Thứ Bảy, 9 tháng 8, 2014

Chúa nhật 19 thường niên


CHÚA NHẬT 19 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Mt 14, 22-33.
“Xin Ngài truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài”.

Anh chị em thân mến,
Đức tin của người Ki-tô hữu được thử thách từng giây từng phút trong cuộc sống, cũng như thánh Phê-rô, được ở với Đức Chúa Giê-su mà đức tin cũng bị lay chuyển khi đối diện với sự chết; cũng như các môn đệ khác khi thấy sóng to gió mạnh, nguy hiểm đến tính mạng thì vội vàng hoảng sợ dù có Đức Chúa Giê-su ở cạnh mình.

Thế gian là bể khổ khi tâm hồn con người vắng bóng Thiên Chúa, bởi vì nơi đâu có hoài nghi thì ở đó có sự bất an, nơi đâu có bất an thì ở đó có ghen ghét phát sinh, ghen ghét sinh ra thù hận, thù hận sinh ra bạo lực, bạo lực phát sinh chết chóc và gây tang thương cho mọi người, đó là hậu quả của sự vắng bóng Thiên Chúa vậy.

Người Ki-tô hữu sống giữa đời như đi trong bể khổ nếu tâm hồn chúng ta cứ nghĩ đến những lợi lộc do tiền tài mang lại, dù cho chúng ta mỗi chúa nhật đều có đi tham dự thánh lễ, bởi vì như thánh Phê-rô vẫn cứ sợ khi thấy gió thổi mạnh, và các môn đệ khác sợ hãi khi thấy sóng to gió lớn khi mà Đấng tạo dựng nên gió và sóng biển –Đức Chúa Giê-su- vẫn đang ở trong thuyền với các ông.

Có những người đời sống vật chất không thiếu gì nhưng họ vẫn cứ kết liễu đời mình bằng viên độc dược vô tri vô giác, bởi vì tâm hồn họ thiếu vắng bình an của Thiên Chúa, bởi vì tiền bạc không mua được sự bình an của Thiên Chúa, nên dù cho có tất cả mọi sự trên thế gian thì cũng vô ích mà thôi...

Thế gian là nơi biển cả mát mẻ cho người đợi chờ Thiên Chúa đến nếu trong tâm hồn chúng ta có Thiên Chúa, có bình an của Ngài, tức là chúng ta biết trông cậy vào ơn của Thiên Chúa ban cho khi gặp thử thách; có rất nhiều người dù thiếu thốn vật chất nhưng họ vẫn cứ sống an vui mà không than trách Thiên Chúa, không tìm cách để thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ của mình, bởi vì họ biết giá trị của hy sinh, của thử thách là cao quý hơn tất cả mọi thứ ở trần gian này.

“Thưa Ngài, xin cứu con với” là lời cầu cứu khẩn thiết của thánh Phê-rô khi gặp cơn hoạn nạn, đây cũng là lời cầu cứu rất có giá trị trước mặt Thiên Chúa, vì nó bày tỏ một tâm hồn khiêm tốn, yếu đuối và tin tưởng, chính Thiên Chúa sẽ giơ tay cứu vớt và nâng đỡ những ai ngày đêm cầu Ngài cứu giúp, và như thế họ đang ngụp lặn trong biển đời thấm mát tình yêu của Thiên Chúa.

Anh chị em thân mến,
Một tâm hồn vắng bóng Thiên Chúa thì cuộc sống của họ như thuyền không lái, lênh đênh trôi giạt trên biển đời rộng đầy những cạm bẩy của quỷ ma. Chỉ có người kiêu ngạo mới tự hào cho mình sống mà không cần đến Thiên Chúa, mà những người kiêu ngạo thì tâm hồn của họ đã thật sự vắng bóng Thiên Chúa rồi.

Mỗi ngày chúng ta đều tham dự thánh lễ và kết hợp với Đức Chúa Giê-su Thánh Thể khi rước lễ, nhưng đừng tưởng đó là an toàn mà coi thường ma quỷ, bởi vì cũng như các tông đồ xưa kia, ở bên Đức Chúa Giê-su và cùng đồng bàn với Ngài, nhưng vẫn cứ sa chước cám dỗ, vẫn cứ yếu đức tin, vẫn cứ nghe theo cái tôi của mình hơn là mạnh dạn khước từ cám dỗ...


Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Thứ Năm, 7 tháng 8, 2014

Kiêng kỵ của Liễu Miện


KIÊNG KỊ CỦA LIỄU MIỆN

Tính nết của tú tài Liễu Miện có nhiều điều kiêng kị.
Lúc đi thi, khi cùng bạn bè đồng lứa trò chuyện, hể ai mà nói chữ gì mà đồng nghĩa với chữ “rớt”, thì anh ta sẽ nổi giận to tiếng trách mắng. Đầy tớ mà sai lỗi thì thường thường bị anh ta đánh, anh ta tự mình thường hay lấy chữ “an lạc” nói thành chữ “an khang”.
Lúc nghe tin đã niêm yết danh sách trúng cử, thì lập tức anh ta sai đầy tớ đi xem, một lúc sau đầy tớ trở về. Liễu Miện hỏi:
-      “Ta có trúng (đỗ, đậu) không ?”
Đầy tớ trả lời:
-      “Tú tài đã “an khang” rồi ạ !”
                                      (Thuẩn Trai Nhàn Hiền)

Suy tư:
     Người Việt Nam ta, vì ảnh hưởng đến người Trung Quốc nên có nhiều điều kiêng kị trong cuộc sống, chẳng hạn như thấy một em bé dễ thương kháu khỉnh mà khen nó đẹp là bị trách mắng, bởi vì người ta sợ “bà mụ” bắt đi (!), hoặc trước khi đi thi thì ăn chè đậu để được “đậu”, hoặc là đi đường thì tránh nói đến những chữ xui xẻo như, lật xe, chết.v.v...và con người ta rất là “chăm chỉ” tuân giữ các điều kiêng kị ấy.
     Trong đời sống tâm linh của người Công Giáo cũng có những điều “kiêng kị”, những điều kiêng kị này là do Đức Chúa Giê-su và Giáo Hội của Ngài dạy bảo: chớ giết người, chớ gian dâm, chớ ăn cắp ăn trộm của người, chớ nói hành nói xấu người khác, chớ tham lam, chớ nói tục chửi thề, chớ ngoại tình, chớ thờ bụt thần ma quỷ.v.v... tất cả những cái “chớ” ấy đều là những điều “kiêng kị” của người Ki-tô hữu và của những người luôn sống theo lương tâm của mình.
     Nhưng trong thực tế thì có rất nhiều người Ki-tô hữu đã thích những cái “chớ” ấy, họ vẫn gian dâm, vẫn trộm cắp, vẫn nói hành nói xấu người khác, vẫn tham lam của người, vẫn kiêu ngạo, vẫn tin bụt thần và những điều kiêng kị khác mà Chúa Giê-su và Hội Thánh đã dạy, trong số những người thích những điều “kiêng kị” ấy có cả tôi, là linh mục, cả anh là tu sĩ, cả chị là nữ tu, là những người được Thiên Chúa chọn để rao giảng những việc lành thánh của Ngài cho mọi người, chứ không phải được chọn để truyền bá những điều “kiêng kị” ấy cho mọi người.

     Tôi đã ý thức được điều ấy chưa khi rao giảng Tin Mừng cứu độ của Thiên Chúa cho mọi người ?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư 

Nề nếp xưa nay


NỀ NẾP XƯA NAY

Quan trung lang Dương Thục Hiền, nghe nói có tân thái thú cỡi ngựa đến nhậm chức, bèn mời đội nhạc đến tấu nhạc đón chào, nhạc thơ ca ngợi như sau:
-         “Để báo đáp quan sứ, dân chúng yêu cầu làm lễ mừng thật lớn, bởi vì vận xấu đã qua, vận tốt đã đến”.
Tân thái thú rất vui mừng, hỏi bài thơ ca tụng ấy ai làm, các nhạc công trả lời:
-         “Đó là nề nếp xưa nay của huyện nhà, chỉ một bài này !”
                                     (Tương Sơn Dã lục)

Suy tư:
     Đón chào người mới đến nhận chức là việc làm “nề nếp” xưa nay của mọi người, nhất là người đó lại là cấp trên, là thủ trưởng.
     Thường thì có những nghi thức rất rầm rộ để đón chào những nhân vật quan trọng, đó chính là “nề nếp” xưa nay của nhân loại. Dù cho anh thích hay không thích người mới tới nhậm chức, thì anh cũng phải tuân theo nề nếp mà cung nghinh họ, đó là chuyện thường tình ở đời, cái thường tình chính là chúng ta dùng những cái nề nếp cũ ấy để đón tiếp người mới, nhưng trong cái thường tình ấy lại có cái mới chính là nội dung của nó, cũng như ăn sáng, ăn trưa, ăn tối là nề nếp cũ, nhưng thức ăn thì thay đổi mỗi ngày.
Thánh lễ Mi-sa nhìn bên ngoài thì là những nề nếp cũ, người ngoại giáo thì cho là nề nếp cũ, người công giáo thờ ơ thì cho là nề nếp cũ, người nhạo báng Thiên Chúa thì cho là nề nếp cũ, người hay phê bình chỉ trích giáo hội, chỉ trích các nghi lễ của Giáo Hội cũng cho thánh lễ là nề nếp cũ cần phải sửa đổi.vv...
Ai cũng có lý của họ khi nói thánh lễ là nề nếp cũ.
Nhưng những Ki-tô hữu có-đức-tin thì thấy cái mới trong cái cũ ấy, đó chính là ân sủng của Thiên Chúa, và cái mới nhất chính là cuộc sống của họ đổi thay mỗi ngày trong tình yêu của Chúa khi họ đi dâng thánh lễ, họ thấy cái mới trong cái “nề nếp” cũ của thánh lễ là ở đó, do đó mà họ không hề chỉ trích thánh lễ là cũ rích, họ không phê bình thánh lễ là nhàm chán, là lỗi thời.

Có những lần trong cuộc sống, chúng ta đã coi trọng cái “nề nếp” bên ngoài của thánh lễ, mà không nhìn thấy cái mới bên trong rất đặc biệt của nó, đó chính là những ân huệ mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta trong thánh lễ. Cái nề nếp cũ của thánh lễ đầu tiên cách đây hơn hai ngàn năm trên đồi Can-vê ấy, ngày hôm nay vẫn cứ mới và mới mỗi ngày, chúng ta không nhìn thấy hay sao ? Nếu chúng ta không thấy nó mới là vì tâm hồn của chúng ta vẫn cứ theo “nề nếp” cũ của cố chấp, của kiêu ngạo, của ghen ghét mà thôi.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư 

Anh em nói dối

    


  ANH EM NÓI DỐI
Ngày xưa có hai anh em thường hay nói dối, khiến cho ai cũng ghét.
Một hôm người anh nói với đứa em:
-         “Em và anh cần phải nhảy xuống trong hồ nước sạch, rửa đi sự nói dối, mới có thể làm người được”.
Thế là người anh sau khi ngầm giấu một miếng thịt bò trong áo liền nhảy xuống hồ trước, thời gian không bao lâu liền bò lên bờ, nhai nhai cái gì trong miệng.
Đứa em hỏi:
-      “Anh ăn gì vậy ?”
Người anh trả lời:
-         “Anh vừa mới xuống thủy phủ, vừa đúng lúc long vương đãi tiệc mừng thọ nên cho anh một miếng (thịt) ngực của con bò”.
Đứa em vội vàng nhảy xuống hồ, không ngờ đụng phải tảng đá, đầu tét máu chảy. Người anh hỏi tại sao, đứa em nói với anh:
-         “Anh ăn no mà tôi chịu khổ, anh lừa bịp để tôi ăn cắp miếng ngực bò; đúng là nói dối thì gây ra ác báo, đáng bổ một búa vào đầu.”                                 (Sự Lâm Quảng ký)

Suy tư:
     Câu nói của đứa anh đáng để cho chúng ta nhớ đời: “Em và anh cần phải nhảy xuống trong hồ nước sạch, rửa đi sự nói dối, mới mong làm người được”, câu nói rất hay và rất đáng khâm phục, một câu nói mà ai nghe cũng phải cảm động, và rất dễ dàng bỏ qua những lỗi lầm của họ. Thế nhưng, nói và hành lại không đi đôi với nhau, nói xong liền thực hành theo sự dối trá cố hữu của mình là lừa dối em mình.
     Đời sống của chúng ta cũng như đứa anh trong câu chuyện tiếu lâm trên đây, lời nói và thực hành có những lúc không đi đôi với nhau.
Có người thường hay đi khuyên bảo người khác trở về với nhà thờ, mau mau đi xưng tội trong mùa chay, nhưng bản thân của họ thì vẫn chứng nào tật ấy, vẫn nói hành nói xấu người kia kẻ nọ, họ vẫn cứ tự cho mính là mẫu mực của những người tội lỗi và đi khuyên bảo người khác, nhìn thấy những khuyết điểm nhỏ nhặt của anh em, nhưng lại không thấy những cái xà to tổ bố của mình.
     “Em và anh cùng nhảy xuống trong hồ nước sạch để rửa đi sự nói dối”, em và anh cũng có nghĩa là chúng ta, ai cũng có trách nhiệm với Chúa và với người khác về những thói hư tật xấu của mình, cho nên chúng ta cần phải thay đổi cách sống của mình cho phù hợp với tinh thần Phúc Âm.

Không ai có thể tự mình nên thánh nhưng phải nhờ ơn Chúa trợ giúp, do đó mà mọi người Ki-tô hữu đều có sự liên đới với nhau trong cùng một phép Rửa và một tấm bánh, đó chính là Mình Máu Thánh Đức Chúa Giê-su. Khi chúng ta “cùng nhau nhảy xuống hồ nước sạch để rửa đi sự nói dối” là chúng ta đã cùng với anh chị em chấp nhận nhận nhau trong đức ái, để cùng nhau trở nên những người làm chứng cho sự thật, sự thật đó chính là đời sống siêu việt của người Ki-tô hữu là Tin và sống theo niềm tin của mình.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư