Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2024

Chúa nhật 4 phục sinh

 


CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH

(Ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu)

Tin Mừng : Ga 10, 11-18
“Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình vì đàn chiên”.

Anh chị em thân mến,
Hôm nay chúa nhật thứ tư Phục Sinh, là ngày mà Giáo Hội mời gọi chúng ta cầu nguyện cách chung cho hàng giáo phẩm của Giáo Hội, và cách riêng cho ơn thiên triệu, tức là cầu nguyện cho có nhiều tâm hồn nhiệt thành đáp lại lời mời gọi của Chúa làm linh mục và tu sĩ, để rao giảng Tin Mừng Nước Trời cho mọi người.

1. Ơn thiên triệu là hạt giống của Nước Trời.
Hạt giống siêu nhiên chính là Lời Chúa gieo vào tâm hồn của chúng ta, tâm hồn chính là mảnh đất, nhưng tốt xấu là tuỳ mỗi người, và Lời Chúa được tiêu hoá biến đổi tâm hồn người đón nhận nó: có người thì trở nên thánh tử đạo, có người trở nên vị ẩn tu, có người trở nên người cha người mẹ gương mẫu đạo đức trong gia đình; lại có người được Lời Chúa biến đổi để trở nên những thợ gặt truyền giáo của Ngài trong ơn gọi làm linh mục và tu sĩ.
Ơn gọi làm linh mục cũng như ơn gọi làm tu sĩ là một sự tuyển chọn độc quyền mà Thiên Chúa chỉ dành cho mình, Ngài không đem quyền này ban lại cho ai, nhưng Ngài sẽ trao ban cho các mục tử của Giáo Hội Công Giáo, để Giáo Hội tuyển chọn những ai thành tâm tự nguyện đáp lại lời gọi của Thiên Chúa hiến dâng cuộc sống của mình để rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và ban ơn để họ chu toàn trách nhiệm và bổn phận của mình.
Trong thực tế, chúng ta thấy có rất nhiều người vào chủng viện, vào dòng tu, nhưng rất ít người bền đổ đến cùng, và rồi có một số linh mục tu sĩ lại “đứt gánh nửa đường” cởi áo dòng tu trở về với cuộc sống đời thường của một giáo dân, phải chăng Thiên Chúa đã lầm khi chọn họ ? Phải chăng Thiên Chúa đã làm một công việc rất là “mất uy tín” cho mình khi có nhiều người được chọn đã bỏ ra đi ?
Thiên Chúa không sai lầm khi chọn các linh mục và tu sĩ, nhưng chính những người được chọn đã sai lầm trong khi đáp trả lại tình yêu thương của Thiên Chúa đối với họ, những người này Thiên Chúa không bắt cóc bỏ dĩa, có nghĩa là Ngài không đột xuất ép buộc họ lập tức trở thành linh mục hay trở thành một tu sĩ ngay, nhưng qua một thời gian dài đăng đẳng, Ngài để họ sống trong một môi trường thuận lợi để được huấn luyện trở thành những thợ gặt nhiệt thành, với nhiều thử thách, với nhiều hồng ân để họ nhận ra rằng chính mình được Thiên Chúa tuyển chọn, và chính họ, tự thâm tâm đều biết rằng: Thiên Chúa quá yêu thương họ hơn bất cứ người nào. Nhưng vì thế gian, vì cám dỗ, vì không đề cao cảnh giác trước cám dỗ, và nhất là vì không cầu nguyện, nên họ đã –có thể nói- coi thường tình thương của Chúa đối với họ, và khi họ đã hoàn tục trở nên cuộc sống khác, thì tự lương tâm họ vẫn thấy hối hận và day dứt... Chúng ta cầu nguyện cho họ được bằng an.

2. Đức Chúa Giê-su, mục tử của các mục tử.
Trước hết Ngài là một vị mục tử nhân lành, cái nhân lành vĩ đại nhất mà chúng ta thấy được nơi Ngài, đó là sự chọn lựa các mục tử –các linh mục- những người bất toàn, tội lỗi để nối tiếp công việc chăm nom đoàn chiên của Ngài, Ngài nhân lành đến độ có những mục tử đã làm “mất uy tín” của Ngài, nhưng Ngài vẫn yêu thương và nói được là vâng lời họ, khi họ cử hành thánh lễ và các bí tích vì ích lợi của đàn chiên.
Đây là một mẫu gương về sự nhân lành của một mục tử là yêu thương và chăm sóc, chữa lành và tha thứ, để trong khi thi hành sứ mệnh của một mục tử, các linh mục của Chúa cũng biết trãi rộng tâm hồn của mình trên đàn chiên của các ngài.
Đức Chúa Giê-su là một mục tử rất tận tuỵ vì đàn chiên, Ngài đã bôn ba khắp miền Ga-li-lê và vùng lân cận để rao giảng Tin Mừng, để chữa lành, để an ủi để tìm kiếm những người tội lỗi, Ngài muốn mỗi mục tử của Ngài là các linh mục cũng biết tận tụy, hi sinh vì đàn chiên của mình...
Anh chị em thân mến,
Có rất nhiều vị mục tử của chúng ta đã hết lòng vì đàn chiên, các ngài không quản ngại mưa gió đêm hôm để đi đến với giáo dân và ban các bí tích sau cùng cho họ; các ngài không ngại hy sinh, có khi bị nhục nhã, bị vu khống, bị bắt bớ, để đi đến với giáo dân đã rời khỏi đàn chiên, do đó mà các ngài rất cần đến lời cầu nguyện và hy sinh của chúng ta.
Trong thánh lễ này, chúng ta đặc biệt cầu cho các cha sở là những vị mục tử đã sống chết vì đàn chiên vì Giáo Hội, chúng ta cũng cầu nguyện cho các tu sĩ nam nữ, họ cũng chính là những môn đệ của Chúa, là những cánh tay đắc lực giúp đỡ Giáo Hội và các linh mục trong ơn gọi của họ. Chúng ta cũng cầu nguyện cho các thanh niên nam nữ biết hăng hái, mau mắn đáp trả lại lời mời gọi của Thiên Chúa, để họ cũng trở nên những tông đồ nhiệt thành phục vụ Chúa trong xã hội hôm nay trong ơn gọi tu trì của mình.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
-----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://www.nhantai.info

Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


61.      NHẬN GÁI ĐĨ LÀM MẸ

       trong tỉnh Phúc Kiến có một cô gái làm đĩ, mặc dù dung mạo không còn sắc sảo như trước, nhưng vẫn còn mấy phần nhan sắc, nhưng tìm nơi để kiếm chồng thì hình như không được như ý.

Lại có một con trai của người Phúc Kiến, từ nhỏ đã tiến cung làm hoạn quan, nghe nói mẹ ở Thượng Kiến bèn sai người đi mời mẹ đến đoàn tụ.

Bà mẹ rất phấn khởi đi đến đợi ngoài cung, hoạn quan vừa nhìn thấy mẹ mình tuổi đã lớn, dung mạo khó coi, bèn nói với người hầu:

-      “Đây không phải là mẹ của ta, mẹ của ta làm gì mà xấu như xạ xoa thế này ?”

Nói xong thì nghênh ngang bỏ đi.

Sau đó, người hầu thấy ông ta ham hư vinh, bèn đến Phúc Kiến tìm kiếm người phụ nữ đẹp, thì tìm được gái đĩ ấy và đem về cung. Quả nhiên tên hoạn quan bái kiến nhận gái đĩ làm mẹ mình.

                                                                  (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 61 :

        Người ta có thể nhận giặc làm mẹ vì hiểu lầm chứ không ai nhận đĩ làm mẹ, nhưng trên cõi đời này không có chuyện gì mà không xảy ra, cho nên chuyện nhận đĩ làm mẹ thì cũng có thật.

        Chuyện tên hoạn quan vì thích hư vinh mà nhận gái đĩ làm mẹ, cũng giống như chuyện người Ki-tô hữu vì tham lam những sự thế gian mà nhận ma quỷ làm chúa, làm cha mẹ của mình vậy. Họ là những người con cái của Thiên Chúa nhưng đã phủ nhận Ngài là cha của mình, họ là những người môn đệ của Đức Chúa Giê-su nhưng tự nhận mình là đệ tử của ma quỷ, khi họ đã vì hư vinh mà chối bỏ ân sủng của bí tích Rửa Tội là nguồi mạch mọi ân sủng của Thiên Chúa...

        Thời nay hình như không ai nhận gái đĩ làm mẹ vì khoa học ngày càng tiến bộ để xác minh lý lịch, nhưng thời nay vẫn còn có rất nhiều người mang danh Ki-tô hữu vui lòng nhận ma quỷ là phụ mẫu của mình, họ không cậy nhờ đến ân sủng của Thiên Chúa để “xác minh lý lịch” thiêng liêng của mình, nhưng lại dựa vào sự dối gạt danh vọng phù phiếm của ma quỷ để làm cho mình trở thành con cái của nó.

        Thảm hại thay !


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Năm, 18 tháng 4, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


60.      TƯỞNG LẦM MÀ KHÔNG LẦM

Vào thời Minh Mục Tông, vợ của quận Thiệu Hưng là quận hầu Sầm mang thai sắp lâm bồn.

Một hôm, quận hầu Sầm đi ra khỏi nhà, có người đi bộ né không kịp nên tông vào ông ta và thế là bị trói đem vào trong phủ.

Quận hầu Sầm hỏi:

-      “Mày làm việc gì ?”

Đáp:

-      “Coi tướng số”.

Quận hầu Sầm hào hứng lên bèn hỏi:

-      “Vợ của ta có thai, là “lộng chương hay là lộng ngõa”[1].

Người tướng số không hiểu “lộng chương lộng ngõa” là gì nên trả lời cách hồ đồ:

-      “Chương cũng lộng, ngõa cũng lộng”.

Quận hầu Sầm giận dữ nặng lời chỉ trích người coi tướng bất tài. Không đầy mấy ngày sau, vợ của ông ta sinh đôi một trai và một gái, người coi tướng nổi danh từ đó, được vinh dự là “coi tướng như thần”.

                                                                  (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 60 :

        Có những lời nói đoán mò nhưng lại đúng vào thời điểm nên được gọi là “coi tướng như thần”; có những lời nói đúng nhưng sai thời điểm nên bị coi là kẻ phá hoại. Con người ta thường hay phán đoán theo tình cảm cá nhân chứ ít khi phán đoán theo tinh thần Phúc Âm của Đức Chúa Giê-su.

        Sinh con trai hay con gái thì thời nay khoa học đều có thể biết vì có máy siêu âm, nhưng để biết tính tình của con tốt hay xấu thì chỉ có...trời mới biết được.

        Thời nay người ta cậy vào sự tiến bộ khoa học của y khoa để giết con mình: mình thích con trai nhưng siêu âm thấy bào thai là con gái thì giết nó ngay trong bụng mẹ, gọi là phá thai, hoặc nếu không thích con trai nhưng bào thai là con trai thì giết đi, tất cả hành động này được gọi là tàn nhẫn vô nhân đạo và cha mẹ sẽ chịu tất cả những hậu quả trước mặt Thiên Chúa ngay đời này và đời sau, bởi vì con cái (con trai hay con gái) đều là món quà vô giá mà Thiên Chúa đã ban tặng cho cha mẹ...

        Sinh con trai hay sinh con gái đều do Thiên Chúa chứ không phải do cha mẹ muốn, bởi vì Ngài biết gia đình này cần con trai hơn con gái, hoặc cần con gái hơn con trai, nhưng giết con từ trong bào thai là ý muốn của cha mẹ, bởi vì cha mẹ chỉ biết theo ý riêng của mình mà không nhìn thấy thánh ý của Thiên Chúa qua con cái của mình, cho nên trên thế gian hằng ngày vẫn có rất nhiều nhiều thai nhi bị giết chính tay cha mẹ ruột của mình.

        Điều răn thứ năm của Thiên Chúa: chớ giết người.

        Nhưng cha mẹ lại đi giết con ruột vì tính ích kỷ của mình, đó là hành động của kẻ sát nhân hơn mọi kẻ sát nhân.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] “Lộng chương” “lộng ngõa” ý nghĩa là “sinh con trai” “sinh con gái”.

Thứ Tư, 17 tháng 4, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 

59.      NHÁT GAN TƯỞNG LÀ HĂNG HÁI

Trương Lượng đi xuống thành Kiến An, đột nhiên có binh lính Cao Lệ xuống chém giết.

Trương Lượng lâu nay là người nhát gan, nay thấy việc như thế thì sợ hãi nói không ra lời, chỉ có ngẫn người ra ngồi lì trên ghế.

Tướng sĩ thấy tình trạng như thế thì cho rằng Trương Lượng đã có dự kiến nên không mảy may sợ hãi, nên phấn chấn đánh nhau với quân Cao Lệ, cuối cùng thì binh Cao Lệ đại bại và rút lui, tướng sĩ trở về kiệu báo cáo với Trương Lượng, ông ta vẫn ngồi trên ghế hai chân duỗi thẳng run cầm cập !

                                                                  (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 59 :

        Nếu Trương Lượng run cầm cập bỏ chạy thì quân lính đã bị thua thảm hại, nhưng vì quá sợ không dám chạy nên đã làm cho tướng sĩ có cái nhìn tốt về ông mà hăng hái đánh nhau chuyển bại thành thắng...Có người rất nhát gan nhưng vẫn làm bộ không sợ hãi nên đã vượt qua thử thách, có người can đảm hăng hái nhưng hay tính toán hơn thiệt nên trở thành nhát gan và thua thảm hại.

        Nhưng trong đời sống tinh thần tu đức của người Ki-tô hữu thì không như thế, có người bình thường thì rất sợ nhậu nhẹt rượu chè, đĩ điếm, gái trai, nhưng vì sợ bạn bè cười nhạo là cù lần, là quê mùa nên đã trở thành “hăng hái” tham gia mọi việc không nên tham gia ấy, họ sợ bạn bè cười nhạo hơn là sợ mất ơn nghĩa với Thiên Chúa, cho nên họ đã thua trận trước cám dỗ...

        Sợ hãi trước những cám dỗ là chuyện nên có, nhưng đừng vì sợ hãi để rồi nghe theo bạn bè xấu để trở nên hăng hái làm chuyện xấu xa. Đó là chuyện không bao giờ xảy ra cho người Ki-tô hữu.

        Sợ hãi vì những cám dỗ là chuyện thường có đối với những tâm hồn ngay thẳng yêu mến Thiên Chúa, nhưng cám dỗ là thước đo “trình độ” yêu mến của mình đồi với Thiên Chúa và tha nhân trong cuộc sống đời thường...

 Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

-

Thứ Ba, 16 tháng 4, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


58.      NỖI OAN THẠCH SÙNG

Thạch sùng và thằn lằn có vài điểm giống nhau, nhưng chúng nó là hai loại động vật khác nhau.

Tục gọi thằn lằn và rồng là thông gia nên có thể cầu cứu làm mưa.

Vào thời Tống Thần Tông, năm nọ trời hạn hán nên phải cầu mưa, nhưng tìm không thấy thằn lằn nên có người bắt thạch sùng để thay thế và đem bỏ vào trong chậu nước để trẻ em cầm cành liễu cầu nguyện, có một em bé biết như thế liền niệm:

-      “Oan khổ oan khổ, tôi là thạch sùng, tối sầm như ông (ám chỉ đến ông quan chủ trì cầu mưa) cầu làm sao được mưa ngọt chứ ?”

                                                                  (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 58 :

        Ở đời có những cái nhìn thì giống nhau nhưng khác nhau, như con thằn lằn và con thạch sùng, như con ba ba và con rùa, như con mực và con bạch tuột, như hai anh em sinh đôi...

        Ở đời cũng có những cái khác nhau nhưng lại giống nhau, như các dòng tu nam nữ tuy khác nhau nhưng lại giống nhau về ba lời khấn tức là ba lời khuyên của Phúc Âm, như các linh mục triều và linh mục dòng dù là khác nhau nhưng thiên chức linh mục vẫn giống nhau, như người Ki-tô hữu dù là khác nhau về dân tộc sắc tộc màu da hay quốc tịch, thì họ vẫn là người Ki-tô hữu được trở nên con Thiên Chúa qua bí tích Rửa Tội...

        Cái giống nhau nhưng khác nhau thường làm cho con người ta bị hiểu lầm, vì ai cũng thích nhìn cái dáng vẽ bên ngoài để phán đoán và để dò xét nhau; trái lại, cái khác nhau nhưng lại giống nhau thì thường làm cho người khác để ý hơn và thích thú hơn, vì họ khám phá ra những chỗ tương đồng trong đời sống khác biệt của nhau, đó chính là tình yêu của Thiên Chúa thôi thúc họ sống yêu thương và phục vụ nhau trong tình yêu của Đức Chúa Giê-su, cái dáng vẽ bên ngoài khác nhau thì không quan trọng nếu trong tâm của chúng ta có chữ Yêu của Thiên Chúa.

        Nỗi oan của thạch sùng không có gì là ghê gớm vì bên ngoài nó giống thằn lằn, nhưng nỗi oan của người Ki-tô hữu mới là đáng nể hơn, vì chính họ đang trở nên giống Đức Chúa Giê-su hơn khi bị người đời bắt bớ, đánh đập, trù dập và giết chết...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Hai, 15 tháng 4, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện



57.      THIẾU TÀI VÔ ĐỨC

Thượng thư hữu bộc xạ Hà Kính Dung không biết viết kiểu chữ thảo, khi ký tên thì đem chữ “cẩu” trong chữ “kính” viết thật lớn, nhưng chữ “phụ” thì viết rất nhỏ; lúc viết chữ “dung” thì đem chữ “phụ” viết rất lớn và viết chữ “khẩu” rất nhỏ, họ Lục cười nhạo nói:

-      “‘Cẩu’ viết rất lớn, ‘phụ’ cũng không nhỏ”.

Hà Kính Dung nghe được thì cười mếu máo...

                                                                        (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 57 :

        Có những người thiếu tài nhưng lại có đức, đó là người hiền lành; có những người vô đức nhưng lại có tài, người ta thường gọi họ là kẻ gian ác hay gian ngoa, bởi vì thà có đức mà thiếu tài hơn là có tài mà vô đức...

Tài và đức là hai báu vật mà Thiên Chúa đã ban tặng cho con người, mà ai là người biết nâng niu gìn giữ và phát triển nó, thì là người đem lại hạnh phúc cho bản thân và cho tha nhân.

Tài năng không phải tự nhiên mà có, nhưng nhờ vào học hành và trau dồi tập luyện liên lĩ trong cuộc sống hằng ngày với tinh thần cầu tiến, nó như lưỡi dao càng mài càng sắc bén; đạo đức cũng không phải tự nhiên mà có, nhưng cần phải va chạm trong thực tế, phải cọ xát với nhiều tình cảnh éo le khổ não, và từ đó mới chắt lọc ra được những ưu khuyết điểm của mình cũng như của tha nhân để thông cảm và tha thứ, đó là đạo đức của những người biết nhìn thấy Đức Chúa Giê-su nơi mỗi con người. Nhưng dù là tài năng hay đạo đức thì cũng luôn cần pbải có ơn của Thiên Chúa giúp đỡ, cậy vào Ngài thì cái tài năng mới giúp ích cho mọi người, đạo đức mới trở nên lực hấp dẫn người khác đến với Thiên Chúa.

Chỉ có người Ki-tô hữu mới biết được như thế và làm như thế mà thôi, vì thầy dạy họ chính là Chúa Thánh Thần vậy.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


56.      ÔNG TÚC XÔNG VÀO NHÀ

Người Phúc Kiến châu Giang là thái thú Ông Túc, tuổi tác cao nên hồ đồ, cấp trên phái mấy người trẻ đến để thay thế cho ông ta.

Một hôm, tân thái thú đến, bàn giao mọi thủ tục xong, nhưng Ông Túc vẫn ngồi ở vị trí chủ nhân, tân thái thú vừa mới đến cũng không nỡ so bì.

Một lúc sau thì đứng lên đi về nhà ở, Ông Túc cũng đi thẳng về nội phủ của quan, tân thái thú vội vàng chặn lại nói:

-      “Việc này thì không được, việc này thì không được”.

                                                                  (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 56 :

        Tham quyền cố vị là cái tật xấu của con người, là cái tham lam của con người, bởi vì không ai có thể đứng vững trước cám dỗ của quyền lực chức vị nếu không có ơn Thiên Chúa giúp.

        Biết mình lớn tuổi phải về hưu nhưng vẫn cứ bám vào cái địa vị đã bàn giao cho người khác, đó là một chứng cớ để tố cáo mình là người tham quyền cố vị, và là mầm mống của sự phân chia bè phái trong nội bộ trong cộng đoàn bây giờ và sau này.

Việc gì cũng có giới hạn của nó, nhưng sự tham lam thì không bao giờ có giới hạn trong cuộc sống của con người : tham lam làm cho con người ta mất dần sự khôn ngoan, tham lam làm cho người hiền lành trở thành kẻ cộc cằn, tham lam làm cho người độc ác thêm ác độc, tham lam làm cho người thông minh trở thành kẻ xảo quyệt, làm cho người thân thành kẻ xa lạ, làm cho bạn bè trở thành kẻ thù và tham lam làm cho kẻ anh minh thành kẻ hồ đồ...

Tất cả mọi người Ki-tô hữu đều tin rằng quyền uy chức vụ đều để dành cho người có tài đức, cho nên họ sẵn sàng từ bỏ chức vụ khi thấy mình không còn làm được, chứ không tham lam cố giữ cho bằng được nó, đó chính là sự khôn ngoan của con cái Thiên Chúa vậy.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)