Thứ Bảy, 18 tháng 3, 2023

Chúa nhật 4 mùa chay

 


CHÚA NHẬT 4 MÙA CHAY

 

Tin mừng : Ga 9, 1.6-9. 13-17. 34-38

“Anh mù đến rửa ở hồ Si-lô-ác và khi về thì nhìn thấy được”.

 

Bạn thân mến,

Theo truyền thống của Giáo Hội, chúa nhật thứ tư mùa chay là chúa nhật của vui mừng và hy vọng, vui mừng là vì chúng ta sẽ được cùng sống lại với Đức Chúa Giê-su trong đêm phục sinh của Ngài, và hy vọng chờ ngày Ngài đến trong vinh quang phục sinh. Do đó mà trong bài Tin Mừng hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta chia sẻ nổi vui mừng với người mù đã được Đức Chúa Giê-su làm cho sáng mắt và được nhìn thấy.

Là Ki-tô hữu, chúng ta đều biết rằng, ngoài con mắt xác thịt ra thì chúng ta còn có thêm “con mắt đức tin” nữa, con mắt xác thịt thì chúng ta nhìn thấy mọi sự theo xác thịt và cai tôi của chúng ta; con mắt đức tin thì nhìn mọi sự theo sự hướng dẫn của Lời Chúa và giáo huấn của Giáo Hội.

Có một câu chuyện nhỏ như thế này :

Có con sâu róm đi ngang qua trước mặt con trâu, con trâu la lớn:

-       ”Trời ạ, nó xấu quá”.

            Đấng tạo hóa nói:

-       “Không, nó rất đẹp”.

-         “Ngài cảm thấy nó đẹp ư ?”

        Con trâu nghi ngờ và cảm thấy ghét, nói tiếp:

-         “Ngài coi, toàn thân nó toàn lông là lông, béo phệ ụt ịt, nhìn thấy tởm lợm”.

            Đấng tạo hóa nói:

-              “Này con, con nhìn vẻ bên ngoài của nó, còn Ta, Ta nhìn vẻ bên trong của nó !”[1].

 

            Bạn thân mến,

            Con trâu nhìn vẻ bên ngoài của con sâu róm bằng con mắt xác thịt, nên nó thấy con sâu róm rất xấu và tởm lợm muốn nôn mửa, nhưng Thiên Chúa lại nhìn vẻ bên trong của con sâu róm, nên Ngài thấy nó rất đẹp, bởi vì vẻ xấu xí bên ngoài của con sâu róm chỉ là tạm thời, và không lâu sau đó nó sẽ trở thành một con bướm có nhiều màu sắc rực rỡ đẹp đẽ.

            Có rất nhiều lần chúng ta nhìn vẻ bên ngoài của người anh em chị em bằng con mắt xác thịt, nên chúng ta chỉ thấy họ toàn là những người xấu, những người tội lỗi đáng bị gạt ra bên ngoài xã hội, cho nên chúng ta không thèm qua lại với họ, thế là chúng ta đã tự mình xây một bức tường ngăn cách giữa chúng ta với tha nhân, giữa Thiên Chúa với chúng ta; con mắt xác thịt chính là những thành kiến nặng nề của mình, nó cũng là những kiêu ngạo và những suy nghĩ thiên vị của chúng ta trong cuộc sống đời thường.

            Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

[1] Trích trong “Truyện ngụ ngôn cho thời hiện nay”, bản dịch và viết suy tư của Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. Đã xuất bản tại Saigòn.

Thứ Sáu, 17 tháng 3, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


41.   TỰ BIẾT TÁM CHỮ

Vương Nguyên Mỹ dọn tiệc mời khách, trong đó có một người rất tinh thông thuật số, gieo quẻ đoán vận, nên khách khứa hăng say nói về tám chữ (coi bói đoán số).

Vương Nguyên Mỹ nói:

-         “Tôi cũng biết coi bói vậy.”

Có người hỏi ông ta thế nào là tám chữ lớn, họ Vương trả lời:

-      “Tôi và các ngài ai cũng phải chết.”

                                                                        (Hài Tùng)

 

Suy tư 41:

Coi bói tức là đoán vận mệnh tương lai của con người sẽ như thế nào, hung hay kiết, xui hay hên.

Nhưng vận mệnh hên xui của con người thì đố ai biết được, chỉ có Thiên Chúa biết mà thôi, nhưng có một điều mà ai cũng có thể biết cách chính xác mà không cần phải biết coi bói, đó là tất cả mọi người đều phải chết.

Con người ta ai cũng phải chết, đó là chân lý bất di bất dịch mà ai cũng phải biết, nhưng có một điều kỳ lạ là chúng ta ai cũng biết mình rồi có một ngày sẽ phải chết, thế mà chúng ta vẫn sống cách vui vẻ trong tội lỗi, chúng ta sống như là không hề biết có ngày mình sẽ phải chết và phải chịu phán xét...

Không ai được trường sinh bất tử, nhưng ai cũng được Thiên Chúa hứa ban cho sự sống đời đời, tức là trường sinh bất tử trên thiên đàng với Ngài, nếu họ trở nên con cái của Thiên Chúa và hiệp nhất trong đàn chiên của Ngài là Giáo Hội Công Giáo và hiệp thông với đấng kế vị thánh Phê-rô là đức giáo hoàng.

Vận mạng hạnh phúc của mình mai sau như thế nào đều tuỳ thuộc vào cuộc sống của mình hôm nay, đó là điều mà ai cũng biết khỏi cần đi coi bói, nhưng biết mà không chịu sống tốt lành thì càng tồi tệ hơn...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Năm, 16 tháng 3, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


40.   CUỐI CÙNG THÌ NHÌN AI

Ở Tống Giang có tiến sĩ họ Trương rất là anh tuấn.

Một hôm, ông ta đi qua Tô châu và thuận đường đi thăm bạn là Phạm Học Tân, ông họ Phạm mặt mày rất xấu, hai người dắt tay nhau đến cổng thành du ngoạn, tất cả người đi đường đều vây quanh hai người để coi.

Trương Tiến Sĩ nói với Phạm Học Tân:

-      “Ai cũng đều nhìn tôi.”

Phạm Học Tân cười nói:

-      “Cũng là nhìn tôi.”

                                                                        (Hải Tùng)

 

Suy tư 40:

        Đẹp cũng là con người và xấu cũng là con người.

        Đẹp mặt nhưng lòng xấu thì xấu hoàn toàn, mặt xấu nhưng lòng đẹp thì cái đẹp này ăn đứt mọi cái đẹp, bởi vì nó đẹp từ trong tâm hồn.

        Mặt đẹp người ta cũng nhìn, mặt xấu người ta cũng nhìn, bởi vì đẹp hay xấu thì họ cũng là bức hình sống động.

        Người ta sẽ nhìn người có khuôn mặt đẹp với một thái độ khinh bỉ chê trách nếu họ -những người mặt đẹp- sống kiêu căng, phách lối và khinh thường người khác; nhưng ngược lại người ta sẽ nhìn người có khuôn mặt xấu xí cách thân thiện và kính nể hơn vì họ sống bác ái, yêu thương, và biết phục vụ người khác.

        Mặt đẹp hay mặt xấu thì họ cũng là những người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, chỉ có tâm hồn xấu mới là hình ảnh của ma quỷ, vì người có tâm hồn xấu thì luôn nghe lời ma quỷ và làm những điều trái ngược với tinh thần của Phúc Âm như: tham lam, kiêu ngạo, nói hành nói xấu anh em, phê bình người khác với ác ý.v.v...

        Người đẹp hay người xấu cũng đều có người nhìn, nhưng nhìn để khen hay chê thì ở tại lòng chúng ta vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 15 tháng 3, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


39.   TRƯỚC KHI THÁNH NHÂN SINH RA

Nhà đạo học Chu Hy đời Tống nói:

-         “Trời đất trước khi Khổng Phu tử sinh ra thì lịch sử văn minh rất tối, tựa như một đêm đen dài lâu vậy.”

Hàn lâm Lưu Hài đời Minh thì không cho là như thế, cười nhạo nói:

-         “Ồ, chả trách người thời ông Phục Hy còn sống thì từ sáng đến tối đều đốt nến mà đi !”

                                                                        (Hài Tùng)

 

Suy tư 39:

        Trước khi Khổng tử sinh ra thì văn minh của nhân loại tối mò mò (!), đó là người ta quá đề cao Khổng tử ấy mà thôi, cho nên chẳng ai tin điều ấy...

        Nhưng trước khi Đức Chúa Giê-su sinh ra thì nhân loại không những đang đi trong bóng tối tội lỗi, mà còn bị ma quỷ thống trị, nhưng sau khi Đức Chúa Giê-su xuống thế làm người thì một kỷ nguyên mới xuất hiện, kỷ nguyên ánh sáng cứu chuộc và sự sống, như lời của Ngài nói :

“Tôi là ánh sáng thế gian.

Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối,

Nhưng sẽ nhận được

ánh sáng đem lại sự sống.”

        Thánh Phao-lô gọi những người Ki-tô hữu là thánh nhân vì họ đã tin vào Đức Chúa Giê-su là Đấng rất thánh, cho nên có thể nói như thế này: trước khi những vị thánh –là chúng ta- sinh ra trong bí tích Rửa Tội thì chúng ta đi trong đêm tối, là con cái sự tối, nhưng sau khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội thì chúng ta đã trở nên con cái sự sáng, con cái của Thiên Chúa, do đó mà chúng ta phải sống như thế nào để cho mọi người không cười nhạo chúng ta, khi chúng ta tin vào Đức Chúa Ki-tô ?

        Có cách này :

        Trước kia chúng ta đi trong bóng tối và sống trong tội lỗi nên mọi hành vi ngôn ngữ của chúng ta đều bày tỏ sự bất chính; nay chúng ta đã được đi trong ánh sáng, sống trong ánh sáng thì ngôn hành của chúng ta phải đổi mới, phải cải thiện cho phù hợp với ánh sáng Tin Mừng của Đức Chúa Giê-su, đó chính là kính mến Thiên Chúa và yêu thương người lân cận như chính mình vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Ba, 14 tháng 3, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


38.   QUỶ ĐÓI HÁT TUỒNG

Liễu thị lang[1] (quan thứ nhì trong sáu bộ) ở Trù Châu lúc còn trẻ là học sinh của trường Trù Châu, nói và viết văn hài hước rất hay.

Năm nọ tế Khổng tử vừa kết thúc, ông ta nhìn thấy rất nhiều học sinh tranh nhau nhặt đồ cúng để ăn, bèn hứng thú viết một bài thơ :

“Trời sẽ tối, tế sẽ xong.

Chỉ nghe ồn ào hai bên hành lang

tranh nhau thịt tôi mỏng, thịt anh béo,

tranh nhau bánh bao của anh to, của tôi nhỏ,

Nhan Uyên người đức hạnh, thấy liền cười mĩm.

Tử Lộ người dũng cảm, thấy thì nóng lòng sốt ruột.”

Phu tử thì thở dài nói: “Ta cũng tuyệt lương ở nước Trần, nhưng không thấy nhiều người chết đói như thế này”.

                                                                        (Hài Tùng)

 

Suy tư 38:

        Thấy người ăn cơm, gắp thức ăn và cơm lia lịa thì người ta cho là ăn như thể chết đói lâu ngày; thấy mấy cô ca sĩ nhảy nhót trên khán đài áo quần củn cởn hở trước hở sau, thì mấy cụ già (trong đó có tôi) nói nhảy như khỉ mắc phong; thấy người có đạo siêng năng đi lễ nhưng hay chửi người mắng vật, thì người ta nói là đạo đức giả...

        “Miếng ăn là miếng tồi tàn”, ông bà chúng ta nói như thế để chứng tỏ rằng, ngày xưa ông bà chúng ta ăn uống rất có văn hoá và lịch sự.

        Học trò mà tham ăn thì sẽ bị coi là học trò dốt; học trò mà tóc tai bờm xờm thì người ta nói học trò lười biếng; học trò mà ham mê cờ bạc thì là học trò hư...

        Học trò là trí tuệ tương lai của đất nước, nhưng nếu học trò làm biếng học hành, ham hút xách hơn ham chữ nghĩa thì sẽ trở thành đại hoạ cho tương lai của đất nước hơn cả bệnh dịch truyền nhiễm; học trò là rường cột tương lai của tổ quốc, nhưng học trò ham ăn ham hút ham chơi bời hơn đến trường, thì rường cột tương lai của đất nước sẽ trở thành củi mục, mối mọt đục phá, tiền đồ tổ quốc sẽ rung rinh như nhà lá trước cơn gió mạnh...

        Chỉ có những ai đã là học trò của Đức Chúa Giê-su mới có thể trở thành học trò tốt của xã hội, và là rường cột chắc chắn của tổ quốc trong tương lai, bởi vì cuộc sống của họ được Lời Chúa hướng dẫn mỗi ngày từng giây phút.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Quan thứ nhì trong sáu bộ.

Thứ Hai, 13 tháng 3, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


37.   SINH QUÁ MUỘN

Lỗ công khi về già thì chết vợ, lấy vợ mới là cô gái tên Chúc thị.

Chúc thị dung mạo đẹp đẽ, do đó cùng với chồng tuổi tác chênh lệch nhau nên tâm tình ấm ức, cả ngày ủ rủ.

Lỗ công thấy như vậy bèn hỏi:

-      “Phải chẳng nàng oán ta vì tuổi tác cao ?”

Chúc thị đáp:

-       “Không phải”.

Lỗ công nói:

-         “Vậy thì có phải hận ta vì chức phận quá thấp ?”

Chúc thị trả lời:

-      “Không phải”.

Lỗ công nói:

-      “Vậy thì hà cớ gì mà nàng không vui vẻ ?”.

Chúc thị đáp:

-         “Không hận Lỗ lang tuổi tác lớn cũng không hận Lỗ lang chức quan nhỏ, chỉ hận là thiếp sinh ra quá muộn nên không nhìn thấy Lỗ lang lúc còn trẻ.”

                                                                        (Hài Tùng)

 

Suy tư 37:

        Đúng là miệng lưỡi của đàn bà con gái, không hận chồng vì tuổi tác cao hơn mình, nhưng hận vì mình sinh ra qúa muộn để nhìn thấy chồng lúc còn trẻ thì có khác gì nhau đâu, nói toạc ra là hận vì lấy ông chồng già cho rồi !

        Có những người Ki-tô hữu không hận Chúa, không ghét Mẹ, nhưng hận bà vợ ngày ngày cứ nói lên nói xuống một khi mình không đi lễ ngày chúa nhật ! Đúng là miệng lưỡi của người khô đạo.

        Con người ta gần sự thiện một chút thì tốt một chút, xa điều ác một chút thì biết làm một hai điều lành có ích lợi cho tha nhân, đó chính là hoa quả của Thánh Thần thúc đẩy cải biến đổi mới tâm hồn chúng ta, có điều là chúng ta có vui lòng đổi mới hay không mà thôi !

        Không hận vợ cứ “lãi nhãi” nhắc nhở mình đi dâng thánh lễ, cũng không ghét bạn bè vì chúng nó cứ “rủ” mình đi tham dự các lớp giáo lý, bởi vì bạn bè hay vợ con hay bất cứ người nào khác đều là công cụ của Thiên Chúa dùng để lôi kéo chúng ta ngày càng đến gần Ngài hơn, cho nên nói không hận Chúa không ghét Mẹ, mà chỉ hận vợ con bạn bè, thì chẳng khác gì hận và ghét Chúa vậy !!

Đúng là miệng lưỡi của người khô đạo...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)