Thứ Bảy, 29 tháng 7, 2023

Chúa nhật 17 thường niên

 


CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN


Tin mừng: Mt 13, 44-52.
“ Người ấy bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy.”

Bạn thân mến,
Bài Phúc Âm hôm nay Đức Chúa Giê-su đưa ra ba dụ ngôn nói về Nước Trời với ba ý nghĩa khác nhau, để cho bạn và tôi cùng suy nghĩ xem mình có phải là người mừng vui khi tìm được Nước Trời hay không: Nước Trời ví như kho tàng chôn giấu trong ruộng, Nước Trời giống như thương gia đi tìm ngọc đẹp, Nước Trời cũng giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển.v.v...
Bạn là người tìm được Nước Trời chôn giấu giữa thế gian, khi mà chung quanh bạn có rất nhiều người chưa tìm được kho tàng quý báu ấy, nhưng bạn có vui lòng bán tất cả, đánh đổi tất cả những gì bạn đang có để chiếm hữu Nước Trời không ? Bạn có so đo thời gian tham dự thánh lễ quá dài so với thời gian ngồi nhậu nhẹt với bạn bè không ? Bạn có sẵn lòng hy sinh sự nghiệp, hy sinh tình yêu, hy sinh tiền bạc, hy sinh tất cả, để chiếm lấy Nước Trời là kho tàng mà bạn đã tìm được giữa thế gian này không ?
Khi mà có rất nhiều đang mò mẫm đi tìm chân lý thì bạn đã tìm được chân lý là Đức Chúa Giê-su; khi mà người ta đi tìm Thiên Chúa trên mặt trăng, dười biển sâu, trong các thư viện cổ kính giá trị, thì bạn đã tìm được Thiên Chúa ngay trong cuộc sống của mình; khi mà người ta quyết đánh đổi tất cả để được sự bình an trong tâm hồn, thì bạn đã được sự bình an của Đức Chúa Giê-su trong lòng. Tất cả những điều ấy chính là kho tàng quý giá mà Thiên Chúa –vì yêu thương- đã trao ban cho bạn khi bạn tìm kiếm Ngài.
Bạn thân mến,
Có nhiều người Ki-tô hữu đã tìm được kho tàng quý giá là Nước Trời, nhưng họ không giữ được lâu bền, bởi vì họ đem kho tàng vô giá ấy đánh đổi với vật chất của thế gian. Nhưng bạn và tôi là những người được Thiên Chúa yêu thương cách đặc biệt, đã đem kho tàng Nước Trời mặc khải cho chúng ta, và giúp chúng ta phương pháp gìn giữ kho tàng ấy, đó chính là tham dự các bí tích và khiêm tốn ước ao đón nhận ân sủng của Ngài.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
-----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info

Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


46.   TẬN TRUNG TẬN HIẾU

        Có người nọ vừa thâu nạp được một bà vợ lẽ, bèn đi mời thầy giáo đặt cho vợ lẽ một cái tên, thầy giáo nói:

-      “Đặt tên “hiếu nữ” là tốt nhất”.

        Về sau người ấy vì ham dục quá độ mà bị bệnh lao, ông thầy tướng số mới nói với ông ta:

-      “Ông có thể lấy thêm một vợ lẽ nữa, cùng nhau hoan lạc thì bệnh sẽ khỏi”.

        Người ấy nghe và tin lời, sau đó cũng đi mời thầy giáo đặt cho bà vợ lẽ mới cái tên, thầy đặt tên là “trung nữ”.

        Người ấy thê thiếp rất nhiều, hoang dâm càng nhiều, cuối cùng bệnh đã đến ngày cuối.

        Thế là người ấy nhắn mời thầy giáo đến, hỏi hàm ý của mấy tên đặt. Thầy giáo nói với ông ta:

-      “Trong sách đã giải thích rất rõ ràng, lẽ nào ông không nghe qua “hiếu đương kiệt lực, trung trắc tận mệnh” sao ?”

                                                        (Quảng Tiếu phủ)

 

Suy tư 46:

        Ông thầy giáo biết rất rõ hậu quả của việc cưới vợ lẽ của người nọ đó là hoang dâm, nên đã đặt cho hai cái tên có ý nghĩa vừa tốt vừa xấu.

        Tốt là vì hai chữ “hiếu, trung” nói lên sự cúc cung tận tuỵ, xấu là vì quá cúc cung tận tuỵ nên đã chiều sự hoang dâm của ông chồng già, thế là hại ông chết sớm...

        Tận trung tận hiếu với cha mẹ là người con có hiếu.

        Tận trung tận hiếu với tổ quốc là công dân gương mẫu.

        Không một người Ki-tô hữu nào bất trung bất hiếu với cha mẹ và không một Ki-tô hữu nào lại đi phản bội tổ quốc mình...

        Tại sao vậy ?

        Thưa bởi vì họ là con cái của Cha trên trời.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Năm, 27 tháng 7, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


45.   TỰ KHOE THÓI QUEN

        Con bọ cạp khoe với con muỗi và con ruồi:

-      “Tính cách của tôi rất dũng cảm, phàm người khác đụng tôi, thì không thể không bị tôi chích cho một cái, hỏi có ai anh hùng như tôi chứ ?”

        Con ruồi cũng khoe mình:

-      “Tôi vốn không thích nói về anh hùng hay yếu nhược, con người có rượu ngon thì tôi phải ăn trước một bụng no, có ai được ăn phong phú như tôi chứ ?”

        Con muỗi chận đầu hai con kia, tự khoe nói:

-      “Hành động ẩn núp của tôi thật độc đáo, không ai có thể so bì với tôi, mỗi lần nhìn thấy mỹ nhân hương thơm diễm lệ bèn nép sát trên thân của họ. Có bài thơ nói như sau: “Chạn thức ăn thấm nguyệt mát như nước, giành được châu ngọc cẩn trên tay trên mắt”. Có ai hơn được tôi khoái lạc chứ ?”

        Bọ cạp và muỗi nghe xong thì thêm ghét, nói:

-       “Coi áo anh mặc còn chưa có, té ra phong lưu là như thế à.”

                                                        (Quảng Tiếu phủ)

 

Suy tư 45:

        Bọ cạp có cái đuôi phun nọc là để tự vệ, con ruồi thì chỉ ăn bám và gây bệnh cho người, con muỗi thì hút máu người và động vật để sống, đó là những cái “có” của bản năng, lấy gì để khoe khoang chứ ? Nếu con bọ cạp biết bay, nếu con ruồi biết nói, nếu con muỗi biết làm vườn thì cũng nên khoe vì tất cả những cái “biết” đó đều không thuộc bản năng của chúng nó...

        Có người đem tiền bạc của mình ra phung phí trong các cuộc nhậu gác tay với bạn bè để khoe mình giàu có chơi trội; có người cứ thích đi trước người khác để vung tay chỉ bên đông rồi chỉ bên tây để khoe cái tài chỉ huy của mình; có người thì thích đi kè kè bên các vị tai to mặt lớn để khoe cái quen biết rộng lớn của mình...

        Người đời thì thích khoe khoang như thế trước mặt mọi người, nhưng người Ki-tô hữu thì chỉ có hãnh diện và bắt chước Đức Chúa Giê-su “vì anh em mà phục vụ”, đó là cái đáng khoe nhất không những trước mặt người đời mà còn trước mặt Thiên Chúa trong ngày phán xét.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 26 tháng 7, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


44.   LỜI TO NÓI TRƯỚC

        Có người nọ nhìn thấy người bán thịt đi qua bèn lớn tiếng:

-      “Đem thịt lại đây”.

        Người bán thịt hỏi:

-      “Quan nhân muốn mua mấy cân ?”

        Người ấy lớn tiếng nói:

-      “Chúng tôi ở đây đợi người nhà, sao lại hỏi bao nhiêu cân ? Ông đem cái đùi này cân thì tất biết”.

        Người bán thịt cân xong thì nói:

-      “Quan nhân, cái đùi này chín cân bốn lạng”.

        Người ấy nói:

-      “Cũng được, ông cắt cho tôi bốn lạng, còn dư bao nhiêu để lại cho ông dùng !”

                                                        (Quảng Tiếu phủ)

 

Suy tư 44:

        Trả giá khi mua là chuyện của người tiêu dùng, bán hay không là chuyện của người bán hàng, đó là chuyện thường ngày trong giao dịch bán buôn, nhưng mua chiếc xe SH của Nhật mà trả giá có một triệu đồng bạc Việt Nam thì đúng là đáng bị chửi và đuổi ra khỏi cửa tiệm, muốn mua cái máy vi tính đời mới mà trả giá một trăm đô thì bị chửi cũng là đáng đời lắm vậy, bởi vì câu trả giá quá không tương xứng với món hàng.

        Có một thứ rất quý, quý hơn cả trân châu bảo ngọc ở đời này, cũng như ở trên trời nhưng chỉ được bán có ba mươi đồng bạc bởi lòng tham lam, đó chính là Đức Chúa Giê-su bị tên phản đồ Giu đa tham lam bán cho các kinh sư và biệt phái người Do Thái chỉ có ba mươi đồng bạc...

        Giu đa đã bán thầy mình ba mươi đồng bạc vì lòng tham lớn hơn cả tình yêu mà Đức Chúa Giê-su đã dành cho ông.

        Có một vài người Ki-tô hữu cũng vì lòng tham mà bán Đức Chúa Giêsu của mình với những giá cả khác nhau: có người bán Chúa khi biển thủ của công, có người bán Chúa khi suốt đêm đen đỏ cờ bạc, có người bán Chúa với những dâm ô truỵ lạc, có người bán Chúa với những mưu toan ám hại anh em, có người bán Chúa với những kiêu căng hợm mình... và còn rất nhiều cách nhiều giá khác mà chúng ta đã bán Chúa của mình trong cuộc sống thường ngày...

        Món hàng tốt mà trả giá quá thấp là người không biết tiêu dùng, nhưng cái đáng chê trách và đáng lãnh án phạt nhất chính là đem nguồn ơn cứu độ của mình –là Đức Chúa Giê-su- bán với giá rẻ mạt trong tội lỗi của mình.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Ba, 25 tháng 7, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


43.   UỐNG BA BÁT NƯỚC

        Học trò nọ đi tham gia tuyển chọn quan viên, trên đường đi gặp một người đẹp đang gánh nước, nên luyến ái không muốn rời, bèn đi đến giả bộ xin uống nước.

        Xin liên tiếp hai ba lần làm cho tên đầy tớ Hưng nhi bắt đầu khát nước và cũng xin uống nên thời gian kéo dài, cuối cùng thì cũng phải rời đó mà đi thôi.

        Thời gian qua một năm sau, anh học trò ấy vẫn chưa quên người đẹp nọ, bèn cùng Hưng nhi đi đến ch người đẹp, nhưng ai mà biết được người đẹp đã bị nhuốm bệnh mà chết, anh học trò rất buồn bèn làm một bài thơ truy điệu như sau :

“Ngày này năm ngoái cửa thành trong,

nhân diện đào hoa giống bóng hồng.

Người đẹp không biết đi nơi nao

hoa đào như cũ cười gió xuân”.

        Tên đầy tớ cũng nhớ chuyện năm ngoái liền ngâm lên :

“Ngày này năm ngoái trong cửa này

người và hoa đào giống nhau đẹp ;

năm nay nếu có giai nhân đến

Hưng nhi vẫn uống ba bát đầy”.

                                                        (Quảng Tiếu phủ)

 

Suy tư 43:

        Con người ta thường hay có ấn tượng về buổi gặp gỡ ban đầu, nhất là buổi ban đầu diện kiến với người đẹp...

        Có người thấy người đẹp thì bước đi không rời, chỉ muốn đến gần nói chuyện và ngắm ngiá ; có người thấy người đẹp thì nhìn như muốn ăn tươi nuốt sống, không phải họ dữ tợn nhưng vì người đẹp quá đẹp...

        Nhưng chuyện trong trời đất thì không phải luôn như thế, bởi vì có người đẹp nhưng ăn nói vô duyên, có người đẹp nhưng kênh kiệu, có người đẹp nhưng bất lịch sự, có người đẹp nhưng lãng mạn, có người đẹp nhưng bất tài.v.v... tất cả những người đẹp như thế thì chỉ để lại ấn tượng xấu cho người khác trong buổi gặp gỡ ban đầu.

        Cái đẹp thì trời cho, nhưng cái nết thì mình cần phải luyện tập mỗi ngày, mà người đẹp ki-tô hữu thì biết rất rõ điều này: cái đẹp nội tâm là cái đẹp nhất của mọi người, bởi vì chính Thiên Chúa đang làm đẹp cho họ khi ngôn hành của họ thấm nhuần tinh thần của Phúc Âm.

        Cái đẹp thân xác thì làm cho người ta có những ý tưởng trần tục, nhưng cái đẹp tâm hồn thì làm cho người ta có ấn tượng về sự cao cả mà Thiên Chúa đang làm trong con người của họ, đó là sự hiền dịu.

        Đó là cái đẹp nhất của người đẹp vậy !


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Hai, 24 tháng 7, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


42.   NÓNG LÀ CÓ MÙI

        Sui gia ở trong làng vào thành tham quan, sui gia trong thành lấy “nước trà suối Tùng Mộng” để đãi, sui gia trong làng sau khi uống nước xong thì luôn miệng khen:

-      “Ngon, ngon !”

        Ông sui gia giàu có cho rằng ông ta biết mặt hàng tốt xấu bèn hỏi:

-      “Sui gia nói ngon, nhưng lá trà ngon hay nước ngon ?”

        Sui gia trong làng trả lời:

-       “Nóng là có mùi”.

                                                        (Quảng Tiếu phủ)

 

Suy tư 42 :

        Trà nóng thì uống ngon hơn trà nguội, cho nên người sui gia nhà quê phải nói như thế này mới phải : “Trà nóng thì uống có mùi vị ngon”...

        Thiên Chúa là tình yêu, các bạn trẻ nhìn thấy tình yêu này trong cuộc đời vui tươi trẻ trung, trong chính tình yêu nam nữ của họ,

        Thiên Chúa là tình yêu, các cụ già thấy tình yêu của Thiên Chúa ban cho họ qua tách trà nóng mỗi buổi sáng, khề khà bên tácg trà nóng mà tán dương tình yêu Thiên Chúa thì trên đời có ai bằng được...

        Thiên Chúa là tình yêu, tình yêu này luôn thơm ngon như tách trà nóng, nhưng chúng ta chỉ đáp trả lại Ngài bằng những tách trà nguội đó chính là những thói hư tật xấu, những vô ơn bội nghĩa mà ngay chính người khác cũng không thèm uống huống gì là Thiên Chúa...

        Trà nóng thơm ngon thì tách trà phải đẹp cho thêm ngon, cũng vậy ân sủng của Thiên Chúa vốn là quý báu thì tâm hồn của chúng ta phải đẹp đẽ sạch tội thì mới xứng đáng đón nhận ân sủng vậy...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Chủ Nhật, 23 tháng 7, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


41.   TRÊN GIỐNG DƯỚI KHÁC

        Có một hòa thượng đọc chữ “trai”, nhưng ni cô nhận là chữ “tề”, cả hai người đều to tiếng cãi nhau.

        Có người nọ lấy làm lạ bèn đi đến nói:

-      “Trên đầu thì giống nhau ,nhưng dưới đầu thì có chút không giống nhau”[1].

                                                        (Quảng Tiếu phủ)

 

Suy tư 41:

        Nhà sư và ni cô thì nhất định là không giống nhau nhưng giống nhau ở chỗ là cả hai đều...cạo trọc đầu, nếu mặc áo cà sa mà không cạo trọc đầu thì không ai nói đó là nhà sư hoặc ni cô, bởi vì cạo trọc đầu là điểm nổi bật của các nhà tu hành Phật giáo.

        Các linh mục và các nam nữ tu sĩ thì không ai cạo trọc đầu, nhưng chính họ lại “cạo” tâm hồn cho sạch cái tham sân si của thế gian bằng linh đạo tu đức của chính Lời Chúa thấm nhuần trong tâm hồn của họ, họ không giống nhau về hình dáng bên ngoài, nhưng giống nhau ở một điểm là : vì yêu mến Thiên Chúa mà hiến dâng phục vụ Ngài qua tha nhân trong mọi thời đại.

        Tình yêu của Thiên Chúa đã thôi thúc các linh mục và tu sĩ nam nữ “cạo trọc” cái sân si trong tâm hồn khi bước theo Ngài, mà cái cần “cạo trọc” trước tiên chính là cái tôi kiêu ngạo, cái tôi ích kỉ, cái tôi tham lam đang cố hữu thống trị trên mỗi con người, đó chính là cái giống nhau của họ vậy.

        Chữ “trai” và chữ “tề” thì khác nhau xa về cách viết cũng như về ý nghĩa, nhưng Chúa Giêsu và các linh mục cũng như các tu sĩ nam nữ thì không khác nhau gì cả, bởi vì linh mục là “Chúa Kitô thứ hai” và các tu sĩ nam nữ là những môn đệ đích thực của Ngài, mà môn đệ thì không thể nào không giống thầy mình !


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Chữ “trai” và chữ “tề” tiếng Hoa thì phía trên giống nhau, nhưng phía dưới thì khác nhau.