

                                                                        (Úc Ly tử)

 

Suy tư 62:

        Có người nghèo đói, nhưng thấy người còn đói hơn mình nên giúp đỡ họ cái mình có, đây là tinh thần cho kẻ đói ăn của Đức Chúa Ki-tô.

        Có người không đói nhưng cũng không có tinh thần cho kẻ đói ăn, nên ngược lại chính tinh thần của họ bị đói khát sự thương yêu.

        Ở đời có nhiều người mình mang đầy tội lỗi, nhưng vẫn luôn mở miệng nói thương hại người tội lỗi, lòng thương hại này không giúp ich gì cho ai cả mà chỉ là che giấu những cái xấu xa của mình mà thôi.

        Phải thương hại mình trước, đấm ngực mình trước, đó chính là lòng thương yêu đích thực của chúng ta đối với người khác, bằng không thì chỉ là như cái phèng la rỗng tuếch mà thôi.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Năm, 30 tháng 6, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện (tập 5)

 


61. CHÚC BÀO NÓI VỀ CHÓ

Vệ Linh công giận Di Tử Hà và đuổi đi sau khi hắn bị đánh đòn, Di Tử Hà rất lo sợ nên ba ngày liên tiếp không dám vào chầu.

        Vệ Linh công hỏi Chúc Bào:

-      “Di Tử Hà oán hận ta phải không ?”

        Chúc Bào trả lời:

-      “Không có chuyện đó ?”

        Linh công lại hỏi:

-      “Tại sao ?”

        Chúc Bào nói:

-         “Ngài chưa thấy con chó sao ? Con chó nhờ người để sống, chủ nhân giận mà đánh nó, nó kêu rồi bỏ chạy, đợi lúc bụng đói muốn ăn thì lại co co rúm rúm nép sát đi lên phía trước quên mất cái chuyện bị đánh. Di Tử Hà chính là con chó của ngài, nó làm mất của ngài một ngày vui vẻ thì sẽ một ngày không có đồ ăn, làm gì có chuyện oán hận ngài chứ ?”

        Vệ Linh công nói:

-      “Nói rất đúng, nói rất đúng !”

                                                                        (Úc Ly tử)

 

Suy tư 61:

        Đem con chó so sánh với con người thì đúng là lếu láo của xã hội phong kiến không coi trọng nhân phẩm và danh dự của người bề tôi, đó chính là sản phẩm của quân, sư, phụ làm mất đi căn tính của con người đó là sự tự do.

        Đó là sự thật một trăm phần trăm.

Thiên Chúa không bao giờ ví chúng ta như một con chó, bởi vì chúng ta là con cái của Ngài và là môn đệ của Đức Chúa Ki-tô, dù chúng ta –trước mặt Chúa- chỉ là hạt bụi hư vô không xứng đáng làm cho chó của Ngài.

        Nhưng có những sự thật mà chính chúng ta đã tạo ra, đó là chúng ta đã quá coi thường khinh rẻ những người anh em chị em của mình, họ là những người nghèo chung quanh chúng ta; có lúc chúng ta bốc lột tiền công của những người làm công làm mướn cho chúng ta, coi họ như là những con chó ăn mày công đức của mình; có những lúc chúng ta đối với người cộng tác của mình như một tên đầy tớ không bằng, sai vặt chửi mắng họ như là những con vật nuôi thuần thục trong nhà; và có lúc chúng ta coi người ăn xin bên vệ đường như một con chó khi chúng ta quăng vào cái thau ăn xin của họ vài đồng bạc với thái dộ hách dịch, như người ta quăng cho con chó khúc xương !

        Trước mặt Thiên Chúa tất cả mọi người đều giá trị như nhau, nghĩa là có quyền bình đẳng và tự do giống nhau, và trong Cgs tất cả chúng ta đều là anh chị em với nhau.

        Chúng ta đã đối xử với tha nhân như thế nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đối xử với chúng ta như thế[1]. (Mt 18, 35)


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Mt 18, 35.

Thứ Tư, 29 tháng 6, 2022

Lễ thánh Phê-rô và thánh Phao-lô Tông Đồ

 


LỄ THÁNH PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ TÔNG ĐỒ

Tin mừng : Mt 16, 13-19
“Anh là Phê-rô, Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời”.
Bạn thân mến,
Hôm nay toàn thể Giáo Hội hân hoan mừng thể hai thánh Phê-rô và Phao-lô Tông Đồ, hai vị thánh hai khuôn mặt, hai đời sống và là hai cột trụ của Giáo Hội Công Giáo, trong tâm tình ấy tôi xin chia sẻ với anh chị em hai nét sau đây của hai vị thánh lớn của Giáo Hội.
1. Nhiệt tình với sứ mệnh.
Thánh Phê-rô và thánh Phao-lô đều có tâm hồn nhiệt tình với sứ mạng mà Đức Chúa Giê-su đã giao phó, sự nhiệt tình này Đức Chúa Giê-su đã nhìn thấy khi chọn các ngài làm tông đồ, và giao phó trọng trách gánh vác Giáo Hội của Ngài.
Nhiệt tình chất phác bộc trực cương nghị của thánh Phê-rô, đã được Đức Chúa Giê-su khám phá ra khi ngài đang đánh cá với anh là An-rê, Ngài nói: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” và hai ông đã lập tức bỏ chài lưới mà theo Ngài.
Nhiệt tình hăng hái của thánh Phao-lô đã bộc lộ rất rõ, khi ngài giữ áo cho người ta ném đá tử hình thánh Stephanô cũng như đang hăng hái bách hại Giáo Hội tiên khởi của Đức Chúa Giê-su mới thành lập, sự nhiệt tình này không phải vì danh dự cá nhân, nhưng nhiệt tình vì lòng yêu mến Đức Chúa Ya-Vê của người Do Thái trong con người của thánh Phao-lô.
Tâm hồn nhiệt tình là điều cần thiết trước tiên để được chọn, không ai chọn một tinh binh không có dũng khí chiến đấu để làm tiên phong, cũng không ai chọn một người dù tài cao học rộng nhưng không nhiệt tình với bổn phận để giao trọng trách, nhưng người ta đã chọn người có tâm hồn nhiệt tình hăng say với công việc để giao phó sứ mệnh quan trọng…
Hai thánh Phê-rô và Phao-lô tông đồ đã có đức tính này ngay trong cuộc sống đời thường của các ngài, và sau khi được chọn với ân sủng của Thánh Thần, các ngài càng thêm nhiệt tình với sứ mạng mà Đức Chúa Giê-su giao phó cho các ngài, đó chính là sứ mạnh loan báo Tin Mừng Nước Trời.
Nhiệt tình của chúng ta có thừa, nhưng sự nhiệt tình này chúng ta đã dùng không đúng chỗ: chúng ta nhiệt tình với bạn bè mà không nhiệt tình với Thiên Chúa; chúng ta nhiệt tình với các hợp đồng béo bở nhưng lại lạnh băng với công tác từ thiện; chúng ta nhiệt tình với những công trình tiếng tăm để đời, nhưng lại nguội lạnh với công việc mà Đức Chúa Giê-su Ki-tô đã trao cho chúng ta trong ngày lãnh nhận bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, đó là loan báo và làm chứng nhân cho Đức Chúa Giê-su Ki-tô trong cuộc sống hằng ngày của mình.
2. Yêu mến Đức Chúa Giê-su hết lòng.
Một thánh Phê-rô đã ba lần trả lời với Đức Chúa Giê-su khi được Ngài hỏi: “Thưa Thầy, có, Thầy biết con yêu mến Thầy”.
Một thánh Phao-lô đã tuyên bố: “Thật vậy, chúng tôi có điên, thì cũng là vì Thiên Chúa” và chính ngài cũng đã không ngại ngùng nói: “Tình yêu Đức Ki-tô thôi thúc chúng tôi.”
Yêu mến Đức Chúa Giê-su làm gia tăng sự nhiệt thành trong tâm hồn của các ngài, cho nên dù chịu biết bao khổ cực, nhọc nhằn, dù chịu bao nhiêu hy sinh gian nan thì các ngài vẫn cứ yêu mến Đức Chúa Giê-su. Và vì yêu mến Đấng đã chọn mình làm khí cụ loan báo tin mừng Nước Trời, nên các ngài vui lòng chia sẻ nổi khổ đau với Đức Chúa Giê-su. Tình yêu đã làm nên những điều kỳ diệu nơi người đang yêu, và điều kỳ diệu trước tiên xảy ra chính là thánh Phê-rô và thánh Phao-lô đã cảm nghiệm được Đấng mình yêu đang rất gần gũi bên mình, và do đó mà hai ngài đã không quản ngại hy sinh gian khổ để làm chứng cho tình yêu…
Yêu mến Đức Chúa Giê-su là năng lượng thúc đẩy chúng ta đi vào không gian vô tận của tình yêu Thiên Chúa, để sự nhiệt tình của chúng ta trở nên năng lực thúc đầy người khác biết yêu mến và sống tinh thần yêu mến của Đức Chúa Giê-su…
Bạn thân mến,
Hai thánh Phê-rô và Phao-lô tông đồ chính là hai ngọn đèn tỏa sáng của Giáo Hội, chính trên nền tảng Phê-rô này, mà Phao-lô nổi bật với những giáo huấn về Đức Chúa Giê-su và đã làm cho ngài trở thành trụ cột của Giáo Hội như thánh Phê-rô.
Mừng lễ hai thánh tông đồ Phê-rô và Phao-lô hôm nay, chúng ta cầu xin hai ngài ban cho chúng ta có tâm hồn nhiệt tình với tâm tình yêu mến Đức Chúa Giê-su, bởi vì chỉ có sự nhiệt tình mới làm cho sứ mệnh tông đồ của chúng ta được tiến triển, và Lời Chúa được mau chạy tiến bước đến với mọi tâm hồn.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Thứ Ba, 28 tháng 6, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện (tập 5)

 


60. CÁI CHẾT CỦA HẦU TƯỚC KHỈ

Nước Sở có một người nuôi khỉ để sống qua ngày, người ta gọi ông ta là “hầu tước khỉ”

Mỗi buổi sáng ông ta đều sắp xếp dặn dò lũ khỉ ở trong sân, và để cho con khỉ già dắt lũ khỉ đi vào trong núi hái hoa qủa mà ăn theo mùa. Ông ta cũng trưng dụng một phần mười hoa quả trong đó để dùng, nếu có con nào không giao hoa quả thì bị ông ta đánh.

Một hôm, có một con khỉ nhỏ hỏi lũ khỉ:

-      “Hoa quả ở trong núi là của hầu tước khỉ trồng phải không ?”

Lũ khỉ trả lời:

-      “Không phải, đó chính là trời sinh ra đấy”.

Từ câu hỏi của con khỉ nhỏ mà lũ khỉ đều chợt ngộ ra.

Buổi tối hôm ấy, chúng nó đợi hầu tước khỉ ngủ say bèn phá bỏ chuồng, lồng gỗ và đem tất cả các loại quả đã tích trử đi lên núi, chạy vào trong rừng sâu.

Hầu tước khỉ bị đói mà chết.

                                                                                (Úc Ly tử)

 

Suy tư 60:

        Chỉ một câu hỏi của con khỉ nhỏ mà cả đàn khỉ ngộ ra được “chân lý” là: hoa quả trên núi không phải do ông chủ trồng, mà là do trời sinh ra.

        Chúng ta là con cái của Thiên Chúa, đương nhiên là cao quý hơn “hầu tước khỉ” rất nhiều, nhưng trong cuộc sống chúng ta vẫn chưa “ngộ” ra được Thiên Chúa là Đấng yêu thương đã an bài mọi sự cách khôn ngoan cho mỗi người, cho nên chúng ta vẫn cứ cam tâm làm nô lệ cho thế gian, cho tội lỗi, cho tiền tài, cho danh vọng...

Đã biết bao lần chúng ta nghe và thấy rất nhiều điều hơn những người khác –những người chưa có đức tin- về Thiên Chúa, mà chúng ta vẫn không ngộ ra được rằng Thiên Chúa đang hiện diện giữa chúng ta, trong chúng ta, nơi người anh em, nên chúng ta vẫn cứ loay hoay trong ghét ghen, loay hoay trong kiêu ngạo và ích kỷ...

        Nếu mỗi người trong chúng ta hồi tâm trong yên lặng và tự hỏi: “Có phải ma quỷ đã cứu linh hồn chúng ta và đã yêu thương chúng ta không ?”- Tức khắc một tiếng nói rất ngay thẳng tự trong tâm hồn chúng ta sẽ trả lời là:  “Không phải, chính Đức Chúa Ki-tô -Đấng chịu đóng đinh trên thập giá ấy- mới là Đấng đã cứu độ tôi và yêu thương tôi, Ngài đã hy sinh mạng sống vì tôi chứ không phải là ma quỷ.”

        Như thế là chúng ta đã “ngộ” ra được chân lý, và lúc đó chúng ta sẽ sống chan hoà với tha nhân hơn, yêu thương họ hơn và phục vụ họ nhiều hơn nữa, vì chính “Đấng đã đến để phục vụ” là Đức Chúa Giê-su đã làm như thế khi yêu thương tôi.

        “Hầu tước khỉ” bị chết đói vì lũ khỉ biết được hoa quả trong rừng là do Thiên Chúa tạo dựng chứ không phải là do ông ta trồng, nếu người Ki-tô hữu không “ngộ” ra Thiên Chúa là Cha rất nhân từ thì sao nhỉ, câu trả lời là sẽ bị chết đói đời đời trong hỏa ngục...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Hai, 27 tháng 6, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện (tập 5)

 


59.THUYỀN CỦA QUAN

Hồ Lý tử từ kinh thành trở về cố hương, thừa tướng kêu quan tổng quản đại diện đưa tiễn, và dặn dò:

-      “Nếu ngồi thuyền, thì có thể chọn thuyền của quan”.

Hồ Ly tử đi đến bờ sông nhưng không có quan tổng quản, chỉ thấy thuyền lớn thuyền nhỏ gần bờ sông chật ních sát bên nhau, chiếc nào là thuyền của quan và chiếc nào là thuyền tư nhân, không làm sao mà biết được nên khó mà quyết định chọn chiếc nào.

Sau đó thì quan tổng quản cũng tới, Hồ Lý tử bèn hỏi:

-      “Chiếc nào là thuyền quan ?”

Tổng quản nói:

-         “Ngài coi chiếc thuyền nào cái buồm bị rách, mái chèo bị gãy, trên vải buồm có nhiều lỗ thủng thì đó là thuyền của quan đấy ạ !”

                                                                                        (Úc Ly tử)

 

Suy tư 59:

        Thuyền của quan nhưng lại xấu tệ hơn thuyền của thường dân, không phải vì quan tiếc tiền mua sắm, nhưng vì là của công của chung nên không ai muốn chăm lo bảo quản, bởi vì nó là “của chùa”, mà “của chùa” tức là không phải...của riêng mình.

        Có giáo dân đến nhà thờ dự lễ, thấy vườn hoa nhà thờ có nhiều hoa đẹp bèn ngắt đem về nhà chưng, có người nhắc nhở thì vênh mặt nói hoa “của chùa” chứ đâu phải của mấy người !?

        Người xài tiền mà không xót chính là những tên ăn trộm hoặc là tiền không do họ kiếm được, vì tiền họ xài không phải do công lao đổ mồ hôi của họ, mà là tiền ăn cắp của người khác hoặc của người khác, cũng vậy, người không xót xa khi phung phí của công thì cũng cá mè một lứa với ăn trộm, vì hoa họ không trồng, của họ không sắm mà phá phách phung phí thì không phải là ăn trộm sao ?

        Nếu ai cũng nói “của chùa” thì vườn hoa nhà thờ chỉ còn lại...cỏ dại.

        Ân sủng của Thiên Chúa không phải là “của chùa” khi ban phát cho chúng ta, do đó chúng ta đừng phung phí tài năng trí tuệ của mình và của người khác (của chung) mà Ngài đã ban cho trong đam mê dục vọng của mình.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)