Thứ Bảy, 22 tháng 7, 2023

Chúa nhật 16 thường niên

 




CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN


Tin mừng: Mt 13, 24-43
“Cứ để cả hai cùng lớn lên cho đến mùa gặt.”

Bạn thân mến,
Câu chuyện dụ ngôn lúa và cỏ lùng mà chúng ta nghe hôm nay là do Đức Chúa Giê-su kể, qua lời tường thuật của thánh sử Mát-thêu, bạn nghe xong chắc hẳn khen ngợi Đức Chúa Giê-su thật tài giỏi, vì biết lấy hoàn cảnh thực tế của cuộc sống để dạy dỗ và hướng dẫn dân chúng hiểu được Nước Trời, nhưng tầm quan trọng của dụ ngôn lúa và cỏ lùng là ở chỗ này, bạn thử cùng tôi suy tư xem sao:
Tâm hồn chúng ta là mảnh đất mà Đức Chúa Giê-su gieo hạt giống vào đó, Ngài chỉ gieo hạt giống tốt tức là lời của Ngài để nảy sinh những cây lúa tốt tươi là những nhân đức. Ma quỷ cũng thấy tâm hồn chúng ta có thể gieo cỏ lùng vào để trở nên hang ổ sào huyệt của tội lỗi. Lúa là những nhân đức mà chúng ta học hỏi nơi Lời Chúa để tâm hồn của chúng ta trở nên cánh đồng lúa tốt tươi, đem lại nhiều lợi ích cho mọi người; cỏ lùng chính là những thói hư tật xấu, những ích kỷ hưởng thụ, những đam mê danh vọng.v.v...mà ma quỷ đã gieo vào trong tâm hồn và cuộc sống của chúng ta.
Tình yêu của Thiên Chúa được thể rõ ràng nhất qua thời gian sống của mỗi người chúng ta: lúa tốt và cỏ lùng chính là nhân đức và tội lỗi đang tồn tại trong con người chúng ta. Thiên Chúa không sai các thiên thần lập tức đi diệt cỏ lùng, nhưng đợi đến ngày thu hoạch lúa tức là ngày phán xét mới thực hiện. Điều này cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta, yêu thương dẫn đến nhẫn nại, nhẫn nại đưa đến tha thứ, nhưng nếu chúng ta không nhận ra được tình yêu, nhẫn nại và tha thứ của Thiên Chúa mà không sửa đổi cuộc sống của mình cho phù hợp với tinh thần Phúc Âm, thì sẽ có ngày, Thiên Chúa sẽ liệt chúng ta vào hàng cỏ lùng và đem bỏ vào trong lửa hỏa ngục đời đời.
Bạn thân mến,
Cuộc sống của bạn và tôi và của tất cả mọi người đều có ngày kết thúc, sự công bằng của Thiên Chúa lúc ấy sẽ tỏ hiện thật rõ ràng qua việc phán xét công và tội của mỗi người. Trong cuộc sống, bạn và tôi đều mong muốn tâm hồn mình luôn đón nhận Lời Chúa và mong muốn thực hành lời hằng sống ấy trong cuộc sống của mình. Nhưng cũng có rất nhiều lần, tâm hồn bạn và tôi đều đồng thời cảm thấy như có một sức mạnh của cám dỗ làm cho lòng mình không muốn thực hành Lời Chúa, mà chỉ muốn sống hưởng thụ thoài mái thân xác, đó chính là kẻ thường đối kháng với Đức Chúa Giê-su là ma quỷ đang gieo cỏ lùng (tội lỗi) vào trong tâm hồn chúng ta đó, hãy cẩn thận để phân biệt điều tốt đẹp từ nơi Thiên Chúa trong tâm hồn của mình.
Ruộng lúa nào cũng có cỏ dại chen lẫn với cây lúa, nhưng nếu chúng ta siêng năng tỉnh táo nhổ nó mỗi ngày bằng bí tích Giải Tội, bí tích Thánh Thể, lần hạt Mân Côi và các phương tiện mà Giáo Hội đã chỉ dẫn cho chúng ta, thì chắc chắn cỏ lùng sẽ không thể vượt qua và che kín cây lúa được.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
-----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info

Thứ Sáu, 21 tháng 7, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


40.   THƠ NHẠO NI CÔ

        Có một ngừơi làm thơ nhạo ni cô như sau :

“Canh năm chuông rền cổng chùa mở

chồng trước từ biệt chồng sau đến.

Mượn điện Phật làm phòng tiếp khách,

gác chuông đề làm vọng phu đài.

Năm ngoái giám viện đã từng giữ cái thai,

năm nay hành lang lại gởi thai.

Không phải vườn này rộng mười mẫu,

để bốn mùa làm nơi chôn con riêng...?”                       

                                                        (Quảng Tiếu phủ)

 

Suy tư 40 :

        Ni cô là người tu hành, ni cô là người ăn chay niệm Phật, nhưng lòng ni cô thì xa Phật cả vạn dặm vì “chồng trước từ biệt chồng sau đến...”

        Nữ tu là người tu hành, nữ tu là nữ tì của Đức Mẹ Ma-ri-a, là người hiến dâng phục vụ Chúa trong mọi người, cho nên nữ tu rất gần gủi với Thiên Chúa và thân thiện với tha nhân...

        Người ta ai cũng thích cộng tác với một nữ tu hiền lành và đơn sơ bởi vì đó là nét nổi bật của một nữ tu, chứ không ai thích cộng tác với một nữ tu hách dịch ưa lý luận và hay hờn mát với giáo dân...

        Nữ tu là con cái của Đức Mẹ Ma-ri-a, trong Phúc Âm của các thánh sử chưa thấy ai nhắc đến Đức Mẹ Ma-ri-a hay hờn mát, thích lý luận và hách dịch với hàng xóm...

        Có một vài nữ tu thời nay thích nổi giữa đám đông dân chúng, thích được người khác biết đến mình, thích tranh luận với giáo dân về những chuyện không ăn nhằm gì đến tu đức của mình... Người ta không cười nhạo nữ tu như cười nhạo ni cô, nhưng người ta cũng sẽ cười các nữ tu của chúng ta khi các nữ tu nguýt lườm nhau, nói xấu nhau và ích kỷ với nhau như người đời vậy...

        Ni cô thì không giống với nữ tu, bởi vì những cô gái muốn làm ni cô là vì họ muốn thoát ra cõi hồng trần sân si, còn các cô gái của chúng ta muốn làm nữ tu là vì họ muốn dấn thân phục vụ con người trong cõi hồng trần đầy đau khổ này.

        Ni cô và nữ tu khác nhau là ở đó vậy !


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Năm, 20 tháng 7, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


39.   THỊT HEO NÁI

        Có người dùng thịt heo nái làm lễ vật, chủ nhà ngâm thơ chế nhạo :

“Mỗi ngày nhớ ơn huệ người quân tử,

cả nhà lớn nhỏ ăn,

củi đun hết ba gánh

nước nấu hết hai nồi.

Thịt là đế ủng mới

da là yên ngựa cũ.

ba mươi sáu cái răng nhai

mỗi cái không bình an !”

                                                        (Quảng Tiếu phủ)

 

Suy tư 39 :

        Không một phụ huynh nào đi tết thầy cô mà lại biếu những thứ không xứng đáng, cũng không một ai khi đi biếu quà mà lại đem những thứ dư thừa đi biếu, vì như thế là bất lịch sự và bày tỏ một tâm hồn không kính trọng thầy cô.

        Thời nay người ta thường hay nói quà tặng không quan trọng bằng tấm lòng, nhưng nếu cấp dưới đem quà tặng không xứng đáng thì trong lòng buồn bực và có khi rủa mắng thầm là không biết điều (!), bởi vì con người ta thì bản tính sân si không siêu thoát được để nhận tấm lòng của người khác như Thiên Chúa, cho nên vẫn còn có những sần sùi trong cách nhận lễ vật.

        Mỗi người Ki-tô hữu đều có một món quà riêng để tặng cho Thiên Chúa, món quà này không phải là vài cân thịt heo nái hoặc vài hộp bánh trung thu có kẹp chiếc nhẫn vàng bên trong, nhưng chính là tâm hồn khiêm hạ của mình.

        Tâm hồn khiêm hạ của mình chính là nhận ra những bất toàn tội lỗi của bản thân để dâng lên Thiên Chúa xin Ngài đón nhận thứ tha và thánh hóa. Đó là lễ vật quý nhất vậy.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 19 tháng 7, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


38.   QUẬY ĐẾN LÚC NÀO

        Một hôm, tư mã Quang mời một hòa thượng làm bùa phép, vì hòa thượng kỵ nhất là chữ “quang” nên đem tất cả chữ “quang” trong kinh văn đổi thành chữ “sáng”.

        Tư mã Quang đi ra niệm hương, hòa thượng nói rõ nguyên nhân, tư mã Quang cười nói:

-      “Nếu ta không đi ra niệm hương thì không biết các ông “quậy” đến bao giờ ?”

                                                                (Quảng Tiếu phủ)

 

Suy tư 38 :

        Chữ sáng và chữ quậy thì khác nhau một trời một vực, sáng thì đẹp đẽ, quang minh, đức độ ; quậy thì phá phách, ý nghĩa xấu và không quang minh, không đạo đức...

        Có người thấy người khác tài đức “kỵ” với tính ba phải của mình nên “viết” lý lịch của họ thành xấu xa để người ta nghĩ không tốt về người ấy; có người thấy mình tài ba lỗi lạc mà lại có người anh em chị em lỗi lạc tài ba hơn mình thì “kỵ rơ”, cho nên mới bôi đen người anh em chị em để có lợi cho mình...

        Thiên Chúa là cha nhân từ và tất cả mọi người đều là anh em chị em với nhau, thấy người khác hay ho tài giỏi thì cám ơn Chúa và chúc mừng họ đó là yêu thương chân thành, thấy người khác kém hơn mình thì động viên và khuyến khích đó là yêu thương thật tình, bởi vì Thiên Chúa không muốn và cũng không thích anh em chị em một nhà mà phải “kỵ” nhau.

        Quang là sáng, quậy là tối.

        Mà con cái của Chúa là sáng và con cái ma quỷ là tối, đừng đem bóng tối che lấp ánh sáng của anh em chị em mình.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Ba, 18 tháng 7, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


37.   NGÂM THƠ CHÁO LỎNG

        Có người thích ngâm “thơ cháo lỏng” như sau :

“Nửa nồi nước trong tiết ra một chén gạo,

đưa chưa đến miệng đã khiến người buồn.

Đũa quét đông rồi lại quét tây,

muỗng khều bên trái rồi bên phải.

Bưng ra khỏi bếp gió nổi sóng,

đặt trong sân dưới (bóng) nguyệt trầm câu.

Giai nhân không cần dùng gương soi,,

mày mắt rõ ràng ở bên trong...”

                                                        (Quảng Tiếu phủ)

 

Suy tư 37 :

        Ai đã từng đói mới thấy nồi cháo lỏng thật là quý, ai đã từng ăn rau thế cơm mới thấy nồi cháo lỏng là quý hơn bạc vàng, ai đã từng đói lã nơi nương rẫy mới thấy nồi cháo thật là thang thuốc bổ...

        Khi no, cháo lỏng là thứ dành cho bệnh nhân.

        Khi đói, chén cháo thật no lòng hạnh phúc.

Người Ki-tô hữu thời nay (nhất là các bạn trẻ và những người quá chú trọng đến việc “nghiên cứu” thánh kinh) thường có “khuynh hướng” coi thường chén “cháo lỏng” là việc đọc kinh hằng ngày, họ quên mất rằng các thánh tử đạo của chúng ta cũng biết rất ít thánh kinh, nhưng các ngài luôn đọc kinh hôm kinh mai và nhờ đọc kinh sáng tối mà đã giữ vững đức tin của mình cho đến chết.

        Gần gủi nhất là ông bà cha mẹ trong gia đình cũng biết rất ít thánh kinh, nhưng các cụ ấy siêng năng lần hạt mân côi, đọc kinh sáng tối và dạy con cháu đọc kinh, vậy mà các cụ cũng đã sống cuộc đời thánh thiện cho con cái noi theo.

        Có nhiều người đi học lớp thánh kinh này lớp thánh kinh nọ rồi phê bình việc đọc kinh sáng kinh tối, họ nói rằng đọc kinh lảm nhảm cả ngày không ích lợi gì cả, đọc vài kinh là đủ rồi, họ quên mất rằng hạt giống đức tin công giáo được sống mạnh cho đến hôm nay cũng là nhờ việc đọc kinh sáng tối trong gia đình của các ông bà cha mẹ, mà các gia đình đã gìn giữ đức tin của các con cháu mình...

        Nghiên cứu học hỏi thánh kinh là việc của lý trí, nhưng đọc kinh sáng tối là việc của con tim, mà ông bà cha mẹ thì không cần “lý luận” về Chúa, họ chỉ cần yêu Chúa qua các kinh nguyện hằng ngày là đẹp lắm rồi.

        Hình ảnh đẹp nhất của bức tranh gia đình công giáo là : ông bà cha mẹ con cái cháu chắt cùng nhau đọc kinh sớm tối trong gia đình...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Hai, 17 tháng 7, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


36.   ĐI TRỒNG HẸ

        Nhà nọ có khách, lúc đang ăn cơm thì ngẫu nhiên nói đến chuyện trồng rau để dùng, khách nói:

-      “Mướp làm suy sụp dương vì nó thuộc âm tính, không như hẹ tráng dương”.

        Qua lúc sau, chủ nhà kêu vợ chuốc rượu nhưng không thấy bóng dáng vợ đâu cả, bèn hỏi con trai:

-      “Má mày đâu ?”

        Con trai đáp:

-      “Má đi vào trong vườn rồi”.

        Ông ta hỏi má đi có chuyện gì, thì thằng con trả:

-      “Má đi nhổ mướp để trồng hẹ ạ !”

                                                                (Quảng Tiếu phủ)

 

Suy tư 36 :

        Rau hẹ thì bổ dương, mướp thì bổ âm, âm dương điều hoà là sự luân chuyển để sinh tồn của vạn vật, nó có ảnh hưởng đến đời sống của con người.

        Đàn ông là dương đàn bà là âm, âm dương hoà hợp thì cuộc sống vui tươi và hạnh phúc, âm dương hoà hợp là lẽ tự nhiên của trời đất, và mọi sự bởi nó mà tiến hoá để mỗi ngày một đổi mới hơn trong vạn vật ...

        Âm dương luân chuyển để vạn vật sinh tồn, nhưng nếu không có Thiên Chúa thì âm dương sẽ ngừng và vũ trụ sẽ nổ tung; đàn ông là dương đàn bà là âm hoà hợp để sinh sôi nảy nở và tồn tại, nhưng nếu không có ân sủng của Thiên Chúa thì âm dương không thể làm gì được, hạnh phúc cũng sẽ như chim sẻ bay mất và con người trở nên nô lệ cho dục tình...

        Rau hẹ thuộc dương hay cây mướp thuộc âm đều không quan trọng cho hạnh phúc gia đình, nhưng chính ân sủng của Thiên Chúa và đời sống đạo đức của vợ chồng mới là quan trọng, bởi vì có rau hẹ cũng tốt mà không có mướp ăn thì cũng thế mà thôi, nó không thể làm cho gia đình có hạnh phúc được...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Chủ Nhật, 16 tháng 7, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


35.   HAI BÚA CHẺ CỦI

        Có người nọ vì tửu sắc quá độ mà lâm bệnh.

        Thầy thuốc khám bệnh cho ông ta nói:

-      “Nếu ông cứ như thế này thì giống như hai cái búa chẻ củi rất mau chết”.

        Vợ của người ấy đứng một bên nghe như vậy thì lườm nguýt thầy thuốc một cái, thầy thuốc thấy thái độ bất mãn của bà ta thì đổi lời nói:

-      “Cho dù không thể cai sắc thì cũng phải cai rượu, rượu rất làm hại người”.

        Người bệnh nói:

-      “Sắc hại hơn rượu hại, hay là nên cai sắc trước vậy !”

        Vợ cản chồng nói:

 

-      “Không nên nghe lời của thầy thuốc, như thế thì làm sao có thể lành bệnh được chứ ?”

                                                                (Quảng Tiếu phủ)

 

Suy tư 35 :

        Bệnh nhân thì phải nghe lời bác sĩ dặn dò và làm theo thì mới lành bệnh được, cho nên bổn phận của bệnh nhân và gia đình là phải hợp tác với bác sĩ thì bệnh hoạn mới chóng bình phục.

        Có những người Ki-tô hữu bị bệnh trong tâm hồn nhưng không muốn nghe lời cha giải tội khuyên bảo, hoặc nghe nhưng không dứt khoát thực hành, mà xét cho cùng thì sắc và tửu là hai thứ cám dỗ mà rất ít người chống nổi nếu không có ơn Chúa giúp.

        Có nhiều người vào tòa giải tội xưng rất nhiều lần về hai tội mê tửu ham sắc, nhưng chứng nào vẫn tật nấy không thấy tiến triển khi xưng tội, bởi vì họ rất ít cầu nguyện và hi sinh, bởi vì họ không quyết tâm chừa bỏ hai thứ ham mê ấy...

        Chúa Giê-su là vị lương y tài ba nhất cũng đành chịu trước hai cơn bệnh ấy của chúng ta, nếu chúng ta không nghe và không thực hành lời của Ngài trong cuộc sống.

        Hợp tác với Chúa qua lời khuyên bảo của cha giải tội thì mọi bệnh hoạn phần hồn (có khi phần xác) sẽ được chữa lành, đó là phương thuốc thần diệu vậy.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)