Thứ Năm, 9 tháng 5, 2013

Câu chuyện nhỏ, đạo lý lớn (1)


管美芬主編

阮仁才 神父 翻譯


 

CÂU CHUYỆN NHỎ

ĐẠO LÝ LỚN

Tổng hợp các câu chuyện hài hước ngắn, nhưng có tính giáo dục rất lớn

 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Dịch và viết suy tư

 

Lời ngỏ :

Kho tàng truyện cổ Trung Quốc rất phong phú, có thể qua mỗi câu chuyện kể, mỗi câu truyện cười, những câu truyện đố vui hay câu đối có chọn lọc, đều có thể phản ảnh cuộc sống nhân sinh của con người.

Chúa Giê-su Ki-tô khi rao giảng tin mừng Nước Trời, Ngài cũng dùng những dụ ngôn rất đời thường, để hướng dẫn người nghe hiểu được lời Ngài rao giảng.

Hy vọng những câu chuyện hài hước đầy tính triêt lý đông phương này, sẽ giúp chúng ta hiểu được có sự liên kết giữa văn hóa đông phương với nhân bản Ki-tô giáo của chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
--------------

 


1.   CÙNG NHAU KHOE KHOANG

Có người mua một cái giường mới, trên thành giường khắc những hoa văn rất đẹp, do đó mà rất muốn thông gia nhìn thấy mới gọi là không mai một cái giường mới. Thế là ông ta giả bị bệnh nằm trên giường, để khi thông gia đến thăm thì chóa mắt bởi cái giường của mình.

Vừa vặn lúc ấy thông gia của ông cũng may một cái quần mới, cũng muốn khoe với thông gia của mình, thì đột nhiên được biết thông gia của mình bị bệnh, thì cho rằng đây là cơ hội tốt bèn lập tức đi đến nhà thông gia.

Ông ta vừa vào trong nhà của thông gia thì bèn tìm một nơi sáng nhất mà ngồi, bắt tréo hai chân, rồi lại vén vạt áo dài, vỗ vỗ phủi phủi trên cái quần mới. Sau khi làm xong nhiều động tác thì ông ta mới bắt đầu hỏi thăm bệnh tình của thông gia:

-         “Ông sui bị bệnh gì vậy, mấy ngày không gặp mà thân hình gầy vậy à ?”

Thông gia nằm trên giường, sau khi nhìn thấy thông gia của mình vào nhà thì cứ khoe cái quần mới của mình, mà không để ý đến cái giường mới mua của mình, cho nên mới trả lời:

-         “Ông sui vừa đến thì tôi mới biết, hóa ra tôi với ông sui có cùng một tâm bệnh”.

 

Suy tư 1:

     Khoe khoang là một tâm bệnh, nếu nặng hơn  thì sẽ trở thành bệnh kiêu ngạo khó mà chữa được, do đó mà Giáo Hội dạy con cái mình rằng, tất cả những gì mình có được hôm nay như: sức khỏe, tiền tài, danh vọng, tri thức, địa vị.v.v...đều do Thiên Chúa ban cho, chứ không phải do mình mà có.

     Thánh Phao-lô tông đồ chỉ khoe những yếu đuối của mình mà thôi, vì ngài rất cần những ân sủng của Chúa ban cho để làm việc tông đồ.

     Có một vài người Ki-tô hữu giàu có hay khoe khoang sự giàu có của mình khi đi tham dự thánh lễ, họ mang vòng vàng thật nhiều, mở túi xách xoẹt xoẹt rút ra tờ giấy bạc trăm ngàn đưa cao bỏ vào giỏ xin tiền; có một vài người dâng mình làm tôi Chúa thường hay khoe khoang công việc truyền giáo thành công của mình, nào là: nếu không có tớ thì giáo xứ làm gì được như thế; nào là nếu không có tớ thì giáo dân làm gì biết sinh hoạt hội đoàn...

     Khoe khoang và chia sẻ kinh nghiệm của mình cho người khác thì khác nhau, nhưng nó cách xa kiêu ngạo chỉ một khoảng cách rất ngắn mà thôi, nếu không có ớn Chúa và cầu nguyện, thì chia sẻ kinh nghiệm sẽ trở thành sự khoe khoang và kiêu ngạo vậy.

     Ai hiểu thì hiểu...

 

2.   LA HÁN VÀNG

Trương Tam đào được một pho tượng la hán bằng vàng, sau đó dùng ngón tay gõ gõ vào trán của pho tượng la hán bằng vàng ấy. Có người hỏi ông ta làm gì mà gõ vào trán pho tượng la hán hoài vậy ? Trương Tam trả lời:

-         Tôi muốn hỏi ông ta còn mười bảy pho tượng la hán bằng vàng kia ở đâu ?”[1]

 

Suy tư 2:

      Lòng tham của con người thì vô đáy, được một pho tượng bằng vàng rồi, thì muốn được thêm mười bảy pho tượng vàng còn lại, nhưng may mắn thì  không có thể đến hai lần cùng lúc. Con người ta thường lấy sự may mắn làm của mình, cứ ngỡ may mắn là trời dành cho mình, nên làm những chuyện kỳ quặc để được sự may mắn lần thứ hai.

     Con người ta ai cũng thích sự may mắn đến với mình, nhưng sự may mắn chỉ đến khi chúng ta nổ lực lao động làm việc, may mắn chỉ đến khi chúng ta biết dùng trí óc và tài năng để nắm bắt thời cơ mà thôi, bởi vì may mắn thì không dành cho riêng ai cả, nhưng ai biết nắm lấy cơ hội thì sẽ được.

     Hãy ham thích những chuyện trên trời có ích cho linh hồn, đó là: ham thích đọc kinh cầu nguyện, ham tham dự thánh lễ, ham thích làm việc thiện, ham thích đọc sách thánh, ham thích phục vụ người khác.v.v...

 

3.   TUỔI SỬU

Quan huyện mừng sinh nhật, một quan lại trong phủ nghe nói quan huyện tuổi tý, bèn đúc một con chuột bằng vàng tặng quan huyện mừng lễ thọ.

Quan huyện nhận lễ vật là con chuột bằng vàng ròng, nhưng không khen quan lại là thông minh tài cán, chỉ nói với viên quan lại:

-         “Ông có biết ngày sinh nhật của quan bà chứ, cũng sắp đến rồi đó. Nhưng quan bà nhỏ hơn ta một tuổi, quan bà tuổi sửu”.

 

Suy tư 3:

     Người ta nói đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn, bởi vì đồng tiền đi trước là để dọn đường cho các âm mưu, mưu đồ, mánh mung, là đồng tiền có thể thay trắng đổi đen, là đem sự đau khổ đến cho người khác, bởi vì nếu không có những đồng tiền đi trước, thì chắc chắn sẽ không có những bất công xảy ra.

     Quan ông tuổi tý, quan bà tuổi sửu thì nhân viên thuộc hạ sẽ sạt nghiệp, vì bao nhiêu vàng sắm sửa cả đời đều đúc hình con trâu để tặng quan bà.

     Người nghèo và người đau khổ trong xã hội còn nhiều, cái nghèo và cái đau khổ của họ cũng có khi do những người vì nồi cơm của mình mà “nộp thuế” cho cấp trên, để rồi vơ vét lại của người nghèo trong xã hội để bù lại.

     Đem tiền bạc của mình để giúp đỡ người nghèo bất hạnh, thì họ sẽ đúc trái tim bằng vàng để tặng lại mình, và trên trời tên của họ nhất định sẽ được ghi bằng vàng ròng. Hạnh phúc thật.

 

4.   HÙN HẠP NẤU RƯỢU

Ông Giáp hẹn với ông Ất hùn với nhau để nấu rượu, ông Giáp nói với ông Ất:

-      “Ông xuất gạo, tôi xuất nước”.

Ông Ất nói:

-         “Gạo đều là do tôi bỏ ra, nhưng sau này làm sao mà tính sổ sách ?”

Ông Giáp nói:

-         “Tôi là người tuyệt đối không chiếm món béo bở của người khác, này nhé, đợi khi rượu nấu xong thì chỉ cần trả nước cho tôi là được rồi, tất cả những thứ còn lại đều là của anh ?”

 

Suy tư 4:

     Có những người tuyên bố mình không hề hám lợi, không hề vì lợi riêng mà làm thiệt thòi cho người khác, nhưng chính họ lại tìm cách ăn chận những  người nghèo khó, chính họ lại là những người rất tính toán hơn thiệt trong khi giúp đỡ người khác làm việc từ thiện.

     Hùn hạp để làm ăn với nhau là để cùng nhau hưởng lợi, tôi có của anh có công, đó là lẽ công bằng trong hùn hạp làm ăn, chứ không phải gian manh giành cho mình tất cả.

     Thiên Chúa là Đấng rất công bằng, Ngài ban cho người này có tài năng này, người kia có tài năng kia là để bổ túc cho nhau và cùng xây dựng một cuộc sống hài hòa; Ngài ban cho người này có tiền bạc người kia có trí óc là để tương thân tương trợ lẫn nhau, và từ trong sự tương thân tương trọ ấy, mà người ta dần dần nhận ra được khuôn mặt yêu thương của Thiên Chúa. Đó chính là cách hợp đồng làm ăn trong tình thần yêu thương tương trợ lẫn nhau vậy.

     Con người ta nếu không sống tương thân tương trợ thì không thể phát triển được, bởi vì khi sống cô lập một mình thì sẽ trở thành lạc hậu, cố chấp, thành kiến và rất dễ dị ứng với hoàn cảnh hiện tại.

    

5.   MÀI DAO

Lão Tiền là người thích chiếm những món béo bở của người khác, nếu nhìn thấy tài sản của người khác mà không chiếm dụng một ít thì trong lòng không vui, do đó, mà những người trong phố đều không dám mang những thứ gì có chút giá trị đi ngang qua nhà của ông ta.

Một hôm, Vương Tiểu Nhị xách một cục đá mài lòng tự nghĩ không sao đâu, dù cho bị ông ta nhìn thấy thì ông ta cũng không thể gặm được. Thế là không thèm đi trở lại, cứ thản nhiên đi ngang qua cửa nhà ông ta.

Lão Tiền vừa nhìn thấy, bèn kêu Vương Tiểu Nhị đợi chút xíu, vội vàng chạy vào nhà lấy con dao thái rau đến đặt trên cục đá mài, mài lui mài tới, sau đó nói với Vương Tiểu Nhị:

-      “Mày có thể đi được rồi !”

 

Suy tư 5:

      Con người ta không phải lúc nào cũng xấu, dù cho người đó có tiếng là không tốt, bởi vì khi con người ta chưa mất đi lương tâm của mình, thì vẫn còn có cơ hội làm lại cuộc đời, có cơ hội làm việc tốt.

     Lương tâm thì khó mà chết được bởi vì nó không phải làm bằng vật chất, nhưng nó có thể chết khi con người ta cố chấp sống trong kiêu ngạo, không muốn cải quá tự tân để chấp nhận ơn lành của Chúa.

     Hay nghi ngờ người khác đa phần là những người được coi là đạo đức thánh thiện, tại sao vậy ? Thưa:

-      Vì họ thường đi lễ nên nghi ngờ người khác tội lỗi không yêu mến Chúa nên không đi lễ.

-      Vì họ thường hay bố thí cho người khác, nên khi thấy người khác không làm việc từ thiện như mình, thì nghi ngờ người ấy sống ích kỷ.

-      Vì họ thường hay đến nhà thờ làm việc này việc nọ, nên nghi ngờ ngưởi khác không yêu mến nhà thờ nhà xứ.

-      Vì họ thường hay giúp đỡ cha sở tiền bạc vật chất, nên nghi ngờ người khác không yêu mến ơn gọi thiện triệu.v.v...

Đi lễ hằng ngày, bố thí giúp đỡ cho các đấng bậc, làm việc từ thiện nhiều.v.v...nhưng trong lòng hay nghi ngờ người khác thì có ích chi, công đức ấy sẽ bị mai một mất đi, nếu trong lòng vẫn cứ nghi ngờ người khác thế này thế nọ.

Nghi ngờ là đệ tử ruột của quỷ ghen ghét, và từ nghi ngờ đến chia rẻ chỉ cách nhau một sợi tóc mà thôi. Mà sợi tóc thì quá nhỏ, ha ha ha...

 

6.   GIẢ TẠO QUÁ ĐÁNG

Có một cô gái mặc một cái váy lụa đi trên phố, vì sợ người khác không nhìn thấy mình mang váy đẹp, nên nhún nhún vai mà đi, cứ như thế mà đi rất lâu. Sau đó cô ta nhìn thấy một em bé, bèn hỏi:

-      “Có ai nhìn thấy chị không ?”

Em bé nhìn quanh rồi nói:

-      “Ở đây không có người”.

Cô ta nghe nói không có người, mới không nhún nhún vai nữa mà đi bình thường, sau đó tự nói một mình:

-         “Đã không có người, thì ta thôi không nhún nữa vậy”.

 

Suy tư 6:

     Ở đời có những người sống hai mặt: một mặt thật và một mặt giả. Mặt thật thì ở nơi vắng người hay trong gia đình thì chửi chị đánh em, bất hiếu với cha mẹ; mặt giả thì ở nơi công cộng, tập thể, thì cười cười nói nói, uốn lưỡi dẻo quẹo, lăng xăng chạy tới chạy lui phục vụ mọi người...

     Ở đời có những người luôn trang bị cho mình hai cái mặt nạ: cái mặt nạ dễ thương và cái mặt nạ khó chịu. Cái mặt nạ dễ thương thì tử thái độ cho đến lời nói rất đơn sơ không biết gì khi ở nơi đông người, để được cảm tình của mọi người; cái mặt nạ khó chịu thì chửi chồng đánh vợ bạt tai con cái khi về nhà.

     Giả tạo quá đáng sẽ bị người ta phát hiện và phát hiện nhanh, chẳng hạn khi người ác giả tạo làm người hiền thì sẽ bị lộ tẩy, bởi vì tâm của họ không có sự nhân ái bao dung; khi người kiêu ngạo giả tạo làm người khiêm tốn thì sẽ bị người ta phát hiện, bởi vì trong tâm họ không có sự khiêm tốn thật, nên lời nói và hành động của họ trở nên gượng ép ngượng ngùng...

     Sống chân thật với những gì mình có là hay nhất, và người ta cũng dễ dàng thông cảm hơn với những khuyết điểm của mình hơn.

 

7.   MUA THỊT

Có người đứng trước cổng nhà nhìn thấy một người gánh thịt đi bán, bèn kêu lại nói:

-      “Cắt miếng thịt”.

Người bán thịt hỏi:

-      “Ông muốn mua bao nhiêu cân ?”

Người mua thịt nói:

-         “Chúng tôi ở đây đợi người nhà, hỏi bao nhiêu cân để làm gì ? Ông lấy cái đùi thịt cân cho tôi”.

Người bán thịt cân xong thì nói:

-      “Này ông, cái đùi thịt này là chín cân bốn lạng”.

Người mua thịt nói:

-         “Được , ông lấy chín cân thịt ấy đi bán, còn thừa lại thì để cho tôi”.

 

Suy tư 7:

Ở đời có những người ỷ mình có tiền nên khi đi mua hàng thì hay hạch họe nhân viên bán hàng, nào là tôi có tiền tôi mua, cô cứ việc bán đừng hỏi nhiều chuyện; nào là “cô không biết khách hàng là thượng đế sao ?” Có tiền có thể mua được tất cả, nhưng có một thứ mà không thể dùng tiền bạc vật chất để mua, đó là nhân phẩm, nhân cách và danh dự của con người.

Nhân cách của con người được thể hiện trong cuộc sống, nhất là trong cách tiếp xúc, giao thiệp, buôn bán, mà nhân cách lớn nhất chính là biết tôn trọng người khác, dù họ là ai, làm bất cứ nghề nghiệp gì.

Người mua và người bán đều có nhân cách, nhân phẩm và danh dự của mình, tôn trọng lẫn nhau là làm cho xã hội văn minh, hòa bình và phồn vinh vậy.

    

8.   HAI ANH EM NÓI DỐI

Người anh nói: “Hôm qua thật rét, huynh nhóm lò sưởi, củi vừa mới bén lửa thì một chập sau đông lại thành cột lửa, huynh vừa đưa tay chạm nó, nó cứng như gì và lạnh ngắt”.

     Người em nói: “Tối hôm qua đệ đang ngủ thì nghe bên ngoài có tiếng chân bước đi, trong lòng nghĩ phải chăng là kẻ trộm ? Đệ lập tức ngồi dậy coi, quả nhiên một tên trộm mở cửa nhà em ăn cắp cái giếng nước rồi bỏ chạy.Đệ lập tức đuổi theo. Nó vác cái giếng chạy trước mặt, đệ cầm cái gậy chạy đuổi theo sau, khi nó thấy đệ sắp đuổi kịp, thì tên trộm ấy quăng cái giếng xuống đất đứt thành ba đoạn, nước giếng cũng đổ tràn mặt đất, em phải bỏ mất nhiều thời gian mới đem được nước chuyển vào trong giếng lại”.

     Người anh nói:

-      “Đệ nói vu vơ, làm gì có chuyện ấy chứ ?”

Người em trả lời:

-         “Huynh nói ngọn lửa vừa nhúm lên thì đông thành một cột lửa rất cứng, lẽ nào đó là sự thật sao ?”

 

Suy tư 8:

      Anh nói dóc em nói láo thì huề cả làng, sao lại bắt bí em mình, bởi vì không có gió thì làm sao cành lá lung lay ? Thượng bất chính hạ tắc loạn, bởi vì làm anh mà ăn nói không thành thật, bịa đặt dối trá, thì làm sao em út không nói dối gian lận ?

     Xã hội ngày càng phát triển, con người ta ngày càng tìm tòi học hỏi và hiểu biết càng nhiều hơn qua mạng internet, trong đó có những người Ki-tô hữu. Khi họ ngày càng hiểu biết về Kinh Thánh, về giáo lý, về phụng vụ.v.v...thì các chủ chăn cần phải đào sâu hơn về đời sống tu đức cũng như kiến thức trong cuộc sống hằng ngày của mình, bởi vì không thể nói trăng nói cuội mà không có bằng chứng, bởi vì không thể sống hời hợt như mục tử chăn thuê, đến tháng lãnh lương của ông chủ mà không hề quan tâm đến tinh thần tu đức của mình và đời sống thiêng liêng của đàn chiên mà  mình coi sóc.

     Giáo dân hay nói dối là vì cha sở hay nói ba hoa và khoe khoang kiêu ngạo; giáo dân hay nói ba hoa khoe khoang là vì cha sở không có đời sống nội tâm, cho nên khi giảng dạy thì không đánh động được lòng giáo dân.      

      

9.   TIÊN NỮ GIÁNG PHÀM

Đổng Vĩnh luôn giữ trọn hiếu thảo, nên ngọc hoàng đại đế bèn ra lịnh cho một tiên nữ giáng phàm để kết hôn với Đổng Vĩnh, các tiên nữ đều đến tiễn biệt.

Mọi người đều nhao nhao nói với tiên nữ ấy:

-         “Lần này chị xuống trần gian, nếu mà nghe được ở đâu có người thực hành hiếu thảo, thì tiên vàn nhớ báo tin cho chúng tôi nhé”.

 

Suy tư 9:

     Điều răn thứ tư của đạo Đức Chúa Trời là thảo kính cha mẹ. Tại sao lại phải thảo kính cha mẹ mà không thảo kính Thiên Chúa ?

     Thưa là vì Thiên Chúa đã trao quyền sinh sãn, nuôi dưỡng và giáo dục con cái cho cha mẹ, do đó mà con cái phải có bổn phận thảo kính cha mẹ mình, và khi thảo kính cha mẹ thì chính là thảo kính Thiên Chúa rồi vậy. Bởi vì ai không thảo kính cha mẹ thì chắc chắn cũng không yêu mến Thiên Chúa, bởi vì khi con cái thảo kính cha mẹ cũng sẽ làm cảm động Thiên Chúa và các thánh nam nữ trên trời, bởi vì Chúa Giê-su đã vâng lời và thảo kính cha mẹ mình khi ở trong gia đình Na da rét, và các thánh nam nữ cũng là những người đã thảo kính cha mẹ mình khi còn ở thế gian này.

     Thánh Phao-lô tông đồ trong thư gửi cho tính hữu Ê-phê-sô đã dạy rằng: “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này”[2].

     Câu chuyện ngọc hoàng thượng đế đem tiên nữ thưởng cho người con có hiếu ở trần gian trên đây, tuy là không có, nhưng cũng dạy cho chúng ta biết Thiên Chúa rất yêu mến và chúc lành cho những ai có hiếu với cha mẹ của mình, khi các ngài còn sống cũng như khi đã qua đời.

 

10.  KHÔNG KHÓC

Một cô gái xuất giá, khi lên kiệu hoa thì cứ khóc mãi, khóc rất thê thảm, khóc đến nỗi các người khiêng kiệu cũng cảm thương. Do đó, kiệu phu bèn nói:

-         “Cô vẫn cứ khóc như thế, hay là chúng tôi khiêng cô trở về lại nhà ?”

Cô gái ấy từ trong kiệu hoa nói vọng ra:

-      “Không cần, tôi không khóc là được rồi”.

 

Suy tư 10:

      Con gái đi lấy chồng là phải bỏ cha mẹ để ở với chồng, và coi cha mẹ anh chị em bà con bên nhà chồng như cha mẹ và anh chị em bà của của mình, do đó không lạ gì mà các cô gái khi lên xe hoa thì khóc như đám ma...

     Con gái đi lấy chồng thì bị ràng buộc bởi tam tòng: tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử; nghĩa là khi còn ở nhà thì theo cha mẹ, khi lấy chồng thì theo chồng, chồng chết thì theo con. Tam tòng này dù người con gái không học hành cũng hiểu được đạo lý của nó, do đó mà khi lên xe hoa về nhà chồng cảm thấy vừa vui vừa buồn mà khóc rồi cười chăng ?

     Hôn nhân là việc quan trọng cả đời người, do đó lên xe hoa mà khóc hay cười là chuyện không đáng nói, cái đáng nói là trong đời sống hôn nhân của họ có trọn vẹn nụ cười không, hay chỉ là ngậm nước mắt mà cười !

 

11.  MUA NỒI

Người bán nồi thiết, cầm cái nồi thiết đưa lên trời gõ kêu “xèng xèng”, để quảng cáo cho người ta biết là nồi thiết của ông ta rất chắc chắn. Người đến mua nồi thiết cũng cầm nồi thiết thử thả rơi xuống đất, lại làm va chạm đến nỗi thủng nồi thiết.

Người bán nồi thiết vội vàng nhặt lấy nồi thủng và nói:

-         “Giống như cái nồi thiết này, thì tôi sẽ không bán cho ông”.

 

Suy tư 11:

     Người ta nói quảng cáo nói láo ăn tiền, cái nồi thiết bị thủng thì dứt khoát không thể bán cho ai được cả, chỉ có cách là đem về tái chế.

     Đời sống tâm linh của người Ki-tô hữu cũng thế, ma quỷ thường đem những thứ giả dối ra để cám dỗ con người ta: nào là rượu này ngon lắm không uống thì uổng cả đời; nào là đời người chỉ có một lần phải hưởng thụ kẻo sau này hối hận; nào là tuổi thanh xuân không bao giờ trở lại, phải chơi cho xả láng; nào là chức vụ chỉ có bốn năm ngắn ngủi phải lo bày tỏ quyền hành của mình.v.v...thế là con người ta đắm mình trong sự giả dối triền miên bởi hưởng thụ vật chất và những thứ hay mất do ma quỷ đem lại.

     Có những lúc quảng cáo là công cụ và là tay sai đắc lực của ma quỷ, ít người biết rõ điều đó. Hãy cẩn thận...

 

12.  QUAN ÂM NGÀN TAY

Người mặt rỗ Vương Nhị mới học hớt tóc, khi hớt tóc cho người ta, thoáng cái làm người ta có vết xước, anh ta vội vàng lấy tay đè mạnh. Nhưng sau đó anh ta khi hớt tóc lại gây ra nhiều vết xước khác, năm ngón tay không đủ để đè hết các vết thương, thế là anh ta than trời, nói:

-         “Ái dà, té ra hớt tóc thật là khó, cần phải sinh thành phật Quan Âm có ngàn tay mới được”.

 

Suy tư 12:

     Mới học việc thì chắc chắn sẽ vụng về khi thực tập, không ai mới học nghề mà lại thành thạo như thợ lành nghề được, do đó mà cần phải có sự chăm chỉ và nhẫn nại.

     Có một vài người Ki-tô hữu mới học được vài môn học về Kinh Thánh, thế là về đến nhà xứ thì cãi tay đôi với cha sở về câu này câu nọ trong Kinh Thánh, to tiếng khoe khoang với mọi người là mình học lớp này lớp nọ của linh mục này linh mục rất nổi tiếng.v.v...

     Học hỏi Kinh Thánh là học hỏi Lời Chúa và để sống Lời Chúa cho tốt hơn trong cuộc sống, chứ không phải để cãi tay đôi với cha sở, chứ không phải để khoe khoang với mọi người. Họ như người mới học hớt tóc muốn trở thành thợ giỏi trong tức khắc, cho nên làm chảy máu khách hàng của mình khi hớt tóc. Cũng vậy, họ cũng làm chảy máu trong tim của cha sở vì tính kiêu ngạo của họ, họ cũng làm các giáo dân khác cảm thấy đau trong lòng khi họ cãi chày cãi cối với cha sở mà họ mới bập bẹ học vài thứ căn bản thiếu đầu thiếu đuôi.

     Khiêm tốn và nhẫn nại là nền tảng cho sự thành công của người mới học việc, chứ không phải trở thành phật Quan Âm ngàn tay mới giỏi. Học Kinh Thánh càng phải có lòng khiêm tốn và đức tin mới có thể đạt ngộ Lời Chúa trong đó, chứ không phải chỉ ỷ lại vào trí thông minh mà thôi.

 

13.  QUAN MỚI ĐẾN HỎI THÔNG LỆ

Quan huyện mới đến nhậm chức, hỏi thư ký của mình:

-         “Làm việc của quan thì sự thể phải như thế nào ?”

Thư ký trả lời:

-         “Năm đầu nên thanh liêm, năm thứ hai có thể thanh liêm một nửa, năm thứ ba thì có thể lẫn lộn”.

Quan huyện nghe xong, thở dài nói:

-         “Ái dà, làm sao ta có thể chịu đựng được ba năm chứ !”

 

Suy tư 13:

      Làm quan thì có nhiều loại quan: có loại quan thanh liêm, có loại quan tham ô, có loại quan tham nhũng, có loại quan dê cụ, có loại quan ăn chơi trác táng.v.v...

Quan thanh liêm thì rất ít, bởi vì họ làm quan là vì hạnh phúc của bá tánh và vì sự phồn vinh của xã hội, cho nên họ để lại nhiều tiếng tốt cho đời. Còn lại các quan khác như quan tham ô tham nhũng, quan dê cụ, quan ăn chơi.v.v...là những người làm quan không vì dân, mà vì bản thân và gia đình hoặc phe cánh của mình mà thôi, cho nên khi họ đang làm quan thì đục khoét công quỷ, lấy tiền công quỷ để bao gái, để nhậu nhẹt, và quyền lợi thì chỉ dành cho mình, cho gia đình mình, cho nên khi họ chết đi thì tiếng xấu để lại khó mà rửa sạch.

Càng cao danh vọng, càng nhiều gian nan.

Các linh mục cũng là những người được gọi là “công hầu khanh tướng” của Chúa Giê-su Ki-tô, nếu các ngài không sống đúng với chức vụ và bổn phận của mình, không làm gương tốt để dẫn dắt đoàn chiên theo đường lối của Chúa, thì trên thiên đàng không có chỗ của ngài, trong luyện ngục cũng không có chỗ của ngài, và chỗ của ngài chắc chắn là ở tầng thứ mười tám của địa ngục (nếu địa ngục có 18 tầng).

Ghê sợ thật, đúng là càng cao danh vọng càng nhiều gian nan.

 

14.  SAI NHA THỀ

Sai nha, vì nhận hối lộ của người ta nên bị giam trong tù, sau đó may mắn gặp dịp đại xá nên được phóng thích.

Tên sai nha này khi được phóng thích thì ghi nhớ những đau khổ ở trong tù nên rất hận và thề rằng: “Sau này nếu ta mà nhận tiền hối lộ của ai, thì trên tay ta sẽ mọc cái mụn nhọt thối tha”.

Sau đó không lâu, có một người đi kiện cáo lại đến tìm anh ta, tay cầm tờ giấy bạc gấp lại, vừa nói vừa trực tiếp nhét vào trong tay anh ta.

Sai nha đột nhiên nhớ lại lời thề độc của mình: nếu lấy tiền hối lộ của người ta thì tay sẽ bị ung nhọt thối ta. Thế là vội vàng rút tay ra. Nhưng, nhìn thấy tờ giấy bạc gấp đôi thì trong lòng thực ra rất muốn lấy, bèn cười ha ha nói:

-         “Ái dà, anh thật là người thành khẩn làm cho tôi không nỡ chối từ. Vậy thì anh đem nó nhét vào trong ống giày của tôi đây”.

 

Suy tư 14:

     Lòng tham thì không thể lường được, muốn trở thành một người liêm chính -nhất là những người làm quan- thì khó thật, bởi vì dù mình không muốn nhận hối lộ nhưng người khác đem tiền bỏ trước mặt thì khó mà không cầm…

     Các linh mục địa phận (giáo dân có thói quen gọi là linh mục triều) chỉ có một lời hứa, đó là: vâng phục giám mục và người kế vị giám mục của mình, nhưng có một vài linh mục không thèm nghe lời giám mục của mình khi giám mục muốn đổi các ngài đi giáo xứ khác. Có vị thì viện cớ hộ khẩu đã đăng ký ở giáo xứ nên không muốn vâng lời giám mục, có vị thì coi thường giám mục của mình còn trẻ, có vị thì ỷ công lao mình quá nhiều nên không muốn vâng lời giám mục, lại có vị vì thì xúi giục giáo dân làm đơn xin giám mục cho mình ở lại.

     Tuy đó không phải do lòng tham mà không giữ lời hứa, nhưng là do kiêu ngạo và sự cám dỗ của ma quỷ và tình cảm chóng qua của con người mà thôi.

Đã hứa đã thề thì phải giữ, nhất là thề hứa công khai trước mặt Chúa và cộng đoàn, không giữ thì có tội và chắc chắn là lương tâm không bình an khi lỗi lời hứa.

Lương tâm chính là tiếng Chúa hối thúc chúng ta phải giữ lời mình đã hứa với Ngài, dù lỗi lời hứa không ai biết, nhưng Thiên Chúa biết và lương tâm sẽ không bình an vậy.

 

15.  CƯỜI CHỦ NHÂN KEO KIỆT

Một nhà giàu đãi khách, trên bàn tiệc chỉ có một chút thịt vụn, trong bàn tiệc có một người khách kể một câu nguyện tiếu lâm, để cười nhạo chủ nhà, câu chuyện như sau:

-         “Có một người rất là hiếu thuận, một hôm ông tía bị bệnh, anh ta bèn cắt thịt ở bắp vế mình nấu cho tía ăn, ông tía ăn thì cảm thấy mùi vị thơm ngon, nhưng không biết là con trai cắt thịt mình cho ông ta ăn, nên thường thích ăn loại thịt ấy.

Con trai bèn cầm dao nói với phụ thân:

-         “Hôm trước thịt mà tía ăn đó, là thịt bắp vế chân của con, bây giờ con cắt một chút để tía ăn nhé ?”

Mới xẻo một miếng, thì luôn miệng nói:

-         “Đau chết được”. Thế là ông tía nhăn mặt nhíu mày nói: “Nếu sớm biết mày cắt thịt đau đớn như thế, thì tao cũng không ăn mấy thứ của mày”.

 

Suy tư 15:

     Đã có lòng mời khách thì mời cho ra trò, đừng để khách vui vẻ đến dự rồi thất vọng đi về với cái mặt không vui miệng lẫm bẩm chửi: giàu mà keo.

     Bí tích Thánh Thể là tiệc Nước Trời ngay tại trần gian, mà Chúa Giê-su đã vì yêu thương mà ban cho Giáo Hội của Ngài nếm trước hạnh phúc thiên quốc. Bữa tiệc này ăn uống rồi thì không còn phải đói khát, đã nếm rồi thì cứ thích mãi không thôi, vì Máu Thịt ấy chính là Mình và Máu Thánh của Chúa Giê-su, là lương thực của các thiên thần, là nguồn sinh lực vô biên của những người đi tìm điều thiện hảo trong ân sủng của Chúa…

     Mỗi ngày, người Ki-tô hữu được mời gọi tham dự vào bàn tiệc thiên quốc ấy, đó chính là do lòng nhân hậu và yêu thương bao la của Thiên Chúa, chứ không phải dùng tiền bạc để được vào tham dự, nhưng dùng đức tin và lòng yêu mến Chúa để tham dự, đó chính là hạnh phúc cao cả của những người môn đệ của Đức Ki-tô.

     Thiên Chúa rất đại lượng mà tâm hồn con người thì nhỏ hẹp, nên có những người Ki-tô hữu coi thường Mình Thánh Chúa và có những lúc xúc phạm đến Thánh Thể.

Đó chính là lý do khiến chúng ta phải chết đời đời vậy.

 

16.  GIẤY BIÊN NHẬN

Có người mượn bạn tiền, người bạn nói với anh ta:

-         “Không cần viết giấy biên nhận, vẻ một tấm hình anh cười là được rồi”.

Người ấy hỏi rõ lý do tại sao, người bạn nói:

-         “Để sau này khi tôi đến đòi nợ thì tôi có thể nói cho anh biết, mặt anh phải như thế này”.

 

Suy tư 16:

      Khi mượn được tiền thì hớn hở vui mừng, nhưng khi có tiền thì không muốn trả nợ liền, khi chủ nợ đòi thì cái mặt bí xị không cười vui giống như khi mượn tiền, đó chính là tâm trạng của những người chỉ biết mình mà không biết đến người khác.

     Chúng ta mắc nợ Thiên Chúa –bởi tội nguyên tổ và tội mình phạm- và chúng ta không có gì để trả cả để được hưởng phúc Nước Trời. Nhưng chúng ta có Đấng trả nợ thay cho chúng ta, đó chính là Chúa Giê-su Ki-tô, nhờ sự khổ nạn, chịu chết và phục sinh của Ngài mà Thiên Chúa đã tha tội và hứa phúc thiên đàng cho chúng ta. Và phần còn lại là chúng ta có muốn cộng tác với Ngài để hưởng phúc thiên đàng hay không mà thôi.

     Thiên Chúa muốn chúng ta vui cười hớn hở trong ngày chung kết cuộc đời này, Ngài muốn ngày đó các thiên thần đến đón rước chúng ta vào vinh quang Nước Trời, chứ Ngài không muốn chúng ta mặt mày đau khổ, vì phải lìa xa nhan thánh của Ngài vĩnh viễn trong hỏa ngục...

     Vừa sinh ra đời thì em bé nào cũng khóc oa oa, đó là “quy luật” của con người, nhưng mĩm cười hân hoan để từ giã cõi đời này là “quy luật” của người Ki-tô hữu.

Giấy biên nhận của người Ki-tô hữu không phải là để trả nợ, nhưng là để vào Nước Trời, đó chính là “Hoàn toàn hy sinh, chân thành yêu người và luôn luôn vui vẻ” vậy.

Ai hiểu thì hiểu.

 

17.  KHẨU HIỆU LỚN

Một vị tân thái thú mới đến nhiệm sở, người ta bỏ ra ba ngày để hoan nghênh ông ta ở hiện trường, người phụ trách nghi lễ xướng lên khẩu hiệu: “Vì báo quan dân phải chúc mừng, vận xấu qua đi vận tốt tới”.

Tân thái thú nghe vậy thì trong lòng rất vui, bèn hỏi ai làm ra câu đó, người dẫn lễ nghi trả lời:

-      “Đó là truyền thống cũ của huyện mình ạ !”

 

Suy tư 17:

Vận xấu qua đi tức là quan xấu đã bị đổi đi nơi khác, vận tốt tới tức là quan mới tới. Mỗi khi có quan mới đến thì bá tánh đều hô to khẩu hiệu như thế mà quan mới không hiểu được ý nghĩa của nó, lại còn vui mừng nữa chứ.

Năm cũ qua đi năm mới đến, người ta chúc nhau trong năm mới được nhiều may mắn, lộc tài phúc đều có, đó là lời chúc truyền thống và có ý nghĩa, lời chúc đem lại hy vọng cho mọi người.

Người Ki-tô hữu có thói quen rất tốt lành mỗi khi năm mới đến, đó là chúc nhau năm mới tràn đầy ân sủng của Thiên Chúa và tình thương của Đức Mẹ Maria, đó là lời chúc rất đặc biệt mà chỉ có những người Ki-tô hữu mới có mà thôi. Đó không phải là khẩu hiệu, mà là lời chúc chân thành và đẹp nhất phát xuất từ trong tâm hồn của họ.

Lời chúc thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa.

 

18.  GIẢI THÍCH TRỰC TIẾP

Có một thầy giáo dạy trường tư, khi giảng đến ba đoạn “trống trận nổi lên, binh đao giao tiếp, bỏ giáp kéo vũ khí mà chạy” trong sách “Mạnh tử, thì nói:

-      “Tùng tùng tùng, sát sát sát, chạy chạy chạy”.

 

Suy tư 18:

      Bổn phận của thầy giáo là dạy học trò, dạy tức là phải giải thích, phải chứng minh, phải nói rõ ràng, để học trò nghe và hiểu bài. Với học trò tiểu học thì không thể giải thích cách cô đọng; với học trò trung học thì không thể giải thích nửa chừng; với các sinh viên thì không cần giải thích nhiều, nhưng cần cô đọng.

     Các linh mục là những thầy dạy giáo dân (và cả những người khác) về đàng nhân đức, nên không những phải giải thích rõ ràng, mà còn phải lấy đời sống đạo đức của mình để chứng minh, có như thế giáo dân mới hiểu được Lời Chúa và sống Lời Chúa cách thoải mái hơn.

     Giải thích trực tiếp –tức là không cần nói nhiều- mà hiệu nghiệm nhất chính là đời sống gương mẫu của mình.

 

19.  TẤU KHÔNG NỔI

Có anh Giáp đi thi văn chương, nhọc công suy nghĩ tìm câu cú. Đầy tớ của anh ta đứng đợi ngoài cổng trường thi, nhìn thấy rất nhiều người đã lên nộp bài và đi ra khỏi trường thi, mà trời cũng gần tối rồi, anh ta cảm thấy rất bực bội, bèn hỏi đầy tớ của anh Ất:

-         “Không biết làm một bài văn đại khái cần bao nhiêu chữ ?”

Đầy tớ của anh Ất nói:

-         “Bất quá khoảng chừng năm sáu trăm chữ chứ gì ?”

Đầy tớ của anh Giáp nghe như thế thì càng cảm thấy lạ, bèn lẩm bẩm nói:

-         “Lẽ nào trong bụng không có năm sáu trăm chữ sao ? Nếu có thì tại sao giờ này vẫn chưa đi ra ?”

Đầy tớ của anh Ất an ủi anh ta:

-         “Anh không nên sốt ruột, mặc dù trong bụng của ông chủ anh có năm sáu trăm chữ, chẳng qua là nhất thời tấu không lên mà thôi”.

 

Suy tư 19:

     Thời xưa có những thí sinh đi thi nhưng trong bụng không có chữ nào, những thí sinh ấy thường là những công từ chỉ biết gái và rượu mà thôi.

Ngày nay, có những học sinh trung học đi thi đại học nhưng trong bụng thì không có chữ nào, đến nỗi phải đem theo tài liệu vào phòng thi; thời nay có những ông quan đi thi lớp tại chức mà trong bụng không có chữ nào, đến nỗi phải nhờ người khác đi thi hộ cho mình…

Có một vài người Ki-tô hữu khoe mình có cả một bụng kinh sách, nhưng đi nhà thờ thì không thấy mở miệng đọc kinh; có một vài giáo dân khoe mình có cả một bụng kinh thánh, nhưng lại sống như những không không hề biết đến kinh thánh là lời của Thiên Chúa.

Chúa Giê-su Ki-tô nói hể trong lòng có thế nào thì miệng mới nói ra thế ấy.

Nhưng những học trò ấy, những quan đi thi tại chức ấy, những người Ki-tô hữu ấy, thì trong lòng họ có gì đâu mà “tấu cho nổi”. Ha ha ha...

 

20.  SÁCH THẤP

Tú tài nọ vì để chuẩn bị lên kinh thi cử, nên mượn nhà chùa một gian phòng để ôn thi, nhưng vẫn cứ chưa khổ công ôn bài thi. Một chiều nọ, đột nhiên kêu tiểu hòa thượng đem sách đến, tiểu hòa thượng đem đến một quyển “văn tuyển”, tú tài chê là thấp. Tiểu hòa thượng lại đi lấy “Hán thư”, anh ta cũng chê là thấp, do đó bèn đi lấy quyển “sử ký”, tú tài vẫn cứ chê là sách thấp.

Lão hòa thượng đi ra nói:

-         “Ba bộ sách này, bất kỳ bộ nào nếu mà học thuộc thì có thể cho là một học giả, tại sao anh đều nói là “thấp” chứ ?”

Tú tài trả lời:

-         “Thực ra tôi chỉ muốn dùng sách để làm gối kê ngủ mà thôi”.

 

Suy tư 20:

      Tứ thư, ngũ kinh là những quyển sách thánh hiền thời xưa ở Trung Quốc, các tử sĩ đi thi thì chỉ cần thuộc lòng là có thể đỗ cao làm trạng nguyên, hoặc là làm tiến sĩ.

     Có những quyển sách dày (cao) và có những quyển sách mỏng (thấp), nhưng dày mỏng thì không quan trọng, quan trọng là nội dung của nó, bởi vì có những quyển sách rất dày nhưng nội dung vô bổ, trái lại có những quyển sách mỏng nhưng nội dung rất có ích cho mọi người. Chỉ có những người làm biếng đọc sách, không thích đọc sách, thì mới cho là “sách thấp” mà thôi.

     Có những người Ki-tô hữu không thích đọc sách Thánh Kinh, không muốn cầm đến quyển Thánh Kinh vì cho là nó dày, đọc mỏi mắt, đọc chán quá, nhưng họ lại quên cả ăn uống, quên cả ngủ nghỉ vì đọc quyển tiểu thuyết dày cộm; có những người Ki-tô hữu dùng sách Thánh Kinh để làm gối kê ngủ, nhưng không lấy sách Thánh Kinh làm sách “gối đầu giường” của mình, cho nên trong cuộc sống họ thường không tôn trọng sách Thánh Kinh và Lời Chúa chứa đựng trong đó...

     Không có sách thấp sách cao, mà chỉ có suy nghĩ cao và thấp mà thôi, người có suy nghĩ cao thì quyển sách nào đối với họ cũng đều có ích lợi, người có đầu óc suy nghĩ thấp thì quyển sách nào đối với họ cũng chán ngấy.

     Ai thích đọc sách thì hiểu, và ai không thích đọc sách thì...cũng hiểu điều ấy. Ha ha ha...

    

21.  NGHIẾN RĂNG

Có một mẹ chồng cùng với nàng dâu cả hai đều góa bụa, mẹ chồng thường hay dạy con dâu: “Làm quả phụ cần phải nghiến răng cho chặt mà sống qua ngày”.

Không lâu sau đó, mẹ chồng tư thông với người khác, con dâu bèn dùng câu nói ấy để trách cứ mẹ chồng, mẹ chồng há to miệng cho nàng dâu nhìn, rồi nói:

-         “Con coi, nếu mẹ có răng thì mới nghiến được chứ !”

 

Suy tư 21:

      Cũng có một câu chuyện cười như sau:

     “Cha sở giải thích tình trạng trong hỏa ngục, ngài nói: những người phạm tội ở trong hỏa ngục phải nghiến răng khóc lóc suốt đời”.

Có một bà già móm mém nói với cha sở: thưa cha, như vậy thì con không sợ vào trong hỏa ngục ạ, bởi vì con không có răng để nghiến…!”

Mẹ chồng không có răng để nghiến cho chặt, nên bà tư thông với người khác phạm tội dâm dục, nhưng “hàm răng” của lễ giáo thì sẽ nghiến bà suốt đời; bà già móm mém không sợ vào trong hỏa ngục, vì bà không có răng để nghiến, nhưng những “hàm răng” đau khổ thiếu vắng tình thương của Thiên Chúa sẽ nghiến bà đời đời trong hỏa ngục.

     Tuy là câu truyện cười, nhưng là nụ cười của con dao cắt xé tâm can của người công chính, và cười ra nước mắt của người biết suy tư về đời sau…

 

22.  CÓ CHÚT LO SỢ XẤU HỔ

Đầu năm Nguyên Hựu, Tô Đông Pha có qua lại ăn tết với một quan cai ngục, có chút bị hố. Không lâu sau đó, Đông Pha được triệu vào viên ngoại lang bộ lễ, một lần nọ, đột nhiên gặp lại viên quan cai ngục ấy, nhìn thấy sắc mặt ông ta rất xấu hổ. Đông Pha bèn cười nhạo ông ta:

-         “Có một con rắn cắn chết người, quan âm phủ truy tìm kết quả và tuyên án tử hình. Con rắn khóc và nói:

-         “Con thật có tội nhưng cũng có công, có thể chuộc tội được”. Âm phủ bèn nói: “mày có công trạng gì ?”

Con rắn trả lời:

-         “Con có xà huỳnh có thể trị bệnh, đã cứu không biết là bao nhiêu người”

Thế là âm phủ tha tội cho nó.

Rất lâu sau đó, lại có một con bò đến nói với âm phủ. Âm phủ nói:

-      “Cái sừng của mày giết người đáng tội chết”.

Con bò khóc rống lên, nói:

-         “Con có ngưu hoàng, có thể trị bệnh, đã cứu rất nhiều người rồi”.

Thế là con bò được tha tội chết, không lâu sau đó, ngục sứ dắt đến một người và nói với âm phủ:

-         “Người này khi còn ở trên dương thế thường giết người, bây giờ nên đền mạng”.

Người ấy bèn nói mình cũng có “hoàng”, quan âm phủ nghe được thì nổi xung, lớn tiếng chửi:

-         “Xà hoàng, ngưu hoàng có thể làm thuốc trị bệnh, người trong thiên hạ ai cũng đều biết, mày là “nhân hoàng” có công lao gì chứ ?”

Người ấy lúng túng cực độ lẩm bẩm nói: “Con không có những “hoàng” khác, chỉ có một vài “xấu hổ” mà thôi”.

 

23.  GẢ CHO NGƯỜI KHIẾT ĐAN

Mùa đông năm tân tị đời Thiệu Hưng, Nữ Chân đến xâm phạm bờ cõi, Mễ Trung Tín vâng mệnh giải quyết vụ án Chuẩn Nam Thiết, lấy được một rương nhỏ vốn là từ núi Yến mà đến, bên trong có hơn mười bức thư, phần lớn là của các bà vợ bị bắt làm tù binh gởi cho chồng đang ở trong quân. Giáo thụ Đường Trung Hữu nhìn thấy trong tấm bản đồ vuông ở Xu Liêu một bức thư nhưng không viết gì cả, nhẵn trụi chỉ có một bài thơ:

“Thùy dương truyền lời đến San Đan,

Chàng đến Giang Nam rất gian khổ

Ở đó, chàng tìm vợ đất Nam

Ở đây, thiếp lấy chồng Khiết Đan”.

 

Suy tư 23:

     Từ xưa đến nay, cuộc chiến nào cũng là mất mát, đau thương và đổ vỡ; từ xưa đến nay cuộc chiến nào cũng đem lại bất hạnh cho con người: vợ chồng lìa nhau, cha mẹ mất con, bạn bè ở hai đầu giới tuyến, anh em cầm gươm đao sung đạn bắn vào nhau. Chiến tranh là tàn khốc.

     Thời nay tuy không có chiến tranh nhưng người ta ly dị nhiều hơn cả thời chiến tranh, bởi vì người ta không sống cho tình yêu mà chỉ muốn hưởng thụ vật chất xác thịt; người ta không muốn sống trọn vẹn cho tình yêu, nhưng người ta chỉ muốn tình yêu nửa vời phá hoại hạnh phúc gia đình và vui cười ích kỷ trên đau khổ của con cái khi ly dị nhau.

     Vợ chồng ly dị nhau thì không giải quyết được gì cả, chỉ đem lại đau khổ cho con cái và sự dằn vặt lương tâm mà thôi.

 

24.  NGỦ

Một ông chủ hay ngủ, không ngờ mình lại mời một người khách say ngủ đến nhà.

Khách đến thấy chủ nhân chưa xuất hiện thì ngồi trên bệ mà ngủ ngáy khò khò, chủ nhân xuất hiện nhìn thấy khách ngủ thì không dám kinh động, ngồi đối mặt mà ngủ. Phút chốc khách tỉnh, thấy chủ nhân ngủ, thì ngủ lại; lát sau chủ nhân tỉnh, thấy khách còn đang ngủ thì lại ngủ tiếp; khách lại tỉnh, trời đã về chiều rồi, nhưng chủ nhân vẫn chưa tỉnh.

Thế là khách bỏ về, rồi chủ nhân thức dậy, không nhìn thấy khách. Khách về nhà, chủ vô phòng, trời đã tối rồi mỗi người lại đi vào giấc ngủ ngon.

 

Suy tư 24:

      Chúa Giê-su Ki-tô đã nói người mù mà dẫn người mù thì cả hai ắt sẽ đi xuống hố. Cũng vậy, người hay ngủ mà mời người thích ngủ đến làm khách nhà mình, thì chắc chắn cả hai sẽ không nói với nhau được lời nào vì...bận ngủ.

     Có những người thích ngủ trong tội lỗi, nên họ không thích đánh thức ai đang ngủ trông tội như họ, và họ cũng không thích ai đánh thức họ dậy lúc họ ngủ trong tội lỗi; có những người thích ngủ trong những đam mê quyền lực của thế gian, nên họ không sáng suốt để nhìn thấy những bất công xảy ra trong xã hội; có những người thích ngủ trong danh vọng của thế gian, nên họ luôn bị những danh vọng ấy ôm ấp ấm áp mà không muốn mở mắt tỉnh dậy, để thấy danh vọng chẳng qua chỉ là nay còn mai mất...

     Người thích ngủ kết bạn với người hay ngủ thì giống như người mù dắt người mù, cả hai sẽ thay nhau ngủ không tỉnh mà quên mất thiên đàng hỏa ngục. Ha ha ha...

 

25.  MỘT MÙI ĐỦ RỒI

Nhà nọ mời thầy giáo đến và chủ nhân thiết tiệc tiếp đãi, trên bàn dọn lên một món thịt ngỗng. Khi rượu uống được tám phần say, thì thầy giáo nói với chủ nhà:

-         “Về sau những ngày làm phiền ngài còn dài, việc ăn uống của tôi tất cả đều tiết kiệm, chẳng hạn như thế này thì thật an tâm”. Nói đến đây, thuận tay chỉ con ngỗng trong dĩa, rồi nói tiếp: “Mỗi ngày chỉ cần một mùi vị như thế này là đủ rồi, những thứ còn dư khác thì bất tất phải dọn ra”.

 

Suy tư 25:

     Bổn phận của thầy giáo trước hết là dạy dỗ kiến thức cho học trò, là dạy học trò cách sống làm người tốt, do đó mới có câu” thầy giỏi thì ắt có trò hay”, chứ không phải trước hết là đòi ăn uống mỗi ngày một món thịt ngỗng.

     Thầy giáo biết tận tâm với nghề nghiệp thì nhất định sẽ có những học trò biết chăm chỉ học hành; nhưng nếu thầy giáo chỉ biết đến tiền công tiền học phí của học trò mà thôi, thì học trò sẽ không biết tôn sư trọng đạo với thầy, bởi vì không có lửa làm sao có khói.

     Khi cuộc sống chỉ vì đồng tiền thì tất cả nghề nghiệp đều không còn cao quý nữa, bởi vì người ta chỉ dùng đồng tiền để đổi chát mua bán với nhau, người có tiền đi mua thầy giáo, thầy giáo đem kiến thức của mình đi bán, bác sĩ chữa bệnh chỉ vì đồng tiền nên phân biệt bệnh nhân giàu có và bệnh nhân nhà nghèo, chứ không vì bệnh tình của người bệnh.v.v...

     Khi người ta biết đem tinh thần Phúc Âm vào trong nghề nghiệp của mình, thì nghề nghiệp sẽ có giá trị đem hạnh phúc đến cho mọi người mà không phân biệt người giàu người nghèo, bởi vì mọi người đều dùng tài năng nghề nghiệp của mình để phục vụ Chúa Giê-su trong mọi người.

 

26.  SINH TRƯỚC CHẾT TRƯỚC

Trong nhà ông Trương mời một thầy giáo đến dạy cho con học, thầy giáo này tính tình lưu manh.

Một hôm, bà chủ nhà đang ngồi gãi ngứa trước hàng hiên, thầy giáo nhìn thấy thì lòng tà tâm nổi lên bèn đưa ra câu đối để học trò đối:

-         “Gãi gãi ngứa ngứa, ngứa ngứa gãi gãi, không ngứa không gãi, không gãi không ngứa, càng gãi càng ngứa, càng ngứa càng gãi”.

Học trò nghĩ lui nghĩ tới, nghĩ không ra cách đối như thế nào, bèn đi hỏi mẹ mình, bà mẹ vừa nhìn thấy câu đối, trong lòng nghĩ ông thầy giáo này quá xảo trá lưu manh, không cho ông ta một bài học thì không được, bèn nói với con một câu đối, học trò đến trước mặt thầy giáo đối đáp:

-         “Sinh sinh tử tử, tử tử sinh sinh, không sinh không tử, không tử không sinh, sinh trước tử trước, tử trước sinh trước.”

Thầy giáo nghe xong thì rất chi là không vui, nhưng đó là tự mình làm để người ta chửi, hơn nữa lại không có cách gì khác nên chỉ biết buồn buồn không vui mà thôi.

 

Suy tư 26:

      Thầy giáo là nhà mô phạm cho học sinh, mô phạm tức là người gương mẫu tốt lành, đạo đức và nghiêm túc, chứ không thể lưu manh xảo trá được, bởi vì thầy giáo chính là những người “trồng người” cho xã hội tương lai.

     Ở thời nào người ta cũng kính trọng các thầy cô giáo, nên mới có câu “tôn sư trọng đạo”, nhưng có những nơi học trò và phụ huynh đều có tôn sư trọng đạo, nhưng chính các thầy cô giáo lại không xứng đáng để được danh dự ấy, bởi vì họ -ngoài giờ lên lớp ra- thì sống như những con người không biết chữ nghĩa, nghĩa là sau khi xuống lớp thì các thầy cô giáo này đi uống rượu, đi hát karaoke, đi cà phê đèn mờ, mất đi tư cách nhà mô phạm nơi các thầy giáo ấy.

     Nếu thầy giáo không vì lòng tà tâm mà đưa ra câu đối lưu manh, thì chắc chắn sẽ không có câu đối chửi mắng ông ta “tử trước sinh trước, sinh trước tử trước”.

     Mỗi một người Ki-tô hữu là một nhà mô phạm gương mẫu yêu thương để mọi người bắt chước, bởi vì chính họ được Chúa Thánh Thần dạy dỗ, để trở nên những chứng nhân cho Chúa Giê-su trong cuộc sống của mình.

 

27.  XƯƠNG CỦA NƯỚC   

Tô Đông Pha hỏi ông Vương Kinh chữ “pha[3] xét cho cùng thì có ý nghĩa gì, ông Kinh trả lời:

-      “Chữ “pha” à, là “da” của “đất” chứ gì !”

Thế là Tô Đông Pha ứng khẩu nói:

-         “Nếu nói như thế thì chữ “hoạt[4] chính là “xương” của “nước” à ?”.

Kinh công hết lời để đối đáp.

 

Suy tư 27:

     Đất không có da thì nước cũng không có xương, nếu đất có da thì nước cũng sẽ có xương, đó là cách chơi chữ của những người có học thức ngày xưa, họ đem thực tài của mình ra để đối đáp trang nhã với nhau, và giữ tình bạn bè với nhau.

     Thời nay, cũng có những người kiến thức –như người ta nói- là không bằng ngọn lá mít, nhưng đi đâu cũng khoe khoang mình đi nước ngoài học trường này trường nọ, nhưng thực chất là những câu đối thoại thường nói bằng Anh ngữ cũng không biết, thì làm sao đậu bằng tiến sĩ này thạc sĩ nọ được, họ thích nói mạnh để che giấu cái lỗ hổng to lớn kiến thức của mình.

     Người ta nói đó là người tự ti mặc cảm, mà người tự ti mặc cảm thường có hai thái độ:

-      Một là luôn tỏ ra mình có quyền hành và hiểu biết hơn người khác, nên trong cách hành xử hành quyền đều hách dịch, kiêu căng và nóng nảy.

-      Hai là người luôn an phận ai biểu gì làm nấy, hoặc khôn ngoan hơn thì cứ cười hì hì cho qua chuyện, gọi là ta biết nhưng ta không thích làm, không kiên quyết, không quả đoán khi quyết định, số đông sao ta vậy…

Nước không có xương nên nước rất mềm rất nhu, không có kẻ hở nào mà không thấm qua được; đất không có da nên đất trở nên màu mỡ tốt tươi, biến hóa theo bốn mùa xuân hạ thu đông để trở nên chỗ dựa của con người.

Người khiêm tốn và khôn ngoan thì mềm như nước và cứng như sắt, mềm để hiểu lòng dạ đối phương và cứng để đứng lên trong khó khăn gian nan. Ha ha ha, ai hiểu thì hiểu.

 

28.  TRẢ NỬA GIÁ

Người nọ muốn mua hàng hóa ở Tô Châu, có người mách với ông ta: “Người Tô Châu quen dùng hai loại giá, anh có thể trả giá, đại khái là trả nửa giá thì có thể mua được hàng rồi”. Người ấy ghi nhớ trong lòng.

Đi đến tiệm bán tơ lụa, phàm là chủ tiệm nói giá hai lượng bạc thì anh ta trả giá một lượng, ra giá một lượng rưỡi thì anh ta trả giá bảy đồng năm phân, chủ tiệm thấy anh ta trả giá như thế thì lấy làm bực bội nói với anh ta:

-         “Như các khách hàng khác, bất tất phải mua gì cả, bổn tiệm dứt khoát tặng cho ông hai tấm vải là được rồi”.

Người ấy lập tức xua tay nói:

-         “Không dám, không dám, tôi chỉ lấy một tấm là được rồi”.

 

Suy tư 28:

     Không hiểu thì hỏi, đó là việc của người nhanh nhạy, nhưng nghe rồi suy nghĩ là chuyện của người khôn ngoan, bởi vì có lúc hỏi một đường mà người ta trả lời một nẻo, hoặc trả lời không thành thực thì có khi mang họa vào thân nếu không suy nghĩ kỷ càng trước khi hành động.

     Thận trọng là việc làm của người khôn ngoan, thận trọng trong lời nói, thận trọng trong hành động, thận trọng trong phán quyết, thận trong trong cách cư xử với mọi người, bởi vì Chúa Giê-su đã dạy chúng ta phải uốn lưỡi bảy lần trước khi nói, để lời nói của chúng ta không làm tổn thương đến người khác, cũng như không làm hại mình.

     Hàng hóa nào cũng có giá của nó, hàng càng cao cấp thì giá càng cao, đó là luật mua bán. Nhưng có một thứ hàng mà không một ai ra giá cho nó được cả, bởi vì chính Thiên Chúa là chủ của món hàng ấy, đó là đức tin, món hàng cao cấp này không bán với giá hai lượng hay trăm lượng bạc, nhưng chỉ ban tặng cách nhưng không cho những ai thành tâm tìm kiếm Nước Trời, tức là tìn kiếm Chúa Giê-su.

     Đức tin không rao giá bao nhiêu vì nó vô giá, nhưng Thiên Chúa sẽ rất vui lòng ban tặng cho những ai thành tâm tìm kiếm Ngài. Hạnh phúc thật.

 

29.  SỢ VỢ

Có một người bị vợ đánh cho chịu không thấu bèn chui trốn dưới gầm giường. Vợ vẫn không chịu ngừng tay, lớn tiếng nói: “Mau chui ra đây !”

     Người chồng núp dưới gầm giường chậm rãi thư thả nói:

-         “Đại trượng phu nói không chui ra là không chui ra !”

 

Suy tư 29:

     Đã là đại trượng phu thì nhất định làm một người chồng tốt, đã là đại trượng phu thì chắc chắn không để vợ ăn hiếp, đã là đại trượng phu thì nhất định không bị vợ đánh cho đến nỗi phải chui dưới gầm giường…

Có một vài người Ki-tô hữu vỗ ngực xưng mình là người Công Giáo, nhưng cuộc sống của họ không như là một Ki-tô hữu, họ không coi trọng thánh lễ là trung tâm cuộc sống tâm linh của mình, họ không coi gia đình là nơi hạnh phúc nhất mà mình phải xây dựng, họ cũng không tha thiết đến tương lai của con cái mình là những món quà tặng đẹp nhất mà Thiên Chúa ban cho họ. Do đó mà họ trở thành những kẻ yếu hèn khi trốn tránh bổn phận làm chồng làm cha của mình trong gia đình, để tìm vui thú ích kỷ trong rượu chè cờ bạc...

Đại trượng phu là người biết coi trọng lễ nghĩa, bao gồm nghĩa phu thê, cũng có nghĩa là biết làm người chồng tốt trong gia đình, biết quan tâm đến gia đình của mình, nuôi dạy con cái trở thành người tốt có ích cho xã hội và cho Giáo Hội.

 

30.  DƯ XƯƠNG

Nhà nọ mời thầy giáo đến nhà dạy cho con, cơm ba bữa rất đạm bạc.

Một hôm trời mưa lớn, thằng nhỏ trong nhà đưa cơm trưa tới, chỉ mấy lát thịt mỏng rất thê thảm, thầy giáo chửi tại sao đem cơm đến trể, thằng nhỏ nói: “Trời mưa đường lại trơn”.

Thầy giáo nói: “Mày nói đường trơn thì có thể viết chữ “trơn” để ta coi, thì ta sẽ không đánh mày”.

Thằng nhỏ bèn nói:

-         “Một chấm, lại một chấm, rồi lại một chấm nghiêng bên đầu, còn lại đều là xương”[5].

 

Suy tư 30:

     Giận cá chém thớt là do lòng dạ nhỏ nhen của con người, lòng dạ nhỏ nhen tức là ích kỷ chỉ biết mình mà không biết người.

     Thời nay có những thầy giáo giận cá chém thớt, tức là khi phụ huynh chưa đóng kịp học phí thì chì chiết “đì” học sinh (con cái của phụ huynh), khi phụ huynh khất hẹn đóng học phí, thì thầy giáo cho học sinh nghĩ học.v.v...đó là giận cá chém thớt, mà cái thớt ấy chính là học sinh và là tương lai của đất nước.

     Khi con người ta đặt bổn phận và trách nhiệm lên hàng đầu trong cuộc sống của mình, thì xã hội và đất nước như được chấp cánh bay cao trong bầu trời hạnh phúc và ấm no.

Nhưng hạnh phúc và ấm no của đất nước và xã hội càng bay cao hơn, khi con người ta đặt yêu thương vào trung tâm của cuộc sống của mình. Yêu thương chính là quả tim của bổn phận và trách nhiệm.

Ai hiểu thì vui vẻ thực hành...

 

31.  CẬN THỊ

Nhà nọ làm tiệc thiết đãi bạn bè, trong bàn tiệc có hai người, một người bị mù mắt trái, một người bị mù mắt phải. Một lúc sau có một khách mắt bị cận thị đến đi thẳng vào trong bàn tiệc, nhìn kỷ rất lâu, nhịn không được bèn hỏi nhỏ người cùng bàn:

-      “Anh bạn mặt to ngồi bàn trên đó là ai vậy ?”

 

Suy tư 31:

     Cận thị thì thấy gần mà không thấy xa, viễn thị thì thấy xa mà không thấy gần, đó là cái khổ của người cận thị và viễn thị. Nhưng con người ta khổ nhất là cái tâm bị cận thị, khi cái tâm bị cận thị thì chỉ thấy mình và gia đình mình mà thôi, tức là chỉ thấy gần mà không thấy xa, tức là không thấy người khác, nhất là những người có quyền có thế thì cái tâm lại càng bị cận thị nặng nề hơn:

-      Khi cái tâm bị cận thị thì thấy nhu cầu của mình nhiều hơn của người khác, thế là tìm cách cho mình có nhiều quyền lợi, mặc cho người khác thiệt thòi.

-      Khi cái tâm bị cận thị thì chỉ thấy con cái mình cần cái này cái nọ, thế là tìm mọi cách để con cái mình có đặc quyền đặc lợi, bất chấp những người khác có điều kiện hưởng những quyền lợi ấy.

-      Khi cái tâm bị cận thị thì tất cả những tư tưởng suy nghĩ của họ, đều quanh quẩn ở gia đình, ở bản thân mà thôi, do đó mà nơi công ty cơ quan của họ không tài nào phát triển được, bởi vì cái tâm tư tưởng của họ bị cận thị quá nặng...

Con mắt bị cận thị thì mang kiếng cận, con mắt bị viễn thị thì mang kiếng viễn thị, nhưng cái tâm bị cận thị thì không thể nào mang kiếng cận được, nhưng chỉ có thể dùng tâm hồn yêu thương để nhìn thấy những bất hạnh của người khác vì cái tâm bị cận thị của mình mà chịu đau khổ, oan ức...

Vô phúc cho cộng đoàn tập thể nào mà có vị lãnh đạo bị cận thị tâm hồn. Khó mà tưởng tượng ra cái khổ cái oan của họ. Ha ha ha...

 

32.  ĐI THẲNG HÀNG NGANG

Có một tân binh lần đầu tiên đến trong doanh trại, sĩ quan phụ trách tân binh vì cần tiền nên dùng rất nhiều cách để làm khổ anh ta. Trước hết sĩ quan để anh ta đi phía trước, khi tân binh đi phía trước thì viên sĩ quan chửi, nói:

-         “Mày đi như thế, thì tao là kẻ hầu cận của mày sao ?”

Tân binh nghe nói như thế thì vội vàng đi tụt lùi phía sau, sĩ quan lại chửi:

-         “Coi mày đi như thế, thì tao sẽ thành kẻ gọi loa dẹp đường cho mày sao ?”

Tân binh đi trước đi sau gì cũng bị chửi, nên quỳ xuống cầu khẩn:

-      “Đại nhân kêu tôi đi như thế nào mới đúng ?”

Sĩ quan nói:

-         “Nếu mày đưa cho tao ít tiền, tao sẽ cho mày đi thẳng hàng ngang”.

 

Suy tư 32:

     Không phải Rửa Tội trước hay Rửa Tội sau là được vào Nước Trời, nhưng cần phải thực hành Lời Chúa trong cuộc sống của mình.

Không ai bắt người Ki-tô hữu đi trước hay đi sau cả, nhưng Giáo Hội dạy con cái mình phải sống trọn vẹn ngày hôm nay, tức là thực hiện giây phút hiện tại cho đẹp lòng Chúa. Trong thực tế có những người Ki-tô hữu không đi trước mà cũng không đi sau trong đời sống thiêng liêng của mình, tức là họ không nhiệt tâm với việc đi dâng thánh lễ hoặc tham dự các bí tích, hoặc tham gia các công việc của giáo xứ, họ lừng khừng giữa cái nóng và cái lạnh của tín ngưỡng của mình, họ dửng dưng giữa sự nhiệt tâm và lạnh lùng của niềm tin của mình, họ nói rằng giữ đạo cũng thế mà không cũng thế, miễn là đừng làm sự ác là được rồi, thế là họ không muốn đi trước để vào Nước Trời và cũng chẳng muốn đi sau để xuống hỏa ngục, họ chỉ muốn đứng chơi vơi giữa ngã ba đường mà thôi.

     Chúa Giê-su nói: “Ta biết các việc ngươi làm: ngươi chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng. Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi ! Nhưng vì ngươi hâm hẩm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta”[6].

     Đi trước hay đi sau trong đời sống thiêng liêng thì chưa chắc đã nên thánh, nhưng chỉ có những ai thực hành ý Chúa trong giây phút hiện tại là có thể nên thánh rồi vậy.

 

33.  MỜI THẦN Ở XA

Một nhà giàu bủn xỉn, trong nhà có chuyện nên mời đạo sĩ đến thay ông ta cầu thần đến bảo hộ. Đạo sĩ niệm thần chú: mời thần ở Đông kinh, mời thần ở Tây kinh.

Người giàu có bủn xỉn hỏi:

-      “Tại sao ông thay tôi mời thần ở xa quá vậy ?”

Đạo sĩ trả lời:

-         “Bởi vì thần ở gần đều biết rõ về ông, nói ông mời họ, họ cũng sẽ không tin”.

 

Suy tư 33:

     Người ta nói “gần chùa gọi bụt bằng anh” là bởi vì quá “quen than” rồi đi đến nhờn mặt không còn kính trọng bụt thần nữa.

     Có một vài giáo dân rất lo ra, có khi bực mình, khi thấy cha sở làm lễ nhanh như chớp, nghĩa là từ đọc các lời nguyện cho đến cử chỉ thái độ khi cử hành thánh lễ không đoan trang nghiêm túc, mà giống như làm lễ cho nhanh kẻo có người đợi. Do đó mà có giáo dân đã phát biểu: ông cha làm lễ nhanh như bị ma đuổi. Tại sao vậy ?

     Thưa là vì cha sở ngày nào cũng làm lễ, ngày nào cũng lập đi lập lại những động tác cử chỉ ấy, thì quả thật cũng có khi nhàm chán, do đó mà các ngài không mấy nghiêm trang khi cử hành thánh lễ.

     Nhà thờ khác nhà chùa, bởi vì trong nhà thờ có Chúa Giê-su Thánh Thể ngự trong nhà tạm; thánh lễ khác với việc thờ cúng, bởi vì thánh lễ là diễn tả lại hy tế trên Thánh Giá của Chúa Giê-su Ki-tô; lời nguyện trong thánh lễ khác với lời tụng kinh, bởi vì mỗi một lời nguyện là thay mặt cho toàn thể Giáo Hội dâng lên Thiên Chúa toàn năng nhờ danh thánh của Chúa Giê-su. Do đó mà không thể nói nhàm chán được, không thể nói là không nghiêm trang được, không thể nói chỉ là biểu diễn mà thôi.

     Cha sở không “gần chùa gọi bụt bằng anh” thì giáo dân nhất định sẽ càng yêu mến Chúa Giê-su Thánh Thể hơn; cha sở yêu mến Chúa Giê-su Thánh Thể khi cử hành thánh lễ, thì chắc chắn thái độ lời nói của ngài sẽ làm cho giáo dân múc lấy rất nhiều ơn sủng của Chúa Giê-su trong thánh lễ mà ngài cử hành...

     Chúa Giê-su không ở xa trên trời hay ở đông kinh tây kinh, nhưng ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Đó chính là lời hứa của Ngài chứ không phải của ai khác.

 

34.  TẢNG ĐÁ

Có một tảng đá đột nhiên có thể nói chuyện, trong xóm có ông Trương Tam nhìn thấy kỳ tích như thế, bèn vội vàng chạy đi báo cho quan biết, quan sứ bèn ra lệnh cho anh ta đem tảng đá ấy đến. Sau khi Trương Tam đem tảng đá đến, quan sứ hỏi hai ba lần nhưng nó không trả lời.

     Quan sứ nổi giận, nói Trương Tam là kẻ lừa dối cấp trên nên phạt đánh mười trượng, và ra lệnh ông ta đem tảng đá đi về.

     Trên đường về nhà, gặp người quen hỏi: “Báo quan kết quả ra sao ?”

     Trương Tam nổi giận chửi:

-         “Vì cái oan gia này mà tôi bị quan đánh năm trượng”.

Tảng đá đột nhiên nói:

-         “Mười trượng, tại sao ông nói dối giấu đi năm trượng”.

 

Suy tư 34:

     Con người ta ai cũng có sĩ diện cả, sĩ diện chính là coi cái tôi của mình quá lớn, lớn đến nỗi phải nói dối để che lấp cái sĩ diện của mình.

     Càng làm lớn, càng có chức vụ và danh tiếng thì sĩ diện càng lớn, cho nên những người này khi nói dối thì sự tác hại càng lớn có hại cho người khác và cho tập thể, cộng đoàn, bởi vì họ đặt cái tôi của mình trên ích lợi của người khác.

Tảng đá biết nói là chuyện lạ, nhưng càng lạ hơn là khi nó chỉ nói sự thật với những người nói dối. Cũng vậy, lương tâm của mỗi người chính là “viên đá góc tường” luôn nói sự thật, luôn lên tiếng cảnh cáo khi chúng ta nói dối, làm sự ác, sống vô luân và bất công với anh chị em đồng loại của mình. Lương tâm không phải là tảng đá lăn lóc bên vệ đường biết nói, nhưng là viên ngọc quý mà Thiên Chúa đặt để trong tâm hồn của mỗi người, để nó trở thành người lính canh gác sự thật khi chúng ta nói dối và lừa dối tha nhân.

Càng cao danh vọng quyền thế thì càng phải trau dồi đức tính sự thật, bằng không thì lương tâm trong sáng sẽ không còn nữa, và như thế sẽ có một ngày thân xác và linh hồn của chúng ta sẽ bị ném vào lửa hỏa ngục đời đời không hề tắt...

 

35.  CON MUỖI LỚN

Có một thương nhân đi buôn bán bên ngoài trở về nhà, khoác lác nói mình đi ra bên ngoài được nhìn qua rất nhiều gương mặt cuộc đời, nói:

-         “Qua khe hoàng ngưu, muỗi lớn giống như con vịt; qua sông thiết ngưu, con loăng quăng lớn như con ngỗng”.

Vợ anh ta nói:

-         “Tôi không tin, làm gì mà có loại muỗi lớn như thế chứ ?”

Thương nhân nói:

-         “Tôi nói dối bà làm gì, một đêm nọ tôi đang ngủ thì nghe thấy một con muỗi bay đến, khi nó đang muốn đậu trên người tôi, tôi liền chụp ngay cổ nó. Con muỗi ấy vỗ cánh muốn bay đi, nhưng đến chết tôi cũng không thả nó ra. Kết quả, hai cánh nó quạt tôi suốt đêm thật mát”.

Vợ nói:

-         “Ông đã chụp được cổ nó, sao không đem về nhà làm thịt ăn ?”

Thương nhân nói:

-         “Chà, nó không ăn tôi là được rồi, bà lại còn muốn ăn nó !”

 

Suy tư 35:

     Con muỗi lớn bằng con vịt và con loăng quăng lớn bằng con ngỗng thì thật là khoác lác hết chỗ nói, đó là tâm trạng của những người được đi đông đi tây nhiều, nhưng vẫn không bỏ cái tính cố hữu của mình: kiêu ngạo và khoác lác.

        Đức cố Hồng y Nguyễn Văn Thuận đã dạy: “Dù có ra khỏi nhà, đi phương xa vạn dặm mà cứ mang theo tất cả tật xấu, cả con người cũ, thì có khác gì ở nhà đâu ?”[7]

     Cũng có một vài người dâng mình làm tôi Chúa được bề trên cho đi học nước ngoài, nhưng vẫn không học được cái khiêm tốn cái phục vụ của người ta, cho nên khi trở về thì càng kiêu ngạo, càng cho mình là người ưu tú mà coi thường những anh chị em đồng đạo khác. Họ đi đông đi tây học được nhiều kiến thức, mắt được nhìn thấy những điều hay cái tốt, nhưng họ không nhìn thấy được tâm hồn của mình cần học những gì...

Khoác lác là một tật xấu vì nó sẽ làm cho người khác mất đi sự tín nhiệm nơi chúng ta, và nguy hiểm hơn, đó là sự nói dối, là lời phát ngôn của ma quỷ.

    

36.  QUÀ RA MẮT CỦA MÔN SINH

Một quan lớn đến địa phương mới để nhậm chức, có một học trò đem năm mươi đồng tiền đến yết kiến ông ta, trên danh thiếp viết: “Kính một lễ (lễ mừng) năm mươi đồng, môn sinh đàn em cúi đầu trăm lạy”.

Quan lớn này viết một tấm danh thiếp để trả lời: “Bớt đi năm mươi lạy, bù đủ một trăm đồng tiền, thế nào hở ?”

Có một người thay mặt cho môn sinh trả lời:

-         “Tình nguyện lạy một trăm năm mươi lạy, ngay cả năm mươi đồng cũng miễn luôn, ngài thấy thế nào hở ?”

 

Suy tư 36 :

     Có những người vì muốn lấy lòng cấp trên mới đến nhậm chức, nên khi quan chưa đến thì đã cho người đem “bao thư dày” và tấm danh thiếp gởi đến; lại có người thì đến tận nhà cấp trên để yết kiến và làm quen, với những bao thư lễ vật và những bữa tiệc tại các nhà hàng bốn năm sao…

     Có những quan liêm khiết thì cũng có những quan tham nhũng hối lộ.

Quan liêm khiết thì khi đến cũng như khi đi với tâm hồn thảnh thơi vui vẻ, mà quan tham nhũng hối lộ trước khi đến thì tay đã nhúng chàm, và trước khi đi thì đi không nổi vì gia tài nặng nề tiền hối lộ và tâm hồn thì đầy những tham lam.

Linh mục không phải là chức quan để cai trị hay để tham nhũng hối lộ, nhưng là một tôi tớ vô dụng phục vụ Chúa qua đoàn chiên mà Chúa đã trao phó cho mình, cho nên tâm hồn của các ngài thảnh thơi, vui vẻ và khiêm tốn khi đến giáo xứ mới, cũng như thảnh thơi vui vẻ khi rời khỏi giáo xứ ấy, bởi vì nơi các ngài không có “năm mươi quan tiền” làm quen, và cũng không có một “trăm năm mươi lạy” để nịnh bợ.

Quà ra mắt của linh mục mới nhậm chức với Chúa Giê-su chính là: khiêm tốn, hy sinh, vui vẻ và phục vụ; quà tặng khi ngài rời khỏi giáo xứ là tấm lòng bình an thảnh thơi với tất cả sự quý mến của mọi người...

 

37.TƯỢNG THẦN

Ở ngã tư đường trong thôn có một cái miếu, thần để thờ cúng là một bức tượng gỗ.

Có một người muốn qua khe nước, bèn đem tượng thần quăng vào trong khe nước làm điểm tựa để lót chân bước qua, người phía sau bước tới nhìn thấy như thế thì chịu không được, bèn ôm bức tượng thần đứng dậy đem bỏ vào trên bệ như trước, vị thần này đối với ông ta mà nói nếu không đốt nhang niệm kinh, thì bệnh đau đầu lập tức giáng xuống trên người ông ta.

Tiểu quỷ phán quan bẩm cáo với thần: “Người đạp trên thần bước qua khe suối thì không bị gì cả, còn người ôm ngài thì phải giáng tai họa cho nó, tại sao lại có chuyện như thế ?”

     Vị thần trả lời: “Chuyện này thì các ngươi không biết đâu, có lý do của nó: “người tốt thường bị bắt nạt” đó mà”.

 

Suy tư 37:

     Có một thực tế như thế này: người hiền lành thường bị kẻ khác ăn hiếp bởi vì họ không thích đôi co không thích cãi cọ với người khác; người tích cực làm việc thì thường bị cấp trên chửi, bởi vì cấp trên không dám nạt nộ to tiếng với người hung dữ, mà chỉ muốn nạt nộ chửi mắng các cộng sự viên hiền lành mà thôi…

     Có một vài cộng đoàn mà cấp trên chỉ biết “đì” và sai khiến những thành viên hiền lành không tranh cãi, không tranh giành ảnh hưởng, không chia bè chia nhóm. Còn những thành viên ăn nói như những bọn côn đồ, chửi mắng cấp trên như những kẻ không học hành, chia bè chia nhóm, thì họ lại không dám đá động đến.

     Khi người ta ăn hiếp bắt nạt những kẻ hiền lành thì Thiên Chúa luôn bênh vực và đứng về phía họ, bởi vì Ngài là Đấng công bằng, công minh và công chính, cho nên Ngài mới dạy chúng ta: “Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được đất hứa làm gia nghiệp…”[8]

Ai thường ăn hiếp bắt nạt kẻ hiền lành thì hãy coi chừng, Thiên Chúa luôn luôn đứng về phía họ, sẽ vì họ mà đòi lại sự công bằng.

 

38.  NÓNG NẢY

Ở bến đò có một người tính tình nóng nảy, vợ ông ta thường nói:

-         “Coi ông tính nóng nảy như thế thì thế gian có một không hai, sẽ có ngày tôi đi tái giá”.

Một hôm, người nóng nảy đi vào quán bún hoành thánh, chưa ngồi yên đã vội vàng lớn tiếng nói: “Tại sao không nhanh đem bún đến ?”

Nói chưa xong cũng không kịp ngồi xuống thì chủ quán đem tô bún lớn đến, không đợi bỏ tô bún xuống thì lập tức đổ tô bún hoành thánh trên bàn, nói: “Mau nuốt nè, để tôi rửa bát !”

Người ấy trở về nhà, sợ hãi trách vợ mãi không thôi, nói:

-         “Còn có người tính nóng hơn tôi nữa đó, trừ phi tôi lập tức chết đi, bằng không thì không nhanh bằng ông ta”.

-         “Vậy thì tôi phải đi bước nữa”, người vợ nói xong thì lập tức đi vào trong thành tái hôn với người chủ quán ấy.

Qua một đêm, trời vừa mới sáng, người chồng mới của người đàn bà vừa mở mắt bèn nói: “Ly hôn”, người đàn rất kinh ngạc, nói: “Tôi có gì là xấu ?”

-         “Kết hôn đến hôm nay, tại sao bà không sinh ra một đứa con ?”

 

Suy tư 38:

     Nóng nảy thường là đi đôi với kiêu ngạo, bởi vì khi người khác làm sai ý mình, hoặc mình thấy người khác làm việc không được như mình, nên không vui không thích, rồi lên tiếng chỉ bảo này nọ, rồi nóng nảy to tiếng.v.v…

     Người có tính nóng nảy thường ít có người cộng tác, bởi vì không ai thích cộng tác làm việc với người có tính nóng nảy, và cũng chẳng ai thích người thường hay la lối thóa mạ.

-      Cấp trên mà có tính nóng nảy thì cấp dưới chỉ đứng xa mà nhìn, và trong lòng thì oán ghét.

-      Thường hay nóng nảy với bạn bè thì sẽ trở thành người cô độc, bởi vì không ai thích kết bạn với người nóng nảy.

-      Giáo dân mà có tính nóng nảy thì khó mở miệng nói lời yêu thương, dù trong lòng họ vẫn có cảm tình.

-      Linh mục mà có tính nóng nảy thì giáo dân chỉ đứng xa xa mà nhìn coi ngài như ông thần Kim Cang giữ nhà thờ, và trong lòng thì nghĩ thầm: cha cố gì mà nóng nảy, không giống như Chúa Giê-su hiền lành khiêm nhượng, và trẻ em thì coi ngài như ông kẹ...

Tính nóng nảy thì ai cũng có, nhưng đừng để tính nóng nảy cản trở mình đem Chúa Giê-su đến cho mọi người, và cũng đừng vì tính nóng nảy mà trở thành tảng đá cản đường người khác đến với Chúa, đừng vì tính nóng nảy mà làm xấu khuôn mặt hiền hậu nhân từ của Chúa Giê-su nơi mình.

 

39.  MIẾNG THỊT NHÂN DUYÊN

Có người rất là bủn xỉn, hơn nữa buồn vui thất thường.

Một hôm đột nhiên mua bốn lạng thịt đem về  kêu vợ đi nấu canh. Canh vừa nấu xong nhưng những miếng thịt thì lại lặn bên dưới, bên trên thì nỗi những ráng mỡ, ông chồng bủn xỉn thấy như thế thì lớn tiếng chửi vợ, nói:

-         “Mày với tao là oan gia kiếp trước, mau cút cho khỏi mắt tao !”

Ông chồng bủn xỉn vừa chửi vừa lấy đũa khuấy trong nồi canh thì mấy lát thịt từ dưới nỗi lên trên, thế là vừa cười vừa nói với vợ:

-         “Ái dà, anh với em trước đây năm trăm năm đã là kết đôi vợ chồng rồi !”

 

Suy tư 39:

     Thời nay, thanh niên nam nữ yêu nhau thì rất dễ dàng, chỉ cần lên mạng “chát” là con thể làm quen với nhau và hẹn nhau đi nhà nghỉ, chỉ cần tham gia một vài sinh hoạt của nhóm của nhà trường là có thể quen nhau rồi yêu nhau.v.v…nhưng những tình yêu như thế thì có thể nói là như gió thoảng mây bay, hết tiền hết sắc hết chịu chơi là tình cũng hết luôn.

     Có những thanh niên nam nữ yêu nhau sáu tháng rồi cưới, nhưng sáu tháng sau thì ra tòa ly dị với một lý do duy nhất: không hợp nhau.

     Có những đôi vợ chồng cưới nhau đã mấy chục năm, con cái đùm đề, vậy mà cũng làm đơn ly dị với lý do duy nhất: không hợp nhau.

     Có những đôi vợ chồng già có cháu có chắt rồi, vậy mà cũng làm đơn ly dị với lý do duy nhất: không hợp nhau.

     Hôn nhân là việc đại sự của đời người, cho nên cần phải có thời gian tìm hiểu nhau rất lâu, phải hiểu cái ưu điểm và khuyết điểm của đối tượng mà mình muốn tiến đến hôn nhân: ưu điểm thì dể dàng chấp nhận, mà khuyết điểm thì nên dùng tình yêu chân thành của mình để thăng hoa và kiên nhẫn chấp nhận để người yêu mình sửa chữa…

     Vì không thấy miếng thịt mà ông chồng bủn xỉn đã chửi mắng vợ, đó là ích kỷ, khi thấy miếng thịt thì lại cười vui khen vợ, đó chính là không tôn trọng tình yêu của vợ mình…

     Chửi vợ mắng vợ là chửi mắng chính mình, bởi vì khi đã nên vợ chồng rồi thì không còn là hai nữa mà là một, chỉ có người ngu mới chửi mắng vợ hoặc chồng của mình mà thôi. Ha ha ha...

 

40.  RƯỢU CHUA

Có một người ngồi uống rượu trong quán rượu, nói rượu có chút mùi vị chua. Chủ riệm rượu nổi giận kêu người đến trói người ấy lại và treo trên xà nhà.

Một người qua đường nhìn thấy trong quán rượu có treo một người, bèn hỏi chủ quán rượu đã xảy ra chuyện gì ? Chủ quán giận dữ nói:

-         “Rượu của tiểu điếm rất ngon, nhưng người này nói có chút mùi chua, ông coi có nên treo lên hay không chứ ?”

Người qua đường nói:

-      “Đưa tôi một ly nếm thử xem !”

Chủ tiệm bèn đưa cho người qua đường một ly rượu. Người qua đường hớp một ngụm, liếm môi, sau đó nói với chủ tiệm rượu:

-      “Thả anh ta xuống, treo tôi lên !”

 

Suy tư 40:

     Nói thật thì mất lòng nhưng nói thật thì vẫn cứ hơn.

     Có rất nhiều người vì sợ nói thật sẽ làm cho tình bạn kém vui nên không muốn nói sự thật; có rất nhiều người sợ nói sự thật thì mất đi “nồi gạo” nên không muốn nói sự thật với cấp trên; có rất nhiều người sợ nói sự thật nên cứ nói dối cho qua chuyện, họ vô tình tích lũy cái xấu ngày càng nhiều cho chính mình; có một vài cha sở vì sợ giáo dân không xin lễ, không đóng góp cho nhà thờ, nên không dám nói ra cái sai trong cách sống của họ, hoặc không dám chỉ ra cái mà họ đang làm là trái với luật Chúa và Giáo Hội...

     Có người nói sự thật thì bị đánh đập bắt bớ tù dày và bị giết, đó là các thánh tử đạo; có người nói sự thật thì bị đuổi việc, đó là những người can đảm coi sự thật hơn cả nồi gạo; có người nói sự thật thì bị bề trên đuổi về không tiếp; có người nói sự thật thì bạn bè xa tránh…

     Chúa Giê-su đã dạy các tông đồ và những người Ki-tô hữu rằng: “Có thì nói có, không thì nói không, thêm điều bịa đặt là do ma quỷ mà ra”.

     Không ai uống rượu có mùi chua mà nói ngon cả, chỉ có những người nịnh bợ và những người bị…tâm thần mới nói ngon mà thôi. Ha ha ha…

 

41.  CHẾT THÌ HẾT NỢ

Có một người keo kiết mà trở thành giàu có, khi ông ta bệnh sắp chết thì van xin vợ, nói:

-         “Suốt đời tôi chỉ có ham tiền bạc mà đoạn tuyệt với lục thân[9], nên mới có được gia tài như hôm nay. Đợi sau khi tôi chết rồi, thì bà có thể lột da của tôi mà bán cho thợ thuộc da, cắt thịt của tôi mà bán cho người buôn bán da, cạo xương của tôi mà bán cho tiệm bán sơn”.

Ông ta nhắc đi nhắc lại hai ba lần như thế và bắt vợ phải nghe lời rồi mới chết.

Đã chết được nửa ngày, đột nhiên ông ta tỉnh lại, dặn dò với vợ:

-         “Thời buổi hôm nay tình người nhạt nhẽo, mọi thứ không nên để họ mắc nợ nhé !”

 

Suy tư 41:

     Thời buổi hôm nay tình người ngày càng nhạt nhẽo, nhạt nhẽo vì người ta coi đồng tiền hơn sự thật, nhạt nhẽo vì người ta coi chức vụ quyền uy trọng hơn tình người, nhão nhẽo là vì người ta coi sự hưởng thụ vật chất xác thịt là mục đích của cuộc sống, cho nên tình người đã nhạt lại càng nhạt hơn cả nước ốc.

     Người Ki-tô hữu không ích kỷ chỉ sống cho mình, nhưng là sống cho Chúa Giê-su và sống cho sống với tha nhân, cho nên họ biết mình phải làm gì khi tình người đã nhạt, họ thực hành bài ca đức ái của thánh Phan-xi-cô khó nghèo: đem yêu thương vào nơi oán thù, đem tha thứ vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm.

                   Đó chính là tinh thần Phúc Âm của Chúa Giê-su, là sự quảng đại đầy ắp bởi tình yêu của Chúa Giê-su đang ở trong tâm hồn của họ.

 

42.  CHA CON KHÔNG NHƯỜNG NGƯỜI

Có một người tính tình rất là ngoan cố, bất luận là chuyện gì đều không muốn nhường người khác.

Một hôm, trong nhà có khách đến thăm, ông ta sai đứa con vào trong thành mua thịt, con trai mua thịt xong thì trở về nhà, khi ra khỏi cửa thành thì thấy phía trước có một người đi đến, cả hai người đều không ai muốn nhường ai, bèn mặt đối mặt đứng tại chỗ.

Ở nhà đợi thịt để đãi khách, nhưng đời hoài đợi mãi không thấy đứa con đem thịt về, ông bố mới ôm một bụng tức giận đi vào thành tìm con, ông ta vừa đi đến cổng thành thì thấy: con trai và một người khác đang đối mặt đứng đó, ông ta bèn hiểu chuyện, thế là đi đến phía trước nói với con trai:

-         “Mày đem thịt về nhà trước để làm cơm đãi khách, bố thay mày cùng với hắn đứng đây coi ai nhường ai !”

 

Suy tư 42:

     “Cha nào con nấy” quả không sai, cũng như Chúa Giê-su đã nói: xem quả thì biết cây.

     Cuộc sống con người phong phú nhất là biết nhường nhịn nhau, khi nhường nhịn nhau một bước thì tâm hồn vui vẻ một ngày, mỗi ngày đều biết nhường nhịn nhau thì ngộ ra được tình người thật dễ thương đáng trân quý.

     Trên những con đường trong thành phố, thỉnh thoảng người lái xe có thấy một tấm bảng bên đường: nhường một bước để an toàn; khi đi mua hàng không những người ta vui vẻ đứng sắp hàng, mà còn biết nhường cho những người già, thai phụ và trẻ em đứng trước…

     Làm cha mẹ phải dạy con biết kính trên nhường dưới, biết tôn trọng người tàn tật và trẻ em, bởi vì khi dạy như thế thì cha mẹ đã gieo vào tâm hồn con cái mình đức ái Ki-tô giáo.

Nhường nhịn nhau là bày tỏ một tâm hồn bác ái biết tôn trọng người khác vậy.

 

43.  CHỈ CÓ MỘT CÁI MIỆNG

Trong thành tuyển chọn tướng quân, có rất nhiều người đến coi.

Một người Sơn Đông nói: “Mấy người này coi bộ không được vạm vỡ, ở quê tôi có một người được coi là vạm vỡ: anh ta đứng lên thì đầu chạm ngay xà nhà”.

Một người Thiểm Tây tiếp lời: “Ở quê tôi có một người rất là vạm vỡ: anh ta ngồi trên đất thì môi trên chạm xà nhà, môi dưới thì kéo dài tới đất”.

Có người đứng bên cạnh nói xen vào: “Vậy thì thân thể của người ấy ở đâu ?”

Người Thiểm Tây trả lời: “Người ấy chỉ có một cái miệng”.

 

Suy tư 43:

     Con người ta hoặc tất cả các động vật đều chỉ có một cái miệng, nhưng không thể có cái miệng mà môi trên chạm xà nhà và môi dưới thì kéo dài tới đất, những cái miệng như thế thì chỉ có trong chuyện tiếu lâm mà thôi.

     Nhưng suy cho cùng, cũng có những người có cái miệng mà môi trên chạm xà nhà và môi dưới thì kéo dài tới đất, những người này thì thấy rất rõ, môi trên của họ chạm xà nhà là:

-      Họ thường kiêu ngạo xúc phạm đến Thiên Chúa, tức là trong cuộc sống miệng lưỡi họ thường nói những lời phỉ báng và nhục mạ Thiên Chúa.

-      Họ thường thề gian nói dối và có khi cả gan lấy tên Thiên Chúa mà thề để che giấu những việc xấu xa mà họ đã làm.

Môi dưới của họ thì kéo dài tới đất là:

-      Họ thường chửi mắng anh chị em mình là đồ ngu.

-      Họ thường nói lời khinh rẻ tha nhân.

-      Họ thường vu vạ cáo gian cho người khác.

-      Họ thường làm chứng dối chứng gian.

-      Họ thường lừa dối cấp trên hoặc tha nhân để đạt được mục đích của mình.v.v…

Thiên Chúa tạo dựng mọi loài động vật chỉ có một cái miệng để ăn uống, nhưng cái miệng của con người thì ngoài việc dùng để ăn uống, nói, hát ca.v.v… thì còn có một chức năng rất quan trọng khác, đó chính là dùng miệng lưỡi của mình để ca ngợi, tán tụng và cám tạ Thiên Chúa.

Điều này thì người Ki-tô hữu đều biết, nhưng trong cuộc sống họ có dành thời gian để ca ngợi tán dương và cám tạ Thiên Chúa không mà thôi !

 

44.  KHÔNG THỂ HOÀN TOÀN NHỜ CON MẮT

Có một người rất thích người khác nịnh nọt mình, có một người coi tướng biết tính khí của người ấy, bèn đến nhà ông ta để coi tướng, khen ông ta là người cao quý, lại còn nói:

-         “Nội con mắt của các hạ, suốt đời dùng cũng không hết”.

Người ấy nghe xong thì rất vui vẻ, giữ người coi tướng lại mấy ngày đem cơm ngon rượu tốt ra đãi, sau đó lại còn tặng quà rất hậu.

Khi người coi tướng sắp đi thì nắm chặt tay ông ta, nói:

-      “Còn một câu nữa các hạ nên nhớ lấy”.

Người ấy hỏi câu gì ? Người coi tướng đáp:

-         “Các hạ cũng cần phải tìm một việc mà làm, chứ không nên hoàn toàn nhờ vào con mắt”.

 

Suy tư 44;

     Có người tin tưởng vào con chó của mình nên thường khoe khoang: thầy tướng nói con chó này có tướng tốt làm cho chủ nó giàu có, thế là đi đâu cũng khoe khoang con chó và cưng nó hơn cả con mình.

     Có người giận ghét cái nốt ruồi trên mặt vì nghe thầy bói nói: cái nốt ruồi này làm cho mình phải khóc suốt đời, thế là hết đi mỹ viện này đến mỹ viện khác để phá cái nốt ruồi ấy, vậy mà càng phá bỏ thì nó càng lớn hơn, tiền mất tật mang.

     Có người tin tưởng vào thầy bói, đi mua một củ hành tây về bỏ dưới giường để chồng khỏi “mèo mỡ”, thế nhưng không những chồng vẫn mèo mỡ mà còn kiếm thêm vợ bé, gia đình tan hoang.

     Đừng tin tưởng vào con người bởi vì con người thường hay sai lầm và có khi lừa dối nhau; không nên tin tưởng vào con mắt của mình bởi vì con mắt sẽ có ngày thị lực kém; không nên tin tưởng vào thầy bói vì thầy bói nói láo ăn tiền, cho nên dân gian có câu: cục đất mà biết nói năng, thì miệng thầy bói hàm răng chẳng còn. Ha ha ha…

     Chỉ có Thiên Chúa là Đấng đáng để cho chúng ta tin tưởng, bởi vì Ngài không hề sai lầm và cũng chẳng hề lừa dối ai, tin vào Ngài là như người thông minh đem nhà mình xây trên đá tảng, mưa to gió lớn nó cũng chẳng hề hấn gì.

 

45.  DỜI CHUÔNG

Tề vương ra lệnh dời đô, trong thành có một cái chuông rất quý cũng chuẩn bị dời đi; nhưng cái chuông ấy nặng đến năm ngàn cân, phải cần đến năm trăm người mới có thể khiêng nổi.

Nhưng lại tính đến vấn đề đường đi: đường đi có nơi rộng nơi hẹp, khiêng nó đi thật là khó khăn, thế là Tề vương bèn họp các quần thần lại thương lượng bàn thảo.

Có một đại thần nói ông ta muốn đề xuất một phương pháp, Tề vương bèn hỏi ông ta phương pháp gì ? Đại thần ấy nói:

-         “Đem cái chuông lớn ấy đập bể làm năm trăm mảnh, năm trăm người mỗi người mỗi mảnh thì có thể dời đi”.

 

Suy tư 45:

      Khi bàn chuyện quốc sự thì có hai loại người hiến kế: một là loại người dâng kế cầu hòa, hai là loại người dâng kế chiến đấu đến cùng, kế nào cũng có thể bỏ lên bàn hội nghị để thương lượng bào thảo, bởi vì kế nào cũng có cái trí của nó.

 

46.  THỊT MẶN

Có một người rất là hà tiện, không nỡ để người trong gia đình ăn rau hoài, nên ngâm một miếng thịt muối và treo trên xà nhà, khi ăn cơm thì để mọi người nhìn miếng thịt mặn ấy rồi và một miếng cơm.

Đứa con trai của ông ta bưng chén cơm, cứ nhìn miếng thịt mặn nhiều lần, ông ta bèn chửi nó:

-         “Nhìn mãi nhìn hoài, lẽ nào mày không sợ mặn sao ?”

 

Suy tư 46:

      Trong bảy mối tội đầu, mà mối thứ hai là tội hà tiện, mối này chỉ đứng sau mối kiêu ngạo mà thôi, cho nên nó cũng là nguyên nhân lớn, làm cho con người ta trở nên dửng dưng trước những thiếu thốn và bất hạnh của tha nhân.

     Mối kiêu ngạo là mối lớn nhất xúc phạm trực tiếp đến quyền năng và lòng nhân từ của Thiên Chúa, bởi vì nó –tội kiêu ngạo- làm cho con người ta nâng mình lên hơn cả Thiên Chúa, và như thế sẽ bị Thiên Chúa trừng phạt như đã trừng phạt ma quỷ trong hỏa ngục.

     Mối hà tiện là mối lớn nhất xúc phạm trực tiếp đến tha nhân và đến bản thân của mình, bởi vì Thiên Chúa không hề hà tiện với con người, nhưng con người lại hà tiện với anh chị em của mình.

Khi mình có thể chăm sóc thân xác mình cho xứng đáng là đền thờ của Thiên Chúa thì lại không làm, nhưng hà tiện bủn xỉn để cho thân xác gầy còm ốm yếu bệnh hoạn; khi mình có thể giúp đỡ tha nhân thì lại không thực hành, nhưng lại hà tiện đem những gì Thiên Chúa ban cho mình cất trong kho khóa kín, mà không thay mặt Chúa giúp đỡ cho người anh em chị em bất hạnh đang cần mình giúp đỡ…

Hà tiện thì khác với tiết kiệm.

Hà tiện thì bo bo giữ của cải mà không dám sử dụng cho mình hay giúp cho tha nhân, còn tiết kiệm thì cái gì đáng dùng thì mua, không đáng dùng thì không cần mua, và có thể giúp đỡ người khác khi họ cần.

Hà tiện là mối tội, còn tiết kiệm là mối phúc. Ai hiểu thì hiểu.

 

47.  ĐÒN KHIÊNG VÀ KIỆU HOA

Thời xưa lưu truyền lại một phong tục cũ: khi cô gái đi lấy chồng thì phải khóc một trận, và trước khi lên kiệu thì phải khóc cho thật cảm động.

Có một cô gái đi lấy chồng, trước khi lên kiệu thì khóc thảm thiết, kiệu phu nghe khóc thì lòng phiền muộn, nói: ”Tìm không ra cây đòn khiêng để khiêng kiệu”.

Cô gái ấy vừa khóc vừa nói:

-         “Ái dà, má tôi ạ, cái đòn khiêng ấy không phải ở cửa sau sao ?”

 

Suy tư 47:

     Có những tiếng khóc làm cảm động lòng người, đó là tiếng khóc của người hối hận.

     Có những tiếng khóc xé tâm can người khác, đó là tiếng khóc của em bé mất mẹ mất cha.

     Có những tiếng khóc hại người, đó là tiếng khóc của người có lòng dạ thâm hiểm, họ khóc mà cặp mắt láo liên.

     Có những tiếng khóc giả vờ, đó là những tiếng khóc của người khóc mướn khóc thuê.

     Con gái đi lấy chồng mà khóc là chuyện thường tình, nhưng có những có gái đi lấy chồng không cười mà cũng không khóc, đó là các cô gái thời nay đi lấy chồng nước ngoài với tâm trạng vừa lo vừa mừng: lo là vì không biết ông chồng của mình tính khí thế nào, gia đình chồng ra sao ? Mừng vì có tiền để lo cho gia đình tạm thoát cảnh nghèo đói...

     Không phải cô gái nào đi lấy chồng cũng khóc, nhưng khóc hay không là do tâm trạng của mỗi người mà thôi.

 

48.   ĐỒNG NIÊN

Có một dân kẻ chợ vì con trai có chức phận nên được đi dự tiệc ở huyện đường, lần đầu tiên khi đến yết kiến quan huyện nên lúng túng không yên, kiên quyết chối từ không ngồi bên trên. Quan huyện rất hài lòng thân mật nói với ông ta:

-         “Tôi với con ông là đồng niên[10] nên theo lẽ tôi phải đứng hầu mới đúng”. Ý là muốn ông ta đừng khiêm tốn nữa, không ngờ ông kẻ chợ này lập tức giương cặp mắt nói:

-      “Ngài cũng là thuộc chó (tuổi tuất)﹝屬狗[11] phải không ?

 

Suy tư 48:

     Vì là dân kẻ chợ nên cách suy nghĩ cũng bộc trực như dân kẻ chợ, nghĩ rằng con mình tuổi chó thì bạn đồng khoa với con mình cũng là thuộc chó.

     Ở đời cũng có những hiểu lầm đáng tiếc, chẳng hạn như coi ai cũng xuề xòa như mình, rồi đối xử xuề xòa với họ, thế là bị mang tiếng là người không biết phép lịch sự; hoặc coi ai cũng nghiêm khắc như mình rồi đối xử với mọi người cách nghiêm khắc, thế là bị mang tiếng là ông cụ non, bạn bè ngày càng ít dần vì tính cách nghiêm khắc quá đáng của mình...

     Dân kẻ chợ có cái tính bộc trực của dân kẻ chợ, người Ki-tô hữu cũng có cái đặc sắc của người Ki-tô hữu, cái đặc sắc đó là họ đối xử với mọi người như lời dạy của thánh Phao-lô tông đồ: vui với người vui, khóc với người khóc. Đó cũng chính là tinh thần truyền giáo của ngài, mà mỗi người Ki-tô hữu trong mọi thời đại phải biết, để ứng dụng trong cuộc sống làm chứng nhân cho Chúa Giê-su.

     Tuổi chó tuổi mèo hay tuổi con gì chăng nữa cũng không sao, chỉ cần ý thức được mình là người Ki-tô hữu, thì chắc chắn sẽ làm cho mọi người nhận ra Chúa Giê-su đang ở trong mình.

 

49.  TỐT LÀNH

Có một người ngày đầu năm đi chúc tết, trong lòng nghĩ ngày thứ nhất thì nhất định phải lấy cái hên mới phải, thế là viết trên bàn một chữ “cát”.

Không ngờ, đi liên tiếp mấy nhà mà ngay cả một ly nước cũng không có. Sau khi trở về nhà, anh ta đứng nhìn chữ “cát” một hồi lâu, rồi lẩm bẩm một mình:

-         “Ái dà, mình viết chữ “cát [12] sai thành hai chữ “ khẩu và chữ cán ” thì tất nhiên không có ăn là phải rồi. Nếu biết sớm như thế này thì không đi chúc tết cho rồi, nhưng không sao, còn có mười một nhà để cho ta thấm ướt miệng”.

 

Suy tư 49:

     Đầu năm mới mọi người quen biết đều đi chúc tết nhau, đương nhiên là chúc nhau những lời may mắn, và tránh những lời nói bất lợi.

     Ngày nay không những các nhà thờ ở Việt Nam có truyền thống tốt đẹp là hái lộc Lời Chúa đầu năm mới, mà ngay cả nước ngoài (như ở Đài Loan) các cha sở người Việt đều đem truyền thống đẹp và ý nghĩa này đến cho giáo dân bản xứ, đầu năm họ lên hái lộc thánh cách vui vẻ và ghi nhớ câu Lời Chúa của mình trong năm, họ vui mừng và thành kính với lời chúc đầu năm của Thiên Chúa dành cho họ.

     Ngày nay việc lì xì đầu năm mới không còn là “vài trăm đồng bạc mới” để tượng trưng nữa, mà là thực tế, ngay cả trẻ em khi nhận bao lì xì thì cũng chê: nhà giàu mà lì xì ít quá.

     Đầu năm mới ai cũng thích chúc nhau những câu chúc tốt đẹp tài lộc dồi dào, ân sủng Chúa tràn đầy.

     Lộc mới đầu năm hoặc sự tốt lành là bởi Chúa ban cho, chứ không phải tại viết sai chữ “tốt lành”.

Ai hiểu thì hiểu.

 

50.  CÓ TRỘM

Có một tên trộm, ban đêm lủi vào trong nhà người ta, sờ phía dưới đầu giường đụng một cái hũ gạo, tên trộm bèn cởi cái tạp dề trên người ra trải trên đất, sau đó đi lấy gạo trong hũ ra.

Người nằm trên giường vẫn chưa ngủ, hành vi của tên trộm vào nhà ông ta đều biết. Khi tên trộm lấy tạp dề trãi trên đất để đi lấy gạo, ông ta bèn đưa tay ra kéo cái tạp dề, sau đó nằm trên giường mà la: “Có trộm, có trộm !”

Tên trộm vừa nghe tiếng la thì quay mình muốn chạy ra ngoài, nhưng vừa đưa tay sờ cái tạp dề thì không thấy nữa, thế là hắn ta đứng một bên cũng la lớn:

“Có thể có tr­ộm thật, vừa mới trãi cái tạp dề trên đất, quay lại thì không thấy nữa”.

 

Suy tư 50:

     Tên trộm trên đây đúng là “vừa ăn cướp vừa la làng”, tức là đã đi ăn cướp của người khác lại còn lớn tiếng la lên như mình mất của không bằng.

Trong cuộc sống thường ngày, cũng có nhiều người vừa ăn cướp vừa la làng, tức là họ đã làm sai nhưng vẫn cứ biện hộ cho mình và đổ tội cho người khác; họ làm không tròn bổn phận của mình, nhưng vẫn cứ chối bai bãi là vì lý do này lý do nọ, rồi trách móc người khác.

Trong cuộc sống của người Ki-tô hữu ma quỷ chính là tên trộm vừa ăn cướp vừa la làng, nó chính là nguyên nhân của mọi sự dữ, nhưng lúc nào cũng đổ lỗi cho Thiên Chúa khi cám dỗ con người là: tại sao Chúa dựng nên tôi mà không chăm sóc tôi, để tôi sống khốn khổ như thế này; nào là nói Chúa không tồn tại đâu, bởi vì Thiên Chúa đâu có ác đức để cho sóng thần, ôn dịch.v.v...hại con người.

Có những lúc chúng ta –người Ki-tô hữu- cũng  “vừa ăn cướp vừa la làng” khi chúng ta chỉ sống vì sĩ diện bên ngoài, tức là vừa phạm tội vừa đi rước Thánh Thể, vừa đọc Lời Chúa vừa nghe lời ma quỷ, vừa ăn chay vừa chửi mắng tha nhân...

 

51.  CHO ANH COI

Có một nhà giàu không biết chữ, khi đi đòi nợ thì cầm ngược tờ giấy vay nợ. Con nợ cười nói ông ta đã cầm ngược tờ giấy.

Ông nhà giàu nổi giận nói:

-         “Tôi cầm là đưa cho ông coi, chứ bản thân tôi thì coi nó làm gì hử ?”

 

Suy tư 51:

     “Miệng nhà quan có gang có thép”, nhưng bụng nhà giàu thì chỉ biết có tiền. Có tiền có bạc mà không biết chữ thì buồn và tội nghiệp cho họ biết bao, như thế thì cũng đủ biết họ là những người rất nghèo về đời sống tinh thần.

     Cầm ngược tờ giấy nợ thì không có gì là đáng cười cả, nhưng cái đáng cười là chúng ta làm những điều trái ngược với lương tâm của mình, bởi vì khi làm những điều trái ngược với lương tâm là chúng ta đắc tội với Thiên Chúa và mắc nợ với tha nhân, do đó không những đáng cười chê mà còn đáng phạt đời đời trong hỏa ngục nữa.

     Khi chúng ta làm ngược với lương tâm, làm trái với Lời Chúa dạy, thì chỉ có ma quỷ là kẻ vui nhất cười ha ha mà thôi, và đến ngày phán xét thì bàn dân thiên hạ đều nhìn rõ ràng những tội lỗi mà chúng ta làm ngược với lương tâm và Lời Chúa dạy khi còn sống ở đời.

 

52.  CÂY NGÃ CHI BẰNG BAY

Có một gia đình trong nhà có một người khách ở trọ, ở lâu mà không đi. Chủ nhà chán ngán lộ ra mặt, thế là dẫn người khách ra ngoài cổng, chỉ những con chim trên cây cho ông ta thấy rồi nói:

-         “Ông ở thêm vài ngày nữa đi, đợi tôi lấy rìu đốn cây này ngã xuống, đem mấy con chim ấy nướng lên rồi đãi ông”.

Người khách nghe xong, đang còn bán tín bán nghi, nói:

-         “E rằng không được, đợi khi cây bị đốn ngã xuống, thì những con chim kia đã sớm bay mất rồi”.

Chủ nhà cười cười nói:

-         “Ông đừng lo, tôi đã nhìn rõ rồi: đây là một con chim ngu, cây ngã rồi mà cũng không biết bay !”

 

Suy tư 52:

      Tế nhị là việc cần thiết trong khi đối xử với nhau giữa người với nhau.

     Tế nhị theo đại từ điển tiếng Việt định nghĩa là: khéo léo, tinh tế, nhã nhặn trong đối xử. Người tế nhị là người biết ứng xử trong mọi hoàn cảnh để không làm người khác buồn phiền vì mình hoặc mất mặt vì lời nói của mình.

     Tế nhị là một trong những điểm căn bản của bài học nhân bản, cho nên khi người ta đối xử lịch sự tế nhị với nhau, thì người ta đã bày tỏ một nếp sống văn minh lành mạnh, ở xã hội khi mà mọi người đều đối xử tế nhị bình đẳng với nhau, thì xã hội ấy sẽ là xã hội văn minh tiến bộ, bởi vì ai ai cũng muốn mọi người sống tốt với mình, cũng như muốn mình sống tốt với họ.

     Người Ki-tô hữu có một sự tế nhị vượt trên sự tế nhị trong cách đối xử của con người, sự tế nhị đó không phải là để làm hài lòng nhau, nhưng là làm vui lòng Chúa Giê-su nơi người ấy, tức là khi họ đối xử tế nhị với người khác là đối xử tế nhị với Chúa Giê-su nơi người ấy. Bởi vì Chúa Giê-su đã dạy: “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta”[13]. Nhân bản Ki-tô giáo nằm gọn trong lời dạy ấy của Chúa Giê-su, tất cả những lời nói tế nhị, thái độ tế nhị, đều năm trong lời dạy ấy.

     Ở lâu ngày trong nhà người ta mà không thấy băn khoăn áy náy, mà không thấy thái độ khó chịu của chủ nhà, là người không có sự tế nhị nhạy bén. Khi người khác nói bóng nói gió đến mình mà không để ý hoặc không hiểu, thì cũng thiếu đi sự tế nhị, đến nổi người ta mắng là ngu mà cũng không hiểu, thì quả là...ngu thật. Ha ha ha...

 

53.  BÙA ĐUỔI MUỖI

Có một đạo sĩ, cho rằng bùa của mình vẽ có thể đuổi muỗi, có người tin nên đến mua một lá bùa. Nhưng muỗi vẫn cứ bay tới bay lui như trước, do đó người mua bùa trở lại chất vấn đạo sĩ, nói bùa của ông ta vẽ không linh nghiệm.

Đạo sĩ hỏi:

-      “Ông đem lá bùa dán ở đâu ?

Người mua bùa nói:

-      “Dán ở bức tường trong nhà”.

Đạo sĩ nói:

-         “Chả trách nó không linh, ông phải đem lá bùa dán trong màn (mùng) ngủ”.

 

Suy tư 53:

     Muốn đuổi muỗi thì phải dùng loại nhang đuổi muỗi hoặc dùng loại máy phát sóng để đuổi muỗi, chứ muỗi chắc chắn là không sợ bùa ngải, đạo sĩ nói lá bùa dán trong mùng là nói láo, vì đã có mùng rồi thì muổi làm sao vào được để hút máu ! Đạo sĩ vẽ bùa chỉ nói láo với những người nhẹ dạ mà thôi.

     Ma quỷ là tên nói láo số một, là sư phụ của những người vẽ bùa chơi ngải, cho nên nó chỉ đánh lừa được những người Ki-tô hữu đức tin yếu kém, dễ lung lạc trước vật chất, dễ thay lòng trước những khó khăn, dễ té ngã trước những chức quyền danh vọng.

     Dấu hiệu của những người Ki-tô hữu dễ bị ma quỷ lừa, là họ thường hay dùng trí óc của mình để hồ nghi về những lời của Thiên Chúa, và những điều Hội Thánh dạy; họ ít đi tham dự thánh lễ và lãnh nhận các bí tích; họ thường chế nhạo các tín hữu đi lễ thường xuyên là: thờ Chúa trong lòng là được rồi; họ thích ham chức quyền và thích danh vọng…

     Nằm ngủ trong mùng thì an toàn không sợ muỗi chích, cũng vậy, người Ki-tô hữu chỉ có thể vững vàng đức tin khi họ thường xuyên tham dự thánh lễ, đón nhận các bí tích cách sốt sắng, và thực hành Lời Chúa trong cuộc sống của mình.

 

54.  BÁT UỐNG RƯỢU

Có một người thích uống rượu, trên đường đi gặp người bạn, bèn muốn người bạn ấy mời mình về nhà uống rượu. Người bạn nói: “Nhà tôi ở rất xa”.

Người thích uống rượu nói:

-         “Không sao cả, có xa thì cũng chỉ hai ba mươi cây số là cùng ?”

Người bạn nói:

-      “Nhà tôi rất nhỏ, không tiện tiếp khách”.

Người thích uống rượu nói:

-      “Có thể há miệng là được rồi”.

Người bạn nói:

-      “Nhà tôi ngay cả đồ uống rượu cũng không có”.

Người thích uống rượu nói:

-      “Không sao, tôi chính là bát uống rượu”.

 

Suy tư 54:

     Người nghiện rượu thì làm bằng đủ mọi cách, tìm mọi lý do để có rượu uống; người nghiện sắc dục thì bằng mọi cách tìm mọi lý do để thỏa mãn bản năng thú tính của mình; người yêu mến Thiên Chúa thì tìm mọi cách mọi lý do để được bày long yêu mến Thiên Chúa của mình.v.v…

     Thích, thói quen và nghiện thường làm cho con người ta dễ dàng phạm tội.

“Thích” thường là không tội lỗi gì cả, bởi vì con người ta ai cũng có cái để thích: thích uống rượu, thích ăn đồi ăn ngon, thích nghe nhạc, thích chụp ảnh, thích nghiên cứu vi tính.v.v…

“Thói quen” là bước tiếp theo của “thích”, bởi vì không phải tự nhiên mà có thói quen hút thuốc sau khi ăn cơm, thói quen uống rượu khi ngồi chung với bạn bè, nhưng trước hết phải thích đã, nhưng khi thích rồi và thường xuyên thực hành thì trở thành thói quen, thói quen thì có thói quen xấu và thói quen tốt.

“Nghiện” là do thói quen lâu ngày mà tạo thành, nghiện thường làm cho con người ta quên cả bổn phận của mình, nghiện có khi làm cho con người ta mất cả nhân cách của mình và trở thành trò cười cho thiên hạ.

Ở đời có ba cái nghiện làm cho con người ta đam chem. Sát hại lẫn nhau, đó là:

-      Nghiện danh vọng.

-      Người nghiện chức quyền.

-      Người nghiện tiền bạc.

Ở đời có ba cái nghiện làm cho con người ta tan gia bại sản, thân tàn ma dại, thân bại danh liệt, đó là:

-      Nghiện sắc dục.

-      Người nghiện rượu.

-      Người nghiện hút.

Cái nghiện nào cũng ghê gớm cả, tại sao vậy ? Thưa, bởi vì những cái nghiện ấy đều bắt đầu từ sự thiếu cầu nguyện, và thiếu sự tiết chế trong sự ăn uống, trong cách ăn mặc, trong thái độ đi đứng và nơi ở của mình.

Ai hiểu thì hiểu.

 

55.  ĐỔI NGỰA

Một người cưỡi lừa, khi đi trên đường thì nhìn thấy có một người cưỡi ngựa từ xa đi tới, ông ta càng nhìn thì càng thấy con ngựa quả là thật đẹp. Thế là vội vàng nhảy xuống khỏi con lừa, chấp tay vái người cưỡi ngựa một cái rồi nói:

-         “Tôi muốn đem con lừa này của tôi đổi lấy con ngựa của ngài”.

Người cưỡi con ngựa cười cười, nói:

-      “Người như ông sao mà ngu thế hử ?”

Người cưỡi lừa nói rất chính xác:

-         “Ngài dám đổi ngựa cho tôi, thì tôi mới nhận thấy ngài là người ngu !”

 

Suy tư 55:

     Không ai đem đồ quý giá của mình đi đổi đồ không có giá trị, vì như thế là người ngu; cũng chẳng có ai mở miệng xin đem cái xấu của mình để đổi lấy cái tốt của người khác, vì như thế không những bị người ta cho là người ngớ ngẫn và tham lam.

     Ma quỷ đã đánh đổi hạnh phúc đời đời của mình bằng kiêu ngạo nên bị phạt đời đời đau khổ trong hỏa ngục, mối hận này vẫn cứ mãi mãi đi với ma quỷ, cho nên nó tìm đủ mọi cách để đem cái xấu đi đổi cái tốt là linh hồn của con người, nhất là linh hồn của người Ki-tô hữu đã được Chúa Giê-su Ki-tô cứu chuộc bằng giá máu rất thánh của Ngài.

     Trong cuộc sống của người Ki-tô hữu đã có rất nhiều lần chúng ta đem cái tốt mà Chúa ban cho mình đi đổi cái xấu của ma quỷ:

-      Đem tài năng Chúa ban cho để giúp người là điều ác.

-      Đem sự thông minh Chúa ban cho để lừa dối người.

-      Đem sức khỏe Chúa ban cho để ăn chơi trác táng.

-      Đem sắc đẹp Chúa ban cho để hủy hoại cuộc đời mình trong thác loạn.

Ân sủng Chúa ban cho là để chúng ta sống xứng đáng là con cái của Ngài ở đời này, và đời sau hưởng hạnh phúc vĩnh hằng trên trời, nhưng chúng ta lại đem ân sủng ấy đi đổi lấy cái chết đời đời với ma quỷ trong hỏa ngục.

Nếu không có ơn Chúa, nếu không có giáo huấn của Hội Thánh thì chúng ta đúng là ngu thật: đem con ngựa đổi lấy con lừa. Ha ha ha.

 

56.  MUỐN NGÓN TAY

Có một vị thần muốn thực nghiệm thực nhiệm coi có người không có lòng tham hay không ? Gặp người thứ nhất thì lấy ngón tay chỉ cục đá nhỏ biến thành thỏi vàng và hỏi anh ta có muốn không ? người ấy trả lời:

-         “Muốn thì muốn, nhưng muốn xin thần chỉ lại cục đá lớn hơn”.

Thần chỉ cục đá lớn hơn biến thành tảng vàng cho người thứ hai, người thứ hai cũng hy vọng thần biến tảng đá lớn hơn nữa thành vàng.

Thần lại chỉ viên đá lớn hơn thành vàng cho người thứ ba, nhưng người này lắc lắc đầu bày tỏ là không muốn. Thần rất vui mừng, rồi lại chỉ viên đá lớn như sư tử thành vàng, người ấy cũng lại lắc đầu. Thần cho rằng người này không có lòng tham, và đang khi muốn độ anh ta trở thành thần tiên, thì người ấy nói:

-      “Xin ngài đem ngón tay của ngài tặng cho tôi !”

 

Suy tư 56:

     Con người có khi cũng lừa cả Thiên Chúa nữa, thì thần tiên là cái thá gì chứ ?

     Có người nói phĩnh gạt Thiên Chúa thì dễ hơn là lừa gạt con người, bởi vì con người có tai có mắt, có óc có não nên khó phĩnh gạt, còn Thiên Chúa thì không thấy Ngài đâu cả, nên dễ lừa gạt hơn.

     Con người ta khi có cái tâm tham lam thì bất kỳ ai họ cũng có thể phĩnh gạt lừa dối, nếu có lợi cho họ:

-      Có người có bộ mặt rất dễ thương, nhưng lại đi lừa tình lừa tiền của người khác.

-      Có người ăn nói thật thà như bụt, nhưng lại là tay mánh mung dối gạt người khác không thương tiếc.

-      Có người cứ mỗi lời nói là yêu thương chị em, vì             anh chị em mà hy sinh, nhưng cái hy sinh ấy nhỏ như con tép, mà âm mưu chiếm đoạt của mọi người thì lớn như con voi.

-      Có người gặp cha cố, bề trên thì bẩm cha, bẩm cụ, nhưng trong lòng thì ghét cay ghét đắng tìm cách hạ bệ họ.v.v...

Thiên Chúa rất công bằng, rất nhân từ. Sự công bằng này mọi người sẽ thấy trong ngày phán xét, nhưng sự nhân từ thì con người ta có thể thấy ngay từ đời này, bây giờ trong cuộc sống của chính mình.

Cho nên, đừng nói là phĩnh gạt Thiên Chúa thì dễ nhé, coi chừng đó kẻo hối không kịp đó.

 

57.  CÓ TRỜI MÀ KHÔNG MẶT TRỜI

Có một quan huyện, vì không chịu nỗi cái nóng của mùa hè nên muốn tìm một nơi để tránh nóng, bèn hỏi người hầu có chỗ nào để tránh nóng không ?

Có người nói trên núi nọ có rất nhiều cây cao rậm rạp, nhất định là mát mẻ; có người nói nơi chùa nọ rất là yên ắng thanh tịnh, nhất định là mát mẻ; lại có người đứng bên cạnh lẩm bẩm nói một mình:

-         “Tôi nhìn không có chỗ nào mát hơn ở công đường lớn này !”

Người ấy nói tiếp:

-         “Bởi vì nơi công đường lớn này có trời mà không có mặt trời”.

 

Suy tư 57:

     Có trời thì nhất định phải có mặt trời, có mặt trời thì nhất định phải có ánh nắng, có ánh nắng thì nhất định phải nóng.

     Ở trong công đường lớn của quan huyện là mát mẻ nhất, vì ở đó có trời mà không có mặt trời:

-      Có trời mà không có mặt trời: nghĩa là có quan mà quan không có nhà, không thăng đường xét xử, quan đi chơi cả ngày.

-      Có trời mà không có mặt trời: nghĩa là có quan mà quan không hề chỉ thị, chỉ có bà vợ quan ra lệnh mà thôi.

-      Có trời mà không có mặt trời: nghĩa là có cha sở mà cha sở cứ đóng cửa đi vắng cả ngày, để cô thư ký giải quyết công việc.

-      Có trời mà không có mặt trời: nghĩa là có nhà thờ mà ngoài giờ lễ thì giáo dân không được đến, bởi vì cha sở đóng cổng nhà thờ theo giờ hành chánh, trẻ em đến thì đuổi chúng nó về.

-      Có trời mà không có mặt trời: nghĩa là trong giáo xứ có đoàn thể mà cha sở không bao giờ đến hội họp với họ, lý do duy nhất là: cha bận lắm...

Tìm nơi mát mẻ để hưởng thụ thì không có chỗ nào bằng như ở công đường lớn của huyện, vì ở đó có trời mà không có mặt trời, mà không có mặt trời thì làm gì mà nóng, làm gì có nhiệt tình, làm gì có tích cực, làm gì có lòng đạo đức.

     Ai hiểu thì hiểu, ha ha ha...

 

58  SỢ NƯỚC

Có người bản tính rất sợ nước, một hôm cùng với người trong thôn có việc phải đi lên kinh thành, giữa đường khi qua một con sông, anh ta xin mọi người lấy dây thừng trói anh ta trên thuyền, và dặn dò:

-         “Trói chặt chút nhé, trói chặt chút nhé !”

Đợi khi thuyền chèo qua bờ đối diện, người sợ nước bèn hỏi người đi cùng:

-      “Khi trở về, có qua sông nữa không ?”

Người cùng đi nói có.

Người sợ nước suy nghĩ rất lâu, đột nhiên nói:

-         “Qua sông thì nhất định phải ngồi thuyền, tôi coi sợi dây thừng này không cần tháo ra nữa, chỉ cần bỏ ra chút tiền nhờ người chèo thuyền kiêng cả thuyền và tôi đi ! Tôi cảm thấy sợi dây thừng này trói thật chặt, nếu tháo ra, không nhất định lần sau có trói chặt được như thế không !”

 

Suy tư 58:

     Những người không biết bơi lội thì chắc chắn là sợ tắm hoặc đi thuyền trên những hồ nước sâu, những dòng sông lớn, đó là chuyện thường tình chẳng có gì để nói. Nhưng sợ nước đến nỗi phải nhờ người khác trói chặt mình trên thuyền, thì mới là chuyện đáng nói, bởi vì khi làm như thế thì đúng là sợ quá...hóa ngu, nếu lỡ may thuyền bị chìm thì họ cũng chìm luôn.

     Có những người Ki-tô hữu làm gì cũng sợ phạm tội, vì quá sợ phạm tội mà họ thường lỗi đức bác ái với tha nhân:

-      Họ không dám dừng xe lại để dìu một người già hay một em bé qua đại lộ đầy xe cộ, vì họ sợ trễ giờ lễ.

-      Họ không dám đứng lại chia sẻ với người hành khất bên vệ đường vài trăm bạc, vì sợ đi họp trễ cha sở mắng.

-      Họ không dám bắt tay người có tiền án tiền sự, vì sợ nhiễm “thói xấu” của những người ấy mà mang tội.v.v...

Người sợ nước thì cứ sợ, nhưng không phải vì sợ nước mà cột chặt mình vào với thuyền, vì  sẽ chết vì nước khi thuyền chìm; cũng vậy, ai cũng phải sợ tội, nhưng không phải chuyện gì cũng gán cho tội rồi sợ mà lỗi đức bác ái với tha nhân.

Đức Chúa Giê-su không sợ người ta đàm tiếu khi nói chuyện với người phụ nữ Sa-ma-ri-a, Ngài cũng không vì sợ giao du với người tội lỗi mà mang tội, nên đã đến nhà của Gia-Kêu để ăn cơm với “phường tội tội lỗi”.

 

59.  THUỐC GHẺ

Có một tiệm thuốc, trước tiệm treo một bảng hiệu, trên bảng hiệu viết: “Thuốc bí truyền linh nghiệm, chuyên trị ghẻ”.

Có một người vào mua thuốc ghẻ, trong tiệm thuốc có một người học việc đang ngồi bán thuốc, lấy ngón tay chỉ cái kệ để thuốc rồi nói với người mua thuốc:

-      “Thuốc ghẻ trên cái kệ ấy, ông tự đến lấy”.

Người mua thuốc nói:

-         “Sao anh làm biếng thế, ngay cả đứng dậy một chút mà cũng không muốn”.

Người học việc nói:

-         “Trên thân tôi toàn là ghẻ lở, đứng dậy không tiện”.

Người mua thuốc nói:

-      “Tại sao không xức thuốc ghẻ ?”

Học trò bán thuốc nói:

-         “Ái dà, lại còn đợi ông nói, tôi đã dùng qua, nhưng vẫn cứ không lành ?!”

 

Suy tư 59:

     Có những cửa hàng bán thịt chó, nhưng bảng hiệu lại viết là bán thị dê; có những cửa hàng bán ế, nhưng trước cửa hiệu luôn có một hàng chữ: khuyến mãi mua một tặng một; có một vài cửa hàng vắng khách nên viết quảng cáo: mừng cửa hàng tròn 5 năm, hàng giá rẽ, nhanh nhanh hàng còn ít. Đúng là quảng cáo nói láo ăn tiền, chẳng khác gì tiệm thuốc quảng cáo “thuốc ghẻ bí truyền”, nhưng lại không chữa lành ghẻ của người học việc.

     Có một vài người Ki-tô hữu luôn miệng quảng cáo với mọi người là mình thường cầu nguyện cho người này bỏ uống rượu, người kia thôi không đánh vợ con, và người nọ được ơn cảm hóa.v.v…nhưng họ lại không cầu nguyện cho chính mình được ơn khiêm tốn, không cầu nguyện cho mình được ơn quảng đại, không cầu nguyện cho gia đình mình được hòa thuận yêu thương nhau…

     Chữa mình trước rồi sẽ đi chữa cho người khác  thì hiệu quả hơn nhiều.

Ai hiểu thì hiểu…

 

60.  BỆNH ĐAU MẮT

Có một quan huyện xử án, nguyên cáo và bị cáo bên nào cũng nói cái lý của mình, huyện quan nhướng mày nói:

-         “Lời nói của chúng mày đúng là ta nghe mà không hiểu gì cả: nếu nghe bên nguyên cáo thì bên bị cáo phải bị đánh hai mươi trượng; nếu nghe bên bị cáo thì bên nguyên cáo bị đánh hai mươi trượng. Được rồi, bây giờ đánh mỗi người hai mươi trượng”.

Sau khi nguyên cáo và bị cáo bị đánh hai mươi trượng, và khi quan huyện chuẩn bị rời khỏi công đường, thì có một tên hầu chạy lên xin nghỉ phép, nói là mắt bị bệnh phải về nhà.

Quan huyện nhìn nhìn tên hầu, hỏi nó: “Tao nhìn cặp mắt của mầy đâu có gì là bệnh đâu, tại sao lại nói mắt bị bệnh mà xin nghỉ phép hử ?”

Tên hầu trả lời:

-         “Dùng mắt của quan đại gia để nhìn con, thì nó nhìn rõ ràng, nhưng dùng con mắt của con để nhìn quan đại gia thì nó lơ mơ hồ đồ”.

 

Suy tư 60:

     Tư pháp khi xét xử thì phải có đủ chứng cớ, và những cứ ấy đều phải thật và cụ thể; tư pháp khi luận tội thì phải công chính, công chính tức là công bằng và chính trực không thiên vị bên nào, như thế mới đem lại bình an và hạnh phúc cho xã hội và cho người dân.

     Quan tư pháp khi xét xử thì không những phải chịu về hành vi và lời luận tội của mình trước pháp luật, mà nghiêm trọng hơn chính là chịu trách nhiệm về lời luận tội của mình trước mặt Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa là Đấng phán xét, là quan tòa của mọi quan tòa trên thế gian này, là Đấng yêu thương đầy lòng nhân từ, nhưng rất công bằng và chính trực. Ngài sẽ xét tội những ai đoán xét không công bằng với tha nhân, Ngài sẽ luận tội với những ai luận tội cách bất công, ức hiếp và áp chế với tha nhân…

     Quan huyện xét xử cách hồ đồ vì lấy quyền lực của mình để đoán xét, chứ không lấy sự hiểu biết pháp luật và sự công bằng để xét xử, nên dưới con mắt của người hầu hạ thì ông ta là người hồ đồ…

     Người hầu hạ không học hành, không biết chữ mà cũng biết là quan huyện xét xử hồ đồ, thì huống hồ là những người có học, thông minh và biết luật lệ chứ ?

Đúng là ông quan huyện bị bệnh đau mắt chứ không phải người hầu hạ. Ha ha ha…

 

61.  TẤT QUẢN BÚT

Có một thời thịnh hành mốt “tất (vớ) quản bút”, loại bít tất này rất hẹp, ôm rất sát ống chân nên giống như cái quản bút vậy, người xưa gọi như thế.

Có người đi mua bít tất, đổi lui đổi tới nhiều lần mà vẫn cứ quá rộng, người chủ tiệm nói:

-         “Nếu ngài muốn hợp ý, sao lại không đi tìm thợ sơn ?”

Người mua bít tất không hiểu gì cả, bèn hỏi nguyên nhân. Chủ quán trả lời:

-         “Không cần mang bít tất, chỉ cần sơn trắng hai ống chân, chẳng lẽ không kỳ diệu hay sao ?”

 

Suy tư 61:

      Ngày xưa mang bít tất chật thì người ta gọi là cái quản bút, ngày nay mang bít tất cùng màu với màu da là mốt đời mới, mang bít tất dài tới bắp vế thì được coi như là con người hiện đại; mang áo ngắn ngang ngực là được coi như là người của thời đại…

     Có những người thích mang bít tất rộng tức là lương tâm rộng, có những người thích mang bít tất hẹp, tức là lương tâm hẹp. Lương tâm rộng thì không coi trọng những chi tiết nhỏ nhặt nên dễ dàng khiến họ phạm tội mà không biết, vì như thế là đùa với lửa; lương tâm hẹp là những người ngay cả một chi tiết nhỏ nhặt cũng xét nét cố chấp, nên họ khó mà thực hành đức ái với tha nhân trong cuộc sống của mình, bởi vì đức ái thì không câu nệ những chi tiết…

     Không có bí tất chật thì –ý kiến của chủ tiệm- lấy sơn mà sơn cổ chân của mình.

Cũng vậy, có nhiều người không có lương tâm hẹp cũng như không có lương tâm rộng, nên họ -nghe lời của tên cám dỗ là ma quỷ- dùng vẻ bên ngoài để đánh lừa người khác, chẳng hạn như dùng dáng đạo mạo để lừa những người già cả, dùng những lời lẽ hoa mỹ để lừa dối những người trẻ, dùng những hành vi thân thiện để đánh lừa những người nhẹ dạ cả tin.v.v…

Ai hiểu thì hãy coi chừng những hạn người này.
 
(còn tiếp)
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư





[1] La hán có tất cả là mười tám pho tượng.
[2] Ep 6, 1-3
[3] Chữ “pha” tiếng Hoa viết là, do chữ “thổ” và chữ ”da” ghép lại mà thành.
[4] Chữ “hoạt” tiếng Hoa viết là , do chữ “nước” và chữ “ xương” ghép lại mà thành.
[5] Chữ “trơn” tiếng hoa viết là, gồm có hai chấm ngắn và một chấm dài (bộ thủy ) và chữ “xương” ghép thành.
[6] Kh 3, 15-16.
[7] Đường Hy Vọng 5.
[8] Mt 5, 4.
[9] Lục thân là: cha, mẹ, vợ, con, anh, em. Cũng còn gọi là thân thích.
[10]﹝同年﹞có nhiều ý: là đồng niên, đồng khoa, cùng tuổi. Thời đại khoa học ngày nay, người cùng thi đỗ thì gọi là đồng niên.
[11] 屬相 nghĩa là thuộc tướng, tức là tuổi, ví dụ: tuổi tuất, tuổi mão, tuổi mùi.v.v…nhưng đôi khi người ta nói tắt một chữ “thuộc” mà thôi, như: thuộc tuổi mèo, thuộc tuổi chó...
[12] Chữ “cát” là tốt lành, gồm hai chữ “sĩ ” và chữ “khẩu” ghép lại mà thành.
[13] Mt 7, 12.