Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2013

Lễ Đức Chúa Giê-su Vua vũ trụ

CHỦ NHẬT LỄ ĐỨC CHÚA KI-TÔ VUA
 
 

Tin mừng : Lc 23, 35-43.

“Khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi.”

Anh chị em thân mến,
Hiện nay có rất nhiều người hãnh diện vì mình được mang quốc tịch Mỹ, đi đâu họ cũng khoe khoang thân phận công dân nước Mỹ của mình, và có lúc họ chê đất nước này lạc hậu, đất nước kia chậm tiến thua nước Mỹ…

Chúng ta mang danh công dân của Nước Trời, mà Đức Chúa Giê-su -Đấng đã chết và sống lại vinh quang- chính là vị vua cao cả của chúng ta; được làm con dân của một vị vua trên các vua, hoàng tử trên các hoàng tử mà lại không lấy làm hãnh diện, thì quả là chúng ta không hiểu được giá trị tuyệt vời của cuộc sống làm con Thiên Chúa.

Như những người tự hào mình là công dân của một cường quốc, nên chúng ta đã trở nên miếng mồi ngon cho ma quỷ cám dỗ bằng nhiều hình thức, nhất là sự ỷ lại vào tình thương và ân sủng của Thiên Chúa :

Đức Chúa Giê-su Ki-tô là vua trên các vua- nhưng chúng ta chưa ca tụng tán dương Ngài với tất cả sự cao cả mà Ngài đã ban cho chúng ta, nhất là giới luật yêu thương mà chính Ngài đã dạy, cho nên chúng ta coi thường những người khác tôn giáo với mình, rồi kiêu ngạo coi việc thờ phượng Thiên Chúa như là một bố thí cho Ngài: thích thì cầu nguyện đến tán dương ca tụng, không thích thì ở nhà nhậu nhẹt đàn đúm. Trái lại những người mà chúng ta khinh thường là tin những điều nhảm nhí thì lại rất thành kính trước bụt thần, ước gì chúng ta có một tâm hồn thành kính với Đức Chúa Giê-su là vua và là chủ tể mọi loài…

Chúng ta tuyên xưng Đức Chúa Giê-su Ki-tô là vua, nhưng trong cuộc sống thực tế chúng ta đã không nhìn nhận Ngài là vua và là Đấng cứu chuộc của mình, chúng ta đã sống cuộc đời buông tuồng không phù hợp với Lời Chúa dạy, và, có thể nói chúng ta đã chọn ma quỷ làm vua chúng ta khi chúng ta trở thành kẻ hưởng thụ vật chất, trở thành kẻ coi trọng danh giá của thế gian mà coi thường nhân phẩm của người nghèo khó bất hạnh…

Chúng ta tin tưởng Đức Chúa Giê-su là vua trong ngay phán xét, nhưng chúng ta vẫn sống như không có ngày phán xét, cho nên chúng ta vẫn cứ nói xấu người này đến người khác, chúng ta vẫn còn có những âm mưu hại người anh em, chúng ta vẫn lừa đảo người này đến người khác vì những tham lam của mình…

Anh chị em thân mến,
Mừng kính lễ Đức Chúa Giê-su Ki-tô là Vua vũ trụ trong ngày chúa nhật cuối năm phụng vụ, là Giáo Hội nhắc nhở cho chúng ta biết rằng thế gian này sẽ có một ngày bị hủy diệt, cuộc sống của con người cũng sẽ có ngày kết thúc, lúc đó Đấng sẽ quyết định số phận đời đời của chúng ta là Đức Chúa Giê-su Ki-tô Vua vũ trụ, chứ không phải là ông tổng thống hoặc ông vua hoặc ông chủ tịch nước nào cả…

Gợi ý :

1.Trong cuộc sống có lúc nào chúng ta nhớ đến mình là một công dân Nước Trời, để sống đẹp lòng Thiên Chúa ?

2.Chúng ta có tự hào mình là con dân của vua trên các vua, chúa trên các chúa, và có can đảm sống như danh phận ấy của mình ?

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

Mức độ kiêu ngạo

MỨC ĐỘ KIÊU NGẠO
 
 

      Một linh mục già hỏi thầy giúp xứ:

-“Giáo dân kiêu ngạo thì đánh mấy lần ?

Thầy giúp xứ cười cười nói không biết.

Linh mục già nói:

-“Giáo dân chỉ cần đánh một lần, các bà sơ thì đánh hai lần, nhưng các linh mục thì phải đánh từ ba lần trở lên”.

Và linh mục già kết luận: không ai kiêu ngạo và hống hách cho bằng các linh mục thiếu cầu nguyện và thiếu tinh thần tu đức.
Thầy giúp xứ ngẫm nghĩ thấy vị linh mục già nói cũng không sai.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Tứ thế hiên ngang của Tào Tháo

TƯ THẾ HIÊN NGANG CỦA TÀO THÁO
 
 

Tào Tháo sắp hội kiến với sứ giả Hung nô, biết mình tướng mạo xấu, không đủ hiên ngang anh hùng để uy hiếp chiến trường ở xa nên phái Thôi Lý thay thế.

Tào Tháo tự mình cầm đao đứng một bên Thôi Lý làm võ sĩ, sau khi hội kiến xong, Tào Tháo phái người đi thám thính sứ giả Hung nô, hỏi:

-“Ngụy vương như thế nào ?”

Sứ giả Hung nô nói:

-“Ngụy vương rất là văn nhã, nhưng người cầm đao đứng một bên mới đúng là anh hùng !”
(Thế Thuyết Tân Ngữ)

Suy tư:

     Trong cái không có cái có, trong cái có cũng có cái không; có và không luôn đi đôi với nhau như hai mặt của đồng tiền. Cũng như trời đất có âm có dương, cuộc sống của con người cũng có thiện và ác, thiện vá ác luôn tồn tại với con người trong cuộc đời trần thế.

     Có người có tên nơi sổ gia đình công giáo, nhưng suốt đời không thấy đến nhà thờ, thì có cũng như không vậy; có người ngày chủ nhật “đóng bộ đồ cáo cạnh” đi lễ nhà thờ, nhưng đến nhà thờ ngồi ngoài ghế đá...công viên hút thuốc, tán dóc với bạn gái, thì có đi lễ cũng như là không vậy... ... Hoặc là có người bận công việc tối tắt mặt mày, không thể đến nhà thờ được, nhưng trong lòng thì vẫn luôn kết hợp và cầu nguyện với Chúa, thì không đi lễ cũng như là có đi lễ vậy.

     Tào Tháo nổi tiếng là người đa nghi và gian hùng, nhưng cũng biết tự nhận mình là người có tướng mạo xấu xí, nên đã tự nguyện làm tên hầu cho thuộc hạ của mình khi đối diện với sứ giả nước ngoài. Nếu trong cuộc sống tôi cũng biết tự nhận mình là người tội lỗi, xấu xa trước mặt Chúa mà luôn khiêm tốn cầu xin ân sủng của Ngài để sống đẹp lòng Ngài hơn; nếu trong cuộc sống tôi biết chấp nhận mình là người thua kém người khác để mà học hỏi và thăng tiến mình, thì tôi đã trở thành anh hùng rồi vậy !
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Bắt chước Nhạc bị nhổ nước bọt

BẮT CHƯỚC NHẠC, BỊ NHỔ NƯỚC BỌT
 
 

Phan Nhạc dáng điệu bên ngoài rất đàng hoàng. Lúc còn trẻ, đi vào con đường phía bắc sông Lạc Hà, phụ nữ nhìn thấy ông ta thì không thể không nhìn trộm mặt.

Tả Thái Xung là người rất xấu, nhưng ông ta sau khi nghe chuyện Phan Nhạc, thì rất là ghen ghét, cũng bắt chước Phan Nhạc đi vào con đường phía bắc sông Lạc Hà, muốn được lọt vào mắt xanh của phụ nữ.

Không ngờ đám phụ nữ nhìn thấy con người xấu ấy liền la hét náo cả lên, lại còn nhổ nước bọt vào hắn ta, Tả Thái Xung tức giận tiu nghỉu chạy về nhà.
(Thế Thuyết Tân Ngữ)

Suy tư:

     Ở đời ai cũng thích cái đẹp hơn là cái xấu, ai cũng muốn điều lành hơn là điều dữ, và ai cũng muốn mình được người khác khen hơn là chê, đó là chuyện bình thường rất tự nhiên của con người.

     Muốn người khác khen mình, nhưng bản thân mình không chịu sửa đổi những thói hư tật xấu; muốn người khác yêu thương mình, nhưng sáng say chiều xỉn thì ai mà thương cho nỗi, ngay cả vợ con cũng không hài lòng chứ đừng nói là người dưng nước lã.

     Người đáng cho chúng ta bắt chước nhất không phải là các minh tinh màn ảnh, vì tất cả những gì họ có đều là nay còn mai mất, càng không phải là người thông minh trí thức, vì những gì gọi là thông minh trí thức ấy sẽ dần dần “cùn” đi khi một sự cố xảy đến.

Người đáng để cho chúng ta bắt chước nhất chính là Đức Chúa Giê-su, bắt chước sự hiền lành của Ngài, bắt chước đức khiêm tốn của Ngài, bắt chước sự hy sinh cao cả của Ngài, bắt chước sự im lặng trước kẻ thù lăng nhục của Ngài, bắt chước sự đam mê cầu nguyện của Ngài.v.v... Không ai dám chê cười chúng ta khi chúng ta học đòi các đức tính của Đức Chúa Giê-su, những đức tính sẽ đem lại cho chúng ta không những sự sống đời đời mai sau, mà còn khiến cho chúng ta được bình an trong cuộc sống hiện tại nữa...
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Coi Vệ giết Vệ

COI VỆ GIẾT VỆ
 
 

Vệ Mưu từ Dự Chương đến thủ đô phụ, người ở thủ đô phụ từ lâu nghe tiếng tăm của ông, khi được biết ông đến thì đều đi coi, và vây quanh ông ta như một bức tường kín để mà coi.

Thân thể Vệ Mưu so với trước kia thì rất khác, gầy yếu hết chỗ nói, lần này mệt nhọc không chịu được, mắc bệnh mà chết. Người thời ấy bèn nói đùa chuyện Vệ Mưu chết là “coi Vệ giết Vệ”.
(Thế Thuyết Tân Ngữ)

Suy tư:

     “Khi Đức Chúa Giê-su và các môn đệ ra khỏi thành Giê-ri-cô, dân chúng lũ lượt đi theo Người...” dân chúng đi theo Ngài, vây quanh Ngài không phải để coi vóc dáng tướng mạo của Ngài ra sao như những người dân ở thủ đô thứ hai đi coi Vệ Mưu,  nhưng họ đi theo Ngài là để nghe lời Ngài giảng dạy để được sự sống đời đời từ nơi miệng Ngài nói ra; vây quanh Ngài là để nhận được ân phúc vô vị lợi từ Ngài ban phát cho họ, để người câm nói được, người què biết đi và kẻ chết sống lại, một sự đi theo rất sáng suốt và bình an.

     Đức Chúa Giê-su không “chiêu binh mãi mã” để giới thiệu học thuyết chính sách của mình, nhưng là để loan báo tin vui Nước Trời, kêu gọi mọi người hối cải ăn năn để được tha thứ và được sống đời đời.

     Có lúc tôi vì kiêu căng và vì ích kỷ trước những thành công của người khác, mà “chiêu binh mãi mã” quanh mình những người dễ kích động để bôi nhọ nói xấu người anh em chị em của tôi; cũng có lúc tôi hùa theo đám đông để lên án bất công và để “đóng đinh” người khác vào “thập giá tủi nhục”, khiến cho tâm hồn của họ buồn tủi mà “chết” đi trong đời sống thiêng liêng hoặc trong cuộc sống hằng ngày của họ...
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Thứ Tư, 20 tháng 11, 2013

Đội mũ đến trường

ĐỘI MŨ ĐẾN TRƯỜNG
 
 

Trong ngày có một trận gió lớn, công viên trong rừng sâu bị cháy, lửa cháy rất lớn làm một bên trời đỏ hừng hực, tất cả các động vật trong rừng sâu đều vội vàng đi cứu hỏa. Chúng nó xách nước rồi lại xách nước, cầm thùng rồi lại cầm thùng, phun rồi lại phun, tưới rồi lại tưới, lửa lớn mới bị dập tắt.

Điều không may xảy ra là gấu nhỏ khi đi cứu hỏa thì bị lửa đốt cháy trên đỉnh đầu, bộ lông vàng đẹp trên đầu nó hoàn toàn bị cháy trụi, chỉ còn lại mấy sợi tóc đen.

-“Như thế này thì làm sao đến trường gặp thầy cô và bạn bè chứ ?”- gấu nhỏ rất buồn nên khóc hu hu. Gấu mẹ nhìn thấy tình huống như thế thì vội vàng may cho nó một cái mũ, và an ủi gấu con: “Được rồi, cưng của mẹ, đừng buồn nữa, đội mũ lên thì nhìn được rồi đó, qua vài ngày thì tóc sẽ mọc lại đẹp lắm đó.”

Vì trên đầu bị cháy nên gấu nhỏ xin nghỉ học hai ngày, và trước khi gấu nhỏ đi học lại thì thầy giáo của nó là hưu cao cổ khi lên lớp đã trân trọng tuyên bố:“Từ ngày mai trở đi, tất cả các em đều phải đội mũ mà mình thích nhất để đi học, kiểu mũ càng kỳ lạ, càng đặc biệt thì càng tốt !”

Ngày thứ hai, gấu nhỏ đội mũ đi học, khi nó do dự đi đến trước cửa lớp học thì lại phát hiện mỗi bạn học đều có đội mũ trên đầu, đặc biệt là con khỉ nhỏ, nó đội cái mũ có chóp nhọn dài năm tất rất là hoạt kê, gấu nhỏ nhịn không được nên cất tiếng cười “khật khật”.

Ngày ngày cứ trôi qua, trên đầu của gấu nhỏ mọc ra những sợi lông mới rất đẹp, không cần đội mũ để che cái đầu trọc nữa. Nhưng cái kỳ cục là, cái ngày mà nó không đội mũ, thì toàn bộ các bạn trong lớp cũng không đội mũ nữa.

Gợi y:

     Các em thân mến,

Tình yêu là ngôn ngữ kỳ diệu và đẹp nhất của nhân loại, và cũng là căn nguyên của sự sống. Khi yêu thì lời nói trở nên nhẹ nhàng lôi cuốn hấp dẫn; khi yêu thì thái độ trở nên lịch sự và trân trọng, bởi vì chỉ có tình yêu chân thật mới có thể “đốt cháy” những xơ cứng bởi lòng kiêu ngạo của chúng ta mà thôi.

Từ trong câu chuyện này, chúng ta có thể nhìn thấy lòng chân tình giữa thầy và trò, và giữa bạn học với nhau rất là ấm áp. Bởi vì thầy đã nhìn thấy lòng dũng cảm của trò, và đã chuyển thông tình cảm ái mộ ấy đến với các học trò của mình.

Tình yêu của Đức Chúa Giê-su thường thúc bách chúng ta yêu mến và hy sinh cho tha nhân, bởi vì chính Ngài đã hy sinh cho chúng ta trước, Ngài muốn chúng ta phải nên giống như mọi người, như lời Ngài đã dùng miệng của thánh Phao-lô tông đồ để dạy dỗ chúng ta là hãy vui với người vui, khóc với người khóc, có nghĩa là Đức Chúa Giê-su muốn chúng ta cùng “đội mũ nghèo khó” với người nghèo khó, cùng “đội mũ đau khổ” với người đau khổ, cùng “đội mũ bất hạnh” với người bất hạnh, cùng “đội mũ hạnh phúc” với người hạnh phúc, để thông cảm và chia sẻ buồn vui với họ...

Các em thực hành:

-      Không chê cười bạn bè khi họ làm không đúng.

-      Biết hòa đồng với các bạn.

-      Biết giúp đỡ bạn bè hoặc những người quen biết.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Thứ Hai, 18 tháng 11, 2013

Lừa kêu đưa tang

LỪA KÊU ĐƯA TANG
 
 

Lúc Vương Trung Tuyên còn sống rất thích học tiếng lừa kêu, sau khi chết, Văn đế đích thân đi tham dự lễ nghi tống táng Vuơng Trung Tuyên, và nói với những người tham dự lễ:

-“Vương Trung Tuyên khi còn sống học tiếng lừa kêu rất hay, bây giờ các ngươi mỗi người làm một tiếng lừa kêu, để tiễn đưa Vương Trung Tuyên”.

Thế là trong đội ngũ đưa tang vang dậy những tiếng quái dị.
(Thế Thuyết Tân Ngữ)

Suy tư:

     Trong những lời cám ơn sau khi tiển đưa người thân nhân quá cố đến nơi an nghỉ cuối cùng, tang chủ đều có thêm một câu: “Trong lúc tang gia bối rối, có gì sơ suất, xin quý bà con bỏ qua...”

     Có những người trong lúc tang gia bối rối đau buồn, thì họ suốt đêm canh thức bên quan tài, thay vì đọc kinh cầu nguyện, hoặc mặc niệm chia buồn với gia quyến, thì lại tổ chức bài bạc, hát xướng, uống rượu, chửi tục...như là một đám hội hè không bằng.

     Người chết họ không muốn chúng ta làm như thế, hát hò họ không nghe được, thổi kèn tây kèn ta họ không biết thưởng thức, cái mà họ rất cần nơi chúng ta chính là lời cầu nguyện và sự hy sinh của mỗi người. Lời cầu nguyện và hy sinh của chúng ta như giọt nước mát an ủi các linh hồn trong luyện ngục, và dể dàng chạm đến lòng nhân từ của Thiên Chúa để Ngài giảm bớt các hình phạt cho linh hồn mới qua đời.

-“Ông Giu-đa quyên được khoảng hai ngàn quan tiền, và gửi về Giê-ru-sa-lem để xin dâng lễ đền tội; Ông  làm cử chỉ rất tốt đẹp và cao quý này vì cho rằng người chết sẽ sống lại. Thực thế, nếu ông không hi vọng rằng những chiến binh đã ngã xuống sẽ sống lại, thì cầu nguyện cho kẻ chết quả là việc dư thừa và ngu xuẩn. Nhưng vì ông nghĩ đến phần thưởng rất tốt đẹp dành cho những người đã an nghỉ trong tinh thần đạo đức. Đó là lý do khiến ông đến dâng lễ tế đền tạ cho những người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi.”

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Thiếu dung mạo

THIẾU DUNG MẠO
 
 

Có người đem con gái họ Nguyễn nọ nói sẽ gả cho Hứa Doãn, Hứa Doãn nghe người ta nói cô ta rất xấu, do đó mà không muốn.

Về sau, Hoàn đến khuyên, nói:

-“Nhà họ Nguyễn đã muốn đem con gái gả cho ngài cũng là thành tâm thành ý, ngài ngại gì mà  không đi coi hay dở như thế nào sao ?”

Hứa Doãn bèn đi coi con gái nhà họ Nguyễn, vừa nhìn thấy thì cô ta quả thực là xấu bèn quay đầu bỏ đi, nào ngờ cô gái ấy cầm áo của Hứa Doãn lại, Hứa Doãn không vui hỏi:

-“Phụ nữ có bốn đức, cô có mấy đức ?”

Con gái họ Nguyễn nói:

-“Thiếp chỉ thiếu có dung mạo, nhưng kẻ sĩ có trăm hạnh, quân tử có mấy hạnh ?”

Hứa Doãn nói:“Ta đây trăm hạnh đều có đủ”.

Con gái họ Nguyễn lại nói:

-“Người đàn ông trăm hạnh lấy đức làm đầu, ngài háo sắc mà không ham đức, làm sao lại có thể nói là có đủ ?!”

Hứa Doãn mặt mày ửng đỏ khó coi, không lời đối đáp, liền kết thành phu thê.
(Thế Thuyết Tân Ngữ)

Suy tư:

     Có lẽ không ai có người vợ xấu xí như Hứa Doãn, nhưng cũng không ai có người vợ nết na đức hạnh như Hứa Doãn, như thế cũng đủ biết: cái nết đánh chết cái đẹp. Theo quan niệm của xã hội thời phong kiến thì người con gái phải có đủ “tam tòng tứ đức” mới gọi là người con gái tốt. “Tam tòng” là : tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử;  “Tứ đức” là công, dung, ngôn, hạnh.

     Nhưng muốn có “tam tòng tứ đức” hay “trăm hạnh” thì trước hết phải có đạo đức, mà đạo đức này phải được đặt trên nền tảng đức tin, và được soi dẫn bằng Lời Chúa, nếu không thì sẽ giống như Hứa Doãn, khoe là có đủ trăm hạnh, nhưng lại háo sắc; nếu không được đặt trên nền tảng Lời Chúa, thì “tam tòng tứ đức” sẽ không được bền lâu, vì không có nền tảng...

     Con trai con gái thời nay hể nghe nói đến “tam tòng tứ đức” là la lên: “Xưa rồi, xưa như trái đất rồi”, bởi vì họ cho là “xưa rồi” nên lấy nhau chưa được vài ba tháng thì “vác nhau” ra tòa li dị; vì “xưa rồi” nên bệnh viện Từ Dũ mỗi năm có đến 80% cô gái dưới mười tám tuổi phá thai.v.v...

     Dù là con trai hay con gái, tôi cũng phải luôn luôn trở nên một người con của Thiên Chúa, nghe lời giáo huấn của Ngài, tham dự các bí tích để đức hạnh của tôi ngày càng trổi vượt hơn.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư