Thứ Bảy, 25 tháng 10, 2014

Chúa nhật 30 thường niên


CHÚA NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Mt 22, 34-40.
“Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, và yêu người thân cận như chính mình.”

Anh chị em thân mến,
Đạo công giáo chúng ta được gọi là đạo Yêu Thương, đạo Bác Ái, bởi vì Đức Chúa Giê-su xuống thế làm người cứu chuộc nhân loại cũng chỉ thực hành điều ấy mà thôi đó là yêu thương, và chính Ngài cũng đã dạy chúng ta hãy yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương chúng ta vậy.

Kính mến Thiên Chúa và yêu thương người thân cận là hai giới luật lớn nhất của người Ki-tô hữu, cho nên không thể nói yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, cũng như không thể nói yêu mến tha nhân nhưng lại chối từ Thiên Chúa, thánh Gioan tông đồ cho như thế là kẻ gian dối[1], giới luật ấy tuy là hai nhưng chỉ là một.

Nhưng trong thực tế, có rất nhiều lần chúng ta tách hai giới răn này làm đôi để đối xử với tha nhân, nghĩa là chúng ta chăm chăm chú chú coi ngày coi giờ để đi lễ nhà thờ, nhưng chúng ta chưa bày tỏ được nội dung thánh lễ sau khi trở về nhà đó là yêu thương, nghĩa là chúng ta vẫn cứ hằng ngày đi lễ thờ phượng kính mến Thiên Chúa, nhưng hằng ngày vẫn cứ chửi rủa, ghen ghét, kiêu căng hợm hĩnh với người hàng xóm, vẫn lăm le cái chức vụ quyền cao để đè đầu đè cổ anh em chị em trong cộng đoàn, hoặc trong công ty của mình.

Thiên Chúa là Đấng mà chúng ta không thấy, nhưng nhờ đức tin mà chúng ta thấy Ngài trong vũ trụ vạn vật nên yêu mến Ngài; còn người anh em chị em thì mỗi ngày chúng ta đều thấy, nhưng chúng ta lại không dùng đức tin để nhìn thấy Thiên Chúa trong họ, đó là một thiếu sót lớn lao của chúng ta, là bức tranh không thuận mắt nơi người Ki-tô hữu khi người khác nhìn vào.

Anh chị em thân mến,
Đức Chúa Giê-su đã kéo giới răn trọng nhất là kính mến Thiên Chúa xuống, và đưa giới răn thứ hai là yêu người lên cho cả hai giới răn bằng nhau, là để cho chúng ta thấy tình liên đới giữa con người với nhau cũng quan trọng như liên kết với Thiên Chúa vậy, cho nên có thể nói rằng bác ái, yêu thương là cái hồn sống của người Ki-tô hữu, bởi vì sống mà không biết xúc động trước cảnh nghèo khó của tha nhân, thì cũng không thể biết được Thiên Chúa là tình yêu để mà kính mến.

Xin Thiên Chúa chúc lành và ban ơn cho chúng ta, để mỗi người trong chúng ta hiểu rằng, khi làm việc thờ phượng để kính mến Thiên Chúa, thì đồng thời cũng biết yêu thương và phục vụ tha nhân như chính mình vậy, để như lời thánh Phao-lô đã nói chúng ta là con cái của sự sáng, là những người đi trong ánh sáng, cho nên chúng ta phải trở nên gương sáng cho mọi người bằng cách sống chân thành yêu thương và  bằng sự phục vụ khiêm tốn của chúng ta.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 


[1] Ga 4, 20-21.

Thứ Năm, 23 tháng 10, 2014

Chồng biến thành dê


CHỒNG BIẾN THÀNH DÊ
Bà vợ của một thư sinh nọ dữ dằn như chằn tinh, động một chút là chửi, đánh đập chồng loạn xà ngầu.
Lúc chồng có nhà, thì lấy dây thừng trói chân chồng lại, rồi kéo rồi chửi và bắt chồng phải đến trước mặt bà ta để nghe dạy bảo. Ông chồng nhịn không được bèn tìm bà đồng bóng giúp ông ta tìm phương pháp trị vợ.
Một hôm lợi dụng vợ ngủ, ông chồng theo phương pháp của bà đồng bóng dạy bảo, bèn đem sợi dây trói chân bỏ lên cổ con dê, sau đó trốn đi. Người đàn bà tỉnh dậy, vừa dắt dây thừng thì thấy đi lại một con dê, bà ta rất sợ hãi, lập tức mời bà đồng bóng lại hỏi.
Bà đồng bóng nói:
-         “Nguyên nhân chỉ vì bà làm ác quá nhiều, nên tổ tông trách cứ, đem chồng bà biến thành dê, nếu bà thành tâm hối cải, tôi có thể giải cứu giúp bà”.
Người đàn bà ôm dê mà khóc, thề là sẽ không ngược đãi chồng nữa. Bà đồng bèn kêu bà ta cúng tế bảy ngày, toàn gia phải tránh đi, sau đó làm ra bộ quan trọng, đọc lên một câu thần chú. Chồng của bà ta lợi dụng thời cơ len lén lủi về, vợ thấy chồng trở về, bèn hỏi:
-         “Ông biến thành dê đã mấy ngày rồi, có cực khổ không ?”
Chồng trả lời:
-         “Chỉ nhớ là cỏ khô ăn không ngon, bây giờ cái bụng vẫn còn đau”.
Vợ càng thêm đau lòng, từ đó về sau không còn ngược đãi chồng nữa.
                                           (Khải Nhan lục)

Suy tư:
     Thời nay cũng có nhiều bà vợ dữ như bà chằn, coi chồng như một người giúp việc cho mình không bằng.
Có bà vợ thì luôn cằn nhằn với chồng vì những chuyện không đâu; có bà vợ thì hay ức hiếp chồng, vì chồng quá thật thà và quá yêu thương vợ con; có bà vợ thấy chồng nhịn nhục thì được nước làm tới không kiêng dè ai cả...
Sách Huấn Ca khen những người đàn ông có được người vợ tốt rằng :
-“Phúc thay ai cưới được vợ hiền,
tuổi thọ sẽ tăng lên gấp đôi.
Vợ đảm đang khiến chồng được sung sướng,
được an vui suốt cả cuộc đời.
Vợ hiền là số tốt vận may
dành cho những người biết kính sợ Đức Chúa ;
giàu hay nghèo, lòng vẫn cứ an vui,
lúc nào nét mặt cũng tươi cười...”
-    Người vợ khôn ngoan là người biết đem những bực nhọc của chồng cất giấu trong lòng, nhưng mặt mày vẫn rạng nét vui tươi.
-    Người vợ khôn ngoan là người biết chia sẻ gánh nặng của chồng, nhưng không bao giờ làm thầy dạy đời cho chồng.
-    Người vợ khôn ngoan là người rất tế nhị với gia đình bên chồng, và coi mẹ chồng như là mẹ ruột của mình.
-    Người vợ khôn ngoan là người nhìn thấy tình yêu của chồng nơi con cái của mình.

-    Và cái làm cho người chồng thêm tôn trọng và yêu thương vợ hơn, chính là người vợ biết kính mến Thiên Chúa, và nhìn thấy Ngài ở trong chồng và con cái của mình.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư 

Phật Ấn đan sư


PHẬT ẤN ĐAN SƯ
Phật Ấn Đan sư vì Vương Quan Văn mà thăng đàn thuyết pháp niệm kinh, đọc:
-         “Chừ một nén nhang dâng lên cầu cho các tiến sĩ được nhiều như bụi trần ai, đại vương che chở thiên hạ, các thượng tướng quân giết người không chớp mắt, các đại cư sĩ lập tức thành phật”.
Vương Quan Văn nghe xong thì rất phấn khởi, trong lòng nghĩ rằng nếu được như thế thì sau này sẽ mãi mãi là nguyên soái, nếu giết người nhiều một chút cũng không trở ngại gì !
                                           (Mạn tiếu lục)

Suy tư:
     Thánh lễ là trung tâm điểm và là việc thờ phượng Thiên Chúa cách công khai của người Ki-tô hữu, dù thánh lễ ngắn hay thánh lễ dài, dù lễ trọng hay lễ thường thì vẫn là thánh lễ; dù linh mục già hay linh mục trẻ, dù linh mục giảng hay hoặc giảng không hay thì thánh lễ vẫn có hiệu lực cứu độ nhân loại.
Có những lúc chúng ta đi tham dự thánh lễ mà như là đi coi một cuộc trình diễn thánh ca, chúng ta chê bai ca đoàn hôm nay hát dở ẹt, chúng ta phê bình anh ca trưởng giữ nhịp và ca đoàn hát không ăn khớp với nhau...
     Có những lúc chúng ta đi tham dự thánh lễ như là đi họp tổ dân phố, chúng ta phê bình cha chủ tế hôm nay giảng dài, lạc đề; chúng ta mong thánh lễ mau kết thúc để đi chơi công viên Đầm Sen với người yêu, chúng ta mong thánh lễ mau kết thúc để chạy mánh...
     Những cái mà chúng ta phê bình ấy, chê bai ấy đều đúng cả, nhưng vì cái bất toàn ấy mà tình yêu và lòng nhân hậu của Thiên Chúa được nổi bật lên giữa con cái loài người. Nếu Thiên Chúa “khó tính” như chúng ta chọn một linh mục phải thật thánh thiện như Chúa, thì trên thế gian này không có thánh lễ thứ hai tiếp nối thánh lễ trên đồi Can-vê xưa kia; nếu Thiên Chúa “gắt gao” như chúng ta phải tuyển lựa các ca viên có giọng hát hay thanh thót như các thiên thần để ca ngợi Chúa, thì trên thế gian này sẽ không có giọng hát nào cất lên để ca ngợi Chúa như các thiên thần ca ngợi Chúa đêm Ngài giáng sinh...
     Hãy cầu nguyện nhiều cho các mục tử của mình để các ngài làm tròn nhiệm vụ và trách nhiệm lớn lao của mình, và hãy khuyến khích những người cộng tác với các ngài trong việc mở mang Nước Chúa biết trau dồi khả năng của mình để phục vụ Chúa trong tha nhân.

Hãy có tâm tình khiêm tốn và yêu thương khi đi dâng thánh lễ, bởi vì một tình thương chân chính sẽ xóa bỏ những khuyết điểm của người mình yêu thương...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư 

Gái đẹp chồng xấu


GÁI ĐẸP CHỒNG XẤU
Vào giữa năm Tống Huy Tông Tuyên Hòa, ở Tỳ Lăng có Thành Lang Trung, mặt mày đầy lông, tướng mạo khó coi.
Mẹ vợ nói với anh ta:
-         “Con gái ta đẹp như bồ tát, đem gả cho ngươi một người mặt đầy lông lá”, và ra lệnh cho Thành Lang Trung theo đó mà làm một bài thơ.
Thành Lang Trung làm một bài vè như sau:
-         “Thế gian không có một giường hai người đẹp, không thì gái đẹp làm sao được chồng tốt ? Cuốn cao mành đỏ thắp nến sáng, thử kêu bồ tát nhìn lông lá”.
                                                (Mạn tiếu lục)

Suy tư:
     Có một sự việc mà hình như ai cũng công nhận, đó là các linh mục và các tu sĩ nam nữ đa phần đều...đẹp trai và đẹp gái, cái đẹp này đa phần là xuất phát từ tâm hồn của họ, một tâm hồn đầy ắp sự quãng đại phục vụ tha nhân vô vị lợi, phục vụ vì yêu mến Đức Chúa Ki-tô.
     Cái đẹp của các linh mục tu sĩ nam nữ rất tự nhiên, tự nhiên như cuộc sống đơn sơ của họ, cái đẹp của các dì phước không như sắc đẹp khuynh nước nghiêng thành của các cô gái hoa hậu được trợ lực bằng các loại mỹ phẩm đắt tiền, nhưng họ đẹp bởi đời sống hiến dâng của họ, vẻ đẹp này có người nói như thiên thần.
     Cái đẹp của các linh mục cũng tương tự như thế, giáo dân ai cũng mến các linh mục, không phải vì họ đẹp trai, nhưng vẻ đẹp của các ngài phát xuất từ tâm tình khiêm tốn của các ngài, ai cũng yêu mến các linh mục của họ, bởi vì họ đã có cuộc sống rất đẹp, đó là cuộc sống phục vụ và hết lòng vì đàn chiên của mình. Không có cái đẹp nào cho bằng cái đẹp của một người dám hy sinh cho lý tưởng phục vụ Chúa của mình.
     Các linh mục và các tu sĩ nam nữ sẽ mất hết vẻ đẹp ấy khi họ không còn lý tưởng phục vụ, khi họ không còn cuộc sống đơn sơ và khiêm tốn, khi họ không còn tích cực sống cuộc sống tu trì của mình.

     Người ta sẽ không còn thấy vẻ đẹp của các dì phước nữa, khi các dì phước hết nói xấu người này rồi lại đi bới chuyện của người khác; người ta cũng không còn nhìn thấy một linh mục anh minh cao thượng nữa, khi các ngài vẫn hống hách kiêu ngạo với mọi người, bởi vì tất cả những thái độ ấy là của ma quỷ và bè lũ của nó, mà ma quỷ thì nhất định là không...đẹp trai đẹp gái như các linh mục và các dì phước của chúng ta .

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư 

Sức mạnh của thái sơn


SỨC MẠNH CỦA THÁI SƠN
Đường Huyền Tông Lý Long Cơ ủy phái trung thư lịnh Trương Thuyết làm “phong đan sứ”, đem nhân mã đến Thái Sơn lập đàn mở mang cơ sở, cử hành đại lễ tế trời đất.
Căn cứ vào quan lệ của nhà Đường, sau khi tế trời đất thì từ quan thái úy, tư đồ, tư không trở xuống đến văn võ bá quan, nhất loạt đều được thăng một cấp.
Trịnh Dật là con rể của Trương Thuyết mang hàm cửu phẩm, cậy thế lực của bố vợ thăng một lúc lên quan ngũ phẩm, trên thân thêm áo hồng bào, uy phong lẫm liệt.
Trong yến tiệc, Lý Long Cơ nhìn thấy Trịnh Dật bổng nhiên thăng ngũ phẩm thì rất sửng sốt, bèn hỏi ông ta làm thế nào mà thăng như thế, Trịnh Dật phập phồng lo sợ, rất lâu mà cũng không trả lời được.
Nghệ nhân là Hoàng Phan Xước nói với Lý Long Cơ: “Đó là cậy nhờ sức mạnh của thái sơn đấy”. Từ đó về sau, “thái sơn” biến thành chữ để nói đến bố vợ.
Hơn nữa, Thái Sơn là một trong năm núi ngũ nhạc, cho nên người ta cũng gọi bố vợ là “nhạc phụ”.
                                (Triều Thị Khách ngữ)

Suy tư:
     Từ cấp cửu phẩm mà thăng đến cấp ngũ phẩm thì quả là dựa vào núi thái sơn mới có thể làm được, nhà vua cũng đành chịu vậy.
     Người ta thường nói “nhứt thân nhì thế” để nói lên ảnh hưởng sâu xa của sự thân thiết giữa người có quyền và không có quyền.
     Có người gác cổng quen thân với thủ trưởng cơ quan nên luôn hách dịch với các nhân viên khác; có người quen thân với bác sĩ trong bệnh viện, nên không cần xếp hàng đợi phiên mình, mà chạy tọt vào luôn bên trong phòng khám; có người quen thân với bề trên, nên tha hồ nói trăng nói cuội hù dọa anh em, chị em; có người quen với cha sở nên làm luôn “cha phó” của giáo xứ...
     Đức Chúa Giê-su “quen thân” với Chúa Cha, nên Ngài đã vâng phục Chúa Cha mà chết trên thập giá để chuộc tội cho nhân loại; các thánh tông đồ đã quen thân với Đức Chúa Giê-su nên các ngài đã chịu chết vì Chúa Giê-su; các thánh nam nữ đều quen thân với Chúa, nên các ngài sống rất khiêm tốn với mọi người khi còn ở trần gian...

     Hai loại quen thân trên đây khác xa nhau hơn trời với đất, tôi chọn loại thân thiết nào để hôm nay tôi vì nhờ quen thân mà phục phục vụ tha nhân tốt hơn, và ngày sau tôi được gần gủi thân thiết bên Chúa bên Mẹ và các thánh nam nữ trên trời ?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư